Phật Thuyết Kinh Xuất Diệu - Phẩm Năm - Phẩm Niệm - Tập Ba

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Giảng giải: Tôn Giả Pháp Cứu

PHẬT THUYẾT KINH XUẤT DIỆU

Giảng giải: Tôn Giả Pháp Cứu

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Phật Niệm, Đời Dao Tần  

PHẨM NĂM

PHẨM NIỆM  

TẬP BA  

Cho nên nói: Thời không trở lại.

Thời qua sinh lo: Từ vô số kiếp, chất chứa nghiệp lành cho nên mới gặp thời điểm tốt này. Nếu để thời điểm tốt ấy trôi qua thì có ăn năn cũng không kịp. Có tám việc không thế tấu bày lên vua được.

Tám việc là gì?

Là khi vua đang có tang thì không thể tấu bày. Vua đang bị bệnh không thể tấu bày. Vua đang đói, chưa ăn cơm, không thể tấu bày. Vua vào cung sâu, không thể tấu bày. Hoặc khi vua đang vào trong kho hay đang đi xâm chiếm nước khác, không thể tấu bày.

Hoặc vua đang cùng bàn bạc với các đại thần, không thể tấu bày. Có người phát hiện việc âm mưu, không thể tấu bày. Vua đang ngồi một mình im lặng, ý đang trù tính việc gì, không thể tấu bày.

Trong đời, có tám điều cấm kỵ, không được nói cho ai biết. Giáo pháp ta ngày nay cũng lại như thế. Ấy là tám trường hợp không thể phát khởi thiện tâm.

Thế nào là tám?

Là khi gặp tang ma, thân tộc qua đời thì không thể phát sinh thiện tâm. Trong tám địa ngục, mười sáu cái vạc, núi đao rừng kiếm, xe lửa, lò than cháy rừng rực, nơi đó chúng sinh chịu các khổ não, thân tâm tâm bị đốt cháy, trong hoàn cảnh ấy, không thể phát sinh thiện tâm nghĩ đến đạo.

Hoặc chốn ngạ quỷ, bụng lớn như núi Thái, mỗi bề rộng mấy mươi do diên, cổ nhỏ như cây kim, thân cao mấy mươi trượng. Lúc ấy, tâm ý hoang mang, chỉ nghĩ đến ăn uống, trong hoàn cảnh ấy, không thể phát sinh thiện tâm nghĩ đến đạo.

Còn như sinh lên một trong sáu tầng Trời, mặc trăm ức thứ y phục trang nghiêm, ăn thì cam lộ, ngọc nữ vây quanh, nhìn phía Đông thì quên phía Tây, nhìn trái thì quên phải, như đếm bánh xe quay nhanh không có đầu mối.

Trong hoàn cảnh ấy, không thể phát sinh thiện tâm nghĩ đến đạo. Nếu sinh vào miền biên giới mọi rợ, không có Phật Pháp, mọi gười không nghe được âm thanh ba pháp, không có tâm chân chánh, không có đức tin vững chắc, nên sống trong tà kiến, hoặc sinh lên Cõi Trời Trường Thọ, trong hoàn cảnh ấy, không thể phát sinh thiện tâm, nghĩ đến đạo.

Hoặc người tuy sinh ở chốn trung quốc, nhưng tay chân không lành lặn, sáu căn không đủ, hoặc đui điếc, câm ngọng. Trong hoàn cảnh đó, không thể phát sinh thiện tâm, nghĩ đến đạo. Hoặc sinh sau Phật, sinh vào địa ngục ngũ vô gián, trong hoàn cảnh đó, không thể phát sinh thiện tâm không nghĩ đến đạo.

Nếu Phật ra đời thì những kẻ ấy sống trong nhà tà kiến, không tin Tam Bảo, chỉ tương ưng với điên đảo, trong hoàn cảnh ấy, không thể phát sinh thiện tâm, không nghĩ đến đạo. Ấy là tám trường hợp không thể phát sinh thiện tâm. Người lành không thể sống với kẻ ác, kẻ ác không thể sống chung với người lành.

Đức Phật bảo các Tỳ Kheo: Như ngày nay ta xuất hiện trên thế gian, là Bậc Như Lai Chí Chân Chánh Đẳng Giác đủ mười hiệu, nói rộng đạo nghĩa thượng, trung, hạ đều lành, ý chí thú hướng đến chỗ diệt độ, độ người chưa được độ.

Cho nên nói: Thời qua sinh lo, đọa vào địa ngục.

Tìm cầu khắp mọi nơi

Quán sát từng niệm tâm

Xem kia giống như đây

Không yêu mình, yêu người

Coi mạng mình như người

Nên không hại người khác.

Tìm cầu khắp mọi nơi: Tâm nghĩ cả mười phương xem chúng sinh nào không sợ chết, không mang nỗi sợ sệt. Lại nghĩ xem có chúng sinh nào mà tâm họ không nghĩ đến vui, không sợ khổ. Lại xem có những chúng sinh nào có tất cả các hạnh để tự vui sướng.

Cho nên nói: Tìm cầu khắp mọi nơi.

Quán sát từng niệm tâm: Tâm thường nhớ nghĩ đến cội gốc của việc làm.

Việc làm có hai: Một là quán tịnh, hai là quán bất tịnh. Người trí thì quán tịnh, kẻ ngu thì quán bất tịnh.

Cho nên nói: Quán sát từng niệm tâm.

Xem kia giống như đây: Ấy là mọi người dù lớn nhỏ, xấu đẹp, ai cũng đều có bản tính. Mọi người nghĩ đến nhau như nghĩ đến chính thân mình, không khác.

Cho nên nói: Xem kia giống như đây.

Không yêu mình, yêu người: Thân con người bốn đại như nhau, sự sống giống nhau, không có cao thấp. Mạng sống ai nấy rốt cùng đều bị tan rã.

Cho nên nói: Không yêu mình, yêu người, coi mạng mình như người, nên không hại người khác.

Mọi người đều sợ chết

Sợ roi gậy đánh đập

Lấy thương mình làm dụ

Chớ giết, chớ đánh đập.

Mọi người đều sợ chết: Chúng sinh trong năm đường trôi lăn theo bốn dòng đều sợ khổ sở, độc hại, nên ai cũng đều tự lo bảo vệ sinh mạng mình.

Đức Thế Tôn dạy: Nếu biết tự bảo vệ mạng sống của mình thì không nên làm những việc độc ác đánh đập. Kẻ ngang tàng ở thế gian làm bừa mọi tội ác, dùng dao mác gậy gộc giết hại nhau.

Kẻ cười vui làm điều ác, khiến người kêu gào, khóc lóc chịu đau đớn, trong lòng họ mưu tính chuyện tàn độc gây họa cho cả dòng họ người đang hành hạ mình.

Cho nên người hiểu biết phải ngăn chận tai họa khi nó chưa phát sinh. Tạo phúc đức trong sự vô hình.

Cho nên nói: Mọi người đều sợ chết, ai cũng sợ roi vọt đau đớn, lấy việc tha thứ mình làm thí dụ, chớ giết, chớ đánh đập. Kẻ giết hại thì chính họ đã rút ngắn mạng sống của họ. Cho nên các ngươi phải biết tránh xa sự giết hại.

Như người đi lâu

Xa về an lành

Thân thuộc đều an

Trở về vui mừng.

Thuở ấy, Đức Phật ngự trong khu lâm viên Kỳ Đà Cấp Cô Độc, thuộc thành Xá Vệ.

Trong thành Xá Vệ có một anh nọ tên Chung Khánh, bà con dòng họ đông nhiều không thể tính kể. Bản thân anh thiếu thốn tiền bạc, áo không đủ che thân, cơm không đủ no lòng. Hễ mỗi lần gặp, bà con đều ngoảnh mặt sang chỗ khác, không ngó ngàng đến anh.

Chung Khánh tự nghĩ: Kiếp trước phước mỏng nên đời này không gặp may. Tự biết vì quá nghèo nên bà con họ hàng mới lạnh nhạt, lánh xa. Ra đường thì bị người khinh chê, về nhà thì bị vợ con trách móc, thà rằng ta ra khỏi xứ này, đến nơi khác kiếm sống, sống chết bởi số Trời, biết phải làm thế nào. Thà đến xứ khác mà chết còn hơn là sống ở quê nhà.

Thế rồi Chung Khánh bỏ xứ đi đến địa phương khác, làm mướn cho người kiếm sống qua ngày. Nhớ mãi thân phận nghèo túng bị bà con họ hàng lạnh nhạt xa lánh, nên anh ngày đêm siêng năng làm việc quên cả ăn uống ngủ nghỉ.

Dần dần anh dành dụm được vô số tài vật như vàng bạc, châu báu, xa cừ, mã não, san hô, hổ phách, lạc đà, lừa, rồi anh thuê xe chở hết châu báu của cải trở về quê cũ. Bà con họ hàng nghe tin Chung Khánh trở về với nhiều châu báu, đều ra đón tiếp mừng rỡ.

Nhưng vì anh xa cách gia đình khá lâu, đầu bù tóc rối, râu ria xồm xoàm, áo quần bẩn thỉu, đi bộ mang tiền của về, nên bà con họ hàng không nhận ra, nên họ mới hỏi: Hiện giờ Chung Khánh ở đâu?

Chung Khánh đáp: Anh ta đang ở phía sau, chốc lát sẽ đến.

Bà con họ hàng đợi chờ người đi sau, hỏi người đi sau: Chung Khánh đang ở đâu?

Người đi sau trả lời: Chung Khánh là người đi đầu.

Như vậy, trải qua thời gian rất lâu mà họ không thấy Chung Khánh. Chung Khánh nói là y đang còn ở sau, người phía sau lại nói y đang ở phía trước. Chung Khánh sắp đến nhà nhưng không ai nhận ra Chung Khánh. Nhưng rồi, bà con họ hang bắt tên nô bộc của Chung Khánh chỉ cho họ biết.

Chừng gặp lại nhau, bà con họ hàng mới bảo: Cậu đi quá lâu, nên không nhận ra được. Người thì vẫn là người xưa mà hình dạng đổi thay đến như vậy. Hôm nay, bà con họ hàng có ý đến đón cậu, tại sao cậu lại xem thường, bảo là cậu đang ở phía sau.

Chung Khánh đáp: Tôi chẳng phải Chung Khánh. Người ngồi trên xe chở châu báu phía sau mới là Chung Khánh. Ngày xưa, y nghèo khổ tiều tụy, bà con họ hàng khinh miệt, mỗi khi chợt gặp mặt liền ngoảnh mặt sang chỗ khác.

Hôm nay các vị tìm Chung Khánh có việc gì?

Bà con họ hàng trả lời rằng: Chúng tôi đón rước cậu ta, chẳng biết sao ngày nay cậu ta giàu có đến như vậy. Hiện giờ, bà con họ hàng tuy không còn đông đủ như xưa, nhưng chẳng phải đã mất hết.

Khi tới ngoài thành cùng hỏi thăm nhau, rồi Chung Khánh tắm gội sạch sẽ, mặc áo mới vào thành, về nhà.

Sáng sớm sau, anh từ biệt bà con họ hàng. Vì xa cách Đức Như Lai lâu ngày nên anh muốn đến lễ bái thăm hỏi Ngài.

Bà con họ hàng nói: Chúng tôi cũng muốn đi theo.

Rồi bà con họ hàng cùng với anh này đến chỗ Phật, trán lạy sát chân Phật rồi cùng ngồi sang một bên.

Đức Thế Tôn thấy mọi người đã ngồi yên, Ngài bèn nói bài kệ rằng:

Như người đi lâu,

Xa về an lành,

Thân thuộc đều an,

Trở về vui mừng.

Lúc ấy Chung Khánh và bà con họ hàng vui mừng hớn hở, tâm lành phát sinh. Chung Khánh đứng dậy khỏi chỗ ngồi, quỳ thẳng thỉnh Phật và Chúng Tăng về nhà mình thiết trai cúng dường.

Đức Như Lai im lặng nhận lời. Sáng hôm sau, đến giờ, Đức Phật và Tỳ Kheo Tăng đắp y ôm bát, các Tỳ Kheo theo sau Đức Phật cùng đến nhà Chung Khánh, rồi mỗi vị ngồi theo thứ lớp. Chung Khánh tự tay dâng các món ăn uống ngon ngọt. Sau khi đại chúng ăn xong, chính Chung Khánh dâng nước rửa tay, sau đó Chung Khánh lấy một cái ghế nhỏ trước mặt Như Lai để được chú nguyện.

Đức Như Lai nói bài kệ:

Người ưa làm phước

Đời này đời sau

Tự được phước báo

Người thân đến vui.

Khởi từ thánh giáo

Cấm điều bất thiện

Gần đạo dễ mến

Xa đạo ai gần.

Gần và không gần

Chỗ đến khác nhau

Gần đạo lên Trời

Xa đạo đọa ngục.

Lúc bấy giờ, Chung Khánh và bà con họ hàng nghe lời Phật dạy tâm ý mở tỏ, ngay tại chỗ ngồi, họ đạt được lòng tin vững chắc.

Tâm ưa pháp và giới

Thích tu tập kính tin

Tự giữ gìn thân mình

Được mọi người kính mến.

Tâm ưa pháp và giới: Thế nào là chúng sinh tu tập theo giáo pháp, tu tập các pháp lành, đầy đủ giới luật?

Nghĩa là nếu có chúng sinh vâng giữ giới cấm, không mảy may lỗi lầm, nhờ phước giữ giới ấy được sinh lên Cõi Trời Phạm Thiên hưởng phước không cùng tận, đó là do giới thiếu sót, không vâng giữ giới cấm.

Vì sao?

Vì họ muốn được phước Trời. Nếu lại có người vâng giữ giới cấm, không mảy may lỗi lầm, phước đức giữ giới này không cầu sinh lên Cõi Trời, làm Phạm Thiên, Đế Thích, không cầu làm Ma Vương, không cầu làm vua Chuyển Luân cai trị bốn thiên hạ. Nay ta hồi hướng phước đức giữ giới để cầu quả Vô Thượng Đẳng Chánh Giác, đó gọi là đầy đủ giới.

Cho nên nói: Tâm ưa pháp và giới.

Thích tu tập kính tin: Giữ lòng tin vững chắc, thường vui tu tập, tâm không lo sợ, cũng không rối loạn. Mọi việc làm đều có tâm kính tin, thường sống với sự chân thật, có ghi nhớ, không sống với lơ đễnh. Nói ra lời gì đều chí thành, không nói lỗi người.

Cho nên nói: Thích tu tập kính tin.

Tự giữ gìn thân mình: Làm điều thiện nghĩa là tự vì mình mà đem của cải bố thí thì tự mình được phước. Vâng giữ giới cấm, tâm không buông lung, mong được an định tâm thần, làm rường cột cho đời sau. Giảng nói nghĩa Kinh, chọn lấy chỗ đồng, dị, cũng vì chính mình.

Cho nên nói: Tự giữ gìn thân mình.

Được mọi người kính mến: Người giữ gìn đức hạnh, dù đến xứ nào, cũng được mọi người khen ngợi phước đức của mình. Nhờ mọi người mà tiếng tăm mình được vang xa.

Cho nên nói:

Được mọi người kính mến.

Được mọi người kính mến

Đều do mình mà ra

Đời nay được khen ngợi

Đời sau sinh Cõi Trời.

Được mọi người kính mến: Người mà đức hạnh hoàn toàn thì được tiếng tăm, được hằng ngàn muôn người tôn kính. Lời nói và việc làm đều đáng làm khuôn mẫu cho người noi theo.

Đó là do chưa nhóm đức hạnh không thiếu khuyết, nên nói: Được mọi người kính mến.

Đều do mình mà ra: Người tu hạnh lành mong tránh khỏi ách nạn. Người nhận lãnh của tín thí như áo mền, thức ăn uống, giường chõng, thuốc men thì phải giữ gìn giới cấm, không để thiếu khuyết.

Bên trong có tâm chân thành thì của tín thí bên ngoài mới tiêu hóa được.

Cho nên nói: Đều do mình mà ra.

Đời nay được khen ngợi: Đức hạnh được Trời, người khen tặng đáng kính đáng quý, dù đi đến đâu cũng không trở ngại.

Cho nên nói: Đời nay được khen ngợi.

Đời sau sinh Cõi Trời: Sau khi qua đời được sinh lên Cõi Trời hưởng phước tự nhiên với nhà cao, điện các bằng bảy báu.

Cho nên nói:

Đời sau sinh Cõi Trời.

Dạy tu khiến vâng nhận

Ngăn dứt việc phi pháp

Điều người làm lành nhớ

Là xa lìa việc ác.

Dạy tu khiến vâng nhận: Đối với pháp công đức thì truyền dạy chánh pháp, hễ họ cần tu giáo pháp gì thì giảng nói giáo pháp đó.

Cho nên nói: Dạy tu khiến vâng nhận.

Ngăn dứt việc phi pháp: Người làm những việc không đúng háp bị mọi người hét bỏ, tâm thường tán loạn, mọi người đều hét bỏ, phải đọa địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh.

Cho nên nói: Ngăn ứt việc phi pháp.

Điều người làm lành nhớ: Người làm việc lành đầy đủ đức lành, không bao giờ làm cho người khác đọa vào đường ác.

Cho nên nói: Điều người làm lành nhớ.

Là xa lìa việc ác: Điều phải biết đó là điều ác. Làm những việc không cần thiết thường đi đôi với việc ác. Điều mà tâm nghĩ thì đứng đầu là điều ác.

Cho nên nói:

Nên xa lìa việc ác.

Người thiện và bất thiện

Cả hai không khác nhau

Bất thiện đọa địa ngục

Người thiện sinh Cõi Trời.

Người thiện và bất thiện: Hai hạng người này khác nhau. Hạng thứ nhất thì tốt đẹp, hạng thứ hai thì xấu xa. Hạng thứ nhất thì an định, hạng thứ hai thì tán loạn. Hạng thứ nhất thì hướng về đường lành, hạng thứ hai thì nhắm vào đường ác. Hạng thứ nhất được khen ngợi, hạng thứ hai bị chê bai.

Cho nên nói: Người thiện và bất thiện.

Cả hai không khác nhau: Ai nấy sống trên đời này, rốt cùng đều đi về chỗ chết, chỉ do chỗ họ tạo nghiệp mới đưa đến kết quả khác nhau ở mai sau.

Cho nên nói: Cả hai không khác nhau.

Bất thiện đọa địa ngục: Bọn người xấu ác làm những việc bất thiện do chính họ làm ra rồi lại xúi giục người khác cũng làm giống như mình.

Cho nên nói: Bất thiện đọa địa ngục.

Người thiện sinh Cõi Trời: Tứ song bát bối gồm mười hai Bậc Hiền sĩ, những vị này tu tập cội gốc thiện, thích đạo nơi cảnh vắng lặng, không ưa cảnh đời phiền toái.

Cho nên nói: Người thiện sinh Cõi Trời.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần