Phật Thuyết Kinh Trung Bộ - Kinh Magandiya
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư An Thế Cao, Đời Hậu Hán
PHẬT THUYẾT KINH TRUNG BỘ
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
An Thế Cao, Đời Hậu Hán
KINH MÀGANDIYA
Như vậy tôi nghe!
Một thời Thế Tôn trú giữa dân chúng Kuru, tại thị trấn của dân chúng Kuru tên là Kammasadhamma, trên thảm cỏ trong nhà lửa của một Bà La Môn thuộc dòng họ Bharadvaji. Rồi Thế Tôn vào buổi sáng đắp y, cầm y bát, vào Kammasadhamma để khất thực.
Ði khất thực ở Kammasadhamma xong, sau bữa ăn, trên đường khi khất thực về, Thế Tôn đi đến một khu rừng để nghỉ trưa. Sau khi đi sâu vào khu rừng ấy, Thế Tôn đến ngồi dưới một gốc cây để nghỉ trưa.
Rồi du sĩ Magandiya, trong khi đi bộ ngao du cùng khắp, đến tại ngôi nhà lửa của Bà La Môn thuộc họ Bharadvaja.
Du sĩ Magandiya thấy thảm cỏ đã soạn sẵn trong nhà lửa của vị Bà La Môn thuộc dòng họ Bharadvaja, khi thấy vậy liền nói với Bà La Môn thuộc dòng họ Bharadvaja: Tấm thảm cỏ này trong nhà lửa của Tôn Giả Bharadvaja đã được sửa soạn cho ai, hình như là chỗ nằm ngủ của một Sa Môn?
Thưa Tôn Giả Magandiya, có Sa Môn Gotama là Thích Tử, xuất gia từ dòng họ Sakya Thích Ca.
Tiếng đồn tốt đẹp sau đây được truyền đi về Tôn Giả Gotama: Ðây là Thế Tôn, bậc A La Hán, Chánh Ðẳng Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Ðiều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn. Chỗ nằm này được sửa soạn cho Tôn Giả Gotama ấy.
Thật sự, này Tôn Giả Bharadvaja, chúng tôi thấy một sự bất hạnh khi chúng tôi thấy chỗ ngủ của Tôn Giả Gotama, một vị phá hoại sự sống bhunahuno.
Này Magandiya, hãy thận trọng lời ông nói.
Này Magandiya, hãy thận trọng lời ông nói.
Nhiều Vương tộc trí giả, nhiều Bà La Môn trí giả, nhiều Cư Sĩ trí giả, nhiều Sa Môn trí giả có lòng tin nơi Tôn Giả Gotama ấy, và đã tu tập theo Thánh Đạo, theo pháp và theo chí thiện.
Này Tôn Giả Bharadvaja, nếu chúng tôi thấy mặt Tôn Giả Gotama, chúng tôi sẽ nói như sau trước mặt vị ấy: Sa Môn Gotama là người phá hoại sự sống.
Vì sao vậy?
Thánh Điển của chúng tôi đã truyền lại như vậy. Nếu Tôn Giả Magandiya hoan hỷ, tôi sẽ tin lại sự tình này cho Sa Môn Gotama biết.
Tôn Giả Bharadvaja hãy yên lòng, và hãy nói lên những điều gì đã được nói. Thế Tôn với thiên nhĩ thanh tịnh siêu nhân nghe được câu chuyện giữa Bà La Môn thuộc dòng họ Bharadvaja và du sĩ Magandiya.
Và Thế Tôn vào buổi chiều, từ thiền Tịnh Độc cư đứng dậy, đi đến nhà lửa của Bà La Môn thuộc dòng họ Bharadvaja, sau khi đến liền ngồi trên thảm cỏ đã soạn sẵn.
Rồi Bà La Môn thuộc dòng họ Bharadvaja đi đến chỗ Thế Tôn, sau khi đến, nói lên những lời chào đón hỏi thăm với Thế Tôn, sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu liền ngồi xuống một bên.
Rồi Thế Tôn nói với Bà La Môn thuộc dòng họ Bharadvaja đang ngồi một bên: Này Bharadvaja, có phải có cuộc nói chuyện giữa du sĩ Magandiya với ông về vấn đề thảm cỏ này?
Khi nghe nói vậy, Bà La Môn Bharadvaja hoảng hốt, lông tóc dựng ngược, bạch Thế Tôn: Chính là điều chúng con muốn thưa với Tôn Giả Gotama và Tôn Giả Gotama đã đoán trước chúng con.
Nhưng cuộc nói chuyện này giữa Thế Tôn và Bà La Môn thuộc dòng họ Bharadvaja nói chưa xong, du sĩ Magandiya, khi đi bộ ngao du cùng khắp, đến tại ngôi nhà lửa của Bà La Môn thuộc dòng họ Bharadvaja, đến tại chỗ Thế Tôn, sau khi đến, nói lên những lời chào đón hỏi thăm với Thế Tôn, và sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu liền ngồi xuống một bên.
Rồi Thế Tôn nói với du sĩ Magandiya đang ngồi một bên: Này Magandiya, con mắt ưa thích sắc, ái lạc sắc, hoan hỷ sắc, và Như Lai nhiếp phục, thủ hộ, hộ trì con mắt và thuyết pháp để phòng hộ con mắt.
Này Magandiya, có phải vì vậy mà ông nói: Sa Môn Gotama là người phá hoại sự sống?
Chính vì vậy, Tôn Giả Gotama, mà tôi nói: Sa Môn Gotama phá hoại sự sống.
Vì sao vậy?
Thánh Điển của chúng tôi đã truyền lại như vậy.
Này Magandiya, tai ưa thích tiếng.
Này Magandiya, mũi ưa thích hương.
Này Magandiya, lưỡi ưa thích vị.
Này Magandiya, thân ưa thích xúc.
Này Magandiya, ý ưa thích pháp, ái lạc pháp, hoan hỷ pháp và Như Lai nhiếp phục, thủ hộ, hộ trì ý và thuyết pháp để phòng hộ ý.
Này Magandiya, có phải vì vậy mà ông nói: Sa Môn Gotama là người phá hoại sự sống?
Chính vì vậy, Tôn Giả Gotama, mà tôi nói: Sa Môn Gotama là người phá hoại sự sống.
Vì sao vậy?
Thánh Điển của chúng tôi đã truyền lại như vậy.
Ông nghĩ thế nào, này Magandiya?
Ở đây, có người trước kia đam mê các sắc pháp do mắt nhận thức, các sắc pháp này là khả ái, khả hỷ, khả lạc, khả ý, liên hệ đến dục, hấp dẫn.
Người ấy sau một thời gian, sau khi như chân biết được sự tập khởi, sự đoạn diệt, vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly của các sắc pháp, sau khi đoạn tận sắc ái, sau khi trừ diệt nhiệt não đối với sắc pháp, người này trú với khát ái được đoạn trừ, với nội tâm an tịnh.
Này Magandiya, ông có nói gì về người này?
Không có gì, Tôn Giả Gotama.
Ông nghĩ thế nào?
Này Magandiya, ở đây, có người trước kia đam mê các tiếng do tai nhận thức. Các hương do mũi nhận thức. Các vị do lưỡi nhận thức. Các xúc do thân nhận thức, các xúc này là khả ái, khả hỷ, khả lạc, khả ý, liên hệ đến dục, hấp dẫn.
Người ấy sau một thời gian, sau khi như chân biết được sự tập khởi, sự đoạn diệt, vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly của các xúc, sau khi đoạn tận xúc ái, sau khi trừ diệt nhiệt não đối với các xúc, người này trú với khát ái được đoạn trừ, với nội tâm an tịnh.
Này Magandiya, ông có nói gì về người này?
Không có gì, Tôn Giả Gotama.
Này Magandiya, ta thuở trước, khi còn là tại gia, ta sống hưởng thụ một cách đầy đủ, một cách sung mãn, năm dục trưởng dưỡng, các sắc pháp do mắt nhận thức, các sắc pháp này là khả ái, khả hỷ, khả lạc, khả ý, liên hệ đến dục, hấp dẫn.
Các tiếng do tai nhận thức. Các hương do mũi nhận thức. Các vị do lưỡi nhận thức. Các xúc do thân nhận thức, các xúc này là khả ái, khả hỷ, khả lạc, liên hệ đến dục, hấp dẫn.
Này Magandiya, ta có ba tòa lâu đài, một cho mùa mưa, một cho mùa đông, một cho mùa hạ. Này Magandiya, trong bốn tháng mùa mưa, ta sống hưởng thụ trong lâu đài mùa mưa, được những nữ nhạc công giúp vui và không bước xuống khỏi lâu đài ấy.
Rồi ta sau một thời gian, sau khi như chân biết được sự tập khởi, sự đoạn diệt, vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly của các dục vọng, sau khi đoạn tận dục ái, sau khi trừ diệt nhiệt não của các dục, ta trú với khát ái được đoạn trừ, với nội tâm an tịnh.
Rồi ta thấy các chúng sanh khác, chưa xả ly tham ái đối với các dục đang bị các dục ái nhai nghiến, đang bị dục nhiệt não thiêu đốt, đang chạy theo các dục. Ta không ước vọng được như họ, ở đây, ta không ham thích.
Vì sao vậy?
Vì rằng, này Magandiya, có hỷ lạc này, ly dục, ly bất thiện pháp, sau khi chứng đạt thiên lạc, được an trú, hoan hỷ trong hỷ lạc ấy. ta không ao ước cái gì thấp kém, ở đây, ta không ham thích.
Ví như, này Magandiya, một gia chủ hay con một người gia chủ, giàu sang, tài vật nhiều, sở hữu nhiều, sống thọ hưởng một cách đầy đủ, một cách sung mãn, năm dục trưởng dưỡng, các sắc pháp do mắt nhận thức, khả ái, khả hỷ, khả lạc, khả ý, liên hệ đến dục, hấp dẫn, các tiếng do tai nhận thức.
Các hương do mũi nhận thức. Các vị do lưỡi nhận thức. Các xúc do thân nhận thức, khả ái, khả hỷ, khả lạc, khả ý, liên hệ đến dục, hấp dẫn.
Vị ấy, sau khi làm thiện thân hành, sau khi làm thiện khẩu hành, sau khi làm thiện ý hành, khi thân hoại mạng chung, được sanh lên thiện thú, Thiên Giới, đời này, cọng trú với Chư Thiên ở Cõi Trời Ba Mươi Ba.
Vị ấy ở đây, trong rừng Nandana, được Chúng Thiên Nữ vây quanh, thọ hưởng năm thiên dục trưởng dưỡng một cách đầy đủ, một cách sung mãn.
Vị ấy thấy người gia chủ hay con người gia chủ đang thọ hưởng năm dục trưởng dưỡng một cách đầy đủ, một cách sung mãn.
Này Magandiya, ông nghĩ thế nào?
Thiên tử ấy, được chúng Thiên Nữ vây quanh, thọ hưởng năm thiên dục trưởng dưỡng một cách đầy đủ, một cách sung mãn, vị ấy có ước vọng được như người gia chủ ấy, hay con người gia chủ ấy, hay năm dục trưởng dưỡng thuộc loài người, hay trở lui về với các dục thuộc loài người?
Không có vậy, thưa Tôn Giả Gotama!
Vì sao vậy?
Vì thiên dục, thưa Tôn Giả Gotama, là kỳ diệu hơn, là vi diệu hơn nhân dục. Cũng vậy, này Magandiya, ta thuở trước, khi còn là tại gia. Ta hưởng thụ một cách đầy đủ, một cách sung mãn các dục trưởng dưỡng các sắc pháp do mắt nhận thức, các sắc pháp này là khả ái, khả hỷ, khả lạc, khả ý, liên hệ đến dục, hấp dẫn, các tiếng do tai nhận thức.
Các hương do mũi nhận thức. Các vị do lưỡi nhận thức. Các xúc do thân nhận thức, các xúc này là khả ái, khả hỷ, khả lạc, khả ý, liên hệ đến dục, hấp dẫn.
Rồi ta sau một thời gian, sau khi như chân biết được sự tập khởi, sự diệt trừ, vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly của các dục, sau khi đoạn tận dục ái, sau khi trừ diệt nhiệt não của các dục, ta trú với khát ái được đoạn trừ, với nội tâm an tịnh.
Rồi ta thấy các chúng sanh khác chưa xả ly tham ái đối với các dục, đang bị các dục ái nhai nghiến, đang bị dục nhiệt não thiêu đốt, đang chạy theo các dục. Ta không ước vọng được như họ, ở đây, ta không ham thích.
Vì sao vậy?
Vì rằng, này Magandiya, có hỷ lạc này, ly dục, ly bất thiện pháp, sau khi chứng đạt thiên lạc được an trú, hoan hỷ trong hỷ lạc ấy. Ta không ao ước cái gì thấp kém, ở đây, ta không ham thích.
Ví như, này Magandiya, một người bị bệnh cùi, với thân đầy những lở lói, với thân hư thối, nứt chảy, bị các loại trùng đục khoét, đang cào rách miệng các vết thương với móng tay, hơ đốt thân mình trên hố than hừng. Các bạn bè thân hữu, bà con huyết thống của người ấy mời một y sĩ khoa mổ xẻ.
Vị y sĩ khoa mổ xẻ này cho người ấy thuốc. Người ấy dùng thuốc, được khỏi bệnh cùi, không bệnh, an lạc, tự do, tự tại, có thể đi chỗ nào người ấy muốn.
Người ấy thấy một người bị bệnh cùi khác, với thân đầy những lở lói, với thân hư thối, nứt chảy, bị cái loài trùng đục khoét, đang cào rách miệng các vết thương với móng tay, hơ đốt thân mình trên hố than hừng.
Này Magandiya, ông nghĩ thế nào?
Người ấy có ước vọng được như người cùi kia, hố than hừng, hay sự thọ dụng dược liệu không?
Không, thưa Tôn Giả Gotama.
Vì sao vậy?
Thưa Tôn Giả Gotama, khi có bệnh thời cần thuốc trị bệnh, khi không bệnh, thời không cần thuốc trị bệnh. Cũng vậy, này Magandiya, ta thuở trước, khi còn là tại gia, ta hưởng thụ một cách đầy đủ, một cách sung mãn, các dục trưởng dưỡng, các sắc pháp do mắt nhận thức, các sắc pháp này là khả ái, khả hỷ, khả lạc, khả ý, liên hệ đến dục, hấp dẫn, các tiếng do tai nhận thức.
Các hương do mũi nhận thức. Các vị do lưỡi nhận thức. Các xúc do thân nhận thức, các xúc ấy là khả ái, khả hỷ, khả lạc, khả ý, liên hệ đến dục, hấp dẫn.
Rồi ta sau một thời gian, sau khi như chân biết được sự tập khởi, sự diệt trừ, vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly của các dục, sau khi đoạn tận dục ái, sau khi trừ diệt nhiệt não của các dục, ta trú với khát ái được đoạn trừ, với nội tâm an tịnh.
Rồi ta thấy các chúng sanh khác chưa xả ly tham ái đối với các dục, đang bị các dục ái nhai nghiến, đang bị dục nhiệt não thiêu đốt, đang chạy theo các dục. Ta không ước vọng được như họ, ở đây, ta không ham thích.
Vì sao vậy?
Vì rằng, này Magandiya, có hỷ lạc này, ly dục, ly bất thiện pháp, sau khi chứng đạt thiên lạc, được an trú, hoan hỷ trong hỷ lạc ấy. Ta không ao ước cái gì thấp kém, ở đây ta không ham thích.
Ví như, này Magandiya, một người bị bệnh cùi, với thân đầy những lở lói, với thân hư thối, nứt chảy, bị các loại trùng đục khoét, đang cào rách miệng các vết thương với móng tay, hơ đốt thân mình trên hố than hừng. Các bạn bè thân hữu, bà con huyết thống của người ấy mời một y sĩ khoa mổ xẻ.
Vị y sĩ khoa mổ xẻ này cho người ấy thuốc. Người ấy dùng thuốc được khỏi bệnh cùi, không bệnh, an lạc, tự do, tự tại, có thể đi chỗ nào người ấy muốn.
Rồi có hai lực sĩ, nắm chặt hai cánh tay người ấy và lôi kéo người ấy đến hố than hừng.
Này Magandiya, ông nghĩ thế nào?
Người ấy có co rút thân, vật qua vật lại phía này phía kia không?
Thưa Tôn Giả Gotama, có.
Vì sao vậy?
Vì sự xúc phạm với lửa, là đau khổ, thưa Tôn Giả Gotama, rất là nồng cháy, rất là nhiệt não.
Này Magandiya, ông nghĩ thế nào?
Có phải chỉ hiện tại sự xúc chạm với lửa ấy là đau khổ, rất là nồng cháy, rất là nhiệt não, hay là trước đây, sự xúc chạm với lửa ấy đã là đau khổ, rất là nồng cháy, rất là nhiệt não?
Thưa Tôn Giả Gotama, hiện tại sự xúc chạm với lửa ấy là đau khổ, rất là nồng cháy, rất là nhiệt não, và xưa kia, sự xúc chạm với lửa ấy đã là đau khổ, rất là nồng cháy và rất là nhiệt não.
Tuy vậy, thưa Tôn Giả Gotama, kẻ bị bệnh cùi này, với thân đầy những lở lói, với thân hư thối nứt chảy, bị các loài trùng đục khoét, đang cào rách miệng các vết thương với móng tay, với các căn bị hư hoại do sự xúc chạm đau khổ với ngọn lửa, lại có phản tưởng là được lạc thọ.
Cũng vậy, này Magandiya, sự xúc chạm với các dục trong thời quá khứ cũng là đau khổ, rất là nồng cháy, rất là nhiệt não, và sự xúc chạm với các dục trong thời vị lai cũng là đau khổ, rất là nồng cháy, rất là nhiệt não, và sự xúc chạm với các dục trong thời hiện lại cũng là đau khổ, rất là nồng cháy, rất là nhiệt não.
Và này Magandiya, những chúng sanh này chưa đoạn trừ tham ái đối với các dục, đang bị các dục ái nhai nghiến, đang bị dục nhiệt não thiêu đốt, với các căn bị hư hoại, do sự xúc chạm đau khổ với các dục, lại có phản tưởng là được lạc thọ.
Ví như, này Magandiya, một người bị bệnh cùi thân đầy lở lói, thân bị hư thối nứt chảy, bị các loài trùng đục khoét, đang cào rách miệng các vết thương với móng tay, hơ đốt thân mình trên hố than hừng.
Này Magandiya, người bị bệnh cùi với thân đầy lở lói, thân bị hư thối nứt chảy, bị các loài trùng đục khoét, càng cào rách miệng các vết thương với các móng tay, càng hơ đốt thân mình trên hố than hừng chừng nào thời miệng các vết thương ấy lại càng thêm bất tịnh, càng thêm hôi thối và càng thêm thối nát.
Và người ấy chỉ có cảm giác dễ chịu, thỏa thích do nhân duyên gãi ngứa miệng các vết thương, cũng vậy, này Magandiya, các chúng sanh, chưa đoạn trừ tham ái đối với các dục, đang bị các dục ái nhai nghiến, đang bị dục nhiệt não thiêu đốt, chạy theo các dục.
Này Magandiya các chúng sanh, chưa đoạn trừ tham ái đối với các dục, đang bị các dục ái nhai nghiến, đang bị dục nhiệt não thiêu đốt, càng chạy theo dục chừng nào, thời dục ái các chúng sanh ấy càng tăng trưởng, càng bị dục nhiệt não thiêu đốt, và họ chỉ có cảm giác dễ chịu, thỏa thích do duyên năm dục trưởng dưỡng.
Này Magandiya, ông nghĩ thế nào?
Ông có thấy hay nghe một vị vua hay vị Đại Thần của vua hưởng thụ một cách đầy đủ, một cách sung mãn năm dục trưởng dưỡng, dục ái chưa được đoạn tận, dục nhiệt não chưa được trừ diệt, đã trú, đang trú hay sẽ trú với khát ái được đoạn trừ, với nội tâm an tịnh không?
Thưa không, Tôn Giả Gotama.
Lành thay, này Magandiya! Này Magandiya, ta cũng không thấy, cũng không nghe một vị vua hay vị Đại Thần của vua hưởng thụ một cách đầy đủ, một cách sung mãn năm dục trưởng dưỡng, dục ái chưa được đoạn tận, dục nhiệt não chưa được trừ diệt, đã trú, đang trú hay sẽ trú với khát ái được đoạn trừ, với nội tâm an tịnh.
Nhưng này Magandiya, những vị Sa Môn hay Bà La Môn nào đã sống, đang sống hay sẽ sống với khát ái được đoạn trừ, với nội tâm an tịnh, tất cả những vị này, sau khi như chân biết sự tập khởi, sự đoạn diệt, vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly của các dục ấy, với dục ái được đoạn tận, với dục nhiệt não được trừ diệt, đã trú, đang trú hay sẽ trú với khát ái được đoạn trừ, với nội tâm được an tịnh.
Rồi Thế Tôn, thời ấy nói lên cảm hứng ngữ như sau:
Không bệnh, lợi tối thắng,
Niết Bàn, lạc tối thắng,
Bát chánh là độc đạo,
An ổn và bất tử.
Khi được nghe vậy, du sĩ Magandiya bạch Thế Tôn: Thật hy hữu thay, Tôn Giả Gotama! Thật vi diệu thay, Tôn Giả Gotama!
Lời này được Tôn Giả Gotama khéo nói:
Không bệnh, lợi tối thắng,
Niết Bàn, lạc tối thắng.
Con cũng vậy, thưa Tôn Giả Gotama, con cũng đã được nghe lời này, do các vị Tôn Sư, đại Tôn Sư các du sĩ đã nói:
Không bệnh, lợi tối thắng,
Niết Bàn, lạc tối thắng.
Như vậy, thưa Tôn Giả Gotama, lời nói này lời nói kia phù hợp nhau.
Nhưng này Magandiya, điều mà ông đã được nghe do các vị Tôn Sư, đại Tôn Sư các du sĩ đã nói:
Không bệnh, lợi tối thắng,
Niết Bàn, lạc tối thắng.
Thế nào là không bệnh?
Thế nào là Niết Bàn?
Khi được nói vậy, du sĩ Magandiya, tự lấy tay xoa bóp chân tay của mình và nói:
Thế nào là không bệnh, thưa Tôn Giả Gotama?
Thế nào là Niết Bàn, thưa Tôn Giả Gotama?
Tôi nay không bệnh, an lạc, không có bệnh tật gì ở tôi. Này Magandiya, ví như người sanh ra đã mù, không thấy sắc đen hay sắc trắng, không thấy sắc xanh, không thấy sắc vàng, không thấy sắc đỏ, không thấy sắc đỏ tía, không thấy cái gì thăng bằng, không thăng bằng, không thấy các vì sao, không thấy mặt trăng, mặt trời.
Người ấy nghe một người có mắt nói như sau: Thật tốt đẹp thay tấm vải trắng, xinh đẹp, không cấu uế, thanh tịnh. Và người ấy tìm tấm vải trắng.
Rồi có một người khác đánh lừa người ấy với một tấm y thô, dính dầu và đất và nói: Này bạn, đây là tấm vải trắng, xinh đẹp, không cấu uế, thanh tịnh cho bạn. Người ấy lấy tấm y ấy, sau khi lấy, đắp trên mình.
Sau khi đắp trên mình, người ấy hoan hỷ thốt lên lời nói tự mãn: Thật tốt đẹp thay tấm vải trắng xinh đẹp, không cấu uế, thanh tịnh.
Này Magandiya, ông nghĩ thế nào?
Kẻ sanh ra đã mù kia, do biết, do thấy, lấy tấm y thô, dính dầu và đất ấy để rồi sau khi lấy người ấy đắp trên mình, sau khi đắp trên mình, người ấy hoan hỷ thốt lên lời nói tự mãn: Thật tốt đẹp thay, tấm vải trắng xinh đẹp, không cấu uế, thanh tịnh, hay là do lòng tin người có mắt?
Thưa Tôn Giả Gotama, do không biết, không thấy, kẻ sanh ra đã mù kia lấy tấm y thô, dính dầu và đất ấy để rồi sau khi lấy, người ấy đắp trên mình, sau khi đắp trên mình, người ấy hoan hỷ thốt lên lời nói tự mãn: Thật tốt đẹp thay tấm vải trắng, xinh đẹp, không cấu uế, thanh tịnh là do lòng tin người có mắt.
Cũng vậy, này Magandiya, các du sĩ mù lòa, không có mắt, không biết không bệnh, không thấy Niết Bàn nhưng nói lên câu kệ này:
Không bệnh, lợi tối thắng,
Niết Bàn, lạc tối thắng.
Này Magandiya, câu kệ này trong thời quá khứ đã được các bậc A La Hán, Chánh Ðẳng Giác nói lên:
Không bệnh, lợi tối thắng,
Niết Bàn, lạc tối thắng.
Bát chánh là độc đạo,
An ổn và bất tử.
Và câu kệ ấy này được dần dần lan tràn đến dân chúng phàm phu.
Nhưng này Magandiya, thân này trở thành bệnh khổ, trở thành cục bướu, trở thành mũi tên, trở thành bất hạnh, trở thành bệnh chướng và với thân trở thành bệnh khổ, trở thành cục bướu, trở thành mũi tên, trở thành bất hạnh, trở thành bệnh chướng này, ông nói: Thưa Tôn Giả Gotama, cái này là không bệnh ấy, cái này là Niết Bàn ấy. Như vậy, này Magandiya, ông không có Thánh nhãn ấy, với Thánh nhãn ấy ông có thể biết không bệnh, có thể thấy Niết Bàn.
Con có lòng tin Tôn Giả Gotama như sau: Tôn Giả Gotama có thể thuyết pháp cho ta để ta có thể biết không bệnh, có thể thấy Niết Bàn. Này Magandiya, ví như người sanh ra đã mù, không thấy sắc đen hay sắc trắng, không thấy sắc xanh, không thấy sắc vàng, không thấy sắc đỏ, không thấy sắc đỏ tía, không thấy cái gì thăng bằng, không thăng bằng, không thấy các vì sao, không thấy mặt trăng, mặt trời.
Các bạn bè thân hữu, bà con huyết thống của người ấy mời một y sĩ khoa mổ xẻ. Vị y sĩ khoa mổ xẻ này cho người ấy thuốc. Người ấy sau khi dùng thuốc, mắt không khởi lên, mắt không được sáng tỏ.
Này Magandiya, ông nghĩ thế nào?
Có phải vị thầy thuốc ấy cảm thấy mệt mỏi, phiền não không?
Thưa vâng, Tôn Giả Gotama.
Cũng vậy, này Magandiya, nếu ta thuyết pháp cho ông: Ðây là không bệnh ấy, đây là Niết Bàn ấy, và ông không biết không bệnh, không biết Niết Bàn thời như vậy làm ta mệt mỏi, làm ta phiền não.
Con có lòng tin Tôn Giả Gotama như sau: Tôn Giả Gotama có thể thuyết pháp cho ta để ta có thể biết không bệnh, có thể thấy Niết Bàn. Này Magandiya, ví như người sanh ra đã mù, không thấy sắc đen hay sắc trắng, không thấy sắc xanh, không thấy sắc vàng, không thấy sắc đỏ, không thấy sắc đỏ tía, không thấy cái gì thăng bằng, không thăng bằng, không thấy các vì sao, không thấy mặt trăng, mặt trời.
Người ấy nghe một người có mắt nói như sau: Thật tốt đẹp thay tấm vải trắng, xinh đẹp, không cấu uế, thanh tịnh, và người ấy đi tìm tấm vải trắng.
Rồi có một người khác đánh lừa người ấy với một tấm y thô, dính dầu và đất và nói: Này bạn, đây là tấm vải trắng, xinh đẹp, không cấu uế, thanh tịnh cho bạn. Người ấy lấy tấm y ấy. Sau khi lấy, người ấy đắp trên mình, sau khi đắp trên mình người ấy, các bạn bè thân hữu, bà con huyết thống của người ấy mời một y sĩ khoa mổ xẻ.
Vị y sĩ khao mổ xẻ này cho người ấy thuốc bài tiết các nhơ bẩn về phía trên, bài tiết các nhơ bẩn về phía dưới, xức thuốc mắt, thoa dầu cho mắt, cho thuốc qua lỗ mũi. Người ấy sau khi dùng thuốc, mắt được khởi lên, mắt được sáng tỏ.
Với mắt được khởi lên, người ấy đoạn trừ tham dục đối với tấm y thô, dính dầu và dính đất kia, và người ấy có thể xem người kia là không phải bạn, có thể xem người kia là thù địch và nghĩ đến sát hại sinh mạng của người kia: Thật sự trong một thời gian dài, ta bị người này lường gạt, lừa dối, phỉnh gạt với tấm y thô, dính dầu và đất: Này bạn, đây là tấm vải trắng, xinh đẹp, không cấu uế, thanh tịnh cho bạn.
Cũng vậy, này Magandiya, nếu ta thuyết pháp cho ông: Ðây là không bệnh ấy, đây là Niết Bàn ấy, ông có thể biết không bệnh, ông có thể thấy Niết Bàn.
Và với mắt được khởi lên cho ông, lòng tham dục đối với năm thủ uẩn được đoạn trừ, và ông có thể nghĩ như sau: Thật sự trong một thời gian dài, ta bị tâm này lường gạt, lừa dối, phỉnh gạt, chấp thủ sắc, ta đã chấp thủ, chấp thủ thọ.
Ta đã chấp thủ, chấp thủ tưởng, ta đã chấp thủ, chấp thủ các hành, ta đã chấp thủ, chấp thủ thức, ta đã chấp thủ. Do duyên chấp thủ ấy nơi ta, nên có hữu, do duyên hữu, có sanh, do duyên sanh, có già chết, sầu, bi, khổ, ưu, não khởi lên. Như vậy là sự tập khởi của toàn bộ khổ uẩn.
Con có lòng tin Tôn Giả Gotama như sau: Tôn Giả Gotama có thể thuyết pháp cho ta khiến ta có thể từ chỗ ngồi này đứng dậy, không còn mù nữa. Vậy này Magandiya, hãy thân cận các vị Chân Nhân. Này Magandiya, do ông thân cận các vị chân nhân, thời này Magandiya, ông sẽ được nghe diệu pháp.
Này Magandiya, do ông được nghe diệu pháp, thời này Magandiya, ông sẽ sống đúng với chánh pháp và tùy pháp.
Này Magandiya, do ông sống đúng với chánh pháp và tùy pháp, thời này Magandiya, ông sẽ tự mình biết, tự mình thấy: Ðây là những bệnh chướng, những cục bướu, những mũi tên. Ở đây, những bệnh chướng, những cục bướu, những mũi tên được trừ diệt, không có dư tàn. Do chấp thủ được diệt ở ta, nên hữu diệt, do hữu diệt, sanh diệt, do sanh diệt, già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não được diệt trừ.
Như vậy là sự đoạn diệt của toàn bộ khổ uẩn này.
Khi được nghe nói vậy, du sĩ Magandiya bạch Thế Tôn: Thật vi diệu thay, Tôn Giả Gotama! Thật vi diệu thay, Tôn Giả Gotama!
Thưa Tôn Giả Gotama, như người dựng đứng lại những gì bị quăng ngã xuống, phơi bày ra những gì bị che kín, chỉ đường cho kẻ lạc hướng, đem đèn sáng vào trong bóng tối để những ai có mắt có thể thấy sắc, cũng vậy, chánh pháp đã được các Tôn Giả Gotama dùng nhiều phương tiện trình bày giải thích.
Nay con xin quy y Tôn Giả Gotama, quy y Pháp và quy y Tỳ Kheo Tăng. Con xin xuất gia với Tôn Giả Gotama, con xin thọ đại giới.
Này Magandiya, ai trước kia là ngoại đạo nay muốn xuất gia, muốn thọ đại giới trong pháp và luật này phải sống bốn tháng biệt trú.
Sau khi sống bốn tháng biệt trú, các Tỳ Kheo nếu đồng ý sẽ cho xuất gia, cho thọ đại giới để thành vị Tỳ Kheo. Nhưng ta nhận thấy các tánh con người sai biệt nhau.
Thưa Tôn Giả Gotama, nếu những người xưa kia là ngoại đạo, nay muốn xuất gia, muốn thọ đại giới trong pháp và luật này, phải sống bốn tháng biệt trú, sau khi sống bốn tháng biệt trú, các Tỳ Kheo nếu đồng ý sẽ cho xuất gia, cho thọ đại giới, thời con sẽ xin sống biệt trú bốn năm, sau khi sống biệt trú bốn năm, nếu các Tỳ Kheo đồng ý, hãy cho con xuất gia, hãy cho con thọ đại giới để thành Tỳ Kheo.
Và du sĩ Magandiya được xuất gia với Thế Tôn, được thọ đại giới. Thọ đại giới không bao lâu, Tôn Giả Magandiya ở một mình an tịnh, không phóng dật, sống nhiệt tâm, cần mẫn.
Và không bao lâu, vị này chứng được mục đích tối cao mà con cháu các lương gia đã xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình hướng đến.
Ðó là mục đích của vô thượng phạm hạnh, ngay trong hiện tại, với thượng trí tự mình chứng ngộ, chứng đạt và an trú: Sanh đã tận, phạm hạnh đã thành, những gì nên làm đã làm, sau đời này sẽ không có đời sống khác nữa. Tôn Giả Magandiya hiểu biết như vậy. Và Tôn Giả Magandiya trở thành một vị A La Hán nữa.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Nhập Vô Phân Biệt Pháp Môn
Phật Thuyết Kinh đại Bảo Tích - Pháp Hội Thứ Năm Mươi Chín - Pháp Hội Hư Không Mục - Phần Bảy
Phật Thuyết Kinh Lạc Anh Lạc Trang Nghiêm Phương Tiện - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh đại Bảo Tích - Pháp Hội Thứ Năm Mươi Bốn - Pháp Hội Hải Huệ Bồ Tát - Phần Mười Một
Truyện tiền thân Đức Phật: Con voi và con chó
Phật Thuyết Kinh đại Bảo Tích - Pháp Hội Thứ Năm Mươi Bốn - Pháp Hội Hải Huệ Bồ Tát - Phần Mười