Phật Thuyết Kinh đại Bát Niết Bàn - Phẩm Hai Mươi - Phẩm Phạm Hạnh - Phần Năm

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Đàm Vô Sấm, Đời Bắc Lương

 PHẬT THUYẾT

KINH ĐẠI BÁT NIẾT BÀN

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Đàm Vô Sấm, Đời Bắc Lương  

PHẨM HAI MƯƠI

PHẨM PHẠM HẠNH  

PHẦN NĂM  

Này thiện nam tử! Siêng năng tu tập hạnh lành thời đặng sống lâu. Đại Bồ Tát lúc thật hành Tỳ Lê Da Ba la mật thường khuyên chúng sanh siêng tu pháp lành, chúng sanh thật hành rồi đặng sống lâu vô lượng. Vì thế nên Đại Bồ Tát lúc thật hành Tỳ Lê Da Ba la mật đã ban bố Vô Lượng Thọ mạng cho chúng sanh.

Này thiện nam tử! Người nhiếp tâm tu thiền thời đặng sống lâu. Đại Bồ Tát lúc thật hành thiền Ba la mật, khuyên các chúng sanh tu tâm bình đẳng.

Chúng sanh thật hành rồi thì đặng sống lâu. Vì thế nên Bồ Tát lúc thật hành thiền Ba la mật đã ban bố cho chúng sanh Vô Lượng Thọ mạng.

Này thiện nam tử! Ở nơi những pháp lành, người không phóng dật thời đặng sống lâu. Đại Bồ Tát lúc thật hành bát nhã Ba la mật, khuyên các chúng sanh nơi những pháp lành chẳng sanh lòng phóng dật.

Chúng sanh thật hành rồi thời đặng sống lâu. Vì thế nên lúc Bồ Tát thật hành bát nhã Ba la mật đã ban bố Vô Lượng Thọ mạng cho chúng sanh.

Này thiện nam tử! Do nghĩa này nên Đại Bồ Tát trọn không giết hại mạng sống của chúng sanh.

Này thiện nam tử! Như vừa rồi ông hỏi, lúc giết hại dòng Bà La Môn, Đức Phật đã đặng được bậc con một.

Này thiện nam tử! Lúc đó ta đã đặng bậc ấy. Vì lòng thương họ mà giết chẳng phải vì tâm ác.

Này thiện nam tử! Ví như cha mẹ chỉ có một đứa con nên rất cưng yêu, đứa con đó phạm hiến pháp của quan. Vì quá sợ nên cha mẹ hoặc đuổi hoặc giết. Dầu cha mẹ đuổi hay giết nhưng không có tâm ác.

Cũng vậy, Đại Bồ Tát vì hộ trì chánh pháp nếu có chúng sanh hủy báng đại thừa, liền lấy roi gậy để trị, hoặc giết chết, đó là muốn chúng sanh chừa bỏ để tu pháp lành.

Bồ Tát thường nên suy nghĩ: Dùng nhân duyên gì làm cho chúng sanh phát khởi lòng tin thanh tịnh, tùy phương cách nào thuận tiện thời sẽ thật hành đó.

Những người Ba La Môn sau khi chết đọa A tỳ địa ngục liền suy nghĩ ba điều: Một là tự nghĩ rằng ta từ đâu mà sanh đến đây, liền tự biết rằng từ trong loài người.

Hai là tự nghĩ rằng: Ta hiện sanh đây là chỗ nào, liền tự biết rằng là Địa Ngục A tỳ. Ba là tự nghĩ rằng do nghiệp duyên gì mà đọa địa ngục, liền tự biết rằng do chẳng tin và hủy báng Kinh Điển đại thừa, bị nhà Vua giết mà sanh đến địa ngục này.

Họ nghĩ như vậy rồi liền sanh lòng kính tin Kinh Điển đại thừa. Do lòng kính tin đó thân địa ngục chết họ sanh đến Thế Giới của Cam Lồ Cổ Như Lai, sống lâu đủ mười kiếp.

Này thiện nam tử! Do nghĩa này thuở xưa kia ta ban cho những người ấy mười kiếp thọ mạng, sao lại giết hại họ.

Này thiện nam tử! Có người đào đất, cắt cỏ, đốn cây, chặt tử thi, mắng chửi, đánh đập tử thi, do nghiệp duyên này có bị đọa địa ngục chăng?

Ca Diếp Bồ Tát bạch Phật: Thế Tôn! Như tôi hiểu nghĩa của Phật nói kẻ đó phải đọa địa ngục.

Vì cớ sao?

Như ngày trước Phật nói pháp cho hàng Thanh Văn: Này các Tỳ Kheo ở nơi cây cháy rụi chớ sanh lòng ác. Vì tất cả chúng sanh do lòng ác mà phải đọa nơi địa ngục.

Đức Phật khen Ca Diếp Bồ Tát: Lành thay! Lành thay! Đúng như lời ông nói, phải khéo thọ trì.

Này thiện nam tử! Nếu chân ác tâm phải đọa địa ngục, lúc đó Bồ Tát thiệt không ác tâm. Vì Đại Bồ Tát đối với tất cả chúng sanh nhẫn đến con trùng, con kiến đều sanh lòng thương xót, muốn cho họ được lợi ích vì Bồ Tát khéo biết các phương tiện, các nhân duyên, do sức phương tiện muốn làm cho chúng sanh vun trồng cội lành. Do nghĩa đó, lúc ấy ta dùng phương tiện, dầu giết hại mạng họ mà chẳng phải là tâm ác.

Này thiện nam tử! Cứ theo giáo pháp Bà La Môn, cho rằng nếu giết chết kiến đầy cả mười xe không có tội báo, muỗi, ruồi, rận, rệp, mèo, chồn, sư tử, cọp, sói, gấu, những độc trùng, ác thú, và những loài có thể làm hại người: Quỷ Thần, La Sát, Cưu Bàn Trà.

Ca La, Phú Đơn Na, Điên Cuồng, Càn khô, có ai giết hại mạng họ đầy cả mười xe cũng không có tội báo, nếu giết người ác thời có tội báo. Giết rồi chẳng ăn năn thời đọa ngạ quỷ.

Nếu có thể sám hối tuyệt thực ba ngày, thời tội đó tiêu diệt không còn thừa. Nếu giết Hòa Thượng, giết cha, hại mẹ, giết phụ nữ, giết bò, trâu, thời phải đọa địa ngục trong vô số ngàn năm.

Này thiện nam tử! Chư Phật và Bồ Tát biết giết hại có ba hạng: Hạ, trung và thượng. Hạng hạ là trùn kiến nhẫn đến tất cả các súc sanh chỉ trừ Bồ Tát thị hiện thọ sanh. Đại Bồ Tát do nguyện lực nên thị hiện làm thân súc sanh, trừ đây ra gọi là sát sanh hạng hạ.

Nghiệp duyên này sẽ phải đọa nơi địa ngục, súc sanh, ngã quỉ chịu lấy sự khổ hạng hạ. Vì những súc sanh có căn lành rất kém ít nên kẻ giết phải thọ tội báo hạng hạ.

Sát hại hạng trung là từ người phàm phu đến vị chứng quả A Na Hàm, đây gọi là hạng trung. Nghiệp duyên giết hại hạng này phải đọa nơi địa ngục, súc sanh, ngạ quỉ thọ sự khổ hạng trung.

Sát sanh hạng thượng là giết cha mẹ, nhẫn đến A La Hán, Bích Chi Phật, quyết định Bồ Tát, đây gọi là hạng thượng. Nghiệp duyên giết hại hạng này phải đọa vào trong địa ngục A tỳ chịu lấy sự khổ hạng thượng.

Này thiện nam tử! Nếu có người giết kẻ nhất xiển đề, thời chẳng đọa vào trong ba hạng sát hại này.

Này thiện nam tử! Những người dòng Bà La Môn bị nhà Vua giết trước kia tất cả đều là hạng nhất xiển đề. Thí như đào đất cắt cỏ đốn cây chặt tử thi mắng nhiếc đánh đập, đều không có tội báo.

Giết hạng nhất xiển đề cũng không có tội báo như vậy. Vì những người Bà La Môn không có căn lành nhẫn đến không có năm pháp tín v.v… vì thế nên dầu giết hại họ mà chẳng đọa địa ngục.

Này thiện nam tử! Ông trước nói rằng: Đức Như Lai cớ chi mắng Đề Bà Đạt Đa là người ngu si ăn nước miếng. Ông không nên hỏi như vậy. Vì Chư Phật Thế Tôn phàm nói ra lời gì đều chẳng thể nghĩ bàn.

Này thiện nam tử! Hoặc có thiệt ngữ được người đời mến ưa nhưng phi thời, phi pháp chẳng lợi ích, những lời như vậy Đức Phật trọn chẳng nói.

Hoặc lại nói lời thô vụng hư vọng, phi thời, phi pháp, chẳng lợi ích người nghe chẳng ưa thích, Đức Phật cũng chẳng nói.

Này thiện nam tử! Nếu có những lời dầu là thô rắn nhưng chân thật chẳng hư vọng, phải thời đúng pháp có thể lợi ích cho tất cả chúng sanh, người nghe dầu chẳng vui đẹp nhưng ta cần phải nói. Vì Chư Phật Thế Tôn Chánh Đẳng Chánh Giác khéo biết phương tiện.

Này thiện nam tử! Trước kia có một hôm ta đi ngang thôn Khoáng Dã, ở dưới rừng có một quỷ thần tên là Khoáng Dã. Quỷ này thuần ăn máu thịt giết hại nhiều chúng sanh.

Quỷ ấy lại mỗi ngày ăn một người trong thôn xóm gần đó. Lúc đó ta rộng nói pháp yếu cho quỷ Khoáng Dã, nhưng quỷ ấy hung bạo ngu si chẳng lãnh thọ giáo pháp.

Ta liền hóa thân ra làm đại lực quỷ, làm rúng động cung điện của nó. Quỷ Khoáng Dã dắt quyến thuộc và bộ hạ kéo ra muốn chống cự với ta.

Chúng nó vừa thấy ta liền run sợ té xuống đất ngất xỉu như người chết. Ta dùng lòng từ bi lấy tay xoa lên mình nó.

Nó tỉnh dậy nói rằng: Hôm nay may mắn được sống lại. Vị Đại Thần Vương này có oai đức lớn có tâm từ bi tha tội lỗi của tôi. Quỷ Khoáng Dã liền sanh tâm lành kính tin nơi ta.

Ta hiện toàn lại thân Như Lai vì họ nói pháp yếu làm cho các quỷ thần kia thọ giới bất sát. Chính ngày đó trong thôn Khoáng Dã có một ông Trưởng Giả đến phiên phải chết, người trong thôn đã đưa ông ấy giao cho quỷ Khoáng Dã. Quỷ Khoáng Dã liền đem đến cúng thí cho ta. Ta lãnh ông Trưởng Giả và đặt hiệu cho ông là Thủ Trưởng Giả.

Quỉ Khoáng Dã bạch ta rằng: Thế Tôn! Con và quyến thuộc của con chỉ nhờ máu thịt mà đặng sống, nay thọ giới bất sát biết lấy gì để sống được?

Ta bảo rằng: Từ nay trở đi Đức Phật sẽ bảo hàng Thanh Văn đệ tử tùy chỗ nào có Phật Pháp lưu hành đều sẽ cúng thí đồ uống ăn cho nhà ngươi.

Này thiện nam tử!

Do nhân duyên đó ta chế điều giới: Các Tỳ Kheo từ nay trở đi thường phải thí thực cho quỉ Khoáng Dã. Nếu người xuất gia nào chẳng cúng thí, nên biết người đó chẳng phải đệ tử Phật, chính là đồ đảng quyến thuộc của Thiên Ma.

Này thiện nam tử! Đức Như Lai vì muốn điều phục chúng sanh nên thị hiện những phương tiện như vậy. Chẳng phải cố ý làm cho họ sanh lòng sợ hãi. Cũng có một lúc ta dùng cây đánh quỷ Hộ pháp.

Lại có một hôm ta đang đi trên một ngọn núi xô quỉ Dương Đầu làm nó té xuống dưới núi.

Lại một hôm nơi ngọn cây ta xô ngã quỉ Hộ Di Hầu.

Một ngày nọ làm cho voi Hộ Tài thấy năm sư tử. Có lúc ta sai thần Kim Cương khủng bố ngoại đạo Tát Giá Ni Kiền Tử. Ngày kia ta cũng lấy kim đâm thân của quỷ Tiển Mao.

Dầu ta làm những việc như vậy nhưng cũng chẳng làm cho các quỷ thần kia đến phải chết. Chỉ vì muốn khiến họ an trụ nơi chánh pháp nên thị hiện những phương tiện như vậy.

Này thiện nam tử! Trước kia thiệt ra Đức Phật chẳng mắng nhục Đề Bà Đạt Đa. Còn Đề Bà Đạt Đa cũng chẳng ngu si ăn nước miếng của người, cùng chẳng đọa A tỳ địa ngục thọ tội một kiếp, cũng chẳng phá hoại Chúng Tăng, chẳng làm thân Phật ra máu, Đề Bà Đạt Đa cũng chẳng trái phạm bốn tội nặng, chẳng hủy báng Kinh Điển đại thừa, ông ấy chẳng phải nhất xiển đề, chẳng phải Thanh Văn cũng chẳng phải Bích Chi Phật.

Này thiện nam tử! Đề Bà Đạt Đa thiệt chẳng phải cảnh giới Thanh Văn, Duyên Giác. Duy Chư Phật thấy biết được thôi.

Này thiện nam tử!

Vì thế nên nay ông chẳng nên gạn rằng: Cớ gì Đức Như Lai quở trách mắng nhiếc làm nhục Đề Bà Đạt Đa. Đối với cảnh giới của Chư Phật, ông chẳng nên có lòng nghi như vậy.

Ca Diếp Bồ Tát bạch Phật: Thế Tôn! Như mía nấu nhiều lần thời đặng nhiều thứ vị. Tôi cũng như vậy, nghe Phật nói pháp nhiều lần đặng nhiều pháp vị.

Chính là những vị: Xuất gia vị, ly dục vị, tịch diệt vị, đạo vị.

Thế Tôn! Như vàng ròng đốt đập nhiều lần càng thêm sáng sạch, giá trị vô lượng, được Trời người quí trọng. Đức Như Lai cũng vậy, trân trọng thưa hỏi liền đặng nghe thấy nghĩa rất sâu vi diệu, khiến người tu hành phụng tu thọ trì vô lượng chúng sanh phát tâm vô thượng bồ đề. Do đó Đức Phật được Trời người tôn trọng cung kính cúng dường.

Đức Phật tán thán Ca Diếp Bồ Tát: Lành thay! Lành thay! Đại Bồ Tát vì muốn lợi ích chúng sanh nên thưa hỏi Đức Như Lai những nghĩa sâu như vậy. Do nghĩa này ta tùy theo ý của ông mà nói pháp Đại Thừa Phương Đẳng rất sâu, bí mật, tức là bậc rất yêu thương như con một.

Ca Diếp Bồ Tát bạch Phật: Thế Tôn! Nếu Bồ Tát tu tâm từ, bi, hỷ, đặng bậc con một, lúc tu tâm xả thời dặng bậc gì?

Phật nói: Lành thay! Lành thay! Ông khéo biết thời, biết ta muốn nói nên ông thưa hỏi.

Này thiện nam tử! Đại Bồ Tát lúc tu tâm xả thời đặng bậc bình đẳng không như ông Tu Bồ Đề.

Đại Bồ Tát trụ bậc bình đẳng không, thời chẳng thấy có cha mẹ, anh em, chị em, họ hàng quyến thuộc, oán thù kẻ không thân không oán nhẫn đến chẳng thấy: Ấm, giới, nhập, chúng sanh thọ mạng. Ví như hư không, không có cha mẹ, anh em, vợ con, nhẫn đến không có chúng sanh thọ mạng, tất cả các pháp cũng không có cha mẹ nhẫn đến thọ mạng.

Đại Bồ Tát thấy tất cả pháp cũng như vậy, tâm của Bồ Tát bình đẳng như hư không, vì Bồ Tát khéo tu tập những pháp không.

Ca Diếp Bồ Tát bạch Phật: Thế Tôn! Sao gọi là không?

Này thiện nam tử! Nói là không có nội không, ngoại không, nội ngoại không, hữu vi không, vô vi không, vô thỉ không, tánh không, vô sở hữu không, đệ nhất nghĩa không, không không, đại không.

Đại Bồ Tát quán nội không như thế nào?

Đại Bồ Tát này quán nội pháp là không, chính là không cha mẹ, kẻ oán, người thân, không oán, không thân, chúng sanh, thọ mạng, thường, lạc, ngã, tịnh, Như Lai, pháp, Tăng, tài vật.

Trong nội pháp này dầu có Phật Tánh, nhưng Phật Tánh này chẳng phải nội chẳng phải ngoại. Vì Phật Tánh thường trụ không biến đổi. Đây gọi là Đại Bồ Tát quán nơi nội không. Ngoại không cũng như vậy không có ngoại pháp. Nội ngoại không cũng như vậy.

Này thiện nam tử! Chỉ có Như Lai, Pháp, Tăng, Phật Tánh, chẳng ở nơi phạm vi hai thứ không. Vì Bốn pháp như vậy là thường, lạc, ngã, tịnh, nên chẳng gọi là không. Đây gọi là nội và ngoại đều không.

Này thiện nam tử! Hữu vi không là các pháp hữu vi thảy đều không. Chính là nội không, ngoại không, nội ngoại không, thường, lạc, ngã, tịnh không, chúng sanh thọ mạng Như Lai pháp, Tăng, đệ nhất nghĩa không. Trong đây Phật Tánh chẳng phải pháp hữu vi, nên Phật Tánh chẳng phải là pháp hữu vi không. Trên đây gọi là hữu vi không.

Này thiện nam tử! Đại Bồ Tát quán vô vi không như thế nào?

Pháp vô vi thảy đều là không tức là vô thường, khổ, bất tịnh, vô ngã, ấm, giới, nhập, chúng sanh, thọ mạng, hữu vi, hữu lậu, nội pháp, ngoại pháp.

Trong pháp vô vi Phật, pháp v.v… bốn pháp đều chẳng phải hữu vi chẳng phải vô vi: Vì là thiện nên chẳng phải vô vi, vì tánh thường trụ nên chẳng phải hữu vi.

Đây gọi là Bồ Tát quán vô vi không.

Thế nào là Bồ Tát quán vô thỉ không?

Đại Bồ Tát thấy sanh tử vô thỉ thảy đều không tịch gọi là không, đó tức là thường, lạc, ngã, tịnh, thảy đều không tịch chẳng có biến đổi. Chúng sanh thọ mạng Tam Bảo, Phật Tánh và vô vi pháp cũng như vậy. Đây gọi là quán vô thỉ không.

Đại Bồ Tát quán nơi tánh không thế nào?

Đại Bồ Tát này quán tất cả pháp bổn tánh đều không: Ấm, giới, nhập, thường, vô thường, khổ, lạc, tịnh, bất tịnh, ngã, vô ngã. Tất cả pháp đều chẳng thấy bổn tánh, đây gọi là quán nơi tánh không.

Đại Bồ Tát quán Vô sở hữu không như thế nào?

Như người không con nói nhà cửa trống không, rốt ráo quán không chẳng có thân yêu. Người ngu si thời gọi là các phương không. Người nghèo cùng thời gọi là tất cả không.

Những kiến chấp như vậy, hoặc không hoặc chẳng phải không. Lúc Bồ Tát quán sát như người nghèo cùng tất cả đều không. Đây gọi là Bồ Tát quán Vô sở hữu không.

Đại Bồ Tát quán đệ nhất nghĩa không như thế nào?

Bồ Tát lúc quán đệ nhất nghĩa, nhãn căn này lúc sanh ra không từ đâu lại, lúc nó diệt mất cũng không đi đến đâu, trước không, nay có, có rồi trở lại không suy thật tánh của nó không nhãn căn không chủ tể. Như nhãn căn vô tánh, tất cả pháp cũng như vậy.

Những gì gọi là đệ nhất nghĩa không?

Có nghiệp có báo, chẳng thấy tác giả, pháp không như vậy gọi là đệ nhất nghĩa không. Đây gọi là quán đệ nhất nghĩa không.

Đại Bồ Tát quán không không như thế nào?

Trong không không này là chỗ mê mờ của Thanh Văn và Bích Chi Phật.

Này thiện nam tử! Là có, là không, đây gọi là không không. Là phải là chẳng phải đây gọi là không không.

Này thiện nam tử! Bậc Thập Trụ Bồ Tát còn ở trong đây thông đạt phần ít như vi trần, huống là những người khác, không không như vậy cũng chẳng đồng không không tam muội của Thanh Văn chứng đặng. Đây gọi là Bồ Tát quán nơi không không.

Đại Bồ Tát quán Đại Không thế nào?

Đại Không tức là bát nhã Ba la mật.

Này thiện nam tử! Đại Bồ Tát đặng pháp môn không như vậy thời đặng trụ nơi bậc hư không đặng.

Này thiện nam tử! Nay Đức Phật ở trong đại chúng này lúc nói những nghĩa không như vậy, có mười hằng hà sa Bồ Tát liền đặng trụ nơi bậc hư không đẳng.

Này thiện nam tử! Đại Bồ Tát trụ nơi bậc này ở trong tất cả pháp không bị trở ngại, không bị ràng buộc câu chấp, tâm không mê muội. Do nghĩa này nên gọi là bậc hư không đẳng.

Này thiện nam tử! Ví như hư không đối sắc đáng ưa chẳng sanh tham đắm, đối với sắc chẳng ưa chẳng sanh giận hờn. Đại Bồ Tát trụ trong bậc này cũng như vậy, đối với sắc tốt xấu, tâm không tham không giận, ví như hư không rộng lớn tuyệt đối, có thể dung chứa tất cả vật.

Đại Bồ Tát trụ trong bậc này cũng như vậy, rộng lớn tuyệt đối đều có thể dung thọ tất cả pháp. Do nghĩa nên đặng gọi là bậc hư không đẳng.

Này thiện nam tử! Đại Bồ Tát trụ trong bậc này đối với tất cả pháp cũng thấy cũng biết, là hành, là duyên, là tánh, là tướng, là nhân, là duyên, là chúng sanh tâm, là căn, là thiền định, là thừa, là thiện tri thức, là trì cấm giới, là vật bố thí, những pháp như vậy tất cả đều biết đều thấy.

Này thiện nam tử! Đại Bồ Tát trụ trong bậc này biết mà chẳng thấy.

Thế nào là biết?

Biết tự nhịn đói, gieo xuống vực, nhảy vào lửa tự té từ ngọn núi cao, thường co một chân, năm thứ nóng đốt thân, thường nằm trên tro, trên đất, trên gai góc, trên lá cây, cỏ cứng, trên phân bò.

Mặc y phục bằng gai thô của người vất bỏ trong gò mã, áo lông phấn tảo, áo khâm bà la, da nai, da huơu, áo quần bằng cỏ, ăn rau, ăn trái, ăn ngó, ăn cũ, xác dầu, phân bò.

Nếu đi khất thực hạn định từ nhà, gia chủ nếu nói rằng không liền bỏ đi, dầu kêu trở lại cũng chẳng ngó ngoái lại. Chẳng ăn muối ăn thịt, cùng năm thứ sữa lạt, tô, v.v…

Thường uống nước cám trấu, nước sôi. Thọ trì ngưu giới, kê giới, cẩu giới, trỉ giới. Lấy tro trét trên mình, để tóc dài làm tướng. Lúc dùng dê để cúng tế trước chú nguyện rồi sau giết thịt. Bốn tháng thờ lửa, ngày bảy hớp gió.

Trăm ngàn ức thứ hoa cúng dường Chư Thiên. Muốn nhân những việc trên đây để được thành tựu chỗ mong cầu. Những phương pháp trên đây không bao giờ có thể làm nhân giải thoát được. Đây gọi là biết.

Thế nào là chẳng thấy?

Đại Bồ Tát chẳng thấy môt người nào thật hành phương pháp như vậy mà đặng chánh giải thoát. Đây gọi là chẳng thấy.

Này thiện nam tử! Đại Bồ Tát cũng thấy cũng biết.

Những gì là thấy?

Thấy các chúng sanh thật hành tà pháp ấy quyết đọa địa ngục đây gọi là thấy.

Thế nào là biết?

Biết các chúng sanh từ địa ngục ra, sanh trong loài người nếu có thể tu hành Đàn Ba la mật nhẫn đến đầy đủ các môn Ba la mật người này quyết đặng tám môn chánh giải thoát. Đây gọi là biết.

Này thiện nam tử! Đại Bồ Tát lại có cũng thấy cũng biết.

Thế nào là thấy?

Thấy thường, vô thường, khổ, lạc, tịnh, bất tịnh, ngã, vô ngã, đây gọi là thấy.

Thế nào là biết?

Biết các Đức Như Lai quyết định chẳng rốt ráo nhập Niết Bàn, biết thân Như Lai là Kim Cang không hư hoại, chẳng phải là thân do phiền não mà thành, lại chẳng phải hôi nhơ hư rã. Cũng lại có thể biết tất cả chúng sanh đều có Phật Tánh. Đây gọi là biết.

Này thiện nam tử! Đại Bồ Tát lại có cũng biết cũng thấy.

Thế nào là biết?

Biết chúng sanh này tín tâm thành tựu, biết chúng sanh này cầu pháp đại thừa, người này thuần lưu, người này nghịch lưu, người này chánh trụ, biết chúng sanh này đã đến bờ kia.

Người thuận lưu là nói hạng phàm phu. Người nghịch lưu là từ bậc Tu Đà Hoàn nhẫn đến Duyên Giác. Người chánh trụ là nói các bậc Bồ Tát. Người đến bờ kia là nói các Đức Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri. Đây gọi là biết.

Thế nào là thấy?

Đại Bồ Tát trụ nơi Kinh Điển Đại Thừa Đại Niết Bàn tu phạm hạnh dùng thiên nhãn thanh tịnh thấy các chúng sanh ba nghiệp thân, khẩu, ý tạo điều ác đọa nơi địa ngục, súc sanh, ngạ quỷ. Thấy các chúng sanh tu nghiệp lành sau khi chết sẽ sanh trên Trời hay trong loài người.

Những chúng sanh này từ tối tăm vào tối tăm. Có những chúng sanh từ tối tăm vào sáng suốt. Có những chúng sanh từ sáng suốt vào tối tăm. Có những chúng sanh từ sáng suốt vào sáng suốt. Đây gọi là thấy.

Này thiện nam tử! Đại Bồ Tát lại có cũng biết cũng thấy. Đại Bồ Tát biết các chúng sanh tu thân, tu giới, tu tâm, tu huệ. Người này đời nay thành tựu nghiệp ác, hoặc nhân tham dục, sân khuể, ngu si nghiệp này ắt phải thọ báo nơi địa ngục, người này do tu thân, tu giới, tu tâm, tu huệ, nên hiện đời thọ quả báo nhẹ chẳng đọa địa ngục.

Nghiệp này thế nào có thể đặng báo hiện tại?

Phát lồ sám hối những tội ác đã làm đã ăn năn chừa cải về sau chẳng dám tái phạm.

Vì hổ thẹn, vì cúng dường Tam Bảo, vì thường trụ quở trách, người này do nhân duyên nghiệp lành đây nên chẳng đọa địa ngục.

Hiện đời thọ quả báo là nhức đầu, đau mắt, đau bụng, đau lưng, chết vì hoạn nạn, bị mắng nhiếc làm nhục, bị đánh đập trói nhốt, bị đói khát khốn khổ, những việc như vậy là hiện đời thọ quả báo nhẹ. Đây gọi là biết.

Thế nào là thấy?

Đại Bồ Tát thấy người như vậy chẳng có thể tu tập thân, giới tâm, huệ, tạo chút ít nghiệp ác. Nhân duyên của nghiệp này đáng lẽ hiện đời thọ quả báo.

Người này tạo chút ít nghiệp ác chẳng có thể sám hối, chẳng tự quở trách, chẳng sanh lòng hổ thẹn, chẳng sợ sệt, nghiệp ác này tăng trưởng nên thọ quả báo nơi địa ngục. Đây gọi là thấy. Lại có biết mà chẳng thấy.

Thế nào là biết?

Biết tất cả chúng sanh đều có Phật Tánh, vì phiền não che đậy nên chẳng thể thấy. Đây gọi là biết mà chẳng thấy.

Lại có biết mà thấy chút ít. Bậc Thập Trụ Bồ Tát biết tất cả chúng sanh đều có Phật Tánh, thấy chẳng được rõ ràng dường như đêm tối thấy vật chẳng rõ.

Lại có cũng thấy cũng biết, chính là Chư Phật Như Lai cũng thấy cũng biết.

Lại có cũng thấy cũng biết, chẳng thấy chẳng biết.

Cũng thấy cũng biết là: Trong thế gian những văn tự, ngôn ngữ, nam, nữ, xe cộ, bình chậu, nhà cửa, thành ấp, áo xiêm, uống ăn, núi sông, vườn rừng, chúng sanh, thọ mạng. Đây gọi là cũng biết cũng thấy.

Thế nào là chẳng thấy chẳng biết?

Thánh Nhân chỗ có nói ra lời vi mật, không có nam nữ nhẫn đến vườn rừng. Đây gọi là chẳng thấy chẳng biết.

Lại có biết mà chẳng thấy: Biết vật bố thí, biết chỗ cúng dường, biết người lãnh thọ, biết nhân quả. Đây gọi là biết. Chẳng thấy đồ bố thí, chỗ cúng dường, người thọ nhẫn đến quả báo. Đây gọi là chẳng thấy.

Đại Bồ Tát biết có tám thứ, chính là ngũ nhãn của Đức Như Lai chỗ biết.

Ca Diếp Bồ Tát bạch Phật: Thế Tôn! Đại Bồ Tát có thể biết như vậy thời đặng những lợi ích gì?

Này thiện nam tử! Đại Bồ Tát có thể biết như vậy thời đặng bốn vô ngại. Pháp vô ngại, nghĩa vô ngại, từ vô ngại, nhạo thuyết vô ngại. Pháp vô ngại là biết tất cả pháp và danh tự của pháp.

Nghĩa vô ngại là: Biết những nghĩa của tất cả pháp, có thể tùy theo danh tự đã đặt cho các pháp mà giải nghĩa. Từ vô ngại là giảng luận tùy theo danh tự, giảng luận theo chánh âm, giảng luận về pháp cú, giảng luận về thế biện.

Nhạo thuyết vô ngại là: Đại Bồ Tát khi diễn thuyết không có chướng ngại, không ai động chuyển được, không có sợ sệt, khó có ai tồi phục được.

Này thiện nam tử! Đây gọi là Bồ Tát có thể thấy và biết như vậy, bèn đặng bốn trí vô ngại như thế.

Lại này thiện nam tử!

Pháp vô ngại là: Đại Bồ Tát biết khắp những pháp Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát, Chư Phật. Nghĩa vô ngại là thừa, dầu có ba, nhưng biết quy về một, trọn chẳng cho rằng có tướng sai biệt hẳn.

Từ vô ngại là: Đại Bồ Tát ở trong một pháp đặt thành nhiều thứ tên, trãi vô lượng kiếp nói chẳng hết, hàng Thanh Văn, Duyên Giác, không thể nói như vậy được.

Nhạo thuyết vô ngại là: Đại Bồ Tát trong vô lượng kiếp vì các chúng sanh diễn thuyết các pháp: Hoặc danh hoặc nghĩa, nhiều loại giảng thuyết khác nhau chẳng thể cùng tận.

Lại này thiện nam tử!

Pháp vô ngại: Là Đại Bồ Tát dầu biết các pháp nhưng chẳng chấp lấy.

Nghĩa vô ngại là: Đại Bồ Tát dầu biết những nghĩa nhưng cũng chẳng chấp. Từ vô ngại là Đại Bồ Tát dầu biết danh tự cũng chẳng chấp lấy. Nhạo thuyết vô ngại là Đại Bồ Tát dầu biết nhạo thuyết tối thượng như vậy nhưng cũng chẳng chấp.

Vì cớ sao chẳng chấp?

Vì nếu chấp lấy thời chẳng gọi là Bồ Tát.

Ca Diếp Bồ Tát bạch Phật: Thế Tôn! Nếu chẳng chấp lấy thời chẳng biết pháp, nếu biết pháp thời là chấp lấy, nếu biết mà chẳng chấp lấy thời là không chỗ biết, thế sao Đức Như Lai nói rằng: Biết pháp mà chẳng chấp lấy?

Phật nói: Này thiện nam tử! Luận về người chấp lấy thời chẳng gọi là vô ngại. Người không chấp lấy mới gọi là vô ngại. Thế nên tất cả Bồ Tát nếu có chấp lấy thời không vô ngại, nếu không vô ngại thời chẳng gọi là Bồ Tát. Nên biết người ấy gọi là phàm phu.

Tại sao chấp lấy gọi là phàm phu?

Vì tất cả phàm phu chấp lấy nơi sắc, thanh, nhẫn đến chấp lấy thức. Vì chấp lấy sắc thời sanh tâm tham, vì sanh tâm tham nên bị sắc ràng buộc, nhẫn đến bị thức ràng buộc.

Do bị ràng buộc nên chẳng đặng thoát khỏi sanh, già, bệnh, chết, ưu, bi, khổ não. Thế nên chấp lấy gọi là phàm phu. Do nghĩa này nên tất cả phàm phu không có bốn vô ngại.

*** 

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần