Phật Thuyết Kinh Tội Phúc Báo ứng

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:03 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư An Thế Cao, Hậu Hán

PHẬT THUYẾT

KINH TỘI PHÚC BÁO ỨNG

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

An Thế Cao, Đời Hậu Hán  

Chính tôi được nghe, một thời kia Đức Phật ở trong Tịnh Xá họ Thích, nước Ca Duy La Vệ, cùng với một nghìn hai trăm năm mươi vị Tỳ Kheo.

Với bản nguyện cúng trai của các Đàn Việt trong tháng chín, nhất thời trọn đủ, Đức Phật từ trong Thiền Thất bước ra, đi đến rặng cây của ông Kỳ Đà trong khu vườn của ông Cấp Cô Độc nước Xá Vệ. Khi Ngài tới giữa ranh giới hai nước, chỗ ấy có một cây rất lớn, tên là Ni Câu Loại. Cây ấy cao một trăm hai mươi dặm.

Khoảng vuông tròn của cành, lá cây ấy che rợp chừng sáu mươi dặm. Quả trên cây ấy chừng vài vạn hộc, những quả này ăn vào mùi thơm, ngọt như mật. Nhất là những quả chín rụng xuống, nhân dân nhặt ăn, mọi bệnh đều khỏi và con mắt tinh sáng.

Bấy giờ, Đức Phật ngồi nghỉ dưới gốc cây, các vị Tỳ Kheo đi hái quả ăn, Đức Phật bảo Tôn Giả A Nan: Ta xem trời, đất, muôn vật đều có túc duyên cả!

Tôn Giả A Nan nghe Đức Phật nói thế, liền tới trước, làm lễ Phật, quỳ xuống và bạch Phật rằng: Lạy Đức Thế Tôn, Ngài vừa nói về hai chữ túc duyên, vậy những gì là túc duyên?

Nay đệ tử chúng con muốn được nghe về những túc duyên ấy, kính mong Đức Thế Tôn diễn nói đầy đủ cho chúng con được biết và để khai hóa cho những người chưa được nghe bao giờ.

Đức Phật dạy Tôn Giả A Nan: Quý hóa thay! Quý hóa thay! Các ông muốn nghe những túc duyên ấy, các ông hãy nhất tâm, lắng nghe cho kỹ!

Đức Phật bảo Tôn Giả A Nan: Người ta làm phúc cũng ví như cây này. Cây này bản nhiên giống của nó chỉ có một hạt, dần dần lớn lên, hái quả vô hạn. Hiện nay những người hào quý như Quốc Vương, Trưởng giả, là từ trong chỗ chăm lễ Phật, thừa sự Tam Bảo trước đây mà được.

Hiện nay những người đại phú, của cải vô hạn, là từ trong chỗ chăm làm hạnh bố thí trước đây mà được.

Hiện nay những người trường thọ, không có tật bệnh, thân thể cường tráng, là từ tinh tấn trì giới trước đây mà được.

Hiện nay những người đoan chính, nhan sắc tốt đẹp, dáng dấp sáng sủa đệ nhất, thân thể mềm mại, hơi miệng thơm sạch, người ta trông thấy tư dung, không ai là không hoan hỷ, trông không chán mắt, là từ trong chỗ chăm làm hạnh nhẫn nhục trước đây mà được.

Hiện nay những người tu tập, không hay trễ biếng, ham làm phúc đức, là từ trong chỗ chăm làm hạnh tinh tiến trước đây mà được.

Hiện nay những người an nhàn, thư thái, lời nói, việc làm xét thực, là từ trong chỗ chăm làm hạnh thiền định trước đây mà được.

Hiện nay những người tài năng minh mẫn, hiểu thấu pháp sâu xa, tán thán nghĩa nhiệm mầu, khai ngộ người tối tăm, người ta nghe thấy lời nói của họ, không ai là không thăm hỏi, tín thọ, tuyên truyền và tin dùng như trân bảo, là từ trong chỗ chăm tu hạnh trí tuệ mà được.

Hiện nay những người giọng tiếng trong trẻo, là từ trong chỗ ca vịnh công đức Tam Bảo trước đây mà được.

Hiện nay những người trong sạch không có tật bệnh, là từ trong chỗ từ tâm trước đây mà được.

Khi ấy, Tôn Giả A Nan bạch Phật rằng: Lạy Đức Thế Tôn, thế nào gọi là từ tâm?

Đức Phật bảo Tôn Giả A Nan:

Một là, có tâm hiền lành đối với chúng sinh như mẹ yêu con.

Hai là, có tâm thương xót thế gian, muốn cho họ có ý niệm về đạo giải thoát.

Ba là, tâm thường hoan hỷ.

Bốn là, tâm thường thường hộ niệm hết thảy, để cho hết thảy không bị vi phạm. Thế là từ tâm.

Đức Phật dạy Tôn Giả A Nan:

Những người được thân hình to lớn, là trước đây có lòng cung kính người.

Những người bị thân hình nhỏ bé, là trước đây hay khinh mạn người.

Những người bị thân hình xấu xa là trước đây hay giận tức với người.

Những người sinh ra không biết gì, là trước đây không có học vấn.

Những người ngu đặc, là trước đây không hay dạy bảo người.

Những người câm ngọng, là trước đây hay hủy báng người.

Những người mù lòa, là trước đây không hay nghe theo Kinh Pháp.

Những người làm tôi tớ, là trước đây còn mang nợ chưa trả.

Những người ti tiện, là trước đây không lễ kính Tam Bảo.

Những người da đen, xấu xí, là trước đây làm che ánh sáng của Phật.

Những người sinh trong cõi nước khỏa thân, là trước đây hay mặc áo mỏng, xốc xếch, đường đột vào trong Chùa, Tháp, Tịnh Xá.

Những người sinh trong nước có phong tục bó chân như móng ngựa, là trước đây hay đi giầy, guốc vào trước Tượng Phật.

Những người sinh trong nước có phong tục xuyên ngực, là trước đây tuy bố thí làm phúc nhưng còn có tâm hối tiếc.

Những sinh vật sinh trong loài chương, loài hươu, loài nghê, loài hoẵng là trước đây hay sợ hãi người.

Những sinh vật sinh đọa trong loài rồng, là trước đây hay đùa cợt người.

Những người thân thể mọc những ung thư ác độc, điều trị khó khỏi, là trước đây hay đánh đập chúng sinh.

Những người mà người ta trông thấy hoan hỷ, là đời trước trông thấy người ta có lòng hoan hỷ.

Những người mà người ta trông thấy không hoan hỷ, là đời trước trông thấy người ta không có lòng hoan hỷ.

Những người bị huyện quan gông xiềng thân thể, giam giữ trong lao ngục, là đời trước làm người hay nhốt, trói chúng sinh, khiến chúng sinh không được theo ý tự do của mình.

Những người bị sứt môi, là đời trước hay câu cá, làm cá sứt môi.

Những người nghe thấy những lời nói tốt lành, tâm không muốn nghe, lại trong lời nói đó, phải nói ra trái, làm loạn tâm những người ham nghe và tín thọ Kinh pháp, người ấy sau phải đọa sinh vào trong loài chó vểnh tai.

Đức Phật dạy Tôn Giả A Nan: Trên đời này có những người ngu si, nghe những lời thuyết pháp, tâm không chịu ghi nhận, sau sẽ phải đọa sinh vào trong loài lừa, ngựa tai dài.

Những người bỏn xẻn, tham ăn một mình, sau phải đọa sinh vào trong loài quỷ đói và nếu sau sinh làm người, bị nghèo cùng đói thiếu, áo không che kín mình, ăn không đủ cung miệng.

Những người mình ăn thức ăn ngon, cho người thức ăn dở, sau sẽ đọa sinh vào trong loài lợn, chó, bọ hung.

Những ai cướp đoạt súc vật người, sau sẽ phải đọa sinh vào trong loài dê, bị lột sống da dẻ, đền trả nợ trước.

Những ai sát sinh, sau sẽ đọa sinh làm con trùng phù du trên mặt nước, sáng sinh chiều chết.

Những ai ăn trộm tài vật của người, sau phải đọa sinh vào trong hàng tôi tớ, trâu, ngựa, đền trả nợ trước.

Những người gian dâm với vợ hoặc chồng, hay con trai hoặc con gái người, khi chết đọa vào địa ngục, đàn ông phải ôm cột đồng, đàn bà phải nằm giường sắt, đến khi ở trong địa ngục ra, thường sinh vào nơi hạ tiện và phải đọa sinh vào trong loài gà, vịt.

Những người hay nói dối, tuyên truyền những việc không hay của người, khi chết vào trong địa ngục, phải bị nước đồng nóng rót vào miệng, kéo căng lưỡi ra, bắt trâu cầy lên trên, đến khi ra, phải đọa sinh vào trong loài chim cú, vọ, người ta nghe thấy tiếng kêu, không ai là không kinh sợ và đều nói là biến quái, nguyền rủa cho chết.

Những người hay uống rượu say, phạm vào ba mươi sáu lỗi, chết đi phải đọa vào ngục Phí Thỉ nước phân sôi, khi ra, sinh đọa vào trong loài đười ươi.

Sau trở lại làm người, ngu si, sống đời sống không biết gì cả, vợ chồng không hòa thuận nhau, hay cãi cọ nhau, hay đánh đuổi nhau ly dị và sau khi chết đi lại đọa sinh vào trong loài chim cưu, chim cáp. Những người hay tham lam sức lực của người khác, sau phải đọa sinh vào trong loài voi.

Đức Phật dạy Tôn Giả A Nan: Những người đứng đầu châu, quận, thọ phước lộc quan trường, hoặc bắt những người vô tội, hoặc lấn lướt của nhân dân, biên tên, lùng bắt, trăng trói, dùng doi gậy đánh đập, cưỡng bức người dân đem đi, và tố cáo những chuyện không đâu, rồi đem gông xiềng, giam giữ, khiến người dân không được khoan khoái, thảnh thơi.

Những viên chức đó sau phải đọa vào địa ngục, thân bị đau khổ vài nghìn ức năm, hết tội được ra, lại phải đọa vào trong loài thủy ngưu trâu nước, xuyên thủng lỗ mũi, kéo thuyền, kéo xe, roi gậy đánh đập, đền trả tội trước.

Đức Phật dạy Tôn Giả A Nan:

Những người không được trong sạch, là từ trong kiếp lợn mà tới.

Những người bỏn sẻn, tham lam không được trong sạch, ngay thẳng, là từ trong kiếp chó mà tới.

Những người cương cường, tự dụng tàn bạo, là từ trong kiếp dê mà tới.

Những người có những hơi hôi tanh, là từ trong kiếp cá, kiếp ba ba mà tới.

Những người hung ác, mang tâm độc địa khó hiểu, là từ trong kiếp trăn, kiếp rắn mà tới.

Những người ưa ăn thức ngon, hay sát hại chúng sinh, không có từ tâm, là từ trong kiếp chó sói, hùm beo, con chồn, chim ưng mà tới.

Những người bị chết non, bào thai bị thương trụy, đời sống không được bao nhiêu, yểu mệnh, phải sa đọa vào ba đường vài nghìn muôn kiếp.

Đức Phật dạy rằng: Những hạng người ấy đời trước làm người hay đi săn bắn, đốt cháy núi rừng, tìm tổ, đập trứng, chăng lưới bắt cá, sát hại hết thảy chúng sinh.

Ham muốn da thịt chúng sinh, để mình ăn uống, mà thường phải chịu báo đoản mệnh, đời này đời khác, kiếp này, kiếp khác chịu báo không có kỳ hẹn thoát khỏi. Vậy nên phải cẩn thận, nên phải cẩn thận. Thực đau xót không thể nói sao xiết được.

Đức Phật lại bảo Tôn Giả A Nan: Phàm làm công đức gì, đều ứng vào nơi mình. Thắp hương, họp phúc, tụng Kinh, hành đạo không nên mướn người.

Chú nguyện hư dối, như mướn người ăn hộ, mình có no đâu mà không khỏi đói?

Thắp hương mới mẻ, trong sạch, tưởng như tâm hương, thu nhiếp hết thảy tưởng vào nơi nhất tâm, không còn tạp tưởng, cùng thắp đèn sáng mãi không lúc nào tắt, sẽ chứng được ba đạt trí, không trở ngại gì.

Thắp hương, cúng trai, đọc Kinh, cúng dàng đồ vật là pháp thường làm, lại bố thí nữa, sẽ được phúc, chư thiên tiếp đãi, muôn ác đều lui, mọi ma trừ sạch, không dám đương đầu.

Những người biếng nhác, trong khi được sự yên ổn hòa hợp không có tâm tinh tấn, một mai đau yếu, hay có điều gì không thuận lợi, tốt lành, khi ấy mới muốn thắp hương cầu khẩn và cho đó là làm phúc, như thế thời Chư Thiên chưa giáng, mọi ma đã tới tranh nhau xúc nhiễu, làm mọi sự biến đổi, quái gở.

Bởi những lẽ ấy, mọi người phải nên tinh tấn. Tội, phúc theo mình, như bóng theo hình. Gieo trồng cội phúc, cũng như cây Ni Câu Loại này, vốn chỉ một hạt mà hái quả vô hạn. Bố thí một phần, được gấp muôn phần. Đấy là lời ta nói thực, không chút dối trá.

Bấy giờ, Đức Phật nói bài tụng rằng:

Hiền giả hay bố thí

Thiên Thần tự giúp đỡ

Cho một được gấp muôn

Yên vui và sống lâu.

Ngày nay bố thí nhiều

Phúc ấy không thể lường

Đều sẽ thành Phật Đạo

Độ thoát khắp mười phương.

Nhân duyên hội hợp chỉ nên thân

Năm giới, mười thiện, giữ trọn

Không mong người hứa, tự làm thân.

Vinh lạc thế gian, như mây nổi

Vòng quanh năm đường như bánh xe

Kể gì thọ mệnh, tiếc vàng bạc.

Trời đất còn hoại, lo thân mình

Vâng giữ giới Kinh, là rất quý

Đừng tham tài, sắc, mà lầm người.

Chúng sinh ba cõi như đàn dê

Đi, lại năm đường thân tan tác

Mệnh nhanh, nước chảy có thường đâu.

Làm ác rất chóng, chịu tội lâu

Đọa vào địa ngục vạc dầu nóng

Ngăn lòng, bền ý, xa tai vạ

Phạm tội vào trong, khổ khó chịu.

Đức Phật dạy Tôn Giả A Nan: Người đời không có trí tuệ, nên phải sinh tử luân hồi. Vì nhục nhãn mắt thịt nên không biết tội, phúc. Nay ta dùng đạo nhãn mắt đạo trông thấy sự báo ứng của tội và phúc từ vô số kiếp cho tới thân này, rõ như xem hạt ngọc lưu ly trong bàn tay, sáng suốt tất cả trong, ngoài, không còn chút ý tưởng ngờ vực nào nữa.

Đến đây, Tôn Giả A Nan liền chỉnh y phục, tới trước Đức Phật, làm lễ Phật mà bạch Phật rằng: Lạy Đức Thế Tôn, Đức Thế Tôn đã diễn nói cho chúng con nghe Kinh này, nhưng Kinh này nên gọi là Kinh gì?

Đức Phật bảo Tôn Giả A Nan: Kinh này gọi là Kinh Luân Chuyển Ngũ Đạo và cũng gọi là Kinh Tội Phúc Báo Ứng. Nếu có thiện nam, thiện nữ nào đọc tụng, tuyên truyền Kinh này được công đức vô lượng, sau này sẽ được trông thấy, được lễ bái, phụng sự, cúng dường hàng nghìn Đức Phật trong đời hiền kiếp không bị sa vào tám nạn, ba đường và sẽ chứng được giới, định, tuệ.

Đức Phật nói Kinh này rồi, năm trăm vị Tỳ Kheo, lậu nghiệp phiền não sạch hết, tâm ý sáng tỏ. Bảy trăm vị Tỳ Kheo Ni, được đạo Tu Đà Hàm. Tám trăm vị La Hán, chứng được đạo Bồ Tát.

Chư Thiên, Long Thần, cùng một vạn hai nghìn người thanh tín sĩ thiện nam, sáu nghìn người thanh tín nữ thiện nữ tụ tập dưới gốc cây khi ấy, đều được bước vào dấu tích của đạo. Các vị Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di đều chứng được đạo quả A Na Hàm.

Thiên, Long, Quỷ Thần, thế gian nhân dân nghe Đức Phật thuyết pháp mầu nhiệm này, ai ai cũng đều nói rằng: Quý hóa lắm! Và, tức thời khởi thân làm lễ Phật, nhiễu Phật ba vòng, vui mừng lui ra.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần