Phật Thuyết Kinh Từ Thị Bồ Tát Sở Thuyết đại Thừa Duyên Sinh đạo Cán Dụ
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Bất Không, Đời Đường
PHẬT THUYẾT
KINH TỪ THỊ BỒ TÁT SỞ THUYẾT
ĐẠI THỪA DUYÊN SINH ĐẠO CÁN DỤ
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Bất Không, Đời Đường
Tôi nghe như vậy!
Một thời, Đức Thế Tôn ở tại núi Thứu Phong thuộc thành Vương Xá cùng với chúng Đại Tỳ Kheo một ngàn hai trăm năm mươi vị và chúng Đại Bồ Tát.
Bấy giờ, Tuệ mạng Xá Lợi Tử đi đến chỗ kinh hành của Đại Bồ Tát Từ Thị. Bồ Tát Từ Thị và Tuệ mạng Xá Lợi Tử cùng ngồi trên tảng đá.
Khi ấy, Tuệ mạng Xá Lợi Tử hỏi Đại Bồ Tát Từ Thị: Ngày nay, Đức Thế Tôn xem xét về gốc cây lúa.
Bảo các vị Tỳ Kheo thế này: Này các Tỳ Kheo! Nếu ai thấy duyên sinh tức là thấy pháp. Nếu ai thấy pháp tức thấy Phật.
Đức Bà già phạm đã nói thế rồi an trú trong im lặng.
Câu Kinh mà Như Lai nói đó có ý nghĩa gì?
Sao gọi là duyên sinh?
Sao gọi là pháp?
Sao gọi là Phật?
Sao gọi là thấy duyên sinh tức là thấy pháp?
Sao gọi thấy pháp tức là thấy Phật?
Đại Bồ Tát Từ Thị bảo Tuệ mạng Xá Lợi Tử:
Đức Thế Tôn thường vì các Tỳ Kheo nói nghĩa thế này: Nếu thấy duyên sinh tức thấy pháp. Nếu thấy pháp tức thấy Phật. Duyên sinh nghĩa là vô minh duyên hành, hành duyên thức, thức duyên danh sắc, danh sắc duyên lục xứ, lục xứ duyên xúc, xúc duyên thọ, thọ duyên ái, ái duyên thủ, thủ duyên hữu, hữu duyên sinh, sinh duyên lão tử. Như Lai nói đây chính là duyên sinh.
Sao gọi là pháp?
Như Lai nói tóm lược là tám Thánh Đạo chứng đắc quả Niết Bàn. Đó gọi là pháp.
Sao gọi là Phật?
Vị giác ngộ tất cả các pháp, dùng tuệ nhãn của Bậc Thánh chứng Niết Bàn, thấy được pháp cần tu học để đạt Bồ Đề. Đó gọi là Phật.
Sao gọi là thấy duyên sinh?
Như Lai nói duyên sinh này thường trụ, không có nhân, không có ngã, không có chúng sinh, không có thọ mạng, không có điên đảo, vô sinh, vô tác, vô vi, vô đối, vô ngại. Thấy tự tánh vắng lặng tức thấy pháp.
Nếu thấy các chủng loại như thế thường trụ, không có nhân, không có ngã, không có chúng sinh, không có thọ mạng, chẳng điên đảo, vô sinh, vô đối, vô ngại thì đó là thấy pháp. Từ đấy về sau liền thấy pháp thân, thấy được Như Lai hiện chứng chánh trí.
Lại hỏi: Duyên sinh nghĩa là gì?
Đáp: Có nhân, có duyên, chẳng phải không nhân duyên, gọi là duyên sinh.
Nhưng ở trong đấy, Như Lai nói tóm lược về tướng của duyên sinh: Do nhân này nên có thể sinh quả này. Dù Như Lai ra đời hay không ra đời thì pháp tánh, pháp trụ, pháp vị thuận theo duyên sinh, chân như, chẳng điên đảo, chẳng khác, như chân thật, chẳng khác, chân thật chẳng điên đảo, chẳng lầm lẫn, đúng là như thế…
Lại nữa, duyên sinh là hai loại nhân phát khởi.
Những gì là hai?
Một là hệ thuộc nhân. Hai là hệ thuộc duyên.
Pháp duyên sinh ấy nên biết có hai loại. Đó là trong và ngoài.
Duyên bên ngoài sinh hệ thuộc nhân thế nào?
Nghĩa là do hạt giống sinh ra mầm, do mầm sinh ra lá, do lá sinh cành, do cành sinh thân, do thân sinh nhánh, do nhánh sinh hoa, do hoa sinh quả. Nếu không có hạt giống thì mầm không do đâu sinh, cho đến không có hoa thì quả cũng không có chỗ để sinh. Có hạt nên sinh mầm cho đến có hoa nên sinh quả.
Nhưng hạt chẳng nghĩ mình có thể sinh mầm, mầm cũng chẳng nghĩ mình do hạt sinh, cho đến hoa cũng chẳng nghĩ mình có thể sinh quả, quả cũng chẳng nghĩ mình do hoa sinh. Có hạt nên mầm mới sinh, cho đến có hoa thì sinh quả. Như thế là ngoại duyên sinh, nên biết là hệ thuộc với nhân.
Sao gọi là duyên bên ngoài sinh hệ thuộc với duyên?
Nghĩa là sáu giới hòa hợp với duyên sinh, hệ thuộc với duyên.
Sao gọi là sáu giới?
Đó là địa, thủy, hỏa, phong, không, thời hòa hợp duyên sinh, hệ thuộc với duyên.
Sao gọi là địa, thủy, hỏa, phong, không, thời giới?
Khiến hạt giống được bảo trì gọi là địa giới, khiến hạt giống thấm nhuần gọi là thủy giới, khiến hạt giống thành thục gọi là hỏa giới, khiến hạt giống tăng trưởng gọi là phong giới, khiến hạt giống không có chướng ngại gọi là không giới, khiến hạt giống biến đổi gọi là thời giới.
Nếu không có các duyên thì hạt giống chẳng nẩy mầm. Nếu không thiếu địa giới, không thiếu thủy, hỏa, phong, không, thời giới, tất cả hòa hợp thì hạt giống nảy mầm. Địa giới ấy chẳng nghĩ mình có thể bảo trì hạt giống. Thủy giới chẳng nghĩ mình có thể làm thấm nhuần hạt giống.
Hỏa giới chẳng nghĩ mình có thể làm chín hạt giống. Phong giới chẳng nghĩ mình có thể làm tăng trưởng hạt giống. Không giới chẳng nghĩ mình có thể khiến hạt giống phát triển, không có chướng ngại. Thời giới chẳng nghĩ mình có thể biến đổi hạt giống. Hạt giống đó cũng chẳng nghĩ mình do các duyên mới sinh được mầm.
Nhưng nhờ các duyên như thế mà hạt giống nảy mầm, mầm đó chẳng tự tạo, chẳng do cái khác tạo, chẳng do cả hai cùng tạo, chẳng do Trời Tự Tại tạo, chẳng do thời gian biến đổi tạo, chẳng do tự tánh sinh, chẳng hệ thuộc người tạo tác hay vô nhân sinh. Như thế hạt giống nhờ đất, nước, lửa, gió, hư không, thời tiết hòa hợp lại mà sinh.
Pháp ngoại duyên sinh này nên biết có năm tính chất: Chẳng thường, chẳng đoạn, chẳng di chuyển, nhân ít, quả nhiều, tương tự, tương tục, chẳng sinh vật khác.
Sao gọi là chẳng thường?
Vì hạt và mầm khác nhau nên chẳng phải là hạt mầm, cũng chẳng do hủy hoại hạt rồi mầm mới sinh, nhưng kỳ thực hạt chết nên mầm sinh. Vì hạt chết, mầm sinh nên gọi là chẳng thường.
Sao gọi là chẳng đoạn?
Trước thì hạt giống chẳng hoại để sinh mầm, cũng chẳng phải là chẳng hoại. Như thế hạt giống hoại, hòa hợp sinh ra mầm gọi là chẳng đoạn.
Chẳng di chuyển là hạt giống và mầm khác nhau. Nhân ít quả nhiều là hạt giống ít mà quả hột lại nhiều. Tương tự, tương tục là tùy theo trồng hạt giống nào thì thu quả cũng thế. Như vậy, nên biết đó là năm tính chất của pháp ngoại duyên sinh.
Sao gọi là nội duyên sinh?
Có hai loại được sinh.
Những gì là hai loại?
Một là hệ thuộc nhân. Hai là hệ thuộc duyên.
Pháp nội duyên sinh hệ thuộc với nhân nào?
Đó là vô minh duyên hành, cho đến sinh duyên lão tử. Nếu không có vô minh thì không có hành, nhưng có vô minh nên có hành, cho đến có sinh làm điều kiện cho lão tử được sinh.
Vô minh đó chẳng nghĩ mình có thể tạo ra hành, hành chẳng nghĩ mình do vô minh tạo ra, cho đến sinh chẳng nghĩ mình có thể sinh lão tử. Nhưng có vô minh thì có hành sinh cho đến có sinh thì có lão tử sinh. Như thế là pháp nội duyên sinh hệ thuộc với nhân.
Sao gọi là pháp nội duyên sinh liên hệ với duyên?
Đó là sáu giới hòa hợp mà sinh.
Sao gọi là sáu giới hòa hợp?
Đó là địa, thủy, hỏa, phong, không, thức giới hòa hợp làm duyên sinh hệ thuộc với duyên.
Sao gọi là địa giới?
Thể cứng khiến cho thân hợp lại gọi là địa giới.
Sao gọi là thủy giới?
Khiến cho thân được thâu giữ gọi là thủy giới.
Sao gọi là hỏa giới?
Khiến cho các thức ăn uống trong thân tiêu hóa, gọi là hỏa giới.
Sao gọi là phong giới?
Khiến tạo ra hơi thở vô ra trong thân gọi là phong giới.
Sao gọi là không giới?
Khiến tạo ra khoảng trống trong thân gọi là không giới.
Sao gọi là thức giới?
Khiến chuyển danh sắc như bó cỏ lau, năm thức tương ưng, có ý thức hữu lậu gọi là thức giới.
Nếu không có sáu giới thì thân người chẳng thành. Nếu chẳng thiếu nội địa giới, chẳng thiếu thủy, hỏa, phong, không, thức giới thì tất cả hòa hợp có thể sinh thân. Địa giới đó chẳng nghĩ mình là chất cứng có thể khiến cho thân tụ hợp.
Thủy giới chẳng nghĩ mình có thể khiến cho thân tạo sự giữ gìn. Hỏa giới chẳng nghĩ mình có thể làm tiêu hóa thức ăn, uống trong thân. Phong giới chẳng nghĩ mình có thể khiến thân tạo hơi thở vào ra. Không giới chẳng nghĩ mình có thể khiến tạo thành khoảng trống trong thân.
Thức giới cũng chẳng nghĩ mình có thể chuyển được danh sắc giống như bó cỏ lau. Thân cũng chẳng nghĩ mình do các duyên kia mà sinh. Nhưng mà có các duyên như thế mới sinh thân. Địa giới ấy không ngã, không nhân, không mạng, không thọ mạng, không ý sinh, không nho đồng, không nam, không nữ, không phi nam nữ, không ngô, ngã, cũng không gì khác.
Thủy, hỏa, phong, không, thức giới cũng không ngã, không nhân, không mạng, không thọ mạng, không ý sinh, không nho đồng, không nữ, không nam, không phi nam nữ, không ngô, ngã, không gì khác.
Sao gọi là vô minh?
Đối với sáu giới này, khởi lên tưởng một, tưởng hợp, tưởng thường, tưởng vững chắc, tưởng thường hằng, tưởng vui, tưởng yên lặng, tưởng chúng sinh, tưởng mạng, tưởng thọ mạng, tưởng ý sinh, tưởng nho đồng tưởng ngô, ngã, tưởng tác giả.
Khởi các loại tưởng như thế mà không biết, gọi là vô minh. Từ cảnh giới có vô minh như thế sinh tham, sân, si. Từ tham, sân, si kia, sinh ra hành. Từ hành kia bày ra các việc gọi là thức. Thức ấy sinh bốn uẩn.
Danh sắc kia nương tựa vào các căn, cùng sáu xứ ba pháp hợp gọi là xúc. Xúc sinh thọ. Thọ tham đắm nên sinh ái. Ái phát triển mạnh nên gọi là thủ. Thủ lại sinh hữu, nghiệp hữu làm nhân sinh uẩn. Uẩn chín mùi gọi là lão, uẩn hư hoại nên gọi là chết. Đối với ái mê hoặc, tham chấp tạo nhiệt não gọi là sầu. Theo đuổi thương nhớ việc làm, lời nói, âm thanh đã qua gọi là than thở.
Năm thức thân tương ưng gọi là khổ. Ý chẳng vui gọi là ưu. Tùy phiền não nên gọi là não. Ngu si đen tối gọi là vô minh. Tạo tác gọi là hành. Phân biệt rõ ràng gọi là thức. Hỗ tương nhau, thâu giữ gọi là danh sắc. Nương nơi xứ sở gọi là lục xứ.
Gặp cảnh nên gọi là xúc. Lãnh nạp nên gọi là thọ. Khát ái nên gọi là ái. Nắm giữ nên gọi là thủ, thủ lại sinh hữu nên gọi là hữu. Có thể sinh ra nên gọi là sinh. Căn chín nên gọi là già. Hoại diệt nên gọi là chết. Thương nhớ nên gọi là sầu. Buồn bã, tấm tức gọi là than thở. Ý không vui gọi là ưu.
Bức bách nơi thân thể nên gọi là khổ. Chẳng vừa ý nên gọi là não. Chẳng tu hạnh chân thật gọi là tà hạnh. Không biết nên gọi là vô minh. Có vô minh nên tạo tác các loại hành. Phước cận hành, phi phước cận hành, bất động cận hành. Khi phát khởi hành phước cận hành và hành phi phước cận hành nên gọi là thức.
Vì thế gọi là vô minh duyên hành. Khi khởi hành phi phước cận hành và hành phi phước cận hành cũng gọi là thức. Vì thế gọi là hành duyên thức. Khi khởi hành bất động cận hành và hành bất động cận hành cũng gọi là thức. Vì thế gọi là thức duyên danh sắc.
Danh sắc tăng trưởng tạo ra môn lục xứ, cho nên gọi là danh sắc duyên lục xứ. Thân lục xứ chuyển nên gọi là lục xứ duyên xúc. Cùng loại xúc sinh cùng loại thọ, nên gọi là xúc duyên thọ. Đối với thọ đắm chấp cái vui sai biệt cho nên gọi là thọ duyên ái. Ái đắm đuối nơi hoan lạc nên ái chẳng thể xả bỏ, luôn luôn vui vẻ cầu tìm, cho nên gọi là ái duyên thủ.
Như thế mưu cầu được sinh lại, nên hữu khởi nghiệp nơi thân, khẩu, ý. Vì thế gọi là thủ duyên hữu. Do nghiệp nên sinh trong vòng năm uẩn, gọi là hữu duyên sinh. Do uẩn sinh nên phải chịu suy héo, hoại diệt gọi là sinh duyên lão tử. Như thế gọi là mười hai duyên sinh.
Lần lượt thay đổi làm nhân, chẳng thường, chẳng tạo tác, chẳng có suy tư, cũng không có duyên sinh, không có pháp tận cùng, không có pháp lìa dục, không có pháp diệt, từ vô thủy đến nay lưu chuyển không ngừng như dòng nước sông chảy xiết. Nếu duyên sinh chẳng gián đoạn, chuyển dịch như dòng sông thì đó là mười hai duyên sinh hòa hợp với bốn chi mà tạo ra nhân chuyển động.
Những gì là bốn?
Đó là vô minh, ái, nghiệp, thức. Tự tánh nơi hạt giống của thức kia là nhân. Tự tánh của ruộng nghiệp là nhân. Tự tánh của phiền não là ái, vô minh là nhân. Nghiệp, phiền não, thức có thể sinh hạt giống.
Như thế nghiệp, thức tạo ra ruộng của hạt giống. Ái, thức làm hạt giống thấm nhuần. Vô minh, thức làm hạt giống phát sinh. Nhưng nghiệp đó chẳng nghĩ là mình và hạt giống thức tạo ra ruộng. ái chẳng nghĩ là mình và hạt giống thức tạo sự thấm nhuần.
Vô minh chẳng nghĩ là mình làm cho hạt giống thức phát sinh. Hạt giống thức chẳng nghĩ là mình do các duyên mà sinh. Nhưng kỳ thực hạt giống thức an lập nghiệp phiền não, dùng ái làm cho thấm nhuần, dùng vô minh che đất, sinh ra mầm non danh sắc.
Mầm non danh sắc đó chẳng tự tạo, chẳng do cái khác tạo, chẳng do cả hai cùng tạo, chẳng do Trời Tự Tại tạo, chẳng do biến dịch thời gian tạo, chẳng do tự tánh sinh, chẳng liên hệ ở nhân, không có nhân cũng chẳng sinh.
Nhưng lại do lúc cha mẹ hòa hợp tương ưng và các duyên khác tương ưng, tiếp nối nhau sinh. Hạt giống thức ấy ở trong bụng mẹ, mầm non của danh sắc sinh, từ vô chủ vô sinh, vô ngã mà trao tướng của pháp như huyễn, nhân duyên chẳng thiếu. Do năm loại duyên sinh nhãn thức.
Những gì là năm?
Nhãn duyên sắc, ánh sáng và hư không, từ đó sinh tác ý. Nhãn thức nương nơi sắc làm đối tượng duyên. ánh sáng dùng để chiếu sáng. Hư không tạo chỗ không chướng ngại, do đó sinh tác ý, để rồi nghĩ kỹ. Nếu không có các duyên thì nhãn thức chẳng sinh.
Nếu thiếu nhãn xứ bên trong như là sắc, ánh sáng hư không, tác ý thì nhãn thức chẳng sinh. Như thế năm duyên chẳng thiếu, tất cả hòa hợp lại thì sinh nhãn thức. Nhãn căn kia chẳng nghĩ là mình và nhãn thức tạo ra chỗ dựa. Sắc pháp kia chẳng nghĩ là mình và nhãn thức làm đối tượng duyên. Ánh sáng chẳng nghĩ là mình và nhãn thức tạo ra duyên chiếu sáng.
Hư không chẳng nghĩ là mình và nhãn thức tạo ra duyên không chướng ngại. Ý sinh ra chẳng nghĩ là mình và nhãn thức tạo ra sự suy nghĩ kỹ. Nhãn thức lại chẳng nghĩ là mình được nhiều duyên sinh ra. Vì có nhiều duyên nên nhãn thức mới sinh. Bốn căn còn lại, nên biết như trước.
Kỳ thật không có pháp, chẳng do đời này di chuyển đến đời kia vì có nghiệp báo thiết lập ra nhân duyên chẳng thiếu sót. Ví như gương sáng hiện rõ khuôn mặt trong đó. Khuôn mặt đó chẳng di chuyển vào nơi gương, mà ở trong gương này có khuôn mặt trong đó, vì nhân duyên chẳng thiếu.
Như thế, chẳng do ở đây diệt đi đến chỗ kia, do có nhân duyên nghiệp báo chiêu cảm nên chẳng thể thiếu sót. Ví như vầng trăng cách mặt đất bốn vạn do tuần, ở trong các đồ vật kim loại mà có ít nước, thì thấy hiện bóng trăng trong đó.
Nhưng thật ra chẳng do ở đó rơi xuống rồi hiện ở trong đồ vật kim loại đựng ít nước kia, mà do có các duyên hòa hợp nên ảnh hiện như thế, chẳng do diệt ở đây rồi sinh ở chỗ kia, vì có tướng nghiệp báo chiêu cảm theo nhân duyên nên chẳng thiếu.
Ví như không có củi thì lửa chẳng sinh, có củi thì lửa mới sinh. Hạt giống thức do nghiệp phiền não sinh, từ chỗ sinh đó, tiếp nối nhau lưu chuyển thành mầm non danh sắc.
Như thế là vô chủ, là pháp vô ngã, pháp không có chỗ nắm giữ, thay đổi với nhau làm nhân duyên như là huyễn tướng, vì tự tánh nơi pháp là nhân duyên chẳng thiếu. Nên biết năm loại pháp nội duyên sinh là chẳng thường chẳng đoạn chẳng di chuyển, ít nhân nhiều quả, tương tự, tiếp nối nhau mà sinh.
Sao gọi là chẳng thường?
Uẩn bên này chết thì ở nơi kia uẩn khác sinh, chẳng phải uẩn này chết tức là uẩn sinh kia. Nhưng uẩn chết diệt thì ở nơi kia uẩn sinh hiện khởi. Đó là chẳng thường.
Sao gọi là chẳng đoạn?
Chẳng phải trước diệt uẩn tử, rồi sau mới khởi lên uẩn sinh, cũng chẳng phải không diệt uẩn tử và ngay khi đó có uẩn sinh như cái cân chẳng hạ thấp chẳng giơ cao gọi là chẳng đoạn.
Sao gọi là chẳng di chuyển?
Vì các loại sai biệt khác chuyển sinh, nên gọi là chẳng di chuyển.
Sao gọi là ít nhân nhiều quả?
Đối với thân này tạo nghiệp thiện ác ít, đối với thân đời sau thọ nhận quả báo thiện ác nhiều.
Sao gọi là giống nhau, tiếp nối nhau?
Giống như hiện tại thọ thân tạo nghiệp tức là ở đời sau thọ quả báo. Nếu pháp duyên sinh này là như thật dùng tuệ nhãn chan chánh trong thời gian dài tu pháp vô nhân, vô ngã, chẳng điên đảo, chẳng sinh, chẳng diệt, vô tác, vô vi.
Không có ngăn che, không có đối tượng duyên, vắng lặng, vô úy, không đoạt lấy, không cùng tận, tự tánh như huyễn, không tịch chẳng vững chắc, như đau đớn, như ung nhọt, chất ngại, tánh vô thường, tánh khổ, tánh không, tánh vô ngã, thì đời trước chẳng lưu chuyển.
Nếu ta ở đời quá khứ đã từng hiện hữu thì ta là ai đã từng hiện hữu ở quá khứ?
Ta ở quá khứ tại sao lại hiện hữu?
Lại còn lưu chuyển ở đời sau, nghĩa là ta ở vị lai sẽ hiện hữu?
Ta là ai ở vị lai sẽ hiện hữu?
Ta sẽ hiện hữu ở vị lai như thế nào?
Ta ở vị lai chẳng hiện hữu?
Ta là ai ở vị lai không hiện hữu?
Ta ở vị lai tại sao không hiện hữu?
Lại ở hiện tại chẳng lưu chuyển?
Ở hiện tại ta có hiện hữu không?
Ta là ai có mặt ở hiện tại?
Tại sao ta có mặt ở hiện tại?
Hữu tình chết ở đây lại sinh đến chỗ nào?
Nếu có Sa Môn, Bà La Môn ở trong thế gian có kiến chấp đó là trói buộc nơi các kiến chấp về ngã, về chúng sinh, về thọ mạng và các kiến chấp khác là hy vọng được tốt lành.
Nếu khi ấy dùng chánh kiến tương ứng thì ắt đoạn được các trói buộc, chứng được biến tri, như chặt cây Đa La, không có tánh sở hữu, nhập vào thắng nghĩa. Trong thời gian lâu dài ở trong các cõi, giác ngộ bất sinh, bất diệt, thành tựu được tính nhẫn nhục, tạo vô biên việc lợi lạc cho hữu tình.
Nếu có người nam, người nữ tốt nào, đối với Kinh này hoặc trong một khoảnh khắc xem xét kỹ về lý duyên sinh, thì tức khắc có thể tức thì diệt được nghiệp chướng rất nặng từ thời vô thủy đến nay, nhóm hợp nhiều phước đức, trí tuệ thông đạt, dứt hẳn tà kiến, nói pháp vô úy.
Đại đức Xá Lợi Tử cùng người nam, người nữ tốt kia được thọ ký Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, Đại Bồ Đề.
Cụ thọ Xá Lợi Tử và tám bộ chúng Trời, Rồng, Dược Xoa, Càn Thát Bà, A Tu La, Ca Lâu La, Khẩn Na La, Ma Hầu La Dà, người và chẳng phải người, nghe Bồ Tát Từ Thị giảng nói xong Kinh ấy, tâm rất hân hoan, vô cùng tùy hỷ, rời chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ nơi chân Bồ Tát Từ Thị, hoan hỷ làm theo.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh đại Trang Nghiêm Pháp Môn - Phần Sáu
Phật Thuyết Kinh Tứ Thập Nhị Chương - Chương Mười Bảy - ánh Sáng đến, Bóng Tối Tan
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Bát
Phật Thuyết Kinh Văn Thù Sư Lợi Phật độ Nghiêm Tịnh - Phần Bốn
Phật Thuyết Kinh đại Phương Tiện Phật Báo ân - Phẩm Một - Phẩm Tựa
Phật Thuyết Kinh Chánh Pháp Niệm Xứ - Phẩm Sáu - Phẩm Quán Thiên Dạ Ma Thiên - Tập Năm Mươi Năm
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Tài Lợi
Phật Thuyết Kinh Niệm Tụng được Lược Ra Trong Kim Cương đỉnh Du Già - Phần Một