Phật Thuyết Kinh Tối Thắng Vấn Bồ Tát Thập Trụ Trừ Cấu đoạn Kết - Phẩm Chín - Phẩm định ý - Tập Hai

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Trúc Phật Niệm, Đời Dao Tần

PHẬT THUYẾT KINH

TỐI THẮNG VẤN BỒ TÁT

THẬP TRỤ TRỪ CẤU ĐOẠN KẾT

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Phật Niệm, Đời Dao Tần  

PHẨM CHÍN

PHẨM ĐỊNH Ý  

TẬP HAI  

Có người thỉnh cầu dạy bảo thì che giấu Kinh Điển, chê bai hủy bỏ giới cấm, không tuân theo pháp luật, dạy họ học thiền không đúng theo pháp định, hoàn toàn không còn tưởng nhớ đến Phật, Pháp, Tăng, sinh tâm kiêu mạn đối với Pháp Sư. Nếu có người làm chướng ngại đạo như vậy thì không nên gần gũi tu tập.

Hoặc sinh khởi các tâm kiêu mạn như: Mạn, quá mạn, mạn quá mạn, ngã mạn, tà mạn, ty liệt mạn, nên giữ tuệ ý hoàn toàn không còn sinh khởi, hiểu rõ chúng không thật có, đều không có chỗ sinh, bình đẳng không hai, cũng không số lượng, tự nhiên không có xứ sở. Đó gọi là bình Đẳng Chánh Giác của Bồ Tát.

Nếu tâm sinh vọng tưởng tán loạn: Tà kiến, tà niệm, tà ngữ, tà nghiệp, tà mạn, tà phương tiện, tà ý, tà định thường phải ngăn tâm không cho tổn hại. Hoặc có lúc tâm sinh ý niệm trái ngược, đối với người, ta nên cung kính thì lại khinh miệt, như hiện tại ta khinh miệt họ, hoặc vị lai sẽ xâm phạm, đối với những gì ta không ưa đó là đối tượng ganh ghét thì nay ta phải cung kính, ở hiện tại ta nên cung kính họ và vị lai còn phải cung kính nữa.

Lại suy nghĩ từ xưa đến nay những gì đã từng xâm phạm ta, nay ta đang phải chịu sự xâm phạm, nào biết vị lai lại không bị xâm phạm hay sao, giả như trong tâm có ý tưởng như vậy thì làm hủy hoại cành nhánh Thánh Đạo, rơi vào điên đảo, phát sinh sự ngăn che, lệ thuộc tà kiến, nhiễm ô ân ái, tự mình quên mất rời hẳn cõi người.

Hoặc có lúc tâm nhớ nghĩ mười điều ác, buông lung làm theo con đường ác ấy: Sát sinh, trộm cướp, dâm dục, nói dối, nói ác, nói chia rẽ, nói lời thêu dệt, sân hận, tật đố, tà kiến.

Nếu thân miệng ý đều sinh đủ các pháp này thì phải xa lìa, không còn tạo duyên, nên diệt trừ các pháp này làm cho không còn ngăn ngại. Phải nên suy nghĩ do đâu ác diệt, do đâu thiện sinh, hiểu rõ thiện ác đều không thật có, chẳng phải chân thật, bình đẳng không hai. Bồ Tát tuy được trụ địa thứ chín thường nên suy nghĩ về cấu uế này.

Sở dĩ ta được thành đạo Vô thượng, được thọ ký Bồ Tát đều do vào mười diều ác ngu si đã tạo ra, mà được đầy đủ năm phần pháp thân, thẳng đến một đường, không còn đường nào nữa. Phân biệt rõ ràng về không, vô tướng, vô nguyện. Lại cần siêng năng tu tập bốn niệm xứ.

Thế nào là bốn?

Đó là: Thân, thọ, tâm, pháp.

Hiểu rõ không quán, đạt được bốn thiền, bốn vô lượng tâm, bốn không định, tám giải thoát, chín thứ đệ thiền, cầu phương tiện xa lìa chỗ sinh vào chỗ vô sinh. Cho nên gọi là đạo Thánh Hiền bình đẳng đều có cùng tận mà không có cùng tận, hiểu rõ tận và vô tận đều là vô sinh. Tất cả trần lao là điều Bồ Tát đã diệt tận, không làm sinh lại nên gọi là vô tận. Dục ái trói buộc là điều Bồ Tát đã diệt tận không còn phát sinh gọi là vô tận.

Sân nhuế, tham lam là điều Bồ Tát đã diệt tận, nếu không còn nữa là vô tận. Đạo mê mờ là điều Bồ Tát phải diệt tận, nếu không mê mờ gọi là vô tận. Tâm thấy có Pháp Môn giải thoát là điều Bồ Tát phải diệt tận, không có người giải thoát gọi là vô tận. Pháp tứ niệm xứ là điều Bồ Tát phải đoạn, không còn đoạn tứ niệm xứ gọi là vô tận. Căn, lực, giác chi, bát chánh đạo là điều Bồ Tát phải diệt tận, nếu không còn nữa gọi là vô tận.

Bốn quả Sa Môn là điều Bồ Tát phải diệt tận, không có bốn quả Sa Môn gọi là vô tận. Có đạo Duyên Giác, đó là sự tận của Bồ Tát, hiểu không có đạo Duyên Giác là vô tận. Có đạo Bồ Tát là sự tận của Bồ Tát, nếu không còn nữa gọi là vô tận.

Bình Đẳng Chánh Giác là sự tận của Bồ Tát, không Bình Đẳng Chánh Giác gọi là vô tận. Đắc thành Phật Đạo là sự tận của Bồ Tát, không thấy có thành Phật Đạo gọi là vô tận. Đến cây Bồ Đề, đó là sự tận của Bồ Tát, không dừng ở đó gọi là vô tận. Tu tướng tốt và làm thanh tịnh Cõi Phật, đó là sự tận của Bồ Tát. Giáo hóa chúng sinh xiển dương chánh pháp, đó là sự tận của Bồ Tát.

Tu các pháp không, vô tướng, vô nguyện, đó là sự tận của Bồ Tát. Mong cầu thực hành công đức, ban bố đạo lớn, đó là sự tận của Bồ Tát. Bồ Tát ở chỗ không có cao thấp, không thấy trong ngoài ở giữa là sự tận của Bồ Tát. Không thấy chỗ tu hành của phàm phu cũng không thấy sự tu hành của Thánh Hiền, đó là sự tận của Bồ Tát. Bồ Tát tuy ở trong sinh tử đối với pháp nhiễm ô không bị đắm nhiễm là sự tận của Bồ Tát.

Bồ Tát thuyết về diệt quán, diệt vô sinh cũng không đối với diệt mà nhận lấy sự diệt độ đó là sự tận của Bồ Tát. Hiểu rõ chân tế không tùy thuộc là sự tận của Bồ Tát. Không mong cầu xa lìa đối với cõi ma, đó là sự tận của Bồ Tát. Tu trí tuệ rộng lớn, không dùng trí tuệ hạn hẹp, đó là sự tận của Bồ Tát. Thường biết tu tập hành trì đúng lúc là tận của Bồ Tát.

Đối với các duyên khởi không xa lìa, đó là tận của Bồ Tát. Không theo chân đế, chẳng phải không có chân đế, đó là sự tận của Bồ Tát. Đối với pháp môn thiền giải thoát không thấy loạn định, đó là sự tận của Bồ Tát. Tuy ở nhân gian vẫn ở yên không thay đổi, đó là sự tận của Bồ Tát. Đi vào thế tục ở chỗ ồn náo mà không mất oai nghi, đó là sự tận của Bồ Tát. Nếu ở trong Thiền định không diệt thân ý là sự tận của Bồ Tát.

Không thấy bố thí chẳng phải không có bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí tuệ. Không thấy có tu hành chẳng phải không tu hành, đó là sự tận của Bồ Tát. Giác ngộ tam minh, sinh con mắt trí, đó là sự tận của Bồ Tát.

Thần Thông tự tại không bị trần lao, đó là sự tận của Bồ Tát. Dù sinh hay diệt ở nơi ái dục mà vẫn nhàm chán mỏi mệt, đó là sự tận của Bồ Tát. Tu đạo Tuđà hoàn mà không bỏ sự thực hành đại thừa, đó là sự tận của Bồ Tát.

Thấy Phật Pháp diệt không hoảng hốt lo sợ, cũng không thấy kiếp số ngắn dài, đó là sự tận của Bồ Tát. Không thấy câu, chữ, nghĩa cùng thuộc loại, không thuộc loại, đó là sự tận của Bồ Tát. Dâm dục, sân hận, ngu si không hành động theo, đó là sự tận của Bồ Tát.

Không khởi pháp nhẫn cho đến tuệ vô sinh, đó là sự tận của Bồ Tát. Ở trong chín loài chúng sinh Dục Giới, Sắc Giới, Vô Sắc Giới, đó là sự tận của Bồ Tát. Dạo khắp chốn nhân gian, quận, huyện, thành ấp, cung điện của Trời Rồng các cung điện tốt đẹp, ở đó tu các oai nghi phù hợp, có thể thân cận không thể thân cận, đó là sự tận của Bồ Tát.

Như vậy, này Tối Thắng! Đó là pháp môn bao trùm hữu tận và vô tận của Bồ Tát trụ địa thứ chín, hành động của Bồ Tát cần phải đầy đủ sự tận và vô tận giải thoát. Chúng sinh có tập và khổ, Bồ Tát cũng có tập nên theo đó nói về tánh khổ chân đế. Nếu mắt thấy sắc có khổ, vui, tư duy nhãn thức đều là vắng lặng, do tu pháp bình đẳng.

Bồ Tát thường đem chánh pháp giáo hóa chúng sinh đạt đến tịch nhiên vô vi, đó là Bồ Tát vì khổ của chúng sinh mà xiển dương tuệ về khổ: Sinh, già, bệnh, chết, sầu bi khổ não, oán ghét gặp gỡ, thương yêu phải xa lìa, mong cầu không được cũng đều là khổ. Tóm lại năm ấm thạnh là khổ, biết rõ khổ này cũng không sinh diệt.

Như vậy, Tối Thắng đó là pháp môn tận và vô tận của Bồ Tát. Hoặc Bồ Tát thấy tập của chúng sinh liền vì họ nói về nguồn gốc chấp ái, tâm ái thâm sâu nhiễm chấp khó trừ, trước hết ta phải nguyện diệt trừ, nếu không diệt được quyết không chứng đạo.

Khi ấy, Bồ Tát nhập vào pháp quán ngắm dung nhan ở trước chúng sinh hiện ra hình tướng của mình, mọi người nhìn thấy đều khen ngợi, trong một khoảnh khắc biến thành hình tướng xấu xí, người thấy tâm liền thay đổi, sinh tưởng vô thường thân này chẳng phải chân thật, không bền chắc, nhan sắc dung mạo, hình sắc của ta tuyệt đẹp trong đời, vậy thì không bao lâu sẽ bị hủy hoại như người thế gian, nên phải tự lo tu tập, trừ bỏ ân ái không còn đắm nhiễm.

Như vậy, Bồ Tát vì tập của chúng sinh mà có sự lợi ích.

Hoặc Bồ Tát thấy diệt của chúng sinh dùng phương tiện thiện xảo để thuyết pháp các pháp, đã sinh thì phải diệt, đã thành thì phải hoại. Giả sử sống lâu ức hằng hà sa kiếp cũng phải bị diệt tận không thể tồn tại mãi.

Các ông nên biết pháp vô thường chuyển biến như huyễn hóa không chân thật. Bồ Tát hiểu rõ không chân thật nên được thanh tịnh không nhiễm ô. Tập do chứa nhóm không xả bỏ được, bằng pháp diệt tận quán không thật có, không thấy có sự sinh diệt.

Nếu tâm sinh kiêu mạn ngu si, chấp thường chấp đoạn, nên bằng không tuệ, vô tướng, vô nguyện mà phân biệt chúng. Hoặc có lúc Bồ Tát nói đến con đường đạt đến cứu cánh, dạy các thiện nam nên nhớ nghĩ bảy chỗ quán thọ ở nơi năm ấm, biết rõ sự sinh khởi và hoại diệt, chúng sinh do đây bị nguy hiểm của ấm ngăn che.

Suy nghĩ về sự sinh khởi của sắc, sắc tướng có trước từ ngã sinh ra thức để chấp trước, do thức tiếp xúc sinh ra thọ, hợp tác với nhau phát sinh ý tưởng chuyển thành hành nghiệp. Đây do một sắc mà thành năm pháp, thọ, tưởng, hành, thức cũng như vậy.

Hoặc Bồ Tát thấy chúng sinh khởi mười tám giới độc hại ngăn che nhiễu loạn tâm kiên cố của người, làm cho bị trở ngại không đến được bờ bên kia, liền bằng phương tiện thiện xảo để cứu giúp, nhờ đầy đủ các phương tiện thiện xảo ấy làm cho họ được thành tựu không bị đọa lạc.

Có Bồ Tát thấy chúng sinh tâm thường an trụ, ý niệm ái đã diệt, không thấy có xa lìa, cũng không có đối tượng để xa lìa, đó gọi là bảy chỗ quán pháp đầy đủ, đối với pháp quán hành cũng không tùy tiện xả bỏ, theo sự nhanh chậm, phân biệt nóng lạnh, tự mình đầy đủ dạy người thực hành cũng được đầy đủ.

Như vậy, này Tối Thắng! Bồ Tát bậc thứ chín thực hành pháp chỉ quán không có sợ hãi, Phạm Vương, Đế Thích, Tứ Thiên Vương, Trời, Rồng, Sa Môn, phạm chí, ma không thể cản trở sự thực hành pháp chỉ quán, đối với pháp Chánh Giác không bị chướng ngại.

Vì sao?

Vì Bồ Tát hiểu rõ tất cả các pháp đều bình đẳng. Đối với pháp của phàm phu và đạo của Thánh Hiền tâm như hư không, không thiên vị. Đối với pháp của bậc hữu học, vô học, Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát, Phật đều bình đẳng. Hoặc thấy có pháp hữu lậu và vô lậu, phân biệt được pháp thế gian và xuất thế gian, trừ hết mọi hệ luỵ chấp trước mới thành Bồ Tát đạo.

Vì sao?

Vì không quán nên gọi là tự nhiên, phát sinh tự nhiên, tiêu diệt tự nhiên, không cùng với thật, vô tướng với tướng, vô nguyện với nguyện đều bình đẳng, ở trong ba cõi tự nhiên.

Lại nên suy nghĩ đối với chỗ sinh và vô sinh, đều bình đẳng, pháp quán vô hành bình đẳng với pháp, quán, y cùng vô y, bằng nhau cùng với không bằng nhau, phát khởi và không có sự phát khởi đều tự nhiên, chẳng phải tự nhiên, đối với ba cõi đều bình đẳng, không thấy Dục Giới, Sắc Giới, Vô Sắc Giới.

Bồ Tát phải nên suy nghĩ đối với dâm dục, sân hận, ngu si, đạo và trí tuệ sáng suốt đều tự nhiên, giải thoát sự trói buộc của ái dục thì đắc đạo quả, vào cảnh giới Niết Bàn, biết rõ tự nhiên bình đẳng không hai.

Đó là Bồ Tát vì chúng sinh thực hành đại từ bi, thị hiện vô số nhân duyên, tùy theo căn cơ của chúng sinh nên phân biệt thuyết như vậy, làm cho được an trụ thuận theo đại thừa, tiêu diệt hết gốc khổ não.

Khi ấy, Bồ Tát ở trong đại chúng một mình không sợ hãi, siêu tuyệt không ai bằng, dùng các phước đức làm chuỗi anh lạc trang nghiêm nơi thân. Hoặc Bồ Tát ở trong Chúng Đại Sĩ xiển dương đạo Phật tôn quý, thương xót hàng Thanh Văn chưa đạt thượng trí, tuy được lậu tận nhưng không ai rời bỏ sự chứng đắc, chỉ giải thoát trói buộc cho mình mà không có tâm rộng lớn.

Lại nghĩ hàng Duyên Giác không phát tâm lợi ích rộng lớn, thánh trí biện tài thanh tịnh không chướng ngại có thể biết được căn tánh và ý muốn của người khác, nhưng chỉ biết giữ mình an trụ mà không làm tịnh cõi nước.

Vì thế, Bồ Tát vượt khỏi hạng ấy, phân biệt rõ ràng đạt được đạo Vô thượng, cứu giúp khắp mười phương không cùng tận, tâm thường thương xót những người chưa đạt được đạo, bằng diệu lực dũng mãnh thâu phục ngoại đạo, thường chuyển pháp luân làm cho không bị đoạn tuyệt, pháp lớn thù thắng vi diệu lưu chuyển mãi ở đời.

Như vậy Tối Thắng, Bồ Tát bậc thứ chín thị hiện phương tiện giáo hóa đến bất cứ nơi đâu, biết rõ Niết Bàn như tướng Niết Bàn, nghĩa là có chân đế chẳng phải có chân đế, không tuệ, không chủ cũng không trú xứ cho nên gọi là vô vi tự nhiên an lạc, không ở chỗ kia, không ở chỗ này, hoàn toàn không xứ sở, không có hình tướng đối đãi, trú nơi không chỗ trú, trụ ấy gọi là trú nơi pháp giới.

Gọi là tận không chỗ sinh, là Niết Bàn vô vi tịch diệt. Chỉ còn ba mươi bốn kết sử vi tế, ngoài ra không bị các trần lao làm chướng ngại.

Bồ Tát bậc thứ chín khi đạt được chánh giác, hiện tại diệt bốn, vị lai diệt bốn, quá khứ diệt bốn. Đức Phật ngồi dưới gốc cây Bồ Đề thâu phục các ma, điều phục tâm ý vào định vô hình, quán hết tam thiên đại thiên Thế Giới. Nay ta ở trong đời ngũ trược này được thành Phật, những điều mong cầu đã thành tựu không còn nghi ngờ, ta nên nương theo phương tiện thiện xảo vì chúng sinh tuyên dương nghĩa đạo, dứt trừ các lậu trói buộc giống như ta ngày nay.

Khi ấy, các Đức Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác từ chỗ của mình hướng đến khen ngợi: Hôm nay ở phương ấy, nước ấy có vị Phật xuất hiện đủ ba mươi hai tướng của Bậc Đại Nhân, tám mươi vẽ đẹp trang nghiêm thân, ánh sáng phá tan chỗ tối tăm, âm thanh như tiếng chim loan. Lành thay dòng giống giác ngộ không bị đoạn tuyệt.

Khi mười phương Phật nói lời này thì Tam Thiên Đại Thiên Thế Giới chấn động sáu cách, các Trời, Rồng, Thần, Càn Đạp Hòa, A Tu Luân, Ca Lưu La, Chân Đà La, Ma Hưu Lặc, Người và Phi Nhân, ma và Thiên Ma đều kinh ngạc lo sợ chỗ ở không được an ổn, cùng nhau tụ tập đến chỗ Phật, cúi đầu lễ dưới chân xin quy y, thân cận Đức Như Lai thành Tối Chánh Giác, họ được thanh tịnh không còn oán hận, đều được tôn trọng đến thành cam lồ, đầy đủ pháp lành và đạo pháp vô lậu, tâm được dũng mãnh, tự tại giải thoát.

Bồ Tát quán sát chúng sinh tùy theo tâm niệm thị hiện ban bố đều như ý niệm, dứt hết trần lao, hoàn toàn vô vi tịch diệt, khiến chúng sinh từ bỏ chấp ngã, xả bỏ bỉ thử, không có tiếng khác nhau, không bị vướng nơi pháp, không nương phi pháp, chẳng phải không nương, chẳng phải không không nương.

Biết rõ các pháp bình đẳng biến đổi như hư không, như tiếng vang, như huyễn như hóa, không thật có, vượt qua được bờ sinh tử không còn trở lại luân hồi. Đó là công đức của Bồ Tát bậc thứ chín làm hưng thịnh đạo nghiệp không cùng tận.

Đã tu tập chân chánh không còn nghi ngờ, đối với các pháp vô lậu không bị nhiễm ô, ở trong nhiễm ô không thấy có chấp trước, hoàn toàn vượt qua Dục Giới, Sắc Giới và Vô Sắc Giới, trở về tuệ vô sinh, diễn giảng khắp nơi khiến đều được nghe biết.

Như vậy, Tối Thắng! Sự nghiệp tu hành của Bồ Tát bậc thứ chín oai thần vĩ đại vượt hẳn thế gian, hoặc ở trong chúng giữ gìn oai nghi không mất phép tắc, hành động cử chỉ nhìn, ngó đúng với chánh pháp, mặc y phục không sang trọng se sua.

Nếu muốn vào thành ấp, quận huyện nên đắp pháp y, bưng bát, tâm thường thư thái, bước đi ngay thẳng, đi đứng nằm ngồi tâm thường quán sát, lời nói nhu hòa không hung ác thô bạo, thuyết giảng rộng rãi như hư không, không còn vướng mắc, hoàn tất việc khó làm, không tạo nhân duyên quả báo nữa, việc làm của Bồ Tát chỉ chú trọng nơi Phật Đạo.

Như vậy, Tối Thắng, Bồ Tát trụ bậc thứ chín thì gọi là trụ bậc nhất chẳng phải là trụ bậc thứ chín, cũng chẳng phải trụ từ Sơ Địa cho đến địa thứ năm, thứ sáu, thứ bảy, thứ tám Bồ Tát tinh tấn tu tập pháp của mười Địa: Thành địa, đế địa, vô khủng cụ địa cũng gọi là địa của Như Lai, đạo địa, định địa, vô sở úy địa, quán địa, tuệ địa, tự nhiên tánh địa. Bồ Tát đã thành tựu pháp của mười địa này thì không gọi là Bồ Tát.

Mà được xưng là bậc Như Lai Chí Chân, Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật Thế Tôn, không ai có thể sánh bằng, đầy đủ mười tám pháp thù thắng, thuyết pháp đúng thời, các hạnh đầy đủ, thị hiện sinh lên Cõi Trời Đâu Suất thanh tịnh không còn cấu uế, hoặc thị hiện giáng thần tiếp độ chúng sinh. Đó gọi là Bồ Tát ở địa thứ chín đầy đủ hạnh thanh tịnh.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần