Phật Thuyết Kinh Trường Bộ - Kinh ðại Thiện Kiến Vương - Phần Một

Kinh Nguyên thủy   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:03 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư An Thế Cao, Đời Hậu Hán

PHẬT THUYẾT KINH TRƯỜNG BỘ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

An Thế Cao, Đời Hậu Hán  

KINH ĐẠI THIỆN KIẾN VƯƠNG  

PHẦN MỘT  

Như vậy tôi nghe!

Một thời, Thế Tôn trú ngụ tại Upavattana Hồ Bạt Đan ở Kusinàrà Câu Thi La trong rừng Sa La của dòng họ Mallà, giữa hai cây Sàla song thọ, khi Ngài sắp nhập Niết Bàn.

Lúc ấy, Tôn Giả A Nan Đa đến tại chỗ Thế Tôn, đảnh lễ Ngài, ngồi xuống một bên.

Tôn Giả A Nan Đa bạch Thế Tôn: Bạch thế Tôn, Thế Tôn chớ có diệt độ tại đô thị nhỏ bé này, tại đô thị hoang vu này, tại đô thị phụ thuộc này.

Bạch Thế Tôn, có những đô thị khác to lớn hơn như Campà Chiêm Bà, Ràjagahà Vương Xá Sàvatthi Xá Vệ, Sàketa Sa Kỳ, Kosambi Kiêu Thưởng Di, Bàrànasi Ba La Nại.

Thế Tôn hãy diệt độ tại những chỗ ấy. Tại những chỗ ấy có đại chúng Sát Đế Lỵ, có đại chúng Bà La Môn, có đại chúng gia chủ tin tưởng Như Lai, các vị này sẽ cúng dường thân Xá Lợi Như Lai.

Này A Nan Đa, chớ có nói như vậy.

Này A Nan Đa, chớ có nói đô thị này nhỏ bé, đô thị này hoang vu, đô thị này phụ thuộc.

Này A Nan Đa, thuở xưa có vị Vua tên là Mahà Sudassana Ðại Thiện Kiến. Vị này là Chuyển Luân Vương trị vì như pháp, là vị Pháp Vương, thống lãnh bốn thiên hạ, chinh phục hộ trì quốc dân, đầy đủ bảy báu.

Này A Nan Đa, đô thị Kusinàrà này là Kinh Đô của Vua Ðại Thiện Kiến, tên là Kusàvati Câu Xá Bà Đề, phía Ðông và phía Tây rộng đến mười hai do tuần, phía Bắc và phía Nam rộng đến mười bảy do tuần.

Này A Nan Đa, Kinh Đô Susàvati này rất phồn thịnh, phú cường, dân cư đông đúc, Thiên Chúng sung mãn, thực thẩm phong phú.

Này A Nan Đa, cũng như Kinh Đô Alakamanda của Chư Thiên rất phồn thịnh, phú cường, dân cư đông đúc, Thiên Chúng sung mãn, thực phẩm phong phú. Cũng vậy này A Nan Đa, Kinh Đô Kusàvati này cũng rất phồn thịnh, phú cường, dân cư đông đúc, Thiên Chúng sung mãn.

Này A Nan Đa, Kinh Đô Kusàvati này ngày đêm vang dậy mười loại tiếng, tức là tiếng voi, tiếng ngựa, tiếng xe, tiếng trống lớn, tiếng trống nhỏ, tiềng Tỳ Bà, tiếng hát, tiếng xập xỏa, tiếng chuông và tiếng thứ mười là lời kêu gọi: Hãy uống đi, hãy ăn đi!

Này A Nan Đa, Kinh Đô Kusàvati có bảy bức thành bao bọc, một loại bằng vàng, một loại bằng bạc, một loại bằng lưu ly, một loại bằng thủy tinh, một loại bằng san hô, một loại bằng xa cừ, một loại bằng mọi thứ báu.

Này A Nan Đa, Kinh Đô Kusàvati có bốn loại cửa: Một loại bằng vàng, một loại bằng bạc, một loại bằng lưu ly, một loại bằng thủy tinh. Tại mỗi cửa, có dựng bảy cột trụ, bề cao khoảng ba hay bốn lần thân người.

Một cột trụ bằng vàng, một cột trụ bằng bạc, một cột trụ bằng lưu ly, một cột trụ bằng thủy tinh, một cột trụ bằng san hô, một cột trụ bằng xa cừ, một cột trụ bằng mọi thứ báu.

Này A Nan Đa, Kinh Đô Kasàvati có bảy hàng cây Tà La bao học, một hàng bằng vàng, một hàng bằng bạc, một hàng bằng lưu ly, một hàng bằng xa cừ, một hàng bằng san hô, một hàng bằng xa cừ, một hàng bằng mọi thứ báu.

Cây Tà La bằng vàng, có thân cây bằng vàng, có lá và trái cây bằng bạc.

Cây Tà La bằng bạc có thân cây bằng bạc, có lá và trái cây bằng vàng.

Cây Tà La bằng lưu ly, có thân cây bằng lưu ly, có lá và trái cây bằng thủy tinh.

Cây Tà La bằng thủy tinh, có thân cây bằng thủy tinh, có lá và trái cây bằng lưu ly.

Cây Tà La bằng san hô, có thân cây bằng san hô, có lá và trái cây bằng xa cừ.

Cây Tà La bằng xa cừ, có thân cây bằng xa cừ, có lá và trái cây bằng san hô.

Cây Tà La bằng mọi loại báu, có thân cây bằng mọi loại báu, có là và trái cây bằng mọi loại báu.

Này A Nan Đa, khi những cây Tà La này được gió rung chuyển, một âm thanh vi diệu, khả ái, đẹp ý, mê lý khởi lên, cũng như năm loại nhạc khí, khi được một nhạc sĩ thiện xảo tấu nhạc, phát ra một âm thanh vi diệu, khả ái, đẹp ý, mê ly.

Cũng vậy, A Nan Đa, khi những hàng cây Tà La này được gió rung chuyển, một âm thanh vi diệu, khả ái, đẹp ý, mê ly khởi lên.

Này A Nan Đa, lúc bấy giờ, nếu ở tại Kinh Đô Kusàvati có những kẻ cờ bạc, rượu chè, họ sẽ nhảy múa theo những âm điệu của những hàng cây Tà La này khi được gió thổi.

Này A Nan Đa, Vua Ðại Thiện Kiến, có đủ bảy món báu và bốn như ý đức.

Thế nào là bảy?

Này A Nan Đa, Vua Ðại Thiện Kiến, vào ngày Bố Tát Trăng rằm sau khi tắm rửa, lên cao điện để trai giới, thời Thiên Luân báu hiện ra, đủ một ngàn cọng xe, với vành xe, trục xe, đủ mọi bộ phận.

Thấy vậy, Vua Ðại Thiện Kiến suy nghĩ: Ta nghe như vậy: Khi một vị Vua Sát Đế Lỵ, đã làm lễ quán đảnh vào ngày Bố Tát Trăng rằm, sau khi tắm rửa, lên cao điện Trai giới, nếu có Thiên Luân báu hiện ra, đủ một ngàn cọng xe, với vành xe và trục xe, đầy đủ mọi bộ phận, thời vị Vua ấy là Chuyển Luân Vương. Như vậy ta có thể là Chuyển Luân Vương.

Này A Nan Đa, rồi Vua Ðại Thiện Kiến từ chỗ ngồi đứng dậy, đắp thượng y trên một vai, tay trái cầm bình nước và với tay phải rưới nước trên xe báu và nói: Này xe báu hãy lăn khắp, này xe báu hãy chinh phục!

Và này A Nan Đa, xe báu lăn về hướng Ðông và Vua Ðại Thiện Kiến cùng với bốn loại binh chủng đi theo sau. Và này A Nan Đa, chỗ nào xe báu dừng lại, chỗ ấy Vua Ðại Thiện Kiến an trú cùng với bốn loại binh chủng.

Này A Nan Đa, các địch vương ở phương Ðông đến yết kiến Vua Ðại Thiện Kiến và nói: Hãy đến đây, Đại Vương! Hoan nghênh, đón mừng Đại Vương!

Tâu Đại Vương, tất cả đều thuộc của Ngài. Đại Vương hãy giáo huấn cho chúng tôi!

Vua Ðại Thiện Kiến nói rằng: Không được sát sanh. Không được lấy của không cho. Không được tà dâm. Không được nói láo. Không được uống rượu. Hãy ăn uống cho thích nghi.

Này A Nan Đa, tất cả địch Vương ở phương Ðông đều trở thành Chư Hầu Vua Ðại Thiện Kiến.

Này A Nan Đa, rồi xe báu lăn xuống biển lớn ở phương Ðông rồi nổi lên rồi lăn về phương Nam, lặn xuống biển lớn ở phương Nam, rồi nổi lên và lặn về phương Tây, lặn xuống biển lớn ở phương Tây, rồi nổi lên và lặn về phương Bắc và Vua Ðại Thiện Kiến cùng với bốn loại binh chủng đi theo sau.

Này A Nan Đa, chỗ nào xe báu dừng lại chỗ ấy Vua Ðại Thiện Kiến an trú cùng với bốn loại binh chủng.

Này A Nan Đa, các địch vương ở phương Bắc đến yết kiến Vua Ðại Thiện Kiến và nói: Hãy đến đây, Đại Vương! Hoan nghênh đón mừng Đại Vương!

Tâu Đại Vương tất cả thuộc của Ngài. Đại Vương hãy giáo huấn cho chúng tôi!

Này A Nan Đa, tất cả địch Vương ở phương Bắc đều trở thành Chư Hầu của Vua Ðại Thiện Kiến.

Này A Nan Đa, xe báu ấy sau khi chinh phục trái đất cho đến hải biên, liền trở về Kinh Đô Kusàvati, và đứng trước pháp đình, trên cửa nội cung như một trang bảo cho nội cung của Vua Ðại Thiện Kiến.

Này A Nan Đa, như vậy là sự xuất hiện xe báu của Vua Ðại Thiện Kiến.

Lại nữa này A Nan Đa, voi báu xuất hiện cho Vua Ðại Thiện Kiến, thuần trắng, bảy xứ kiên cường, có thần lực, phi hành trên hư không và tên là Uposatha Bố Tát.

Thấy voi báu, Vua Ðại Thiện Kiến sanh tâm hoan hỷ và nghĩ: Lành thay được cưỡi con voi này nếu nó chịu sự điều ngự. Và này A Nan Đa, như một con hiền tượng quí phái chịu sự điều ngự lâu ngày, con voi báu ấy tự đến để chịu sự điều ngự.

Này A Nan Đa, thuở xưa, Vua Ðại Thiện Kiến để thử voi báu này, sáng sớm cưỡi voi đi khắp quả đất cho đến hải biên rồi về lại Kinh Đô Kusàvati kịp giờ ăn sáng.

Này A Nan Đa, như vậy là sự xuất hiện voi báu của Vua Ðại Thiện Kiến.

Lại nữa này A Nan Đa, ngựa báu xuất hiện cho Vua Ðại Thiện Kiến, thuần trắng, đầu đen như quạ, bờm ngựa màu đen, có thần lực, phi hành trên hư không và tên là Valahaka.

Thấy ngựa báu, Vua Ðại Thiện Kiến sanh tâm hoa hỷ và nghĩ: Tốt đẹp thay được cưỡi con ngựa này nếu nó chịu sự điều ngự. Và này A Nan Đa, như một con hiền mã quý phái, chịu sự điều ngự lâu ngày, con ngựa báu ấy tự đến để chịu sự điều ngự.

Này A Nan Đa, thuở xưa, Vua Ðại Thiện Kiến để thử ngựa báu này, sáng sớm cưỡi ngựa, đi khắp quả đất cho đến hải biên rồi về lại Kinh Đô Kusàvati kịp giờ ăn sáng.

Này A Nan Đa, như vậy là sự xuất hiện ngựa báu của Vua Ðại Thiện Kiến.

Lại nữa, này A Nan Đa, châu báu lại xuất hiện cho Vua Ðại Thiện Kiến.

Châu báu ấy là lưu ly châu, sáng suốt, thuần chất, có tám mặt, khó dũa, khó mài, thanh tịnh, trong suốt, hoàn hảo mọi phương diện.

Này A Nan Đa, hào quang châu báu này chiếu sáng cùng khắp một do tuần.

Này A Nan Đa, thuở xưa, Vua Ðại Thiện Kiến để thử châu báu này đã cho dàn bày bốn binh chủng, đặt bảo châu cao trên quân kỳ và có thể tiến quân trong đêm tối âm u.

Này A Nan Đa, mọi người trong làng ở xung quanh đều bắt đầu làm việc, tưởng rằng Trời đã sáng rồi.

Này A Nan Đa như vậy là sự xuất hiện châu báu của Vua Ðại Thiện Kiến.

Này A Nan Đa, nữ báu lại xuất hiện cho Vua Ðại Thiện Kiến, mỹ miều, khả ái, cử chỉ đoan trang, màu da tuyệt mỹ, không quá cao, không quá thấp, không béo, không gầy, không quá đen, không quá trắng, vượt trên dung sắc loài người, sánh đến dung sắc Chư Thiên.

Này A Nan Đa, thân xúc nữ báu này êm mịn như bông, như nhung.

Này A Nan Đa, khi trời lạnh, chân tay nữ báu này trở thành ấm áp, khi Trời nóng, trở thành lạnh mát.

Này A Nan Đa, thân nữ báu tỏa mùi thơm Chiên Đàn, miệng tỏa mùi thơm hoa sen.

Này A Nan Đa, nữ báu này dậy trước và đi ngủ sau Vua Ðại Thiện Kiến, mọi hành động làm Vua thỏa thích, yên lành khả ái.

Này A Nan Đa, nữ báu này không có một tư tưởng nào bất tín đối với Vua Ðại Thiện Kiến huống nữa là về thân thể.

Này A Nan Đa, như vậy là sự xuất hiện nữ báu của Vua Ðại Thiện Kiến.

Lại nữa, này A Nan Đa, gia chủ báu xuất hiện cho Vua Ðại Thiện Kiến, chứng được Thiên nhãn, do nghiệp dị thục sanh và nhờ Thiên nhãn này có thể thấy châu báu chôn cất có chủ hay không có chủ.

Gia chủ báu này đến Vua Ðại Thiện Kiến và nói: Tâu Đại Vương, Đại Vương chớ có lo âu, thần sẽ xử lý thích nghi tài sản Đại Vương.

Này A Nan Đa, thuở xưa Vua Ðại Thiện Kiến muốn thử gia chủ báu này, liền cưỡi thuyền, chèo ra giữa Sông Hằng và bảo gia chủ báu: Này gia chủ, ta cần vàng. Tâu Đại Vương, Đại Vương hãy cho chèo thuyền gần bờ nào cũng được. Này gia chủ, Ta cần vàng ngay tại đây.

Này A Nan Đa, khi ấy gia chủ báu thọc hai tay xuống nước nhắc lên một ghè đầy cả vàng ròng rồi tâu với Vua Ðại Thiện Kiến: Tâu Đại Vương, như vậy đã đủ chưa.

Tâu Đại Vương, làm như vậy đã được chưa?

Vua Ðại Thiện Kiến trả lời: Này gia chủ, như vậy là đủ. Này gia chủ, làm như vậy là được rồi. Này gia chủ, cúng dường như vậy là được rồi.

Này A Nan Đa, như vậy là sự xuất hiện gia chủ báu của Vua Ðại Thiện Kiến.

Lại nữa, này A Nan Đa, tướng quân báu xuất hiện cho Vua Ðại Thiện Kiến, có học thức, thông minh, sáng suốt, có khả năng khuyến cáo.

Vua Ðại Thiện Kiến khi đáng tiến thì tiến, khi đáng lui thì lui, khi đáng dừng thì dừng lại.

Vị này đến tâu Vua Ðại Thiện Kiến: Tâu Đại Vương, Đại Vương chớ có âu lo, Thần sẽ cố vấn Đại Vương. Này A Nan Đa, như vậy là sự xuất hiện tướng quân báu của Vua Ðại Thiện Kiến. Này A Nan Đa, Vua Ðại Thiện Kiến có đầy đủ bảy báu như vậy.

Lại nữa, này A Nan Đa, Vua Ðại Thiện Kiến, có đầy đủ bốn như ý đức.

Thế nào là bốn?

Này A Nan Đa, Vua Ðại Thiện Kiến đẹp trai, khả ái, cử chỉ thanh lịch, sắc diện tuyện luân, thấy xa hơn mọi người.

Này A Nan Đa, đó là như ý đức thứ nhất của Vua Ðại Thiện Kiến. Này A Nan Đa, lại nữa, Vua Ðại Thiện Kiến sống lâu, tuổi thọ thắng xa các người khác. Này A Nan Đa, đó là Như ý đức thứ hai của Vua Ðại Thiện Kiến.

Lại nữa này A Nan Đa, Vua Ðại Thiện Kiến ít bệnh tật, ít tai ương, thể nhiệt không quá lạnh, không quá nóng, được quân phân để điều hòa sự tiêu hóa, thắng xa các người khác. Này A Nan Đa, đó là Như ý đức thứ ba của Vua Ðại Thiện Kiến.

Lại nữa, này A Nan Đa, Vua Ðại Thiện Kiến được các vị Bà La Môn và gia chủ ái kính và yêu mến. Này A Nan Đa, như người cha được các người con ái kính và yêu mến, cũng vậy này A Nan Đa, Vua Ðại Thiện Kiến được các vị Bà La Môn và gia chủ ái kính và yêu mến.

Này A Nan Đa, như những người con được người cha ái kính và yêu mến, cũng vậy này A Nan Đa, các vị Bà La Môn và gia chủ được Vua Ðại Thiện Kiến ái kính và yêu mến.

Thuở xưa, này A Nan Đa, Vua Ðại Thiện Kiến đi đến hoa viên cùng với bốn loại binh chủng.

Này A Nan Đa, các vị Bà La Môn và gia chủ đến Vua Ðại Thiện Kiến và tâu rằng: Tâu Đại Vương, hãy cho đi chậm chậm để chúng tôi có thể chiêm ngưỡng lâu dài hơn.

Này A Nan Đa, nhưng Vua Ðại Thiện Kiến lại ra lệnh cho người đánh xe: Này anh đánh xe, hãy đánh xe chậm chậm để ta có thể thấy các vị Bà La Môn và gia chủ lâu dài hơn.

Này A Nan Đa, như vậy là Như ý đức thứ tư của Vua Ðại Thiện Kiến.

Và này A Nan Đa, Vua Ðại Thiện Kiến suy nghĩ: Nay ta hãy cho xây những hồ sen giữa các hàng cây Tà La, cứ cách khoảng một trăm cung tầm!

Này A Nan Đa, Vua Ðại Thiện Kiến cho xây các hồ sen giữa các hàng cây Tà La, cứ cách khoảng một trăm cung tầm.

Này A Nan Đa, những hồ sen ấy được lát bằng bốn loại gạch, một loại bằng vàng, một loại bằng bạc, một loại bằng lưu ly, một loại bằng thủy tinh.

Này A Nan Đa, trong bốn loại hồ sen ấy có bốn loại tầm cấp, một loại bằng vàng, một loại bằng bạc, một loại bằng lưu ly, một loại bằng thủy tinh.

Tầm cấp bằng vàng có cột trụ bằng vàng, có chắn ngang và đầu trụ bằng bạc. Tầm cấp bằng bạc có cột trụ bằng bạc, có chắn ngang và đầu trụ bằng vàng. Tầm cấp bằng lưu ly có cột trụ bằng lưu ly, có chắn ngang và đầu trụ bằng thủy tinh. Tầm cấp bằng thủy tinh có cột trụ bằng thủy tinh, có chắn ngang và đầu trụ bằng lưu ly.

Này A Nan Đa, những hồ sen ấy được hai hàng bằng bạc. Hàng lan can bằng vàng có cột trụ bằng vàng, có chắn ngang và đầu trụ bằng bạc. Hàng lan can bằng bạc có cột trụ bằng bạc, có chắn ngang và đầu trụ bằng vàng.

Và này A Nan Đa, Vua Ðại Thiện Kiến lại suy nghĩ: Trong những hồ sen này ta sẽ cho đem trồng các loại sen xanh, sen hồng, sen vàng, sen trắng khắp bốn mùa để những ai muốn làm tràng hoa có thể lấy dùng.

Và này A Nan Đa, Vua Ðại Thiện Kiến cho đem trồng các loại sen xanh, sen hồng, sen vàng, sen trắng khắp bốn mùa để làm những tràng hoa bằng các thứ bông ấy.

Này A Nan Đa, Vua Ðại Thiện Kiến lại suy nghĩ: Trên bờ những hồ sen này, ta sẽ cho đặt những người hầu tắm cho những người qua kẻ lại. Và này A Nan Đa, Vua Ðại Thiện Kiến cho đặt những người hầu tắm trên bờ những hồ sen này để tắm cho những người qua kẻ lại.

Này A Nan Đa, Vua Ðại Thiện Kiến lại suy nghĩ: Trên bờ những hồ sen này, ta sẽ cho đặt những vật bố thí, đồ ăn cho những ai đói, đồ uống cho những ai khát, áo quần cho những ai cần áo quần, xe cộ cho những ai cần xe, đồ nằm cho những ai cần nằm, đàn bà cho những ai cần đàn bà, bạc cho những ai cần bạc và vàng cho những ai cần vàng.

Này A Nan Đa, Vua Ðại Thiện Kiến, trên bờ những hồ sen ấy, cho đặt những vật bố thí, đồ ăn cho những ai đói, đồ uống cho những ai khát, áo quần cho những ai cần áo quần, xe cộ cho những ai cần xe, đồ nằm cho những ai cần nằm, đàn bà cho những ai cần đàn bà, bạc cho những ai cần bạc, và vàng cho những ai cần vàng.

Này A Nan Đa, các gia chủ, Bà La Môn đem theo nhiều tiền bạc đến Vua Ðại Thiện Kiến và tâu Vua: Tâu Đại Vương, chúng tôi có đem nhiều tiền của này để Đại Vương dùng. Mong Đại Vương hãy thâu nhận lấy.

Này các khanh, ta có đầy đủ nhiều tiền bạc do đánh thuế đúng pháp đem lại.

Hãy giữ tiền bạc của khanh lại, và đem theo nhiều nữa cho các khanh!

Các vị này khi bị Vua từ chối, liền đứng qua một bên và suy nghĩ: Nếu nay chúng ta đem tiền của này về nhà chúng ta thời thật không phải. Chúng ta hãy xây dựng nhà cửa cho Vua Ðại Thiện Kiến.

Các vị ấy liền đến Vua Ðại Thiện Kiến và tâu: Đại Vương, chúng tôi định xây dựng nhà cửa cho Đại Vương.

Này A Nan Đa, Vua Ðại Thiện Kiến im lặng nhận lời.

Này A Nan Đa, Thiên Chủ Sakka biết được tư tưởng của Vua Ðại Thiện Kiến với tư tưởng của mình, liền gọi Thiên Tử Vissakamma Tỳ Thủ Yết Ma và nói: Này Vissakamma, hãy đến đây và xây dựng một lâu đài cho Vua Ðại Thiện Kiến, đặt tên là Dhamma Pháp.

Xin vâng, Tôn Giả!

Này A Nan Đa, Thiên Tử Vissakamma vâng lời Thiên Chủ Sakka, như người lực sĩ duỗi ra cánh tay đang co, hay co lại cánh tay duỗi ra, Thiên Tử Vissakamma biến mất từ Chư Thiên ở Tavatimsa và hiện ra trước mặt Vua Ðại Thiện Kiến.

Rồi này A Nan Đa, Thiên Tử Vissakamma tâu với Vua Ðại Thiện Kiến: Đại Vương, tôi sẽ xây dựng một lâu đài tên là Dhamma cho Đại Vương!

Này A Nan Đa, Vua Ðại Thiện Kiến im lặng nhận lời. Và này A Nan Đa, Thiên Tử Vissakamma xây dựng lâu đài tên là Dhamma cho Vua Ðại Thiện Kiến.

Này A Nan Đa, lâu đài Dhamma này, về hướng Ðông và hướng Tây bề dài đến một do tuần, và về hướng Bắc và hướng Nam, bề rộng đến nửa do tuần.

Này A Nan Đa, nền nhà của lâu đài Dhamma cao cho đến ba thân người và làm bằng ba loại gạch, một loại bằng vàng, một loại bằng lưu ly, một loại bằng thủy tinh.

Này A Nan Đa, lâu đài Dhamma có đến tám vạn bốn ngàn cột trụ bằng bốn loại, một loại bằng vàng, một loại bằng bạc, một loại bằng lưu ly, một loại bằng thủy tinh.

Này A Nan Đa, lâu đài Dhamma có hai mươi bốn tầm cấp bằng bốn loại, một loại bằng vàng, một loại bằng bạc, một loại bằng lưu ly, một loại bằng thủy tinh.

Tầm cấp bằng vàng có cột trụ bằng vàng, có chắn ngang và đầu trụ bằng bạc. Tầm cấp bằng bạc có cột trụ bằng bạc, có chắn ngang và đầu trụ bằng vàng. Tầm cấp bằng lưu ly có cột trụ bằng lưu ly, có chắn ngang và đầu trụ bằng thủy tinh. Tầm cấp bằng thủy tinh có cột trụ bằng thủy tinh, có chắn ngang và đầu trụ bằng lưu ly.

Này A Nan Đa, lâu đài Dhamma có tám vạn bốn ngàn phòng ốc bằng bốn loại, một loại bằng vàng, một loại bằng bạc, một loại bằng lưu ly, một loại bằng thủy tinh.

Trong phòng ốc bằng vàng có chỗ nằm bằng bạc được trải ra. Trong phòng ốc bằng bạc, có chỗ nằm bằng vàng được trải ra. Trong phòng ốc bằng lưu ly có chỗ nằm bằng ngà được trải ra. Trong phòng ốc bằng thủy tinh, có chỗ nằm bằng san hô được trải ra.

Tại cửa phòng ốc bằng vàng, có dựng lên một cây Tà La bằng bạc, với thân cây bằng bạc, với lá và trái cây bằng vàng.

Tại cửa phòng ốc bằng bạc, có dựng lên một cây Tà La bằng vàng, với thân cây bằng vàng, với lá và trái bằng bạc.

Tại cửa phòng ốc bằng lưu ly, có dựng lên một cây Tà La bằng thủy tinh, với lá và trái cây bằng thủy tinh, có dựng lên một cây Tà La bằng lưu ly, với thân cây bằng lưu ly, với lá và trái cây bằng thủy tinh.

Này A Nan Đa, rồi Vua Ðại Thiện Kiến lại suy nghĩ: Trước cửa phòng lầu Ðại Trang Nghiêm, ta hãy cho dựng lên một rừng cây Tà La toàn bằng vàng, và tại đây ta sẽ an tọa ban ngày.

Này A Nan Đa, Vua Ðại Thiện Kiến trước cửa phòng lầu Ðại Trang Nghiêm, cho dựng lên một rừng cây Tà La toàn bằng vàng và tại đây, Vua ngồi an tọa ban ngày.

Này A Nan Đa, lâu đầu Dhamma được hai dãy lan can bao bọc, một dãy bằng vàng, một dãy bằng bạc. Lan can bằng vàng có cột trụ bằng vàng, có chắn ngang và đầu trụ bằng bạc. Lan can bằng bạc có cột trụ bằng bạc, có chắn ngang và đầu trụ bằng vàng.

Này A Nan Đa, lâu đài Dhamma có hai màn lưới chuông linh, một màn bằng vàng, một màn bằng bạc. Màn lưới bằng vàng có chuông linh bằng bạc, màn lưới bằng bạc có chuông linh bằng vàng.

Này A Nan Đa, khi những màn lưới chuông linh này được gió rung chuyển, thời một âm thanh vi diệu, khả ái, đẹp ý, mê ly khởi lên. Cũng như năm loại nhạc khí, khi được một nhạc sĩ thiện xảo tấu nhạc, phát ra âm thanh vi diệu, khả ái, đẹp ý, mê ly. Cũng vậy này A Nan Đa, khi những màn lưới chuông linh này được gió rung chuyển, thời một âm thanh vi diệu, khả ái, đẹp ý, mê ly khởi lên.

Này A Nan Đa, lúc bấy giờ nếu tại Kinh Đô Kusàvati có những kẻ cờ bạc, rượu chè, chúng sẽ nhảy múa theo âm điệu của những màn lưới chuông linh này khi được gió thổi.

Này A Nan Đa, lâu đài Dhamma khi xây xong, thật khó mà nhìn xem, hai mắt bị chói lòa vì quá nguy nga tráng lệ.

Này A Nan Đa, như trong tháng cuối mùa mưa, khi bầu Trời quang đãng, không bị mây che lấp, Mặt Trời mọc lên giữa hư không, khó mà nhìn xem vì hai mắt bị chói lòa. Cũng vậy, này A Nan Đa, thật khó mà nhìn xem, hai mắt bị chói lòa khi lâu đài Dhamma xây xong.

Này A Nan Đa, rồi Vua Ðại Thiện Kiến lại suy nghĩ: Trước mặt lâu đài Dhamma, ta hãy cho xây hồ sen tên gọi là Dhamma!

Và này A Nan Đa, Vua Ðại Thiện Kiến cho xây một hồ sen tên là Dhamma trước mặt lâu đài Dhamma.

Này A Nan Đa, hồ sen Dhamma, về hướng Ðông và hướng Tây bề dài đến một do tuần, và về hướng Bắc và hướng Nam bề rộng đến nửa do tuần.

Này A Nan Đa, hồ sen Dhamma có bốn loại gạch, một loại bằng vàng, một loại bằng bạc, một loại bằng lưu ly, một loại bằng thủy tinh.

Này A Nan Đa, hồ sen Dhamma có hai mươi bốn tầm cấp bằng bốn loại, một loại bằng vàng, một loại bằng bạc, một loại bằng lưu ly, một loại bằng thủy tinh.

Tầm cấp bằng vàng có cột trụ bằng vàng, có chắn ngang và đầu trụ bằng bạc. Tầm cấp bằng bạc có cột trụ và đầu trụ bằng bạc, có chắn ngang và đầu trụ bằng vàng. Tầm cấp bằng lưu ly có cột trụ bằng lưu ly, có chắn ngang và đầu trụ bằng thủy tinh. Tầm cấp bằng thủy tinh có cột trụ bằng thủy tinh, có chắn ngang và đầu trụ bằng lưu ly.

Này A Nan Đa, hồ sen Dhamma có hai loại lan can bao bọc, một loại bằng vàng, một loại bằng bạc. Lan can bằng vàng có cột trụ bằng vàng, có chắn ngang và đầu trụ bằng bạc. Lan can bằng bạc có cột trụ bằng bạc, có chắn ngang và đầu trụ bằng vàng.

Này A Nan Đa, hồ sen Dhamma có bảy hàng cây Tà La bao bọc, một hàng cây bằng vàng, một hàng cây bằng bạc, một hàng cây bằng lưu ly, một hàng cây bằng thủy tinh, một hàng cây bằng san hô, một hàng cây bằng xa cừ, một hàng cây bằng mọi thứ báu.

Cây Tà La bằng vàng có thân cây bằng vàng, có lá và trái cây bằng bạc. Cây Tà La bằng bạc có thân cây bằng bạc, có lá và trái cây bằng vàng. Cây Tà La bằng lưu ly có thân cây bằng lưu ly, có lá và trái câ bằng thủy tinh. Cây Tà La bằng thủy tinh, có thân cây bằng thủy tinh, có lá và trái cây bằng lưu ly.

Cây Tà La bằng san hô có thân cây bằng san hô, có lá và trái cây bằng xa cừ. Cây Tà La bằng xa cừ có thân cây bằng xa cừ, có lá và trái cây bằng san hô. Cây Tà La bằng mọi thứ báu có thân cây bằng mọi thứ báu, có lá và trái cây bằng mọi thứ báu.

Này A Nan Đa, khi những hàng cây Tà La này được gió rung chuyển, thời một âm thanh vi diệu, khả ái, đẹp ý, mê ly khởi lên.

Cũng như năm loại nhạc khí, khi được một nhạc sĩ thiện xảo tấu nhạc, phát ra một âm thanh vi diệu, khả ái, đẹp ý, mê ly. Cũng vậy này A Nan Đa, khi những hàng cây Tà La này được gió rung chuyển thời một âm thanh vi diệu, khả ái, đẹp ý, mê ly khởi lên.

Này A Nan Đa, lúc bấy giờ nếu ở Kinh đô Kusàvati có những kẻ cờ bạc rượu chè, chúng sẽ nhảy múa theo âm điệu của những hàng cây này khi được gió thổi.

Này A Nan Đa, khi lâu đài Dhamma và hồ sen Dhamma được xây xong, lúc bấy giờ Vua Ðại Thiện Kiến cúng dường cho các vị Sa Môn được tôn kính và các vị Bà La Môn được tôn kính mọi sự dục lạc cần thiết rồi Vua lên lâu đài Dhamma.

Này A Nan Đa, rồi Vua Ðại Thiện Kiến suy nghĩ: Quả này của ta do nghiệp gì, báo này của Tà La do nghiệp gì mà hiện tại ta có thần lực như vậy, có oai lực như vậy?

Này A Nan Đa, rồi Vua Ðại Thiện Kiến suy nghĩ: Quả này là do ba loại nghiệp, báo này là do ba loại nghiệp mà hiện tại ta có thần lực như vậy. Ðó là bố thí, tự điều, tự chế.

Này A Nan Đa tồi Vua Ðại Thiện Kiến đi đến cao đường Ðại Trang Nghiêm, đứng trước cửa và nói lớn tiếng cao hứng ngữ sau đây:

Hãy dừng lại, tư tưởng dục vọng!

Hãy dừng lại, tư tưởng sân hận!

Hãy dừng lại, tư tưởng não hại!

Ðến đây thôi, tư tưởng dục vọng!

Ðến đây thôi, tư tưởng sân hận!

Ðến đây thôi, tư tưởng não hại!

Này A Nan Đa, Vua Ðại Thiện Kiến bước vào cao đường Ðại Trang Nghiêm, ngồi trên sàng tọa bằng vàng, ly dục, ly ác pháp, chứng và an trú trong thiền thứ nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, với tầm với tứ.

Rồi diệt tầm và tứ, chứng và an trú trong thiền thứ hai, một trạng thái hỷ lạc do định sanh, không tầm không tứ, nội tĩnh nhất tâm.

Rồi ly hỷ trú xả, chánh niệm tỉnh giác, thân cảm sự lạc thọ mà các Bậc Thánh gọi là xả niệm lạc trú, chứng và an trú vào thiền thứ ba.

Rồi xả lạc xả khổ, diệt hỷ ưu đã cảm thọ trước, chứng và an trú vào thiền thứ tư không khổ, không lạc, xả niệm thanh tịnh.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Sáu

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Năm

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Bốn

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Ba

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Hai

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Một

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường