Phật Thuyết Kinh Trì Thế - Phẩm Hai - Phẩm Năm ấm - Tập Một

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần

PHẬT THUYẾT KINH TRÌ THẾ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần  

PHẨM HAI

PHẨM NĂM ẤM  

TẬP MỘT  

Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo Bồ Tát Trì Thế: Nếu Đại Bồ Tát nào muốn chứng đắc thật tướng của tất cả pháp, hoặc muốn phân biệt rõ chương câu của tất cả pháp, muốn được niệm lực, muốn được trí tuệ phân biệt tất cả pháp, muốn được đầy đủ chánh niệm chuyển thân không gián đoạn, cho đến đạt được đạo quả Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác thì sẽ mau chóng nhập vào pháp môn này, chứng đắc ánh sáng của trí tuệ.

Vì sao?

Vì ở trong pháp ấy mau đạt được đầy đủ.

Lại nữa, này Bồ Tát Trì Thế! Đại Bồ Tát siêng năng tu tập pháp môn như vậy, nhập vào môn phương tiện này thì có thể phân biệt rõ phương tiện của ấm, phương tiện của giới, phương tiện của nhập, phương tiện của nhân duyên sinh pháp, phương tiện của bốn niệm xứ, phương tiện của năm căn, phương tiện của tám Thánh đạo, phương tiện của pháp thế gian, xuất thế gian, phương tiện để phân biệt pháp hữu vi, vô vi.

Này Bồ Tát Trì Thế! Thế nào là Bồ Tát phân biệt về phương tiện của năm ấm?

Đại Bồ Tát chánh quán về năm thủ ấm, nghĩa là ấm vô minh ấm là năm thủ ấm, ấm khổ là năm thủ ấm, ấm si là năm thủ ấm, ấm bệnh, ấm ung nhọt, ấm như mũi tên nhập vào thân là năm thủ ấm.

Bồ Tát phân biệt quán chọn sắc thủ ấm.

Thế nào là phân biệt quán chọn sắc thủ ấm?

Sắc thủ ấm này từ bốn đại sinh ra, giả gọi là sắc thủ ấm. Sắc ấm này không có tự tánh, chỉ do bốn đại hòa hợp giả gọi là sắc ấm. Sắc ấm không có tác giả, không người sai khiến làm, không tạo tác, không dấy khởi, không xuất, gọi là sắc ấm.

Chỉ do bốn đại thâu nhận nhân duyên của nghiệp từ đời trước nên gọi là sắc ấm, nên phi ấm là sắc am, ví như hư không. Ấm thật không có tướng sinh như nói ấm hư không. Vì trong ấy không có pháp sinh, chỉ có danh tự, nên gọi là ấm hư không.

Phàm phu đối với không ấm này tưởng là ấm, do tâm điên đảo nên không thật tưởng là thật, tham đắm năm ấm của ngã, năm ấm của ngã sở, sắc ấm của ngã, sắc ấm của ngã sở.

Các phàm phu này tham đắm sắc như vậy rồi, ở trong sắc nương tựa ngã và ngã sở, có sắc, thọ nhận sắc, giữ lấy sắc, chấp trước sắc, dựa vào sắc, thọ nhận và tạo tác các nghiệp ác bất thiện. Chúng ta không nên học theo phàm phu. Chúng ta nên siêng năng tu tập pháp trợ bồ đề. Nay nên chánh quán sắc ấm. Khi Bồ Tát chánh quán sắc ấm, biết nó đồng như đống bọt nước.

Thế nào gọi là biết đồng như đống bọt nước?

Không đống là đống bọt nước, chỉ từ các duyên sinh ra, không thể nắm bắt được, không có bền chắc, trong đống bọt nước không có tướng đám tụ, không đám tụ là đám bọt nước. Sắc ấm cũng như vậy. Trong sắc ấm không có tướng ấm.

Khi Bồ Tát quán sát như vậy liền nghĩ thế này: Phàm phu không thể chánh quán sắc hư vọng, không thể biết đúng như thật về sắc vô thường, không thể biết đúng như thật về tướng sắc. Chúng ta vào chánh đạo không nên tham chấp nơi hư vọng, không nên tham đắm sắc.

Vì sao?

Vì sắc là tướng không thể tham đắm. Sắc chỉ có danh tự, không có tướng nhất định, nên quán sắc ấy không có tướng quyết định, vì lìa danh tự, nên gọi đó là sắc.

Lại nói sắc là tướng não hoại. Người trí thông đạt biết rõ là vô tướng. Chúng ta phải khéo biết tu tập phương tiện về sắc vô tướng, không tham đắm tướng của sắc. Nếu người tham đắm tướng của sắc tức là tham đắm sắc.

Chúng ta phải khéo biết về tướng của sắc nhập. Bồ Tát khi chánh quán như vậy, quán đúng như thật lựa chọn về sắc. Sắc ấm này đều do phàm phu tưởng nhớ, phân biệt mà sinh khởi. Nếu pháp do tưởng nhớ, phân biệt mà sinh khởi, tức là không sinh, vì tất cả sự tưởng nhớ, phân biệt đều không chân thật.

Phàm phu do điên đảo, nương tựa vào đó để khởi lên sắc, nên bị sắc trói buộc, bị sắc làm hại, nên phải qua lại trong khổ não, vô minh, si ám. Tham đắm sắc không xả bỏ, thấy sắc có sự bền chắc, thường còn nên phàm phu này bị sắc trói buộc, vì sắc trói buộc nên qua lại trong Cõi Trời, người, địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh.

Tham đắm sắc vị sâu nặng, không thấy trong sắc có những tội lỗi xấu ác. Chúng ta không nên học theo phàm phu, cần phải quán chọn, phân biệt, tu tập phương tiện của sắc. Khi phân biệt, quán sát, chọn lựa sắc thì thấy tánh của sắc như mộng huyễn, ví như sắc trong mộng đều từ nhớ tưởng, phân biệt, giác quán phát sinh.

Do nhân duyên của thấy, nghe, hiểu biết mà sinh khởi nên trong mộng cũng biết có mình và người, cũng thấy có đất, nước, lửa, gió, cũng thấy núi sông, rừng rú. Sắc tướng của cảnh trong mộng không có nhất định, chỉ do nhớ tưởng mà có. Tướng của sắc ấm cũng như vậy.

Từ nhân duyên của nghiệp nơi đời trước hiện ra, nên không có tánh nhất định. Bồ Tát tư duy như vậy nên không giữ lấy sắc, hoặc ngã, hoặc ngã sở, chỉ chánh quán như thật sắc là tướng vô thường, hư vọng, điên đảo.

Chúng sinh điên đảo, tham đắm chấp thủ sắc hoặc sắc của ngã, hoặc sắc của ngã sở, hoặc sắc của người khác, hoặc sắc của chỗ thuộc người khác. Khi chánh quán lựa chọn về sắc như vậy, chẳng thủ đắc sắc, chẳng thấy tánh của sắc, cũng chẳng tham đắm sắc vô thường.

Bồ Tát bấy giờ hoặc ở trong sắc dứt trừ hết mọi ái niệm, tham đắm. Biết rõ về tướng chánh của sắc, biết rõ về tướng bình đẳng của sắc, biết rõ về tướng diệt của sắc, biết rõ về tướng diệt đạo của sắc, biết rõ sắc ấm không từ đâu đến, cũng không đi về đâu.

Bồ Tát nghĩ thế này: Thân sắc ấm này đều từ quả báo của nghiệp theo giác quán sinh khởi, bốn đại thâu tóm thân sắc ấm này, chẳng phải mình, chẳng phải người, không thuộc nơi nào, không từ đâu sinh ra.

Quán sắc ấm như vậy, đối với nội sắc không tham không thọ nhận, đối với ngoại sắc không tham không thọ nhận, đối với sắc quá khứ không tham không thọ nhận, đối với sắc vị lai không tham không thọ nhận, đối với sắc hiện tại không tham không thọ nhận, liền biết tất cả sắc ấm là tướng vô sinh. Bồ Tát này, bấy giờ không diệt sắc, cũng không cầu diệt sắc pháp.

Này Bồ Tát Trì Thế! Đại Bồ Tát quán sát sắc thủ ấm như vậy.

Này Bồ Tát Trì Thế! Thế nào là Đại Bồ Tát quán sát lựa chọn về thọ thủ ấm?

Bồ Tát tư duy: Khổ thọ, lạc thọ, bất khổ bất lạc thọ này đều từ nhân duyên sinh ra, theo các nhân duyên vào trong tướng thọ, trong đó không có người thọ nhận, chỉ vì tham đắm, tham đắm tức không chân thật. Hư vọng là từ nhớ tưởng, phân biệt phát sinh.

Bồ Tát này khi tư duy như vậy lại nghĩ: Phàm phu ấy vì thọ hư vọng nên bị trói buộc, bị ba thọ làm hại, nghĩa là khổ thọ, lạc thọ, chẳng khổ chẳng lạc thọ. Phàm phu này nếu thọ lạc là bị kết ái sai khiến, do kết ái sai khiến nên có thể sinh khởi các nghiệp ác.

Nếu thọ khổ là bị kết giận dữ sai khiến, do kết giận dữ sai khiến nên khởi các nghiệp ác. Nếu thọ chẳng khổ chẳng lạc, là bị kết vô minh sai khiến, người này do kết vô minh sai khiến nên không thoát được ưu bi khổ não. Chúng ta nay không nên học theo phàm phu, nên chánh quán các pháp. Chúng ta nên quán đúng như thật về các thọ.

Bồ Tát quán như thật về thọ ấm, nghĩ thế này: Phi ấm là thọ ấm. Từ tưởng nghĩ, phân biệt phát sinh, tương ưng với điên đảo, không có người tho. Chỉ từ nghiệp nhân nơi đời trước sinh khởi, đời này duyên vào nên tự tánh của thọ vốn không, trong thọ không có tướng thọ.

Bồ Tát quán rõ thọ ấm giống như bong bóng nước mưa, nổi lên liền tan không có nhất định. Thọ ấm cũng như vậy, theo thứ lớp nhân duyên phát sinh, theo các nhân duyên không có lúc dừng, hư dối không thật.

Từ sự tưởng nghĩ tương ưng với điên đảo mà sinh khởi, Bồ Tát bấy giờ nghĩ thế này: Phàm phu thật đáng thương xót, bị các thọ khống chế, vì không chánh quán thọ ấm nên được lạc thọ liền sinh tham đắm, bị khổ thọ cũng sinh đắm chấp, được bất khổ bất lạc thọ cũng sinh đắm chấp.

Bị các thọ trói buộc mà giong ruổi qua lại, từ thân này đến thân khác nhận chịu sự trói buộc, trôi lăn trong năm đường, không lúc nào dừng nghỉ. Phàm phu này tham đắm nơi các thọ, bị thọ khống chế, bị thọ ràng buộc nên không thoát khỏi thọ ấm. Đối với thọ ấm không thấy nơi chốn xuất ly, không biết chánh quán thọ ấm nên không biết quán như thật về thọ ấm là vô thường. Ở trong thọ ấm bị dục nhiễm trói buộc, không biết tướng như thật của thọ ấm.

Chúng ta ngày nay không nên học theo phàm phu, nên quán như thật nhận biết đúng về thọ ấm, tức thì quán như thật thọ ấm: Ấm không là thọ ấm, ấm không thật là thọ ấm, ấm điên đảo là thọ ấm, ấm chẳng trụ là thọ ấm.

Bấy giờ thấy tướng như thật của thọ ấm không có tác giả, không có người sai khiến, tạo tác, trong thọ ấm không thấy tướng thọ ấm. Quán thọ ấm như vậy không thấy thọ ấm ở trong, không thấy thọ ấm ở ngoài, không chấp trước thọ của ta, không chấp trước thọ của người. Biết thọ ấm không từ đâu đến, cũng không đi về đâu, không có pháp nào có thể sinh thọ ấm. Chỉ theo nghiệp báo từ đời trước tương ưng với điên đảo mà gọi là thọ ấm.

Thấy thọ ấm do nhân duyên hư vọng tiếp nối hiện hành. Bấy giờ, không tham, không thọ nhận, không chấp trước thọ ấm quá khứ. Không tham, không thọ nhận, không chấp trước thọ ấm hiện tại. Không tham, không thọ nhận, không chấp trước thọ ấm vị lai.

Người này ngay trong lạc thọ dứt bỏ kết ái, trong khổ thọ trừ bỏ kết giận dữ, trong chẳng khổ chẳng lạc thọ thấy biết kết vô minh, nên siêng năng tinh tấn. Bồ Tát bấy giờ tâm không sinh ái với lạc thọ. Nếu thọ khổ thọ, tam không sinh giận dữ. Nếu thọ chẳng khổ chẳng lạc thọ, tâm không sinh si.

Này Bồ Tát Trì Thế! Phàm phu phần nhiều đối với lạc thọ sinh tham ái, với khổ thọ sinh sân hận, đối với chẳng khổ chẳng lạc thọ sinh si mê. Vì ái, giận, si nên các phàm phu này càng chìm sâu vào tăm tối, không thể biết như thật về thọ ấm, cũng không biết tướng của ái, giận, si nên càng tham đắm ái, giận, si, cho đây là ta, đây là của ta, là bỉ, thử…

Này Bồ Tát Trì Thế! Đại Bồ Tát ở trong đó chánh quán về thọ ấm, không bị ái, giận, si dẫn dắt. Nếu ái, giận, si phát sinh liền có thể dứt trừ, hành theo chánh đạo. Ở trong lạc thọ dứt trừ kết sử ái, nên siêng năng tinh tấn.

Trong khổ thọ dứt trừ kết sử giận, nên siêng năng tinh tấn. Ở trong chẳng khổ chẳng lạc thọ dứt trừ kết sử si, nên siêng năng tinh tấn, biết rõ tướng như thật của ba thọ. Bấy giờ, có chỗ thọ hoặc khổ, hoặc vui, hoặc không khổ không vui, đều xa lìa, không còn đắm chấp.

Xa lìa kết sử ái, xa lìa kết sử giận, xa lìa kết sử si. Khi các thọ sinh ra đều có thể thấy biết, biết như thật về thọ ấm là vô thường. Nếu có thể biết được như vậy rồi, thì ở trong thọ ấm dứt trừ dục nhiễm. Vào trong con đường dứt trừ dục nhiễm của thọ ấm, không bị các thọ ấm làm nhiễm ô.

Bồ Tát này nếu chánh quán thọ ấm như vậy, là biết như thật về thọ ấm, biết thọ ấm tập, thọ ấm diệt, thọ ấm diệt đạo, sau đó mới biết như thật thọ ấm là tướng không sinh. Vì tướng thọ ấm không sinh nên thông đạt thọ ấm là vô tướng.

Này Bồ Tát Trì Thế! Thế nào là Đại Bồ Tát quán sát tưởng ấm?

Đại Bồ Tát khi chánh quán về tưởng ấm, thấy tưởng ấm đều do điên đảo sinh khởi, hư dối không chắc thật.

Từ xưa đến nay là không tướng sinh, chỉ do nhân duyên hòa hợp và nghiệp lực từ đời trước sinh khởi, nên nghĩ thế này: Phi ấm là tưởng ấm, ấm hư vọng là tưởng ấm, ấm điên đảo là tưởng ấm. Trong tưởng ấm không có tướng của tưởng ấm. Ví như sau mùa Xuân mặt trời chiếu sáng, do danh tự cho nên nói là chiếu sáng.

Tưởng ấm cũng như vậy. Do tướng của thức nên gọi là tưởng ấm. Phàm phu ở trong đó bị tưởng hư vọng trói buộc, hoặc biết vui, hoặc biết khổ, hoặc biết không vui không khổ, biết lạnh, nóng, nam, nữ, biết năm đường sinh tử, biết hợp tan, biết quá khư, hiện tại, vị lai, biết tốt, biết xấu, biết có, biết không.

Tưởng nhận biết của phàm phu đều là hư vọng, điên đảo, thuộc các nhân duyên, chỉ giả gọi là tưởng ấm, trong đó hoặc ở trong hoặc ở ngoài, hoàn toàn không co người tưởng. Phàm phu bị tưởng hư vọng trói buộc nên nhận biết về tham dục, sân giận, ngu si, biết vợ con. Phàm phu nương tựa vào tưởng ấm này mà tham chấp nơi hư vọng.

Do tưởng ấm ấy nên giong ruổi qua lại, không thể quan như thật về tưởng ấm là hư vọng. Phàm phu bị tưởng mình, tưởng người, tưởng nam, tưởng nữ trói buộc vào tưởng ấm nên không thể thoát được. Tham đắm tưởng ấm cho ngã là tưởng ấm, ngã sở là tưởng ấm. Chúng ta không nên học theo phàm phu.

Đại Bồ Tát chánh quán về tưởng ấm như vậy. Trong tưởng ấm thì tướng của tưởng ấm đó không thể thủ đắc, như ánh sáng trong bóng sáng, tướng của bóng sáng là không thể thủ đắc.

Bồ Tát thấy tưởng ấm như tánh của ánh sáng, không tham, không thọ nhận, không đắm tưởng ấm quá khứ, không tham, không thọ nhận, không đắm tưởng ấm hiện tại, không tham, không thọ nhận, không đắm tưởng ấm vị lai, không phân biệt mình, người, liền đi vào con đường diệt tưởng thọ ấm.

Hiểu rõ tưởng ấm là vô sinh, không thấy chỗ đến, chỗ đi của tưởng ấm, chỉ vì điên đảo tương ưng với nghiệp nhân nơi đời trước mà sinh khởi cùng duyên hiện tại trói buộc. Không am là tưởng ấm, quan sát tưởng ấm không từ đâu đến, cũng không đi về đâu, liền thấu rõ tưởng ấm là không sinh, cũng không phân biệt tưởng ấm diệt.

Chỉ vì diệt tất cả tưởng thọ ấm, cũng vì trú nơi sự thấy biết như thật. Khi Bồ Tát quán như thật về tưởng ấm, xa lìa tất cả tưởng về tâm đạo, cũng không trụ nơi tất cả tưởng đạo, chỉ trụ nơi sự thấy biết tưởng ấm. Cũng biết đúng như thật về tưởng ấm, không tham đắm tưởng ấm, quán sát như thật tất cả tưởng ấm, biết như thật về tập diệt tận của tưởng ấm.

Này Bồ Tát Trì Thế! Đại Bồ Tát chánh quán về tưởng ấm như vậy thì xa lìa dục nhiễm của tưởng ấm, cũng có thể hành đạo đoạn trừ dục nhiễm của tưởng ấm.

Này Bồ Tát Trì Thế! Thế nào là Đại Bồ Tát quán sát về hành ấm?

Này Bồ Tát Trì Thế! Đại Bồ Tát quán sát hành ấm từ điên đảo sinh khởi nhớ tưởng hư vọng, phân biệt, giả hợp mà có. Bấy giờ Bồ Tát hoặc than, khẩu, ý hành đều quán bất tịnh, vô thường, khổ, không, vô ngã.

Khi quán như vậy, nghĩ thế này: Phi ấm là hành ấm, ấm khổ là hành ấm, ấm do các nhân duyên sinh là hành ấm, ấm tượng là hành ấm. Các hành ấm không tăng, không giảm, không tích tập. Thân hành, khẩu hành, ý hành không có tác giả. Người trí không tham nhận hành ấm này.

Vì sao?

Vì các thân hành này không ở trong thân, không ở ngoài thân, không ở trung gian. Khẩu hành, y hành cũng như vậy. Không ở trong ý, không ở ngoài ý, không ở trung gian. Trong hành ấm không có tướng của hành ấm.

Vì sao?

Vì hành ấm này do từ các nhân duyên điên đảo sinh khởi, hư dối không thật, do nghiệp báo của đời trước thâu tóm và cũng do nhân duyên đời này trói buộc, nên có chỗ hành, chỗ hành hiện có, hoặc thân hành, khẩu hành, ý hành, đều chẳng phải là hành chân thật. Là hành không thật có, là hành hư vọng, là hành điên đảo, cho nên nói phi ấm là hành ấm.

Vì sao?

Vì người trí không quyết chắc được tướng của hành ấm là thân hành, khẩu hành, ý hành, chỗ này, chỗ kia, hoặc trong, hoặc ngoài.

Lại nữa, hành của thân khẩu ý hãy còn không thể quyết định được về hành tướng để có thể đạt được, có thể nêu bày, huống chi là hành ấm mà có thể đạt được, có thể nêu bày?

Cho nên nói không ấm là hành ấm.

Phàm phu khởi tưởng điên đảo tham đắm nơi hành của thân khẩu ý, nhớ nghĩ, phân biệt cho là hành ấm, nên bị hành ấm trói buộc mà giong ruổi, qua lại. Phàm phu do điên đảo nên sinh khởi hành thân, khẩu, ý, sinh khởi rồi, lại quay về tham đắm.

Không có pháp mà sinh tưởng có pháp, không có ấm mà sinh tưởng có ấm, vì hành điên đảo, tham đắm nên bị hành ấm trói buộc khiến qua lại trong năm đường. Thường lệ thuộc nơi hành của thân, khẩu, ý, không thể quán như thật về hành của thân, khẩu, ý, nên không thể quán như thật về hành ấm.

Do nghiệp của thân, khẩu, ý sinh khởi các hành, các phàm phu này vướng mắc nơi điên đảo, vì vướng mắc nơi pháp không chân thật, vì vướng mắc nơi hư vọng nên gọi là hành ấm.

Này Bồ Tát Trì Thế! Bồ Tát ở trong đó chánh quán về các hành không có gốc rễ như vậy, yếu kém không lực, do các duyên hòa hợp nên có thể gọi là hành ấm, ở đấy không có hành ấm chân thật, nên không ấm là hành ấm. Từ xưa đến này, không sinh là hành ấm, không tánh là hành ấm. Ba đời của các hành đều không thể thủ đắc. Khi không có chỗ trụ, các hành niệm niệm luôn sinh diệt.

Này Bồ Tát Trì Thế! Bồ Tát chánh quán hành ấm như vậy là không, là không thể thủ đắc, không có tướng bền chắc, cho đến mảy may cũng không thể thủ đắc, nên nghĩ thế này: Các phàm phu ấy bị pháp không bền chắc trói buộc, bị hành ấm trói buộc, bị tham đắm trói buộc nên phát sinh hành của thân, khẩu, ý.

Cho ngã là hành, ngã sở là hành, khởi nghiệp như vậy là bị hành ấm trói buộc, không biết tánh của hành ấm nên nhập vào chốn vô minh si ám, ở trong các hành khởi tưởng cho là chân thật. Do điên đảo nên tham đắm nhận lãnh giữ lấy hành ấm. Người này vì tham đắm nhận lãnh giữ lấy hành ấm, nên hoặc khởi hành vui, hành khổ, hay khởi hành chẳng khổ chẳng vui.

Người này khởi hành vui xong, thân được vui vẻ, khởi hành khổ xong, thân bị khổ não, khởi hành chẳng khổ chẳng vui xong, thân được không khổ không vui.

Người này thân được vui sướng thì sinh ái, thân bị khổ thì sinh giận, thân được không khổ không vui thì sinh si.

Người ấy do ái, giận và si nên không thấy được lỗi lầm của các hành, không thể hành thân, khẩu, ý thanh tịnh.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần