Phật Thuyết Kinh Trì Thế - Phẩm Một - Phẩm Tứ Lợi - Tập Ba
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần
PHẬT THUYẾT KINH TRÌ THẾ
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần
PHẨM MỘT
PHẨM TỨ LỢI
TẬP BA
Này các thiện nam! Ngay trong đời này hoặc sau khi ta diệt độ, nếu ở nơi xóm làng, thành ấp, đồng trống, núi rừng, có những Kinh Điển như vậy, nếu có người thọ trì, đọc tụng và giảng thuyết cho người khác thì nên biết nơi đó chắc chắn có Phật.
Vì sao?
Vì nhân duyên này nên ta nói Chư Phật tức là Pháp Thân. Do thấy pháp tức là được thấy Phật. Không nên dùng sắc thân để thấy Phật. Nếu người nghe pháp, tin pháp, người này tức là tin Phật và nghe theo lời Phật dạy. Người nào ở trong pháp ấy mà tu hành đúng như lời dạy, người này tức là thấy Phật, người này được gọi là người nói như thật, người nói đúng pháp, người y theo pháp mà tu hành.
Này các thiện nam! Thân ta không phải pháp, không phải phi pháp mà gọi là tùy pháp hành, gọi là đệ nhất pháp thí, nghĩa là không tham đắm pháp, không tham đắm phi pháp.
Vì sao?
Vì nếu người tham đắm pháp, người đó không được gọi là người thấy Phật.
Này các thiện nam! Người không tham đắm nơi tất cả pháp, gọi là người thấy Phật. Nếu người đối với tất cả pháp không có chỗ thấy, đó gọi là người thấy Phật.
Vì sao?
Vì không thể dùng pháp để diễn đạt về Như Lai, không thể dùng phi pháp để diễn đạt về Như Lai, cũng không thể dùng pháp để thấy Như Lai.
Vì sao?
Này các thiện nam! Như trong Kinh nói: Các Tỳ Kheo nên biết! Pháp của ta nói ra giống như chiếc bè để qua sông, pháp hãy còn nên xả bỏ, huống chi là phi pháp. Người nào có thể xả bỏ pháp và phi pháp, đó gọi là người thấy Phật.
Vì sao?
Vì Như Lai gọi là người xả bo tất cả pháp, không còn tham đắm, không thọ nhận danh tự của các pháp, không rơi vào danh tự nơi pháp, huống gì là rơi vào danh tự nơi phi pháp.
Này các thiện nam! Lìa bỏ danh tự của tất cả pháp gọi là Như Lai. Người nao thấy được như vậy gọi là thấy Như Lai.
Vì sao?
Vì lìa bỏ chỗ thấy tất cả pháp gọi là thấy Như Lai. Do tất cả pháp là không thủ đắc, nên thấy biết như thật tất cả pháp gọi là thấy Như Lai.
Này các thiện nam! Nếu tất cả pháp không thể thủ đắc mà lìa bỏ tất cả pháp thì ngay trong đó không còn hý luận, không còn danh tự của pháp hay là phi pháp, không đến, không đi, đó gọi là thấy Như Lai. Người nào thấy pháp như vậy, gọi là thấy Như Lai. Người nào có thể thấy Như Lai như vậy gọi là người chánh kiến. Người nào thấy khác đi, gọi là tà kiến. Nếu là người tà kiến tức là vọng kiến, người này không gọi là người thấy đúng đắn.
Này các thiện nam! Người thấy chân chánh là người đoạn trừ tất cả đường ngôn ngữ, phi chân, phi vọng, phi hữu, phi vô, xa lìa tất cả pháp, không thủ tất cả pháp, không đắc tất cả pháp. Người thấy như vậy gọi là thấy Như Lai.
Vì sao?
Này các thiện nam! Không lấy pháp tánh để thấy Như Lai, người xa lìa sự thấy tánh nơi tất cả pháp gọi là thấy Như Lai. Nếu người có thể thấy như vậy gọi là chánh kiến.
Này các thiện nam! Các vị nên như vậy để thấy Như Lai. Các vị hãy quán sát đúng như lời dạy của ta để quán sát Như Lai. Người quán sát như vậy sẽ biết tất cả pháp đều là Như Lai, sẽ được chân như nơi tất cả pháp, sẽ được thật tướng của tất cả pháp, sẽ được tướng không hư vọng nơi tất cả pháp, sẽ biết tất cả pháp là pháp của Như Lai, sẽ biết tất cả pháp là hành xứ của Như Lai, sẽ biết tất cả pháp là hành xứ không thể nghĩ bàn.
Này các thiện nam! Cho nên ta nói tất cả pháp là hành xứ của Như Lai. Hành xứ của Như Lai là không hành xứ.
Vì sao?
Vì hành xứ của tất cả pháp, trong đó không có pháp nào có thể hành, nên nói không hành xứ là hành xứ của Như Lai. Hành xứ của tất cả pháp tức là không hành xứ, không hành xứ tức là hành xứ của Như Lai.
Vì sao?
Vì hành xứ của tất cả pháp là không sở hữu nên không hành xứ là hành xứ của Như Lai. Tất cả hành xứ nhập nơi hành xứ của Như Lai tức chẳng phải là hành xứ. Như Lai thông đạt, chứng đắc pháp này nên gọi không hành xứ là hành xứ của Như Lai.
Này các thiện nam! Người nào có thể biết không hành xứ của tất cả pháp thì người này có thể nhập nơi hành xứ của Như Lai. Người này có thể quán sát hành xứ của Như Lai. Người này có thể cầu đạt hành xứ của Như Lai. Người này cũng không tham đắm hành xứ của Như Lai.
Vì sao?
Vì người này biết không hành xứ là hành xứ của Như Lai, xa lìa hành xứ là hành xứ của Như Lai. Tức tất cả pháp là không thể thủ đắc, là không thể phân biệt, không thể tham đắm, nên gọi không phải hành xứ ấy là hành xứ của Như Lai, gọi là hành xứ của Nhập trí, vì không nhập nơi tất cả pháp.
Vì sao?
Vì tất cả pháp đều không môn nên dùng môn ấy để nhập.
Này các thiện nam! Tất cả pháp là không nhập, không xuất, không có hình tướng.
Vì sao?
Vì Như Lai không có chỗ thủ đắc đối với các pháp thì lấy pháp nào hoặc xuất, hoặc nhập, hoặc thấy, hoặc thuyết.
Này các thiện nam! Đó gọi là nhập vào môn của tất cả pháp, vì không có tướng nhập. Tất cả pháp không hợp, không tan, không buộc, không mở.
Vì môn của tất cả pháp là môn không nên gọi môn này là: Môn không thể ra, môn không thể vào, môn không thể quay về, môn không thể nói, môn rốt ráo không sinh. Do môn của pháp ấy, đối với pháp không chỗ thấy, không chỗ biết. Do pháp môn ấy, đối với pháp không chứng đắc, không chỗ nhập.
Vì sao?
Này các thiện nam! Vì tất cả pháp là không có môn, vì môn vốn không thể thủ đắc.
Hư không là môn của tất cả pháp, vì từ xưa đến nay tánh vốn thanh tịnh.
Không đoạn là mon của tất cả pháp, vì đoạn vốn không sở hữu.
Vô biên là môn của tất cả pháp, vì biên vực là không thể thủ đắc.
Vô lượng là môn của tất cả pháp, vì lượng là không thể thủ đắc.
Vô tế là môn của tất cả pháp, vì các cõi là không thật có.
Này các thiện nam! Nếu thiện nam, thiện nữ nào có thể nhập pháp môn này tức nhập vào tất cả pháp môn, tức biết tất cả pháp môn, tức nói về tất cả pháp môn.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Trung Bộ - Kinh Bất động Lợi ích - Phần Năm - Niết Bàn
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Tử Nhục
Phật Thuyết Kinh Tăng Chi Bộ - Chương Mười - Mười Pháp - Phẩm Ba - Phẩm Lớn - Phần Mười - Kosalà
Phật Thuyết Kinh Sinh - đức Phật Thuyết Giảng Về Chuyện Hai Cậu Cháu
Phật Thuyết Kinh Cựu Tạp Thí Dụ - Phần Một
Phật Thuyết Kinh Trung A Hàm - Phẩm Bốn - Phẩm Vị Tằng Hữu Pháp - Kinh Vị Tằng Hữu Pháp