Phật Thuyết Kinh Tối Thắng Vấn Bồ Tát Thập Trụ Trừ Cấu đoạn Kết - Phẩm Hai Mươi Bốn - Phẩm đạo Trí - Tập Một
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Trúc Phật Niệm, Đời Dao Tần
PHẬT THUYẾT KINH
TỐI THẮNG VẤN BỒ TÁT
THẬP TRỤ TRỪ CẤU ĐOẠN KẾT
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Trúc Phật Niệm, Đời Dao Tần
PHẨM HAI MƯƠI BỐN
PHẨM ĐẠO TRÍ
TẬP MỘT
Bấy giờ, ngay chỗ ngồi, trăm ức chúng sinh, chúng hội Bồ Tát và Thiên Đế Thích, Phạm Thiên Vương, Đâu Thuật Thiên, Diễm Thiên, Hóa Tự Tại Thiên, Tha Hóa Tự Tại Thiên, cho đến cả Cứu Cánh Thiên, tất cả đều nghi ngờ, muốn được nghe điều căn bản của đạo.
Đạo vô tướng nên không thể thấy, vì sao Như Lai nói có đạo?
Khi ấy, Đức Thế Tôn biết được tâm niệm của chúng hội, bảo Bồ Tát Tối Thắng: Các ông muốn được tuyên thuyết điều căn bản vi diệu của đạo chăng?
Tối Thắng bạch Phật: Đúng vậy, bạch Thế Tôn! Chúng con xin muốn được nghe.
Phật bảo Tối Thắng và đại chúng Bồ Tát, Thiên, Long, Quỷ Thần, A Tu La, Chiên Đà La, Ma Hưu Lặc, Nhân và Phi Nhân: Nên hiểu đạo là không dấu vết, vắng lặng không tên.
Giả sử đạo tối thắng có xứ sở thì Đại Bồ Tát không ở trong pháp bình đẳng để thành tựu Tối Chánh Giác. Vì đạo quả ấy không có xứ sở nên Đại Bồ Tát thành Đẳng Chánh Giác.
Phật lại bảo Tối Thắng: Định ý đạo trí của Bồ Tát có mười.
Thế nào là mười?
Không tạo nghiệp của thân, cũng không chấp trước.
Không tạo nghiệp của miệng, cũng không chấp trước.
Không tạo nghiệp của ý, cũng không chấp trước vào cảnh giới Phật mà không sinh tưởng về Phật.
Giáo hóa chúng sinh đạt đến trí vô ngại, đều khiến chúng sinh hiểu đạo mà chẳng phải đạo, khiến chúng sinh thành Tối Chánh Giác, phóng đại hào quang chiếu khắp mọi nơi, mỗi hào quang có vô lượng hóa thân Phật, mỗi hóa thân Phật giảng thuyết sáu pháp vượt bờ thâm sâu, thường chuyển pháp luân, phát tâm bồ đề, hiểu về ngã, vô ngã.
Không thọ mạng, thân tâm tự nhiên nên gọi là đạo.
Tự nhiên ấy, tức là hiểu đạo vô trí cũng không có trí.
Giác ngộ không có đối tượng giác ngộ, đều không thấy giác ngộ.
Nói ta là đạo cũng không thấy ta. Nói ngã là đạo cũng không thấy ngã. Ngã, nhân, thọ mạng cũng như vậy. Tất cả các trí cũng không có hình tướng.
Bấy giờ, Bồ Tát Tối Thắng bạch Phật: Giả sử đạo không có hình thì không thể thấy. Như hôm nay, chuyển pháp luân diễn thuyết bốn quả vị tu chứng là nói Tu Đà Hoàn, Tư Đà Hàm, A Na Hàm, A La Hán, Bích Chi Phật, Bồ Tát và Phật.
Vì sao nói về năm ấm, nhất thiết trí, bốn ý đoạn, bốn thần túc, năm căn, năm lực, bảy giác ý, tám hiền Thánh Đạo?
Vì sao nói về làm thanh tịnh Cõi Phật, giáo hóa chúng sinh từ Cõi Phật này đến Cõi Phật khác?
Sự hoạt động của sáu thức bằng trí tuệ phân biệt rõ ràng, sao lại nói về bốn vô lượng tâm, sáu độ và Chân như pháp tánh là tên gọi của đạo?
Khi ấy, Đức Thế Tôn bảo Tối Thắng: Theo lời ông hỏi, Đại Bồ Tát hiểu rõ phương tiện quyền xảo năm phần Pháp Thân của trí tuệ Phật thì không thấy biến đổi, thấy biến đổi thì chẳng phải nghĩa của đạo, xa lìa tất cả những lệ thuộc, suy tìm pháp giới cũng không có pháp giới. Sở dĩ như vậy vì tất cả đều là không, cho nên không chấp vào trí đạo, cũng như đạo vốn là thanh tịnh nên giả nói chuyển pháp luân, hiểu rõ tất cả các pháp không chấp trước.
Này Tối Thắng! Đại Bồ Tát đối với tất cả pháp không chấp trước, không thấy sinh cũng không thấy diệt. Cõi Phật thanh tịnh, chúng sinh cũng thanh tịnh, thị hiện ánh sáng trí tuệ vô lượng. Đó là Đại Bồ Tát thích ứng để lập hạnh tổng trì không thoái chuyển, chứng quả vị bồ đề.
Hoặc nhập vào tam muội Định ý chánh thọ, giáo hóa chúng sinh, thanh tịnh Cõi Phật. Không nói nhiều đạo, chỉ nhận một hạnh. Không có pháp trí mà giả nói trí. Bồ Tát nên nhớ nghĩ tu tập, giáo hóa người chưa ngộ không có tưởng của thức.
Này Tối Thắng! Đó là nhập vào định ý. Trí đạo thanh tịnh hoàn toàn không trần cấu, điều phục được hay không điều phục cũng không cho là khổ vui.
Thường hay chẳng thường, tốt hay xấu đều không có tướng chấp trước, trí không rối loạn, mong cầu đầy đủ mười lực của Phật, bốn vô sở úy, bốn tuệ phân biệt, đại từ đại bi, chân như pháp tánh đều không thật có, vắng lặng như hư không, phân biệt nhân quả, đạt đến trí đạo. Không sinh không diệt nghĩa là không, vô tướng, vô nguyện cũng không chỗ sinh.
Này Tối Thắng! Bồ Tát đạt đến chỗ cốt yếu của đạo, sự luận bàn về đạo đức tức là cảnh giới hư không. Sở dĩ như vậy, vì đạo đức là không, không tức là đạo, một mà không hai, cũng không khác.
Bồ Tát Tối Thắng bạch Phật: Lành thay! Lành thay! Pháp này rất hay.
Bấy giờ, trong chúng hội, tất cả Thiên, Long, Quỷ Thần, Càn Đạp Hòa, A Tu Luân, Ca Lưu La, Chiên Đà La, Ma Hưu Lặc, Nhân và phi nhân tự nghĩ: Hôm nay Như Lai giảng thuyết cho đại chúng về pháp trí đạo, không gì sánh bằng, làm mãn nguyện tùy theo mục đích hướng đến của chúng sinh.
Bồ Tát Tối Thắng này khi nào sẽ thành đạo Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác?
Phật biết được tâm niệm của Thiên, Long liền bảo bốn bộ chúng: Bồ Tát Tối Thắng này về sau trải qua ba trăm ba mươi a tăng kỳ kiếp sẽ thành Phật Hiệu là Minh Tuệ Chí Chân, Như Lai, Đẳng Chánh Giác. Thế Giới tên là Vô lượng, kiếp tên Thanh tịnh. Đức Phật kia cùng với đệ tử trải qua chín ngàn chín trăm chín mươi hai ức sống một trăm hai mươi tiểu kiếp.
Khi ấy, chúng hội nghe Phật thọ ký đều tự phát nguyện muốn sinh vào cõi Đức Phật kia.
Phật liền bảo: Đúng như lời nguyện, các ông chắc chắn sẽ được sinh vào cõi đó không còn nghi ngờ gì nữa.
Phật bảo Tối Thắng: Trong đại chúng này, có Đao Lợi Thiên thường cùng A Tu Luân tranh đấu, hoặc có khi Đao Lợi Thiên thắng thì A Tu Luân thua, hoặc A Tu Luân thắng thì Đao Lợi Thiên thua, đều cùng nhau tranh đấu, gây sự oán kết. Mỗi bên đều sân giận không thể nào xóa bỏ.
Tối Thắng thưa: Xin Thế Tôn dùng phương tiện quyền xảo thuyết pháp trí đạo hư vô, làm cho Chư Thiên và A Tu Luân hòa hợp, khởi tâm từ bi.
Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo chúng hội: Đạo ấy không hình, cũng không thể thấy, ba độc căn bản hoàn toàn không gốc ngọn. Thế gian tu tập tin đạo là thật. Người thực hành từ bi luôn được Thiên thần hộ vệ, mười phương Chư Phật ca ngợi, đời này đời sau dồn chứa vô lượng công đức.
Những chúng sinh hữu hình đến cả như sâu bọ, con trùng trong cõi Diêm Phù Đề đều sẽ quy về pháp diệt tận, mạng sống như điện chớp, như sóng nắng, như ảnh trong gương, bọt nổi trên nước, có hòa hợp thì có tan rã, có sinh thì có chết. Các ông thọ thân thì không thể thoát khỏi khổ nạn này. Tuy sinh làm Trời nhưng vẫn rơi vào ba đường ác, nên cẩn thận cầu xa lìa con đường này. Các ông lắng nghe, ghi nhận lời ta dạy.
Bấy giờ, bốn bộ chúng đều cùng nhau vui mừng, cung kính muốn nghe giáo pháp của Như Lai.
Đức Thế Tôn bảo bốn bộ chúng: Các ông lắng nghe, suy nghĩ kỹ: Đại Bồ Tát nên nhớ nghĩ, tu hành tám Pháp Môn giải thoát.
Tam pháp đó là: Nếu Thiện Nam, Thiện Nữ hành trì giới luật không thiếu sót, giữ gìn thân, khẩu, ý, thực hành Tứ đẳng tâm từ, bi, hỷ, xả, thường thân cận theo thiện tri thức, làm hưng thịnh Tam Bảo, thường nhớ nghĩ mong cầu đạo vô thượng, đem chánh pháp nghe được giảng thuyết cho người khác. Giáo lý đã thuyết không nói về tiểu thừa, khuyến khích chúng sinh tu hành Đại Thừa.
Hoăc khi Bồ Tát giảng thuyết đại thừa bình đẳng không hai, không thấy có giảng dạy. Cũng như hư không, không có hình tượng. Những điều giảng dạy của Đức Phật không thể nghĩ bàn, bao gồm vạn hạnh và tất cả các pháp.
Hoặc nói về hành của không, hư không vắng lặng, hoặc nói về năm phần pháp thân. Ví như người có ngọc ma ni như ý, ở giữa đại chúng muốn cho năng lực của ngọc phát ra màu xanh, vàng, trắng, đen thì cũng làm cho mọi người đồng với màu sắc ấy.
Đại Bồ Tát cũng như vậy, tùy theo tâm niệm của mọi người liền diễn nói pháp trí đạo không cùng tận, làm cho mọi người đều hoan hỷ, hết tâm tôn sùng Phật Đạo, hướng dẫn, chỉ bày pháp môn trí tuệ, làm lợi ích cho chúng sinh, hướng về đạo đại thừa.
Như vậy, Bồ Tát phát thệ nguyện lớn cứu độ chúng sinh cũng không thấy có độ, giống như hư không đến đi không ngăn ngại. Bồ Tát phát tâm độ người như vậy cũng không thấy có chúng sinh được độ.
Phật bảo Tối Thắng: Sau khi ông nhập Niết Bàn, Xá Lợi được cúng dường trải qua hai mươi trung kiếp, tất cả chúng sinh đều phụng sự. Với người không có nhân duyên thì tạo nhân duyên cho họ, người không được cứu giúp thì cứu giúp cho họ, người không được che chở thì làm sự che chở cho họ.
Khi ấy, nhân loại đều cúng dường hương hoa, âm nhạc, đảnh lễ, quy y. Tất cả Xá Lợi đều phóng hào quang, thần thông biến hóa, ai thấy đều vui mừng, đều do phát nguyện rộng lớn mà đạt được như vậy.
Sự biến hóa thù thắng, oai thần chủa Chư Phật, uy nghiêm rực rỡ chiếu soi cùng khắp, phát sinh vô lượng ánh sáng trí tuệ, nhờ đó mà sinh ý đạo vô thượng. Chúng sinh trong đó phát tâm sai khác nhau, hoặc thành tựu pháp Thanh Văn, Duyên Giác, hoặc sinh Cõi Trời, cõi người.
Xá Lợi được phân tám phương và trên dưới, Thiên, Long, Quỷ Thần, Càn Đạp Hòa, A Tu Luân, Ca Lưu La, Chiên Đà La, Ma Hưu Lặc, Nhân và Phi Nhân, những loài sâu bọ, côn trùng có hình sắc đều đến cúng dường, tự tấu lên năm thứ nhạc.
Phật bảo Tối Thắng: Khi ông thành Phật, thì đất màu hoàng kim, đầy đủ bảy báu: Kim ngân, trân bảo, xa cừ, mã não, san hô, hổ phách, thủy tinh, lưu ly. Chúng sinh nào muốn được cúng dường toàn thân Xá Lợi, liền được mãn nguyện như ý, ngàn vạn ức toàn thân Xá Lợi hiện khắp thế gian, Kinh Điển được lưu truyền mười bảy trung kiếp.
Bấy giờ, ngay chỗ ngồi, Bồ Tát Vô Lượng Giác Tuệ suy nghĩ: Bồ Tát Tối Thắng để Xá Lợi của thân lại, phân bố khắp thế gian, khiến họ phát tâm đạo, độ thoát số người được bao nhiêu?
Phật biết tâm niệm của Bồ Tát này, liền bảo: Hiền Giả hãy thôi đi, chớ nói như vậy, không nên dùng trí tuệ bằng thân hữu hạn của mình để sánh với trí tuệ tam muội Định ý vô ngại của Như Lai. Ánh sáng của Xá Lợi tiếp độ chúng sinh, chẳng phải tâm đo lường, chẳng phải dùng ý để quán xét.
Thần Thông, oai đức, trí đạo của Như Lai tự tại, những phương tiện biến hóa khác nhau của Chư Phật mà Bích Chi và Thanh Văn không thể đạt được. Đại Bồ Tát được tam muội tịch định đều không có niệm chấp về tưởng gần xa, đi khắp mười phương đất nước, thành thị, cung Trời, cung Rồng, cung các vị thần, chỗ đông người, nơi hoang vắng, trên Trời, năm đường ác, khắp nơi đều thị hiện toàn thân Xá Lợi.
Tất cả Xá Lợi đều phóng hào quang, giảng thuyết pháp sáu độ: không, vô tướng, vô nguyện, đại từ, đại bi, bốn ân, trí tuệ phân biệt vắng lặng, thông đạt định ý, cúng dường Xá Lợi, bình đẳng không hai. tâm bố thí vững chắc không tăng không giảm, đó là Đại Bồ Tát nhập tam muội tịch định, có thể phân biệt trong ngoài sáu căn.
Sáu căn là gì?
Gọi sáu căn là: Mắt thấy sắc không sinh tưởng về sắc, hiểu vật bên ngoài của sắc mà sinh nhãn thức, liền phát khởi bảy mươi bốn phiền não.
Những gì là bảy mươi bốn?
Mười lăm thức ở Dục Giới, mười lăm thức ở Sắc Giới, mười lăm thức ở Hữu Tưởng Vô Tưởng, mười lăm sinh ấm, mười bốn trung ấm.
Phật bảo Đại Bồ Tát: Đối với nhãn thức sinh phiền não, liền phát khởi nhãn thức.
Lại nữa, Đại Bồ Tát, nếu thiện nam, thiện nữ nào tai nghe tiếng mà không khởi phiền não về tai thì hiểu vật bên ngoài của âm thanh mà sinh nhĩ thức, liền phát khởi bảy mươi bốn phiền não, gồm: Mười lăm nhĩ thức ở Dục Giới, mười nhĩ thức ở Sắc Giới, mười nhĩ thức ở Hữu Tưởng Vô Tưởng, ba mươi chín trung ấm và thọ hình ấm.
Phật bảo Đại Bồ Tát: Đối với tỷ thức sinh phiền não, liền phát khởi tỷ thức.
Lại nữa, Đại Bồ Tát nếu mũi ngửi hương mà không khởi tỷ thức thì biết được vật ngoài hương mà phát sinh tỷ thức, liền phát sinh bảy mươi bốn phiền não, gồm: Mười lăm tỷ thức ở Dục Giới, mười lăm tỷ thức ở Sắc Giới, bốn mươi bốn ở Hữu Tưởng Vô Tưởng, bốn không định.
Phật lại bảo Đại Bồ Tát: Nếu có thiện nam, thiện nữ nào thiệt thức nếm vị thì phát sinh phiền não của lưỡi, Lúc ấy, phân biệt biết rõ không chủ thể, trong sự ham muốn, thiệt thức liền sinh khởi bảy mươi bốn phiền não, gồm: Mười lăm thiệt thức ở Dục Giới, mười lăm thiệt thức ở Sắc Giới, bốn mươi bốn thiệt thức ở Hữu Tưởng Vô Tưởng, trung ấm.
Đại Bồ Tát nên tư duy pháp sinh diệt, sự xúc chạm trong ngoài, tức sinh phiền não thô hay tế, phân biệt tất cả đều không thật có, liền ngay nơi xúc phát sinh thân thức, cho đến phát khởi bảy mươi bốn phiền não, gồm: Mười lăm thân thức ở Dục Giới, mười lăm thân thức ở Sắc Giới, bốn mươi bốn thân thức ở Hữu Tưởng Vô Tưởng đến trung ấm.
Đại Bồ Tát tư duy về hành của ý pháp. Pháp sinh thì sinh, pháp diệt thì diệt, không thấy sinh cũng không thấy diệt.
Người ngu đối với hành pháp, phát sinh tưởng ý thức, liền khởi bảy mươi bốn phiền não, gồm: Mười lăm ý thức về Dục Giới, mười lăm ý thức ở Sắc Giới, bốn mươi bốn ý thức ở Hữu Tưởng Vô Tưởng và trung ấm.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba