Phật Thuyết Kinh Chánh Pháp Niệm Xứ - Phẩm Hai - Phẩm Sinh Tử - Tập Sáu

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Bát Nhã Lưu Chi, Đời Nguyên Ngụy

PHẬT THUYẾT

KINH CHÁNH PHÁP NIỆM XỨ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Bát Nhã Lưu Chi, Đời Nguyên Ngụy  

PHẨM HAI

PHẨM SINH TỬ  

TẬP SÁU  

Lại nữa, người tu hành trong tâm tư duy, tùy thuận với chánh pháp, quan sát sự hoạt động của các pháp.

Làm sao Tỳ Kheo kia đạt được địa thứ năm?

Người kia thấy, nghe, biết, hoặc thấy bằng thiên nhãn: Người ấy quán mười sắc nhập.

Mười sắc nhập là nhãn nhập, sắc nhập, nhĩ nhập, thanh nhập, tỷ nhập, hương nhập, thiệt nhập, vị nhập, thân nhập, xúc nhập.

Quán xét mười sắc nhập này như thế nào?

Do nhân duyên của nhãn nhập, do nhân duyên của sắc nhập mà ta sinh tưởng ấy.

Người kia quán như vậy: Do nhân duyên của nhãn, nhân duyên của sắc mà sinh ra nhãn thức. Do ba sự hòa hợp mà sinh xúc, xúc cùng với thọ tưởng tư cùng sinh.

Nếu Tỳ Kheo kia khi thọ biết thọ, khi tư biết tư, khi tưởng biết tưởng: Như sắc này dài, sắc này ngắn, sắc này đáng ưa thích, sắc này không đáng ưa thích, sắc này đáng nhìn, sắc này không đáng nhìn, sắc này hữu đối, sắc này vô đối cho đến như vậy.

Ý ấy gọi là sắc, có mười một thứ, phân biệt như vậy: Do ba sự hòa hợp sinh súc, xúc cùng với thọ tưởng tư cùng sinh. Biết nhãn xúc kia sinh ra thọ, tưởng, tư.

Nghĩa đó như thế nào?

Giác tri gọi là thọ, thọ biết về thời tiết, đó là nghĩa của tưởng gọi là ý chuyển. Như vậy các pháp sinh ra đều có mỗi tướng riêng biệt, có mỗi thể riêng biệt, nghĩa khác của nó là mười pháp đại địa.

Như vậy dị tướng là tướng riêng biệt của mỗi pháp: Niệm, tuệ, giải thoát, thọ, tưởng, tư, xúc, nhằm đạt đến Tam Muội. Như thế một duyên dựa thì có tướng riêng biệt. Thế thì tướng của thọ, tướng của tưởng, có khác chứ không phải một.

Ví như ánh sáng mặt trời, khi duyên với một thể khác thì thọ của tự thể có khác, tư của tự thể có khác. Biết rõ nhãn xúc sinh thọ, tưởng, tư rồi, người kia quan sát đúng đắn mắt là không, chẳng phải là vật, không bền vững. Tỳ Kheo như thế là nhận thức thật đúng về mắt, biết rõ về đạo, xa lìa tà kiến, chánh kiến được hiện tiền.

Người kia xả cả sự ngu si, ô trược. Tưởng của mắt bất tịnh, tưởng không chân thật, quán kỹ về mắt này chỉ là cục thịt, do các vật bất tịnh là máu, mỡ, nước mắt, hợp lại mà có. Biết như vậy rồi, thì có thể đoạn trừ được dục.

Người kia biết mắt này là vô thường nên thấy tất cả đều vô thường. Người kia biết mắt này chỉ là cục thịt dính trong xương mà thôi, nên tâm lìa được dục. Lại biết mắt này do các gân bao phủ. Biết nhãn nhập này tự, tha trái nhau, tất cả đều không tương ưng, tất đều không bền vững, đều vô ngã.

Tóm lại, nhãn chỉ là vật gây đau khổ. Quán được như vậy thì lìa được dục thuộc nhãn nhập. Đã quán nhãn nhập và biết rõ như thế nào rồi tuần tự quán về sắc.

Về sắc thì có ưa thích và không ưa thích, là pháp vô ký vì phân biệt không đúng.

Sắc này có gì là bền chắc, có gì là tịnh, có gì là thường?

Có gì là ngã?

Có gì là lạc?

Quán sắc như vậy, tư duy rồi biết tất cả sắc đều không bền chắc, chỉ có phân biệt mà có sắc này ưa thích và không ưa thích. Ưa thích, không ưa thích ấy không có tự thể, chỉ do phân biệt thâu lấy chỗ yêu ghét của thế gian rồi nhớ nghĩ lại chỗ yêu ghét ấy. Tỳ Kheo kia đã quán sắc nhập của nhãn mắt rồi, lại quán tiếp về thanh nhập của nhĩ tai.

Người kia quan sát thanh do đâu mà sinh?

Căn trần đối nhau mà sinh ra thanh ấy. Người kia quán như vậy: Do nhân duyên của nhĩ và nhân duyên của niệm mà sinh ra nhĩ thức, do ba sự hòa hợp sinh xúc, xúc cùng với thọ, tưởng, tư cùng sinh. Biết được xúc này cùng sinh với thọ, tưởng, tư. Nếu biết xúc này cùng với tư sinh thì giác tri được tư tưởng. Đó là tướng dài.

Do các nhân duyên như xa… khi nghe được âm thanh ấy thì làm tăng thêm nghiệp vi tế ưa thích hoặc không ưa thích. Tỳ Kheo kia biết về thanh như vậy, biết tư, biết tưởng và suy xét từng phần do ý thức mà biết được, do tư biết, do thọ biết, nhớ nghĩ tư duy. Thanh nhập của nhĩ kia do tư duy mà chọn lựa.

Sau đó giác tri rằng thanh không có tự thể. Ưa thích hay không ưa thích là do phân biệt mà thanh này có. Như vậy thanh không có tự thể, không thường còn, không phải một vật, bị hủy hoại, không bền vững, không vui thích, không phải là ta và không phải là của ta, chỉ do âm thanh ưa thích hay không ưa thích của tham, sân, si.

Quán xét đúng về thanh nhập của nhĩ như vậy rồi, thì khi nghe âm thanh không bị mê hoặc, không sinh hỷ lạc, không chấp giữ, không đắm nhiễm, không cho là lâu bền. Quán xét về thanh nhập của nhĩ như vậy rồi nên không ưa thích nhĩ thức, lìa bỏ dục của nhĩ thức. Nhĩ thức không phải ta, ta không phải nhĩ thức. Xúc, thọ, tưởng, tư cũng đều như vậy.

Tỳ Kheo kia lại quán hương nhập của tỷ mũi. Do nhân duyên của tỷ, nhân duyên của hương, nhân duyên của niệm mà sinh ra tỷ thức hoặc gần hoặc xa, ưa thích hoặc không ưa thích, thơm hoặc hôi, do gió thổi hòa hợp lại, nhờ gió mà nghe mùi.

Tỷ là nội nhập, hương là ngoại nhập, do ba sự hòa hợp mà sinh xúc, xúc cùng với thọ, tưởng, tư cùng sinh. Biết tướng của nó rồi, quan sát tướng của hương nhập nơi tỷ, biết tướng của nội xúc thì biết tướng của xúc, tướng của tư đều bình đẳng. Đối với pháp này duyên dựa vào một tướng nhờ vào nhân duyên khác.

Khác đó nghĩa là mỗi pháp có mỗi tướng khác nhau, mỗi pháp có mỗi thể khác nhau. Tướng khác do như đã nói ở trong mười pháp đại địa. Như vậy tất cả các pháp đều có mỗi tướng riêng biệt, không phải là một tướng, một nhân duyên mà tạo ra được.

Tỳ Kheo kia biết rõ về hương nhập của tỷ như vậy, biết rõ tìm hiểu kỹ thì vật này có gì lâu bền?

Vật này có gì là thường còn?

Có vật nào không bị hư hoại?

Nhập này là vô thường, khổ, không, vô ngã. Người kia biết hương nhập của tỷ đều không phải là ta, không phải là của ta.

Chánh tri như vậy: Do phân biệt mà có hương nhập của tỷ, nó là sợi dây trói buộc những chúng sinh ngu si, không phải là người có trí tuệ. Tỳ Kheo quán xét về một loại như vậy.

Lại nữa, Tỳ Kheo quán vị nhập của thiệt lưỡi. Do các duyên như niệm… mà sinh thiệt thức. Do ba sự hòa hợp sinh xúc, xúc cùng với thọ, tưởng, tư cùng sinh. Nó tùy thuận cảm giác gọi là tưởng của thọ, tri là tướng của tưởng, đối là tướng của xúc, tưởng là tướng của tư.

Tưởng lại duyên dựa với tướng, nhưng pháp đó mỗi mỗi đều có tướng riêng của nó, lại tướng bình đẳng chỉ do các nhân duyên khác nhau tạo thành, tất cả nhân duyên ấy cộng lại thành một việc. Giống như có ống bễ, kềm, bột, nước, vò và người thợ vàng mà làm ra chiếc nhẫn hoặc chiếc xuyến. Như vậy pháp không do một tướng mà thành. Vị nhập của thiệt này cũng như vậy.

Lại nữa, Tỳ Kheo kia quán kỹ về thiệt nhập cùng với vị nhập. Quán như vậy rồi thì biết vị nhập của thiệt kia không thiếu một pháp nào. Thường, lạc, ngã, tịnh, tất cả pháp đó, tư duy một cách vi tế thì không phải do một pháp, một tướng nào tương ưng cả.

Nên người kia xa lìa nhiễm về thiệt nhập, vị nhập. Còn tất cả chúng sinh đều chìm đắm trong biển ấy, biển vị hỷ lạc làm chướng ngại lẫn nhau, cho nên chúng sinh bị trói buộc trong biển lớn của năm đường thiên, nhân, địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh.

Tỳ Kheo kia đối với vị nhập của thiệt mà lìa dục và được giải thoát. Thiệt nhập không phải là ta, ta không phải thiệt nhập. Nó là vô thường, chẳng phải là vật độc lập, cũng chẳng phải không động, chẳng phải là không bị hủy hoại, chẳng phải là vị nhập của thiệt. Tỳ Kheo kia như thế là lìa được nhiễm dục.

Lại nữa, Tỳ Kheo kia quán xúc nhập của thân. Do nhân duyên thân, nhân duyên xúc mà sinh thân thức. Do sự hòa hợp mà sinh xúc, xúc cùng với thọ, tưởng, tư cùng sinh. Như trước đã nói về nhập của nhãn căn, thì xúc nhập của thân này cũng nên biết như vậy.

Lại nữa, người tu hành trong tâm tư duy, tùy thuận với chánh pháp, quan sát sự hoạt động của các pháp.

Tỳ Kheo kia đã quan sát về mười sắc nhập rồi, làm sao quán pháp nhập?

Người kia thấy, nghe, biết, hoặc thấy bằng thiên nhãn: Thấy trong pháp nhập kia bao gồm ba loại pháp. Đó là diệt, do các duyên, diệt không do các duyên và pháp hư không. Vô vi pháp cũng thuộc vào pháp nhập. Quan sát như vậy thì pháp hư không kia cũng là pháp nhập.

Diệt do các duyên pháp này gọi là trí, vô lượng vô số pháp đều đã chứng đắc. Thuận hành với các duyên với sự chứng đắc đó để đoạn trừ các phiền não, làm cho phiền não kia diệt tận, đều bị hủy hoại. Tất cả pháp vô lậu chẳng phải là các duyên. Chúng không do các duyên nên gọi là trí, chứ chẳng phải thọ, chẳng phải tri, chẳng phải là giác, cũng chẳng phải là nghi.

Thức của người khác có trong trăm ngàn đời, tất cả đều không có các thức của nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý, chúng đã bị hủy hoại rồi không còn sinh lại nữa. Như vậy gọi là diệt không do các duyên, không phải do các duyên ấy là hư không thứ ba. Biết ba pháp này không sinh là thường, chẳng phải thuộc về ba đời. Nó không phải là đang sinh, không phải là đã sinh và cũng chẳng phải là sắp sinh.

Lại nữa, Tỳ Kheo kia đối với hai loại pháp nhập, phân biệt từng loại là sắc hay vô sắc. Sắc là mười sắc nhập.

Thế nào là nhãn thức phi kiến, phi đối, kiến, đối thấy sắc?

Như vậy, nhĩ thức, phi kiến, phi đối làm sao giữ lấy âm thanh?

Như vậy, tỷ thức, phi kiến, phi đối làm sao giữ lấy mùi hương?

Như vậy, thiệt thức, phi kiến, phi đối làm sao giữ lấy mùi vị?

Như vậy, thân thức, phi kiến, phi đối làm sao giữ lấy sự tiếp xúc?

Năm nhập bên ngoài kia, năm nhập bên trong này, phi kiến, phi đối mà cùng với kiến, đối làm sao hợp nhau?

Tỳ Kheo kia quan sát như vậy: Khi nhãn thức sinh có hai loại duyên dựa ấy, cho đến ý thức đều có hai loại. Như vậy, thức sinh giống như con dấu in trên vật, vật không giống ấn. Ấn mềm mà vật cứng thì không thể in được. Ấn cứng vật mềm thì mới in ra chữ.

Như vậy, thức không có kiến, đối, nó duyên lấy kiến, đối của tất cả các pháp, nếu in lần thứ ba thì vật không giống nhau, hiện ra không giống nhau các pháp cũng vậy, các vật không giống nhau, sinh ra không giống nhau.

Đạt đến chỗ thứ nhất, đạt đến chỗ thứ hai thì hai pháp này giống nhau, hiện sinh trở lại giống nhau. Nghĩa là chỉ trắng thì may thành áo trắng. Đạt đến chỗ thứ ba thì không tương ưng với hai loại đầu nên sinh không tương ưng. Giống như bó đuốc đang cháy, do lửa và cây mà tạo nên nhưng thấy chúng không tương ưng.

Đạt đến chỗ thứ tư, thấy từ vật lỏng mà sinh vật đặc. Giống như sữa sinh ra sữa chua. Sữa thì lỏng mà sữa chua lại đặc. Pháp kia như vậy là không tương ưng. Như vậy như vậy, pháp không tương tự tức như nhãn thức… các thức do nhân riêng, duyên riêng mà sinh ra nhãn thức…

Bấy giờ, Đức Thế Tôn nói kệ:

Ai thích giác tri pháp

Mà hành thiền trong rừng

Chánh giác biết rõ tướng

Đạt đến chốn vô thượng.

Thường thích hành từ bi

Siêng năng nơi cõi pháp

Biết rõ tướng của thân

Gọi là chân Tỳ Kheo.

Ai chánh ý quan sát

Không bị dục, sân phá

Người đó là Tỳ Kheo

Ngược lại thì không phải.

Ai thương xót chúng sinh

Xả bỏ những tham luyến

Gỡ bỏ các dây trói

Gọi là chân Tỳ Kheo.

Ai điều phục được tâm

Cảnh giới không hủy hoại

Tinh khiết như vàng ròng

Là Tỳ Kheo biết đủ.

Ai với yêu hay ghét

Không làm bẩn tâm ý

Nên biết làm thiện kia

Xả ly tất cả lỗi.

Oai nghi không bị chê

Theo pháp điều phục căn

Ý dũng mãnh thanh tịnh

Như thế là Tỳ Kheo.

Ai luôn luôn hỷ lạc

Biết nghĩa trong Kinh Luận

Không đắm nhiễm ăn uống

Là Tỳ Kheo tịch tĩnh.

Sống trong rừng thanh vắng

Gò mả, cỏ làm tòa

Cho đó là an vui

Như vậy là Tỳ Kheo.

Biết rõ lỗi nghiệp tội

Đạt thấu các quả nghiệp

Biết rõ nhân và duyên

Là Tỳ Kheo lìa ác.

Phá đồng trống sinh tử

Diệt ác, điều phục căn

Gần gũi bạn tri thức

Là Tỳ Kheo tịch tĩnh.

Được khen, lòng không mừng

Bị chê, tâm không buồn

Sâu xa như biển cả

Là Tỳ Kheo tu hành.

Ý vững, giấu lỗi người

Không ưa lời trau chuốt

Nói năng khéo cung kính

Là Tỳ Kheo tịch tĩnh.

Biết nhân nghiệp Dục Giới

Lại biết nhân Sắc Giới

Biết cả nhân vô sắc

Là Tỳ Kheo thông luận.

Không thích lời thế tục

Thích đoạn trừ các lỗi

Thấy cảnh giới như độc

Phật nói là Tỳ Kheo.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần