Phật Thuyết Kinh Bồ Tát Trì Nhân - Phẩm Mười Một - Bồ Tát Bảo Quang
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn
PHẬT THUYẾT
KINH BỒ TÁT TRÌ NHÂN
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn
PHẨM MƯỜI MỘT
BỒ TÁT BẢO QUANG
Đức Phật bảo Bồ Tát Trì Nhân: Về thời quá khứ, cách đây vô số kiếp không thể lường xét, không có giới hạn, bấy giờ có Đức Phật hiệu là Như Lai Tử Kim Sơn Vương đầy đủ mười tôn hiệu: Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật Thế Tôn.
Như Lai Tử Kim Sơn Vương sống lâu năm kiếp, chúng Thanh Văn không thể tính kể, chúng Bồ Tát cũng không có giới hạn, không thể biết được là nhiều hay ít. Cõi nước ấy hưng thịnh, mưa gió điều hòa, năm thứ lúa thóc hoa màu luôn được mùa.
Dân chúng an lạc, mạnh mẽ không khiếp sợ, mỗi người đều đạt được tâm bình đẳng, thực phẩm sử dụng không bị bệnh tật, ít tham, sân, si, khéo léo tu tập, sống đúng lễ nghĩa, thuận theo giới luật thanh tịnh.
Vì đoạn trừ lưới nghi cho hàng Bồ Tát và tất cả chúng sinh khiến các vị không còn kết sử, nên Đức Như Lai ấy đã khai mở kho tàng giáo pháp của Bồ Tát. Khi ấy, có vị Bồ Tát tên là Bảo Quang, nghe Đức Phật ấy thuyết giảng về hạnh nghiệp của các Bồ Tát xong, Bồ Tát Bảo Quang liền thông đạt các ấm, các nhập, mười tám giới, mười hai nhân duyên, các căn, niệm xứ, tám chánh đạo.
Pháp thế gian và xuất thế gian, pháp hữu vi và vô vi, liền kính nhận và siêng năng tu tập, trải qua mười hai ức năm, chưa từng khởi tâm tham, sân, si, không tham cầu lợi dưỡng, thực phẩm, y phục, giường chiếu, thuốc thang trị bệnh, tâm chỉ siêng tu, thể nhập đúng như pháp, luôn tư duy, tu tập tinh tấn trọn đời, ở chỗ Đức Phật tu phạm hạnh.
Sau khi lâm chung được sinh trở lại nước ấy, cũng trong loài người, ở nơi chỗ cũ, lại xuất gia học đạo, hiểu đúng như pháp, kính giữ để thực hành. Lại ở cõi ấy sáu mươi ức năm, tu tập phạm hạnh, tâm không lìa xa, gặp được Pháp Phật, luôn mong cầu không buông bỏ.
Sau khi lâm chung, Bồ Tát ấy được sinh trở lại Cõi Phật kia, gặp Đức Như Lai Tử Kim Sơn Vương vẫn còn ở đời, nên tiếp tục ở cõi nước ấy tu hành phạm hạnh. Trong mỗi kiếp, trải qua năm lần sinh ra rồi chết đi, sau khi Đức Như Lai Tử Kim Sơn Vương diệt độ năm kiếp.
Bồ Tát ấy chính là bậc mô phạm, học rộng hiểu nhiều không có giới hạn, thông đạt các pháp, ở trong năm kiếp mới có thể nghe nhận, quan sát những điều thưa hỏi từ Đức Phật kia, rồi đạt được diệu lực về ý, quan sát về Như Lai, vì chúng sinh mà giảng nói rõ ràng khai mở cho vô lượng người khiến họ phát khởi tâm bồ đề vô thượng.
Sau khi Đức Phật ấy diệt độ, chánh pháp trụ ở đời một kiếp, Bồ Tát ấy được sinh trở lại trong loài người năm trăm lần, thường xuất gia học đạo, tôn kính Đức Phật, hiểu rõ Kinh Điển, giáo hóa cho vô số chúng sinh, khiến họ thể nhập vào các hạnh.
Bồ Tát Bảo Quang gặp được vạn ức Đức Phật, cuối cùng gặp Đức Phật tôn hiệu là Vô Lượng Quang Như Lai Chí Chân Đẳng Chánh Giác và được Đức Phật ấy thọ ký: Trải qua vô lượng kiếp.
Ông sẽ chứng đắc đạo quả chánh chân vô thượng, vô số kiếp nữa, ông sẽ được gặp trăm ngàn triệu ức na do tha Chư Phật và thành tựu quả vị bồ đề vô thượng, có tôn hiệu là Quyết Nhất Thiết Nghị Như Lai Chí Chân Đẳng Chánh Giác, chúng Thanh Văn không thể lường xét, không có giới hạn, chúng Bồ Tát có vô số.
Dân chúng trong nước ấy sống lâu hai kiếp, lúa gạo đầy đủ và được an ổn.
Do đó, này Bồ Tát Trì Nhân! Bồ Tát nào muốn thông đạt chánh pháp, được lợi ích như vậy thì nên siêng năng học hỏi, thọ trì và đọc tụng Kinh Điển cốt yếu này.
Đức Phật lại bảo Bồ Tát Trì Nhân: Bồ Tát nào tu học theo Kinh Điển này muốn đạt được phương tiện thiện xảo thì thường tu học theo bốn pháp.
Những gì là bốn?
Một là, từ bỏ gia đình, dứt sạch các nghiệp, làm hạnh Sa Môn.
Hai là, xa lìa nơi ồn ào, ơ chỗ thanh tịnh để tu tập.
Ba là, giữ giới thanh tịnh, không để thiếu sót, sai trái.
Bốn là, không còn biếng nhác, siêng năng tư duy không dừng nghỉ.
Đó là bốn. Lại nữa, thực hành theo bốn pháp này, siêng năng cầu học rộng hiểu nhiều, thường nhẫn nhục thì mau thành tựu bốn pháp.
Những gì là bốn?
Một là, tuy ở cõi người nhưng luôn ở vùng giữa nước đầy đủ văn hiến.
Hai là, gặp đời có Phật, không ở biên địa.
Ba là, thường kính giữ chánh pháp, không hề chống trái.
Bốn là, trừ sạch tội lỗi, không gặp tai ương.
Đó là bốn. Bồ Tát nào tu học theo Kinh Điển cốt yếu như vậy thì có được oai lực, luôn bố thí, giữ giới thanh tịnh nhẫn nhục, siêng năng, nhất tâm trí tuệ, đạt được sự sáng suốt của Bậc Thánh, nhờ tu tập pháp này mà đạt đến phương tiện thiện xảo như vậy.
Đức Phật bảo Bồ Tát Trì Nhân: Bồ Tát nên kiến lập công đức, ở chỗ thanh vắng, luôn biết đủ như vậy thì không còn bị trần cảnh ngăn che, thương xót chúng sinh, dùng tâm từ bi rộng lớn để cứu giúp họ, sau đó mới học theo pháp như vậy thông đạt các hạnh cốt yếu. Lại nữa, Bồ Tát nên thể nhập vào pháp môn tổng trì, siêng năng tu học.
Thế nào là thể nhập vào pháp môn tổng trì, siêng năng tu học?
Nghĩa là, lập chí siêng tư duy, thông đạt vô lượng pháp, dùng phương tiện để quan sát, kính giữ vô số hạnh. Lại hiểu rõ, quan sát các pháp môn định ý, các pháp môn cốt lõi, thể nhập nhân duyên chánh hạnh không thể nghĩ bàn, đạt được năng lực như vậy, thông suốt tất cả các pháp, phân biệt các pháp, chứng đắc diệu lực về ý.
Nhờ có khả năng thông đạt như vậy nên đoạn trừ hết sinh, già, bệnh, chết, ý chí mạnh mẽ, không khiếp sợ, không bỏ mất chánh pháp, cho đến chứng đắc đạo quả chánh chân vô thượng, thành Bậc Tối Chánh Giác.
Đức Phật lại bảo Bồ Tát Trì Nhân: Bồ Tát nao thông đạt pháp môn tổng trì thì có khả năng hiểu rõ hết tất cả các pháp, tường tận về ngôn từ, dùng một pháp thể nhập vào trăm ngàn pháp, dùng diệu lực của đạo để phân biệt các pháp và thông đạt tất cả.
Lại nữa, Bồ Tát nào đạt được pháp môn định ý, hội nhập vào âm thanh, liền thể nhập vào vô lượng pháp môn định ý, nhờ được thể nhập như vậy nên có khả năng thấu rõ vô số pháp môn. Nhờ thể nhập vào pháp môn của tất ca các pháp nên giảng nói các pháp, cứu giúp khắp nơi.
Lại nữa, Bồ Tát ấy thực hành theo trí tuệ nên có được diệu lực của tuệ, thông suốt về các tưởng, hiểu rõ về tưởng rồi, lại nhờ diệu lực của tuệ nên thấu rõ tất cả các pháp, thông suốt nhanh chóng không bị chướng ngại.
Lại nữa, Bồ Tát nào thông đạt vô lượng pháp môn định ý, nhờ trụ vào địa này nên biết được tất cả các pháp khắp mười phương.
Lại nữa, Bồ Tát nào thông đạt vô lượng pháp môn tổng trì thì thấu suốt các diệu lực của pháp môn định ý không có giới hạn, nhờ pháp môn định ý này mà xiển dương nguồn gốc của các pháp không có giới hạn, nhờ đạt được địa của đạo này nên hội nhập khắp các pháp, không có điều gì mà chẳng thông đạt.
Lại nữa, Bồ Tát có khả năng thông suốt và quan sát các hạnh của thế gian, phân biệt rõ về hữu vi và vô vi, thực hành các pháp, tâm không bị vướng mắc pháp hữu vi, vô vi, thực hành tất cả các pháp như vậy nên mau chóng thông đạt các pháp, đạt được trí tuệ sáng suốt.
Lại nữa, Bồ Tát thực hành phương tiện thiện xảo, quan sát tất cả các pháp vốn không có đối tượng để thực hành, tuy quán như vậy nhưng không lệ thuộc pháp thế gian.
Không vướng mắc pháp thế gian, cũng không có đối tượng duyên dựa, nhờ tu theo các pháp như vậy nên mau chóng hiểu rõ tất cả các pháp, phân biệt các pháp, đạt được diệu lực của ý, dùng tài sản bố thí, thấu suốt chương cú, đoạn trừ sinh, già, bệnh, chết, đầy đủ các hạnh.
Do đó, này Bồ Tát Trì Nhân! Có bốn pháp để Bồ Tát thực hành các pháp, đạt được giải thoát.
Những gì là bốn?
Đối với pháp này nên thực hành đúng như ý nghĩa, siêng tu tập chánh pháp, đối với Kinh Điển này không hề chướng ngại và thể nhập vào khắp các tuệ bậc nhất.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh đại Bảo Tích - Pháp Hội Thứ Ba Mươi Hai - Pháp Hội Vô úy đức Bồ Tát - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh Tăng Chi Bộ - Chương Ba - Ba Pháp - Phẩm Chín - Phẩm Sa Môn - Phần Mười - Pankadhà
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Nhãn Sanh - Phần Một
Phật Thuyết Kinh Vợ Trưởng Giả Pháp Chí
Phật Thuyết Kinh Tăng Chi Bộ - Chương Ba - Ba Pháp - Phẩm Chín - Phẩm Sa Môn - Phần Một - Sa Môn