Phẩt Thuyết Kinh Tối Thắng Hỏi Về Việc Trừ Cấu đoạn Kết Của Bồ Tát Thập Trụ - Phẩm Hai Mươi Chín - Phẩm Tam độc

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Trúc Phật Niệm, Đời Dao Tần

PHẬT THUYẾT KINH TỐI THẮNG

HỎI VỀ VIỆC TRỪ CẤU ĐOẠN KẾT

CỦA BỒ TÁT THẬP TRỤ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Phật Niệm, Đời Dao Tần  

PHẨM HAI MƯƠI CHÍN

PHẨM TAM ĐỘC  

Bấy giờ Ngài Đồng Chân Nhu Thủ bạch Đức Phật: Bạch Thế Tôn, con nay nghe Như Lai giảng nói bốn pháp môn trí tuệ, được sức an lập căn tánh thật là sâu xa vi diệu, là pháp Bồ Tát tu tập chẳng phải pháp hàng La Hán, Bích Chi theo kịp.

Nay con xin hỏi Như Lai ở cận phần trung gian định tu tập Sơ Thiền, quán niệm pháp ác bất tịnh thì đó là quán thân mình bất tịnh hay quán thân người bất tịnh?

Đức Phật bảo Ngài Đồng chân Nhu Thủ: Nếu có Bồ Tát chưa lên địa vị Bồ Tát, vị ấy tự quán thân mình là pháp ác bất tịnh thì được sức an lập căn tánh, hoặc tự quán thân mình rồi quán thân người khác, lại dùng trí tuệ phương tiện quán thân dơ thối, máu mủ chảy tràn, ở trong pháp đó khai ngộ vô số chúng sanh lìa bỏ tâm chấp tịnh, đều biết thân là không phải chân thật.

Lại nữa, này Nhu Thủ, hoặc có Bồ Tát ở cận phần định tu tập lên trung gian định mà chưa ngộ rõ Sơ Thiền. Lại có Bồ Tát đã lìa cận phần định, trụ tâm ở trung gian định rồi dùng quyền tuệ tu tập lên Sơ Thiền.

Hoặc có Bồ Tát đã vượt qua cận phần trung gian định, tâm thanh tịnh, tiếp theo tu tập Sơ Thiền, niệm thọ trì căn gốc của năm hạnh, rồi tu tập hướng lên đạt pháp Nhị Thiền.

Hoặc có Bồ Tát xả cận phần trung gian định của bốn cấp thiền trên, tu tập Sơ Thiền, Nhị Thiền rồi hướng lên tu tập pháp căn bổn Tam Thiền, tự giữ tâm hỷ an. Lại có Bồ Tát đã lìa khỏi Tam Thiền lại xả bốn hạnh tu tập đệ tứ thiền, rồi ở trong Tứ Thiền tư duy, quán niệm pháp ác bất tịnh.

Lại có Bồ Tát không do bảy cấp định mà tâm đắc ngay diệt tận định. Hoặc có Bồ Tát đã thể nhập chánh định vĩnh viễn vắng lặng, quán khắp Thế Giới không có chúng sanh, ngã, nhân, thọ mạng. Pháp sanh diệt đều vô sở hữu.

Hoặc có Bồ Tát trụ ở nhất địa thọ Bồ Tát vị, phân biệt pháp tam độc dâm, nộ, si, dùng quyền tuệ hóa độ phù hợp quán tâm chúng sanh, có tâm vô minh hay không có tâm vô minh, có tâm ái dục hay không có tâm ái dục, có tâm sân khuể hay không có tâm sân khuể, Bồ Tát đều biết rõ.

Tối Thắng nên biết, Đại Bồ Tát quán khắp các pháp không thấy pháp sanh, không thấy pháp diệt, lại với các pháp không thấy hoàn toàn chấm dứt, không thấy không hoàn toàn chấm dứt. Các câu hỏi như vậy là thanh tịnh.

Lại nữa, này Tối Thắng, Đại Bồ Tát quán các niệm ràng buộc chấp trước, ở trong đó cầu thanh tịnh, cần hỏi phải hỏi. Pháp đó vĩnh viễn vắng lặng, an ổn, không phải là pháp biến đổi khác, thấy sanh tử thanh tịnh, không thấy dơ uế, đó gọi là Vô sanh luận của Đại Bồ Tát.

Vượt qua sanh tử mà không thấy có vượt qua, đó gọi là luận lý vô sanh. Niết Bàn không hình tướng vắng lặng vô vi, đó mới gọi là tương ưng với luận lý vô sanh.

Này Tối Thắng, nếu ở trong các ràng buộc chấp trước đều biết là quy về không thì không thấy sanh tử, có người chứng đắc. Không thấy chỗ xuất sanh, chỗ khởi diệt cũng không thấy xuất hiện thế gian, cũng không thấy Niết Bàn. Đó gọi là luận lý vô sanh của Bồ Tát.

Lại nữa, này Tối Thắng, nhân duyên tụ tán pháp ác bất tịnh, đó gọi là luận lý vô sanh của Bồ Tát. Thân cận, thành tựu, chứng quả bất thoái chuyển, trí đoạn vô ngại, biết hoàn toàn không sanh, đó gọi là luận lý vô sanh của Bồ Tát.

Lại nữa, này Tối Thắng, Đại Bồ Tát ngộ rõ nhân duyên tan hợp, chứng tâm bất thoái chuyển, trí đoạn vô ngại, vĩnh viễn thoát ly tam hữu, đó gọi là luận lý vô sanh của Đại Bồ Tát. Gọi là các pháp không dứt đoạn thiện căn, biết thiện hay bất thiện, đó là pháp thế tục hay pháp độ thế, đó là pháp ngăn ngại, đó là pháp không ngăn ngại, đó là pháp hữu vi, đó là pháp vô vi, đó là pháp hữu lậu, đó là pháp vô lậu. Đó gọi là luận lý vô sanh của Đại Bồ Tát.

Lại nữa, này Tối Thắng, Bồ Tát tư duy phân biệt thân tướng vô hình của Phật, lại phân biệt bao nhiêu pháp tánh, tư duy công đức khó lường của Thánh chúng, lại tư duy chúng sanh chẳng đồng nhất, lại phải phân biệt cõi nước không giống nhau, thú hướng của tâm khó thể biết rõ hoàn toàn. Đó gọi là luận lý vô sanh của Đại Bồ Tát.

Lại nữa, này Tối Thắng, tất cả các pháp đều thanh tịnh, tất cả các pháp đều không thanh tịnh. Đó gọi là luận lý vô sanh của Bồ Tát.

Ngài Tối Thắng bạch Đức Phật: Vì sao tất cả các pháp thanh tịnh là luận lý vô sanh?

Vì sao tất cả các pháp không thanh tịnh là luận lý vô sanh?

Đức Phật bảo Ngài Tối Thắng: Các pháp không có thức cũng không có hành báo. Các thức tưởng hiện hữu cùng pháp tương ưng. Đó gọi là thanh tịnh, không thanh tịnh. Tất cả các pháp có vô số loại tướng, hoặc có các pháp khi chưa ly niệm thì cầu phương tiện làm tăng trưởng lợi ích công đức.

Công đức đã tăng trưởng lợi ích thì các thiện đều đầy đủ. Các thiện đã đầy đủ thì tu tập hơi thở ra vào. Quán sổ tức đã đạt tâm định thì gọi là thanh tịnh, không thanh tịnh.

Ngài Tối Thắng lại hỏi: Quán sát các pháp định, không định như thế nào?

Đức Phật đáp: Tự thân ở trong cảnh giới vĩnh viễn thoát ly, không có dục. Với ức vạn pháp đều biết nghĩa của định, không định.

Ngài Tối Thắng lại hỏi: Định thì chẳng phải thanh tịnh, chẳng phải không có thanh tịnh.

Không có định thì chẳng có thanh tịnh có thể gọi là định, không định chăng?

Đức Phật dạy: Rất ít người có trí tuệ có thể hiểu rõ nghĩa định, không định.

Ngài Tối Thắng hỏi: Bạch Thế Tôn, thế nào là vĩnh viễn thoát ly không có dục, với ức vạn pháp biết định, không định, định là đạo, không định thì chẳng phải đạo?

Đức Phật dạy: Đúng vậy! Đúng vậy! Đúng như lời ông hỏi. Nếu có vị Tộc Tánh nam hay nữ với các pháp giới không biết đã định, sẽ định, chưa định thì với các pháp chưa thông tỏ, đã thông rỏ, sẽ thông tỏ.

Vì sao?

Như Kinh Hương Lạc đã nói: Với các pháp đã định, nghe không sanh tâm nghi ngờ thì có thể tinh tấn tu tập hướng thượng mà tâm không thoái chuyển. Theo pháp được nghe thường tu tập không bỏ thì gọi là nghĩa của định, không định.

Nếu có chúng sanh với định, không định sanh tâm nghi ngờ thì không thể ở địa này tu tập đến địa khác. Do không vượt qua thứ bậc can địa thì không thoát ly sanh tử để trụ pháp Niết Bàn.

Vì sao?

Chư Phật Thế Tôn không chấm dứt sanh tử căn bổn thì không vào Niết Bàn.

Đức Phật bảo Ngài Tối Thắng: Có phải Chư Phật Thế Tôn thường không diễn nói vượt qua sanh tử, an trụ Niết Bàn?

Ngài Tối Thắng thưa: Vâng, đúng vậy.

Đức Phật lại hỏi: Có phải ông thường nghe Thế Tôn diễn nói các pháp: đó là sanh tử, đó là Niết Bàn?

Ngài Tối Thắng thưa: Chẳng phải.

Đức Phật dạy: Do vậy, này Tộc Tánh Tử, Chư Phật Thế Tôn không nói sanh tử, cho đó là hạ liệt. Không nói Niết Bàn, cho đó là tăng thượng.

Này Tộc tánh tử, chư Thế Tôn chỉ nói sanh tử, Niết Bàn, theo thức phân biệt có hai pháp thì không thể thoát ly sanh tử đến bờ Niết Bàn.

Đức Phật lại bảo Ngài Tối Thắng: Đại Bồ Tát từ pháp không quán sát qua lại không thấy chúng sanh, có chúng sanh tưởng. Không thấy Niết Bàn, có Niết Bàn tưởng.

Vì sao?

Vì không thấy ở trong sanh tử có chỗ luân hồi, không thấy Niết Bàn có đắc diệt độ.

Khi ấy Bồ Tát Tối Thắng liền từ chỗ ngồi đứng dậy, vén y bày vai phải, quỳ thẳng, chắp tay bạch Đức Phật: Bạch Thế Tôn, lành thay! Lành thay! Như Lai đã giảng, nói không có tướng chúng sanh và Niết Bàn. Nói pháp, nói nghĩa lý chân chánh tương ưng với tịch nhiên, không thấy sanh tử cùng với Niết Bàn. Ngay lúc đó hai ngàn bảy trăm vị Tỳ Kheo ở trên tòa giải thoát tâm hữu lậu, đắc Bất khởi pháp nhẫn.

Vì sao?

Vì các vị đã ngộ rõ chúng sanh thì không có sanh tử, ngộ rõ Niết Bàn thì không có Niết Bàn. Lại cũng không nói có độ chúng sanh, cũng không nói Niết Bàn vĩnh viễn vắng lặng. Ngộ rõ pháp tánh không thì chẳng có sanh tử, chẳng có Niết Bàn. Bấy giờ bảy trăm vị Tỳ Kheo ngồi trong Pháp Hội âm thầm từ chỗ ngồi đứng dậy, thâu xếp y bát, không duyên cớ gì mà bỏ đi.

Mỗi người đều cúi đầu tự bảo nhau: Chúng ta vì sao phải trầm đắm trong cảnh khổ không vừa ý này!?

Ngày đêm siêng năng tu tập phạm hạnh, thường nói là có Niết Bàn. Niết Bàn không đưa đến chứng đắc diệt độ, cũng không có đạo, huống là sẽ có người thành tựu đạo.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần