Phật Thuyết Kinh Tối Thắng Vấn Bồ Tát Thập Trụ Trừ Cấu đoạn Kết - Phẩm Mười Một - Phẩm Diệt Tâm - Tập Hai
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Trúc Phật Niệm, Đời Dao Tần
PHẬT THUYẾT KINH
TỐI THẮNG VẤN BỒ TÁT
THẬP TRỤ TRỪ CẤU ĐOẠN KẾT
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Trúc Phật Niệm, Đời Dao Tần
PHẨM MƯỜI MỘT
PHẨM DIỆT TÂM
TẬP HAI
Bấy giờ, Bồ Tát Hải Tạng bạch Phật: Thưa Thế Tôn! Đúng vậy, vừa rồi ở trên tòa con tự suy nghĩ, hai ức chánh sĩ này, từ lâu đã tích chứa đầy đủ công đức, điều phục tâm ý, chí ở đạo pháp chứa nhiều căn lành mới được chánh định này, từ vô số kiếp phụng sự Chư Phật lễ bái cúng dường, nhờ thần thông của Bồ Tát mà chánh sĩ này vì các chúng sinh ban cho voi ngựa bảy báu khiến cho chúng sinh được thành Phật Đạo.
hoặc vì người thoái chuyển không kiên cố mà thực hành tam muội định ý chánh thọ này, hoặc có Bồ Tát bằng phiền não nên đi vào sinh tử, khiến cho chúng sinh hoàn toàn không còn sự thống khổ, hoặc có Bồ Tát nhập vào từ tam muội, khiến cho chúng sinh xa lìa ganh ghét, lại có Bồ Tát phát khởi tâm bi, khiến cho chúng sinh hiểu nghĩa vô thường.
Hoặc có Bồ Tát ở trong định ý hỷ có người nhìn thấy đều hiểu rõ không tịch, lại có Bồ Tát phát tâm kim cang, khiến chúng sinh thành tựu thệ nguyện, hoặc có Bồ Tát ý chí rộng lớn dẫn dắt tất cả vào cõi nước mình, hoặc có Bồ Tát bằng pháp thân khiến chúng sinh được ban đầu, giữa, cuối đều thiện, lại có Bồ Tát ở nơi tám nạn xiển dương Tam Bảo khiến không đoạn tuyệt.
Hoặc có Bồ Tát dùng phương tiện quyền xảo tùy theo chúng sinh mà hiển hóa thích hợp, hoặc có Bồ Tát ở chỗ thanh vắng quán pháp hữu vi như huyễn như hóa, hoặc có Bồ Tát thích ở không tuệ quán thân thể này như tường vách kia, hoặc có Bồ Tát tâm ý ngay thẳng, làm việc thanh tịnh không bị nhiễm ô.
Hoặc có Bồ Tát tính tình chuyên nhất, những nơi đi qua mà không nhầm lẫn, lại có Bồ Tát tâm hướng đến đạo nhất thừa, không khiến cho chúng sinh nghe tên ba thừa, lại có Bồ Tát ý muốn hiểu rõ tẩy rửa hết phiền não cho người mê hoặc.
Bấy giờ, Đức Thế Tôn ở giữa đại chúng khen ngợi Bồ Tát: Lành thay! Lành thay! Bồ Tát Hải Tạng mới có thể đứng trước ta rống lên tiếng rống của Sư Tử trong đại chúng này, khen ngợi sự nhập định ý của Bồ Tát, khiến cho những người trong hội đều được nghe biết, các vị chánh sĩ này ở trong định ý tam muội chánh định không thể nghĩ bàn, không ai sánh kịp, chẳng phải chỗ hàng Nhị Thừa có thể suy lường được, Bồ Tát tích chứa công đức không phải vì mình mà nghĩ cứu vớt chúng sinh đang bị khổ não.
Giả sử tam thiên đại thiên cõi nước, gió trong cõi đó, thổi đầy cả Thế Giới xoay vần rất nhanh bị cuốn theo gió, nếu có người nào chứng được kiến đạo, tâm muốn một mình đi qua lại vào trong đó liền làm được ngay, không bị trở ngại, huống chi là thần thông tam muội chánh định của Bồ Tát không thể nghĩ bàn, chỉ trong ý nghĩ đi qua vô lượng hằng hà sa cõi nước.
Lại dùng sáu độ và pháp thập thiện, giáo hóa chúng sinh chỉ sạy đường lành, tâm họ hoàn toàn được an ổn không lay chuyển, chí hạnh tịch tĩnh không loạn động, tâm hành của họ không ai sánh kịp, nhờ đời trước đầy đủ các đức, chí hạnh thứ tự không phân biệt chủng loại, tâm từ vô lượng không cùng tận, tất cả các pháp thường tự tồn tại.
Chúng sinh không hiểu cho là có thay đổi, pháp pháp tự sinh, pháp pháp tự diệt, pháp không sinh pháp, pháp không diệt pháp, pháp sinh pháp diệt tánh không đổi dời, đó là đạo của Đại Sĩ Bồ Tát, chẳng phải hàng phàm phu sánh kịp, các chúng sinh ở trong sinh tử không hiểu được đạo, cho pháp tánh có sự biến đổi, dù có như vậy việc này không đúng.
Từ lúc có Bồ Tát mới phát tâm đến nay, thực hành bố thí, trì giới đầy đủ các đức, được kết quả thành đạo, do hiểu không quán hư vô tịch tĩnh, khen ngợi việc làm thần diệu xưa nay đều đã thành tựu, vào địa tu hành của các Bồ Tát, ở trong vô lượng Cõi Phật thù thắng, dẫn dắt chúng sinh vượt qua bờ sinh tử, hiểu rõ cản cơ tùy thời giáo hóa cứu độ tất cả.
Hoặc dùng phép tắc oai nghi cuả thế tục, hoặc dùng thần thông đạo tuệ giáo hóa muôn loài, phân biệt sự sinh diệt phiền não cuả sáu tình, sự phát khơỉ cuả mắt, tai, mũi, miệng, thân, ý, mắt vô thường cũng không chân thật, đi không có chỗ đi, đến cũng không dấu vết, tai, mũi, miệng, thân, ý cũng như vậy.
Pháp quá khứ, vị lai, hiện tại không thấy sinh cũng không thấy diệt, chúng sinh ngu hoặc chấp có tướng thường.
Vì sao?
Tối Thắng nên biết! Trí phương tiện quyền xảo cuả Đại Sĩ Bồ Tát đầy đủ, thực hành vô lượng các Ba la mật, lập vững niềm tin tu tập các pháp được các Đức Như Lai khen ngợi, từ bỏ vọng tưởng được vô lượng trí, biện tài vô ngại thường tự hổ thẹn, quán pháp không sinh không bị lay động, hoặc bằng tướng tốt trang nghiêm Cõi Phật.
Làm việc và pháp tương ưng không trái, nhập vào đạo nhất thiết trí sâu xa, hỏi nghe chánh pháp không biết nhàm chán, chỉ dùng quyền trí siêu tuyệt hàng phục các ma, hoặc đến chỗ có tưởng không tưởng, đến cung Phạm Thiên Đế Thích, hoặc đến hằng hà sa cõi nước khắp mười phương, đi khắp mọi nơi thuyết giảng Phật Pháp sâu xa không thể nghĩ bàn, từ bỏ kiêu mạn cũng không hơn thua.
Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo Tối Thắng: Bồ Tát Đại Sĩ tu vô lượng pháp môn thành bậc chánh giác, bốn niệm xứ, bốn chánh cần, bốn như ý túc, năm căn, năm lực, bảy giác chi, tám Thánh Đạo, hiểu biết rộng rãi không hề thiếu sót.
Dùng pháp tứ niệm xứ, hữu vi vô vi, hữu ký vô ký, hữu lậu vô lậu, đầy đủ mười lực, các pháp vô úy tam muội chánh thọ đoạn trừ ấm cái, phân biệt hiểu rõ, tâm không thoái chuyển, sau đó dùng tam muội chánh thọ, vượt hơn tuệ nghiệp năm mươi bảy pháp, Bồ Tát nên nhớ không nên quên mất.
Nếu có người bố thí cầu phước Chư Thiên, hoặc cầu ở trong cung điện quỷ thần các rồng, hoặc bằng tâm bố thí cầu sinh Tứ Thiên Vương, hoặc muốn làm tướng quân trong hai mươi tám vị quỷ thần, đây không được chân thật không như ý nguyện.
Bấy giờ, Đức Thế Tôn vì Bồ Tát Tối Thắng nói kệ rằng:
Thân tịnh không làm ác
Miệng không phạm bốn lỗi
Ý không nghĩ tội chướng
Là tổng trì Bồ Tát
Khen ngợi vô lượng đức
Tâm không còn tham tiếc
Thần thông trừ tối tăm
Là tổng trì Bồ Tát
Lúc dạy người bố thí
Không có sự mong cầu
Bỏ nguyện đọa ba đường
Công đức đều hao tổn
Xưa ta cầu Chánh Giác
Nhớ lại vô số kiếp
Bằng phương tiện quán sát
Vào năm đường sinh tử
Ở trong A tăng kỳ
Tu tập tạo công đức
Do không được tự tại
Nên ở bốn vực sâu
Nay tuy được thành Phật
Làm Vua cõi Tam Thiên
Đây nhờ bỏ tưởng niệm
Được vào cửa giải thoát
Đạo Tràng phóng hào quang
Ức thần đến quy y
Các Sa Môn, thiện thần
Đều trở về nương tựa.
Thế nên này Bồ Tát Tối Thắng! Phải chuyên tâm từ bỏ tưởng mong cầu, hiểu rõ pháp giới một tướng không hai, trang nghiêm Cõi Phật, trí tuệ sáng suốt không mất, không khuyến khích tạo nghiệp, bố thí khắp tất cả mà không bố thí, không sáng suốt không chỗ sinh, bình đẳng nhất thừa không thấy ba bốn.
Tối Thắng! Phải nên phân biệt bốn đế, khổ từ đâu sinh cũng do đâu diệt?
Thân năm ấm này là nguồn gốc của khổ, do quán sâu xa nên tâm mong cầu diệt hết. Khổ do tập sinh nên diệt hết không còn, có sáu mươi hai tà kiến điên đảo, dùng vô lượng trí hiểu rõ tất cả, lại dùng bốn đế quán mười hai nhân duyên khởi từ đâu, sinh do đâu diệt, dần dần suy nghĩ mới biết là tịch tĩnh, hành động cuả thân, khẩu, ý cũng không có chủ tể, không có người nhận cũng không có đến đi, không có chỗ trú, từ quả Tu Đà Hoàn đến bậc Chánh Giác cũng như vậy, biết rõ Cõi Dục, Cõi Sắc, Cõi Vô Sắc.
Lại nữa Tối Thắng! Bồ Tát suy nghĩ biết ra khỏi khổ, nguyên nhân cuả khổ, sự diệt tận khổ, con đường ra khỏi khổ, suy nghĩ đúng như thật, lại phân biệt mười sáu pháp sâu xa khó lường cuả Bồ Tát, ba mươi sáu nẻo cấu uế bất tịnh, nhơ bẩn, khen ngợi tuệ của bậc chứng đạo quả vô thượng, ban lời chỉ dạy dẫn dắt dần dần, đều được thấu đạt kho tàng thâm sâu của Chư Phật.
Lời dạy ra hoàn toàn không dối, hoặc hiện trưởng giả của cải giàu có, nhân đó làm việc bố thí giúp đỡ chúng sinh, qua lại khắp nơi khiến thành Phật Đạo, hoặc dùng hương hoa, ánh sáng cờ lọng soi chiếu khắp nơi đều được đầy đủ.
Lại dùng thần túc chấn động Chư Thiên, tuyên dương Phật Đạo hướng đến nhất thừa, nên ta nhiều kiếp không bị ràng buộc, lại thị hiện đạo Thanh Văn, Duyên Giác, ẩn vào rừng sâu không thị hiện diệt độ, lại vào long cung hóa độ các loài rồng được đạo tự tại.
Thế nên Tối Thắng! Công đức của Bồ Tát không thể tính kể, chẳng phải do miệng tuyên dương, do ý suy nghĩ, hoặc có khi Bồ Tát sinh vào Nhà Vua Chuyển Luân, các Thế Giới Cõi Trời cũng được hướng dẫn làm mười phương đều thiện, hoặc thấy chúng sinh đang ở trong đói khát, dùng cam lồ khiến họ được đầy đủ, gánh vác các khổ não cho chúng sinh xa lìa ái dục, hình tượng của Bồ Tát không thể tính kể.
Lại nữa, Tối Thắng! Bồ Tát nên nhớ một ngàn bảy trăm pháp môn định ý khiến các vị A La Hán thành quả chánh giác.
Lại có pháp môn định ý ánh sáng, khiến các Bồ Tát hiển bày pháp môn tổng trì.
Lại có pháp môn định ý bóng mát của cây Bồ Đề, tam thiên thế giới đều được che mát.
Lại có pháp môn định ý mưa ngọc thần khắp Thế Giới phóng ra trăm ngàn ức vô số ánh sáng, mỗi sánh sáng đều phát ra vô số tiếng khổ, không, vô thường, vô ngã, người nghe được tiếng này đều phát tâm bồ đề không còn thoái lui.
Lại có pháp môn định ý thủy tinh trong sáng khiến cho Thế Giới khắp mười phương trong suốt không màu, lại phát ra vô số tiếng âm nhạc, người nghe tiếng âm nhạc này tự biết đời trước của mình, rồi biết về cảnh giới vị lai mình đến.
Lại có pháp môn định ý ánh sáng như mặt trăng tròn đầy, vượt hơn trong chúng như mặt trăng ở giữa các ngôi sao.
Lại có pháp môn ánh sáng như mặt trời, làm ánh sáng cho chúng sinh biết nẻo hướng tới.
Lại có pháp môn ánh sáng oai thần truyền trao đại thừa không ai có thể biết được.
Lại có pháp môn định ý ánh sáng tướng đỉnh không thấy được, ở trong chúng được cung kính vượt bậc.
Lại có pháp môn định ý ánh sáng tướng lưỡi, ở trong chúng tin thọ không phỉ báng.
Như vậy Tối Thắng! Bồ Tát nhập vào một ngàn bảy trăm pháp môn định ý ánh sáng vô lượng thanh tịnh như trên, ngay tại chỗ ngồi có vô số chúng sinh nghe được pháp môn này, phát tâm đối với đạo chân chánh vô thượng, từ xưa đến nay chưa từng nghe thấy, ngay.
Lúc ấy, về phương Đông cách đây vô số hằng hà sa Thế Giới có một Bồ Tát tên Bảo Dũng đem các quyến thuộc vây quanh trước sau, chắp tay hướng Phật nói kệ khen ngợi:
Thân sắc rất thù thắng
Tôn quý nhất loài người
Không phiền não cấu uế
Ban cho vô lượng đức
Ánh sáng chiếu trăm ức
Trong sáng rõ vô cùng
Từ bi thương mọi người
Làm Vua ba ngàn cõi
Hôm nay chúng con đến
Muốn nghe tuệ cam lồ
Xin nói lúc được cứu
Như khát gặp được nước
Lúc Đạo Sư xuất hiện
Như hoa Ưu Đàm Bát
Căn bệnh của chúng con
Nhờ cứu được thoát khỏi
Nay con đến xứ ấy
Cách đây vô số cõi
Khát ngưỡng đã từ lâu
Nguyện khai thị chúng con.
Bấy giờ, Bồ Tát Bảo Dũng dùng kệ khen ngợi Đức Phật rồi lại đảnh lễ nơi chân Phật ngồi theo thứ tự.
Lúc ấy, Đức Thế Tôn bảo những người trong hội: Chư vị hãy lắng nghe! Lắng nghe và ghi nhớ kỹ, Như Lai sẽ giảng nói rõ ràng về hạnh không sinh diệt của Bồ Tát, pháp khoáng trước, giữa, sau đều thiện, hãy ghi nhớ trong tâm.
Các vị Bồ Tát bạch Đức Thế Tôn: Nguyện xin được nghe.
Đức Thế Tôn bảo: Đạo chẳng phải là sinh, sinh chẳng phải là đạo, vô tưởng là đạo, vô là đạo hữu chẳng phải đạo, không chấp là đạo, chấp chẳng phải đạo, có sự mong muốn thành đạo đây cũng chẳng phải đạo, không thành không muốn mới gọi là đạo, ý lệ thuộc căn môn chẳng phải chân đạo, phòng hộ căn môn mới chính là đạo.
Khi đó, Bồ Tát trong hội lại sinh ý nghĩ: Thế nào là hành không sinh diệt?
Lại nói là đạo, nay nói Niết Bàn chẳng phải là đạo sao?
Đức Thế Tôn biết tâm niệm của đại chúng, liền bảo các Bồ Tát: Niết Bàn khác với đạo như thế nào?
Đáp: Không khác.
Đức Thế Tôn bảo: Nếu Niết Bàn khác với đạo, vì sao ở trên nói Niết Bàn là đạo chăng?
Đây là vô vi, đây là diệt tận, đây là chỗ an lạc, hoặc nói đây là chỗ sáu nhập, do cái này sinh nên các kia sinh, do các này diệt nên cái kia diệt, vậy Niết Bàn là đạo chăng?
Đáp: Bạch Thế Tôn không phải.
Đức Phật bảo: Lành thay! Lành thay! Như lời ông nói, đạo chẳng phải là Niết Bàn, Niết Bàn chẳng phải đạo, sinh vốn là diệt nhưng diệt chẳng phải là sinh. Đạo vốn là Niết Bàn nhưng Niết Bàn chẳng phải đạo. Danh sách sáu nhập cũng như vậy.
Khi ấy trong chúng hội nghe nói pháp về hạnh không sinh diệt này, khi quán pháp môn định ý đều chứng đắc, tâm không sinh diệt không còn thoái chuyển.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội đầu - Phẩm Mười Tám - Phẩm Vô Sở đắc - Phần Mười Một
Phật Thuyết Kinh Tăng Chi Bộ - Chương Mười - Mười Pháp - Phẩm Mười Chín - Phẩm Thánh đạo
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Hướng
Phật Thuyết Kinh Chánh Pháp Niệm Xứ - Phẩm Bảy - Phẩm Thân Niệm Xứ - Tập Mười Năm
Phật Thuyết Kinh Bảo Tinh đà La Ni - Phẩm Sáu - Phẩm đà La Ni - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh Bách Dụ - Kinh Thứ Bảy Mươi - Kinh Nếm Quả Am Bà La
Phật Thuyết Kinh Tiểu Bộ - Tập Bảy - Ngạ Quỷ Sự - Phẩm Một - Phẩm Con Rắn - Chuyện Con Rắn