Phật Thuyết Kinh Tối Thắng Vấn Bồ Tát Thập Trụ Trừ Cấu đoạn Kết - Phẩm Mười Chín - Phẩm Giáo Hóa Chúng Sinh - Tập Hai

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Trúc Phật Niệm, Đời Dao Tần

PHẬT THUYẾT KINH

TỐI THẮNG VẤN BỒ TÁT

THẬP TRỤ TRỪ CẤU ĐOẠN KẾT

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Phật Niệm, Đời Dao Tần  

PHẨM MƯỜI CHÍN

PHẨM GIÁO HÓA CHÚNG SINH  

TẬP HAI  

Thế nào là đạo không hai của Bồ Tát?

Bồ Tát thực hành dậo không hai là thường thanh tịnh nhưng không lệ thuộc nơi thanh tịnh. Bên trong ưa thích sự thanh tịnh mà bên ngoài giáo hóa chúng sinh, đó là đạo không hai của Bồ Tát. Bồ Tát thường vắng lặng mà bên ngoài vẫn thị hiện như loạn động, ưa thích sự tịch tĩnh mà giáo hóa chúng sinh, đó là đạo không hai.

Bồ Tát vào định chưa từng bị loạn, từ thiền định xuất ra giáo hóa chúng sinh, đó là đạo không hai. Bồ Tát bố thí, tâm chưa từng hối hận, quyết tâm không tưởng về quả báo với ý chí vững chắc. Bên ngoài giáo hóa chúng sinh khiến họ diệt trừ ba tưởng, đó là đạo không hai. Bồ Tát giữ gìn đầy đủ giới chưa bao giờ khiếm khuyết, lại đem giới luật giáo hóa chúng sinh, đó là đạo không hai.

Bồ Tát vốn trí thâm sâu, suy nghĩ hiểu biết rộng xa, không tự khen về tài giỏi của mình, bên trong nhất tâm không bị nhiễm ô, đó là đạo không hai, nắm giữ trí tuệ, sự biến hóa không có giới hạn, bên trong giữ tâm ý không cho phân tán, cũng dùng pháp này giáo hóa chúng sinh, khiến cho họ vượt qua hoang vắng không còn lo buồn, đó là đạo không hai.

Bồ Tát tu tập tam muội Nhẫn chánh định, hiện thân chịu các sự khổ, ở nơi hang núi, chỗ không người, hoặc ở gần thôn xóm, thị hiện đi khất thực, hoặc trải qua một năm cho đến trăm ngàn năm, hoặc trải qua một kiếp cho đến trăm ngàn kiếp, trong thời gian ấy hiện thân chịu vô lượng khổ.

Bấy giờ, ở trong núi có người hoặc phi nhân, hoặc La Sát, các loài quỷ hai chân, bốn chân và nhiều chân, mỗi loài cầm dao gậy đến hại Bồ Tát, hoặc dùng dao bén cắt mũi Bồ Tát, mũi liền hiện trở lại như trái Diêm phù.

Này Tối Thắng! Trái Diêm Phù là lấy một sinh hai, lấy hai sinh bốn, lấy bốn sinh tám, lấy tám sinh mười sáu, lấy mười sáu sinh ba mươi hai quả, lần lượt như thế cả cây đều là quả, lại không thấy thân cây, cũng không thấy cành, nhánh lá. Bồ Tát vào thiền định thực hành nhẫn cũng như thế.

Nếu như có người đến cắt mũi Bồ Tát, cắt một sinh hai, cắt hai sinh bốn, cắt bốn sinh tám, cắt tám sinh mười sáu, cắt mười sáu sinh ba mươi hai cái mũi, lần lượt như thế, toàn thân là mũi, không thấy thân hình cũng không thấy tay, chân, đầu, mắt.

Chúng sinh chỉ thấy mũi nhiều vô số, liền khi ấy khởi tâm hối hận đã lấy mũi của Bồ Tát, xin nguyện được thấy thân thể ban đầu của Bồ Tát. Lúc ấy, Bồ Tát ra khỏi tam muội, tâm ý an ổn, từ định hiện trỏ lại thân thể ban đầu dần dần cử động, hơi thở bình thường và từ từ mở mắt như đã nói.

Chúng sinh thấy vậy cùng nhau gieo mình năm vóc sát đất đảnh lễ quy y, xin được hầu cận bên cạnh Bồ Tát. Khi ấy Bồ Tát quán xét tâm niệm của chúng sinh, tùy thời thích hợp căn cơ mà độ thoát cho họ. Bồ Tát lại nhập vào tam muội, nội tâm thanh tịnh vắng lặng, không có ý niệm gì.

Lại có chúng sinh đến chỗ Bồ Tát, cùng nhau vây quanh móc mắt của Bồ Tát, mắt của Bồ Tát trở lại nhiều như lưu ly rạn nứt. Giả sử có người lấy lưu ly rạn nứt ấy, như lấy trái Tỳ la rải trên đất, nát như hạt cải không thể thâu lại được, nhưng tướng ánh sáng của những mãnh vụn ấy vẫn sáng rực soi chiếu tất cả.

Chúng sinh thấy hình thể của Bồ Tát toàn là mắt, chứ không thể thấy được hình tướng ban đầu, liền khi ấy phát khởi ý niệm hối hận về việc đã làm, cùng tự trách mình, mong muốn thấy được hình thể ban đầu của Bồ Tát. Lúc ấy, Bồ Tát ra khỏi tam muội, tâm ý an ổn, từ định hiện trở lại thân thể ban đầu.

Chúng sinh thấy vậy cùng nhau gieo mình năm vóc sát đất đảnh lễ quy y, nguyện xin được ở bên cạnh Bồ Tát để thân cận cúng dường. Bấy giờ, Bồ Tát quán xét những ý nghĩ của chúng sinh, tùy thời thích hợp căn cơ mà độ thoát cho họ.

Khi ấy Bồ Tát trở lại nhập vào tam muội, nội tâm vắng lặng không có ý niệm khác. Có những chúng sinh đến chỗ Bồ Tát tay cầm dao bén chặt bỏ tay chân của Bồ Tát, nhưng tay chân sinh trở lại giống như cây Cù Đa La. Cây Cù Đa La là một loại cây nếu có người đến chặt bỏ hết nhánh lá, đem chẻ ra từng đoạn và rải khắp nơi, chỉ trong khoảnh khắc nhờ đất mà cành nhánh lá trở lại thành cây.

Bồ Tát cũng như vậy. Khi ấy Bồ Tát cũng như thế, thân thể tay chân đều bị chặt hết không còn như cũ. Chúng sinh chỉ thấy hình tướng của Bồ Tát khi đã mất hết tay chân, liền sinh tâm hối hận, tự trách mình, nguyện muốn thấy được hình thể ban đầu của Bồ Tát. Lúc ấy, Bồ Tát ra khỏi tam muội, tâm ý an ổn, từ định hiện trở lại thân thể ban đầu, dần dần cử động, hơi thở bình thường, từ từ mở mắt như đã nói.

Chúng sinh thấy vậy cùng nhau gieo mình năm vóc sát đất đãnh lễ quy y, nguyện xin được thân cận bên cạnh Bồ Tát. Bấy giờ, Bồ Tát quán xem xét tâm niệm của chúng sinh, tùy thời thích hợp với căn cơ mà độ thoát cho chúnng sinh. Đó là Bồ Tát biết được tâm ái dục hay không ái dục, ái dục nhiều hay ít của chúng sinh.

Bồ Tát cũng không nghĩ: Ta ở trong trần lao mà bỏ mất việc làm vô ích, cũng lại không nghĩ: Những chúng sinh này dể dàng dạy bảo cho tốt. Những việc Bồ Tát làm mà không thấy làm, cũng lại không thấy có người thọ nhận sự giáo hóa. Việc làm và người được giáo hóa đều vắng lặng, cũng không thấy một, cũng chẳng thấy không là một. Đã không có một thì làm sao nói một. Nói là một pháp cũng chỉ là giả danh.

Nói mắt, mắt cũng chỉ là giả danh. Tai, mũi, lưỡi, thân, ý, cho đến sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp cũng vậy. Sở dĩ Bồ Tát nói một pháp là muốn chỉ bày pháp môn và thị hiện vô lượng pháp môn, dẫn dắt đến không pháp để giáo hóa chúng sinh.

Thế nào là chúng sinh có tâm giận dữ hay không giận dữ, giận dữ nhiều hay ít, Bồ Tát đều biết tất cả?

Đức Phật bảo với Tối Thắng: Bồ Tát đi vào trong vô lượng Cõi Phật, xem xét từng động vật có hình dạng như các loài côn trùng bay đi, bơi lội, loài động vật sống có hơi thở cho đến loài kiến, những chúng sinh này có tâm giận dữ hay không giận dữ, giận dữ nhiều hay ít Bồ Tát đều biết rõ hết, tùy theo sự lựa chọn để đáp ứng những loại thuốc thích hợp cho chúng.

Giả sử có chúng sinh nhiều giận dữ, liền thị hiện cho họ thấy về khổ, không, vô thường. Hoặc có cầm thú nhai nuốt lẫn nhau, hoặc có giặc cướp đao binh làm hại, hoặc bị nạn lửa nước trôi chảy thiêu đốt, các sự biến hiện ra như thế không thể kể hết.

Giả sử tâm chúng sinh ấy giác ngộ được thì ngay nơi cảnh giới ấy liền được giáo hóa giải thoát. Nếu có chúng sinh thấy sự vô thường biến đổi mà tâm không giác ngộ thì bấy giờ, Bồ Tát lại dùng trí tuệ quyền xảo nhập vào tam muội Nhẫn tam muội đó gọi là quán vô thường.

Lại có tam muội gọi là Từ để hàng phục cấu uế. Nếu có Đại Bồ Tát nhập vào tam muội này liền có thể hàng phục các tâm giận dữ. Nếu có loài xấu ác, La Sát, Dạ Xoa, Quỷ Thần, đạo tặc muốn đến làm hại Bồ Tát mới đi nửa đường liền quay trở lại.

Vì sao?

Vì năng lực của định từ ấy che chở khắp mười phương, nên vô số cõi nước được cứu giúp, do nhập vào tam muội Từ này. Pháp giải thoát có mười việc.

Đó là: Tu tập trí tuệ sâu xa, thực hành vô lượng hạnh nghiệp, ghi nhận tất cả, ý nghĩ không quên mất. Do không có giới hạn nên dùng pháp giới làm giới hạn, để nhập vào không giới hạn.

Sự tu tập của Chư Phật ở quá khứ, hiện tại và vị lai là dùng pháp ấn vô thượng để ấn chứng. Nương vào năng lực của Như Lai để tăng thêm lợi ích Cõi Phật. Thường tự lập chí. Làm thanh tịnh Đạo Tràng. Xây dựng hạnh nghiệp Bồ Tát.

Người thực hành như vậy là thích ứng với pháp luật nên không còn sự sinh được mắt trí tuệ bỗng nhiên đại ngộ, tuệ nhãn thanh tịnh, vĩnh viễn không còn màn phiền não, được mắt chủng tánh, được mắt Phật thanh tịnh và mắt tuệ thấy khắp, mắt phân biệt sâu xa, mắt pháp thường ổn định, mắt thiện tri thức dùng để giúp đỡ, mắt đạo thâm sâu.

Nhờ được mắt biện tài nên lời nói hơn hết, được mắt không nghi ngờ nên tâm không phân biệt đây kia, cũng không do dự, hội nhập mắt pháp môn dẫn dắt kẻ mê mờ, phân biệt nghĩa lý, khai mở pháp cam lồ, thân cận thiện tri thức, thành tựu tâm đạo. Những cảnh giới không gì làm trở ngại cũng không có ai có thể hủy hoại chỉ trích.

Đó là Bồ Tát phân biệt các loại mắt, thành tựu đạo nghiệp, làm bạn lành cứu giúp thế gian, dự đoán những gì chưa phát sinh thì cần phải làm gì, xây dựng thiện căn, giáo hóa không bị chướng ngại, công đức thành tựu thì đạt được sở nguyện, chân chánh nhập thai, đạt được giải thoát, dứt trừ lưới nghi. Trí tuệ trùm khắp như mây giăng đầy hư không.

Dùng pháp Bậc Thánh làm sạch những cấu uế của tâm. Chí nguyện đã lập luôn luôn hiển hiện, những hoạt động của tâm không bị trở ngại, tâm tin kiên cố thì công đức không cùng tận. Thân cận kính lễ Chư Phật, diệt trừ các tưởng buồn vui. Đạo tâm thâm sâu, chọn lấy trí tuệ trân bảo để cúng dường bậc trí, như hoa hương thơm đẹp nhờ gió mang đi ai cũng đều nghe, những nơi cấu uế đều được làm sạch.

Này Tối Thắng nên biết! Ta đang ở trong cõi Diêm Phù Đề, nước ấy tên là Tỳ Xá Ly, dùng mắt thường xem xét các cõi nước khắp mười phương có những nỗi thống khổ buồn lo không hơn cõi này, nhưng lại sinh ra dòng họ của Như Lai.

Chúng sinh cõi này hôi hám, mùi hôi bay lên tận hư không cách mười ngàn do tuần, nhưng Trời đối với người, người là nhân của Trời, Trời cũng biết xem xét túc mạng của mình: Ta đã tích lũy công đức từ thân người, nếu không từ thân người mà gieo trồng những gốc công đức thì không có được những phước lạc an vui. Tối Thắng nên biết, khi ấy các vị Trời, mỗi vị đem theo tùy tùng muốn đến thế gian cùng trụ vào hư không.

Mùi hôi của nhân gian tỏa khắp như mây, hàng Trời nghe được mùi tanh hôi bất tịnh của nhân gian, tất cả đều trở về chỗ cũ, không muốn đến nhân gian nữa. Sở dĩ như vậy là do mùi hương tinh khiết của họ không chịu được mùi tanh.

Đại Bồ Tát thực hành tâm từ tâm từ bi rộng lớn, không lựa chọn cõi nước đẹp hay xấu, sạch hay nhơ để giáo hóa, cũng không có tâm niệm là ta thích giáo hóa cõi này hay không thích giáo hóa cõi kia. Như ta ngày nay, nơi Thế Giới Nhẫn này giáo hóa tất cả chúng sinh.

Như Lai Chánh Đẳng Chánh Giác ở khắp mười phương từ xa khen ngợi các Đức Phật trong mỗi cõi đều bảo với bốn chúng: Phương này phương kia khen ngợi dòng họ, tên tuổi của Phật, hiệu là Năng Nhân Như Lai.

Trong Thế Giới Nhẫn kia có năm thứ hổn trược, năm loại vũ khí để đâm chém, năm thứ dao kiếm, năm ngọn lửa hừng hực, năm thứ rối loạn, năm loại không thể cứu được, năm nạn khó trừ, ở những nơi đó, Đức Năng Nhân giáo hóa được chúng sinh. Điều rất kỳ lạ là giảng dạy các pháp độ vô cực của Bậc Hiền Thánh.

Thân thanh tịnh của Chư Thiên không có cấu uế, vừa đến tầng mây hôi hám họ liền bỏ về Cõi Trời, đến cung điện đi ra vườn sau, xuống ao Vô ưu trong bảy ngày bảy đêm tắm rửa, nhưng vẫn lo sợ mùi hôi thế gian còn vướng vào thân, tâm của những vị này hoàn toàn không ưa thích trở lại thế gian.

Khi ấy mùi hương của Chư Thiên theo gió bay xa đến không giới một vạn tám ngàn do tuần. Chư Thiên tuy có hương với năng lực như vậy nhưng không bằng mùi hương của người trì giới vô dục này.

Bồ Tát nên quán sát cấc phước của Chư Thiên hưởng được cho là vĩnh cữu, khi thiên sứ xuất hiện thì hối hận không kịp, nguyện được sinh vào cõi người để tạo các công đức, khi đó thì tâm ý của họ còn chọn thơm hôi gì nữa. Bồ Tát cũng vậy, tuy ở trong khổ não, bị năm ngọn lửa đốt cháy hừng hực, nhưng tâm vẫn không mệt mỏi, không hối hận ý thường nhớ nghĩ giáo hóa chúng sinh.

Nếu có người được thần thông của Bậc Thánh thì dùng thần lực đó đưa một người đến cõi xông ướp hương thưm trong hư không, khi trở lại thế gian thân thể được xông ướp hương thơm trải qua hai mươi mốt giờ mùi hương mới hết. Người vô dục giữ giới hoàn toàn đầy đủ trải qua kiếp này đến kiếp khác mà hương giới đức vĩnh viễn không dứt.

Bồ Tát sinh ở thế gian, sống trong thế gian nhưng làm ngọn đèn sáng lớn ở cõi đời, tuy óc cần lao nhưng không cho là khổ, ý đạo tăng trưởng, tâm không giảm sút. Đó là Bồ Tát quán sát chúng sinh có sân giận hay không, có sân giận nhiều hay ít, Bồ Tát đều biết rõ hết.

Khi ấy Bồ Tát Tối Thắng bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Thế nào là Bồ Tát nhất tâm tư duy quán sát chúng sinh có ngu si hay không ngu si, ngu si nhiều hay ít, Bồ Tát đều biết hết?

Đức Phật bảo với Tối Thắng: Bồ Tát nhập vào tam muội Minh tuệ chánh thọ, quán khắp Thế Giới đến tận hư không. Trong ấy có những loài chúng sinh một chân, hai chân đến vô số chân, hàng Thiên, Long, Quỷ Thần, A Tu Luân, Ca Lưu La, Chiên Đà La, Ma Hưu Lặc, Nhân và phi nhân Bồ Tát đều rõ nguồn gốc của chúng, phân biệt từng loại, xác định rõ ràng.

Nếu có chúng sinh nhiều ngu si liền dùng phương tiện giảng thuyết mười hai nhân duyên: Vô minh duyên lành, hành duyên thức, thức duyên danh sắc, danh sắc duyên sáu nhập, sáu nhập duyên xúc cánh lạc, xúc duyên thọ thống thọ duyên ái, ái duyên thủ, thủ duyên hữu, hữu duyên sinh, sinh duyên lão tử, ưu bi khổ não cùng các tâm tưởng loạn bất tịnh. Dùng trí tuệ vô tận giảng thuyết thông suốt mười hai nhân duyên theo chiều thuận hay nghịch.

Vô minh diệt hành diệt, hành diệt thức diệt, thức diệt danh sắc diệt, danh sắc diệt sáu nhập diệt, sáu nhập diệt xúc cánh lạc diệt, xúc diệt thọ thống diệt, thọ diệt, ái diệt, ái diệt thủ diệt, thủ diệt hữu diệt, hữu diệt sinh diệt, sinh diệt tử diệt, tử diệt sầu bi khổ não và các hành bất tịch diệt. Hữu hậu là khổ não lớn. Niết Bàn là vi diệu. Bồ Tát quán xét các hành tướng như vậy để giảng thuyết tận cùng nguồn gốc các pháp.

Nếu có chúng sinh ngu si, đầy những kiến chấp, nhận thức không rõ ràng thì Bồ Tát dẫn dắt họ tuần tự đi vào nơi yên tĩnh, làm cho họ hiểu rõ pháp vốn không, pháp không sinh diệt, không thường không doạn, phân biệt tướng sinh diệt của ba đời.

Do những việc làm ngu si đời trước, ý thức không thể diệt được, mở rộng pháp môn, hiển bày trí tuệ vi diệu phát triển đạo Phật, đầy đủ các đức, không xả bỏ các thiện tri thức của Bồ Tát, thường ở nơi thanh vắng của Bồ Tát, hội nhập pháp quán chính yếu sâu xa của Như Lai. Lại tư duy về mười pháp chính yếu.

Tư duy về mười pháp chính yếu là gì?

Gần gũi kho tàng giác ngộ tướng của Pháp Thân. Ý niệm không thể nghĩ bàn gom lại làm một. Hiểu về không, vô niệm cũng không gì cả. Tự khởi tự diệt cũng không chủ thể.

Các hành nghiệp trong quá khứ không có đầu mối, không thể nắm giữ nên xuất sinh các cảnh, pháp giới, hư không cảnh giới cũng không cùng tận, tự cởi bỏ những trói buộc, vứt bỏ chấp trước về chúng sinh, nương vào căn lành thành tựu nhất thiết trí, đạt đến cảnh giới trí tuệ vô lượng, trí tuệ nhanh chóng đều được thành tựu, đầy đủ tâm mong muốn của Bồ Tát, làm thanh tịnh lời nói và việc làm của Bồ Tát.

Đạo nghĩa của Như Lai chưa từng đánh mất, không bỏ tất cả pháp tướng của pháp tánh, vì đã hiểu biết sâu xa, ý không sai lầm, tâm vững chắc như kim cang không có năng lực nào hủy hoại được.

Những diều được Chư Phật thọ ký thì tất cả chúng sinh không ai có thể vượt qua, giảng thuyết không hai không hề lay chuyển. Đó là mười pháp cốt yếu của Bồ Tát tiến tới thành đạo quả, chứng đắc đạo không khó.

Này Tối Thắng! Đó là pháp vô tận vi diệu của Bồ Tát, cần phải nhớ nghĩ mà tu tập.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần