Phật Thuyết Kinh Trường Bộ - Kinh ðại Bổn - Phần Hai

Kinh Nguyên thủy   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:03 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư An Thế Cao, Đời Hậu Hán

PHẬT THUYẾT KINH TRƯỜNG BỘ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

An Thế Cao, Đời Hậu Hán  

KINH ĐẠI BỔN  

PHẦN HAI  

Đại Vương, Hoàng Tử này có lòng bàn chân bằng phẳng, tướng này được xem là tướng tốt của bậc Ðại Nhân.

Đại Vương, dưới hai bàn chân của Hoàng Tử này, có hiện ra hình bánh xe, với ngàn tăm xe, với trục xe, vành xe, với các bộ phận hoàn toàn đầy đủ, tướng này được xem là tướng của bậc Ðại Nhân.

Đại Vương, Hoàng Tử này có gót chân thon dài như trước.

Đại Vương, Hoàng Tử này có ngón tay, ngón chân dài.

Đại Vương, Hoàng Tử này có tay chân mềm mại.

Đại Vương, Hoàng Tử này có tay chân có màn da lưới.

Đại Vương, Hoàng Tử này có mắt cá tròn như con sò.

Đại Vương, Hoàng Tử này có ống chân như con dê rừng.

Đại Vương, Hoàng Tử này đứng thẳng, không co lưng xuống có thể rờ từ đầu gối với hai bàn tay.

Đại Vương, Hoàng Tử này có tướng mã âm tàng.

Đại Vương, Hoàng Tử này có màu da như đồng, màu sắc như vàng.

Đại Vương, Hoàng Tử này có da trơn mướt khiến bụi không thể bám dính vào.

Đại Vương, Hoàng Tử này có lông da mọc từ lông một, mỗi lỗ chân lông có một lông.

Đại Vương, Hoàng Tử này có lông mọc xoáy tròn thẳng lên, mỗi sợi lông đều vậy, màu xanh đậm như thuốc bôi mắt, xoáy lên từng xoáy tròn nhỏ, và xoáy về hướng mặt.

Đại Vương, Hoàng Tử này có thân hình cao thẳng.

Đại Vương, Hoàng Tử này có bảy chỗ tròn đầy.

Đại Vương, Hoàng Tử này có nửa thân trước như con sư tử.

Đại Vương, Hoàng Tử này không có lõm khuyết giữa hai vai.

Đại Vương, Hoàng Tử này có thân thể cân đối như cây bàng nigrodha Ni Câu Luật. Bề cao của thân ngang bằng bề dài của hai tay sải rộng, bề dài của hai tay sải rộng ngang bằng bề cao của thân.

Đại Vương, Hoàng Tử này có bán thân trên vuông tròn.

Đại Vương, Hoàng Tử này có vị giác hết sức sắc bén.

Đại Vương, Hoàng Tử này có quai hàm như con sư tử.

Đại Vương, Hoàng Tử này có bốn mươi răng.

Đại Vương, Hoàng Tử này có răng đều đặn.

Đại Vương, Hoàng Tử này có răng không khuyết hở.

Đại Vương, Hoàng Tử này có răng cửa thái xỉ trơn láng.

Đại Vương, Hoàng Tử này có tướng lưỡi rộng dài.

Đại Vương, Hoàng Tử này có giọng nói tuyệt diệu như tiếng chim Ca Lăng Tần Già Karavika.

Đại Vương, Hoàng Tử này có hai mắt màu xanh đậm.

Đại Vương, Hoàng Tử này có lông mi con bò cái.

Đại Vương, Hoàng Tử này giữa hai lông mày, có sợi lông trắng mọc lên, mịn màng như bông nhẹ.

Đại Vương, Hoàng Tử này có nhục kế trên đầu, tướng này được xem là tướng tốt của bậc Ðại Nhân.

Đại Vương, Hoàng Tử có đầy đủ ba mươi hai tướng tốt của bậc Ðại Nhân, với ba mươi hai tướng tốt này, Hoàng Tử sẽ chọn đi hai con đường, không có con đường nào khác.

Nếu sống tại gia đình, Hoàng Tử sẽ trở thành Vua Chuyển Luân Thánh Vương, đem lại an toàn cho Quốc Độ, đầy đủ bảy món báu.

Bảy món báu trở thành sở hữu của Ngài, tức là xe báu, voi báu, ngựa báu, ngọc báu, nữ báu, cư sĩ báu, và thứ bảy là tướng quân báu.

Vị này có đến hơn một ngàn Thái Tử, những bậc anh hùng, lực sĩ, chinh phục quân thù.

Vị này chinh phục quả đất này cho đến hải biên và trị nước với chánh pháp, không dùng trượng, không dùng đao. Nếu Hoàng Tử từ bỏ gia đình, xuất gia sống không gia đình, Hoàng Tử sẽ thành bậc A La Hán, Chánh Ðẳng Giác, vén lui màn vô minh che đời.

Này các Tỳ Kheo, Vua Bandhumà ra lệnh cúng dường các vị Bà La Môn đoán tướng ấy, các áo vải mới và làm thỏa mãn mọi sự đòi hỏi ước muốn.

Này các Tỳ Kheo, rồi Vua Bandhumà ra lệnh cúng dường vị các vị Bà La Môn đoán tướng ấy, các áo vải mới và làm thỏa mãn mọi sự đòi hỏi ước muốn.

Này các Tỳ Kheo, rồi Vua Bandhumà cho nuôi những người vú cho Hoàng Tử Vipassì.

Người cho bú, người tắm, người lo bồng ẵm, người mang trên nách.

Này các Tỳ Kheo, một lọng trắng ngày đêm được che trên Hoàng Tử Vipassì, và lệnh được truyền ra: Không được để lạnh hay nóng, cỏ, bụi, hay sương làm phiền Hoàng Tử. Hoàng Tử Vipassì được mọi người âu yếm.

Này các Tỳ Kheo, cũng như hoa sen xanh, hoa sen hồng, hay hoa sen trắng được mọi người yêu thích. Cũng vậy, này các Tỳ Kheo, Hoàng Tử Vipassì được mọi người âu yếm, gần như được ẵm từ nách này qua nách người khác.

Này các Tỳ Kheo, khi hoàng tử Vipassì được sinh ra, hoàng tử phát âm rất là tuyệt diệu, âm vận điều hòa, dịu ngọt và hấp dẫn.

Này các Tỳ Kheo, giống như con chim Ca Lăng Tần Già sinh trong núi Hy Mã Lạp Sơn, giọng chim rất là tuyệt diệu, âm vận điều hòa, dịu ngọt và hấp dẫn. Cũng vậy này các Tỳ Kheo, Hoàng Tử Vipassì phát âm rất là tuyệt diệu, âm vận điều hòa, dịu ngọt và hấp dẫn.

Này các Tỳ Kheo, khi Hoàng Tử Vipassì sanh ra, thiên nhãn hiện ra với Ngài, do nghiệp báo sanh, và nhờ thiên nhãn ấy, Ngài có thể nhìn khắp chung quanh đến một do tuần, ban ngày cũng như ban đêm.

Này các Tỳ Kheo, khi Hoàng Tử Vipassì sanh ra, Ngài nhìn thẳng sự vật với cặp mắt không nhấp nháy, như hàng Thiên ở Tam Thập Tam Thiên. Vì Hoàng Tử Vipassì nhìn không nhấp nháy, nên này các Tỳ Kheo, Hoàng Tử được gọi tên là Vipassì Vị đã nhìn thấy.

Này các Tỳ Kheo, khi Vua Bandhumà ngồi xử kiện, Vua cho đặt Hoàng Tử Vipassì ngồi bên nách mình để xử kiện.

Này các Tỳ Kheo, Hoàng Tử Vipassì ngồi bên nách Vua cha như vậy và chú tâm quan sát phương thức xử kiện đến nỗi tự mình cũng có thể phán đoán xử kiện.

Này các Tỳ Kheo, do Hoàng Tử Vipassì có thể quan sát và xử kiện đúng luật pháp và danh từ Vipassì càng được dùng để đặt tên cho Ngài.

Này các Tỳ Kheo, rồi Vua Bandhumà cho xây dựng ba tòa lâu đài cho Hoàng Tử Vipassì, một cho mùa mưa, một cho mùa đông, một cho mùa lạnh, và năm món dục lạc đều được chuẩn bị đầy đủ.

Này các Tỳ Kheo, Hoàng Tử Vipassì sống bốn tháng mưa trong lâu đài dành cho mùa mưa, được hầu hạ mua vui với các nữ nhạc sĩ, và không một lần nào, Ngài bước xuống khỏi lầu.

Này các Tỳ Kheo, Hoàng Tử Vipassì, sau thời gian nhiều năm, nhiều trăm năm, nhiều ngàn năm, cho gọi người đánh xe: Này khanh, hãy cho thắng các cỗ xe thù thắng, chúng ta sẽ đi đến vườn Ngự Uyển để xem phong cảnh thưa vâng, Hoàng Tử.

Này các Tỳ Kheo, người đánh xe vâng lời Hoàng Tử Vipassì, cho thắng các cỗ xe thù thắng rồi bạch Hoàng Tử Vipassì: Tâu Hoàng Tử, các cỗ xe thù thắng đã thắng xong. Hãy làm những gì Hoàng Tử xem là hợp thời.

Này các Tỳ Kheo, lúc bấy giờ Hoàng Tử Vipassì leo lên cỗ xe thù thắng và cùng với các cỗ xe thù thắng khác, tiến đến vườn Ngự Uyển.

Này các Tỳ Kheo, Hoàng Tử Vipassì trên đường đi đến vườn Ngự Uyển, thấy một người già nua, lưng còng như nóc nhà, chống gậy, vừa đi vừa run rẩy, khổ não, không còn đâu là tuổi trẻ.

Thấy vậy Hoàng Tử hỏi người đánh xe:

Này khanh, người đó là ai vậy?

Sao thân người đó không giống các người khác?

Tâu Hoàng Tử, người đó là một người được gọi là già vậy.

Này khanh, sao người ấy được gọi là một người già?

Tâu Hoàng Tử, người ấy gọi là già vì nay người ấy sống không bao lâu nữa.

Này khanh, vậy rồi ta có bị già không, một người chưa qua tuổi già?

Tâu Hoàng Tử, Hoàng Tử và cả con nữa, chúng ta tất cả sẽ bị già nua, dầu chúng ta chưa qua tuổi già!

Này khanh, thôi nay thăm vườn Ngự Uyển như vậy là vừa rồi. Hãy cho đánh xe trở về cung.

Thưa vâng, Hoàng Tử!

Này các Tỳ Kheo, người đánh xe vâng theo lời Hoàng Tử, cho đánh xe trở về cung.

Này các Tỳ Kheo, Hoàng Tử Vipassì về trong cung, đau khổ, sầu muộn và suy nghĩ.

Sỉ nhục thay, cái gọi là sanh!

Và ai sanh ra cũng phải già yếu như vậy!

Này các Tỳ Kheo, khi ấy Vua Bandhumà cho gọi người đánh xe và hỏi:

Này khanh, Hoàng Tử có vui vẻ không, tại vườn Ngự Uyển?

Này khanh, Hoàng Tử có hoan hỷ không, tại vườn Ngự Uyển?

Tâu Đại Vương, Hoàng Tử không có vui vẻ tại vườn Ngự Uyển.

Tâu Đại Vương, Hoàng Tử không có hoan hỷ, tại vườn Ngự Uyển.

Này khanh, khi đến vườn Ngự Uyển, Hoàng Tử đã thấy gì?

Tâu Đại Vương, Hoàng Tử trong khi đi đến vườn Ngự Uyển, thấy một người già nua, lưng còng như nóc nhà, chống gậy vừa đi vừa run rẩy, khổ não không còn đâu là tuổi trẻ.

Thấy vậy, Hoàng Tử hỏi con:

Này khanh, người đó là ai vậy?

Sao tóc người đó không giống các người khác?

Sao thân người đó không giống các người khác?

Tâu Hoàng Tử, người ấy được gọi là vậy

Này khanh, sao người ấy được gọi là người già?

Tâu Hoàng Tử, người ấy gọi là già, vì nay người ấy sống không bao lâu nữa.

Này khanh, vậy rồi ta có phải bị già không, một người chưa qua tuổi già?

Tâu Hoàng Tử, Hoàng Tử và cả con nữa, chúng ta tất cả sẽ bị già nua, dầu chúng ta chưa qua tuổi già. Này khanh, thôi nay thăm vườn Ngự Uyển như vậy vừa rồi. Hãy cho đánh xe trở về cung.

Thưa vâng, Hoàng Tử!

Tâu Đại Vương, con vâng lời Hoàng Tử Vipassì, cho đánh xe trở về cung.

Tâu Đại Vương, Hoàng Tử trở về cung, đau khổ, sầu muộn và suy nghĩ.

Sỉ nhục thay, cái gọi là sanh. Và ai sanh ra cũng phải già yếu như vậy.

Này các Tỳ Kheo, khi ấy Vua Bandhumà suy nghĩ: Không thể để cho Hoàng Tử Vipassì từ chối không trị vì. Không thể để cho Hoàng Tử Vipassì xuất gia. Không thể để cho lời của các vị Bà La Môn đoán tướng trở thành sự thật.

Này các Tỳ Kheo, rồi Vua Bandhumà lại sắp đặt cho Hoàng Tử Vipassì đầy đủ năm món dục lạc nhiều hơn nữa, để Hoàng Tử Vipassì có thể trị vì, để Hoàng Tử Vipassì khỏi phải xuất gia, để cho lời các vị Bà La Môn đoán tướng không trúng sự thật.

Và, này các Tỳ Kheo, Hoàng Tử Vipassì sống tận hưởng đầy đủ sung túc năm món dục lạc.

Này các Tỳ Kheo Hoàng Tử Vipassì, sau thời gian nhiều năm, nhiều trăm năm, nhiều ngàn năm cho gọi người đánh xe tương tự như đoạn Kinh ở trên.

Này các Tỳ Kheo, Hoàng Tử Vipassì, khi đang đi đến vườn Ngự Uyển, thấy một người bệnh hoạn, khổ não, nguy kịch, bò lết trong tiểu tiện, đại tiện của mình, cần có người khác nâng đỡ, cần có người khác dìu dắt. Thấy vậy, Hoàng Tử hỏi người đánh xe.

Này khanh, người này đã làm gì, mà mắt của nó không giống mắt của những người khác, giọng nói của nó không giống giọng nói của những người khác?

Tâu Hoàng Tử, đó là một người được gọi là một người bệnh vậy.

Này khanh, sao người ấy được gọi là một người bệnh?

Tâu Hoàng Tử, người ấy được gọi là một người bệnh vì người ấy chưa thoát khỏi căn bệnh của mình.

Này khanh, vậy rồi ta có bị bệnh không, một người chưa bị bệnh?

Tâu Hoàng Tử, Hoàng Tử và cả con nữa, tất cả chúng ta sẽ bị bệnh tật, dầu chúng ta chưa bị bệnh tật. Này khanh, thôi nay thăm vườn Ngự Uyển như vậy vừa rồi. Hãy cho đánh xe trở về cung.

Thưa vâng, Hoàng Tử!

Này các Tỳ Kheo, người đánh xe vâng theo lời Hoàng Tử cho đánh xe trở về cung.

Này các Tỳ Kheo, Hoàng Tử Vipassì về trong cung, đau khổ, sầu muộn và suy nghĩ: Sỉ nhục thay, cái gọi là sanh! Và ai sanh ra, cũng phải già, cũng phải bệnh!

Này các Tỳ Kheo, khi ấy Vua Bandhumà cho gọi người đánh xe và hỏi:

Này khanh, Hoàng Tử có vui vẻ không tại vườn Ngự Uyển?

Hoàng Tử có hoan hỷ không tại vườn Ngự Uyển?

Tâu Đại Vương, Hoàng Tử không có vui vẻ tại vườn Ngự Uyển.

Tâu Đại Vương, Hoàng Tử không có hoan hỷ tại vườn Ngự Uyển.

Này khanh, khi đi đến vườn Ngự Uyển, Hoàng Tử đã thấy gì?

Tâu Đại Vương, Hoàng Tử trong khi đến vườn Ngự Uyển thấy một người bệnh hoạn, khổ não, nguy kịch, bò lết trong tiểu tiện, đại tiện của mình, cần có người khác nâng đỡ, cần có người khác dìu dắt.

Thấy vậy, Hoàng Tử hỏi con: Này khanh, người đó đã làm gì mà mắt của nó không giống mắt của người khác, giọng nói của nó không giống giọng nói của những người khác?

Tâu Hoàng Tử, đó là một người được gọi là môt người bệnh.

Vậy: Này khanh, sao người ấy được gọi là một người bệnh?

Tâu Hoàng Tử, người ấy được gọi là người bệnh, vì người ấy chưa khỏi căn bệnh của mình!

Này khanh, vậy rồi ta có bị bệnh không, môt người chưa bị bệnh?

Tâu Hoàng Tử, Hoàng Tử và cả con nữa, tất cả chúng ta sẽ bị bệnh tật, dầu chúng ta chưa bị bệnh tật.

Này khanh, thôi nay thăm vườn Ngự Uyển như vậy vừa rồi. Hãy cho đánh xe trở về cung.

Thưa vâng, Hoàng Tử! Con vâng theo lời Hoàng Tử cho đánh xe trở về cung!

Tâu Đại Vương, Hoàng Tử về trong cung, đau khổ, sầu muộn và suy nghĩ: Sỉ nhục thay, cái gọi là sanh! Và ai sanh ra, cũng phải già, cũng phải bệnh!

Này các Tỳ Kheo, khi ấy Vua Bandhumà suy nghĩ: Không thể để cho Hoàng Tử Vipassì từ chối không trị vì! Không thể để cho Hoàng Tử Vipassì xuất gia!

Không thể để cho lời của các vị Bà La Môn đoán tướng trở thành sự thật.

Này các Tỳ Kheo, rồi Vua Bandhuma, lại sắp đặt cho Hoàng Tử Vipassì đầy đủ năm món dục lạc nhiều hơn nữa, để Hoàng Tử Vipassì có thể trị vì, để Hoàng Tử Vipassì không thể xuất gia, để cho lời các vị Bà La Môn đoán tướng không trúng sự thật.

Và này các Tỳ Kheo, Hoàng Tử Vipassì sống tận hưởng, đầy đủ, sung túc năm món dục lạc.

Này các Tỳ Kheo, Hoàng Tử Vipassì, sau thời gian nhiều năm, nhiều trăm năm, nhiều ngàn năm, cho gọi người đánh xe: Này khanh, hãy cho thắng các cỗ xe thù thắng, chúng ta sẽ đi đến vườn Ngự Uyển để xem phong cảnh.

Thưa vâng, Hoàng Tử!

Này các Tỳ Kheo, người đánh xe vâng lời Hoàng Tử Vipassì, cho thắng các cỗ xe thù thắng rồi bạch Hoàng Tử Vipassì: Tâu Hoàng Tử, các cỗ xe thù thắng đã thắng xong. Hãy làm những gì Hoàng Tử xem là hợp thời.

Này các Tỳ Kheo, lúc bấy giờ Hoàng Tử Vipassì leo lên cỗ xe thù thắng và cùng với các cỗ xe thù thắng khác, tiến đến vườn Ngự Uyển.

Này các Tỳ Kheo, Hoàng Tử Vipassì trên đường đi đến vườn Ngự Uyển, thấy một số đông người, mặc sắc phục khác nhau, và đang dựng một dàn hỏa táng.

Thấy vậy, Hoàng Tử hỏi người đánh xe: Này khanh, vì sao đám đông người ấy mặc sắc phục khác nhau và đang dựng một dàn hỏa táng?

Tâu Hoàng Tử, vì có một người vừa mới mệnh chung.

Này khanh, vậy ngươi hãy đánh xe đến gần người vừa mới mệnh chung!

Thưa vâng, tâu Hoàng Tử!

Này các Tỳ Kheo, người đánh xe vâng theo lời Hoàng Tử, cho đánh xe đến người vừa mới mệnh chung.

Này các Tỳ Kheo, khi thấy thây người chết, Hoàng Tử Vipassì hỏi: Này khanh, sao người ấy được gọi là người đã chết?

Tâu Hoàng Tử, người ấy được gọi là người đã chết vì nay bà mẹ, ông cha, các người bà con ruột thịt khác không thấy người ấy nữa.

Và người ấy cũng không thấy bà mẹ, ông cha hay những người bà con ruột thịt khác!

Này khanh, vậy ta chưa chết, rồi có bị chết không?

Phụ Vương, Mẫu Hậu hay những người bà con ruột thịt khác sẽ không thấy ta chăng, và ta sẽ không thấy Phụ Vương, Mẫu Hậu hay những bà con ruột thịt chăng?

Tâu Hoàng Tử, Hoàng Tử và cả con nữa, chúng ta tuy nay chưa chết nhưng rồi sẽ cũng bị chết.

Phụ Vương, Mẫu Hậu hay các người bà con ruột thịt khác sẽ không thấy Hoàng Tử, và Hoàng Tử sẽ không thấy Phụ Vương. Mẫu Hậu hay các người bà con ruột thịt khác.

Này khanh, thôi nay thăm vườn Ngự Uyển như vậy vừa rồi. Hãy cho đánh xe trở về cung.

Thưa vâng, Hoàng Tử!

Này các Tỳ Kheo, người đánh xe vâng lời Hoàng Tử, cho đánh xe trở về cung.

Này các Tỳ Kheo, Hoàng Tử Vipassì về trong cung, đau khổ, sầu muộn và suy nghĩ: Sỉ nhục thay cái gọi là sanh!

Và ai sanh ra cũng phải già, cũng phải bệnh, cũng phải chết như vậy!

Này các Tỳ Kheo, khi ấy Vua Bandhumà cho gọi người đánh xe và hỏi: Này khanh, Hoàng Tử có vui vẻ không, tại vườn Ngự Uyển?

Hoàng Tử có hoan hỷ không, tại vườn Ngự Uyển?

Tâu Đại Vương, Hoàng Tử không có vui vẻ tại vườn Ngự Uyển. Hoàng Tử không có hoan hỷ tại vườn Ngự Uyển.

Này khanh đi đến vườn Ngự Uyển, Hoàng Tử đã thấy gì?

Tâu Đại Vương, Hoàng Tử trong khi đang đi đến vườn Ngự Uyển, thấy một số đông người, mặc sắc phục khác nhau và đang dựng một dàn hỏa táng.

Thấy vậy Hoàng Tử hỏi con: Này khanh, vì sao đám đông người ấy, mặc sắc phục khác nhau và đang dựng một dàn hỏa táng?

Tâu Hoàng Tử, vì có một người mới mệnh chung.

Này khanh, vậy ngươi hãy đánh xe lại gần người vừa mới mệnh chung.

Thưa vâng, tâu Hoàng Tử!

Con vâng theo lời Hoàng Tử, cho đánh xe đến gần người vừa mới mệnh chung.

Khi thấy thây chết, Hoàng Tử hỏi con: Này khanh, sao người ấy được gọi là người đã chết?

Tâu Hoàng Tử, người ấy được gọi là người đã chết, vì nay bà mẹ, ông cha hay những bà con ruột thịt khác không thấy người ấy nữa!

Và người ấy cũng không thấy bà mẹ, ông cha hay những người bà con ruột thịt khác.

Này khanh, vậy ta chưa chết rồi có bị chết không?

Phụ Vương, Mẫu Hậu hay những người bà con ruột thịt khác sẽ không thấy ta chăng?

Và ta sẽ không thấy Phụ Vương, Mẫu Hậu hay những người bà con ruột thịt khác chăng?

Tâu Hoàng Tử, Hoàng Tử và cả con nữa, chúng ta tuy nay chưa chết nhưng rồi cũng sẽ bị chết.

Phụ Vương, Mẫu Hậu hay những người bà con ruột thịt khác sẽ không thấy Hoàng Tử, và Hoàng Tử sẽ không thấy Phụ Vương, Mẫu Hậu hay các người bà con ruột thịt khác.

Này khanh, thôi nay thăm vườn Ngự Uyển như vậy vừa rồi. Hãy cho đánh xe trở về cung.

Thưa vâng, Hoàng Tử!

Con vâng theo lời Hoàng Tử Vipassì cho đánh xe trở về cung.

Hoàng Tử về trong cung đau khổ, sầu muộn và suy nghĩ: Sỉ nhục thay cái gọi là sanh!

Và ai sanh ra cũng phải già, cũng phải bệnh, cũng phải chết như vậy!

Này các Tỳ Kheo, khi ấy Vua Bandhumà suy nghĩ: Không thể để cho Hoàng Tử Vipassì từ chối không trị vì!

Không thể để cho Hoàng Tử Vipassì xuất gia!

Không thể để cho lời các vị Bà La Môn đoán tướng trở thành sự thật.

Này các Tỳ Kheo, rồi Vua Bandhumà lại sắp đặt cho Hoàng Tử Vipassì đầy đủ năm món dục lạc nhiều hơn nữa, để Hoàng Tử Vipassì có thể trị vì, để Hoàng Tử Vipassì không thể xuất gia, để cho lời các vị Bà La Môn đoán tướng không đúng sự thật.

Và này các Tỳ Kheo, Hoàng Tử Vipassì sống tận hưởng, đầy đủ, sung túc năm món dục lạc.

Này các Tỳ Kheo, Hoàng Tử Vipassì, sau thời gian nhiều năm, nhiều trăm năm, nhiều ngàn năm cho gọi người đánh xe: Này khanh, hãy cho thắng các cỗ xe thù thắng, chúng ta sẽ đi đến vườn Ngự Uyển để xem phong cảnh.

Thưa vâng, Hoàng Tử!

Này các Tỳ Kheo, người đánh xe vâng lời Hoàng Tử Vipassì, cho thắng các cỗ xe thù thắng rồi bạch Hoàng Tử Vipassì: Tâu Hoàng Tử, các cỗ xe thù thắng đã thắng xong.

Hãy làm những gì Hoàng Tử xem là hợp thời.

Này các Tỳ Kheo, lúc bấy giờ Hoàng Tử Vipassì leo lên cỗ xe thù thắng và cùng với các cỗ xe thù thắng khác, tiến đến vườn Ngự Uyển.

Này các Tỳ Kheo, Hoàng Tử Vipassì trên đường đi đến Ngự Uyển thấy một vị xuất gia, đầu trọc, đắp áo Cà Sa.

Thấy vậy, Hoàng Tử hỏi người đánh xe: Này khanh, người này đã làm gì, mà đầu người ấy lại khác đầu của những người khác, và áo của người ấy cũng khác áo của những người khác?

Tâu Hoàng Tử, người ấy được gọi là người xuất gia!

Này khanh, sao người ấy được gọi là người xuất gia?

Tâu Hoàng Tử, xuất gia nghĩa là khéo tu phạm hạnh, khéo tu tịnh hạnh, khéo hành thiện nghiệp, khéo hành công đức nghiệp, khéo giữ không hại chúng sanh, khéo có lòng từ đối với chúng sanh!

Này khanh, hãy đánh xe đến gần vị xuất gia.

Thưa vâng, Hoàng Tử! Này các Tỳ Kheo, người đánh xe vâng theo lời Hoàng Tử Vipassì, đánh xe đến gần người xuất gia.

Này các Tỳ Kheo, rồi Hoàng Tử Vipassì hỏi vị xuất gia: Thưa Hiền Giả, Ngài đã làm gì, mà đầu của Ngài không giống những người khác, và áo của Ngài không giống các người khác?

Thưa Hoàng Tử, tôi là một người xuất gia!

Thưa Hiền Giả, thế nào gọi là người xuất gia?

Thưa Hoàng Tử, tôi là người được gọi là xuất gia, vì tôi khéo tu phạm hạnh, khéo tu tịnh hạnh, khéo hành thiện nghiệp, khéo hành công đức nghiệp, khéo giữ không hại chúng sanh, khéo có lòng từ đối với chúng sanh.

Thưa Hiền Giả, lành thay hạnh xuất gia của Ngài, lành thay khéo tu phạm hạnh, khéo tu tính hạnh, khéo hành thiện nghiệp, khéo hành công đức nghiệp, khéo giữ không hại chúng sanh, khéo có lòng từ đối với chúng sanh.

Này các Tỳ Kheo, rồi Hoàng Tử Vipassì bảo người đánh xe: Này khanh, hãy lấy xe này và cho đánh xe về cung.

Còn ta ở nơi đây, sẽ cạo bỏ râu tóc, đắp áo Cà Sa, xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình.

Thưa vâng, Hoàng Tử!

Người đánh xe vâng lời Hoàng Tử Vipassì lấy xe và đánh xe về cung.

Còn Hoàng Tử Vipassì, chính tại chỗ ấy, cạo bỏ râu tóc, đắp áo Cà Sa, xuất gia từ bỏ gia đình, sống không gia đình.

Này các Tỳ Kheo, lúc bấy giờ, tại Kinh Đô Bandhumatì có một đại chúng tám vạn bốn ngàn người nghe tin: Hoàng Tử Vipassì đã cạo bỏ râu tóc, đắp áo Cà Sa, xuất gia từ bỏ gia đình, sống không gia đình.

Khi nghe tin, các vị ấy suy nghĩ: Pháp Luật như vậy không phải tầm thường, xuất gia như vậy không phải tầm thường, vì Hoàng Tử Vipassì trong Pháp Luật ấy đã cạo bỏ râu tóc, đắp áo Cà Sa, xuất gia từ bỏ gia đình, sống không gia đình.

Nay Hoàng Tử Vipassì đã cạo bỏ râu tóc, đắp áo Cà Sa, xuất gia từ bỏ gia đình, sống không gia đình tại sao chúng ta lại không?

Này các Tỳ Kheo, rồi đại chúng tám vạn bốn ngàn người ấy cạo bỏ râu tóc, đắp áo Cà Sa, xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, dưới sự lãnh đạo của Bồ Tát Vipassì.

Rồi Bồ Tát Vipassì cùng với đồ chúng, du hành, đi ngang qua những làng, thị xã và đô thị.

Này các Tỳ Kheo, trong khi yên lặng tịnh cư, Bồ Tát Vipassì suy nghĩ: Sao ta lại sống bị bao vây bởi đồ chúng này.

Tốt hơn là ta sống một mình, lánh xa đồ chúng này!

Này các Tỳ Kheo, sau một thời gian Bồ Tát Vipassì sống một mình, lánh xa đồ chúng, tám vạn bốn ngàn vị xuất gia này đi một ngả, Bồ Tát Vipassì đi một ngả.

Này các Tỳ Kheo, trong khi yên lặng tịnh cư tại chỗ thanh vắng, Bồ Tát Vipassì suy nghĩ: Thế Giới này thật rơi vào cảnh khổ não, phải sanh rồi già, rồi chết, rồi từ bỏ Thế Giới này để tái sanh Thế Giới khác. Không một ai biết một con đường giải thoát khỏi sự đau khổ này, thoát khỏi già và chết.

Này các Tỳ Kheo, rồi Bồ Tát Vipassì suy nghĩ: Cái gì có mặt, già chết mới có mặt?

Do duyên gì, già chết sanh?

Này các Tỳ Kheo, rồi Bồ Tát Vipassì, sau khi như lý tư duy, nhờ trí tuệ phát sanh minh kiến sau đây: Do sanh có mặt, nên già, chết có mặt.

Do duyên sanh, già chết sanh.

Này các Tỳ Kheo, rồi Bồ Tát Vipassì suy nghĩ: Cái gì có mặt, sanh mới có mặt?

Do duyên gì, sanh phát khởi?

Này các Tỳ Kheo, rồi Bồ Tát Vipassì, sau khi như lý tư duy, nhờ trí tuệ, phát sanh minh kiến sau đây: Do hữu có mặt nên sanh mới có mặt. Do duyên hữu, nên sanh phát khởi.

Này các Tỳ Kheo, rồi Bồ Tát Vipassì suy nghĩ:

Cái gì có mặt, hữu mới có mặt?

Do duyên gì, hữu phát sanh?

Này các Tỳ Kheo, rồi Bồ Tát Vipassì, sau khi như lý tư duy, nhờ trí tuệ phát sanh minh kiến sau đây: Do thủ có mặt nên hữu mới có mặt. Do duyên thủ, hữu phát sanh.

Này các Tỳ Kheo, rồi Bồ Tát Vipassì suy nghĩ:

Cái gì có mặt thủ mới có mặt?

Do duyên gì, thủ phát sanh?

Này các Tỳ Kheo, rồi Bồ Tát Vipassì, sau khi như lý tư duy, nhờ trí tuệ phát sanh minh kiến sau đây: Do ái có mặt, thủ mới phát sanh.

Này các Tỳ Kheo, rồi Bồ Tát Vipassì suy nghĩ:

Cái gì có mặt, ái mới có mặt?

Do duyên gì, ái phát sanh?

Này các Tỳ Kheo, rồi Bồ Tát Vipassì, sau khi như lý tư duy, nhờ trí tuệ phát sanh minh kiến sau đây: Do thọ có mặt, ái mới có mặt. Do duyên thọ, ái phát sanh.

Này các Tỳ Kheo, rồi Bồ Tát Vipassì suy nghĩ:

Cái gì có mặt, thọ mới có mặt?

Do duyên gì, thọ mới phát sanh?

Này các Tỳ Kheo, rồi Bồ Tát Vipassì, sau khi như lý tư duy, nhờ trí tuệ phát sanh minh kiến sau đây: Do xúc có mặt, thọ mới có mặt. Do duyên xúc, thọ mới phát sanh.

Này các Tỳ Kheo, rồi Bồ Tát Vipassì suy nghĩ:

Cái gì có mặt, xúc mới có mặt?

Do duyên gì xúc mới phát sanh?

Này các Tỳ Kheo, rồi Bồ Tát Vipassì, sau khi như lý tư duy, nhờ trí tuệ phát sanh minh kiến sau đây: Do lục nhập có mặt, xúc mới có mặt. Do duyên lục nhập, xúc mới phát sanh.

Này các Tỳ Kheo, rồi Bồ Tát Vipassì suy nghĩ:

Cái gì có mặt, lục nhập mới có mặt?

Do duyên gì, lục nhập mới phát sanh?

Này các Tỳ Kheo, rồi Bồ Tát Vipassì, sau khi như lý tư duy, nhờ trí tuệ phát sanh minh kiến sau đây: Do danh sắc có mặt, lục nhập mới có mặt. Do duyên danh sắc, lục nhập mới phát sanh.

Này các Tỳ Kheo, rồi Bồ Tát Vipassì suy nghĩ:

Cái gì có mặt, danh sắc mới có mặt?

Do duyên gì, danh sắc mới phát sanh?

Này các Tỳ Kheo, rồi Bồ Tát Vipassì, sau khi như lý tư duy, nhờ trí tuệ phát sanh minh kiến sau đây: Do thức có mặt, danh sắc có mới có mặt. Do duyên thức, danh sắc mới phát sanh.

Này các Tỳ Kheo, rồi Bồ Tát Vipassì suy nghĩ:

Cái gì có mặt, thức mới có mặt?

Do duyên gì, thức mới phát sanh?

Này các Tỳ Kheo, rồi Bồ Tát Vipassì, sau khi như lý tư duy, nhờ trí tuệ phát sanh minh kiến sau đây: Do danh sắc có mặt, thức mới có mặt. Do duyên danh sắc, thức mới phát sanh.

Này các Tỳ Kheo, rồi Bồ Tát Vipassì suy nghĩ như sau: Thức này xoay trở lui lại, từ nơi danh sắc, không vượt khỏi danh sắc.

Chỉ như thế này, con người được sanh ra hay trở thành già, hay bị chết, hay từ biệt cõi này, hay sanh lại ở cõi khác, nghĩa là do duyên danh sắc, thức sanh.

Do duyên thức, danh sắc sanh.

Do duyên danh sắc, lục nhập sanh.

Do duyên lục nhập, xúc sanh.

Do duyên xúc, thọ sanh.

Do duyên thọ, ái sanh.

Do duyên ái, thủ sanh.

Do duyên thủ, hữu sanh.

Do duyên hữu, sanh sanh.

Do duyên sanh, lão, tử, sầu bi, khổ ưu não sanh.

Như vậy là sự tập khởi của toàn bộ khổ uẩn này.

Tập khởi, tập khởi.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Sáu

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Năm

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Bốn

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Ba

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Hai

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Một

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường