Phật Thuyết Kinh Tu Hành Bản Khởi - Phẩm Một - phẩm Biến Hiện

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:17 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Khang Mạnh Tường, Đời Hậu Hán

PHẬT THUYẾT

KINH TU HÀNH BẢN KHỞI

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Khang Mạnh Tường, Đời Hậu Hán  

PHẨM MỘT

PHẨM BIẾN HIỆN  

Tôi nghe như vậy!

Một thời Đức Phật ngự nơi Tinh Xá của dòng họ Thích, dưới tàng cây Ni Câu Đà, thuộc nước Ca Duy La Vệ cùng với chúng Đại Tỳ Kheo một ngàn hai trăm năm mươi vị. Những vị này đều đã đắc quả A La Hán.

Từ lâu họ đã theo Phật Tịnh tu phạm hạnh, các lậu đã hết, tâm ý thanh tịnh, trí tuệ tự tại, thông hiểu các pháp, đã buông gánh nặng, đạt được điều mong muôn. Các vị Tỳ Kheo này đã đoạn ba cõi, điều cần hiểu đã hiểu, đầy đủ ba thần túc và được Lục Thông.

Và chúng Tỳ Kheo Ni như Đại Ái Đạo… năm trăm người, không thể kể hết. Các chúng Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di, các chúng Bà La Môn học thuyết khác, Ni Kiền,… nhiều vô số, đều đến trong hội chúng.

Tất cả Trời Tứ Thiên Vương, Đao Lợi Thiên Vương, Diệm Thiên Vương, Đâu Suất Thiên Vương, Ni Ma La Đề Thiên Vương, Bà La Ni Mật Thiên Vương, Phạm Thiên Vương, cùng với vô số chúng đều đến hội họp.

Chư Long Vương, A Tu Luân, Ca Lưu La, Chân Đà La, Ma Hưu Lặc, tất cả tôn thần cùng quyến thuộc của mỗi vị đều đến hội họp.

Bạch Tịnh Vương, Vô Nộ Vương, Vô Oán Vương, Cam lộ Tịnh Vương, chín ức Trưởng Giả Ca Duy La Vệ và quyến thuộc cùng đến đảnh lễ Đức Phật rồi ngồi qua một bên.

Lúc ấy toàn thân Đức Phật có ba mươi hai tướng tốt và tám mươi vẻ đẹp, phóng ánh sáng chiếu khắp ba ngàn Thế Giới, như ánh trăng tròn sáng nổi bậc giữa muôn sao, oai thần uy nghiêm là Vua của các bậc Thánh trong tất cả hội chúng.

Mọi người đều có lòng nghi và suy nghĩ: Thái tử sinh ở Ca Duy La Vệ, Ngài là con trưởng Vua Bạch Tịnh, từ bỏ Vương Vị quý tộc để tầm đạo.

Ngài đã ngồi dưới gốc cây sáu năm hay mười hai năm mới đắc thành đạo quả?

Họ lại suy nghĩ: Bản hạnh và phương pháp tu tập của Thái Tử như thế nào mà đạt đến sự cao vời như vậy?

Ngài đã thờ ai làm thầy mà hôm nay được đặc biệt tôn kính?

Trước đây Ngài tu tập pháp gì mà được giác ngộ thành Phật?

Đức Phật biết sự hoài nghi của mọi người, liền hỏi Tôn Giả Mục Kiền Liên: Ông có thể nói nguyên nhân trên cho Đát Tát A Kiệt chăng?

Tôn Giả Mục Kiền Liên từ tòa đứng dậy, sửa lại y phục, quỳ gối chắp tay bạch Đức Phật: Thưa vâng, bạch Đức Thế Tôn, con nay nương oai thần của Phật và giữ thần lực của Ngài, vì tất cả mọi người để nói rõ việc đó.

Đức Phật dạy: Vô lượng kiếp về trước, ông vốn là người phàm từ khi mới cầu Phật Đạo đến nay, theo nghiệp thọ thân, trôi lăn trong năm đường, thân này hoại diệt, lại thọ thân khác, sinh tử vô cùng.

Thí như cỏ cây trong Trời Đất, đem chặt làm thẻ để tính thân ta vẫn không thể tính được. Hoặc lấy thời gian khởi đầu đến kết thúc của Thế Giới gọi là một kiếp thì sự sinh diệt của ta hơn sự thành hoại của Thế Giới không thể tính đếm.

Chỉ vì xót thương lòng tham của thế gian, triền miên trôi nổi trong biển ái dục, ta muốn trở lại nguồn tâm, tự nỗ lực vượt qua, nhiều đời tinh cần gian khổ, mà không lấy làm lao nhọc, tâm không tĩnh lặng, vô vi, vô dục.

Bố thí cả thân mạng và chí thành giữ giới, nhẫn nhục khiêm cung, dũng mãnh tinh tấn, nhất tâm tư duy, học theo trí tuệ của Bậc Thánh, sống nhân ái với mọi loài, xót thương kẻ nghèo cùng hoạn nạn, an ủi, chăm lo, dưỡng dục chúng sinh.

Cứu giúp người khốn khổ, thừa sự Chư Phật là bậc chánh ngộ chân lý, có công huân tập, tích lũy công huân không thể nhớ hết được.

Từ thuở xa xưa có Đức Phật Đỉnh Quang ra đời, có Bậc Thánh Vương tên Đăng Thạnh, trị vì nước Đề Hòa Vệ. Nhân dân sống lâu, từ hiếu, nhân nghĩa. Đất đai màu mỡ, đời sống thái bình.

Nhà Vua có sinh một Thái Tử tên là Đăng Quang, thông minh trí tuệ, trong đời ít ai sánh kịp. Thánh Vương vô cùng thương yêu con. Đến lúc lâm chung Vua cha nhường ngôi cho Thái Tử, nhưng Thái Tử Đăng Quang suy nghĩ, cuộc đời vô thường, nên nhường ngôi cho em rồi đi xuất gia làm Sa Môn.

Ngài thành đạo hiệu là Phật Vô Thượng Chí Tôn, thần đức chói sáng, không phân biệt ngày đêm. Đức Phật này cùng với chúng sáu mươi hai vạn Tỳ Kheo đi du hóa khắp thế gian, khai hóa quần sinh rồi trở về nước Đề Hòa Vệ, độ thoát cho các dòng họ và thần dân nước trong nước và mọi người. Khi về bản quốc, thì lúc ấy bá quan, Quần Thần cho rằng Đức Phật và đại chúng đến đánh chiếm đất nước.

Họ bàn với nhau: Chúng ta phải đem quân đi đánh để chống cự lại, không nên để mất nước! Tức thì họ xuất binh hướng về Đức Phật. Đức Phật dùng Lục Thông Quán Chiếu ngược lại tâm của họ. Ngài hóa làm thành lớn, cao rộng trang nghiêm, xinh đẹp để đối lại thành kia.

Đức Phật vì thương xót nhân dân trong nước, muốn làm cho họ được giải thoát, liền hóa làm hai thành làm bằng lưu ly, trong thành rỗng suốt, chiếu sáng từ trong ra ngoài. Ngài lại hóa ra sáu mươi hai vạn Tỳ Kheo giống như Phật thị hiện biến hóa.

Nhà Vua thấy như vậy rất hoảng sợ, sự nghi ngờ tan biến, trong lòng kính phục, liền đi đến chỗ Đức Phật, cúi đầu ăn năn về bản chất ngoan cố và tâm xấu ác của mình đối với Phật.

Ông ta tự nói: Niềm vui của kẻ ngu này là cúi mong Đức Phật tha thứ và xin Phật hãy trở về Tinh Xá. Trong bảy ngày con sẽ chuẩn bị cúng dường, cung nghinh Đấng Chí Tôn. Đức Phật hiểu ý của nhà Vua, đồng ý im lặng trở về.

Lúc đó nhà Vua hỏi Quần Thần: Cách phụng nghinh Thánh Vương thế nào?

Các quan đáp: Phép cung nghinh Ca Việt Vương là trang nghiêm cõi nước, san đường sá bằng phẳng cách bốn mươi dặm, dưới đất rưới nước thơm, lát vàng bạc trân quý, dùng bảy báu làm hàng rào, dựng các tràng phan, dùng lụa hoa ngũ sắc làm lọng, khắp các ngã đường trong cổng thành đều trang hoàng, đàn cầm ca nhạc y như Cõi Trời Đao Lợi, tung hoa, thắp đèn và xông các hương thơm, người đứng hầu cung kính hai bên đường.

Sau bảy ngày công việc đã chuẩn bị xong, nhà Vua ra lệnh bá quan Quần Thần đi theo hộ vệ, đích thân Vua cung nghinh Đức Phật.

Đức Phật thương tưởng đến dân chúng nên bảo các vị Tỳ Kheo: Hãy chuẩn bị thọ thỉnh. Các Tỳ Kheo vâng lệnh trở về Bổn Quốc.

Phật nói: Các ông có thấy buổi lễ cúng dường này trang nghiêm đẹp mắt chăng?

Thuở xưa ta thừa sự Chư Phật quá khứ cũng cúng dường trang nghiêm như hôm nay. Khi ấy có Phạm Chí Nho đồng tên Vô Cấu Quang, thuở nhỏ thông minh mẫn tiệp, chí lớn bao la, ẩn cư trong rừng núi, hành thiền giữ đạo, thông suốt tất cả sách vở bí truyền, trong tâm thích cúng dường để báo đáp Ân Sư, nói năng và hành động đều vì mục đích truyền trao Kinh Pháp cho mọi người.

Ở trong nhóm Phạm Chí có vị tên là Bất Lâu Đà thường siêng năng cúng tế nơi đền thờ Trời, trong suốt mười hai tháng dâng cúng thức ăn.

Đồ chúng của Phạm chí đó có tám vạn bốn ngàn người, trọn năm cúng dường vàng, bạc, châu báu, xe ngựa, trâu dê, lụa gấm, y phục, giầy dép. Dùng bảy báu làm lọng, tích trượng và bình đựng nước…

Ông ta là người rất thông minh trí tuệ, đáng thọ hưởng những vật này. Họ cúng đến bảy ngày chưa mãn. Lúc ấy Bồ Tát Nho đồng vào trong chúng của Phạm Chí Luận đạo nói nghĩa bảy ngày bảy đêm, chúng vô cùng hân hoan. Trưởng Giả chủ nhân rất hoan hỷ đem dâng cho Bồ Tát một cô gái trẻ đẹp.

Bồ Tát không nhận chỉ lấy lọng che, tích trượng, bình đựng nước, giày dép, vàng, bạc và tiền mỗi thứ một ngàn. Bồ Tát đem những vật đó dâng lên cho thầy mình. Thầy Bổn Sư hoan hỷ đem phân phát cho mọi người.

Bồ Tát nho đồng lại từ biệt ra đi. Các chúng đồng học mỗi người đem tặng một đồng bạc. Bồ Tát trở về quê hương thấy mọi người đều hân hoan, trên khắp nẻo đường đều an bình hạnh phúc, mọi người đang quét dọn và xông hương.

Bồ Tát hỏi người đi đường: Những người này họ làm gì thế?

Người đi đường đáp: Ngày hôm nay Đức Phật Đăng Quang sẽ đến, vì thế mọi người chuẩn bị thiết lễ cúng dường.

Bồ Tát Nho đồng nghe Phật đến, trong lòng náo nức mừng vui, sửa y phục chỉnh tề và hỏi: Đức Phật từ đâu đến đây?

Cúng dường Ngài như thế nào?

Người đi đường nói: Chỉ cầm hương hoa, lọng lụa, tràng phan để cúng dường. Khi ấy Bồ Tát liền vào thành cầu xin cúng dường trong chốc lát nhưng hoàn toàn không được.

Người trong nước nói: Nhà Vua cấm dùng hoa hương, chỉ để cho Ngài cúng dường bảy ngày. Bồ Tát nghe vậy, trong lòng không vui. Giây lát Đức Phật đến và biết được tâm Đồng Tử.

Lúc đó có một cô gái mang bình đựng đầy hoa, Đức Phật phóng quang sáng ngời chiếu xuyên suốt bình hoa biến thành Lưu Ly, trong ngoài đều thấy được.

Bồ Tát đến chỗ cô gái nói:

Năm trăm đồng tiền bạc

Xin mua năm cành hoa

Dâng lên Phật Đăng Quang

Xin cho tôi mãn nguyện.

Cô gái hỏi:

Hoa này giá vài đồng

Sao tính đến năm trăm

Nay ông ước nguyện gì

Mà không tiếc tiền bạc.

Bồ Tát đáp: Không cầu Thích, Phạm, Ma Tứ Vương, Chuyển Thánh Vương. Nguyện tôi được thành Phật Độ thoát khắp mười phương.

Cô gái nói: Ôi Hay thay! Hay thay!

Nguyện Ngài chóng thành tựu

Xin cho tôi đời sau

Luôn được làm vợ Ngài.

Bồ Tát đáp:

Người nữ thói đa tình

Phá người ý chánh đạo

Khuấy rối điều ta nghĩ

Đoạn trừ tâm bố thí.

Cô gái trả lời:

Tôi thề: Vào đời sau

Theo chàng hành bố thí

Con cái và thân tôi

Xin Phật, Trời chứng giám.

Nhân giả thương xót tôi

Xin ban điều tôi nguyện

Hoa này xin dâng Ngài

Tiền bạc tôi không nhận.

Tôi nhớ kiếp xa xưa

Quán thấy bản hạnh này

Đã có năm trăm đời

Từng là vợ Bồ Tát.

Cô gái đưa hoa cho Bồ Tát, Ngài hoan hỷ nhận hoa rồi ra đi.

Trong lòng rất hoan hỷ, cô gái nói: Tôi thân nữ yếu đuối, không thể đến đó được. Xin gửi hai cành hoa để dâng lên Đức Phật. Khi Đức Phật đến, Vua Quan, Dân Chúng, Trưởng Giả, Cư Sĩ, quyến thuộc vây chung quanh Ngài mấy trăm ngàn vòng.

Bồ Tát muốn đến trước Phật tung hoa nhưng không thể đến được. Đức Phật biết ý của Bồ Tát nên hóa đất thành bùn, mọi người tránh ra hai bên.

Lúc ấy Bồ Tát mới đến trước Phật tung năm đóa hoa, năm đóa hoa đều dừng lại trên không trung và biến thành lọng hoa, lớn bảy mươi dặm, hai hoa đứng trên hai vai Đức Phật như cành hoa sống. Bồ Tát hoan hỷ, trải tóc trên đất xin Đức Thế Tôn giẫm lên đi.

Đức Phật bảo: Ta có thể giẫm lên ư?

Bồ Tát bạch: Xin Ngài hãy giẫm lên.

Đức Phật bước lên và Ngài đứng đó mỉm cười, trong miệng ánh sáng năm màu tỏa ra xa bảy thước, chia làm hai phần: Một vòng ánh sáng vòng quanh Đức Phật ba vòng, ánh sáng đó chiếu đến ba ngàn đại thiên cõi nước, chiếu sáng khắp nơi rồi trở lại nhập vào đảnh Phật. Một phần ánh sáng chiếu xuống mười tám địa ngục đau khổ, liền được an vui.

Các đệ tử bạch Phật: Đức Phật không vô cớ mà cười, xin Ngài dạy cho chúng con ý nghĩa này.

Đức Phật dạy: Các ông có thấy Đồng Tử này không?

Các đệ tử thưa: Thưa vâng, chúng con có thấy.

Đức Thế Tôn bảo: Vị Đồng Tử này ở trong vô số kiếp sở học thanh tịnh, không tiếc thân mạng để hàng phục tâm, xả bỏ dục lạc, sống đời an tịnh, tâm không vọng động, không thiếu lòng từ, chứa nhóm hạnh nguyện phước đức nên nay được như vậy.

Đức Phật dạy Đồng Tử: Sau một trăm kiếp ông xả bỏ thân này, sẽ được thành Phật hiệu là Thích Ca Văn Như Lai, Vô Sở Trước Chí Chân Đẳng Chánh Giác. Kiếp tên Ba Đà, Thế Giới tên Sa Phù.

Cha của Đức Phật này là Bạch Tịnh, mẹ là Ma Da, vợ tên Cù Di, con tên La Vân, thị giả tên A Nan, đệ tử bên phải là Xá Lợi Phất, đệ tử bên trái là Ma Ha Mục Kiền Liên.

Đức Phật Thích Ca đó giáo hóa chúng sinh đời năm ô trược, độ thoát khắp cả mười phương như ta hôm nay vậy. Bồ Tát Năng Nhân được Phật thọ ký rất hân hoan vui mừng, thông suốt các nghi ngờ, đình chỉ những vọng động, bao nhiêu vọng tưởng dứt trừ mà vào thiền định tịch tĩnh, đạt được vô sinh pháp nhẫn thanh tịnh, tức thì thân vọt treo trên hư không, cách mặt đất bảy nhận, rồi từ trên không hạ xuống đảnh lễ dưới chân Phật, được làm Sa Môn.

Đức Phật thuyết kệ:

Ông sẽ ở đời sau

Trải cỏ ngồi gốc cây

Sức giới, nhân, định, tuệ

Hàng phục ma quyến thuộc,

Đi trên con đường Thánh

Đánh trống pháp Cam Lộ

Vì thương tưởng chúng sinh

Chuyển bánh xe vô thượng.

Ông sẽ ở đời sau

Khéo phương tiện trí tuệ

Chín mươi sáu ngoại đạo

Đều khiến đặng pháp nhãn.

Ông sẽ ở đời sau

Từ ái hành bốn ân

Ban bố Pháp Cam Lộ

Dứt trừ ba bệnh độc.

Bồ Tát Năng Nhân phụng sự Phật Đăng Quang cho đến khi Phật nhập vào Niết Bàn. Bồ Tát giữ giới thanh tịnh, thủ hộ chánh pháp, từ bi che chở, ban bố lòng nhân ái khiến cho tất cả đều được lợi lạc. Bồ Tát cứu giúp không mỏi mệt, lúc qua đời được sinh lên Trời Đâu Suất.

Vì muốn cứu độ tất cả chúng sinh mê muội nên Ngài từ Cõi Trời sinh xuống làm Chuyển Luân Vương Hoàng Đế đi khắp nơi có bảy báu theo cùng.

Những gì là bảy?

Đó là:

1. Bánh xe vàng báu.

2. Ngọc thần báu.

3. Ngọc nữ báu.

4. Chủ kho tàng báu.

5. Chủ binh báu.

6. Ngựa báu sắc xanh biếc.

7. Voi trắng báu.

Bánh xe vàng báu: Bánh xe có ngàn căm hoa được chạm khắc hoa văn và khảm các châu báu, ánh sáng xuyên suốt hơn cả mặt trời, mặt trăng. Lúc lên xe Vua Chuyển Luân có ý nghĩ thế nào thì bánh xe vận chuyển theo để đi xem xét thiên hạ, chỉ trong chóc lát đã giáp vòng quanh cõi nước, cho nên gọi là bánh xe vàng báu.

Ngọc thần báu: Đến ngày hai mươi chín đêm cuối tháng, đem ngọc treo trên hư không thì tùy theo đất nước đó lớn nhỏ ngọc chiếu sáng cả trong ngoài như ban ngày, cho nên gọi là ngọc thần báu.

Ngọc Nữ báu: Thân nàng ở mùa đông thì ấm áp, mùa hạ thì mát mẻ, trong miệng có mùi thơm hoa sen xanh, thân thơm mùi Chiên Đàn, thức ăn tự tiêu hóa, không phải lo vấn đề đại tiểu tiện, cũng không có chất dơ dáy bất tịnh của người nữ. Tóc và thân… không dài không ngắn, không trắng không đen, không mập không ốm, cho nên gọi là Ngọc Nữ báu.

Chủ kho tàng báu: Khi Vua cần có vàng bạc, lưu ly, thủy tinh, ma ni, trân châu, san hô, trân bảo… thì vị ấy đưa tay xuống đất, đất xuất ra bảy báu, đưa tay xuống nước, nước xuất bảy báu, chỉ tay lên núi, núi xuất bảy báu, chỉ tay lên đá, đá xuất ra bảy báu, cho nên gọi là bề tôi chủ kho báu.

Chủ binh báu: Ý Vua muốn có bốn loại binh lính như mã binh, tượng binh, xa binh và bộ binh, thần tâu Vua: Nhà Vua cần bao nhiêu quân?

Hoặc một ngàn, một vạn, hoặc vô số…, trong lúc ngoảnh lại, nhà Vua đã thấy quân dàn sẵn, hành trận nghiêm chỉnh, cho nên gọi là bề tôi chủ binh báu.

Ngựa báu sắc xanh biếc: Ngựa màu xanh biếc, bờm dài, đeo hạt châu, tánh thuần hậu và được tắm sạch sẽ. Khi hạt châu rơi xuống, chỉ trong giây lát liền sinh lại như cũ, hạt châu này tươi đẹp tinh khiết, lại càng đẹp hơn trước. Tiếng ngựa vang xa đến một do tuần.

Khi nhà Vua cỡi ngựa để quán sát dân chúng, sáng ra đi, chiều trở về, ngựa cũng không mệt nhọc. Bụi dính chân ngựa trở thành cát vàng, cho nên gọi là ngựa báu sắc xanh biếc.

Voi trắng báu: Voi có mắt màu trắng tuyệt đẹp, bảy chi đều bằng phẳng, sức mạnh hơn trăm voi, đuôi dài đeo châu, đã đẹp lại càng tinh khiết. Miệng voi có sáu ngà và mỗi ngà có màu bảy báu.

Khi Vua muốn cỡi voi, chỉ trong một ngày đã đi khắp nơi, sáng đi chiều trở về voi không hề nhọc mệt. Nếu voi lội qua nước thì nước không bị giao động, chân voi cũng không bị thắm ướt, cho nên gọi là voi trắng báu.

Nhân dân lúc bấy giờ sống thọ tám vạn bốn ngàn tuổi. Thể nữ trong cung, mỗi cung như vậy có tám vạn bốn ngàn người. Vua có ngàn người con nhân từ hùng mạnh, một người có thể chống lại cả ngàn người.

Thánh Vương cai trị bằng giới đức, dùng thập thiện dạy dỗ nhân dân. Thiên hạ thái bình, mưa thuận gió hòa, ngũ cốc đầy đủ, ăn thực phẩm này sẽ ít bệnh, hương vị như Cam Lộ, khí lực được dồi dào.

Nhân dân chỉ có bảy bệnh:

1. Bệnh lạnh.

2. Bệnh nóng.

3. Bệnh đói.

4. Bệnh khát.

5. Đại tiện.

6. Tiểu tiện.

7. Lòng mong muốn.

Thánh Vương hết tuổi thọ lại sinh lên Trời Phạm Thiên làm Vua Phạm Thiên, trên là Thiên Đế, dưới là Thánh Chúa. Mỗi lần ba mươi sáu vòng rồi trở lại từ đầu. Vì thế muốn cứu độ người nào, Vua sẽ tùy lúc mà xuất hiện.

Bồ Tát tinh cần khổ hạnh trải qua ba A tăng kỳ kiếp. Kiếp sống đã mãn nhưng vì thương xót chúng sinh trôi lăn không bờ bến, Bồ Tát vì chúng sinh mà đem thân nuôi hổ đói.

Bồ Tát dũng mãnh tinh tấn trải qua chín kiếp là Bồ Tát Năng Nhân. Ở trong chín mươi mốt kiếp tu tập đạo đức, học tâm Phật, thực hành sáu độ vô cực, bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, nhất tâm, trí tuệ, khéo dùng phương tiện quyền xảo, từ, bi, hỷ, xả che chở, dưỡng dục chúng sinh như thương con đỏ, thừa sự Chư Phật, tích đức vô hạn.

Trải qua nhiều kiếp tinh tấn khổ hạnh, vượt qua Thập Địa, ở nơi nhất sinh bổ xứ, công hạnh đã thành, sự việc đã hoàn tất, trí thần vô lượng, đến lúc đúng thời, ngay lúc ấy Ngài thành Phật.

Ở trên Trời Đâu Suất, Bồ Tát phát khởi bốn quán xét: Xem xét địa phương, xem xét cha mẹ, nên sinh vào cõi nước nào?

Nên giáo hóa, cứu độ ai đầu tiên?

Bồ Tát suy nghĩ: Vua Bạch Tịnh đã nhiều đời là cha sinh ra ta.

Câu lợi sát đế có hai người con gái, khi cô ta tắm gội trong ao sau vườn, Bồ Tát đưa tay chỉ và nói: Đây là người mẹ đã nhiều đời sinh ta. Đến ngày sinh con, lúc ấy có năm trăm Phạm Chí đều có năm thần thông bay qua cung thành, nhưng không thể vượt qua được.

Họ sợ hãi, cùng nói với nhau: Thần túc của chúng ta còn xuyên qua tường đá được, tại sao hôm nay chúng ta không thể vượt qua đây?

Thầy của Phạm Chí nói: Ông có thấy hai cô gái này không?

Một người sẽ sinh bậc Đại Nhân có ba mươi hai tướng. Còn một người sẽ sinh một người ba mươi tướng. Do oai thần của người ấy làm cho chúng ta mất thần túc. Tiếng nói của họ vang ra khắp nơi, thiên hạ đều nghe. Khi ấy Vua Bạch Tịnh hoan hỷ vui mừng muốn được Chuyển Luân Thánh Vương sinh vào nhà mình, liền xin cưới cô gái đẹp ấy làm vợ.

Ca Duy La Vệ là nơi trung tâm của ba ngàn nhật nguyệt và một vạn hai ngàn Trời Đất. Chư Phật quá khứ, vị lai, hiện tại đều sinh ra ở vùng đất này.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần