Phật Thuyết Kinh đồng Tử Vô Ngôn - Phần Một
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn
PHẬT THUYẾT
KINH ĐỒNG TỬ VÔ NGÔN
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn
PHẦN MỘT
Tôi nghe như vậy, một thuở Đức Phật ở trong núi Kỳ Xà Quật tại thành La Duyệt Kỳ cùng với chúng đại Tỳ Kheo gồm một ngàn hai trăm năm mươi người và vô ương số Đại Bồ Tát.
Lúc bấy giờ, trong thành, đệ nhất phu nhân của tướng quân Sư Tử mang thai đứa con trai có đức, vị Trời trên hư không xướng lên âm thanh lớn mà bảo rằng: Này Đồng Tử! Ông phải ôm giữ Đạo Giáo, suy nghĩ Kinh Điển cẩn thận chớ nói lời nói của thế gian, hiểu rõ pháp phương tiện độ thế!
Ít nói, ít lời, bỏ việc phương tục, phải về với chánh nghĩa, chẳng chọn lấy mỹ từ mà trau chuốt lời nói. Đồng Tử từ xa nghe lời dạy như vậy, chưa từng kêu khóc cũng chẳng phát ra tiếng.
Ban đầu chẳng tự hiện tướng trẻ con, cho đến bảy ngày, mặt mày vui vẻ không có tiều tụy, mọi người đến nhìn xem không chán.
Hoặc có người nói rằng: Đứa trẻ này không tiếng nuôi dưỡng làm gì!?
Cha mẹ đáp rằng: Phải trái tùy theo đời trước, ta sẽ nuôi đứa trẻ đó.
Vì sao vậy?
Vì nay xem đứa trẻ này uy dung nhan mạo đoan chánh thù diệu lồng lộng khó lường, chẳng phải kẻ tầm thường có thể bì kịp, chân thật chẳng hư dối. Đến lúc này, cha mẹ, thân thuộc, bạn bè thấy đứa trẻ không tiếng, nhân đó cùng chung đặt tự hiệu là Vô Ngôn.
Đến đây, Đồng Tử Vô Ngôn dần dần lớn lên, đến năm lên tám tuổi, mọi người bốn phương đến quan sát mà không nhàm chán. Có phương diện, hoặc có Pháp Hội phân biệt nghĩa thì Đồng Tử liền đi đến chỗ ấy hỏi han, thính thọ lời nói pháp. Ngoài ra vẫn tịch nhiên lặng nghĩ cũng không nói điều gì.
Đồng Tử đó vào một ngày khác cùng với cha mẹ, năm thứ thân thuộc, bằng hữu, tri thức đi về núi Kỳ Xà Quật mà đến chỗ Đức Phật, cúi đầu dưới chân, nhiễu quanh bên phải ba vòng, ở trước Đức Thế Tôn.
Vòng tay mà đứng, nhìn thấy vô ương số những Bồ Tát tụ họp có đến hàng ức trăm ngàn của Thế Giới mười phương, từng vị từng vị đều ngồi trên tòa ngồi nghiêm tịnh, lòng rất vui vẻ, thiện ý phát sinh vậy.
Ngài Xá Lợi Phất trước bạch Đức Phật rằng: Thưa đấng Thiên Trung Thiên! Đây là Vô Ngôn, con của tướng quân Sư Tử, đoan chính đẹp đẽ, uy quang khó lường, lồng lộng như thế này, lìa khỏi nói năng mà không lời nói.
Người ấy đời trước có còn ương họa gì mà sinh không có tiếng lại chẳng thể nói?
Đức Phật bảo Ngài Xá Lợi Phất: Dừng lại! Dừng lại! Ông không được khinh mạn Đồng Tử Vô Ngôn! Sở dĩ vì sao?
Vì người này chính là Bồ Tát Đại Sĩ, ở đời Phật quá khứ đã gieo trồng mọi gốc đức, cúng dường vô số các Đức Phật Chánh Giác, cúi đầu dưới chân được chẳng thoái chuyển, sẽ thành đạo vô thượng chánh chân.
Lúc mới sinh, Trời ở trên hư không đã tuyên dương bằng âm thanh lớn rằng: Này Đồng Tử! Ông phải ôm giữ đạo ý, suy nghĩ Kinh Điển, chớ có đàm luận thế tục. Do đó cho nên, hôm nay Bồ Tát này tịch nhiên chẳng nói, thọ nhu thuận giáo năm lên tám tuổi, một lòng kết lưỡi không nói điều gì, dùng đạm bạc ấy phụng hành Tứ Thiền.
Đức Thế Tôn lại bảo Ngài Xá Lợi Phất rằng: Ở đó có chúng sinh, nếu có thể nhìn thấy Bồ Tát Vô Ngôn thì đều thuận theo Đạo Giáo là do sự vô ngôn này. Do đó cho nên, hôm nay có đại hội, sẽ nói Kinh Pháp, khai hóa dẫn lợi cho vô ương số chẳng thể xưng kể chúng nhân dân.
Đến đây Bồ Tát Vô Ngôn liền như hình tượng ấy vào tam muội chánh thọ mà hiện lên điềm ứng, khiến cho các Thanh Văn và chúng Bồ Tát, Trời, Rồng, Quỷ Thần, Kiền Đạp Hòa, A Tu Luân, Già Lưu La, Chân Đà La, Ma Hầu Lặc, Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di…
Tất cả chúng hội đều ở bàn tay phải hóa sinh ra hoa sen lớn như bánh xe với ngần ấy màu sắc tươi đẹp vi diệu, hương thơm hoa ấy khó lường, người nhìn thấy lòng vui mừng.
Trên hoa sen đó có các vị hóa Bồ Tát tự nhiên ngồi kiết già với ba mươi hai tướng trang nghiêm thân. Bồ Tát Vô Ngôn hiện đại thần túc rồi, cúi lạy Đức Thế Tôn, một lần nữa tự quy mạng.
Các vị Bồ Tát ngồi trên hoa sen kia tréo tay, cúi thấp thân cũng ba lần tự quy y. Bồ Tát Vô Ngôn miệng vừa tuyên đọc bài khể thủ quy mạng này thì ngay tức thời Thế Giới của Chư Phật nhiều như cát bờ Sông Hằng tự nhiên chấn động sáu lần.
Tiếng lớn nghe vang khắp Trời ở trong không ngợi khen như sấm động, Trời mưa xuống mọi thứ hoa, dụng cụ âm nhạc chẳng tấu mà tự kêu lên.
Bồ Tát Vô Ngôn thừa uy thần của Đức Phật, nguyện lớn đã đạt, vọt lên không trung, cách đất bốn trượng chín thước. Chúng Đại Bồ Tát cũng lại như vậy.
Đại Sĩ Vô Ngôn ở trong không cùng với các vị Bồ Tát khác miệng mà đồng âm, dùng kệ khen Đức Phật rằng:
Không hình mà hiện hình
Cũng chẳng trụ ở sắc
Muốn khai hóa chúng sinh
Hiện thân mà có dạy
Phật là không sắc hội
Cũng chẳng trước hữu vi
Tất cả số đều qua độ
Đạo Sư nên thân hiện
Ba mươi hai tướng hiển
Tám mươi vẻ đẹp theo
Dùng trang nghiêm thân thể
Vì chúng giảng pháp mầu.
Pháp tức là không tưởng
Cũng không có âm hưởng
Chẳng thể được, vô thanh
Vô niệm tịch vi diệu.
Pháp Phật giác pháp rành
Ngồi tại dưới cây Phật
Đạo đó, nói dạy không
Ngôn từ không chỗ nói.
Pháp ấy pháp vô hình
Cầu tướng chẳng thể được
Dùng pháp vô tướng hình
Đâu có điều gì nói.
Thương xót đến quần sinh
Ơn lớn của Đức Phật
Phân biệt không thu hoạch
Lời nói không thất thời.
Hiểu rõ không được gì
Giải không không thu hoạch
Hay như người dưỡng này
Phật nghĩa không danh tự.
Lời ngôn giáo hữu vi
Chư Phật nhân lời nói
Số đó không sở hữu
Vô vi không tự nhiên.
Như hình sắc vô thường
Đạo Sư duyên thấy tượng dáng vẻ
Pháp này sở hữu không
Kinh này vì chúng nói.
Lại trước đến tám tuổi
Miệng có nói chưa từng
Tôi lúc mới sơ sinh
Chư Thiên lớn tiếng xướng
Do tư duy Điển Kinh
Mà tai chẳng nghe tiếng
Như vậy đạo nghiệp mang
Miệng cũng không chỗ nói.
Giả sử Vô Ngôn dạy
Từ ngữ không suốt thông
Dùng lời là có nói
Ánh sáng diệu sạch trong
Niệm thệ nguyện Phật Đạo
Chí tại Đại Thừa tôn
Sẽ tuyên dương Tôn Giáo
Đắc Phật, bậc Thế Tôn
Đạo tâm chẳng thể hoạch thu
Niệm vô tướng, vô ngôn
Vậy nên rằng: Đạo rỗng không
Giải kết sáng rỡ ràng.
Đến đây, Đồng Tử nói với các chúng hội rằng: Đạo cùng ngôn giáo ngang nhau không có khác, chẳng thể thấy, chẳng thể nắm giữ, điều có thể nói không thể nhìn thấy. Miệng nói chí đạo, người kể là đạo mà có sở cầu, nguyện cầu theo chỗ ấy thì không sở hữu.
Không thể được chỗ thì không sở trụ. Trụ như vậy là chỗ đứng của đạo vậy. Các độ vô cực cũng lại như vậy và vô số các gốc đức khác.
Nói với ngôn giáo cũng không sở thuyết mà chỉ là âm thanh không có ngôn từ. Lại nói về bố thí, đã thí, sẽ thí là ban cho có sự định hướng. Trụ ở đạo thì tất cả bình đẳng.
Miệng nói thương xót, lời dạy của đạo thí cũng hành từ. Đạo ấy là tự nhiên, quân bình như hư không. Lòng đã hiểu rõ có sở thuyết thì kể ra tất cả điều đó đều là thanh tịnh.
Đạo ấy là khắp cùng hư rỗng đoan chánh như vậy. Thân làm, miệng nói, lòng có điều suy nghĩ, xả thí, thí… phân tách ra thì tất cả là trần lao. Đó mới gọi là thí độ vô cực.
Việc đáng khuyến trợ cũng lại như vậy. Bố thí chẳng phải là ân huệ của đạo. Cái gọi là đạo thì chẳng nương vào bố thí. Hai việc này chỉ là giả thanh tiếng giả vậy.
Vĩnh viễn không sở trước cũng không hình tượng. Giả sử, như vậy mà thọ Đạo Giáo thì gọi là hạnh Bồ Tát. Đó mới gọi là thí độ vô cực. Đối với chủ bố thí thì tức là thanh tịnh.
Có sự ban cho mà chẳng tưởng đến quả báo, tai nghe cấm giới mà chẳng trụ ở sắc thì không cái sinh ra cũng không cái diệt đi.
Đó là giới! Cũng lại như vậy, việc của thân, miệng, lòng nếu không cái tạo ra thì đều không có cái có mà quay trở lại phân biệt. Việc giảng nói nhân duyên hòa hợp, miệng lời nói nhân gọi là giới.
Như lời nói của miệng, giới cũng như vậy. Hai việc này đều không hình tượng. Các nghiệp cấm giới, tất cả giả, lời nói không chương cú. Kể về đạo thì không có sự ngôn thuyết. Miệng ấy đã thỏa thích tâm ý.
Do nghiệp là cấm giới, khuyến trợ đạo đức. Nói giới là đạo, muốn chiếu sáng đến giới. Tất cả không hình dáng giống như hư không.
Có thể hiểu rõ việc này thì đó gọi là độc bộ báo hành cấm giới, có thể đi đến chỗ siêu tuyệt không ai sánh, vào Bình Đẳng Giác, đạo thâm diệu chập chùng khó kịp.
Đến đây, khen rằng:
Như ngôn, đạo cũng vậy
Không trì, chẳng thể thấy
Lời nói, không chỗ nhìn
Ta nói đạo Thế Tôn
Thề nguyền cầu đến đạo
Lời nguyền không chỗ trụ
Không trụ, xứ sở không
Cũng vậy, đạo lập nên
Vậy các độ vô cực
Và tạo tác mọi đức
Ngôn từ giả âm thanh
Lời nói không lời nói,
Điều nên gọi bố thí
Cái cho, cái sẽ ban
Mới xứng người nhận thí
Đều trụ đạo ngang bằng bình đẳng
Miệng thông sướng bố thí
Với việc đạo diễn trình bày
Đạo đó cũng tự nhiên
Như hư không bình đẳng
Nếu hay hiểu rõ lòng
Thì lời nói của miệng
Tất cả đó sạch trong
Nghe tịnh đều đến đạo.
Thân, miệng, niệm trong lòng
Tất cả trần lao bỏ
Cũng như thế lời khuyên
Là thí độ vô cực
Bố thí đạo chẳng nương về
Đạo chẳng dựa ở thí
Hai cái này giả danh
Không trước, không hình tượng.
Nếu không chỗ tựa nương
Đạo thọ nhận ấy như vậy
Nếu báo chẳng tưởng mong
Đó gọi là bố thí.
Giả sử nghe cấm giới
Chẳng trụ ở sắc hình
Chẳng khởi, không chỗ diệt
Là hình tướng giới hành.
Chẳng hành giới cũng vậy
Không khác thân, miệng, lòng
Không tác, không sở hữu
Giả có lời nói năng
Có lời nhân duyên hợp
Cấm giới nói hiệu danh
Như giới tôi Chánh Đẳng
Hai việc này, lậu không vô lậu
Các việc đáng cấm giới
Tất cả giả thuyết ngôn
Cái thu hoạch đạo nghĩa
Vô nghiệp cũng vô ngôn.
Miệng nói tâm sở tác
Cấm giới, trợ đạo khuyên
Kể giới và Đạo Giáo
Tất cả như hư không
Điều này nếu hiểu rõ
Độc bộ và giới răn
Du cư cùng với đạo
Câu khó giải diệu thâm.
Đồng Tử lại nói với những người đến tập hội rằng: Cái có thể gọi rằng nhẫn nhục giáo là cũng chính là ngôn từ. Thấu hiểu rỗng không cái nghĩa không mới là nhẫn nhục. Nhẫn như bình đẳng, ba cõi cũng như.
Nói loại hình của nhẫn không hình tượng, không nhìn thấy, lòng bình đẳng đến thế này mới gọi là nhẫn. Nếu có thể rỗng không lặng lẽ là căn bản của nhẫn nhục thì âm thanh hương vị là nhân duyên hợp thành. Cái đó không sở hữu chỉ là văn tự. Vậy nên tuyên sướng suốt thông rằng nhẫn nhục.
Đức Như Lai Chánh Giác nói có ba nhẫn, thân miệng và tâm niệm. Nếu có thể hiểu rõ nhẫn nhục này thì đó gọi là nhẫn. Cắt rời thân thể ấy, từng đốt từng đốt lìa tan mà lòng không sân nhuế.
Ân ái và thân ví như tường vách, xét thân như vậy là nhẫn nhục, xa nghe thấu lời nói ác khẩu mà nếu có thể đủ sức nhịn đối với những ngôn từ chẳng ý vị đã nói thì mới là nhẫn nhục.
Nếu lại đi vào tất cả tỳ vết lỗi lầm mà lòng ấy tịnh nhiên, không có ưu kết, ý có thể phân biệt các văn tự thì tâm mới vào đến nhẫn nhục. Kể như nhẫn đạo cũng như thế này, thân miệng ý đều đồng vậy thì mới gọi là đạo.
Tuyên truyền Thánh Giáo, nhiều điều khuyến trợ thì tất cả tinh tấn thượng diệu tế vi và những trung gian hàng ức kiếp, hợp tập mà chẳng thể được đến với thành tựu.
Giả sử tinh tấn chẳng thể đạt được thì kể cả đạo đức cũng không có gì thu hoạch, chẳng được các pháp. Đó gọi là tinh tấn. Việc tu tinh tấn, giả như có thể như vậy, chẳng mang lòng khiếp nhược, cũng không sợ hãi thì đó gọi là cực thượng thông đại tinh tấn dũng mãnh Bồ Tát, nhân nghĩa đầy đủ hết.
Đến đây, Đồng Tử trùng tụng rằng:
Có thể gọi nhẫn nhục
Là điều miệng sướng tuyên
Rỗng nghĩa không là nhẫn
Như nhẫn, ba đời bằng.
Nói đến nhẫn sắc tượng
Chẳng dáng mạo chẳng thể nhìn
Nếu lòng bình đẳng thế
Thì nhẫn mới gọi tên.
Nhẫn loại là không tịnh
Duyên hợp vị, thanh, hương
Đó không có văn tự
Nhẫn này mới gọi tên.
Ba nhẫn này tuyên giảng
Thân, miệng, niệm trong lòng
Nếu đây, người hiểu rõ
Thì nhẫn mới gọi tên.
Đốt, đốt rời thân ấy
Mà lòng chẳng ôm sân
Thân thọ như tường vách
Đó là nhẫn của thân.
Xa nghe lời nói ác
Lời mắng chẳng đáp đền
Vào âm này nói nhẫn
Mọi lời nói trụ yên.
Nếu ở những tỳ vết
Ái kết lòng chẳng mang
Chữ không nếu đã rõ
Thì nhẫn đã vào lòng.
Như nhẫn, đạo cũng vậy
Như vậy, ý, miệng, thân
Đây mới gọi là đạo
Tên để mà trợ khuyên
Nếu các chỗ tinh tấn
Tối thượng, trung, thấp hèn
Hợp tập hàng ức kiếp
Chẳng được thành tựu liền
Tinh tấn chẳng thể được
Sở hoạch đạo cũng không
Chẳng đạt tất cả pháp
Đó là tinh tấn xưng gọi
Nếu cần lực làm thế
Không khiếp, khó chẳng mang
Đó là đại tinh tấn
Là Bồ Tát dũng cường mãnh.
Đồng Tử lại nói với những người đến hội rằng: Cái gọi là thiền tư cũng chẳng có ý niệm, kể cả thiền giả cũng không chỗ trụ, bỏ tất cả tưởng. Đó mới gọi là tịch độ vô cực thì có thể tịch nhiên, đạm bạc, không nói không phóng dật, lìa khỏi các lậu mà thiêu diệt tất cả trần. Đó gọi là tịch độ vô cực.
Tâm đối với các pháp chẳng sai khiến qua lại vãng phản, ở lòng lìa khỏi lòng thì đó gọi là tịch độ vô cực. Tâm và thiền định thường đến ý đạo, luôn luôn lấy bình đẳng quan sát mọi việc này.
Nếu có thể bình đẳng đối với những điều quan sát không có tà chánh. Ấy gọi là Phật Đạo chẳng vì khó được, không có văn tự cũng không có lời nói, chẳng thể rốt ráo, cũng không sở hữu, không có phóng dật, cũng chẳng Tự Tứ mặc theo ý mình.
Đây mới gọi là trí độ vô cực. Không có cõi này, chẳng qua bờ kia, lại đối với đây, đó mà không chỗ trụ, chánh lập pháp giới bằng không chỗ trụ, cũng không sở trước, cũng không văn tự, không có gì ban tuyên.
Không văn tự rồi chẳng lại giả cất lên tất cả tư tưởng, hoặc có thể khải thọ đối với pháp này. Đó mới gọi là trí độ vô cực. Lục Độ vô cực cũng lại như vậy.
Giả sử có người quan sát bình đẳng ý nghĩa này thì có thể quân bình tất cả các pháp, cũng có thể bình đẳng đối với tất cả chúng sinh. Nếu có thể đồng dạng với tất cả các pháp thì có thể quân bình tất cả chúng sinh.
Nếu có thể bình quân tất cả chúng sinh thì có thể bình đẳng tất cả Chư Phật. Bình đẳng với Chư Phật rồi thì có thể phụng tu đối với nhất thiết trí. Vậy nên Bồ Tát dũng mãnh vô úy. Do đó gọi là vô cực trí tuệ. Nếu có thể thuận theo lệnh dạy này thì thuận pháp nhãn chẳng thể nghĩ bàn.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Thắng Thiên Vương Bát Nhã Ba La Mật - Phẩm Mười Sáu - Phẩm Phú Chúc
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Giới - Phần Bốn
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Bà La Diên
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Lý Thú Lục Ba La Mật đa - Phẩm Ba - Phẩm Phát Tâm Bồ đề
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Kệ - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh Trung Bộ - Kinh Lomasakangiya Nhất Dạ Hiền Giả