Phật Thuyết Kinh Trường Bộ - Kinh ðại Bát Niết Bàn - Phần Bảy

Kinh Nguyên thủy   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:03 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư An Thế Cao, Đời Hậu Hán

PHẬT THUYẾT KINH TRƯỜNG BỘ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

An Thế Cao, Đời Hậu Hán  

KINH ĐẠI BÁT NIẾT BÀN  

PHẦN BẢY  

Bạch Thế Tôn, con xin quy y Thế Tôn, quy y Pháp và quy y Tỳ Kheo Tăng. Mong con được xuất gia với Thế Tôn. Con xin thọ đại giới.

Này Subhadda, ai trước kia là ngoại đạo, nay muốn xuất gia muốn thọ đại giới trong pháp, luật này phải sống bốn tháng biệt trú.

Sau khi sống bốn tháng biệt trú, các vị Tỳ Kheo nếu đồng ý sẽ cho xuất gia, cho thọ đại giới để thành vị Tỳ Kheo. Nhưng ta nhận thấy cá tánh con người sai biệt nhau.

Bạch Thế Tôn, nếu những người xưa kia là ngoại đạo nay muốn xuất gia, muốn thọ đại giới trong pháp và luật này phải sống bốn tháng biệt trú.

Sau khi sống bốn tháng biệt thú, các vị Tỳ Kheo nếu đồng ý sẽ cho xuất gia, cho thọ đại giới, thời con sẽ xin sống biệt trú bốn năm, sau khi sống biệt trú bốn năm, nếu các vị Tỳ Kheo đồng ý, hãy cho con xuất gia, cho con thọ đại giới để thành vị Tỳ Kheo.

Và Thế Tôn nói với Tôn Giả A Nan Đa: Này Ananada, hãy xuất gia cho Subhadda.

Xin vâng, bạch Thế Tôn!

Tôn Giả A Nan Đa vâng lời Thế Tôn.

Du Sĩ ngoại đạo Subhadda nói với Tôn Giả A Nan Đa: Thật là lợi ích, thưa Tôn Giả A Nan Đa, thật là thiện lợi, thưa Tôn Giả A Nan Đa, được thọ lễ quán đảnh làm đệ tử trước mặt bậc Đạo Sư!

Và Du Sĩ ngoại đạo Subhadda được xuất gia, được thọ đại giới với Thế Tôn.

Thọ đại giới không bao lâu, Đại Đức Subhadda ở một mình, an tịnh, không phóng dật, tinh tấn, sống nhiệt tâm, cần mẫn.

Và không bao lâu, vị này chứng được mục đích tối cao mà con cháu các lương gia đã xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình hướng đến. Ðó là vô thượng phạm hạnh ngay trong hiện tại, tự giác chứng và an trú.

Sanh đã tận, phạm hạnh đã thành, những gì nên làm đã làm, sau đời này sẽ không có đời sống khác nữa. Và Đại Đức Subhadda trở thành một A La Hán nữa. Đại Đức là vị đệ tử cuối cùng được Thế Tôn tế độ.

Lúc bấy giờ, Thế Tôn nói với Tôn Giả A Nan Đa: Này A Nan Đa, nếu trong các ngươi có người nghĩ rằng: Lời nói của bậc Đạo Sư không còn nữa. Chúng ta không có Đạo Sư giáo chủ. Này A Nan Đa, chớ có những tư tưởng như vậy.

Này A Nan Đa, pháp và luật, ta đã giảng dạy và trình bày, sau khi ta diệt độ, chánh pháp và luật ấy sẽ là Đạo Sư của các ngươi.

Này A Nan Đa, nay các vị Tỳ Kheo xưng hô với nhau là Hiền Giả. Sau khi ta diệt độ, chớ có xưng hô như vậy.

Này A Nan Đa, vị Tỳ Kheo niên lão hãy gọi vị Tỳ Kheo niên thiếu, hoặc bằng tên, hoặc bằng họ, hoặc bằng tiếng Hiền Giả. Vị Tỳ Kheo niên thiếu, hãy gọi vị Tỳ Kheo niên lão là Thượng Tọa Bhante hay Đại Đức.

Này A Nan Đa, nếu Chúng Tăng muốn, sau khi ta diệt độ có thể hủy bỏ những học giới nhỏ nhặt chi tiết.

Này A Nan Đa, sau khi ta diệt độ, hãy hành tội Phạm đàn đối với Tỳ Kheo Channa.

Bạch Thế Tôn, thế nào là Phạm đàn?

Này A Nan Đa, Tỳ Kheo Channa muốn nói gì thì nói. Chúng Tỳ Kheo sẽ không nói, sẽ không giảng dạy, sẽ không giáo giới Tỳ Kheo Channa.

Rồi Thế Tôn nói với các Tỳ Kheo: Này các Tỳ Kheo, nếu có Tỳ Kheo nào nghi ngờ hay phân vân gì về Đức Phật, Pháp, Chúng Tăng, đạo hay phương pháp, thời này các Tỳ Kheo các người hãy hỏi đi.

Sau chớ có hối tiếc: Bậc Đạo Sư có mặt trước chúng ta mà chúng ta không tận mặt hỏi Thế Tôn. Khi được nói vậy, các Tỳ Kheo ấy im lặng.

Một lần thứ hai, Thế Tôn. Một lần thứ ba, Thế Tôn nói với các Tỳ Kheo: Này các Tỳ Kheo, nếu có một Tỳ Kheo có nghi ngờ hay phân vân gì về Đức Phật, Pháp, Chúng Tăng, đạo hay phương pháp, thời này các Tỳ Kheo, các ngươi hãy hỏi đi.

Sau chớ có hối tiếc: Bậc Đạo Sư có mặt trước chúng ta mà chúng ta không tận mặt hỏi Thế Tôn. Lần thứ ba, các Tỳ Kheo ấy giữ im lặng.

Rồi Thế Tôn nói với các Tỳ Kheo: Này các Tỳ Kheo, nếu có vị nào vì lòng kính trọng bậc Đạo Sư mà không hỏi, thời này các Tỳ Kheo, giữa bạn đồng tu, hãy hỏi nhau. Khi được nói vậy, những vị Tỳ Kheo ấy giữ im lặng.

Rồi Tôn Giả A Nan Đa bạch Thế Tôn: Bạch Thế Tôn, thật kỳ diệu thay, bạch Thế Tôn, thật hy hữu thay!

Bạch Thế Tôn, con tin rằng trong Chúng Tỳ Kheo này, không có một Tỳ Kheo nào có nghi ngờ hay phân vân gì đối với Phật, Pháp, Chúng Tăng, đạo hay phương pháp.

Này A Nan Đa, ngươi có tín nhiệm nên nói vậy. Nhưng ở đây, này A Nan Đa, Như Lai biết rằng trong chúng Tỳ Kheo này, không có một Tỳ Kheo nào có nghi ngờ hay phân vân gì đối với Phật, Pháp, Chúng Tăng, đạo hay phương pháp.

Này A Nan Đa, trong năm trăm Tỳ Kheo này, Tỳ Kheo thấp nhất đã chứng được quả Dự Lưu, không còn đọa lạc, chắc chắn hướng đến Chánh Giác.

Và Thế Tôn nói với các Tỳ Kheo: Này các Tỳ Kheo, nay ta khuyên dạy các ngươi: Các pháp hữu vi là vô thường, hãy tinh tấn, chớ có phóng dật. Ðó là lời cuối cùng Như Lai.

Rồi Thế Tôn nhập định Sơ Thiền.

Xuất Sơ Thiền, Ngài nhập Nhị Thiền.

Xuất Nhị thiền, Ngài nhập Tam Thiền.

Xuất Tam Thiền, Ngài nhập Tứ Thiền.

Xuất Tứ Thiền, Ngài nhập định không vô biên xứ.

Xuất Không vô biên xứ, Ngài nhập định thức vô biên xứ.

Xuất Thức vô biên xứ, Ngài nhập định vô sở hữu xứ.

Xuất Vô Sở hữu xứ, Ngài nhập định Phi tưởng phi phi tưởng xứ.

Xuất Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ, Ngài nhập diệt thọ tưởng định.

Khi ấy Tôn Giả A Nan Đa nói với Tôn Giả Anuruddha: Thưa Tôn Giả, Thế Tôn đã diệt độ.

Này Hiền Giả A Nan Đa, Thế Tôn chưa diệt độ. Ngài mới nhập diệt thọ tưởng định.

Rồi xuất Diệt thọ tưởng định, Ngài nhập Phi tưởng phi phi tưởng xứ định.

Xuất Phi tưởng phi phi tưởng xứ, Ngài nhập vô sở hữu xứ định.

Xuất Vô sở hữu xứ, Ngài nhập Thức vô biên xứ định.

Xuất thức Vô biên xứ, Ngài nhập hư không vô biên xứ định.

Xuất hư không vô biên xứ, Ngài nhập định Tứ Thiền.

Xuất Tứ Thiền, Ngài nhập định Tam Thiền.

Xuất Tam Thiền, Ngài nhập định Nhị Thiền.

Xuất Nhị thiền, Ngài nhập định Sơ Thiền.

Xuất Sơ Thiền, Ngài nhập định Nhị Thiền.

Xuất Nhị thiền, Ngài nhập định Tam Thiền.

Xuất Tam Thiền, Ngài nhập định Tứ Thiền.

Xuất Tứ Thiền, Ngài lập tức diệt độ.

Khi Thế Tôn diệt độ, cùng với sự diệt độ, đại địa chấn động khủng khiếp, râu tóc dựng ngược, sấm Trời vang động.

Khi Thế Tôn diệt độ, Phạm Thiên Sahampati, cùng lúc Ngài diệt độ, thốt lên bài kệ này: Chúng sanh ở trên đời, từ bỏ thân Ngũ Uẩn bậc Đạo Sư cũng vậy, Ðấng Tuyệt Luân trên đời.

Bậc đại hùng giác ngộ Như Lai đã diệt độ.

Khi Thế Tôn diệt độ, Thiên Chủ Sakka, cùng lúc Ngài diệt độ, thốt lên bài kệ này: Các hành là vô thường, có sanh phải có diệt đã sanh, chúng phải diệt, nhiếp chúng là an lạc.

Khi Thế Tôn diệt độ, Tôn Giả Anuruddha, cùng lúc Ngài diệt độ, thốt lên bài kệ này: Không phải thở ra vào chính tâm trú chánh định không tham ái tịch tịnh Tu Sĩ hướng diệt độ chính tâm tịnh bất động nhẫn chịu mọi cảm thọ như đèn sáng bị tắt tâm giải thoát hoàn toàn.

Khi Thế Tôn diệt độ, Tôn Giả A Nan Đa, cùng lúc Ngài diệt độ, thốt lên bài kệ này: Thật kinh khủng bàng hoàng, thật râu tóc dựng ngược, khi bậc toàn thiện năng, bậc giác ngộ nhập diệt.

Khi Thế Tôn diệt độ, những Tỳ Kheo chưa giải thoát tham ái, có vị thì khóc than với cánh tay duỗi cao, có vị thì khóc than, thân nằm nhoài dưới đất, lăn lộn qua lại: Thế Tôn nhập diệt quá sớm, Thiện Thệ nhập diệt quá sớm, pháp nhãn biến mất ở trên đời quá sớm.

Còn những Tỳ Kheo đã diệt trừ tham ái, những vị này an trú chánh niệm tỉnh giác, nhẫn nại, suy tư: Các hành là vô thường, làm sao tránh khỏi sự kiện ấy?

Lúc bấy giờ, Tôn Giả Anuruddha nói với các Tỳ Kheo: Thôi các Hiền Giả, chớ có sầu não, chớ có khóc than.

Này các Hiền Giả, phải chăng Thế Tôn đã tuyên bố ngay từ ban đầu rằng mọi vật ưu ái thân tình đều phải sanh biệt, tử biệt và dị biệt.

Này các Hiền Giả, làm sao có thể được như vậy: Những gì sanh, tồn tại, hữu vi, chịu sự biến hoại mà lại mong khỏi có sự biến dịch?

Thật không có sự trạng ấy.

Này các Hiền Giả, chính Chư Thiên đang trách đó.

Thưa Tôn giả Anuruddha, Tôn giả đang nghĩ đến hạng Chư Thiên nào?

Hiền Giả A Nan Đa, có hạng Chư Thiên ở trên hư không nhưng có tâm tư thế tục, những vị này khóc than với đầu bù tóc rối, khóc than với cánh tay duỗi cao, khóc than thân bổ nhoài dưới đất, lăn lộn qua lại: Thế Tôn nhập diệt quá sớm, Thiện Thệ nhập diệt quá sớm, pháp nhãn biến mất ở trên đời quá sớm.

Hiền Giả A Nan Đa, có hạng Chư Thiên ở trên đất với tâm tư thế tục, những vị này khóc than với đầu bù tóc rối, khóc than với cánh tay duỗi cao, khóc than thân nằm nhoài dưới đất, lăn lộn qua lại: Thế Tôn nhập diệt quá sớm, Thiện Thệ nhập diệt quá sớm, pháp nhãn biến mất ở trên đời quá sớm.

Còn những Chư Thiên diệt trừ ái dục, những vị này chánh niệm tỉnh giác, chịu đựng với tâm suy tư: Các hành là vô thường, làm sao có thể khác được?

Tôn Giả Anuruddha và Tôn Giả A Nan Đa luận bàn về Chánh Pháp suốt cả đêm còn lại.

Rồi Tôn Giả Anuruddha nói với Tôn Giả A Nan Đa: Hiền Giả A Nan Đa, hãy vào thành Kusinàrà: Này Vàsetthà, Thế Tôn đã diệt độ, hãy làm những gì các ngươi nghĩ phải làm.

Tôn Giả, xin vâng!

Tôn Giả A Nan Đa vâng lời Tôn Giả Anuruddha, buổi sáng đắp y, đem theo y bát cùng một thị giả, vào thành Kusinàrà.

Lúc bấy giờ, dân Mallà ở Kusinàrà đang tụ họp tại giảng đường vì một vài công vụ.

Tôn Giả A Nan Đa đến tại giảng đường của dân Mallà ở Kusinàrà, sau khi đến liền nói với dân Mallà ở Kusinàrà: Này Vàsetthà, Thế Tôn đã diệt độ, hãy làm những gì các ngươi nghĩ phải làm.

Dân Mallà cùng với con trai, con gái và vợ, khi nghe Tôn Giả A Nan Đa nói như vậy liền đau đớn sầu muộn, tâm tư khổ não, kẻ thì khóc than với đầu bù tóc rối, kẻ thì khóc than với cánh tay duỗi cao, kẻ thì khóc than thân bổ nhoài dưới đất, lăn lộn qua lại: Thế Tôn nhập diệt quá sớm, Thiện Thệ nhập diệt quá sớm, pháp nhãn biến mất ở trên đời quá sớm.

Rồi dân Mallà ở Kusinàrà ra lệnh cho những người làm: Các người hãy gom góp hương, tràng hoa và tất cả nhạc khí ở Kusinàrà.

Rồi dân Kusinàrà đem theo hương, tràng hoa, tất cả nhạc khí và năm trăm cuộn vải đi đến Upavattana, tại rừng Sàlà của dòng họ Mallà, đến tại chỗ thân Xá Lợi của Thế Tôn, rồi chúng ở lại cả ngày tôn trọng, cung kính, đảnh lễ, cúng dường thân Xá Lợi Thế Tôn với các điệu múa, hát, nhạc, tràng hoa, hương, làm những bảo cái bằng vải và tràng hoa Mandala.

Rồi dân Mallà ở Kusinàrà suy nghĩ: Hôm nay, nếu thiêu thân Xá Lợi Thế Tôn thời quá sớm. Ngày mai, chúng ta sẽ làm lễ thiêu thân Xá Lợi của Thế Tôn.

Rồi dân Mallà ở Kusinàrà, cả ngày thứ hai, tôn trọng, cung kính, đảnh lễ, cúng dường thân Xá Lợi Thế Tôn với các điệu múa, hát, nhạc, tràng hoa, hương, làm những bảo cái bằng vải và tràng hoa Mandala, ngày thứ ba cũng như vậy, ngày thứ tư cũng như vậy, ngày thứ năm cũng như vậy. Ngày thứ sáu cũng như vậy.

Ðến ngày thứ bảy, dân Mallà ở Kusinàrà suy nghĩ: Chúng ta đã tôn trọng, cung kính, đảnh lễ, cúng dường thân Xá Lợi Thế Tôn với các điệu múa hát, nhạc, tràng hoa, hương, nay chúng ta hãy chở thân xác Xá Lợi Thế Tôn ra ngoài thành về phía Nam và làm lễ thiêu thân tại chỗ ấy.

Lúc bấy giờ tám vị tộc trưởng Mallà gội đầu, mặc áo mới với ý định khiêng nổi thân Xá Lợi Như Lai nhưng khiêng không nổi được.

Các vị Mallà ở Kusinàrà bạch Tôn Giả Anuruddha: Bạch Tôn Giả, do nhân gì, do duyên gì tám vị tộc trưởng Mallà này gội đầu, mặc áo mới với ý định khiêng nổi thân Xá Lợi Như Lai, nhưng không khiêng nổi được?

Này Vàsetthà, vì ý định của các ngươi khác, ý định của Chư Thiên khác.

Bạch Tôn Giả, ý định của Chư Thiên là gì?

Này các Vàsetthà, ý định của các ngươi như sau: Chúng ta đã tôn trọng, cung kính, đảnh lễ, cúng dường thân Xá Lợi Thế Tôn với các điệu múa, hát, nhạc, tràng hoa, hương. Nay chúng ta hãy chở thân Xá Lợi Thế Tôn ra ngoài thành về phía Nam và làm lễ thiêu thân tại chỗ ấy.

Này các Vàsetthà, ý định của Chư Thiên như sau: Chúng ta đã tôn trọng, cung kính, đảnh lễ, cúng dường thân Xá Lợi Thế Tôn với các điệu múa, hát, nhạc, tràng hoa, hương của Chư Thiên, nay chúng ta hãy khiêng thân Xá Lợi Thế Tôn về hướng Bắc phía Bắc của thành.

Sau khi khiêng qua cửa phía Bắc, hãy khiêng qua trung tâm của thành, rồi hướng về phía Ðông, khiêng đến phía Ðông của thành.

Sau khi khiêng qua cửa phía Ðông, hãy khiêng đến phía Ðông của thành, tại đền của dân Mallà tên là Makuta bandhana và chúng ta sẽ thiêu thân Thế Tôn tại chỗ ấy.

Bạch Tôn Giả, ý định của Chư Thiên thế nào, ý định của chúng con cũng vậy.

Lúc ấy, khắp cả Kusinàrà cho đến đống bụi, đống rác, được rải la liệt lên đến đầu gối toàn hoa Mandaràva.

Rồi Chư Thiên và các dân Mallà ở Kusinàrà, sau khi đã tôn trọng, cung kính, đảnh lễ, cúng dường thân Xá Lợi Thế Tôn với các điệu múa, hát, nhạc, tràng hoa, hương của Chư Thiên và loài người, liền khiêng thân Xá Lợi Thế Tôn về phía Bắc của Thành.

Sau khi khiêng qua cửa phía Bắc, liền khiêng qua trung tâm của thành, rồi hướng về phía Ðông, khiêng đến phía Ðông của thành.

Sau khi khiêng qua cửa phía Ðông, liền khiêng đến phía Ðông của thành, tại đền của dân Mallà tên là Makuta bandhana và đặt thân Xá Lợi của Thế Tôn tại chỗ ấy.

Rồi dân Mallà bạch Tôn Giả A Nan Đa: Bạch Tôn Giả A Nan Đa, chúng con nay phải xử sự như thế nào đối với thân Xá Lợi Như Lai?

Này các Vàsetthà, xử sự thân Chuyển Luân Thánh Vương như thế nào, hãy xử sự thân Xá Lợi Như Lai như vậy.

Bạch Tôn Giả A Nan Đa, xử sự thân Chuyển Luân Thánh Vương phải như thế nào?

Này các Vàsetthà, thân Chuyển Luân Thánh Vương được vấn tròn với vải mới.

Sau khi vấn vải mới, lại được vấn thêm với vải gai bện.

Sau khi vấn với vải gai bện, lại vấn thêm với vải mới và tiếp tục như vậy cho đến năm trăm lớp cả hai loại vải. Rồi thân được đặt trong một hòm dầu bằng sắt, hòm sắt này được một hòm sắt khác đậy kín.

Xong một giàn hỏa gồm mọi loại hương được xây dựng lên, thân vị Chuyển Luân Thánh Vương được đem thiêu trên giàn hỏa này, và tại ngã tư đường, Tháp vị Chuyển Luân Thánh Vương này được xây dựng lên.

Này các Vàsetthà, đó là pháp táng thân của vị Chuyển Luân Thánh Vương.

Này các Vàsetthà, pháp táng thân của vị Chuyển Luân Thánh Vương như thế nào, pháp táng thân của Thế Tôn cũng như vậy. Tháp của Như Lai phải được dựng lên tại ngã tư đường.

Và những ai đem đến tại chỗ ấy vòng hoa, hương, hay hương bột nhiều màu, đảnh lễ Tháp hay khởi tâm hoan hỷ khi đứng trước mặt Tháp, thời những người ấy sẽ được lợi ích, hạnh phúc lâu dài.

Và các người Mallà ở Kusinàrà sai những người làm công: Hãy đem lại tất cả vải gai bện của Mallà. Rồi những người Mallà ở Kusinàrà vấn tròn thân Thế Tôn với vải mới. Sau khi vấn vải mới xong, lại vấn thêm với vải gai bện. Sau khi vấn với vải gai bện lại vấn thêm với vải mới và tiếp tục như vậy cho đến năm trăm lớp cả hai loại vải.

Rồi đặt thân Như Lai vào trong một hòm dầu bằng sắt, đậy hòm sắt này vào một hòm sắt khác, dựng lên một giàn hỏa gồm mọi loại hương và đặt thân Thế Tôn trên giàn hỏa.

Lúc bấy giờ, Tôn Giả Mahà Kassapa đang đi giữa đường từ Pàvà đến Kusinàrà với Đại Chúng Tỳ Kheo khoảng năm trăm vị.

Rồi Tôn Giả Mahà Kassapa bước xuống đường và đến ngồi tại một gốc cây. Lúc bấy giờ có một tà mạng ngoại đạo lấy một hoa Mandàrava ở Kusinàrà và đang đi trên một con đường đến Pàvà.

Tôn Giả Mahà Kassapa thấy tà mạng ngoại đạo đi từ đàng xa đến.

Thấy vậy, Tôn Giả liền hỏi tà mạng ngoại đạo ấy: Này Hiền Giả, Hiền Giả có biết bậc Đạo Sư chúng tôi không?

Này Hiền Giả, tôi có biết. Sa Môn Gotama đã diệt độ cách hôm nay một tuần. Từ chỗ ấy, tôi được hoa Mandàrava này.

Lúc ấy những Tỳ Kheo chưa giải thoát tham ái, có vị thì khóc than với cánh tay duỗi cao, có vị thì khóc than, thân nằm nhoài dưới đất, lăn lộn qua lại: Thế Tôn nhập diệt quá sớm, Thiện Thệ nhập diệt quá sớm, pháp nhãn biến mất ở trên đời quá sớm.

Còn những Tỳ Kheo đã diệt trừ tham ái, những vị này an trú chánh niệm, tỉnh giác, nhẫn nại suy tư: Các hành là vô thường, làm sao tránh khỏi sự kiện ấy?

Lúc bấy giờ, Subhadda được xuất gia khi đã lớn tuổi đang ngồi trong hội chúng này.

Subhadda được xuất gia khi đã lớn tuổi nói với những Tỳ Kheo ấy: Thôi các Hiền Giả, chớ có sầu não, chớ có khóc than.

Chúng ta đã được thoát khỏi hoàn toàn vị Ðại Sa Môn ấy, chúng ta đã bị phiền nhiễu quấy rầy với những lời: Làm như thế này không hợp với các ngươi. Làm như thế này hợp với các ngươi. Nay những gì chúng ta muốn, chúng ta làm, những gì chúng ta không muốn, chúng ta không làm.

Tôn Giả Mahà Kassapa mới nói với các vị Tỳ Kheo: Thôi các Hiền Giả, chớ có sầu não, chớ có khóc than.

Này các Hiền Giả, phải chăng Thế Tôn đã tuyên bố ngay từ ban đầu rằng mọi vật ưu ái thân tình đều phải bị sanh biệt, tử biệt và dị biệt.

Này các Hiền Giả, làm sao có thể được như vậy: Những gì sanh, tồn tại, hữu vi, chịu sự biến hoại mà lại mong khỏi có sự biến dịch?

Thật không có sự trạng ấy.

Lúc bấy giờ bốn vị tộc trưởng Mallà gội đầu, mặc áo mới với ý định châm lửa thiêu giàn hỏa Thế Tôn nhưng châm lửa không cháy.

Các vị Mallà ở Kusinàrà bạch Tôn Giả Anuruddha: Bạch Tôn Giả, do nhân gì, do duyên gì, bốn vị tộc trưởng Mallà này gội đầu, mặc áo mới với ý định châm lửa thiêu giàn hỏa Thế Tôn, nhưng châm lửa không cháy?

Này các Vàsetthà, ý định của Chư Thiên khác.

Bạch Tôn Giả, ý định của Chư Thiên như thế nào?

Này các Vàsetthà, ý định của Chư Thiên như sau: Tôn Giả Mahà Kassapa nay đang đi giữa đường giữa Pàvà và Kusinàrà cùng với đại chúng Tỳ Kheo khoảng năm trăm vị.

Giàn hỏa Thế Tôn chỉ được đốt cháy khi Tôn Giả Mahà Kassapa cúi đầu đảnh lễ Thế Tôn.

Bạch Tôn Giả, ý định Chư Thiên như thế nào, hãy làm y như vậy.

Rồi Tôn Giả Mahà Kassapa đến tại đền Makuta Bandhana của những vị Mallà tại giàn hỏa Thế Tôn, khi đến xong liền choàng áo phía một bên vai, chấp tay, đi nhiễu phía tay phải xung quanh giàn hỏa ba lần, cởi mở chân ra và cúi đầu đảnh lễ chân Thế Tôn.

Năm trăm vị Tỳ Kheo ấy choàng áo phía một bên vai, chấp tay, đi nhiễu qua phía tay phải xung quanh giàn hỏa ba lần và cúi đầu đảnh lễ chân Thế Tôn.

Và khi Tôn Giả Mahà Kassapa và năm trăm vị Tỳ Kheo đảnh lễ xong, thời giàn hỏa Thế Tôn tự bắt lửa cháy.

Khi thân Thế Tôn đã cháy, từ da ngoài cho đến da mỏng, thịt, dây gân hay nước giữa các khớp xương, thảy đều cháy sạch không có tro, không có than, chỉ có xương Xá Lợi còn lại.

Như sanh tô hay dầu bị cháy, tất cả đều cháy sạch không có tro, không có than, cũng vậy khi thân Thế Tôn cháy, từ da ngoài cho đến da mỏng, thịt, dây gân hay nước giữa khớp xương, tất cả đều cháy sạch không có tro, không có than, chỉ có xương Xá Lợi còn lại.

Và năm trăm tầng lớp vải gai bện, cả hai lớp trong nhất và lớp ngoài nhất đều bị cháy thiêu.

Khi thân Thế Tôn bị thiêu cháy xong, một dòng nước từ hư không chảy xuống tưới tắt giàn hỏa Thế Tôn, và một dòng nước từ kho nước hay từ cây sàlà phun lên tưới tắt giàn hỏa Thế Tôn, và các người Mallà ở Kusinàrà dùng nước với mọi loại hương tưới tắt giàn hỏa Thế Tôn.

Rồi các người Mallà xứ Kusinàrà đặt Xá Lợi Thế Tôn trong giảng đường, dùng cây thương làm hàng rào, dùng cây cung làm bức thành xung quanh và trong bảy ngày tôn trọng, cung kính, đảnh lễ, cúng dường với các điệu múa, hát, nhạc, vòng hoa, hương.

Vua nước Magadha tên là Ajàtasattu Vedehiputta nghe tin Thế Tôn đã diệt độ ở Kusinàrà.

Vua liền gởi một sứ giả đến các người Mallà ở Kusinàrà: Thế Tôn là người Sát Đế Lỵ, ta cũng là người Sát Đế Lỵ. Ta cũng xứng đáng được một phần Xá Lợi Thế Tôn, ta cũng dựng Tháp và tổ chức nghi lễ đối với Xá Lợi Thế Tôn.

Những người Licchavì ở Vesàli nghe tin Thế Tôn đã diệt độ ở Kusinàrà liền gởi một sứ giả đến các người Mallà ở Kusinàrà: Thế Tôn là người Sát Đế Lỵ, chúng tôi cũng là người Sát Đế Lỵ. Chúng tôi cũng xứng đáng được phần Xá Lợi Thế Tôn. Chúng tôi cũng dựng Tháp và tổ chức nghi lễ đối với Xá Lợi Thế Tôn.

Các người Sakyà ở Kapilavatthu nghe tin Thế Tôn đã diệt độ ở Kusinàrà, liền gởi một sứ giả đến các người Mallà ở Kusinàrà: Thế Tôn là người Sát Đế Lỵ, chúng tôi cũng là người Sát Đế Lỵ. Chúng tôi cũng xứng đáng được một phần Xá Lợi Thế Tôn. Chúng tôi cũng sẽ dựng Tháp và tổ chức các nghi lễ với Xá Lợi Thế Tôn.

Những người Buli ở Allakappa nghe tin Thế Tôn đã diệt độ ở Kusinàrà, liền gởi một sứ giả đến các người Mallà ở Kusinàrà: Thế Tôn là người Sát Đế Lỵ, chúng tôi cũng là người Sát Đế Lỵ. Chúng tôi cũng xứng đáng được một phần Xá Lợi Thế Tôn. Chúng tôi cũng sẽ dựng Tháp và tổ chức các nghi lễ đối với Xá Lợi Thế Tôn.

Những người Koli ở Rãmagãma nghe tin Thế Tôn đã diệt độ ở Kusinàrà, liền gởi một sứ giả đến các người Mallà ở Kusinàrà: Thế Tôn là người Sát Đế Lỵ, chúng tôi cũng là người Sát Đế Lỵ. Chúng tôi cũng xứng đáng được một phần Xá Lợi Thế Tôn. Chúng tôi cũng sẽ dựng Tháp và tổ chức các nghi lễ đối với Xá Lợi Thế Tôn.

Bà La Môn Vethadìpaka nghe tin Thế Tôn đã diệt độ ở Kusinàrà, liền gởi một sứ giả đến các người Mallà ở Kusinàrà: Thế Tôn là người Sát Đế Lỵ, tôi là người Bà La Môn. Tôi cũng xứng đáng được một phần Xá Lợi Thế Tôn. Tôi cũng sẽ dựng Tháp và tổ chức các nghi lễ đối với Xá Lợi Thế Tôn.

Các người Mallà ở Pàvà nghe tin Thế Tôn đã diệt độ liền gửi một sứ giả đến các người Mallà ở Kusinàrà: Thế Tôn là người Sát Đế Lỵ, chúng tôi cũng là người Sát Đế Lỵ. Chúng tôi cũng xứng đáng được một phần Xá Lợi Thế Tôn. Chúng tôi cũng sẽ dựng Tháp và tổ chức các nghi lễ đối với Xá Lợi Thế Tôn.

Khi được nói vậy, các người Mallà ở Kusinàrà liền tuyên bố giữa đại chúng: Thế Tôn đã diệt độ tại làng vườn của chúng tôi, chúng tôi sẽ không cho phần Xá Lợi nào của Thế Tôn.

Khi nghe vậy, Bà La Môn Dona nói với chúng: Tôn Giả, hãy nghe lời tôi nói!

Phật dạy chúng ta phải kham nhẫn. Thật không tốt nếu có tranh giành. Khi chia Xá Lợi bậc Thượng nhân. Chúng ta hãy đoàn kết nhất tâm, hoan hỷ chia Xá Lợi tám phần. Chúng ta hãy dựng Tháp mọi phương, đại chúng mười phương tin pháp nhãn.

Này Tôn Giả Bà La Môn, Ngài hãy phân chia Xá Lợi ra tám phần đồng đều.

Xin vâng, các Tôn Giả!

Bà La Môn Dona vâng lời hội chúng ấy, phân chia Xá Lợi Thế Tôn thành tám phần đồng đều rồi thưa hội chúng: Các Tôn Giả, hãy cho tôi cái bình dùng để đong chia Xá Lợi này. Tôi sẽ dựng Tháp và tổ chức các nghi lễ cho cái bình. Và hội chúng ấy tặng Bà La Môn Dona cái bình.

Và người Moriyà ở Pipphalivana nghe tin Thế Tôn đã diệt độ liền gởi một sứ giả đến các người Mallà ở Kusinàrà: Thế Tôn là người Sát Đế Lỵ, chúng tôi cũng là người Sát Đế Lỵ. Chúng tôi cũng xứng đáng được hưởng một phần Xá Lợi Thế Tôn.

Chúng tôi cũng sẽ dựng Tháp và tổ chức các nghi lễ đối với Xá Lợi Thế Tôn. Nay không còn phần Xá Lợi Thế Tôn nào.

Xá Lợi Thế Tôn đã được phân chia, hãy lấy tro còn lại. Rồi các vị này lấy than tro còn lại.

Và vua nước Magadha tên là Ajàtasattu, con bà Vi Đề Hi xây dựng Tháp trên Xá Lợi Thế Tôn tại Vương Xá và tổ chức lễ cúng dường.

Những người Licchavi ở Vesàli cũng xây dựng Tháp trên Xá Lợi Thế Tôn tại Vesàli và tổ chức lễ cúng dường.

Những người Sakya ở Kapilavatthu cũng xây dựng trên Xá Lợi Thế Tôn tại Kapilavatthu và tổ chức lễ cúng dường.

Những người Buli ở Allakappa cũng xây dựng Tháp trên Xá Lợi Thế Tôn tại Allakappa và tổ chức lễ cúng dường.

Những người Koli ở Ràmagama cũng xây dựng Tháp trên Xá Lợi Thế Tôn tại Ràmagama và tổ chức lễ cúng dường.

Bà La Môn Vethadìpaka cũng xây dựng Tháp trên Xá Lợi Thế Tôn tại Vethadìpa và tổ chức lễ cúng dường.

Những người Mallà ở Pàvà cũng xây dựng Tháp trên Xá Lợi Thế Tôn tại Pàvà và tổ chức lễ cúng dường.

Những người Màllà ở Kusinàrà cũng xây dựng Tháp trên Xá Lợi Thế Tôn tại Kusinàrà và tổ chức lễ cúng dường.

Bà La Môn Dona cũng xây dựng Tháp trên bình dùng để đong chia Xá Lợi và tổ chức lễ cúng dường.

Những người Moriyà ở Pipphalivana cũng xây dựng Tháp trên những than tro và tổ chức lễ cúng dường.

Như vậy có tám Tháp Xá Lợi, Tháp thứ chín trên bình dùng để đong chia Xá Lợi và Tháp thứ mười trên tro Xá Lợi.

Ðó là truyền thống thời xưa như vậy.

Ðấng Pháp Nhãn Vô Thượng Xá Lợi phân tám phần.

Bảy phần được cúng dường. Tại Jambudìpa.

Một phần Long Vương cúng. Tại Ràmagàma.

Một răng Phật được cúng, Tại Cõi Tam Thiên Giới, một tại Gandhàra, một tại Kalinga. Một răng, Vua Long Vương. Tự mình riêng cúng dường.

Quả đất được chói sáng, Với hào quang Xá Lợi, với lễ vật cúng dường. Hạng Thượng Phẩm, thượng đẳng.

Xá Lợi đấng pháp nhãn. Như vậy được cúng dường, bởi những bậc tôn trọng cung kính lễ cúng dường, bởi những bậc tôn trọng cung kính lễ cúng dường.

Bởi Thiên, Long, Nhân chủ, bởi bậc tối Thượng Nhân. Các người hãy chắp tay, cung kính lễ cúng dường. Khó thay sự chiêm ngưỡng.

Tôn nhân bậc Như Lai. Trải nhiều nhiều trăm kiếp, may lắm được một phần.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Sáu

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Năm

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Bốn

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Ba

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Hai

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Một

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường