Phật Thuyết Kinh Chánh Pháp Niệm Xứ - Phẩm Một - Phẩm Mười Con đường Thiện Nghiệp - Tập Sáu
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Bát Nhã Lưu Chi, Đời Nguyên Ngụy
PHẬT THUYẾT
KINH CHÁNH PHÁP NIỆM XỨ
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Bát Nhã Lưu Chi, Đời Nguyên Ngụy
PHẨM MỘT
PHẨM MƯỜI CON ĐƯỜNG
THIỆN NGHIỆP
TẬP SÁU
Lại nữa, người tu hành trong tâm tư duy, tùy thuận với chánh pháp, quan sát sự hoạt động của các pháp.
Thế nào là Chuyển Luân Vương được báu lớn thứ bảy là đại thần chủ kho tàng, trưởng giả giàu có.
Trưởng giả báu ấy có công đức gì?
Người kia thấy, nghe, biết, hoặc thấy bằng Thiên Nhãn: Đại thần chủ kho tàng báu thuộc Chuyển Luân Vương, có công đức gì để có thể đem kim cương và các thứ châu báu: Ma Ca La Đa, Nhân Đà La, Bảo Châu Ma Ca La Đa màu xanh và báu đẹp Mâu Sai La Ca La Bà, lấp đầy hết tất cả hố, khe, núi sâu, hang tối, chỗ xấu đất hiểm, chốn không bằng phẳng.
Không đợi Vua ra lệnh mà của báu nhiều vô tận, huống chi là vàng bạc. Trưởng giả này là người giữ pháp luật bậc nhất, không dối trá, không dua nịnh, không làm cho người khác đau khổ, mọi người thấy đều vui vẻ mến yêu. Đây là trưởng giả giàu, báu của Chuyển Luân Vương.
Như vậy Chuyển Luân Vương có đầy đủ bảy báu, làm chủ bốn cõi thiên hạ, có thể ngồi chung với chúng rồng và trời, được Tứ Thiên Vương và Thiên Vương Trời Tam Thập Tam là Đế Thích chia tòa mà ngồi. Đó là gồm đủ bảy loại báu tốt đẹp mà Chuyển Luân Vương đã có được.
Lại nữa, còn có bảy thứ báu tương tự. Đó là kiếm báu, da báu, giường báu, cung điện báu, y báu và giày báu.
Kiếm của Chuyển Luân Vương giống như những thứ báu kia có công đức gì?
Nếu dân nơi cõi nước nào khởi tâm phản nghịch thì kiếm báu liền bay nhanh đến đó. Dân chúng nơi các cõi nước trông thấy kiếm báu liền hàng phục ngay, không bị chết một người nào.
Kiếm báu có công đức như vậy nên không chinh phạt, không giết hại mà dân chúng nơi các cõi nước tự nhiên hàng phục. Đây là công đức của kiếm báu, là loại báu tương tự thứ nhất.
Thế nào là Chuyển Luân Vương được da báu, là loại báu tương tự thứ hai?
Báu ấy có công đức gì?
Da báu kia được sinh từ nơi biển cả, người đi buôn tìm được đem về dâng lên Vua. Da báu rộng năm do tuần, dài mười do tuần. Da của rồng biển nước mưa không thể làm mục nát, gió không làm cho lay động, lửa không thể đốt cháy.
Da báu có thể đẩy lùi lạnh nóng. Mùa lạnh thì ấm áp, mùa nóng thì mát mẻ. Bất cứ chỗ nào mà Chuyển Luân Vương đi đến có quân binh đi theo Vua thì chư binh báu kia dẫn đi, da báu có thể dựng nhà dung chứa hết thảy quân binh và Vua.
Mỗi mỗi căn nhà cách biệt nhau, không cho ở lẫn lộn với đám vợ con, tất cả đều không thấy nhau. Màu sắc của da báu tươi đẹp như ánh sáng Mặt Trời. Đây là công đức của da báu, là loại báu tương tự thứ hai.
Thế nào là Chuyển Luân Vương được gường báu, là loại báu tương tự thứ ba?
Báu này có công đức gì?
Gường báu mềm mại, trơn láng, ngồi lên thì nó lún xuống, đứng dậy thì trở lại như cũ. Nếu Vua ngồi lên giường đó để thiền định tư duy thì tâm được tịch tĩnh trong giải thoát. Nếu ngồi nơi giường ấy tâm Vua nghĩ đến dục thì liền xa lìa dục, như vậy cho đến sân, si cũng thế.
Từ trên giường kia, Vua ra khỏi thiền định nhỏ, nếu có các phụ nữ sinh nhiễm tâm với Vua, nhưng khi thấy gường báu thì tâm họ không còn tham nhiễm nữa. Đây là công đức của gường báu, là loại báu tương tự thứ ba.
Lại nữa, thế nào là Luân vương được rừng báu, là loại báu tương tự thứ tư?
Báu thứ tư ấy có công đức gì?
Nếu Vua suy nghĩ, muốn đi chơi trong rừng thì Vua đến khu rừng đó. Công đức của rừng báu là do diệu lực nơi nghiệp thiện của Vua, nên khiến cho trời, người hoan hỷ, trong rừng trổ hoa quả, có chim xa cư ni, ao sen.
Bên bờ ao sen có thể nữ trời múa hát, đùa giỡn, tất cả Thiên nữ đều tụ tập đông đảo, Vua kia như vị trời có đầy đủ công đức nơi năm dục, luôn có phụ nữ theo bên, du hành vui chơi đó là nhờ uy lực của nghiệp thiện. Người tu hành kia quán xét tất cả. Đây là công đức của rừng báu, là loại báu tương tự thứ tư.
Lại nữa, thế nào là Luân vương được cung điện báu, là loại báu tương tự thứ năm?
Báu thứ năm ấy có công đức gì?
Khi Chuyển Luân Vương nằm nghỉ trong cung điện, muốn thấy trăng thì có trăng sao hiện lên ngay nơi ấy, thấy rồi vui mắt nói đó là viên ngọc. Thiên nữ ngâm thơ, ca hát, Vua nghe sẽ hết lo lắng, ngủ yên ổn. Khi ngủ, Vua thấy mộng lành, thấy những việc tốt đẹp.
Mùa lạnh thì có gió ấm thổi đến, mùa nóng thì được tiếp xúc với sự mát mẻ. Một đêm có ba phần. Ngủ hai phần và thức một phần, hưởng mọi pháp lạc trong đời sống. Đây là công đức của cung điện báu, là loại báu tương tự thứ năm mà Chuyển Luân Vương được thọ hưởng nhờ phước báo.
Thế nào là y báu?
Nó có công đức gì?
Y được may bằng chỉ tơ thật kỹ lưỡng chặt chẽ, rất mềm mại, bụi đất không làm dơ. Vua mặc vào thì không còn bị các thứ lạnh nóng, đói khát, đau ốm, mệt mỏi chi phối, lửa không thể thiêu đốt, dao kiếm cũng không thể cắt được. Đây là công đức của y báu, là loại báu tương tự thứ sáu.
Lại nữa, người tu hành trong tâm tư duy, tùy thuận với chánh pháp, quan sát sự hoạt động của các pháp.
Thế nào là Chuyển Luân Vương được loại báu tương tự thứ bảy là giày báu?
Nó có công đức gì?
Người kia thấy, nghe, biết, hoặc thấy bằng Thiên Nhãn: Nếu Vua mang giày báu thì đi trong nước như đi trên đất. Lúc dạo chơi thì đi từ từ chậm rãi, có thể băng qua một trăm do tuần mà không tổn mất oai nghi, thân không mỏi mệt. Đó là Chuyển Luân Vương có đầy đủ bảy báu tương tự.
Lại nữa, có bảy báu tương tự như vậy, tùy theo tâm Vua mà thọ dụng.
Bốn cõi thiên hạ cùng hai Cõi Trời tiếp theo là chỗ của Vua ăn. Vua có đầy đủ ngàn người con, tất cả đều tráng kiện, có thể phá trừ được các quân khác. Chuyển Luân Vương được tất cả mọi người kính trọng, được nghiệp thiện xa lìa sân đạt mọi an vui như vậy là nhờ nơi diệu lực của mười đạo nghiệp thiện.
Lại nữa, người tu hành trong tâm tư duy, tùy thuận với chánh pháp, quan sát sự hoạt động của các pháp.
Vì sao tất cả thế gian từ vô thỉ đến nay đều lấy tà kiến cùng u minh, tăm tối làm hạt giống?
Tất cả kết sử cũng lại như vậy.
Lại nữa, làm sao để xa lìa tà kiến, tu hành theo chánh kiến, được giải thoát khỏi sinh tử trong thế gian?
Người kia thấy, nghe, biết, hoặc thấy bằng Thiên Nhãn: Người tu hành, tùy thuận với chánh pháp, quan sát hành pháp. Nếu lìa bỏ tà kiến, tu tập chánh kiến thì tất cả kết sử, những pháp không lợi ích đều được đoạn diệt, sẽ đạt đến Niết Bàn xa lìa sinh tử.
Người xa lìa tà kiến thì năm căn không chướng ngại. Như vậy người thiện vui thích với chánh pháp là do ban đầu lãnh hội công đức nơi Đức Phật, quán xét sinh tử trong năm đường. Quán những khổ não trong năm nơi đó rất là kinh hãi.
Trong Cõi Trời thì có khổ của phóng dật, về sau lúc bị thoái đọa lại khổ.
Trong cõi người thì có những cái khổ như phải canh tác.
Trong địa ngục thì có khổ bị người khác não hại.
Trong ngạ quỷ là khổ não về đói khát.
Trong súc sinh thì có khổ là ăn nuốt lẫn nhau.
Năm chốn như vậy, nếu nói rõ từng nơi thì có vô lượng thứ khổ. Quán xét như vậy rồi thì đối với sinh tử sinh tâm nhàm chán, xa lìa. Giống như ánh sáng, người thông đạt chánh pháp, phát tâm xuất gia. Do sinh tâm như thế nên pháp thiện hiện bày rõ.
Nếu người hòa hợp sinh tâm ấy thì quỷ Dạ Xoa sống trên đất sẽ hoan hỷ khen ngợi, vô cùng xúc động sinh tâm như vậy: Thiện Nam kia họ, tên… phát tâm muốn đoạn trừ tham, sân, si từ vô thỉ đến nay, muốn phá bỏ cảnh giới của ma, không ưa thích cảnh giới của phiền não, dục nhiễm, tâm không ham muốn về nẻo nhiễm đắm, ái dục.
Lại nữa, xa lìa tà kiến, Thiện Nam kia có tâm xuất gia, luôn luôn ưa thích tu tập thực hành nhiều, gần gũi với Thiện tri thức, thích nghe chánh pháp, tâm thường thanh tịnh, lễ lạy pháp Phật, khéo làm thanh tịnh, tịch tĩnh nơi thân, khẩu, ý nghiệp. Khẩu ý của người kia vắng lặng đó là người làm thiện.
Dạ Xoa sống trên đất biết được nên hoan hỷ, sinh tâm như vậy: Thiện Nam ấy với tâm thiện như vậy, tâm thanh tịnh như vậy, không ham thích nhà cửa tại gia, vì nó giống như cái lờ, cái lồng. Đối với tham dục, sân hận, ngu si có từ vô thủy, cũng như cảnh giới của ma đó, không sinh tâm vui thích, không ái nhiễm, muốn chiến đấu với ma, muốn đoạn trừ phiền não.
Lại nữa, Thiện Nam kia quán xét các thứ khổ của sinh tử rồi, tâm xuất gia tăng cao nên xa lìa sát sinh, trộm cắp, tà dâm, uống rượu và vọng ngữ. Thọ trì đầy đủ giới của hàng Ưu Bà Tắc.
Dạ Xoa sống trên đất thấy vậy lại càng hoan hỷ lần lượt hướng lên trên nói với Dạ Xoa nơi hư không: Trong nước… thôn… xóm… có Thiện Nam… họ… tên… đầy đủ chánh tín, có thể xuất gia, muốn cạo bỏ râu tóc, mang pháp y, chánh tín xuất gia, tu tập theo sự tin tưởng chính đáng làm suy giảm quân ma, tăng trưởng bạn chánh pháp, cắt đứt dây trói buộc của ma, đoạn trừ tham, sân, si.
Tất cả các thứ kết sử, thì tà kiến là gốc. Niết Bàn xuất thế thì chánh tín là gốc.
Tùy thuận với chánh pháp, quán xét tất cả các pháp thì đầu tiên người tu hành phải quán như vậy: Ca ngợi chánh kiến, không hiềm khích, không chê bai, không khinh, không ghét, chỉ dạy người khác trụ trong chánh kiến, không khen ngợi tà kiến chê nó là thấp hèn xấu xa.
Thường nói rõ chánh kiến, tà kiến là hai nghiệp báo đối nhau, không khiến cho chúng sinh trụ trong tà kiến. Dây trói buộc căn bản của chúng sinh phàm phu ngu si nơi thế gian chính là tà kiến. Tất cả chúng sinh do tà kiến mà bị đọa vào địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh. Thiện Nam kia xả bỏ tà kiến tất sẽ được vô lượng pháp lành.
Lại nữa, Thiện Nam kia quán xét về nhà cửa có vô lượng sự trói buộc, bức bách, khổ não. Quán xét rồi, sinh tâm nhàm chán, xa lìa, vui thích xuất gia, muốn chiến đấu với ma.
Bậc Chánh sĩ như thế thì Dạ Xoa sống trên đất tất biết được nên hoan hỷ, chuyển nói với Dạ Xoa trên hư không, Dạ Xoa nơi hư không hoan hỷ tâu với Tứ Thiên Vương: Trong nước… thôn… xóm… có thiện nam… họ… tên… đầy đủ chánh tín như vậy, có thể xuất gia, muốn cạo bỏ râu tóc, mang pháp y, xuất gia tu tập theo sự tin tưởng đúng đắn làm tổn giảm quân ma, tăng trưởng bạn chánh pháp. Tứ Đại Thiên Vương nghe như vậy rồi rất vui mừng.
Bậc Chánh sĩ nghe pháp rồi, nhàm chán tham dục, xa lìa trần cấu.
Thiện Nam kia cung kính các vị Hòa Thượng Thánh Thanh Văn, cạo bỏ râu tóc, mang pháp y ca sa, thọ Ba La Đề Mộc Xoa Giới.
Dạ Xoa sống trên đất và Dạ Xoa nơi hư không biết được nên hoan hỷ, tâu với Tứ Đại Vương: Ở cõi Diêm Phù Đề trong nước… thôn… xóm… có thiện nam… họ… tên… xả bỏ tà kiến, tu nghiệp chánh kiến hành đúng như pháp, cạo bỏ râu tóc, mang pháp y, thọ Ba La Đề Mộc Xoa Giới.
Những chỗ không lợi ích trong thế gian, nhà cửa, vợ con ràng buộc người ấy đều xa lìa. xuất gia theo chánh tín, xa lìa tất cả nghiệp, tâm tại gia, muốn chiến đấu với ma, muốn đoạn trừ vô minh.
Khi ấy Tứ Đại Vương nghe vậy thì rất hoan hỷ, hướng lên tâu với Tứ Thiên Vương: Ở cõi Diêm Phù Đề, trong nước… thôn… xóm… có Thiện Nam… họ… tên… lìa bỏ tà kiến, tu tập theo chánh kiến, cạo bỏ râu tóc, mang pháp y, xuất gia theo niềm tin chân chánh. Tỳ Kheo… nhận vị ấy làm đệ tử.
Thiên Vương nghe rồi tâm hoan hỷ, nói: Quân ma bị tổn giảm, bạn chánh pháp được tăng trưởng. Tứ Đại Vương đã tâu như vậy, Tứ Thiên Vương nghe tâu thì rất vui mừng.
Lại nữa, Thiện Nam kia cho đến thấy một mảy trần pháp ác bất thiện đều rất sợ hãi, không dám tạo.
Tâm hành chánh trực, không thích nói nhiều, không cầu theo lễ gia đình, không lui tới nhà cửa cũ, không gần gũi bạn ác, không muốn thấy chỗ nhiều người tụ tập ồn ào, không đi đến chỗ những người xấu ác, không đến chỗ đông người đùa giỡn, không ham thích cao lương mỹ vị, đồ đựng to lớn với nhiều thức ăn, không thường đến thăm thân hữu.
Ở trong mọi hoàn cảnh nào cũng luôn thực hành chánh niệm, siêng năng tinh tấn. Ăn uống như pháp, đối xử, hành động như pháp. Siêng năng cắt đứt mọi sợi dây ma, nỗ lực tu hành theo chánh kiến. Người thiện như vậy làm lợi ích cho tất cả chúng sinh trong thế gian.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nê Hoàn - Phẩm Mười Ba - Phẩm Như Lai Tánh - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội đầu - Phẩm Hai Mươi Bốn - Phẩm Thọ Giáo - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Pháp Thiền Bí Yếu - Phần Mười Ba
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội đầu - Phẩm Mười Chín - Phẩm Quán Hạnh - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh đại Trang Nghiêm Pháp Môn - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh Chánh Pháp Hoa - Phẩm Tám - Thọ Ký Năm Trăm đệ Tử - Phần Một