Phật Thuyết Kinh Tối Thắng Vấn Bồ Tát Thập Trụ Trừ Cấu đoạn Kết - Phẩm Mười Bốn - Phẩm Dũng Mãnh - Tập Ba

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Trúc Phật Niệm, Đời Dao Tần

PHẬT THUYẾT KINH

TỐI THẮNG VẤN BỒ TÁT

THẬP TRỤ TRỪ CẤU ĐOẠN KẾT

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Phật Niệm, Đời Dao Tần  

PHẨM MƯỜI BỐN

PHẨM DŨNG MÃNH  

TẬP BA  

Hôm nay, ta nói sơ lược các tam muội ấy. Giả sử người chưa thành Phật có nói từ kiếp này qua kiếp khác, cho đến một trăm kiếp về các tam muội mà Như Lai đã nhập vào, đều không thể nói hết, chỉ có Phật Thế Tôn mới nói được như vậy.

Khi ấy, Bồ Tát Tối Thắng bạch Phật: Thật kỳ diệu thay! Thân tướng của Như Lai biến hóa không thể nghĩ bàn, không thể suy lường, dùng phương tiện thiện xảo không có hình tướng để tự trang nghiêm, tam muội mà Như Lai đã nói, đã nhập vào này xưa nay chưa từng thấy, xưa nay chưa từng nghe.

Bồ Tát nào nghe danh hiệu của tam muội này mà nhất tâm thọ trì, đọc tụng thì dù ở chỗ nào cũng luôn được tự tại, hoặc khuyến khích người khác hoan hỷ, vì để cúng dường Phật Pháp.

Đây chẳng phải là cảnh giới của các Thanh Văn, thừa Duyên Giác cũng không thể sánh kịp. Người nào hủy báng tam muội Thiền định này thì thường bị ngu si, chưa từng hiểu biết. Giả sử được làm thân người cũng bị đọa vào địa ngục vô gián, một phần rất nhỏ của tội ấy cũng không thể nói hết.

Người nào ghét bỏ tam muội định ý này thì tội lỗi rất khó suy lường trải qua các kiếp thường bị điếc, đui, câm, ngọng, chẳng bao giờ nghe chánh pháp, tuy được làm người nhưng luôn luôn bị nhiều khổ đau, vì nói hai lưỡi, nói lời đối trá nên miệng không thể nói được.

Nếu chẳng phải là Bồ Tát học rộng hiểu nhiều mà có thể kính tin tam muội Chánh định này, hoặc có ai khuyến khích phát tâm đọc tụng tu tập định này thì được thấy Chư Phật trong mười phương. Hôm nay, ta lại giảng giải về định ý này, phải chí tâm dốc tâm mới đạt được chánh định.

Lúc ấy, Bồ Tát Tối Thắng nương oai thần của Phật, lại bạch Phật: Hôm nay, các Bồ Tát, bốn bộ chúng Trời, Rồng, Thần, Quỷ trong chúng hội này muốn nhìn thấy sự cảm ứng tam muội định ý của Như Lai, để có thể nương nhờ vào tam muội này mà được thấm nhuần và thành tựu nhiều điều.

Cúi xin Thế Tôn rũ lòng thương mà phóng ra ánh sáng lớn đến các Cõi Phật ở khắp mười phương, các chúng sinh đã thuần thục trong các cõi ấy nương nhờ ánh sáng, đều được giáo hóa và độ thoát.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn liền chấp nhận, và vẫn ngồi nơi tòa, đang ở trong tam muội Chánh thọ tên là Hữu túc chỉ luân định ý, phóng ra ánh sáng lớn, ánh sáng ấy chiếu đến cõi Ta Bà này rồi, lại chiếu đến hằng sa cõi nước khắp đến mười phương, các Bồ Tát và trăm ngàn ức chúng sinh trong các cõi nước khắp mười phương, nương theo ánh sáng này mà đến Thế Giới Ta Bà.

Về phương Đông, cách đây chín mươi sáu hằng hà sa cõi nước của Chư Phật, có Đức Phật Hiệu là Bảo Tịnh Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc. Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật Thế Tôn đang thuyết pháp.

Nước ấy có Bồ Tát Biện Thông đã trụ bậc không thoái chuyển. Thấy ánh sáng này, Bồ Tát liền đến chỗ Như Lai Bảo Tịnh, đầu mặt đảnh lễ sát chân Phật rồi đứng sang một bên.

Khi ấy, Như Lai Bảo Tịnh nói với Bồ Tát Biện Thông: Ông hãy đến cõi kia, giữ đúng oai nghi, hợp với phép tắc.

Vì sao?

Vì chúng sinh ở cõi ấy tánh khí cứng cõi, hành động hung bạo, ông chớ thấy vậy mà khổ hay vui. Họ rất kiêu mạng, không thuận theo chánh pháp, nếu ông thấy họ có điều gì xấu, ông đừng nên bậc bội, được như vậy mới có thể biết được lúc nào là đúng thời.

Các Bồ Tát ở Cõi Phật kia thưa với Phật của mình: Thật may mắn! Chúng con đã có lợi ích tốt lành, nhờ phước đức đời trước đã thấy đầy đủ nên không bị sinh vào cõi Ta Bà ấy.

Khi ấy, trong khoảng thời gian bằng lực sĩ co duỗi cánh tay, Bồ Tát Biện Thông và mười ngàn Bồ Tát cũng đến cõi Ta Bà, đứng trước Đức Phật Thích Ca.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn biết vậy, Ngài bảo Bồ Tát Tối Thắng: Ông có thấy Bồ Tát Biện Thông và các Bồ Tát khác không?

Bạch Thế Tôn! Con đã thấy.

Đức Phật bảo: Bồ Tát này đạt được nghĩa biện tài bậc nhất, từ, bi, hỷ, xả, lời nói nhu hòa, chí nguyện cao cả, khi nói nét mặt luôn tươi cười, vui vẻ, hỏi không lặp lại, lời nói gọn gàng, cứu độ chúng sinh như Phật Đã cứu độ, thành tựu quả vị Bồ Tát Không thoái chuyển.

Bấy giờ, Bồ Tát Biện Thông và mười ngàn Bồ Tát đảnh lễ sát chân Đức Thế Tôn, nhiễu quanh bên phải, chắp tay hướng Phật, nói kệ khen ngợi:

Tiếng lành công Đức Phật

Chấn động khắp mười phương

Những nơi Nhân Tôn đến

Đều nhờ ân cứu độ.

Cảnh giới Phật thanh tịnh

Chẳng nghe năm đường ác

Nơi này đến nơi kia

Từ bi không gì bằng.

Nay Thế Tôn xuất hiện

Trong đời thật khó có

Phước đức như Tu Di

Con cúi đầu Đảnh lễ.

Giả sử tu tinh tấn

Một kiếp đến trăm kiếp

Chẳng bằng trong chốc lát

Cõi nhẫn hành tâm bi

Các Đức Phật ra đời

Trước chọn cõi thanh tịnh

Chỉ riêng Đức Thế Tôn

Nhận cõi đời năm trược.

Lành thay, thật khó có

Phật bình đẳng cứu độ

Dạy khắp cả ba thừa

Khiến thanh tịnh ba nghiệp

Đã thành đạo Bồ Tát

Tâm không hề thoái chuyển

Ý chí càng tinh tấn

Nên con xin đảnh lễ.

Đoạn trừ các nghi ngờ

Tu tập mười nghiệp thiện

Trí tuệ như biển sâu

Nói đầy đủ Phật Pháp

Nếu ở tại nước con

Ức kiếp làm Đạo Sư

Chẳng bằng ở cõi này

Mỗi kiếp độ một người

Ở vô lượng hằng sa

Vô số các cõi nước

Không nghe các khổ não

Tám nơi không an ổn

Người cõi này cứng cỏi

Thân chứa nhiều cấu uế

Nước Bốn đế chân như

Tẩy rửa đều thanh tịnh

Chúng con dốc tâm tin

Từ xa đến quy y

Muốn nghe pháp định ý

Kính xin Phật diễn nói.

Khi ấy, dùng kệ khen ngợi xong, Bồ Tát Biện Thông bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Bồ Tát chí tâm kiên cố, thọ trì tam muội Định ý như thế nào để nghe lời dạy không biết nhàm chán?

Lời nói và hành động của Bồ Tát tương ưng với nội tâm nhu nhuyến như thế nào?

Đức Phật bảo Bồ Tát Biện thông: Hãy lắng nghe và suy nghĩ kỹ, ta sẽ nói rõ điều này cho ông.

Thưa vâng, bạch Thế Tôn.

Đức Phật bảo Bồ Tát Biện Thông: Bồ Tát tu hành định tâm, thành tựu bốn pháp khiến tâm ý được kiên cố, thọ trì được định này, nghe lời dạy cũng không nhàm chán.

Bốn pháp ấy là gì?

Đó là: Bốn Tâm vô lượng, tâm không biếng nhác, cứu độ chúng sinh như huyễn như hóa, trí tuệ Chư Phật không ai sánh bằng.

Này Biện Thông! Đó là bốn pháp mà Bồ Tát thành tựu thì ý chí kiên cố, có thể thọ trì định này.

Bồ Tát nhất tâm chánh niệm, lời nói không sai lầm như thế nào?

Phật bảo Bồ Tát Biện Thông: Đối với điều này, Bồ Tát phải thành tựu bốn pháp.

Bốn pháp ấy là gì?

Đó là: Bồ Tát chỉ nói chúng sinh là không, nói các pháp là không, không chấp thủ điều đã chứng đắc. Khuyến khích, khen tngợi công đức Bồ Tát đã làm. Phân biệt được các pháp thiện ác, hữu vi, vô vi. Nghĩ đến việc thực hành các phương tiện thiện xảo. Đó là bốn pháp.

Bồ Tát tăng trưởng căn lành không để giảm sút như thế nào?

Phật bảo Bồ Tát Biện Thông: Có bốn pháp làm tăng trưởng căn lành.

Bốn pháp ấy là gì?

Một là tâm tin, hai là sự học hỏi, ba là bố thí, bốn là con đường giải thoát, đó là bốn pháp làm cho Bồ Tát tăng trưởng căn lành.

Bồ Tát tâm không tán loạn cũng không nghi ngờ như thế nào?

Phật bảo Bồ Tát Biện Thông: Phải nên tư duy bốn pháp, nhất tâm không tán loạn.

Bốn pháp ấy là gì?

Đó là: Tâm luôn định tĩnh, giữ gìn lễ tiết, không mong lợi dưỡng, không cầu danh tiếng. Đó là bốn pháp làm cho tâm không tán loạn. Lại có bốn pháp tăng trưởng căn lành.

Bốn pháp ấy là gì?

Đó là: Dạy cho người khởi tâm tin, bố thí không mong đền đáp, làm vị Vua ủng hộ chánh pháp, lời dạy của Bồ Tát không trái với chánh pháp. Đó là bốn pháp để tu hành. Lại có bốn pháp, Bồ Tát phải nên tư duy, từ địa này đến địa khác, hoặc tiến tới hoặc thoái lui.

Bốn pháp ấy là gì?

Dạy chúng sinh tu tập căn lành, xa lìa điều ác, không làm điều ngu si, không bỏ thệ nguyện tâm không yếu đuối. Đó là bốn pháp tu hành của Bồ Tát. Lại có bốn pháp Bồ Tát cần phải thọ trì.

Bốn pháp ấy là gì?

Đó là: Giáo hóa chúng sinh bằng phương tiện thiện xảo, tạo lập niềm tin cho những phàm phu, sự cứu độ không hư dối, hiện tượng oai nghi của Phật Để tiếp độ chúng sinh. Đó là bốn pháp Bồ Tát nên giữ gìn. Lại có bốn pháp Bồ Tát nên tư duy.

Bốn pháp ấy là gì?

Đó là: Tùy nghi mà sinh hoạt, không đắm nhiễm sự ăn mặc, tùy theo sinh hoạt của người khác, luôn chấp nhận khổ, vui. Đó là bốn pháp tu hành của Bồ Tát.

Lại có bốn pháp, bốn pháp ấy là gì?

Đó là tự điều phục tâm tánh, luôn phát đạo tâm, không bỏ phương tiện thiện xảo, chuyên tâm Niệm Phật. Đó là bốn pháp. Lại có bốn pháp Bồ Tát nên tư duy.

Bốn pháp ấy là gì?

Nghĩa là: Bồ Tát nên nghĩ ở riêng một mình, bỏ tâm Thanh Văn và Bích Chi Phật, cầu pháp không nhàm chán, dạy chánh pháp đã được nghe cho người khác. Đó là bốn pháp. Lại có bốn pháp Bồ Tát nên tư duy.

Bốn pháp ấy là gì?

Nghĩa là: Mong có được châu báu để cho người nghèo thiếu, mong có thuốc thang để trị bệnh, cầu nghĩa lý không nhàm chán và chịu đựng tất cả các khổ. Đó là bốn pháp. Lại có pháp Bồ Tát nên tư duy.

Bốn pháp ấy là gì?

Thực hành nhẫn làm cho không sinh, vượt qua tận cùng nhẫn, tư duy về nguồn gốc mười hai nhân duyên, đối với nhẫn, nhẫn không chấp thủ đều xa lìa. Đó là bốn pháp. Lại có bốn pháp Bồ Tát nên tư duy.

Bốn pháp ấy là gì?

Đó là: Tư duy quán sát về sự bất tịnh của thân thể, đếm hơi thở ra vào, thực hành pháp thanh tịmh, luôn luôn khiêm nhường. Đó là bốn pháp. Lại có pháp Bồ Tát nên tư duy.

Bốn pháp ấy là gì?

Phải quán sát chúng sinh thích hợp với pháp gì sau đó mới cho thuốc, luôn nghĩ cung kính, không được tự cao. Ở trong đại chúng không vướng mắc vào lợi dưỡng. Thực hành phương tiện thiện xảo, giáo hóa không trở ngại. Đó là bốn pháp. Lại có năm pháp Bồ Tát nên tư duy.

Năm pháp ấy là gì?

Thọ trì pháp bình đẳng không bị quên sót. Quán sát thân mình, thân người bình đẳng không khác nhau. Làm việc với thiện tri thức, hoàn toàn dứt hẳn các kết sử. Đó là năm pháp. Lại có năm pháp Bồ Tát nên tư duy.

Năm pháp ấy là gì?

Tự xét lỗi mình, không thấy lỗi người. Khiến cho người ác thực hành tâm từ, hiểu rõ các pháp không vướng mắc các duyên, tâm đạo kiên cố không hề quên mất, thực hành theo tâm đạo của người đi trước. Đó là năm pháp. Lại có năm pháp Bồ Tát nên tư duy.

Năm pháp ấy là gì?

Luôn luôn bố thí trước rồi mới dạy cho người khác thực hành bố thí, khi bố thí luôn nhất tâm, không lựa chọn, không nhìn thấy phải, quấy của chúng sinh. Đều được giải thoát đối với các pháp sâu xa, chí thành làm trang nghiêm Đạo Tràng của Phật. Đó là năm pháp. Lại có năm pháp Bồ Tát nên tư duy.

Năm pháp ấy là gì?

Biết sự sinh diệt của các hành dùng lực vô úy không bỏ chúng sinh. Biết rõ các trí, cũng biết rõ trí Tăng thượng, không chống trái nhau. Đó là năm pháp. Lại có năm pháp Bồ Tát nên tư duy.

Năm pháp ấy là gì?

Ở trong năm đường mà hoàn toàn được giải thoát. Cung kính, lễ bái cúng dường Chư Phật. Nhập vào tam muội về tâm từ để tự an lạc, Phật trí vô lượng hiện ở trước mặt, vô lượng tam muội không thể nghĩ bàn. Đó là năm pháp. Lại có năm pháp Bồ Tát nên tư duy.

Năm pháp ấy là gì?

Phát nguyện rộng lớn, không hề hối hận. Nói lời thiết thực, không nói những lời vô ích. Nương vào thiền không vướng mắc thiền, giữ niệm không chấp thủ, không ham thích chỗ ở. Đó là năm pháp. Đại Bồ Tát Biện Thông từ lâu đã tu tập định ý này, liền đạt được chánh thọ của Như Lai.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn nói pháp này xong, có hai ức Chư Thiên, loài người phát tâm vô thượng chánh chân, lại có năm ngàn Thiên Tử đạt được pháp vô sinh nhẫn. Lúc ấy, các Bồ Tát trong các Cõi Phật đều đem hoa, hương đến cúng dường. Hoa cúng dường rải cao đến đầu gối.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần