Phật Thuyết Kinh Trường A Hàm - Kinh Tệ Tú - Phần Hai

Kinh Nguyên thủy   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:03 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Phật Ðà Da Xá, Ngài Tam Tạng Pháp Sư Trúc Phật Niệm, Đời Dao Tần

PHẬT THUYẾT

KINH TRƯỜNG A HÀM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Phật Ðà Da Xá, Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Phật Niệm, Đời Dao Tần  

KINH TỆ TÚ  

PHẦN HAI  

Này Bà La Môn, ông cũng giống như thế. Chẳng có phương pháp nào đi lột da người chết ra mà tìm thần thức. Ông không thể dựa vào việc hiện trước mắt mà xem xét chúng sanh.

Này Bà La Môn, có những vị Tỳ Kheo, từ đầu đêm đến cuối đêm không ngủ, tinh cần chuyên niệm đạo phẩm, lấy sức tam muội mà tịnh tu thiên nhãn. Rồi bằng năng lực thiên nhãn mà quán thấy chúng sanh chết chỗ này sinh chỗ kia, chết chỗ kia sinh chỗ này, sống lâu hay chết yểu, nhan sắc tốt hay xấu, tùy hành vi mà thọ báo ở cảnh giới tốt hay xấu, đều thấy biết hết.

Ông không nên vì lẽ con mắt thịt uế trược không nhìn thấy suốt chỗ thú hướng của chúng sanh mà vội cho là không có.

Này Bà La Môn, do đó có thể biết, tất phải có Thế Giới khác vậy.

Tệ Tú nói: Tuy Ngài dẫn dụ nói có Thế Giới khác, song theo chỗ tôi biết thì hẳn không có.

Ca Diếp hỏi: Ông còn có duyên cớ gì cho là không có Thế Giới khác?

Có.

Duyên cớ gì?

Bà La Môn nói: Ở phong ấp của tôi, có kẻ làm giặc cướp, bị rình bắt được, đem đến tôi và nói: Người này làm giặc, xin ông trị nó. Tôi liền sai tả hữu đem người ấy ra cân. Người hầu vâng mạng, đem nó đi cân.

Tôi lại bảo người hầu: Ngươi mang người này đi giết từ từ, êm thấm, không làm hao tổn lấy một chút da thịt. Người hầu vâng lệnh giết mà không để chút hao hụt. Tôi sai tả hữu đem xác người ấy cân lại. Nó lại nặng hơn trước.

Này Ca Diếp, thân người ấy khi sống, thần thức đang còn, nhan sắc tốt tươi, còn nói năng được mà đem cân thì nhẹ. Đến khi chết, thần thức đã mất, nhan sắc không còn tươi tốt, không nói năng được, mà đem cân thì lại thấy nặng. Vì cớ đó nên tôi biết không có đời sau.

Ca Diếp nói: Tôi nay hỏi ông. Tùy ý trả lời.

Ví như người cân sắt. Khi sắt còn nguội đem cân thì nặng. Sau đốt đỏ đem cân lại nhẹ.

Tại sao khi sắt nóng, mềm, có màu đỏ sáng mà nhẹ, khi sắt nguội, cứng, không màu đỏ sáng mà lại nặng?

Bà La Môn nói: Sắt nóng chín có màu đỏ và mềm, nên nhẹ, sắt nguội không màu đỏ mà cứng, nên nặng.

Ca Diếp nói: Con người cũng thế. Khi sống có nhan sắc, mềm mại mà nhẹ. Khi chết không nhan sắc, cứng đơ mà nặng. Do đây mà biết tất có Thế Giới khác.

Tệ Tú nói: Tuy ngài dẫn dụ nói có Thế Giới khác. Nhưng theo tôi biết thì không có Thế Giới khác.

Ca Diếp hỏi: Ông còn có duyên cớ gì mà cho là không có Thế Giới khác?

Có. Nguyên tôi có người bà con mắc bệnh nặng. Tôi đến thăm, bảo người đỡ nằm nghiêng tay mặt. Người ấy liếc ngó, co duỗi, nói năng như thường. Tôi lại bảo đỡ nằm nghiêng tay trái, người ấy cũng còn liếc ngó, co duỗi, nói năng như thường.

Rồi nó chết. Tôi lại bảo đỡ xác người ấy nằm nghiêng tay mặt, tay trái, lật sấp, lật ngửa, xem kỹ thì không thấy người ấy co duỗi, liếc ngó, nói năng chi cả. Do đó tôi biết chắc không có Thế Giới khác.

Ca Diếp nói: Người trí nhờ thí dụ mà được rõ. Ta sẽ dẫn ví dụ cho ông rõ.

Xưa có một Quốc Độ không ai từng nghe tiếng tù và. Hôm nọ có người thổi tù và giỏi, đến nước đó, đi vào trong một thôn nọ, cầm tù và thổi ba tiếng rồi bỏ xuống đất.

Khi ấy, trai gái trong thôn nghe tiếng lạ kinh động, rủ nhau đến hỏi: Thứ tiếng gì mà trong trẻo hòa dịu như thế?

Người chủ chỉ vào tù và mà nói tiếng của cái đó.

Người trong thôn liền lấy tay vỗ vào tù và, nói: Ngươi kêu lên, ngươi kêu lên. Nhưng tù và bặt không kêu. Người chủ lại cầm tù và lên thổi thêm ba tiếng rồi bỏ xuống đất.

Người trong thôn nói: Cái thứ tiếng hay ho ta nghe khi nãy chẳng phải do sức tù và làm, mà cần có tay, có miệng, có hơi thổi, nó mới kêu. Con người cũng thế. Phải có thọ mạng, có thần thức và hơi thở mới co duỗi, liếc ngó, nói năng được. Không thọ, không thức, không hơi thở thời không thể co duỗi, liếc ngó, nói năng được.

Ca Diếp lại khuyên: Ông nên từ bỏ cái ác tà kiến đó. Chớ giữ nó suốt đời, chỉ có thêm khổ não.

Bà La Môn nói: Tôi không thể bỏ được.

Vì sao?

Tôi từ sinh ra đến giờ đã tụng đọc, luyện tập kiên cố. Đâu có bỏ được.

Ca Diếp nói: Những kẻ có trí nhờ thí dụ mà mau rõ. Tôi nay sẽ dẫn ví dụ thêm cho ông rõ.

Thuở xa xưa, có một Quốc Độ mà suốt biên cương nhân dân điêu tàn.

Trong nước có hai người, một anh trí và một anh ngu, bảo nhau: Tôi là bạn anh. Chúng ta hãy cùng nhau ra ngoài thành bứt lúa mọc hoang về làm của. Rồi họ cùng đi. Khi đến một xóm hoang, thấy có cây gai mọc đầy đất, người trí bảo người ngu chung nhau lấy đem về, mỗi người mỗi gánh. Sau đi ngang xóm trước, họ thấy có đám chỉ gai.

Người trí nói: Chỉ gai này đã làm thành, nhỏ và mịn, đáng lấy hơn.

Người kia nói: Tôi đã lấy cây gai bó buộc chặt chẽ rồi, không thể bỏ được. Người trí một mình lấy một gánh nặng chỉ gai đem về. Họ cùng nhau đi, bỗng lại gặp có đám vải gai.

Người trí nói: Vải gai này đã làm thành, nhẹ và mịn đáng lấy hơn.

Người kia nói: Tôi đã lấy cây gai đó buộc chặt chẽ rồi, nay không bỏ được. Người trí liền bỏ gánh chỉ gai mà lấy vải gai làm một gánh nặng. Họ lại cùng nhau đi tới. Bỗng lại gặp đống bông gòn.

Người trí nói: Bông gòn có giá, nhẹ và mịn, đáng lấy hơn.

Người kia nói: Tôi đã lấy cây gai, bó buộc chắc chắn, gánh đi đã xa đường rồi nay không bỏ được.

Người trí một mình bỏ vải gai mà lấy bông gòn gánh đi. Lần lữa họ gặp chỉ bông, gặp vải bông, rồi gặp đồng trắng, rồi gặp bạc, gặp vàng.

Người trí nói: Nếu không vàng ta hãy lấy bạc, không bạc ta hãy lấy đồng, hay ta hãy lấy chỉ gai, nếu không chỉ gai ta mới lấy cây gai, nhưng nay tại thôn này có nhiều vàng, là thứ quý hơn các bảo vật khác, ngươi nên bỏ cây gai, ta sẽ bỏ bạc để chung nhau lấy vàng, mỗi người gánh lấy gánh nặng đem về.

Nhưng người kia nói: Tôi đã lấy cây gai bó buộc chắc chắn gánh đi đã xa, nay không thể bỏ được. Ngươi muốn lấy vàng thì lấy, tùy ý. Người trí liền bỏ bạc mà lấy vàng, gánh một gánh nặng đem về. Đến nhà, bà con người trí vừa thấy bóng anh ta gánh nhiều vàng thì hoan hỷ nghinh đón.

Người trí thấy được bà con nghinh đón lại càng vui mừng hơn. Người ngu gánh cây gai về, bà con trông thấy không chút vui mừng, không thèm nghinh đón. Người ngu gánh gai cũng càng thêm buồn và hổỗ thẹn.

Này Bà La Môn, ông nên rời bỏ cái xu hướng ác tà kiến ấy đi, chớ để suốt đời chuốc thêm khổ não. Như người gánh cây gai, cứ chấp chặt ý ngu, không chịu lấy vàng, lại cứ gánh gai đem về, luống chịu lao nhọc, bà con không vui, suốt đời nghèo cùng, tự mang thêm khổ sở.

Bà La Môn đáp: Tôi không bao giờ bỏ kiến thức sẵn có của tôi được.

Vì sao?

Vì tôi nhờ thứ kiến thức đó mà dạy vẽ cho nhiều người, đem lại nhiều ích lợi, vua chúa tứ phương đều nghe danh tôi, đều biết rõ tôi là nhà học giả chủ trương đoạn diệt cả rồi.

Ca Diếp lại nói: Những kẻ có trí nhờ thí dụ mà mau rõ. Tôi nay sẽ dẫn ví dụ thêm cho ông rõ.

Thuở xa xưa, có một Quốc Độ mà suốt biên cương nhân dân đều điêu tàn. Lúc đó có một đoàn buôn gồm một ngàn cỗ xe đi ngang qua nước đó.

Vì không đủ nước, thóc, củi và cỏ, thương chủ bèn nghĩ: Bọn ta đông người, không thể tự lo đủ nước, thóc, củi và cỏ. Nay ta hãy chia đoàn thành hai bộ phận. Một bộ phận lên đường trước. Người dẫn đạo của toán đi đầu gặp một người thân thể to lớn, mắt đỏ, mặt đen, mình mẩy dính đầy bùn.

Trông thấy người ấy từ xa đi lại, người dẫn đầu toán bèn hỏi: Ông từ đâu lại?

Đáp: Tôi từ xóm phía trước lại.

Lại hỏi: Chỗ đó có nhiều nước, thóc, củi và cỏ không?

Đáp: Chỗ ấy có rất nhiều nước, thóc, củi và cỏ, không thiếu. Tôi giữa đường gặp mưa lớn. Chỗ ấy nước nhiều mà củi, cỏ cũng nhiều.

Lại bảo thương chủ: Trên xe các ông, nếu có thóc và cỏ, có thể bỏ hết đi. Đằng kia dư dã, không cần chở nặng xe.

Rồi thương chủ ấy nói với các thương nhân rằng: Tôi có gặp một người thân thể to lớn, mắt đỏ mặt đen, xoa bùn khắp mình, từ đàng xa đi lại, tôi hỏi: Ông từ đâu lại?

Thì người đó trả lời: Từ thôn đàng trước kia lại.

Tôi hỏi: Ở thôn đó có nước gạo củi cỏ nhiều không?

Người đó trả lời: Thôn ấy giàu có, nước gạo củi cỏ không thiếu.

Lại bảo tôi: Tôi vừa đi giữa đường thì gặp Trời mưa lớn. Chỗ này có nhiều nước, và củi cỏ cũng nhiều.

Rồi ông ta lại bảo tôi: Nếu trên xe bọn người có chở thóc cỏ gì thì nên bỏ xuống hết. Thôn kia giàu có, không cần chở xe nặng làm chi. Vậy các bạn nên bỏ thóc cỏ đi cho nhẹ xe. Rồi như lời ấy, cả toán bỏ hết thóc cỏ xuống để cho xe nhẹ đi mau tới. Đi như thế một ngày, chẳng thấy cỏ nước đâu. Đi hai ngày, ba ngày cho đến bảy ngày cũng không thấy đâu. Bọn người buôn phải khốn cùng nơi đầm vắng và bị ác quỷ bắt ăn thịt hết.

Toán thứ hai tiếp tục lên đường. Người chủ buôn đi đầu, lại gặp một người to lớn mắt đỏ, mặt đen, mình mẩy dính đầy bùn.

Trông thấy người ấy từ xa đi lại, người dẫn đầu hỏi: Ông từ đâu lại?

Người kia đáp: Tôi từ xóm trước lại.

Lại hỏi: Chỗ đó có nhiều nước, thóc, củi và cỏ không?

Đáp: Chỗ ấy có rất nhiều.

Rồi lại bảo thương chủ: Tôi ở giữa đường gặp cơn mưa lớn. Chỗ ấy nước nhiều, cũng có nhiều củi, cỏ.

Lại bảo thương chủ: Trên xe các ông, nếu có thóc, cỏ thì có thể bỏ đi. Đằng kia dư dả, không cần chở nặng xe làm gì.

Khi ấy, thương chủ trở lại nói với mọi người: Ta vừa đến phía trước, gặp một người, y nói với ta rằng: Trên xe các ông, nếu có thóc cỏ thì có thể vứt bỏ hết đi. Đằng kia dư dã, không cần chở nặng xe.

Rồi thương chủ dặn: Thóc, cỏ, các ngươi hãy cẩn thận chớ vất bỏ đi. Bao giờ được có cái mới rồi hãy bỏ.

Vì sao?

Cái mới, cái cũ nối tiếp luôn mới mong qua khỏi bãi hoang. Cả đoàn buôn cứ chở xe nặng mà đi. Đi được một ngày, chẳng thấy cỏ nước đâu. Đi hai ngày, ba ngày đến bảy ngày cũng chẳng thấy đâu, chỉ thấy xương cốt ngổn ngang của toán người đi trước bị quỷ bắt ăn thịt để lại.

Này Bà La Môn, người mặt đỏ mặt đen kia chính là quỷ La Sát. Những người nghe theo lời nó, suốt đời chịu khổ, chẳng khác toán buôn đầu vì vô trí nghe theo người dẫn đường mà phải thiệt mạng. Những Sa Môn, Bà La Môn tinh tấn, trí tuệ, họ có dạy gì, ai nghe theo thời suốt đời được an ổn như toán buôn sau, nhờ có trí nên khỏi bị tai nạn.

Này Bà La Môn, ông hãy bỏ thứ ác kiến đó đi, chớ để suốt đời chỉ chuốc thêm khổ não.

Bà La Môn nói: Tôi không thể nào bỏ kiến thức đó được. Nếu có ai đến can tôi lắm, thì chỉ làm tôi phát giận chớ tôi quyết không bao giờ bỏ.

Ca Diếp tiếp: Những kẻ có trí nhờ thí dụ mà được rõ. Tôi sẽ dẫn ví dụ cho ông.

Thuở xưa, có một Quốc Độ mà suốt biên cương nhân dân đều điêu tàn. Lúc đó có một người thích nuôi heo.

Nhân anh ta đi đến một thôn vắng, thấy có nhiều phân khô, mới nghĩ thầm: Chỗ này nhiều phân, mà heo ta ở nhà đang đói. Ta nên lấy cỏ gói phân này đội trên đầu đem về. Rồi anh ta liền lấy cỏ gói phân đội đi. Bất ngờ giữa đường gặp cơn mưa lớn, nước phân chảy xuống thấu gót chân.

Mọi người thấy vậy chê anh ta điên cuồng: Đồ phân dơ ấy, giả sử Trời tạnh còn không nên đội thay, huống giữa lúc Trời mưa lại đội mà đi.

Anh ta nổi giận mắng lại: Các ngươi là đồ ngu, không biết heo ta ở nhà đang đói. Nếu các ngươi biết, chắc không nói ta ngu.

Này Tệ Tú!

Ngươi nên bỏ thứ ác kiến đó đi, chớ giữ chặt sự ngu mê mà suốt đời chịu khổ.

Như người ngu kia đã đội phân mà đi, bị kẻ khác chê trách, can ngăn, lại trở mắng người ta vô trí!

Bà La Môn nói với Ca Diếp: Các ngài nếu bảo làm lành được lên Trời, chết hơn sống, sao các ngài không lấy dao tự vẫn hoặc uống thuốc độc chết đi, hoặc trói tay chân rồi gieo mình từ trên bờ cao?

Nhưng nay thảy đều tham sống, không ai tự sát cả.

Như thể đủ biết chết không hơn sống!

Ca Diếp nói: Những kẻ có trí nhờ thí dụ mà mau rõ. Tôi nay sẽ dẫn ví dụ thêm cho ông rõ.

Xưa ở thôn Tư Bà Hê này có một người Phạm Chí, kỳ cựu Trưởng Lão, tuổi đã một trăm hai mươi, có hai người vợ, một người có con trước, còn một người mới có thai. Phạm Chí ấy không bao lâu thì chết.

Con người mẹ lớn nói với người mẹ nhỏ rằng: Bao nhiêu gia tài này đều về tôi cả, bà không có phần.

Người mẹ nhỏ nói: Hãy chờ ít lâu để tôi sinh. Nếu là con trai thì nó phải có một phần gia tài. Nếu là con gái, cậu cưới nó thì sẽ có tiền. Nhưng con của người vợ lớn cứ nằn nì ba lần đòi chia gia tài cho được, người vợ nhỏ vẫn trả lời như trước. Con của người vợ lớn bức ép mãi. Người vợ nhỏ bèn lấy dao tự mổ bụng mình để coi cho biết con trai hay con gái.

Này Bà La Môn, người mẹ này tự sát, lại hại luôn đứa con trong bào thai. Bà La Môn các ngươi cũng như thế, đã tự giết mình còn muốn giết kẻ khác. Nếu các Sa Môn, Bà La Môn tinh cần tu thiện, đầy đủ giới đức mà sống lâu ở đời thì đem lại nhiều ích lợi, an lạc cho nhân thiên.

Nay tôi sẽ dẫn một ví dụ cuối cùng để cho ngươi rõ tai hại của ác kiến.

Xưa ở thôn Tư Bà Hê này có hai tay nghề giỏi luyện trò chơi bi. Một hôm họ đấu nghề với nhau, một người hơn cuộc.

Người thua nói với người hơn rằng: Thôi ngày nay nghỉ để ngày mai đấu lại. Người thua trở về nhà lấy mấy hòn bi để chơi đem tẩm thuốc độc, phơi khô, ngày mai đem tới chỗ người hơn đòi đấu nghề lại. Trước khi cùng chơi, người thua lấy một hòn bi đã tẩm thuốc độc trao cho người hơn, người hơn lấy nuốt. Người thua trao nữa, người hơn nuốt nữa, bị chất độc chạy, làm toàn thân run rẩy.

Bấy giờ người thua bèn mắng bằng một bài kệ:

Ta bôi thuốc vào bi,

Ngươi nuốt mà không hay.

Tiểu kỹ, hãy nuốt đi,

Về sau khắc tự biết.

Này Bà La Môn! Ngươi nên mau mau xả bỏ ác kiến đó đi, chớ để mê muội mãi càng thêm khổ sở, như anh chàng làm trò kia nuốt độc vào mình mà không biết!

Bấy giờ Bà La Môn bạch Ca Diếp rằng: Tôn giả mới nói về dụ mặt trăng, tôi đã hiểu rồi. Tôi sở dĩ nhiều phen không chịu, vì tôi muốn thấy chỗ trí tuệ biện tài của ngài để thêm chắc lòng tin. Nay tôi xin tín thọ quy y Ca Diếp.

Ca Diếp đáp: Ông chớ quy y ta, mà nên quy y nơi Đấng Vô Thượng Tôn như ta đã quy y.

Tệ Tú hỏi: Không hiểu Đấng Vô Thượng Tôn mà ngài đã quy y nay ở đâu?

Ca Diếp đáp: Ðức Thế Tôn thầy tôi đã diệt độ chưa bao lâu..

Tệ Tú nói: Nếu Thế Tôn còn, dù xa gần tôi cũng tìm đến để tự thân nhìn thấy, quy y lễ bái. Nay nghe Ca Diếp nói Như Lai đã diệt độ, vậy tôi xin quy y Đức Như Lai diệt độ, quy y Phật Pháp và Chúng Tăng. Xin Ca Diếp cho tôi được làm Ưu Bà Tắc ở trong chánh pháp, từ nay về sau, tôi thề trọn đời không giết, không trộm, không tà dâm, không nói dối, không uống rượu. Nay tôi sẽ đại bố thí cho tất cả.

Ca Diếp nói: Nếu ông giết mổ chúng sanh, đánh đập tôi tớ để mở hội, đó không phải ngươi làm phước thanh tịnh. Ví như trên chỗ đất cạn, sạn sỏi, gai mọc nhiều, đem gieo giống vào tất không gặt được gì. Nếu ông giết mổ chúng sanh, đánh đập tôi tớ để mở hội bố thí cho chúng tà kiến, đó không phải là phước thanh tịnh.

Nếu ông mở hội đại thí mà không sát hại chúng sanh, không dùng roi gậy đánh đập tôi tớ, đem lòng hoan hỷ mở hội để thí cho hạng người thanh tịnh thì ngươi sẽ thâu được phước lớn. Ví như chỗ ruộng tốt, đúng mùa đem gieo giống tất được gặt nhiều.

Này Ca Diếp, từ nay về sau tôi sẽ luôn luôn tịnh thí cho Chúng Tăng, không để gián đoạn.

Lúc đó có một Phạm Chí trẻ tên là Ma Đầu, đứng sau lưng Tệ Tú.

Tệ Tú quay lại bảo: Nay ta muốn mở hội đại thí tất cả, ngươi hãy thay ta sắp đặt và phân xử. Phạm Chí trẻ vâng lời Tệ Tú sắp đặt và phân xử.

Khi sắp đặt xong, cất tiếng nói rằng: Nguyện cho ông Tệ Tú đời nay, đời sau chẳng được phúc báo gì cả.

Tệ Tú nghe được, kêu Phạm Chí trẻ đến hỏi: Ngươi có nói nói như thế chăng?

Phạm Chí trẻ đáp: Đúng như vậy. Tôi thật có nói như vậy. Bởi vì các thức ăn thô kém như vầy nay ngài bày dọn để thí Chúng Tăng, nếu thử đem cho Ngài, Ngài còn không thèm sờ tay tới huống là lấy ăn. Những thứ được dọn bày hiện tại không thể vui mắt đẹp lòng làm sao đời sau có được quả báo thanh tịnh.

Ngài bố thí y phục cho Chúng Tăng mà thí toàn vải gai, nếu thử đem nó cho Ngài, Ngài còn không lấy chân sờ tới huống hồ lấy mặc. Những thứ được dọn bày hiện tại không thể vui mắt đẹp lòng làm sao đời sau có được quả báo thanh tịnh.

Khi ấy Bà La Môn lại bảo Phạm Chí: Từ nay về sau ngươi hãy lấy thứ vật ta ăn, thứ áo ta mặc mà bố thí Chúng Tăng. Phạm Chí trẻ vâng lời làm theo lấy thứ vật mà Vua ăn, thứ áo Vua mặc mà bố thí Chúng Tăng.

Bà La Môn khi thiết tịnh thí này, thân hoại mạng chung sinh lên một Cõi Trời hạ liệt. Phạm Chí trẻ trông nom mở hội thì sau khi chết lại được sinh lên Cõi Trời Đao Lợi.

Bấy giờ, Bà La Môn Tệ Tú, Phạm Chí trẻ và chúng Bà La Môn, Cư Sĩ trong thôn Tư Bà Hê, sau khi nghe những điều Đồng Nữ Ca Diếp thuyết, hoan hỷ phụng hành.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Sáu

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Năm

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Bốn

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Ba

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Hai

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Một

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường