Phật Thuyết Kinh Tôn Giả Hộ Quốc Hỏi Về đại Thừa - Phần Năm
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Thi Hộ, Đời Tống
PHẬT THUYẾT KINH TÔN GIẢ
HỘ QUỐC HỎI VỀ ĐẠI THỪA
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Thi Hộ, Đời Tống
PHẦN NĂM
Bấy giờ, Thế Tôn bảo Tôn Giả Hộ Quốc: Thái Tử Phước Quang ở cung điện báu, các đồng nữ vây quanh hầu hạ, Thái Tử quán sát hết mức nhàm chán. Trong ba oai nghi đi đứng và ngồi chỉ mong đoạn trừ tất cả phiền não.
Vào ngày mùng tám tháng giêng, Thái Tử ngồi kiết già trên đất, chánh ý tư duy lìa các trần nhiễm, quán sát như vậy rồi, vào lúc giữa đêm, bỗng nghe trên không Thiên Tử Tịnh Quang khen ngợi Phật Pháp và chúng Bí Sô.
Vừa nghe như thế thân rởn tóc gáy, buồn vui lẫn lộn, chắp tay hướng lên không dùng kệ hỏi rằng:
Chư Thiên trên không rất từ mẫn
Phát ra lời khen, khen ngợi ai
Con muốn quy y cầu xuất ly
Mong muốn được nghe xin giảng nói.
Khi ấy Thiên Tử Tịnh Quang ở trên không trung nghe hỏi như vậy, vì Thái Tử mà nói lên sự khen ngợi bằng bài kệ:
Nay tôi khen ngợi đại Sa Môn
Phật kia tên là Thành Nghĩa Ý
Thường đem thập thiện dạy quần sanh
Cứu giúp các khổ người cô độc
Phương tiện trí tuệ là hơn hết
Công đức thần lực không người sánh
Thường có mười ngàn na do tha
Các chúng Bí Sô thường cung kính
Thái Tử lại hỏi Trời Tịnh Quang
Công đức tướng hảo như thế nào?
Phật kia hành hạnh bồ đề gì?
Xin giảng nói lại, con muốn nghe.
Bấy giờ, Thiên Tử Tịnh Quang lại vì Thái Tử nói về công đức và tướng hảo của Phật bằng bài kệ:
Đảnh Phật như Tu Di
Xuất chúng cao vòi vọi
Búi tóc màu xanh biếc
Xoay bên phải ngay ngắn
Lông trắng giữa chặn mày
Sáng như ngàn mặt trời
Mắt xanh biếc trong sạch
Tợ như lá sen xanh
Cằm ngực như Sư Tử
Môi đỏ hơn Tần Bà
Răng khít không khuyết hỏng
Trắng như ngọn kha tuyết
Rốn tròn rộng xoay phải
Sạch như pha lê báu
Lưỡi đỏ tợ sen hồng
Rộng dài mà mỏng sạch
Trải ra phủ khắp mặt
Tướng này vi diệu nhất
Phạm âm rất trong trẻo
Hay tuyệt vượt thế gian
Tất cả Trời và người
Nghe đều sanh hoan hỷ
Trăm ngàn thứ âm nhạc
Chẳng bằng âm thanh Phật
Công đức lớn vô biên
Đoạn hoặc cho chúng sanh
Khiến hành hạnh bồ đề
Lại nữa các loài chim
Tên là Khẩn Na La
Uyên Ương, Câu Chỉ La
Phược Lý, Hi Noa Nga
Cụ Sa, Câu Noa La
Chim Ca Lăng Tần Già
Đều có sắc tướng đẹp
Tướng Phật đẹp cũng vậy
Phật dùng một lời nói
Tùy căn tánh đều hiểu
Gần xa nghe như nhau
Pháp Như Lai tự tại
Cổ dài da mịn đẹp
Cân đối với thân mình
Bắp, khuỷu tay suông tròn
Duỗi tay dài quá gối
Đoan nghiêm đẹp như vậy
Bảy chỗ đều đầy đặn
Cánh tay như mũi voi
Bắp chân hơn nai chúa
Tướng âm tàng ẩn kín
Giống như của long mã
Lông xanh biếc xoay phải
Không sợ như Sư Tử
Đảnh Phật như Thiên Cái
Trang nghiêm thân sắc vàng
Bước đi như trâu chúa
Chân hiện thiên bức luân
Tướng Sa Tất Đế Ca
Đẹp toàn diện như vậy
Thế gian rất hiếm thấy
Ông nay nếu gần gũi
Có đức cùng không đức
Có phước cùng không phước
Tất cả tự ông biết
Có ai xưng danh Phật
Khen chê đều không chấp
Như hoa sen trong nước
Không nhiễm chút bùn nhơ
Phật Đạo Sư của ta
Thế gian không ai bằng.
Phật bảo Tôn Giả Hộ Quốc: Bấy giờ, Thái Tử Phước Quang nghe trên Hư Không Thiên Tử Tịnh Quang khen ngợi Phật Pháp Tăng có vô lượng công đức tướng hảo trang nghiêm, tâm rất hoan hỷ chánh ý buộc tâm ngồi thẳng tư duy: Đức Phật Thế Tôn ấy đầy đủ công đức, chánh pháp vi diệu đã thuyết chân thật không sai lầm. Đệ tử Thanh Văn phạm hạnh thanh tịnh.
Lại tư duy nỗi thống khổ trong luân hồi, tất cả chúng sanh bị ngu si che phủ không hay biết, thường đem thân kiến khởi các hoặc nhiễm, thêm lớn tội sanh tử xoay vần liền nhau không dứt. Những người có trí cần phải xa lìa.
Lại tư duy: Ngu si mê tối phát sanh ba loại suy nghĩ thân hành động và lời nói, tạo ra nghiệp thiện ác huân tập vào thức thành hạt giống. Như vậy danh sắc lục nhập, xúc, thọ, khổ báo nối nhau, ái thủ buộc ràng làm tăng trưởng hữu.
Như thế ai kết chặt sanh, lão, tử, mấy ai thoát khỏi. Ta quán sanh tử vui ít khổ nhiều, bức bách thân tâm là tai nạn đáng nhàm chán, nên sớm gần gũi pháp vi diệu của Phật Như Lai, đoạn các phiền não cầu thoát luân hồi.
Nếu gần bạn ác đam mê dục lạc thì quả báo Trời người còn không thể được nói gì đến quả Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác. Khi ấy, Thái Tử Phước Quang suy nghĩ thế rồi, đối với cung điện vô cùng nhàm chán, nay ta ở đây chẳng bao giờ được giải thoát, nên sớm từ giã, tìm chỗ yên tịnh, tu tập phạm hạnh.
Sau khi phát chí hướng như thế, Thái Tử rời khỏi cung điện, sắp ra khỏi cửa lại nghĩ: Thân quyến sẽ giữ ta lại.
Nên trở lui đứng ở phía đông cung điện, hướng về Phật bạch rằng: Như Lai Thành Nghĩa Ứng Cúng Chánh Đẳng Giác đầy đủ nhất thiết trí, sức oai thần rộng lớn, xin Ngài từ bi cứu giúp con, con ở nơi này phóng thân ra ngoài muốn được giải thoát.
Nói như vậy rồi, liền phóng thân ra ngoài. Phật dùng thần túc duỗi cánh tay phải, phóng ánh sáng lớn chiếu đến thân Thái Tử, ánh sáng ấy hóa ra hoa sen một ngàn cánh nâng chân Thái Tử.
Từ hoa sen này phóng ra một trăm ngàn tia sáng vi diệu, chiếu vào Thái Tử làm cho tâm Thái Tử vui thích, trải qua khoảnh khắc liền đến trước Phật. Phật thâu ánh sáng hoa liền biến mất.
Bấy giờ, như hòn núi vừa hạ xuống, Thái Tử liền đến trước Phật, chắp tay cung kính, đi nhiễu quanh Thế Tôn, chí tâm xưng niệm: Nam Mô Thành Nghĩa Ý Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác, chánh pháp vi diệu và chúng Bí Sô. Con xin quy y tất cả.
Nói rồi, năm vóc gieo xuống đất lễ Phật một ngàn lạy, rồi dùng kệ khen ngợi Phật:
Kính lạy đại y vương vô thượng
Nạn lớn thân con lâu chưa trừ
Xin Phật thương xót cứu độ cho
Ban ít thuốc pháp hay của Ngài
Ngày đêm mình con ngồi suy nghĩ
Một lòng mong lìa cảnh năm dục
Trên không Chư Thiên có lời khuyên
Dẫn dắt đến Phật để quy y
Phật là đại Đạo Sư xuất thế
Do đâu chúng sanh gây tội lỗi
Họ trong nạn lớn xin cứu giúp
Khiến kẻ mê tối mở mắt tuệ
Con nay tuy phát lòng tin Phật
Nhưng thiếu công đức báu Như Lai
Mong khỏi trói buộc cầu giải thoát
Xin Phật từ bi nhiếp thọ cho
Trong nhà tăm tối đốt đèn tuệ
Phá vô minh nghi hoặc của con
Tuyên dương pháp vi diệu thanh tịnh
Như đạo bồ đề Phật đã hành
Lạy đại y vương không ai bằng
Thỏa mãn nguyện con trừ các bệnh
Tất cả vọng tưởng đều tiêu trừ
Xa lìa nẻo ác đến bờ kia
Vĩnh viễn ra khỏi biển phiền não
Hành bát chánh đạo của Như Lai
Như vậy chân thật nói cho con
Theo lời Phật dạy con thực hành
Chí cầu đại bồ đề vô thượng
Tu tập hạnh Bồ Tát chân thật
Thành tựu phước đức vô cùng tận
Vì thọ mạng pháp bỏ mạng mình
Tất cả buộc ràng từ bỏ hẳn
Rốt ráo viên mãn đạo bồ đề.
Phật bảo Tôn Giả Hộ Quốc: Lúc ấy Đức Như Lai Thành Nghĩa Ý thấy Thái Tử tín tâm thanh tịnh, thiện căn thuần thục, nên nói pháp hạnh Bồ Tát cho Thái Tử. Sau khi nghe pháp, Thái Tử Phước Quang đắc môn tổng trì, chứng diệu giải thoát, thành tựu ngũ thông, thân vọt lên không trung rải hoa cúng dường.
Cúng dường xong, từ trên không xuống, Thái Tử chắp tay hướng về Phật, khen ngợi Như Lai, liền nói kệ:
Lạy Phật của con thân sắc vàng,
Tướng tốt tối thượng mặt như trăng
Công đức trí tuệ không ai bằng
Lìa hẳn ba cõi thường thanh tịnh
Búi tóc Mâu Ni màu xanh biếc
Cao vời thanh tịnh như Tu Di
Con thấy vô lượng vô biên Phật
Lông trắng chặn mày phóng hào quang
Như hoa Quân Na như trăng sáng
Hơn ngọc kha tuyết và xa cừ
Hào quang lớn trong sáng như vậy
Diệt trừ tội lỗi của chúng sanh
Mắt tịnh sáng ngời tựa sen xanh
Nét mặt hiền hòa nhìn chúng con
Quán oán thân bình đẳng như nhau
Hữu tình vô tình đều lợi ích
Lưỡi như đồng đỏ dài và rộng
Che khắp mặt hoặc khắp đại thiên
Tùy cơ giảng nói đại tiểu thừa
Cứu khắp các khổ của thế gian
Nay con đảnh lễ răng Như Lai
Bốn mươi chiếc khít trắng như ngọn
Bốn răng bén cũng như Kim Cang
Đảnh phóng hào quang cứu quần sanh
Nay con lạy lời thật của Phật
Lìa các lời hư dối thêu dệt
Văn sâu xa thông đạt tánh tướng
Phá tối trừ mê trăm ngàn cõi
Phạm vương Đế Thích chủ hộ đời
Thiên Long Bát Bộ và tam đồ
Nhờ hào quang ấy trừ khổ não
Đều khỏi luân hồi biển tử sanh
Bắp chân của Phật như nai chúa
Bước đi an ổn như trâu chúa
Khi hạ chân xuống chạm mặt đất
Núi sông đại địa đều chấn động
Thân tướng của Phật đẹp đoan nghiêm
Làn da mịn màng màu vàng ròng
Tất cả thế gian không ai bằng
Chúng sanh nhìn thấy không muốn rời
Phật ở quá khứ trăm ngàn kiếp
Xả bỏ tất cả vì lợi sanh
Đều khiến lìa khổ khỏi ưu phiền
Con nay kính lạy đại từ phụ
Phật đem tài pháp cho tất cả
Tu trì giới nhẫn nhục tinh tấn
Thiền định trí tuệ đều trọn đủ
Nay con lạy Phật trí cao vời
Phật không sợ như Sư Tử chúa
Phá tan vô biên ma phiền não
Giỏi trị các bệnh đều được lành
Con nay lạy bậc diệt tam độc
Nghiệp thân khẩu ý không nhiễm trần
Không đắm ba cõi, sen khỏi nước
Phạm âm vi diệu như Phạm Thiên
Tiếng chim Tần Già chẳng sánh bằng
Nay con lạy Phật vượt ba cõi
Thường quán thế gian như huyễn hóa
Như mộng như điện chẳng bền lâu
Không nhân không ngã không chúng sanh
Pháp vốn vắng lặng không sanh khởi
Không hay không biết tùy duyên chuyển
Lòng từ rộng lớn vì chúng sanh
Tùy cơ phương tiện nói diệu pháp
Đại Thánh y vương chỗ người nương
Thường trị bệnh già chết sầu bi
Như vậy lợi ích khắp chúng sanh
Đều khiến khéo qua đường Trời người
Chúa Mâu Ni từ bi như vậy
Thương chúng sanh luân hồi sáu nẻo
Như kiến tuần hoàn không thời hạn
Dẫn người ngu tối vào đường chánh
Nương pháp như vậy chứng bồ đề
Đủ pháp tự tại lợi thế gian
Như bát chánh đạo Thế Tôn dạy
Người nghe vui thích sanh kính mến
Tiếng Phật vi diệu hơn Phạm Thiên
Hi Đạt Ly Phược, Khẩn Na La
Âm thanh vi diệu của thiên nữ
Chẳng bằng tiếng Phật nhiều phương tiện
Âm thanh thanh tịnh công đức lớn
Tùy loại chúng sanh đều nghe được
Như vậy làm xe đến bồ đề
Tất cả lìa phàm được giải thoát
Mọi thứ tốt đẹp cúng dường Phật
Đều được phước Trời người hạng nhất
Làm Vua chúa hoặc làm Đại Thần
Thường được giàu sang và an vui
Làm Kim Luân vương chủ bốn châu
Đầy đủ ngàn con và bảy báu
Thường hành thập thiện lợi thế gian
Tất cả chúng sanh đều qui thuận
Hoặc làm Hộ Thế, Trời Đao Lợi
Hoặc ở Dạ Ma, Đỗ Sử Đà
Cho đến Tha Hóa cùng Phạm Thiên
Đều nhờ cúng dường Phật mà được
Như vậy thấy Phật và nghe pháp
Đều có thể lìa các khổ não
Khiến họ không rơi vào nẻo ác
An lạc tịch tịnh không nhiễm trần
Phật thường an trụ các thế gian
Người cầu phước đều khiến được phước
Được phước như vậy nối tiếp nhau
Nhiều trăm ngàn kiếp không cùng tận
Cõi trang nghiêm vi diệu tối thượng
Chúng sanh sinh vào không trần cấu
Thân chiếu ánh sáng hơn người Trời
Nghiệp thân miệng ý đều thanh tịnh
Thành tựu các thứ tướng công đức
Danh tiếng đồn khắp các thế gian
Trên Trời cõi người đều kính mến
Người ấy do cúng Phật mà được
Phật của con lìa khổ từ lâu
Cõi Phật mười phương đều khen ngợi
Tất cả đồ chúng đều quy y
Không ai không mến tướng từ bi
Con lạy bậc loài người tôn kính
Điềm nhiên bất động tướng vô vi
Khiến con chứng đắc năm thần thông
Đứng ở trên không khen ngợi Phật
Lạy Phật Thế Tôn không khiếp sợ
Trong sạch thanh tịnh xuất thế gian
Khen ngợi Phật được bao công đức
Hồi hướng Trời người thành Chánh Giác.
Phật bảo Tôn Giả Hộ Quốc: Khi ấy vào nửa đêm Vua Phát Quang nghe tiếng khóc lớn từ trong cung của Thái Tử Phước Quang, kinh ngạc bàng hoàng không biết việc lành hay dữ, liễn dẫn các quần thần và quyến thuộc đi đến cung của Thái Tử, hỏi các cung nhân: Tại sao nửa đêm các ngươi lại khóc?
Khi ấy, các cung nhân liền tâu với Vua: Thái Tử Phước Quang bỗng nhiên rời cung không biết ở đâu. Vì lo sợ đau buồn nên mới khóc như vậy. Lúc ấy vừa nghe xong như bước hụt chân nhằm chỗ nguy hiểm, Vua Phát Quang đột nhiên ngã lăn ra đất, hồi lâu mới tĩnh, đứng dậy tâm rất sầu não, khóc than thảm thiết, định đi tìm khắp nơi trong ngàn thành.
Bấy giờ vị Thánh Hiền giữ thành Ái Lạc bảo với Vua: Thái Tử Phước Quang đã đi về hướng đông đảnh lễ, cúng dường Phật Thành Nghĩa Ý. Sau khi nghe như thế, Vua Phát Quang liền dẫn tám mươi bốn trăm ngàn cung nhân thể nữ, trăm ngàn triệu người hầu và quyến thuộc vây quanh, đi đến phương đông chỗ Như Lai Thành Nghĩa Ý.
Đến rồi năm vóc gieo xuống đất đảnh lễ sát chân Thế Tôn, đứng qua một bên chắp tay hướng về Phật, dùng kệ khen ngợi:
Cúi đầu quy y biển công đức
Đấng diệu trạm, tổng trì vô đẳng
Trời Rồng tám bộ đều hướng về
Tất cả nhìn Phật không biết chán
Ba mươi hai tướng đẹp đoan nghiêm
Bảy báu nghiêm thân đời hiếm thấy
Uy nghi vòi vọi như núi vàng
Vượt ngoài thế gian con qui mạng
Quá khứ trăm ngàn kiếp khó nghĩ
Tu hành cúng dường trăm ngàn Phật
Trồng cội đức sâu rộng vô biên
Thành tựu thân Phật tướng tuyệt đẹp
Hành bố thí trì giới nhẫn nhục
Tinh tấn, định, thiện xảo phương tiện
Từng tu như vậy được thắng hạnh
Thân tướng tròn sáng chiếu rực rỡ
Nhật nguyệt điện chớp báu Ma Ni
Ánh sáng Phạm Vương và Đế Thích
Các ánh sáng sánh hào quang Phật
Cùng lúc ẩn mất đều không hiện
Thân Phật như trăng hiện trong nước
Tùy cơ biến hóa cũng như vậy.
Gá mộng vào thai người và voi
Bỏ địa vị Vua Trời Đỗ Sử
Thân Phật không tướng như hư không
Thị hiện thế gian cứu quần sanh
Mới sanh, bảy bước, Đế Thích hầu
Là bậc tối thượng trong Trời người
Phật không pháp gì mà không hiểu
Không có thầy, học sách tự biết
Thành tựu tịch tịnh Tam Ma Địa
Cứu khổ chúng sanh khiến giải thoát
Xa lìa cha mẹ và thân quyến
Ra khỏi vương thành vào núi sâu
Trăm ngàn thiên chúng vây quanh Phật
Hàng phục bốn ma thành Chánh Giác
Quán thế gian kia không chân thật
Chúng sanh chìm đắm trong luân hồi
Vì thương xót họ chuyển pháp Luân
Khiến lìa vô thường khỏi nạn khổ
Phật chứng pháp tịch diệt thanh tịnh
Thành tựu phước trí và phương tiện
Bậc Mâu Ni hiện thân ánh sáng
Như vậy tướng Phật đều trọn đủ
Con lạy Mâu Ni trí vô biên
Con lạy cùng tận pháp, pháp giới
Tuy biết huyễn hóa không đến đi
Xót thương cứu khắp các hàm thức
Lành thay! Phật nói đạo bồ đề
Để dẫn chúng sanh đắc bồ đề
Con mong cầu chánh pháp như vậy
Chánh pháp cứu khổ cho thế gian
Đức Phật thường ở trong ba cõi
Điều trị tất cả bệnh phiền não
Vì thế con khen công đức Phật
Hồi hướng về giác và chúng sanh.
Bấy giờ, Phật bảo Tôn Giả Hộ Quốc: Thấy Vua Phát Quang quy y, khen ngợi, tín tâm kiên cố, mong cầu giải thoát, Như Lai Thành Nghĩa Ý liền tùy theo ý Vua mà thuyết pháp. Khi ấy, nghe Phật thuyết pháp, Vua Phát Quang đối với Vô Thượng, Chánh Đẳng Giác được bất thối chuyển.
Bấy giờ, thấy Vua Cha quy y Phật, tâm sanh kính tín, Thái Tử Phước Quang liền đi đến trước Phật, chắp tay, hướng về Phật bạch: Như Lai Ứng Cúng Chánh Biến Tri!
Cúi xin Thế Tôn đến thành Ái Lạc để thọ nhận thức ăn uống của con dâng cúng. Lúc ấy, Như Lai Thành Nghĩa Ý im lặng nhận lời thỉnh cầu của Thái Tử.
Thái Tử Phước Quang thưa với Phụ Vương và các quyến thuộc: Con nay thỉnh Phật để cúng dường cung điện, vườn và tất cả trân bảo trang nghiêm. Cha cùng với các thân quyến đừng luyến tiếc mà cản trở, nếu đồng tùy hỷ thì lên tiếng.
Khi ấy, Vua Cha và các quyến thuộc đồng lên tiếng: Chúng tôi đồng tùy hỷ về việc xả bỏ sở hữu để cúng dường Phật. Bấy giờ, Như Lai Thành Nghĩa Ý cùng với các Bí Sô cung kính vây quanh, đi vào thành Ái Lạc để thọ nhận sự cúng dường của Thái Tử.
Khi ấy, Thái Tử Phước Quang đem năm trăm ngàn xe thức ăn ngon nhất cúng dường Thế Tôn và chúng Bí Sô. Thái Tử Phước Quang lại vì Phật và chúng Bí Sô dùng rất nhiều bảy báu để xây dựng tăng già lam, lại trang sức bốn mặt bằng vô số lưới Ma Ni báu và nhiều tàng lọng.
Lại an trí trăm ngàn giường nằm và ngọa cụ, dùng vải tốt trải lên trên, lại ở bên trái và phải tinh xá bố trí cây cối hoa quả, suối chảy và ao tắm, ở trong ao có các loại hoa sen như: Hoa sen trắng, hoa sen hồng.
Thái Tử ở trước Bí Sô đảnh lễ và dâng y Tăng già lê, mỗi ngày ba thời cũng lại như vậy, trải qua ba trăm ngàn năm tu tập ngày đêm, không ngủ nghỉ không mệt mỏi, cũng không tắm rửa giặt giũ, trang sức bằng nước thơm, vòng hoa, cũng không sân hận, tham ái, thậm chí vì pháp không tiếc thân mạng, huống gì tài vật bên ngoài, lại như lời Phật dạy mà thực hành.
Cho đến khi Như Lai Thành Nghĩa Ý nhập Niết Bàn. Khi ấy Thái Tử dùng chiên đàn đỏ trà tỳ Như Lai, tất cả loại danh hoa đẹp nhất và các vòng hoa, hương xoa, hương bột, các thứ kỹ nhạc hiện có trong Cõi Diêm Phù đề đều mang đến chỗ trà tỳ để cúng dường Xá Lợi.
Khi ấy, tất cả chúng sanh ở trong Diêm Phù đề đều đem hoa hương, thức ăn uống đến cúng dường, trải qua trăm ngàn năm như vậy.
Bấy giờ, Thái Tử Phước Quang nhặt Xá Lợi Phật, rồi dùng bảy báu xây dựng chín mươi bốn trăm ngàn Tháp, lại đem lưới chân châu trang hoàng xung quanh. Trước các mặt Tháp lại dựng lên năm trăm tán lọng bằng bảy báu, cây cối hoa quả và trăm ngàn âm nhạc.
Lại ở trước mỗi Tháp đặt trăm ngàn chậu đèn, trong mỗi chậu đèn đốt trăm ngàn ngọn đèm, cúng dường như vậy đến một trăm ngàn năm.
Sau đó, Thái Tử cạo tóc xuất gia làm Bí Sô, hành hạnh đầu đà cầm bát khất thực, phục đoạn phiền não, thường hành pháp thí suốt bốn trăm ngàn năm, như Phật đã thực hành không chút mệt mỏi.
Lúc ấy, trong thành Ái Lạc vị Hiền Thánh giữ thành, tất cả tiểu vương, cung tần quyến thuộc, nhân dân đều theo Thái Tử cạo tóc xuất gia tu hạnh thanh tịnh.
Bấy giờ, Thiên Tử Tịnh Quang bảo nhau rằng, tất cả tiểu vương và nhân dân đều đã xuất gia, chúng ta đến đó để giúp cho Thái Tử như: Cúng dường Tam Bảo.
Thuở ấy, Như Lai Thành Nghĩa Ý giảng nói sáu mươi bốn trăm ngàn Tạng pháp, Bí số Phước Quang đều thọ trì thông đạt không vướng mắc.
Như vậy, Bí Sô Phước Quang đã từng gần gũi chín mươi bốn ức trăm ngàn triệu Phật. Ở chỗ mỗi Đức Phật đều cúng dường trọn vẹn không thiếu sót như đã cúng dường Như Lai thành nghĩa ý không khác. Vua Phát Quang thời ấy đâu phải ai xa lạ mà chính là Như Lai Vô Lượng Thọ ngày nay.
Thái Tử Phước Quang đâu phải ai khác mà chính là thân ta hiện giờ. Vị Hiền Thánh giữ thành Ái Lạc thời ấy đâu phải người nào lạ mà chính là Như Lai A Súc bây giờ.
Phật bảo Tôn Giả Hộ Quốc: Tất cả Đại Bồ Tát muốn cầu Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác, cần phải học tập Bí Sô Phước Quang kia, xa lìa tham ái, gần gũi bạn lành, tu hạnh tịch tịnh, chuyên cần cúng dường Chư Phật thì không lâu sẽ đắc Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác.
Phật bảo Tôn Giả Hộ Quốc: Nếu có người tham đắm lợi dưỡng, ăn uống, y phục, ngọa cụ, thuốc thang, sự tôn trọng, khen ngợi thì người ngu si ấy là kẻ ngã mạn phá giới phạm luật hư dối không thật, hủy báng Sa Môn, xa lìa Phật Pháp, thân miệng ý không hợp nhất, chỉ có tướng bên ngoài, trong tâm không tịch tịnh, không biết xấu hổ, xa lìa cảnh Phật, xa lìa bồ đề, cho nên ông nghe pháp này nên biết như vậy, tu học như vậy, thực hành như vậy, không được gần bạn ác và lợi dưỡng.
Khi ấy, Đức Thế Tôn nói kệ:
Nếu người nào tham đắm lợi dưỡng
Xa lìa hạnh thanh tịnh chân thật
Do vậy thối lùi bồ đề Phật
Mãi mãi chìm đắm biển sanh tử
Không tàm, không quí, không biết đủ
Thường tham ái luôn bị trói buộc
Không sợ khổ não tam đồ hại
Còn nói tôi đủ các đức hạnh
Dối hiện thanh tịnh ở trong núi
Tâm thường bị danh lợi thúc giục
Mọi người rời bỏ như rắn độc
Mãi trong luân hồi không giải thoát
Người nào không thích pháp Như Lai
Khinh khi chúng Bí Sô có đức
Mãi xa Cõi Trời đọa đường ác
Dù sanh cõi người rơi tám nạn
Trong trăm ngàn kiếp khó gặp Phật
Được nghe chánh pháp cũng rất khó
Sát na thoáng nghe nếu thực hành
Người ấy chắc chứng quả bồ đề
Diệu hạnh Phật thừa đức khó lường
Tất cả Như Lai từ đó sanh
Người nào chán pháp ưa trần lao
Mãi mất bồ đề đạo vô thượng
Người nào trí tuệ và phương tiện
Xa lìa tất cả các lỗi lầm
Thương cứu chúng sanh ở năm cõi
Hạnh người ấy đồng với hạnh Phật
Tuy ở núi sâu chốn tịch tịnh
Dối hiện thanh cao chỉ vì mình
Che hạnh người nói khả năng mình
Hằng ngày tôi tụng trăm ngàn Phật
Nếu người hành pháp sanh tôn trọng
Không tiếc thân mạng nhất tâm cầu
Hạnh chân thật như ta đã nói
Người ấy không lâu chứng bồ đề
Chánh pháp đại tiên tối thượng thừa
Phiền não vĩnh viễn được tiêu trừ
Nghe được hạnh này tinh tấn tu
Chắc chắn mau chứng đạo vô thượng.
Khi ấy, nói kệ rồi Thế Tôn bảo Tôn Giả Hộ Quốc: Các Bồ Tát nào trong vô số kiếp hành năm Ba la mật, không bằng có người đối với pháp này thoáng nghe mà tin hiểu thực hành, công đức ấy hơn công đức trước cả trăm phần không bằng một phần, ngàn phần không bằng một phần, trăm ngàn ức phần không bằng một phần, toán số phần không bằng một phần, thậm chí phần ví dụ cũng không bằng một phần.
Khi Phật nói Kinh này, trong hội có ba mươi triệu Trời người phát tâm Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác, được bất thối chuyển. Bảy ngàn Bí Sô đoạn hết các lậu đắc vô sanh nhẫn.
Lúc ấy, Tôn Giả Hộ Quốc bạch Phật: Nay Kinh Điển này rất là hiếm có, làm sao để thọ trì và nên đặt tên Kinh là gì?
Phật bảo Hộ Quốc: Kinh này tên là Đại Thừa Chánh Pháp cũng gọi là Quảng Đại Thanh Tịnh Bất Không Thệ Nguyện, Phước Quang Cư Sĩ Hoan Hỷ Bồ Tát Hạnh và thọ trì như vậy.
Phật nói Kinh này rồi, Tôn Giả Hộ Quốc cùng Trời, Người, A Tô La, Hi Đặt Lý Phược nghe Phật nói pháp đều rất hoan hỷ, tín thọ phụng hành.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Tăng ích
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Huyết
Phật Thuyết Kinh đại Bảo Tích - Pháp Hội Thứ Năm Mươi Bốn - Pháp Hội Hải Huệ Bồ Tát - Phần Năm
Phật Thuyết Kinh Tăng Chi Bộ - Chương Tám - Tám Pháp - Phẩm Một - Phẩm Từ - Phần Hai - Tuệ
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Mười - Phẩm địa Ngục - Phần Một
Phật Thuyết Kinh Tăng Nhất A Hàm - Phẩm Ba Mươi Năm - Phẩm Tà Tư
Phật Thuyết Kinh Tiểu Bộ - Tập Tám - Trưởng Lão Tăng Kệ - Chương Hai - Phẩm Hai Kệ - Phẩm Một