Phật Thuyết Kinh Tối Thắng Vấn Bồ Tát Thập Trụ Trừ Cấu đoạn Kết - Phẩm Chín - Phẩm định ý - Tập Một

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Trúc Phật Niệm, Đời Dao Tần

PHẬT THUYẾT KINH

TỐI THẮNG VẤN BỒ TÁT

THẬP TRỤ TRỪ CẤU ĐOẠN KẾT

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Phật Niệm, Đời Dao Tần  

PHẨM CHÍN

PHẨM ĐỊNH Ý  

TẬP MỘT  

Khi ấy, Bồ Tát Tối Thắng bạch Đức Phật: Bồ Tát Thường Tịnh trú địa vị thứ chín được thanh tịnh như thế nào?

Đức Thế Tôn bảo Tối Thắng: Bồ Tát ở địa vị thứ chín tu tập pháp môn định ý nhất tâm, hiểu rõ tam muội chánh định mà không bị hao tổn. Đối với tịnh hay bất tịnh thường nhất tâm. Tuy ở trong chốn trần lao, sân hận mà không khởi vọng tưởng sinh ra những ý niệm nào.

Xét biết tâm, ý, thức đắm trước cửa chúng sinh, đều bị trói buộc trong kết sử khổ não, do quả báo đã làm nên đưa đến hoạn nạn, muốn cầu pháp phương tiện, nên dùng phuơng tiện khéo léo gì để diệt hết, hoàn toàn giải thoát.

Bậc Đại Sĩ Bồ Tát thứ chín nên nghĩ về các tưởng đắm trước đó, những tưởng không đúng với chánh pháp, do vô minh, hành, đưa đến kết quả ấy, nhất tâm nghĩ về đạo, niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng, niệm giới, niệm thí, niệm thiên, niệm hơi thở, niệm thân, niệm chết, hộ trì tất cả không còn phiền não nhiễu loạn.

Siêng năng tinh tấn như cứu nạn lửa, đầy đủ tất cả đạt được chí nguyện nơi đạo quả, thực hành các thông tuệ được trọn vẹn, thường nghĩ thương xót tất cả, do đâu mà chúng sinh bị các tai nạn khổ não. Tự suy xét thấy nguồn gốc đó đều do vô minh mà có hành, do hành mà sinh có thức.

Thức đã có chỗ chứa nên gọi là danh sắc, danh sắc đã sinh đủ thành sáu nhập, trong ngoài duyên nhau sinh ra xúc, tâm đắm nhiễn sinh ra thọ, hiểu rõ khổ vui sinh ra ái, ái đã sinh thì thủ sinh cho đến sinh ra lão, bệnh, tử, sầu ưa khổ não, dần dần tăng trưởng kết quả ái dục.

Bồ Tát thứ chín quán sát suy nghĩ sâu xa về quả báo đó, sự trói buộc của tuần lao là hư dối không thật, xét kỹ duyên của quả báo vốn không thật, lại biết sự phân biệt của chúng sinh quả thật đều không thật có, ứng không có chỗ ứng, báo không có chỗ báo bằng sự thanh tịnh quán pháp chân thật, làm cho chúng sinh được thanh tịnh.

Thường nghĩ khuyến khích tu tập định ý, trước dùng phương tiện quyền biến quán sát một Cõi Phật có bao nhiêu chúng sinh lập thệ nguyện vững, tạo các công đức, tu tập cây Bồ Đề trang nghiêm vô thượng. Có bao nhiêu chúng sinh thiền tịch nhập định, biến hóa thần thông hóa hiện khắp nơi.

Có bao nhiêu chúng sinh, gánh gánh nặng cho người, thay họ chịu khổ khiến không còn khổ não. Có bao nhiêu chúng sinh đoạn trừ ba thứ kết sử, chứng Tu Đà Hoàn. Có bao nhiêu chúng sinh ba độc đã giảm nhẹ, chứng được Tư Đà Hàm, hoàn toàn xa lìa khổ.

Có bao nhiêu chúng sinh không còn nạn của năm hạ phần kết sử, không trở lại Thế Giới này nữa. Có bao nhiêu chúng sinh đoạn trừ năm thượng phần kết sử được tự tại giải thoát an vui. Bằng ngũ nhãn Thần Thông quán sát, đến tận những nơi tối tăm nhất. Vào thời không có pháp thì các hàng Duyên Giác cư trú nơi núi rừng, tùy thời xuất hiện, ở nhân gian giáo hóa.

Bồ Tát lại suy nghĩ về chỗ ấy nên gần gũi hay không nên gần gũi. Thế nào là bậc thiện nam nhất tâm quán sát các loài chúng sinh trong một cảnh giới của Phật, lập nguyện vững chắc, tạo các công đức, siêng năng tu tập cây Bồ Đề trang nghiêm vô thượng.

Đó là bậc thiện nam, ở vào địa vị thứ chín thấy chúng sinh nào có tâm kiên cố, liền bày phương tiện quyền biến cùng làm thiện tri thức, tùy thời giáo hóa càng thêm tinh tấn, tăng trưởng lợi ích, ủng hộ thành tựu chí nguyện vững chắc không bị hủy hoại. Dạy bảo khai thị khiến cho biết pháp thâm sâu, không lo nghĩ các hoạn nạn gần xa.

Giả sử trước mặt có nạn lửa lớn thiêu đốt một Cõi Phật tiêu tan cùng một lúc, nhưng trong có con đường đi đến cõi khác mà nghe ở cõi đó có Phật diễn giảng đạo pháp, pháp không sinh diệt, không già không chết, liền tiến tới quỳ xuống quy y nên thân không bị thiêu đốt, cũng không bị phiền não nóng bức, được thấy Đức Phật lễ bái cúng dường, tích tụ công đức và các pháp thù thắng khác, liền được thành tựu không còn thoái lui.

Giả sử gặp biển lớn, nước đầy mênh mông như một Cõi Phật trên dưới xung quanh đều như nhau ngay đó vị ấy lập thệ nguyện quy y, cũng không sợ khó, tạo lập công đức, chí nguyện vững chắc không thể lay động. Đó gọi là Bồ Tát thứ chín ở trong đại từ bi, gồm không bỏ tất cả chúng sinh.

Bồ Tát thứ chín quán sát các chúng sinh đó thiền tịch nhập định, thần thông biến hóa thích ứng khắp nơi như thế nào?

Bồ Tát này nếu thấy chúng sinh ở chỗ xa vắng hoặc núi sâu, chỗ không có người, nhiếp tâm tư duy vào tầng thiền thứ nhất, thiền thứ hai, thiền thứ ba, thứ tư của bốn tầng thiền. Lúc đó, Bồ Tát thấy chúng sinh ấy, lại từ tầng thiền thứ tư của bốn thiền trở lại thiền thứ ba, thứ hai, thứ nhất của bốn thiền.

Bồ Tát lại thấy chúng sinh chỉ vào thiền thứ nhất mà không vào thiền thứ hai, thứ ba, thứ tư, hoặc vào thiền thứ hai mà không vào thiền thứ nhất, thứ ba, thứ tư. Hoặc vào thiền thứ ba mà không vào thiền thứ nhất, thứ hai, thứ tư. Hoặc vào thiền thứ tư mà không vào thiền thứ nhất, thứ hai, thứ ba.

Khi ấy Bồ Tát cũng thấy chúng sinh vào không xứ, thức xứ, bất dụng xứ, hoặc có khi Bồ Tát thấy chúng sinh chỉ vào không xứ mà không vào thức xứ và bất dụng xứ, hoặc riêng vào thức mà không vào không xứ, bất dụng xứ. Hoặc riêng vào bất dụng xứ mà không vào không xứ và thức xứ. Hoặc ở trong thiền thứ tư của bốn thiền mà không lên xuống ba tầng thiền kia.

Bậc Bồ Tát thứ chín, liền đến nơi vị ấy cùng làm bạn lành khiến cho thành tựu công đức không để nhàm chán, có thể làm cho chúng sinh đạt đến chỗ kiên cố. Thế nên gọi vị đó là bậc thứ chín.

Bồ Tát thứ chín gánh gánh nặng cho người, thường thay họ chịu khổ, khiến không còn khổ não như thế nào?

Bồ Tát đó dùng phương tiện khéo léo đi vào trong năm đường, tùy lúc thích hợp ban các y phục, thức ăn, chỗ ở, thuốc men đầy đủ cho người bệnh, ở nơi ba đường tám nạn, đích thân đến cứu độ, đến trước người ấy khiến họ không còn chịu khổ, hoặc vào trong chốn địa ngục, ngạ quỷ ban cho tất cả được no đủ. Đó là Bồ Tát thứ chín vì chúng sinh gánh gánh nặng cho họ.

Bồ Tát khuyên người đoạn trừ ba kết sử khiến được quả Tu Đà Hoàn, thành tựu quả vị hoàn toàn xa lìa khổ như thế nào?

Đó là Bồ Tát nương vào phương tiện thiện xảo thuyết pháp giáo hóa cho hàng Thanh Văn, Duyên Giác, nói về Niết Bàn an lạc tịch nhiên vô vi. Hoặc có lúc dạy về pháp không sinh, không diệt, không tịch cho hàng Đại Sĩ Bồ Tát.

Có thể biết được tâm niệm chúng sinh ấy rồi mới diễn giảng Đại Thừa Phương Đẳng, các pháp bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí tuệ, đại từ, đại bi, bốn thiền, bốn vô lượng tâm, căn, lực, giác chi, tám Thánh đạo và ba phạm trú.

Người đó nghe rồi, tâm ý bừng sáng, toàn thân xúc động, tùy theo khả năng khuyến khích tinh tấn khiến chứng đắc đạo quả. Hoặc có lúc Bồ Tát thấy chúng sinh ấy vốn đã phát tâm Bồ Tát, nhàm chán nghĩ mình không thể đạt được, muốn thoái lui vào đạo Thanh Văn.

Lúc đó, Bồ Tát đến chỗ người ấy bảo: Ông tích chứa công đức đến nay đã sắp thành tựu, các tướng đẹp và ánh sáng sẽ trang nghiêm thân, giáo hóa chúng sinh đạt đến Cõi Phật, vì sao lại thoái lui trụ vào đạo thấp kém?

Người ấy nghe rồi tự hối hận. Than ôi, thật đáng hổ thẹn.

Bồ Tát liền dùng Thần Thông khiến người ấy thấy sự oán trách: Ta phải cố gắng dũng mãnh, tích tập công đức, lập chí nguyện lớn, vì tất cả chúng sinh không bỏ nguyện của mình. Khi Bồ Tát sinh khởi niệm như vậy, Trời đất chấn động sáu cách làm cho cung điện của ma không đứng vững.

Lúc đó, ác ma sinh ý nghĩ: Vừa rồi Trời đất chấn động sáu cách, do điềm lành gì hiện ra như vậy?

Hay là Đức Như Lai Chí Chân Đẳng Chánh Giác xuất hiện ở đời?

Nếu không phải vậy, chắc là bậc vô dục đắc quả A La Hán, khiến điềm lành ứng hiện như vậy. Nếu không như thế, thì bậc Bồ Tát phát tâm đại thừa, lập nguyện vững chắc, muốn cầu làm Phật, vượt lên ba cõi, thương xót các nạn, cứu độ mười phương, làm cho cảnh giới ta trống rỗng không còn người hầu cận.

Nếu chẳng phải như vậy, chắc là vị Vua bị tội sinh ở trong một trăm hai mươi tám địa ngục Cách tử, dùng lý cai trị, giáo hóa, tâm không thiên vị, hoặc có thể do thần biến của vị ấy gây ra.

Nếu không như vậy, ta có vạn người con mạnh mẽ cường tráng, tài năng uy lực phi thường, kề cận bên ta thống lãnh sáu cảnh Trời ở Cõi Dục. Người con nhỏ nhất của ta tên là Ác Tử, tính tình hung bạo, hành động không có nhân từ, ta sai đi tìm hiểu việc làm của Vua ở địa ngục, quyết đoán thiện ác, phân biệt hiền ngu, cũng có thần thông chấn động Trời đất, có Vua gọi là trị tội, dùng pháp trị không cao thấp, hay là do thần biến của vị ấy cảm ứng ra.

Ác ma lại suy nghĩ: Ta có người hầu tên là A Bàn, cũng có thể biến hiện vô lượng oai đức. Ngày sinh ra Trời đất chấn động lớn, hoặc lúc qua đời mặt đất cũng chấn động mạnh, hoặc có thể hiện điềm kỳ lạ này.

Ma Vương suy nghĩ bao nhiêu niệm như vậy, lại bằng thiên nhãn quán sát tam thiên đại thiên Thế Giới, Lúc ấy, thấy người đoạn dục chứng quả Tu Đà Hoàn, nay lại phát tâm đại thừa. Biết rằng chính người này muốn cảnh giới của ta trống rỗng nên Ma Vương tìm cách hủy hoại tâm lành của vị ấy.

Bấy giờ, ma ác đem quân đến chỗ người đó, thấy Bồ Tát Thường Tịnh bậc thứ chín nên tâm lo sợ, sởn gai ốc liền tự rút lui không dám tiến đến trước. Đó là do thần đức cảm ứng của Bồ Tát Thường Tịnh khiến cho bậc Tu Đà Hoàn chứng đạo vô thượng, lập vững thệ nguyện quyết không thoái lui.

Bồ Tát bậc thứ chín quán sát chúng sinh, biết ba kết sử đã giảm nhẹ, đắc quả Tư Đà Hàm, không còn dục, sân, si hoàn toàn xa lìa khổ như thế nào?

Đó là Bồ Tát quán xét chúng sinh ấy, từ xưa đến nay dồn chứa công đức, có người lợi căn, có người độn căn. Hoặc thấy chúng sinh tâm ý đã thuần thục sắp thành đạo quả khiến tâm họ không thoái lui, đến được đạo lớn. Hoặc thấy người độn căn khuyến khích cho họ tinh tấn, đầy đủ công đức, thành tựu đạo quả.

Bồ Tát dẫn dắt khiến cho tâm họ không còn biếng trể, có khả năng thành tựu bốn đạo quả hoặc vượt qua quả vị thứ tư, không bị dừng lại ở quả A Na Hàm đều là nhờ công đức của Bồ Tát Thường Tịnh bậc thứ chín, chưa từng trái bỏ tâm nguyện rộng lớn.

Bồ Tát tinh tấn tu tập không thể kể hết, không chấp vào kết quả của mười hai nhân duyên, Bồ Tát địa vị thứ chín tu tập, thường tịnh để đạt được sự thanh tịnh. Hoặc từ người khác nghe pháp tùy thuận, tự xét thân mình, niệm đúng theo pháp, tinh chuyên nhất tâm giữ chí học hỏi, thường ở chỗ vắng lặng không ồn ào, biết phương tiện định ý tịch tĩnh, quán xét căn cơ của người hoàn toàn không hư vọng. Đó là Bồ Tát ở quả vị Tu Đà Hàm có tăng trưởng lợi ích.

Bồ Tát giúp đỡ dẫn dắt chúng sinh đoạn trừ tai họa nguy hiểm của năm kết sử trói buộc như thế nào?

Vị ấy trên Cõi Trời liền nhập diệt, không trở lại Thế Giới này. Lúc đó, Bồ Tát đến Cõi Trời ấy thuyết pháp không sinh, không đoạn diệt cho họ, liền ngay trước họ nhập diệt tận định, đi vào diệt độ. Các vị Trời A Na Hàm ở cảnh giới ấy trong tâm phát sinh ý nghĩ nên nhập diệt vào Niết Bàn vô dư y.

Bồ Tát tuy hiện pháp đặc biệt như vậy nhưng tâm không thay đổi, bằng nhiều ý tưởng, Bồ Tát nhớ đến ở vô số kiếp lâu xa, đều biết rõ hành động ở nơi cảnh giới đó, không ra đi cũng không trở lại, không thấy nơi dừng lại, quán xét không có sự sinh vốn không có xứ sở, tự đoạt đến sự thanh tịnh thản nhiên vô vi.

Đó là Bồ Tát ở quả vị A Na Hàm có sự tăng ích.

Bồ Tát quán sát chúng sinh giúp đỡ bậc Hữu học đạt được sự không chấp trước như thế nào?

Đó là Bồ Tát bậc thứ chín dùng thiên nhãn quán sát trong tam thiên đại thiên Thế Giới ai được lậu tận sắp chứng đạo quả. Quán như vậy rồi. Hoặc thấy có mười, một trăm, một ngàn cho đến vô số người không tính kể cùng lúc đoạn hết kết sử, chứng A La Hán không còn cấu nhiễm.

Khi ấy, Bồ Tát bằng diệu lực thần thông trong một ngày ở khắp tam thiên đại thiên Thế Giới, dùng phương tiện quyền xảo ủng hộ những người ấy khiến cho họ đạt được tâm nguyện không còn nhiễm chấp, xa lìa sinh tử đạt được sự vắng lặng vô vi.

Đó là Bồ Tát đối với quả vị A La Hán có sự tăng ích.

Bồ Tát khuyến khích Duyên Giác được sự không đắm trước như thế nào?

Đó là Bồ Tát bằng thiên nhãn thanh tịnh quán sát chỗ núi cao đất bằng, tối tăm, tịch tĩnh của các Thế Giới, một mình ở chỗ vắng lặng, tư duy về bốn mươi ba pháp chỉ định ý.

Bấy giờ, Bồ Tát đến chỗ ấy, cách đó không xa, dùng cỏ trải trên đất, ngồi kiết già, giữ tâm trước mặt cũng không nhìn nghiêng bên trong tự suy nghĩ sẽ hiện phương tiện quyền xảo biến hóa, hoặc hiện âm thanh sấm sét, điện chớp, hoặc hiện ra cây cối va chạm nhau bên trong phát ra ánh sáng rực hơn lửa, hoặc phát ra tiếng chim hót thú kêu rất hay.

Khi ấy, Bồ Tát ở trước chúng đó bỗng nhiên thay đổi thân mình bay vọt lên giữa hư không, hiện mười tám phép thần biến ẩn hiện tự tại. Có ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp, thân xuất ra nước lửa mà không bị tổn hại.

Hàng Duyên Giác thấy sự biến hóa kỳ lạ thù thắng ấy đều sinh tâm niệm: Chúng ta phải sớm thành Phật Đạo, cũng sẽ có cái tướng trang nghiêm nơi thân, nên cùng nhau tinh tấn tu tập không để biếng trể. Vào lúc khác, bấy giờ, những vị ấy cùng nhau ra khỏi núi rừng, đến thôn xóm khất thực từng nhà để nuôi mạng sống.

Khi ấy, hoặc nghe tiếng chuông trống, âm nhạc, hoặc tiếng kêu khóc bi thảm, trong tâm thương xót hoảng hốt như bị lửa đốt, bỗng nhiên tự ngộ, dứt sạch lậu hoặc tâm được giải thoát. Cho nên gọi là Duyên Giác không đắm nhiễm. Đó là việc làm của Bồ Tát thứ chín, trí tuệ thông suốt không cùng tận.

Hàng Duyên Giác tuy có ánh sáng tướng công đức nhưng không bằng tướng công đức mỗi sợi lông của Như Lai. Gom tất cả lại tướng công đức mỗi sợi lông trên bộ phận cơ thể cũng không bằng tướng công đức ở giữa lông mày của Như Lai.

Lại đem công đức ấy gom lại tất cả cũng không bằng tướng công đức ở đỉnh đầu của Như Lai. Giả sử chúng sinh ở trong tam thiên đại thiên Thế Giới hết tâm tin Phật, tin Pháp, tin Tăng gấp trăm ngàn vạn lần cũng không bằng một phần trăm ngàn vạn lần người tin và thực hành pháp.

Dầu có người tin thực hành pháp đầy khắp tam thiên đại thiên Thế Giới, công đức trí tuệ nghe pháp ấy vẫn không bằng công đức của bậc chứng Tu Đà Hoàn. Lại từ bậc Tu Đà Hoàn theo từng bậc tính toán cho đến bậc vô cấu trí tuệ trăm ngàn vạn lần cũng không bằng công đức trí tuệ của bậc Duyên Giác.

Giả sử những vị Duyên Giác đầy trong tam thiên đại thiên Thế Giới cũng không bằng công đức trí tuệ của một vị Bồ Tát mới phát tâm. Giả sử trí tuệ hiểu biết của vị ấy trăm ngàn vạn lần cũng không bằng công đức đã làm của một vị không thoái chuyển.

Lại nữa, khắp trong tam thiên đại thiên Thế Giới, trăm ngàn vạn lần công đức trí tuệ của vị không thoái chuyển cũng không bằng trăm vạn ngàn lần công đức đã tạo của vị Bồ Tát Nhất sinh bổ xứ. Giả sử Bồ Tát Nhất sinh bổ xứ đầy khắp trong tam thiên đại thiên Thế Giới cũng không bằng tuệ lực công đức của một Như Lai.

Như vậy, này Tối Thắng! Bồ Tát địa thứ chín tâm được sáng suốt biết rõ tâm của chúng sinh trong ba đời, tùy bệnh chữa trị cứu giúp khắp tất cả. Ta nhớ khi còn ở địa thứ chín đã độ thoát chúng sinh không thể kể hết. Từ lúc mới phát tâm cho đến địa thứ chín trong thời gian đó ta đã độ được A La Hán một tăng kỳ, trừ sạch tâm cấu nhiễm hoàn toàn không còn chút nào.

Từ Tu Đà Hoàn đến A Na Hàm lại có một A tăng kỳ thực hành Tứ Đế, diệt tưởng tri về tập, khuyến khích chúng sinh phát tâm Bồ Tát, lập chí kiên cố, không còn thoái lui một A tăng kỳ.

Trước khi giáng thần xuống Cõi Dục sinh lên Cõi Trời Đâu Suất, trừ mười chín sự tư duy đưa đến không thành tựu và những nguy hiểm của dục, hiện tài dũng mãnh không sợ hãi, dứt trừ tất cả chỗ dừng lại của thần thức, các pháp hữu lậu giả dối đều diệt tận bằng tâm vô lậu tu các pháp giải thoát, dùng kiếm trí tuệ sắc bén cắt bỏ tham dục trần lao, thực hành đạo Bồ Tát, chứng đắt thần thông. Sinh tử đã đoạn, phạm hạnh đã lập, việc làm đã xong, không còn thọ thân đời sau nữa.

Bồ Tát như thật biết đã tu pháp đại từ bi, oai nghi cử chỉ cũng không thiếu khuyết, trụ vào công đức trí tuệ kiên cố. Tất cả các ma và hàng ngoại đạo không thể biết được hạnh nghiệp của Bồ Tát. Bồ Tát vì các dục lậu của chúng sinh nên giảng pháp vô lậu, vô sinh diệt, trừ các tưởng chấp không còn ngăn ngại.

Tối Thắng nên biết! Lúc ta tư duy vào tuệ vô tận, quán pháp thọ sinh của Phật quá khứ, thực hành bình đẳng không thiên vị. Đối với pháp của hàng phàm phu và đạo của Thánh Hiền, pháp tu hành của bậc Hữu học, Vô học, Duyên Giác, Bồ Tát, Chư Phật Thế Tôn đều bình đẳng. Thế tục và đạo, phiền não không phiền não, hữu vi, vô vi, hữu lậu, vô lậu, đối với các pháp này cũng đều bình đẳng. Nên xưng danh hiệu là Đẳng Chánh Giác.

Tu pháp bình đẳng ấy thì ta với người đều như nhau, không thấy có sinh diệt. Tự nghĩ sự tu hành còn nhiều lầm lỗi, phải nên giữ gìn giới cấm, tu pháp bình đẳng. Nếu tâm tán loạn không được tinh chuyên phải chế ngự không để buông lung.

Hiểu rõ định loạn đều không thật có, tất cả bình đẳng đồng với tự nhiên. Khi có ý nghĩ trong tâm không có sự hổ thẹn nên tìm cách khiến sinh sự sợ hãi. Hoặc có lúc thân, miệng, ý nghĩ ác làm việc bất thiện, phải nên suy nghĩ để diệt trừ hết không cho tăng trưởng.

Nếu tâm nghĩ đến các pháp hữu lậu: Ganh ghét, ngu si, nghi ngờ dùng cách khéo léo làm cho mất hẳn. Hoặc nghĩ đến việc sát sinh, trộm cắp, dâm dục, nói dối, uống rượu, phải nên suy nghĩ nguồn gốc của sự tai họa. Hoặc tâm tham dục đắm trước địa vị, không có sự cung kính.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần