Phật Thuyết Kinh Tu Chân Thiên Tử - Phẩm Một - Phẩm Thưa Hỏi Về Bốn Việc - Tập Hai
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn
PHẬT THUYẾT
KINH TU CHÂN THIÊN TỬ
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn
PHẨM MỘT
PHẨM THƯA HỎI VỀ BỐN VIỆC
TẬP HAI
Lại nữa, Thiên Tử! Bồ Tát có bốn việc cần thực hành để lãnh thọ nghĩa đã nghe thì giữ gìn.
Những gì là bốn?
1. Đã lãnh thọ rồi đều có thể giữ gìn, đối với điều được lãnh hội hay không được lãnh hội cũng không chấp về sức lực, cũng không chấp sự giữ gìn, không chấp sự đạt đến.
2. Các âm thanh không phải là chánh hạnh đều nên xa lìa, các pháp đều bình đẳng, giải thoát. Nếu được khen ngợi về nghĩa thì xem như là âm vang.
3. Nếu nghe nơi phương khác có giảng nói Kinh thâm diệu thì nên đích thân đến để cầu nghe.
4. Hội nhập vào nghĩa vắng lặng, dứt mọi loạn động.
Đó là bốn việc Bồ Tát cần thực hành nhằm đạt được nghĩa đã lãnh hội để giữ gìn.
Đức Phật nói kệ:
Tuy muốn hiểu rộng khắp
Không chấp vào chỗ nghe
Không chấp vào năng lực
Do nghĩa được pháp yếu.
Âm thanh trong ba cõi
Không phải hạnh chánh đạo
Tiếng khen như âm vang
Biết nghĩa này cũng thế.
Đã lãnh hội như vậy
Quán thọ hành đúng nghĩa
Thực hành không tùy tiện
Người nghe nói vui mừng.
Nghĩa ấy là bậc nhất
Pháp tính không loạn động
Hành pháp thâm diệu này
Kính vâng theo người ấy.
Lại nữa, Thiên Tử! Bồ Tát có bốn việc thực hành để nương theo pháp thâm diệu, siêu việt hơn hẳn thế gian.
Những gì là bốn?
1. Tập hợp mọi người để giảng nói pháp.
2. Ở trong đại chúng hiện bày sự vô thường.
3. Khuyến khích người thực hiện đại hỷ xả để đạt được giác ngộ theo ý nguyện.
4. Nhằm lìa bỏ những vật sở hữu, chỉ an trụ vào chốn vắng lặng.
Đó là bốn việc Bồ Tát cần thực hành để đạt đến chỗ dựa nơi pháp thâm diệu, siêu việt hơn thế tục.
Đức Phật nói kệ:
Tại nơi thành lớn
Thường ở trong ấy.
Nhờ trí sáng suốt
Dùng để thuyết pháp.
Thân trụ trong hội
Chỉ dẫn mọi người
Dâm dục buông lung
Hiện bày vô thường.
Hợp nơi cúng dường
Ta người cùng nương
Khuyên giúp thực hiện
Nhờ đó giác ngộ.
Ở nơi có thể
Thường niệm lìa bỏ
Tâm luôn nguyện cầu
Ở chốn thanh vắng.
Lại nữa, Thiên Tử! Bồ Tát có bốn việc cần thực hành để được sự cung kính, thuận theo giáo pháp của Thế Tôn.
Những gì là bốn?
1. Tâm thường ở nơi đạo, hoàn toàn không xa lìa.
2. Nghe rồi thì dốc thọ trì, nhớ nghĩa không hề quên.
3. Thuận theo lời dạy, có sự mong cầu thì luôn thuận hợp.
4. Tu tập pháp không, vô, hội nhập nơi tất cả pháp.
Đó là bốn việc Bồ Tát cần thực hành để được sự cung kính, thuận theo giáo pháp của Thế Tôn.
Đức Phật nói kệ:
Thân thọ nhận các khổ
Tâm bồ đề không chuyển
Được nghe pháp sầu diệu
Đó là Bậc Đạo Sư.
Tâm, miệng nói điều gì
Thân làm đúng như vậy
Tu tập các không tuệ
Hiểu rõ ràng các pháp.
Phụng hành lời đã dạy
Lìa tham dục, sân, si
Không trễ nải, biếng nhác
Không giận, không mong cầu.
Mười phương Phật khen ngợi
Tán thán công đức ấy
Nếu thuận theo lời này
Pháp tuệ không ai bằng.
Lại nữa, Thiên Tử! Bồ Tát có bốn việc thực hành để nương theo giáo pháp nhằm dẫn dắt, làm lợi ích cho tất cả chúng sinh.
Những gì là bốn?
1. Thân an trụ nơi pháp không, nên có thể vì chúng hội thuyết giảng giáo pháp đại thừa.
2. Tự mình điều phục tâm ý, xa lìa dâm dục mà được Niết Bàn, lại khiến chúng hội điều phục tâm ý, để nói pháp giải thoát.
3. Việc làm tự thân đã được đầy đủ nên đạt đến đạo quả, lại khiến cho tất cả chúng sinh an trụ vào pháp Đại Thừa.
4. Tự thân cầu pháp, hiểu rõ các pháp thâm diệu, lại chỉ dạy người cầu pháp.
Đó là bốn việc Bồ Tát cần thực hành để nương theo giáo pháp nhằm dẫn dắt, làm lợi ích cho tất cả chúng sinh.
Đức Phật nói kệ:
Dạy dỗ mọi người
Lãnh thọ pháp không
Điều phục tâm tham
Được trụ Niết Bàn.
Đạo đức thù thắng
Và đại thần thông
Dùng pháp bố thí
Dạy người giác ngộ.
Việc làm đầy đủ
Được tâm bồ đề
Ở giữa mọi người
Khiến đến đại thừa.
Thường cầu giáo pháp
Hội nhập diệu lực
Vì chúng thuyết giảng
Cũng không tăng giảm.
Lại nữa, Thiên Tử! Bồ Tát có bốn việc cần thực hành để được tuệ thần thông không gì sánh kịp.
Những gì là bốn?
1. Thường xuyên tu tập bốn phạm hạnh thanh tịnh.
2. Luôn ở chỗ tịch tĩnh.
3. Hội nhập vào pháp nhẫn sâu xa.
4. Thân tâm dốc gắn liền với trí tuệ.
Đó là bốn việc Bồ Tát cần thực hành để được tuệ thần thông không gì sánh kịp.
Đức Phật nói kệ:
Thường tu phạm hạnh
Tự mình lập nguyện
Thường thích vắng lặng
Ở chỗ thanh tịnh.
Vào pháp sâu xa
Thẳng đến nơi đạo
Thân tâm bình đẳng
Đạt được trí tuệ.
Ứng hợp như vậy
Thực hành cũng thế
Với năm thần thông
Đã được thông đạt.
Tự tại mười phương
Ở trước Chư Phật
Giáo hóa dẫn dắt
Tất cả chúng sinh.
Lại nữa, Thiên Tử! Bồ Tát có bốn việc cần thực hành, dù bị ma quấy nhiễu tâm cũng không lay động.
Những gì là bốn?
1. An trụ nơi thiền thứ tư khiến hội nhập vào pháp không.
2. Thường thể hiện tâm đại bi, cứu giúp tất cả chúng sinh.
3. Siêng năng cúng dường Tam Bảo, không biết chán đủ.
4. Dùng phương tiện quyền xảo để an trụ vững chắc nơi sáu pháp Ba la mật.
Đó là bốn việc Bồ Tát cần thực hành để đối trị với việc ma hiện các điều quái dị mà tâm không lay động.
Đức Phật nói kệ:
Trụ pháp không, dứt tưởng
An trụ nơi bốn Thiền
Tâm đại bi rộng lớn
Khiến chúng sinh an vui.
Thông suốt nơi pháp báu
Không dứt, cũng không đoạn
Nên các Ba la mật
Là phương tiện dẫn dắt.
Tâm không gì hủy hoại
Trụ vững không lay động
Hết thảy bốn thứ ma
Thảy đều thu phục được.
Thấy tất cả mọi người
Ở trong lưới của ma.
Thị hiện đạo Niết Bàn
Khiến họ phát bồ đề.
Lại nữa, Thiên Tử! Bồ Tát có bốn việc cần thực hành để đạt được trí tuệ sâu xa, không đâu sánh được.
Những gì là bốn?
1. Thường suy nghĩ để hội nhập vào pháp thâm diệu.
2. Đối với việc xấu ác thường tránh xa.
3. Luôn lo nghĩ về tất cả chúng sinh khiến họ được ứng hợp với nghĩa của pháp.
4. Điều phục kẻ ương ngạnh, mở bày cho người tối tăm để họ đạt được trí vô ngại của Phật.
Đó là bốn việc Bồ Tát cần thực hành để chứng được trí tuệ sâu xa, không đâu sánh được.
Đức Phật nói kệ:
Tâm thường suy nghĩ
Hội nhập pháp không
Xả bỏ điều quấy
Ứng hợp nghĩa chánh.
Nhập vào niệm này
Lo nghĩ chúng sinh
Được trí sâu xa
Làm tâm tối thắng.
Thu phục ương ngạnh
Mở bầy kẻ tối
Khiến phát bồ đề
Trụ nơi đại thừa.
Trí tuệ thần thông
Việc làm đã xong
Được trí sâu xa
Không đâu sánh kịp.
Lại nữa, Thiên Tử! Bồ Tát có bốn việc cần thực hành thì không bị pháp thế gian làm cấu nhiễm.
Những gì là bốn?
l. Nếu được lợi dưỡng, vui thích, danh tiếng, lời khen thì không lấy đó làm niềm vui.
2. Nếu không có lợi dưỡng, bị khổ đau, không danh tiếng, bị chê bai thì cũng không lấy đó làm buồn rầu.
3. Nương vào thân năm ấm để nuôi dưỡng tất cả.
4. Nếu thọ thân năm ấm thì thị hiện chỗ không tích tụ.
Đó là bốn việc Bồ Tát cần thực hành để pháp thế tục không thể làm cho cấu nhiễm.
Đức Phật nói kệ:
Nếu có lợi dưỡng, tiếng khen
Nên được tất cả niềm vui
Có người khen ngợi như vậy
Tâm cũng không lấy làm mừng.
Khổ đau, không lợi, không danh
Người trí không lấy làm buồn
Như hoa sen không nhiễm bùn
Việc làm ở đời cũng vậy.
Hoặc hiện thọ thân năm ấm
Dùng thân này giúp tất cả
Các ấm đã diệt tận rồi
Nghĩ thân này như huyễn hóa.
Thực hành theo pháp thế gian
Không bị đời lầm cấu nhiễm
Khiến chúng sinh được an vui
Nhờ giới đức làm hương xoa.
Lại nữa, Thiên Tử! Bồ Tát có bốn việc cần thực hành để một mình hội nhập vào hạnh thù thắng, sâu xa.
Những gì là bốn?
1. Thân này cũng chẳng phải thân này.
2. Người ấy cũng chẳng phải người ấy.
3. Các pháp đều vắng lặng.
4. Trí tuệ không hề chấp trước.
Đó là bốn việc Bồ Tát cần thực hành để một mình hội nhập vào hạnh thù thắng, sâu xa.
Đức Phật nói kệ:
Thân này chẳng phải thân
Người ấy chẳng phải người
Pháp vắng lặng cũng vậy
Tuệ cũng không chấp vướng.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba