Phật Thuyết Kinh Xuất Diệu - Phẩm Bốn - Phẩm Buông Lung - Tập Hai

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Giảng giải: Tôn Giả Pháp Cứu

PHẬT THUYẾT KINH XUẤT DIỆU

Giảng giải: Tôn Giả Pháp Cứu

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Phật Niệm, Đời Dao Tần  

PHẨM BỐN

PHẨM BUÔNG LUNG  

TẬP HAI  

Cho nên nói: Trì pháp không cần phải thuộc nhiều. Dù nghe ít nhưng làm tròn pháp thân là được.

Dù tụng tập nhiều nghĩa

Buông lung không theo chánh

Như đếm trâu người khác

Không được việc Sa Môn.

Dù tụng tập nhiều nghĩa: Thuở xưa, Đức Phật ngự trong khu lâm viên Kỳ Đà Cấp Cô Độc, thuộc nước Xá Vệ. Khi ấy, có một thầy Tỳ Kheo lạ từ nơi xa đến chỗ Thế Tôn. Thầy làm lễ sát chân Phật rồi ngồi qua một bên.

Giây lát, thầy Tỳ Kheo đứng dậy khỏi chỗ ngồi, tiến đến bạch Phật: Con nghe nói Tỳ Kheo học rộng, vậy có bao nhiêu vị được gọi là Tỳ Kheo học rộng?

Như Lai nói Tỳ Kheo học rộng vậy phải đến một mức độ nào mới gọi là Tỳ Kheo học rộng?

Đức Phật trả lời thầy Tỳ Kheo: Các pháp ta nói từ trước đến nay khó có thể tính kể được nhưng gồm trong mười hai thể loại là:

1. Khế Kinh: Văn trường hàng, nghĩa vị sâu xa.

2. Tụng: Lời lặp lại lần thứ hai để khỏi mất ý chính.

3. Ký: Nói về bốn bộ chúng, bảy vị Phật với bảy đời dòng dõi khi ra đời và lúc nhập Niết Bàn. Lại còn có mười sáu vị Phạm Chí lõa hình, có mười bốn vị đã nhập Niết Bàn, hai vị chưa nhập Niết Bàn là Di Lặc và A Kỳ.

4. Kệ: Những bài kệ rải rác trong các Kinh, ý nghĩa sâu rộng dồi dào.

5. Nhân duyên: Gặp nhân duyên thì nói, không có nhân duyên thì không nói.

6. Xuất diệu: Từ phẩm vô thường đến phẩm Phạm Chí, thu nhặt các yếu lý trong các Kinh rồi giảng rộng ý nghĩa đó để dạy cho người mới học, nên gọi là xuất diệu thí dụ.

7. Thành sự: Nói thành nghĩa là như người trì luật ghi chép những điều phạm luật, nên gọi là thành sự.

8. Hiện pháp Bổn Sự: Nói hiện nghĩa là ghi các việc bây giờ với mắt thấy tai nghe, nên gọi là hiện.

9. Sinh Kinh Bổn Sinh: Nói Sinh Kinh là như tiền thân của Bột Lộc mẫu, kể ra một đời, nhiều đời, đến trăm ngàn đời, gọi là Sinh Kinh.

10. Phương Đẳng: Trước thì tóm lược rồi sau giảng rộng, bao gồm mọi việc.

11. Vị Tằng Hữu Pháp: Như Tôn Giả A Nan dùng pháp vị tằng hữu khen ngợi công đức của Như Lai.

12. Nghĩa Kinh: Sở dĩ nói nghĩa là vì nghĩa của Khế Kinh, nghĩa của kệ, tất cả đều thông suốt, không ngăn ngại.

Tỳ Kheo học rộng phải nghe hết những điều vừa kể trên.

Lại nữa, nếu thầy Tỳ Kheo ấy là con nhà dòng dõi, dốc lòng kính tin, chỉ cần bốn câu kệ mà đọc tụng lanh lợi, thông suốt thì mọi pháp đều thành tựu. Đến với pháp, hướng về chánh pháp, lấy pháp để chứng được pháp, mỗi mỗi đều suy nghĩ, dạy bảo đúng pháp, không sai trái, thiếu sót.

Tỳ Kheo nào đến ngang mức ấy mới gọi là học rộng. Còn như đọc thuộc nhiều, biết nhiều các Kinh, nhưng không sống theo pháp ấy, không theo lời dạy của pháp ấy mà lại tự mình làm khác đi, làm cho pháp bị tổn hại thì không gọi là học rộng.

Đức Như Lai nói cho các Tỳ Kheo nghe một thí dụ: Xưa có một người chăn bầy trâu nhiều con, bỏ trâu mình, đi đếm trâu kẻ khác rồi lại cho là trâu của mình. Như thế trâu mình đi lang thang gặp thú dữ ăn thịt hoặc lạc mất trong đồng cỏ, mỗi ngày có mất mát hao giảm mà không hay biết, y liền bị mọi người cười chê. Những kẻ ngu trên đời, không ai ngu hơn các thầy. Nhận bầy trâu của ai khác mà bảo là của mình.

Tỳ Kheo học rộng cũng lại như vậy, là chính mình không thuận theo lời dạy của chánh pháp, mà lại đi khuyên người khác thực hành bốn thứ cúng dường như y phục, ăn uống, giường chõng, thuốc men trị bệnh, lại khuyến tấn người giữ giới tu phước, làm những việc lành sẽ được quả báo tốt đẹp, tạo tội sẽ bị tai ương.

Loại Tỳ Kheo học rộng ấy không giữ gìn giới cấm của Sa Môn, bị những người phạm hạnh chê cười.

Các thầy Tỳ Kheo phạm hạnh bèn nhóm họp đi đến chỗ các Tỳ Kheo kia mà quở trách, can ngăn: Các thầy là người học rộng, hiểu và phân tích chuyện xưa nay rõ ràng, giảng nói những nghĩa sâu xa, nhưng không có khả năng sửa mình cho ngay thì làm sao sửa ngay cho kẻ khác được?

Phạm giới cấm của Sa Môn, trái pháp, trái lời Phật dạy, tuy làm kiếp người, trong một đời không có lầm lỗi, ai không có tội lỗi, kể cả các Trời, thần tiên cũng còn có lỗi. Chỉ có người hiểu biết nhờ biết lo sợ trăm ngàn điều lỗi nên là bậc thượng hạnh.

Bấy giờ, các vị phạm hạnh nói bài kệ rằng:

Dù tụng tập nhiều nghĩa

Buông lung không theo chánh

Như đếm trâu của người

Không được việc Sa Môn.

Bấy giờ, các Tỳ Kheo học rộng vốn là những người thông minh, như áo mới dễ ăn màu, họ chừa bỏ lỗi cũ, giữ tâm ý thanh tịnh dứt hết các lậu, chứng quả A La Hán, được sáu thần thông, tự tại sống chết, ước nguyện thành tựu.

Ta thấy người xa đến

Có đủ các tướng tốt

Ắt là vua cõi đời

Không tôn ai làm thầy.

Lúc bấy giờ, Bồ Tát hỏi A Lan: Sự chứa nhóm học vấn của Ngài trải nhiều gian khổ, với mục đích là chứng được pháp gì mới vui thích?

A Lan trả lời: Chỗ học vấn của tôi vượt khỏi Trời Sắc Tưởng mà đến Không xứ, ở trong khoảng đó, tôi được vui thích.

Lúc ấy Bồ Tát suy nghĩ: A Lan không có trí tuệ, chỉ ta có trí tuệ. A Lan không có lòng tin, chỉ ta có lòng tin.

Thế mà A Lan còn chứng được Không định ấy, huống gì ta tinh tấn tu học mà không chứng được quả Vô Thượng Đẳng Chánh Giác hay sao?

Lúc ấy Bồ Tát tư duy sắc tưởng, suy nghĩ kỹ lưỡng, liền được không định, liền hỏi A Lan: Thiền định của thầy chỉ đạt ngang mức không đó thôi, hay còn vượt khỏi nó?

A Lan nói: Định ý mà Bồ Tát học chỉ ngang mức đó mà thôi, không còn loại định nào khác nữa để học.

Bấy giờ Bồ Tát suy nghĩ: Bây giờ ta nên tới chỗ Ngài Uất Đầu Lam Phất.

Ngài liền đến chỗ của Lam Phất và hỏi rằng: Ngài tu học lâu năm, hiện giờ trong pháp môn của Ngài, Ngài đạt được thứ định nào mà thấy vui thích?

Lam phất đáp: Chỗ tu học của tôi là từ Bất dụng xứ đến Hữu tưởng, Vô tưởng xứ.

Nghe xong, Bồ Tát liền nhập định. Ngài liền đạt tới Bất dụng ứ, đến Hữu tưởng, Vô tưởng xứ.

Bấy giờ Bồ Tát suy nghĩ: Ngài Lam Phất không có trí tuệ, chỉ ta ó trí tuệ. Ngài Lam Phất không có lòng tin, chỉ ta có lòng tin.

Thế mà Lam phất còn chứng được định ấy, huống gì ta siêng năng tu học mà không chứng được quả Vô Thượng Đẳng Chánh Giác ư?

Ngài bèn suy nghĩ mà nói bài kệ rằng:

Do tham, chúng sinh chết

Thích được định thế tục

Trôi lăn trong sinh tử

Vào cõi tối tai họa.

Bấy giờ Bồ Tát lại suy nghĩ: Pháp này không phải là con đường cốt yếu để tới Niết Bàn. Ta phải tìm con đường xuất ly khác.

Ngài lại nói với Lam Phất bài kệ:

Tôi sẽ bày xác chết

Rõ xương cốt dính nhau

Mục đích tìm phương tiện

Gốc sinh, già, bệnh, chết.

Bấy giờ Bồ Tát liền đi về phía trước, đến một nơi thanh vắng siêng tu khổ hạnh, hành hạ thân xác, mỗi ngày chỉ ăn một hạt mè hoặc một hạt gạo, ròng rã như vậy suốt sáu năm liền. Một hôm, Bồ Tát định đứng dậy đi, vừa đứng dậy thì bị té nhào về phía trước. Vừa ngồi thì ngã ngửa ra.

Bấy giờ, Chư Thiên ở tầng Trời Đâu Suất bay xuống giúp đỡ Bồ Tát, họ thấy Bồ Tát không còn hơi thở ra vào bèn cho là Ngài đã chết hoặc nhập diệt.

Họ cảm động xót thương, liền nói bài kệ rằng:

Giữ chắc tâm nguyện rộng

Cứu đời đến vô vi

Bỏ Trời Đao Lợi kia

Để rồi chết nơi đây.

Lúc ấy, có vị Trời đến chỗ Bồ Tát hỏi: Nếu như Ngài đã nhàm chán thức ăn uống có mùi vị trần gian thì xin Ngài hãy dùng thức ăn có mùi vị Cõi Trời để giữ gìn sức khỏe.

Bấy giờ Bồ Tát suy nghĩ: Nếu bây giờ ta ăn dùng thức ăn có mùi vị Cõi Trời mà bỏ món ăn của trần gian thì như vậy là không phải lẽ. Thế nên, Bồ Tát không nhận món ăn có mùi vị Cõi Trời do Chư Thiên hiến cúng.

Rồi cứ thế, Bồ Tát từ tu khổ hạnh này đến khổ hạnh khác suốt sáu năm, rồi một hôm Bồ Tát cảm thấy sức lực mình sa sút trầm trọng, Ngài nghĩ: Muốn chứng đạo Vô Thượng Đẳng Chánh Giác thì không cần phải hành hạ thân xác mới chứng thành đạo quả. Vậy, giờ đây ta phải ăn uống thức ăn của cõi trần gian này, như gạo, lúa tẻ, mật ong, tiểu mạch, các loại dầu mỡ để xoa thân.

Bấy giờ, Bồ Tát liền nói kệ:

Nấu rang ướt gốc ái

Dùng tâm trí cắt lìa

Tâm là gốc muôn tưởng

Thân không phải kẻ thù.

Lúc ấy, đúng như ý Bồ Tát nghĩ, có người đem dâng mật ong, sữa, cháo sữa và dầu mỡ để thoa mình. Lúc ấy, ở hai bên Bồ Tát có hai Phạm Chí nữ dâng cúng những vật cần dùng.

Lúc ấy hai cô gái này nuôi năm trăm con nghé mới đẻ, cho bú sữa hai trăm năm mươi bò mẹ, xong lại chọn nuôi hai trăm năm mươi con, cho bú một trăm hai mươi năm bò mẹ, rồi lại chọn một trăm hai mươi năm bò con cho bú sáu mươi bò mẹ, rồi lại chọn sáu mươi bò con cho bú ba mươi bò mẹ, sau đó lại chọn ba mươi trâu con cho bú mười năm trâu mẹ, lại chọn mười năm bò con cho bú bảy bò mẹ.

Cuối cùng chọn nuôi bảy bò con để lấy sữa làm thức ăn cho Bồ Tát. Sữa sôi bung lên cao một nhận rồi rơi lại xuống chõ.

Lúc ấy, có một Phạm Chí là người xem tướng, thấy sữa sôi rồi lại rơi xuống chỏ như thế, ông nói rằng: Ai lập nguyện mạnh mẽ, ăn cháo sữa này thì sẽ thành đạo Vô Thượng Đẳng Chánh Giác.

Rồi hai cô gái lấy chén vàng đựng đầy cháo sữa đem dâng lên Bồ Tát. Bồ Tát nhận thức ăn, ăn xong Ngài múc nước súc miệng rồi thả chén ấy xuống dòng nước. Thích Đề Hoàn Nhân lấy chén đó đem về Cõi Trời. Đến khi sức khỏe đã hồi phục, Ngài bèn qua song Ni Liên Thiền. Lúc ấy, bên bờ sông có một người tên Cát Tường đang cầm liềm cắt cỏ.

Bồ Tát liền đến nói với Cát Tường: Xin cho tôi một bó cỏ để trải đất làm chỗ ngồi thiền.

Cát Tường liền dâng cho Ngài một bó cỏ. Ngài đem đến dưới gốc cây tự trải cỏ ra, rồi ngồi kiết già mà phát nguyện: Nay ta ngồi dưới cây này mãi mãi, khi nào chứng được đạo Vô Thượng Đẳng Chánh Giác ta mới đứng đậy.

Bấy giờ, ác ma dẫn mười tám ức ma quân và con của ma là Tát Đà đến chỗ Bồ Tát. Chúng hiện ra đầu thú mình người, hoặc một đầu mà hai mình, hoặc hiện ra không biết bao nhiêu hình nào là khỉ, vượn, sư tử, cọp, tê giác, rắn độc, thú dữ.

Chúng vác núi, phun lửa, tay cầm dao kiếm, mâu kích, thuẫn, giáo, đứng choáng cả hư không nhảy múa gầm thét để làm cho Bồ Tát sợ hãi, nhưng nhờ năng lực của tâm từ bi nên Bồ Tát không hề lay động một mảy lông. Ngài liền chứng Vô Thượng Đẳng Chánh Giác, ma quân lui hết.

Bấy giờ, Như Lai nhìn đăm đăm vào cây Đạo, mắt không hề nháy. Lúc bấy giờ, có ba người đi buôn từ nơi xa đang trở về quê cũ. Chư Thiên cố ngăn xe họ làm cho trục trặc không thể đi qua thẳng đường.

Chư Thiên bảo họ: Đức Như Lai thành đạo đã bảy ngày, các ông hãy đến hiến cúng thức ăn uống. Những người đi buôn liền lấy chén đựng đầy mật, sữa, đến chỗ Như Lai dâng lên cúng dường. Như Lai không muốn thọ nhận.

Vì sao?

Vì Như Lai tự nghĩ: Nếu ta đưa tay nhận lấy thức ăn này thì có khác gì Phạm Chí ngoại đạo.

Vậy ta phải quán xét Chư Phật, Thế Tôn quá khứ dùng vật gì đựng thức ăn?

Ngài vừa suy nghĩ như vậy thì các vị Trời ở trên không trung bạch rằng: Chư Phật quá khứ đều dùng bình bát để thọ thực.

Khi nói lời ấy xong thì bốn vị Vua Trời dâng lên cúng dường Phật bốn cái bình bát mà những người thợ gốm giỏi cũng không làm được, mà là tự nhiên thành tựu.

Bấy giờ Như Lai lại nghĩ: Bốn vị Vua Trời dâng bốn cái bát, nếu ta nhận một bỏ ba hay nhận ba bỏ một thì đều trái lẽ. Vậy, giờ đây ta phải nhận cả bốn, ép thành một cái.

Bấy giờ những người đi buôn kia đem mật, cháo sữa dâng lên cúng dường Như Lai, Như Lai liền chú nguyện: Nay người cúng dường thức ăn này cho ta dùng để được sức khỏe, sẽ khiến cho thí chủ đời đời hưởng phước vui vẻ, không tật bệnh, sống lâu, được mọi điều tốt đẹp.

Loài hai chân sống an ổn, loài bốn chân sống an ổn, kẻ từ xa đến an ổn, người sống ở đây an ổn, đêm an ổn, ngày an ổn, giữa ngày an ổn, tất cả loài đẻ trứng an ổn, kẻ sống trong nhà an ổn, không bệnh tật, nội tâm an ổn, tất cả bà con quyến thuộc đều an ổn. Được nhiều thức ăn uống trong sạch. Đời thái bình trăm năm, sống trăm năm.

Khi ấy Đức Thế Tôn trong thời gian bốn mươi chín ngày im lặng không nói pháp. Ngài tự suy nghĩ muốn có người tự đến thỉnh Ngài nói pháp. Khi ấy dân chúng nước Ma Kiệt Đà nghe Bồ Tát đã chứng đạo ngày đêm tha thiết nhớ nghĩ Như Lai.

Lúc ấy, trong nước Ma Kiệt Đà dịch khí đang hoành hành, những người đáng được hóa độ thì họ đã chết sinh lên Cõi Trời đến tám muôn người. Bấy giờ Đức Thế Tôn lần đi về phía trước hóa độ, trước hết là năm vị, kế là mười, kế là ba mươi bảy, kế là mười ba người trong mười ba ngôi làng nọ. Bấy giờ, trên Cõi Diêm Phù Lợi này đã có sáu mươi vị A La Hán với Như Lai nữa là sáu mươi mốt.

Khi ấy Đức Phật bảo các Tỳ Kheo: Các thầy hãy đi khất thực trong nhân gian, cứ hai người làm bạn với nhau chớ có đi một người.

Vì sao?

Vì người ta sống trên đời này có người lanh lợi có người chậm lụt, không gặp được Sa Môn thì mất cơ hội đạt được Niết Bàn.

Bấy giờ Đức Thế Tôn chuyển sang đi đến làng của Phạm Chí Uất Tỳ Lê. Ở đó, Ngài hàng phục được một ngàn Phạm Chí. Sau đó Ngài quay về hướng thành La Duyệt. Vua Bình Sa nghe tin Đức Phật đang đổi hướng đi về phía thành La Duyệt mà khất thực trong dân gian, vua liền cho sửa soạn bốn thứ binh định đưa ra ngoài thành đón rước Phật. Các vị Trời đóng cửa thành khiến vua không mang quân ra được.

Vua liền hỏi những người chung quanh: Tại sao dừng lại không tiến ra?

Trên hư không có lời nói: Đại vương nên biết, có nhiều người có duyên với phật nhưng họ đang bị giam nhốt trong ngục tối, nếu nhà vua đại ân xá thả hết họ ra thì nhà vua sẽ được thấy Như Lai.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần