Phật Thuyết Kinh Trường Bộ - Kinh ưu đàm Bà La Sư Tử Hống - Phần Một

Kinh Nguyên thủy   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:03 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư An Thế Cao, Đời Hậu Hán

PHẬT THUYẾT KINH TRƯỜNG BỘ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

An Thế Cao, Đời Hậu Hán  

KINH ƯU ĐÀM BÀ LA

SƯ TỬ HỐNG  

PHẦN MỘT  

Như vậy tôi nghe!

Một thời, Thế Tôn ở tại Ràjagaha Vương Xá, núi Gijjhakùta Kỳ Xà Quật.

Lúc bấy giờ du sĩ Nigrodha Ni Câu Đà ở tại vườn của nữ hoàng Udumbarikà Ưu Đàm Bà La dành cho du sĩ đoàn, cùng với đại hội chúng du sĩ, khoảng ba ngàn người. Gia chủ Sandhana Tán Đà Na, vào buổi chiều đi ra khỏi thành Vương Xá để yết kiến Thế Tôn.

Rồi Gia chủ Sandhana suy nghĩ: Nay không phải thời để yết kiến Thế Tôn, Thế Tôn đang an lặng tịnh cư. Cũng không phải thời để yết kiến Chúng Tăng, vì Chúng Tăng đang tu tập thiền định.

Vậy ta hãy đi đến vườn của nữ hoàng Udumbarika dành cho du sĩ đoàn, để thăm du sĩ Nigrodha. Và gia chủ Sandhana đi đến vườn của nữ hoàng Undumbarika dành cho du sĩ đoàn để thăm du sĩ Nigrodha.

Lúc bấy giờ du sĩ Nigrodha đang ngồi với đại hội chúng du sĩ, tất cả đều ồn ào nói chuyện, cao giọng lớn tiếng, bàn cãi về những phiếm luận vô ích, như câu chuyện về Vua chúa, câu chuyện về ăn trộm, câu chuyện về đại thần, câu chuyện về binh lính, các câu chuyện hãi hùng, câu chuyện về chiến tranh.

Câu chuyện về đồ ăn, câu chuyện về đồ uống, câu chuyện về vải mặc, câu chuyện về giường nằm, câu chuyện về vòng hoa, câu chuyện về hương liệu, câu chuyện về bà con, câu chuyện về xe cộ, câu chuyện về làng xóm, câu chuyện về thị tứ, câu chuyện về thành phố, câu chuyện về Quốc Độ.

Câu chuyện về đàn bà, câu chuyện về đàn ông, câu chuyện về vị anh hùng, câu chuyện bên lề đường, câu chuyện tại chỗ lấy nước, câu chuyện về người đã chết, các câu chuyện tạp thoại, câu chuyện về hiện trạng Thế Giới, hiện trạng đại dương, câu chuyện về hiện hữu và không hiện hữu.

Du sĩ Nigrodha thấy gia chủ Sandhana từ đàng xa đến, liền dặn hội chúng của mình: Các Tôn Giả hãy giữ im lặng, các Tôn Giả chớ có làm ồn!

Ðệ tử Sa Môn Gotama, gia chủ Sandhana đang đi đến. Trong hàng đệ tử Sa Môn Gotama, các hàng Cư Sĩ, mặc áo trắng, trú tại Vương Xá, gia chủ Sandhana là một vị trong đoàn thể ấy. Các vị này ưa sự an tịnh, các vị này được huấn luyện trong sự an tịnh, các vị này tán thán sự an tịnh.

Nếu được biết hội chúng này an tịnh, Sandhana có thể đến đây. Khi nghe nói vậy, các vị du sĩ đều giữ yên lặng.

Rồi gia chủ Sandhana đến tại chỗ của du sĩ Nigrodha, khi đến nơi, nói lên những lời chúc tụng, viếng thăm xã giao rồi ngồi với du sĩ Nigrodha: Thật sự khác thay, khi các Tôn Giả ngoại đạo, các du sĩ này hội họp lại, quy tụ lại, ồn ào, cao giọng lớn tiếng, họ sống bàn cãi về những phiếm luận vô ích như câu chuyện về Vua chúa câu chuyện về sự hiện hữu và sự không hiện hữu.

Thật sai khác thay, Thế Tôn an trú các nhàn tịnh xứ, núi rừng tịch mịch, xa vắng, ít tiếng động, có gió đồng thổi, lánh xa mắt người đời, thích hợp cho sự tịnh tu.

Khi nghe nói vậy, du sĩ Nigrodha nói với gia chủ Sandhana:

Gia chủ có biết không?

Sa Môn Gotama luận đàm với ai?

Ðối thoại với ai?

Với ai đạt được tuệ trí?

Trí tuệ của Sa Môn Gotama bị hư hoại vì sống với không xứ, Sa Môn Gotama không giỏi điều khiển một hội chúng, không đủ sức để đối thoại, chỉ đề cập đến những vấn đề ngoại biên.

Cũng như con bò một mắt, đi vòng tròn và chỉ đi phía bên ngoài. Cũng vậy, trí tuệ của Sa Môn Gotama bị hư hoại vì sống với không xứ. Sa Môn Gotama không giỏi điều khiển một hội chúng, không đủ sức để đối thoại, chỉ đề cập đến vấn đề ngoại biên.

Này gia chủ, nếu Sa Môn Gotama đến tại hội chúng này, chỉ có một câu hỏi chúng tôi có thể chận đứng ngay. Chúng tôi nghĩ, chúng tôi có thể lăn tròn Sa Môn Gotama như lăn tròn một cái bình không.

Thế Tôn, với Thiên Nhĩ thanh tịnh hơn người, nghe được câu chuyện giữa gia chủ Sandhana với du sĩ Nigrodha. Rồi Thế Tôn từ núi Gijjhakùtà bước xuống, đi đến vườn nuôi dưỡng chim khổng tước, bên bờ sông Sumàgaghà, khi đến nơi liền đi qua lại giữa Trời.

Du sĩ Nigrodha thấy Thế Tôn đi qua lại giữa Trời, tại vườn nuôi dưỡng chim khổng tước, trên bờ sông Sumàgadhà, khi thấy vậy liền dặn dò hội chúng: Các Tôn Giả hãy giữ im lặng. Các Tôn Giả chớ có làm ồn. Sa Môn Gotama này đang đi lại giữa Trời, tại vườn nuôi dưỡng chim khổng tước trên bờ sông Sumàgadhà.

Vị Tôn Giả này ưa an tịnh, tán thán sự an tịnh, nếu biết được hội chúng này an tịnh, chúng tôi nghĩ, Sa Môn Gotama có thể đến đây.

Nếu Sa Môn Gotama đến tại hội chúng này, chúng ta sẽ hỏi câu hỏi này: Bạch Thế Tôn, pháp gì là pháp của Thế Tôn?

Với pháp nào Thế Tôn muốn dạy các đệ tử, với pháp nào các đệ tử của Thế Tôn được huấn dạy, đạt đến tịnh lạc, và xác nhận là căn bản phạm hạnh?

Khi được nói vậy, các vị du sĩ ấy giữ im lặng. Lúc bấy giờ, Thế Tôn đến tại chỗ du sĩ Nigrodha ở.

Và du sĩ Nigrodha nói với Thế Tôn như sau: Bạch Thế Tôn, Thế Tôn hãy đến đây. Xin đón mừng Thế Tôn.

Bạch Thế Tôn, đã lâu Thế Tôn mới có dịp đến đây.

Bạch Thế Tôn, xin mời Thế Tôn ngồi. Ðây là chỗ ngồi đã soạn sẵn. Thế Tôn ngồi xuống chỗ ngồi đã soạn sẵn. Du sĩ Nigrodha lấy một ghế ngồi thấp khác và ngồi xuống một bên.

Thế Tôn nói với du sĩ Nigrodha đang ngồi xuống một bên: 

Này Nigrodha, quý vị đang ngồi bàn luận vấn đề gì?

Vấn đề gì đang nói giữa quí vị thì bị dừng lại?

Khi được nói vậy, du sĩ Nigrodha bạch Thế Tôn: Bạch Thế Tôn, ở đây chúng con thấy Thế Tôn đang đi qua lại, tại vườn nuôi dưỡng chim Khổng tước, trên bờ sông Sumagadha.

Khi thấy vậy, chúng con nói: Nếu Sa Môn Gotama đến tại hội chúng này, chúng ta sẽ hỏi câu hỏi:

Bạch Thế Tôn, pháp gì là pháp của Thế Tôn?

Với pháp nào Thế Tôn huấn dạy các đệ tử?

Với pháp nào các đệ tử Thế Tôn được huấn dạy, đạt đến tịnh lạc và xác nhận là căn bản phạm hạnh?

Bạch Thế Tôn, đó là vấn đề đang được bàn luận giữa chúng con, thì được dừng lại khi Thế Tôn đến. Này Nigrodha, thật khó cho ngươi, khi ngươi theo các kiến giải sai khác, kham nhẫn các sự việc sai khác, theo dõi những mục tiêu khác, theo đuổi những mục đích sai khác, được huấn luyện theo các phương pháp sai khác để hiểu được pháp nào ta huấn dạy các đệ tử của ta, đạt đến tịnh lạc và xác nhận là căn bản phạm hạnh.

Này Nigrodha, hãy hỏi về tối thắng khổ hạnh theo truyền thống của ngươi: Bạch Thế Tôn, thế nào là sự thành tựu của khổ hạnh, thế nào là sự không thành tựu?

Khi nghe nói vậy, các du sĩ ngoại đạo liền lớn tiếng, cao giọng la: Thật là kỳ diệu, thật là hy hữu, đại thần lực và đại uy lực của Sa Môn Gotama. Ngài không đề cập đến giáo lý của mình, lại đề nghị thảo luận giáo lý của người khác.

Du sĩ Nigrodha bảo các du sĩ ấy im lặng rồi bạch Thế Tôn: Bạch Thế Tôn, chúng con sống thuyết giảng về khổ hạnh, xem khổ hạnh là căn bản, chấp trì khổ hạnh.

Bạch Thế Tôn, thế nào là sự thành tựu khổ hạnh?

Thế nào là sự không thành tựu khổ hạnh?

Này Nigrodha, ở đây có người tu khổ hạnh, sống lõa thể, sống phóng túng không theo lễ nghi, liếm tay cho sạch, đi khất thực không chịu bước tới, không nhận đồ ăn mang đến, không nhận đồ ăn đặc biệt nấu cho mình, không nhận lời mời đi ăn, không nhận đồ ăn tại ngưỡng cửa, không nhận đồ ăn đặt giữa những cây gậy.

Không nhận đồ ăn từ hai người đang ăn, không nhận đồ ăn từ người đàn bà có thai, không nhận đồ ăn từ người đàn bà đang cho con bú, không nhận đồ ăn từ người đàn bà đang giao cấu, không nhận đồ ăn đi quyên, không nhận đồ ăn tại chỗ có chó đứng, không nhận đồ ăn tại chỗ có ruồi bu, không ăn cá, ăn thịt, không uống nước nấu rượu men.

Vị ấy chỉ nhận ăn tại một nhà hay chỉ nhận ăn một miếng, chỉ nhận ăn tại bảy nhà hay chỉ nhận ăn bảy miếng. Vị ấy nuôi sống chỉ với một bát, nuôi sống chỉ với hai bát, nuôi sống chỉ với bảy bát.

Vị ấy chỉ ăn một ngày một bữa, hai ngày một bữa, bảy ngày một bữa. Như vậy vị ấy sống theo hạnh tiết chế ăn uống cho đến nửa tháng mới ăn một lần. Vị này chỉ ăn cỏ lúa để sống, lúa tắc, gạo lức, ăn hột vải nivara, ăn da vụn, ăn trấu, ăn nước bột gạo, ăn bột vừng, ăn cỏ, ăn phân bò, ăn trái cây, ăn rễ cây trong rừng, ăn trái cây rụng để sống.

Vị ấy mặc vải gai thô, mặc vải gai thô lẫn với các khác vải khác, mặc vải tẩm liệm đã quăng đi, mặc vải phấn tảo y, mặc vải vỏ cây tititaka làm áo, mặc da con sơn dương đen, mặc áo bằng cỏ cát tường, mặc áo vỏ cây, mặc áo bằng tấm gỗ nhỏ, mặc áo bằng tóc bện lại thành mền, mặc áo bằng đuôi ngựa bện lại, mặc áo bằng lông cú.

Vị ấy là người sống nhổ râu tóc, là người sống theo tập tục sống nhổ râu tóc, là người theo hạnh thường đứng, không ngồi, là người ngồi chõ hỏ.

Sống theo hạnh ngồi chõ hỏ một cách tinh tấn, là người dùng gai làm giường, thường ngủ nằm trên giường gai, sống dùng ván gỗ làm giường, sống nằm trên đất trần, thường nằm ngủ một bên hông, sống để bụi và nhớp che kín thân mình, sống và ngủ ngoài trời.

Theo hạnh bạ đâu nằm đầy, sống ăn các uế vật. Theo hạnh ăn các uế vật, sống không uống các nước lạnh, theo hạnh không uống nước lạnh, sống một đêm tắm ba lần, theo hạnh xuống nước tắm.

Này Nigrodha, ngươi nghĩ thế nào?

Như vậy có phải là thành tựu các pháp khổ hạnh hay không thành tựu?

Bạch Thế Tôn, như vậy là thành tựu các pháp khổ hạnh, không phải không thành tựu. Này Nigrodha, sự thành tựu khổ hạnh như vậy, ta nói rằng sẽ đưa đến nhiều loại cấu uế.

Bạch Thế Tôn, có phải Thế Tôn nói rằng sự thành tựu khổ hạnh như vậy sẽ đưa đến nhiều loại cấu uế?

Này Nigrodha, ở đây một vị khổ hạnh siêng tu khổ hạnh. Nhờ tu khổ hạnh này, vị ấy hoan hỷ tâm tư thỏa mãn.

Này Nigrodha, vị khổ hạnh do siêng tu khổ hạnh, phát sanh hoan hỷ, tâm tư thỏa mãn.

Này Nigrodha, như vậy là cấu uế cho người khổ hạnh. Lại nữa, này Nigrodha, vị khổ hạnh tu hành khổ hạnh, do khổ hạnh này, vị này khen mình chê người.

Này Nigrodha, vị khổ hạnh tu hành khổ hạnh nào, do khổ hạnh ấy khen mình chê người.

Này Nigrodha, như vậy là cấu uế cho người khổ hạnh. Lại nữa, này Nigrodha, vị khổ hạnh tu hành khổ hạnh, do khổ hạnh này trở thành mê say, nhiễm trước, phóng dật.

Này Nigrodha, vị tu hành khổ hạnh nào, do khổ hạnh ấy mê say, nhiễm trước, phóng dật.

Này Nigrodha, như vậy là cấu uế cho người khổ hạnh. Lại nữa, này Nigrodha, vị khổ hạnh tu hành khổ hạnh. Do khổ hạnh này, được thọ lãnh cúng dường, cung kính, danh vọng. Do được cúng dường, cung kính, danh vọng, trở thành hoan hỷ, tâm tư thỏa mãn.

Này Nigrodha, vị khổ hạnh tu hành khổ hạnh nào. Do khổ hạnh ấy được thọ lãnh cúng dường, cung kính, danh vọng, trở thành hoan hỷ, tâm tư thỏa mãn.

Này Nigrodha, như vậy đó là cấu uế cho người khổ hạnh. Lại nữa, này Nigrodha, người khổ hạnh tu hành khổ hạnh. Do khổ hạnh này, được cúng dường, cung kính, danh vọng. Do được cúng dường, cung kính, danh vọng, nên khen mình chê người.

Này Nigrodha, người khổ hạnh tu hành khổ hạnh nào, do khổ hạnh ấy được cúng dường, cung kính, danh vọng. Do được cúng dường, cung kính, danh vọng. Do được cúng dường, cung kính, danh vọng này, nên khen mình chê người.

Này Nigrodha, như vậy là cấu uế cho người khổ hạnh. Lại nữa, này Nigrodha, người khổ hạnh tu hành khổ hạnh. Do khổ hạnh này, được cúng dường, cung kính, danh vọng. Do được cúng dường, cung kính, danh vọng, trở thành mê say, chấp trước, phóng dật.

Này Nigrodha, người khổ hạnh tu hành khổ hạnh nào, do khổ hạnh ấy được cúng dường, cung kính, danh vọng. Do được cúng dường, cung kính, danh vọng này, trở thành mê say, chấp trước, phóng dật.

Này Nigrodha, như vậy là cấu uế cho người khổ hạnh.

Lại nữa, này Nigrodha, người khổ hạnh tu hành khổ hạnh, phân biệt các thức ăn: Món này thích hợp với ta, món này không thích hợp với ta. Ðối với các thức ăn không thích hợp thì cố ý từ bỏ.

Ðối với các thức ăn thích hợp thì nắm giữ, tham đắm, chấp trước, không thấy các sự nguy hiểm, không phân biệt chúng là không giải thoát, thọ hưởng chúng Này Nigrodha, như vậy là cấu uế cho người khổ hạnh.

Lại nữa, này Nigrodha, người khổ hạnh tu hành khổ hạnh, nhân vì mong mỏi được cúng dường cung kính danh vọng, nghĩ rằng: Các Vua chúa sẽ cung kính ta, cũng vậy các vị đại thần, các vị Sát Đế Lỵ, các vị Bà La Môn, các vị gia chủ, các vị giáo chủ các giáo phái. Này Nigrodha, như vậy là cấu uế cho người khổ hạnh.

Lại nữa, này Nigrodha, người khổ hạnh chống báng một Sa Môn hay Bà La Môn khác như sau: Người này sống ăn uống đủ mọi thứ.

Như hạt giống từ rễ sanh, hạt giống từ nhánh cây sanh, hạt giống từ đốt sanh, hạt giống từ chiết cây sanh và thứ năm là hạt giống từ hạt giống sanh, nhai nghiền chúng tất cả với tầm sét không bánh xe được gọi là xương quai hàm và người ta gọi vị ấy là một vị Sa Môn.

Này Nigrodha, như vậy, là cấu uế cho người khổ hạnh. Lại nữa này Nigrodha, người khổ hạnh thấy một Sa Môn hay Bà La Môn được các gia đình cung kính, kính trọng, lễ bái, cúng dường.

Thấy vậy vị ấy nghĩ rằng: Các gia đình cung kính, kính trọng, lễ bái, cúng dường người sống ăn uống đủ mọi thứ. Các gia đình ấy không cung kính, kính trọng, lễ bái, cúng dường ta, một người tu khổ hạnh. Do vậy sanh tật đố, ganh ghét đối với các gia đình. Này Nigrodha, như vậy là cấu uế cho người khổ hạnh.

Lại nữa, này Nigrodha, người khổ hạnh trở thành người ngồi giữa công chúng. Này Nigrodha, như vậy là cấu uế cho người khổ hạnh.

Lại nữa, này Nigrodha, người khổ hạnh, khi đi giữa các gia đình để khất thực không cho người ta thấy mình: Như vậy là khổ hạnh của ta, như vậy là khổ hạnh của ta. Này Nigrodha, như vậy là cấu uế cho người khổ hạnh. Lại nữa, này Nigrodha, người khổ hạnh làm bộ có vẻ bí mật.

Khi được hỏi: Có chấp nhận việc này không?

Tuy không chấp nhận nhưng trả lời: Có chấp nhận.

Tuy chấp nhận, nhưng trả lời: Không chấp nhận. Như vậy, vị này cố tình nói láo. Này Nigrodha, như vậy là cấu uế cho người khổ hạnh. Lại nữa, này Nigrodha, khi Như Lai hay đệ tử Như Lai thuyết pháp và dùng một phương pháp đáng được chấp nhận thì người khổ hạnh không chấp nhận.

Này Nigrodha, như vậy là cấu uế cho người khổ hạnh. Lại nữa, này Nigrodha, người khổ hạnh hay tức giận và ôm lòng oán thù.

Này Nigrodha, vì người khổ hạnh hay tức giận và ôm lòng oán thù. Này Nigrodha, như vậy là cấu uế cho người khổ hạnh.

Lại nữa, này Nigrodha, người khổ hạnh thường hay giả dối lừa đảo, tật đố và hà tiện, giảo hoạt và ngụy trá, cứng cỏi và quá mạn, có ác ý và bị ác ý chi phối, có tà kiến và tư tưởng cực đoan, chấp trước kinh nghiệm tự thân, cứng đầu và khó giải thoát.

Này Nigrodha, vì một người khổ hạnh chấp trước kinh nghiệm tự thân, cứng đầu và khó giải thoát. Này Nigrodha, như vậy là cấu uế cho người khổ hạnh.

Này Nigrodha, ngươi nghĩ thế nào?

Sự thật là như vậy thì những khổ hạnh có phải là cấu uế hay không cấu uế? 

Bạch Thế Tôn, những khổ hạnh như vậy thật là cấu uế, không phải cấu uế. Sự tình này có thể xảy ra, có người khổ hạnh có đầy đủ tất cả sự cấu uế trên, nói gì đến câu có cấu uế này hay cấu uế khác.

Này Nigrodha, ở đây người khổ hạnh siêng tu khổ hạnh. Nhờ tu khổ hạnh này, vị ấy không hoan hỷ, tâm tư không thỏa mãn.

Này Nigrodha, người khổ hạnh, tu khổ hạnh này, vì khổ hạnh này, vị ấy không hoan hỷ, tâm tư không thỏa mãn. Như vậy vị ấy được thanh tịnh trong trường hợp này.

Lại nữa, này Nigrodha, người khổ hạnh siêng tu khổ hạnh. Nhờ tu khổ hạnh này, vị ấy không khen mình chê người. Như vậy vị ấy được thanh tịnh trong trường hợp này.

Lại nữa, này Nigrodha, người khổ hạnh siêng tu khổ hạnh. Nhờ tu khổ hạnh này, vị ấy không mê say, không nhiễm trước, không phóng dật. Như vậy, vị ấy được thanh tịnh trong trường hợp này.

Lại nữa, này Nigrodha, người khổ hạnh siêng tu khổ hạnh. Nhờ tu khổ hạnh này, vị ấy được cúng dường, cung kính, danh vọng. Dầu được cúng dường, cung kính, danh vọng, vị ấy không hoan hỷ. Tâm tư không thỏa mãn. Này Nigrodha, người khổ hạnh. Như vậy, vị ấy được thanh tịnh trong trường hợp này.

Lại nữa, này Nigrodha, người khổ hạnh siêng tu khổ hạnh. Do khổ hạnh này, vị ấy được cúng dường, cung kính, danh vọng. Dầu được cúng dường, cung kính, danh vọng, vị ấy không khen mình chê người. Này Nigrodha, người khổ hạnh. Như vậy, vị ấy được thanh tịnh trong trường hợp này.

Lại nữa, này Nigrodha, người khổ hạnh siêng tu khổ hạnh. Do khổ hạnh này, vị ấy được cúng dường, cung kính, danh vọng. Dầu được cúng dường, cung kính, danh vọng, vị ấy không mê say, nhiễm trước, phóng dật.

Này Nigrodha, người khổ hạnh. Như vậy, vị ấy được thanh tịnh trong trường hợp này.

Lại nữa, này Nigrodha, người khổ hạnh siêng tu khổ hạnh, không phân biệt các thức ăn: Món này thích hợp với ta, món này không hợp với ta.

Ðối với các thức ăn không thích hợp, vị ấy không cố ý từ bỏ. Ðối với các thức ăn thích hợp, vị ấy không nắm giữ, tham đắm, chấp trước, thấy các sự nguy hiểm, phân biệt chúng là không giải thoát, không thọ hưởng chúng. Như vậy, vị ấy được thanh tịnh trong trường hợp này.

Lại nữa, này Nigrodha, người khổ hạnh siêng tu khổ hạnh.

Vị ấy không nghĩ rằng: Vì mong mỏi được cúng dường, cung kính, danh vọng, các Vua chúa sẽ cung kính ta. Cũng vậy các vị đại thần, các vị Sát Đế Lỵ, các vị Bà La Môn, các vị gia chủ, các vị Giáo Chủ các giáo phái. Như vậy, vị ấy được thanh tịnh trong trường hợp này.

Lại nữa, này Nigrodha, vị khổ hạnh không chống báng một vị Sa Môn hay Bà La Môn khác: Người này sống ăn đủ mọi thứ. Như hạt giống từ rễ sanh, hạt giống từ nhành cây sanh, hạt giống từ đốt sanh, hạt giống từ chiết cây sanh và thứ năm là hạt giống từ hạt giống sanh, nhai nghiền chúng tất cả, với tầm sét không bánh xe được gọi là xương quai hàm. Và người ta gọi vị ấy là vị Sa Môn. Như vậy, vị ấy được thanh tịnh trong trường hợp này.

Lại nữa, này Nigrodha, vị khổ hạnh thấy một Sa Môn hay Bà Là Môn được các gia đình cung kính, kính trọng, lễ bái, cúng dường.

Thấy vậy, vị ấy không nghĩ rằng: Các gia đình cung kính, kính trọng, lễ bái, cúng dường người sống ăn uống đủ mọi thứ. Các gia đình ấy không cung kính, kính trọng, lễ bái, cũng dường ta, một người tu khổ hạnh. Do vậy vị ấy không sanh tật đố, ganh ghét đối với các gia đình. Như vậy, vị ấy được thanh tịnh trong trường hợp này.

Lại nữa, này Nigrodha, vị khổ hạnh không trở thành người ngồi giữa công chúng. Như vậy, vị ấy được thanh tịnh trong trường hợp này.

Lại nữa, này Nigrodha, vị khổ hạnh, khi đi giữa các gia đình để khất thực, không dấu diếm mà để cho người ta thấy mình: Như vậy là khổ hạnh của ta, như vậy là khổ hạnh của ta. Như vậy, vị ấy được thanh tịnh trong trường hợp này.

Lại nữa, này Nigrodha, vị khổ hạnh không làm bộ có vẻ bí mật.

Khi được hỏi: Có chấp nhận điều này không?

Nếu không chấp nhận thì trả lời: Không chấp nhận.

Nếu có chấp nhận thì trả lời: Có chấp nhận. Như vậy, vị ấy được thanh tịnh trong trường hợp này.

Lại nữa, này Nigrodha, khi Như Lai hay đệ tử Như Lai thuyết pháp và dùng một phương pháp đáng được chấp nhận, thì vị khổ hạnh chấp nhận. Như vậy, vị ấy được thanh tịnh trong trường hợp này.

Lại nữa, này Nigrodha, vị khổ hạnh không tức giận và không ôm lòng oán thù. Này Nigrodha, vì người khổ hạnh không tức giận và không ôm lòng oán thù, như vậy vị ấy được thanh tịnh trong trường hợp này.

Lại nữa, này Nigrodha, vị khổ hạnh không giả dối và lừa đảo, không tật đố và hà tiện, không giảo hoạt và ngụy trá, không cứng cỏi và quá mạn, không có ác ý và bị ác ý chí phối, không có tà kiến và tư tưởng cực đoan, không chấp trước kinh nghiệm tự thân, không cứng đầu và khó giải thoát.

Vì người khổ hạnh không chấp trước kinh nghiệm tự thân và không cứng đầu khó giải thoát, nên vị ấy được thanh tịnh trong trường hợp này.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Sáu

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Năm

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Bốn

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Ba

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Hai

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Một

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường