Phật Thuyết Kinh Tối Thắng Vấn Bồ Tát Thập Trụ Trừ Cấu đoạn Kết - Phẩm Tám - Phẩm đồng Chân - Tập Hai

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Trúc Phật Niệm, Đời Dao Tần

PHẬT THUYẾT KINH

TỐI THẮNG VẤN BỒ TÁT

THẬP TRỤ TRỪ CẤU ĐOẠN KẾT

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Phật Niệm, Đời Dao Tần  

PHẨM TÁM

PHẨM ĐỒNG CHÂN  

TẬP HAI  

Khổ thọ, lạc thọ, bất khổ bất lạc thọ, thường nhớ nghĩ phân biệt mà không có khổ, vui làm sao lại có thọ. Việc này không đúng, người hiểu rõ đây là tướng thọ. Ghi nhận cho đến trôi chảy mãi không dừng, nhớ đến quá khứ hiện tại, vị lai, hoặc nam hoặc nữ và vô số biên ý niệm khác. Không có hạn lượng gọi là tư tưởng, hiểu rõ tướng này không đến không đi cũng không nơ chốn, giả dối không thật, cũng không có tên nên gọi là tư tưởng.

Bồ Tát thấy rõ các pháp thiện, ác, hữu ký, vô ký, hữu lậu, vô lậu, hữu vi, vô vi nên có sự tạo tác mà không bị chướng ngại. Có khi Bồ Tát thấy người làm việc thiện không làm việc ác, thấy người làm ác không làm điều thiện, hoặc có lúc không làm thiện cũng không làm ác thì phân biệt ngay trong niệm đó, không thấy thiện cũng không thấy ác.

Này Tối Thắng! Đó gọi là hành. Lại nữa nên hiểu rõ do nhân gì mà có thức. Thức chẳng phải một tướng, pháp của nhãn, nhỉ, tỷ, thiệt, thân, ý cũng gọi là thức. Pháp của sắc, thanh, hương, vị, xúc, căn cũng gọi là thức.

Lại biết rõ pháp khổ, vui, thịnh, suy cũng gọi là thức, ngay trong tư tưởng cũng gọi là thức, lìa tư tưởng cũng gọi là thức, có thiện có ác cũng gọi là thức, không thiện không ác cũng gọi là thức. Chẳng phải có thiện, chẳng phải có ác, cũng gọi là thức. Hiểu rõ thức này từ đâu sinh, từ đâu diệt, biết rõ không sinh cũng không diệt, thông suốt như vậy là thức.

Như vậy, này Tối Thắng! Bồ Tát Phạm hạnh bỏ thân thọ hình thì thân, căn, ý, thức không bao giờ tán loạn, không nhận lấy thân trung ấm nên không có chướng ngại. Chúng sinh bỏ thân thì thần thức ở trung ấm, tùy theo nghiệp nặng nhẹ mà có chướng ngại. Bồ Tát Đại Sĩ ngay trong ý nghĩ, tùy theo ý muốn liền được thọ thân không bị chướng ngại.

Tối Thắng nên biết, Bồ Tát đồng chân thường làm bạn với Bồ Tát Nhất sinh bổ xứ cùng nhau xem xét sự thanh tịnh của Cõi Phật, lựa chọn Cõi Phật tốt đẹp tối thắng nhất, giữ lại những hình ảnh tốt đẹp đó để làm Phật sự. Bậc Bồ Tát thứ tám chứng được tự tại, tùy duyên hóa độ chúng sinh khắp nơi, thuyết giảng đạo pháp không cùng tận, thường dùng pháp lành giáo hóa làm cho chúng sinh ưa thích.

Lúc ấy, trong hội chúng, các Bồ Tát đều suy nghĩ: Hôm nay Đức Như Lai tuyên thuyết tuệ nghiệp khen ngợi hạnh đồng chân, công đức quả báo không gì sánh bằng. Nay thấy sự tu hành của bậc Đại Sĩ Tối Thắng thực hành theo hạnh nghiệp của đồng chân, không sai khác.

Nếu Bồ Tát Tối Thắng thành đạo Chánh Giác vô thượng, khi được thành Phật thì tên hiệu là gì?

Cõi nước Phật Đó được công đức trang nghiêm thanh tịnh như thế nào?

Các Bồ Tát thành tựu những gì, giữ gìn pháp luật có sai khác không?

Bấy giờ, Đức Thế Tôn biết rõ tâm niệm của đại chúng trong hội, nên mỉm cười. Có vô số ức trăm ngàn ánh sáng từ miệng Đức Phật phát ra, chiếu đến vô số Thế Giới khắp mười phương, che lấp cả ánh sáng mặt trăng, mắt Trời và cung điện của ma, ánh sáng xoay lại chiếu quanh Đức Phật vô số vòng rồi đi vào trên đầu.

Lúc ấy, các Bồ Tát ở trong hội từ chỗ ngồi đứng dậy, trịch áo bên phải chắp tay lễ Phật thưa hỏi về ý nghĩa mỉm cười: Thế Tôn không mỉm cười vô cớ, xin được nghe ý đó.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo đại chúng: Các ông thấy Bồ Tát Tối Thắng này không?

Đáp: Thưa, chúng con thấy.

Đức Phật bảo những Bồ Tát trong hội: Trong tiền kiếp này, trở về quá khứ một trăm Đức Phật, có Đức Phật ra đời hiệu là Sư Tư Oai Như Lai, xuất hiện ở đời là bậc Chí Chân, Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Thành, Vi Thượng Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Đạo Pháp Ngự, Thiên Nhân Sư, hiệu Phật, Thế Tôn.

Tên cõi nước ấy như nay không khác. Cõi nước ấy rất xinh đẹp, năm loại ngũ cốc tự nhiên, có rất nhiều như, nhân dân phồn thịnh, thành quách nghiêm chỉnh đều được làm bằng bảy báu, vàng bạc lưu ly, thủy tinh, xà cừ, mã não, san hô, hổ phách và ngọc báu ma ni.

Cõi Phật Đó bằng phẳng, có tám đường thông nhau do vật báu làm thành, mặt đất mềm mại giống như vải lụa Trời, như Cõi Trời Đâu Suất, y phục, thức ăn, cung điện, nhà cửa, vườn hoa, ao tắm lầu gác nguy nga đẹp đẽ, cõi nước của Phật ấy uy đức như vậy.

Chu Thiên, loài người tự nhiên hiện ra, trổi các âm nhạc, treo các phướn lụa, dựng cờ, lọng, đốt các hương thơm mưa những hoa báu đẹp, giữ gìn chánh pháp không cho gián đoạn, hướng dẫn làm lợi ích cho vô lượng chúng sinh.

Bồ Tát Tối Thắng bỏ thân nơi cõi ấy, sẽ sinh vào Thế Giới Cực Lạc của Cõi Phật Vô Nộ. Lúc Tối Thắng sinh vào cõi đó, Đức Phật Vô Nộ thuyết ra tám ngàn bốn trăm Pháp Môn khác nhau cho các Bồ Tát, tuyên dương giáo pháp nhưng đồng một ý nghĩa, thuyết pháp không gián đoạn Tam Bảo, làm cho chúng sinh được vào quả vị không thoái chuyển.

Khi thuyết giảng như vậy, mọi người ở trong hội đều khen ngợi: Lành thay! Lành thay! Bậc Đại Sĩ Tối Thắng được thọ ký thành Phật thật là nhanh, nguyện đời vị lai được sinh vào nước này, gặp lúc Đức Như Lai Sư Tử Oai xuất hiện trong đời, mong gặp được đạo pháp của Phật, tu hạnh đồng chân như Bồ Tát Tối Thắng.

Khi ấy các Bồ Tát trong hội chúng lại nghĩ: Làm thế nào khiến cho chúng sinh đều được pháp tuệ nhẫn trí như hiện nay. Ai nghe được lời này thì không còn sợ hãi do dự.

Bấy giờ, Thế Tôn bảo Tối Thắng: Bồ Tát thực hành đầy đủ các đức, trình bày vô lượng lời dạy đặc biệt, tùy thời thị hiện đến khắp mọi nơi. Hoặc làm phàm phu thân già cô độc, hoặc làm trẻ con, lại dùng phương tiện vào bốn đạo, cùng làm bạn với bậc chứng quả Tu Đà Hoàn, liền nói pháp cao hơn làm cho họ không biếng nhác. Nương phương tiện vào quả vị Tư Đà Hoàn, khuyến khích đoạn trừ nguy hiểm của năm tai họa, khiến được không còn bảy lần trở lại sinh tử.

Hoặc ở Cõi Trời diễn giảng pháp cam lồ, hành giả ấy hoàn toàn không trở lại thế gian, cũng ở với Bậc Thánh không còn cấu nhiễm, vì họ giảng nói sáu mươi tám pháp khổ của thân, chê trách các pháp cấu uế đó làm chướng ngại đạo vô thượng, làm mất trí tuệ sáng suốt, tổn hại giáo pháp.

Hoặc hiện đạo Duyên Giác của Chư Phật, hiển bày mười tám pháp thần túc biến hóa, bằng sự giáo hóa im lặng khiến cho người thấy được giải thoát, dùng trí tuệ quyền xảo bên trong thích ứng tâm người, tùy bệnh cho thuốc khiến được thuyên giảm.

Hoặc cùng với hàng mới học, ban đầu phát tâm nhập định thanh tịnh, khiến các chúng sinh thấy rõ sắc thân, thấy tam thiên đại thiên Cõi Phật như tâm bàn tay, cùng nhau cúng dường, qua lại trong đó mà không tăng không giảm, khiến họ phát tâm chân chánh nơi đạo vô thượng.

Lúc đó, có Bồ Tát tên là Cứu Sướng, từ chỗ ngồi đứng dậy, quỳ gối chắp tay trước Phật thưa: Bạch Thế Tôn! định tam muội này có tên là gì?

Mà làm cho thấy được tam thiên đại thiên cõi nước, cảnh giới khắp mười phương như ở trong tâm bàn tay.

Chúng sinh ở trong đó đều cung kính cúng dường mà không thấy tăng giảm?

Đức Phật bảo Bồ Tát Cứu Sướng: Định tam muội ấy gọi là thanh tịnh, sắc thân hiện khắp hiển bày dung chứa khắp nơi mà cảnh giới, cõi nước vẫn như thế không thêm bớt.

Giả sử tam thiên đại thiên cõi nước và vô lượng hằng hà sa cõi nước Chư Phật ở trong tâm bàn tay, cùng làm việc bố thí tạo các phước đức, nằm, ngồi, kinh hành tùy ý vui vẻ thì chúng sinh trong đó đều không biết nhau, thân ta ở đâu và thân thể không bị xúc chạm, cứu sướng nên biết. Đó là việc làm do oai thần của Bồ Tát đồng chân, ngay nơi sự hóa hiện ấy cũng không thấy thân mình, dầu ở chỗ nào vẫn làm cho chúng sinh không có tâm tăng giảm.

Bấy giờ, trên tòa những người đến trong hội như: Trời, Rồng, Quỷ Thần, Càn Đạp Hòa, A Tu Luân, Ca Lưu La, Chân Đà La, Ma Hưu Nặc, người và phi nhân đều có ý nghĩ muốn Bồ Tát Tối Thắng thị hiện thần biến định ý thanh tịnh.

Thế Tôn biết tâm niệm chúng hội đều có ý nghĩ như vậy, liền bảo Bồ Tát Tối Thắng: Này Tối Thắng! Ông nên vì tất cả chúng sinh và những người đến trong hội này mà thị hiện tam muội định ý thanh tịnh để họ càng thêm tâm tin.

Khi ấy, Bồ Tát Tối Thắng nương theo oai thần của Phật cung kính vâng lời Phật dạy liền nhập tam muội chánh định ở trên tòa, khiến cho hằng sa cõi nước khắp mười phương, Trời, Rồng, loài Người, Quỷ Thần, Vua cùng quyến thuộc tôn quý của Trời và Bồ Tát khác ở trong hội đều hiện rõ trong tâm bàn tay.

Hoặc người thiền định, hoặc người kinh hành, hoặc người làm Phật Sự có nhiều công đức, hiện ra những việc đặc biệt kỳ lạ khó ví dụ được, hiện thần túc rồi, tất cả chúng hội trong mười phương đến đây đều trở về chỗ của mình. Bồ Tát Tối Thắng cũng ngồi chỗ cũ, mặc y phục trang nghiêm, đầy đủ oai nghi.

Khi ấy, Bồ Tát Cứu Sướng bảo Bồ Tát Tối Thắng: Nhân giả đã hiện oai thần tam muội, công đức ấy siêu việt vô cùng không có giới hạn, oai thần hiện rõ thật không ai bằng, mới có thể dung chứa Thế Giới trong mười phương, ở trên bàn tay phải của vị ấy mà không tăng giảm. Để đạt được hạnh của Bồ Tát đồng chân chúng ta cần phải tạo thêm công đức, tinh tấn tu pháp định ý thanh tịnh, thực hành hạnh của Bồ Tát đồng chân.

Bấy giờ, Bồ Tát Tối Thắng đáp: Đúng vậy! Đúng vậy! Như lời ông nói. Nếu có các Bồ Tát mới phát tâm, muốn tu tập pháp đồng chân, phải suy nghĩ siêng năng thành tựu đạo quả, khiến không còn thoái lui. Bồ Tát tinh cần có hai mươi việc nên thực hành, tăng trưởng ủng hộ không để thiếu sót.

Hai mươi pháp không tổn giảm là gì?

Đó là đối với Bồ Tát tu hạnh đồng chân phát nguyện rộng lớn, tâm không giới hạn, muốn cứu vớt mọi ách nạn nguy hiểm, gọi là tinh tấn không còn thoái lui.

Lại nữa, Bồ Tát tập họp đồ chúng để giáo huấn đạo lý không có hình tướng, thường nói về âm thanh không, vô, hư tịch. Đó là hạnh đồng chân không còn thoái lui.

Lại nữa, Bồ Tát ban bố công đức khiến cho người thấp kém đang bị ràng buộc trong tối tăm, trước tiên diệt trừ ý tham không còn tưởng niệm sau đó hướng dẫn họ thực hành bố thí.

Lại nữa Bồ Tát thấy có người bị tai nạn liền đích thân đến giáo hóa, an ủi làm cho họ không còn khổ nữa. Thường tăng trưởng niệm lành, tâm không biến đổi.

Lại nữa, Bồ Tát thực hành việc khó làm trải qua vô số kiếp khó tìm cầu được bậc thầy sáng suốt để hỏi về giới luật, giữ gìn tu tập chánh pháp, thường nghĩ đến việc khống chế sáu trần.

Lại nữa, Bồ Tát cầu đạo vô thượng, tâm không lệ thuộc vào sự ô nhiễm, thường xuyên tu tập các thần thông trí tuệ, thực hành chỉ quán bỏ tâm tham ái. Lại nữa Bồ Tát tùy thời thích hợp hiểu rõ những người chưa giác ngộ, dạy bảo họ không còn tâm si được thông suốt, sau đó mới dạy về các phương tiện.

Lại nữa, Bồ Tát phát tâm thệ nguyện, đầy đủ tướng tốt trang nghiêm, làm thanh tịnh cõi nước đó thành màu hoàng kim, dẫn dắt quyến thuộc cũng đều như vậy.

Lại nữa Bồ Tát phát nguyện cứu độ rộng lớn, không có khiếp nhược, không bị trở ngại, tuy ở chốn sinh tử không từ nan khổ nhọc, quyết chí kiên cố điều phục ngoại đạo.

Lại nữa Bồ Tát tạo vô số công đức, thường nghĩ đến chúng sinh đang bị trói buộc, không có tâm nghĩ đến mình, nghĩ về Tứ Đế hiểu rõ bằng tuệ quán. Lại nữa, Bồ Tát mặc áo giáp đồng, thệ nguyện suốt vô số kiếp cầu đạo vô thượng, hoàn toàn không nghĩ ta đã thực hành đạo chân thật, người không thực hành như vậy sẽ bị tổn giảm.

Lại nữa, Bồ Tát có tâm bao dung đối với phàm phu, người đến quy y, dạy cho đạo vi diệu, chỉ dẫn con đường cho họ hướng đến, xét khả năng của người đó dạy cho pháp cam lồ.

Lại nữa, Bồ Tát quán sát phong tục thế gian đối với pháp luật Nhà Vua chế ra chớ nên chống lại, đối với việc thiện thì tuân theo, việc ác cần phải tránh xa, không tự cao ngạo hủy hoại phong tục. Bồ Tát phải học cách đi vào quần chúng, hoặc chúng Phạm chí, hoặc chúng trưởng giả, chọn lựa lễ nghi nên đi thì đi, nên ngồi thì ngồi, nên nằm thì nằm, hợp với oai nghi, không bị sai lầm. Đó là Bồ Tát đồng chân biết đi vào quần chúng.

Lại nữa Bồ Tát thường phải tu tập pháp vô sinh nhẫn, tuệ không khởi diệt, đầy đủ tất cả Phật Pháp, đi đến vô lượng Cõi Phật khắp mười phương, muốn được đầy đủ các pháp môn trí tuệ, hiểu rõ trí tuệ không cùng tận, phải nhớ nghĩ tu tập hạnh đồng chân.

Lại nữa Bồ Tát giữ điều đúng, chế ngự cái sai không theo pháp tà, đấy đủ bố thí trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí tuệ, phương tiện khéo léo, ba mươi bảy phẩm trợ đạo, không vô tướng, vô nguyện. Tâm không còn chán nản, biếng nhác, hoàn toàn không quên thệ nguyện. Đó là tâm kiên cố của hạnh đồng chân.

Bồ Tát tích chứa gốc công đức lành, ngay rơi thân triền phược này tu các tướng tốt để trang nghiêm mình, diệt trừ kiêu mạn, vô minh, tà kiến. Bồ Tát đồng chân hoàn toàn thanh tịnh, không bị cấu nhiễm, không thấy cảnh giới có sạch có nhơ. Khi ấy đầy đủ công đức vô lượng tướng tốt phước đức thảy đều đầy đủ, không biếng nhác cũng không thoái lui.

Vì sao?

Vì Bồ Tát đồng chân phát thệ nguyện rộng lớn không bỏ bản nguyện, ban bố tuệ nghiệp tinh tấn không biếng nhác. Đó là Bồ Tát tu hạnh đồng chân.

Lại nữa, Bồ Tát phân biệt pháp huyễn hóa, dối trá, biết nó là hư tịch cũng không có hình thể để mà thấy được, trưỡng dưỡng tinh tấn chuyên tu bản nghiệp, đối với mười sáu phần không bỏ chút nào. Bồ Tát hành từ bi luôn tự suy xét dục là đời sống của ta, từ đâu sinh ra, nên suy nghĩ kỹ để vượt ra khỏi sinh tử. Bởi vì người đời tự khởi thức tưởng, do ý nhiễm chấp, phát khởi lửa dục, thiêu đốt căn lành, đọa vào năm đường đều do vô minh, tham dục trói buộc.

Nếu Bồ Tát nào phân biệt năm thứ tham dục đều không chân thật, siêng năng tư duy về dục thì hoàn toàn không bị nó chi phối. Ví như nghe ở nơi đồng trống, phương khác có người khổ hạnh đoạn dục, Bồ Tát liền dùng phương tiện dẫn dắt chúng sinh đến chỗ ấy, thấy người khổ hạnh đoạn dục, tâm ý mát mẻ không bị phiền não nóng bức, khiến chúng sinh ấy đều phát đạo tâm, từ bỏ năm dục, tuần tự hướng dẫn đến các Cõi Phật lễ bái cúng dường Chư Phật Thế Tôn.

Lại dẫn dắt họ vào pháp sâu xa, sau đó mới ban đủ ân đức bố thí, trì giới, nhẫn nhục và lập chí tinh tấn, chuyên tâm nhập định, ý niệm không tán loạn, tu tập nhiều trí tuệ không bờ bến.

Như vậy, này Cứu Sướng! Đó là sự tu tập của Bồ Tát đồng chân, làm lợi ích khắp tất cả. Nếu có Bồ Tát mới tu học, đọc tụng, giảng giải bàn luận hai mươi hạnh nguyện sau đó mới phát nguyện làm theo việc làm của Bồ Tát đồng chân.

Lúc Bồ Tát Tối Thắng thuyết pháp này, có một vạn bảy ngàn người đều phát thệ nguyện rộng lớn không cùng tận, ưa thích tụ tập hai mươi hạnh nguyện của Bồ Tát đồng chân, có mười ngàn Trời, người chứng được pháp vô sinh nhẫn, lại có vô số chúng sinh tăng thêm công đức không còn thoái lui.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo Bồ Tát Tối Thắng: Lành thay Đại Sĩ đã làm được nhiều lợi ích độ thoát vô số chúng sinh. Nếu có Bồ Tát phát tâm rộng lớn tích chứa công đức không hề nhàm chán, tăng thêm sự khuyến khích hỗ trợ mà tu pháp bố thí, vì muốn giáo hóa chúng sinh, giải thoát đi vào Niết Bàn, mãi mãi không trở lại.

Thế nên, Tối Thắng, Bồ Tát đồng chân đã tu tập công đức không thể lường, nếu có Bồ Tát mới phát tâm muốn học thường phải tu tập hai mươi hạnh nguyện, sau đó đi vào kho tàng pháp bảo sâu xa. Thế nên, Tối Thắng phải học như vậy. Người học như thế thì thuận theo đạo của Bồ Tát thứ tám.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần