Phật Thuyết Kinh Tu Chân Thiên Tử - Phẩm Hai - Phẩm đáp Về Nghĩa Pháp

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:17 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn

PHẬT THUYẾT

KINH TU CHÂN THIÊN TỬ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn  

PHẨM HAI

PHẨM ĐÁP VỀ NGHĨA PHÁP  

Thiên Tử Tu Chân hỏi Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi: Như Lai đã vì tôi mà nói về phần pháp gồm ba mươi hai sự việc, xin nguyện Bồ Tát giảng lại một lần nữa cho tôi được nghe, hiểu.

Thế nào là Bồ Tát đối với đại thừa được tâm ý luôn tin tưởng không quên?

Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi đáp: Tự mình xét kỹ để tin tưởng chứ không theo sự chỉ dẫn của người khác.

Thế nào là việc làm kiên cố của Bồ Tát?

Chế ngự từ bỏ các dục.

Thế nào là Bồ Tát đạt được phước đức tối thắng?

Biết rõ pháp giới không lay động.

Thế nào là Bồ Tát được các hành không chướng ngại?

Không bị sự mê hoặc của các nhập.

Thế nào là Bồ Tát xa lìa vô minh, phiền não?

Biết rõ nền tảng của pháp giới đều thanh tịnh.

Thế nào là Bồ Tát nhập vào biện tài dũng mãnh, xa lìa các sự sợ hãi?

Mong cầu lựa chọn các pháp mà không chấp giữ nơi hình tướng.

Thế nào là Bồ Tát đạt được ý nghĩa đã lãnh hội, nương vào đấy mà giữ gìn?

Nhận biết rõ các pháp vốn vắng lặng.

Thế nào là Bồ Tát được nương nơi pháp thâm diệu?

Đã biết an trụ nơi pháp giới.

Thế nào là Bồ Tát được thuận theo giáo pháp của Thế Tôn?

Không lệ thuộc vào âm thanh.

Thế nào là Bồ Tát luôn thuận hợp với giáo pháp?

Đạt được các môn giải thoát.

Thế nào là Bồ Tát không còn lỗi lầm?

Đối với các pháp môn chẳng lay động.

Thế nào là Bồ Tát hàng phục các ma?

Dùng pháp không để thấu tỏ ái dục mà cầu đạo.

Thế nào là Bồ Tát được trí không ai sánh bằng?

Đạt được pháp của Chư Phật rồi thì thảy đều dốc sức thọ trì.

Thế nào là Bồ Tát không bị pháp thế gian làm cấu nhiễm?

Tùy theo pháp thế gian mà hành hóa nhưng không hề đắm nhiễm.

Thế nào là Bồ Tát đạt được hành sâu xa?

Đối với pháp không, chẳng hề sợ hãi.

Thế nào là Bồ Tát nhận biết được nguồn gốc của phương tiện thiện xảo?

Đối với sáu trần đều thấy rõ nguồn gốc của chúng.

Thế nào là Bồ Tát đạt đến các môn giải thoát?

Đối với tất cả pháp môn đều giảng nói về sự giải thoát.

Thế nào là Bồ Tát đạt được phương tiện đặc biệt?

Ở trong sinh tử mà đạt được Niết Bàn. Ở trong Niết Bàn thấy rõ con đường sinh tử.

Thế nào là Bồ Tát đạt được phương tiện nhân duyên biết các việc làm?

Trụ nơi vô số cõi, thảy đều thấy tất cả pháp.

Thế nào là Bồ Tát đạt được phương tiện nơi giới luật?

Không còn lệ thuộc nơi tất cả pháp.

Thế nào là Bồ Tát đạt được phương tiện thiện xảo?

Thuận theo việc làm của thế gian không xa lìa nhưng cũng không đắm nhiễm.

Thế nào là Bồ Tát được nguyện an lành?

Chứng được đạo trí.

Thế nào là Bồ Tát đạt được diệu lực của nhẫn nhục?

Từ xưa đến nay ở trong Niết Bàn đều nhận biết rõ các pháp.

Thế nào là Bồ Tát đạt đến bờ giải thoát?

Nhận biết tất cả các pháp.

Thế nào là Bồ Tát làm lợi ích cho tất cả chúng sinh?

Nhận biết rõ pháp giới là vô tận.

Thế nào là Bồ Tát được mọi người yêu mến?

Thấy rõ cõi của Chư Phật không có hình sắc.

Thế nào là Bồ Tát được mọi người khen ngợi?

Đối với các pháp không cho đây là của ta, đây chẳng phải là của ta.

Thế nào là Bồ Tát đạt được công đức không cùng tận?

Nhận biết rõ các pháp bình đẳng như hư không.

Thế nào là Bồ Tát đạt được pháp căn bản kiên cố?

Đối với pháp giới không gì có thể hủy hoại được.

Thế nào là Bồ Tát được xem là bậc tôn quý?

Vô tâm mà nhận biết tất cả tâm.

Thế nào là Bồ Tát được xem là bậc thầy?

Đối với các pháp không nhớ nghĩ, cũng không có xả bỏ.

Thế nào là Bồ Tát có thể hiểu rõ các pháp?

Nhận biết rõ các pháp là không nương, không tựa, không đến, không đi.

Vì thế, này Thiên Tử! Bồ Tát hiểu rõ được các pháp.

Lúc Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi giảng nói rõ việc như vậy, thì có tám vạn Bồ Tát chứng được pháp nhẫn vô sinh.

Đức Thế Tôn khen ngợi Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi: Lành thay, lành thay! Như chỗ ông đã giải thích, phân biệt các pháp thật là thích hợp.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần