Phật Thuyết Kinh Tuệ Thượng Bồ Tát Vấn đại Thiện Quyền - Phần Một

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:04 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn

PHẬT THUYẾT

KINH TUỆ THƯỢNG BỒ TÁT

VẤN ĐẠI THIỆN QUYỀN

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn  

PHẦN MỘT  

Nghe như vậy!

Một thời, Đức Phật du hóa tại khu vườn rừng Kỳ Đà Cấp Cô Độc thuộc nước Xá Vệ, cùng với chúng Đại Tỳ Kheo gồm tám ngàn vị, đều là các bậc đại đệ tử, học giới đầy đủ, chúng Đại Bồ Tát gồm một vạn hai ngàn vị, hết thảy đều thông đạt Thánh Đạo, chứng đắc các pháp Tổng trì, biện tài vô ngại, pháp nhẫn bất khởi vô sinh công đức vô hạn, thấu rõ các căn nơi mọi chúng sinh, theo bệnh cho thuốc, gầm lên tiếng gầm của sư tử, cứu độ muôn loài khắp mười phương.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn ra khỏi thiền định, chỉ trong chốc lát, đã được vô số chúng quyến thuộc vây quanh, vì họ mà thuyết giảng Kinh.

Lúc này, trong chúng hội có vị Bồ Tát tên là Tuệ Thượng, từ tòa ngồi đứng dậy, sửa lại y phục, quỳ dài, chấp tay hướng về Phật, thưa: Con có điều muốn thưa hỏi. Xin Như Lai chấp thuận thì con mới dám nêu bày.

Đức Phật bảo: Ông cứ việc thưa hỏi. Như Lai sẽ vì ông mà giải thích, mở bày những chỗ còn vướng mắc, nghi ngờ.

Bồ Tát Tuệ Thượng thưa: Bạch Thế Tôn! Phương tiện thiện xảo là nghĩa như thế nào?

Đức Phật bảo Bồ Tát Tuệ Thượng: Lành thay! Lành thay! Này Thiện Nam! Ông vốn luôn thương xót, nhớ nghĩ, tạo sự an ổn cho hàng trời, người cùng các loài, khuyến hóa dẫn dắt họ, cả nơi đời vị lai ra khỏi ba đường dữ, xiển dương pháp Phật đạt được trí tuệ vi diệu nên mới thưa hỏi về phương tiện thiện xảo của bậc Khai Sĩ Bồ Tát. Ông hãy lắng nghe và khéo suy nghĩ. Như Lai sẽ vì ông mà nêu giải rõ về chỗ cốt yếu.

Bồ Tát Tuệ Thượng cùng với chúng hội vâng theo lời Phật, chăm chú lắng nghe.

Phật dạy: Này Thiện Nam! Phương tiện thiện xảo nơi Bồ Tát là dùng một ít thức ăn, tùy theo hoàn cảnh thuận hợp mà bố thí rộng khắp, khuyến hóa muôn loài, nhất là hạng thấp kém, hạng bị đọa vào nẻo súc sanh, khiến cho hai loại ấy thảy đều hướng về gốc công đức, phat khởi các trí tuệ thông tỏ, tâm ý hiểu rõ đầy đủ về trí tuệ Phật. Đó gọi là phương tiện thiện xảo của Bồ Tát.

Lại nữa, này Thiện Nam! Phương tiện thiện xảo của Bồ Tát, như người phát huy công đức, khuyến khích, tán thán, tùy hỷ, đem chỗ gốc thiện ấy ban cho khắp chúng sinh, dùng tâm giác ngộ của mình tùy thuận nơi tâm của hết thảy các loài mà không bị cấu nhiễm, đọa lạc. Giảng giải giáo pháp, thành tựu cho các người tu theo thừa Thanh Văn, Duyên Giác, khiến đạt được trí tuệ thông tỏ. Đó gọi là Bồ Tát hành trì phương tiện thiện xảo.

Lại nữa, này Thiện Nam! Bồ Tát hành hóa theo phương tiện thiện xảo, như nơi các thứ cây khắp mười phương, hoa nở rộ, rực rỡ, hương thơm ngào ngạt, ai cũng thích, quý, nhưng không có chủ, tên gọi.

Bồ Tát cung kính, chọn lấy các thứ hoa kia, tập hợp lại để dâng lên, tung rải cúng dường Phật, nguyện đem gốc công đức ấy ban cho muôn người khiến đạt được các trí tuệ thông tỏ, gồm đủ ánh sáng của đạo pháp, thành tựu vô lượng các loại giới, định, tuệ, giải thoát, giải thoát tri kiến. Đó là phương tiện thiện xảo của Bồ Tát.

Lại nữa, này Thiện Nam! Bồ Tát hành trì phương tiện thiện xảo là luôn thương xót, quán xét về muôn loài, đem lại sự an ổn, vui vẻ thọ nhận thay cho họ mọi khổ hoạn. Dùng nhân duyên của trí tuệ thấu đạt làm phương tiện để tạo lập gốc công đức, ban cho khắp các loài.

Vì chúng sinh nơi mười phương Thế Giới, nguyện mặc áo giáp công đức, đối với các chúng sinh gặp phải những sự não hại, liền cứu giúp, thâu giữ, thọ nhận thay họ mọi tội lỗi. Khuyến hóa theo trí tuệ thong tỏ, đạt được an lạc lớn. Đó là phương tiện thiện xảo của Bồ Tát.

Lại nữa, này Thiện Nam! Bồ Tát thực hành phương tiện thiện xảo, cúng dường một Đức Như Lai, quán xét Pháp Thân của Chư Phật là bình đẳng, các phần giới, định, tuệ, giải thoát, giải thoát tri kiến cũng lại như vậy. Nên biết cúng dường một Đức Như Lai ấy tức là cúng dường Chư Phật trong mười phương. Phước đức của sự cúng dường mà Bồ Tát có được, đều đem ban cho, cứu giúp chúng sinh. Đó là phương tiện thiện xảo của Bồ Tát.

Lại nữa, này Thiện Nam! Phương tiện thiện xảo nơi Bồ Tát là dám thọ sinh vào mọi chốn, nơi trụ xứ không chấp về ngã, ngã sở, chưa từng tự xem thường việc giáo hóa, như khiến người đọc tụng bốn câu kệ quán xét về ý nghĩa, tâm không sợ hãi, nêu bày, làm sáng tỏ, không nghĩ tới chuyện lợi dưỡng, làm tăng trưởng cảnh giới của Chư Phật.

Nếu đi vào xóm làng, thành ấp nơi các cõi nước để giáo hóa thì luôn hiển bày tâm đại bi, vui vẻ thuyết giảng Kinh Pháp, nguyện cho những người chỉ nghe và đọc tụng bốn câu kệ do mình giảng giải, đều thành tựu biện tài vô ngại của Chư Phật. Đó là phương tiện thien xảo của Bồ Tát.

Lại nữa, này Thiện Nam! Bồ Tát hành xử phương tiện thiện xảo, giả như sinh vào nơi nghèo khổ, thiếu thốn, phải đi hành khất, cầu xin miếng ăn nhưng không có tâm hèn kém, luôn kính phụng các Bậc Hiền Thánh.

Hoặc nếu chỉ ban ân cho riêng một người, thì nên tư duy, xem xét: Như Lai có dạy về việc bố thí rộng khắp. Ta nay bố thí như vậy thì chỗ tinh tấn còn quá ít ỏi. Phải tạo lập, phát tâm vô lượng nhằm đạt được trí tuệ thông tỏ.

Phát huy phần gốc nơi công đức ấy, để khuyến hóa chúng sinh, dốc chứng đắc đạo quả giác ngộ như Đức Như Lai Chí Chân Đẳng Chánh Giác. Đem ánh sáng của trí tuệ vi diệu đó soi sáng, cứu giúp, khiến mọi người giữ giới, học đạo, tôn kính công đức, để cùng thành tựu trọn vẹn. Đó là phương tiện thiện xảo của Bồ Tát.

Lại nữa, này Thiện Nam! Bồ Tát hành hóa theo phương tiện thiện xảo, luôn cùng với các hàng Thanh Văn, Duyên Giác du hóa, nhưng tâm không cùng quy về.

Thấy người cúng dường hàng Nhị Thừa, tâm không coi trọng, nên phát khởi hai niệm: Một là theo tâm Bồ Tát để thành tựu đạo quả Phật Đà.

Hai là, hai thừa Thanh Văn, Duyên Giác đều nhân nơi pháp Phật mà phát sinh.

Tạo được sự quán xét ấy rồi, thì đối với các sự cúng dường kia chưa phải là vô thượng. Chỗ tu học của ta, nơi ba phẩm, mới là tối thắng. Quán xét về chỗ không thích hợp thì chớ nên tham, ưa. Đó là phương tiện thiện xảo của Bồ Tát.

Lại nữa, này Thiện Nam! Bồ Tát sử dụng phương tiện thiện xảo, thì hành trì một pháp bố thí tức gồm đủ sáu pháp độ vô cực.

Những gì là sáu pháp Ba La Mật?

Bồ Tát hành phương tiện thiện xảo, thấy kẻ hành khất nghèo khổ thì bố thí đầy đủ, không có tâm tham lam, tiếc lẫn. Đấy là bố thí Ba La Mật. Thân tự giữ gìn giới cấm, phụng kính người trì giới. Đối với những người phạm điều xấu ác thì khiến họ đứng vững nơi giới pháp, tìm kiếm điều kiện để giúp đỡ, khiến không còn hủy phạm.

Đấy là trì giới Ba La Mật. Nếu là những người giận dữ, thì nên dùng tâm từ, tâm thanh tịnh, tâm sáng tỏ, tâm thương xót v.v… để chế ngự cùng hiển bày sự bố thí. Đấy là nhẫn nhục Ba La Mật. Tùy chỗ thích hợp cúng dường đầy đủ các thức ăn uống.

Các hành nơi thân, khẩu, ý luôn bình đẳng như hư không. Đấy là tinh tấn Ba La Mật. Nhất tâm cùng hiện bày nơi các sự việc tiến, dừng, ngủ nghỉ, các hành đều không tạp loạn. Đấy là thiền định Ba La Mật.

Bố thí như vậy rồi thì chuyên tâm suy niệm về các pháp: Ai thực hiện công việc bố thí?

Nơi nào nhận được vật bố thí?

Ai thọ nhận sự báo đáp?

Người tạo sự mong cầu thì không thể thủ đắc, không chấp nơi người bố thí, người thọ nhận, cùng sự báo ứng. Đấy là bát nhã Ba La Mật.

Này Thiện Nam! Bố thí theo phương tiện thiện xảo như vậy, tức gồm đủ sau pháp Ba La Mật.

Bồ Tát Tuệ Thượng bạch Phật: Thật là điều chưa từng có, thưa Đấng Thiên Trung Thiên! Phương tiện thiện xảo của Bồ Tát, bậc trượng phu đã bố thí đầy đủ, thâu giữ nhiều thứ pháp Phật, cứu vớt muôn loài nơi sinh tử.

Phật bảo: Đúng như lời Bồ Tát đã nói. Bố thí theo phương tiện thiện xảo, tuy tạo nhân ít, nhưng các đức thành tựu là vô lượng, không thể tính kể.

Lại nữa, này Thiện Nam! Bồ Tát hành phương tiện thiện xảo, thế nào là thoái chuyển?

Dùng phương tiện thiện xảo để thực hiện bố thí, lại thuận theo bạn xấu ác, nên bị trói buộc, tất phải mắc tội, nên tự xét nghĩ: Các ấm, nhập có được, không gì là không bị hoại diệt. Phải dứt trừ mọi khổ hoạn để đạt tới giải thoát. Ta thệ nguyện mặc áo giáp đạo đức, gắng sức phát tâm rộng khắp, tu tập nhằm đạt tới cứu cánh.

Bồ Tát Tuệ Thượng lại hỏi: Kính thưa Đấng Thiên Trung Thiên! Giả sử có người phạm phải bốn trọng tội, nhưng có sự nhớ nghĩ, rồi phát tâm Xuất Gia hành đạo Bồ Tát, thì sau đấy như thế nào?

Đức Phật bảo: Giả như đã phạm bốn giới trọng, nhưng nhờ phương tiện thiện xảo, tiêu diệt các tội, những thứ khổ hoạn đều dứt trừ.

Này Thiện Nam! Vì trong đạo Bồ Tát không có gây tạo tội lỗi.

Bồ Tát Tuệ Thượng bạch Phật: Thế nào là Bồ Tát mà có tội lỗi, tai họa?

Phat bảo: Nếu có Bồ Tát tu học, đạt được giới giải thoát, tức thọ trì hai trăm năm mươi giới cấm, ở trong trăm ngàn kiếp chỉ ăn rau quả, dù bị người hủy nhục cũng đều nhẫn chịu. Nếu có Bồ Tát nhớ nghĩ về hành của hàng Thanh Văn, Duyên Giác thì bị trói buộc nơi gốc sinh tử.

Vì sao?

Này Thiện Nam! Vì hàng Thanh Văn, Duyên Giác đã phạm vào phần gốc nơi giới cấm, không dứt trừ các ấm, nhập, chẳng được diệt độ.

Này Thiện Nam! Nếu xả bỏ hanh của hàng Bồ Tát, không tự sửa đổi theo nẻo đúng đắn, mà vẫn còn nhớ nghĩ, chí cầu Thanh Văn, Duyên Giác, nhằm đạt đến đạo quả Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, thì rốt cuộc không thể thành tựu.

Bấy giờ, Tôn Giả A Nan bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Con nhớ lại ngày trước, có lần vào thành Xá Vệ, theo thứ lớp khất thực, thấy có vị Bồ Tát tên là Trùng Thắng Vương, đang ngồi cùng giường với người nữ nơi phòng riêng của vị ấy.

Con cho rằng như thế là phạm điều cấu uế, tâm lại suy nghĩ: Vị này không còn phạm hạnh như những người khác.

Đối với giáo pháp của Như Lai, hầu như không còn tạo sự hiểu biết, nhớ nghĩ về tất cả chăng?

Ngay lúc ấy, con thấy Đức Thế Tôn được mọi người chiêm ngưỡng, đang suy nghĩ và phát ra lời tán thán, khiến cả Tam Thiên Đại Thiên Thế Giới hiện đủ sáu cách chấn động.

Lúc này, Bồ Tát Trùng Thắng Vương bèn tự vọt thân bay lên, trụ nơi không trung, cách mặt đất bốn trượng chín thước, nói với Tôn Giả A Nan: Thưa Hiền Giả! Vì sao gọi là phạm giới cấm, lại có thể vọt thân bay bổng lên hư không?

Ở trước Đức Như Lai do đâu không thưa hỏi: Thế nào là Bồ Tát phạm tội, đúng như pháp?

Tôn Giả A Nan, năm vóc gieo sát đất, tự hối cải về lỗi lầm của mình, bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Con thật là mê lầm vì đã có thiên kiến, tìm cầu khuyết điểm của bậc Đại Sĩ.

Đức Phật nói: Ông nên thận trọng, trong việc xem xét về các phương tiện của hạnh Bồ Tát nơi Đại Thừa, cho là thiếu sót. Do như Hiền Giả chí cầu thừa Thanh Văn, không nên chỉ nơi một hoặc hai người cùng tu nhiều hạnh, xem đấy rồi dấy khởi ho nghi, biếng trễ, không diệt trừ hết các lậu.

Như vậy, này Hiền Giả A Nan! Chớ xem các phương tiện quyền xảo nơi bậc Đại Sĩ là có sự thoái chuyển đối với các thứ trí tuệ thông tỏ.

Vì sao?

Vì Bồ Tát, Đại Sĩ luôn yêu mến, thâu nhận mọi tạo tác hệ thuộc, nhằm đem lại sự hưng thịnh cho Tam Bảo, không trái với pháp Phật và chúng Hiền Thánh, khiến cầu đạt được đạo quả Bồ Đề Vô Thượng.

Đức Phật lại bảo Tôn Giả A Nan: Nếu có Thiện Nam, Thiện Nữ, tâm luôn hướng đến Đại Thừa, không lìa bỏ trí tuệ thông đạt, không rơi vào năm thứ vui thú, chế ngự năm dục, quán xét về năm thông, đạt được cội gốc của Như Lai, nên biết đó là hàng Bồ Tát có thể gần gũi với người nữ để giáo hóa.

Lại nữa, này Tôn Giả A Nan! Người nữ kia, về đời quá khứ xa xưa, hàng trăm đời đã sánh đôi với Trùng Thắng Vương. Do tình nghĩa từ kiếp trước chưa dứt hết nên còn có ân nợ về sắc.

Người nữ tham luyến dung mạo của Trùng Thắng Vương nên miệng phát lời nguyện: Xin cho cùng ta chung hưởng hoan lạc. Trùng Thắng Vương tùy thuận nơi giáo pháp, để khuyến hóa mọi người phát tâm Bồ Đề.

Lúc ấy, tâm nhận biết chỗ suy nghĩ của người nữ kia, nên từ sáng sớm, y phục chỉnh tề, theo đúng giáo pháp, đi vào nhà người nữ, quán xét trong ngoài, tâm bình đẳng như đất, không chấp giữ gì cả, đồng ở một nơi như sự mong muốn, liền nói kệ:

Ngu thay! Dục dấy khởi

Chư Phật chẳng ngợi khen

Kẻ trừ được ân ái

Tu đạt quả vị Phật.

Lúc này, người nữ nghe kệ, tâm rất hoan hỷ, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, năm vóc gieo sát đất, quy mạng, tự trách về tội lỗi của mình, sám hối, nói kệ tán thán Trùng Thắng Vương:

Con đã lìa các dục

Được Thế Tôn tán thán

Người dứt bỏ ân ái

Nguyện thành đạo vô thượng

Mọi suy tưởng tâm trước

Nay cúi đầu sám hối

Thương xót đến muôn loài

Xin phát tâm Bồ Đề.

Bấy giờ, Bồ Tát Trùng Thắng Vương tùy thuận chỗ mong muốn để giáo hóa người nữ kia, khiến phát tâm Bồ Đề cầu đạo quả Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác, bèn từ tòa ngồi đứng dậy, ra khỏi ngôi nhà ấy.

Đức Phật nói với Tôn Giả A Nan: Tôn Giả nên quán xét tâm của người nữ ấy đã giữ vững sự thanh tịnh.

Nay Như Lai thọ ký cho người nữ kia được chuyển thân nữ, sau chín mươi chín kiếp sẽ được thành Phật, hiệu là Ly Vô Số Bách Thiên Sở Thọ, gồm đủ mười tôn hiệu: Như Lai, Chí Chân, Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Túc, Vi Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Đạo Pháp Ngự, Thiên Nhân Sư, Phật Chúng Hựu.

Do vậy, này Hiền Giả! Quán xét về hạnh của Bồ Tát phải thấy rõ nẻo hành hóa là không thiếu sót, không rơi vào tội lỗi.

Bồ Tát Trùng Thắng Vương từ nơi không trung đi xuống, cung kính đảnh lễ nơi chân Phật, thưa: Bạch Thế Tôn! Bồ Tát hành trì phương tiện thiện xảo phải đứng vững nơi tâm đại bi. Hoặc khuyến hóa, dẫn dắt dù là một người, cũng đều dùng pháp căn bản thuận theo chỗ thọ sinh, liền đạt được sự tin tưởng nơi phương tiện thiện xảo.

Nếu chúng sinh bị đọa nơi đại địa ngục hàng trăm kiếp, gặp phải bao thống khổ, tai họa, Bồ Tát phải nhẫn chịu thay cho họ, dù chỉ hóa độ một người, cũng khiến họ đứng vào gốc công đức, chứ không được trốn tránh việc khó khăn ấy.

Đức Thế Tôn tán thán: Lành thay! Lành thay! Đích thực là bậc Đại Sĩ thông đạt. Đó là hạnh đại bi của Bồ Tát, vượt khỏi mọi thứ thọ nhận.

Đức Phật dạy: Này Thiện Nam! Ta nhớ lại nơi đời quá khứ, vô số kiếp về trước, thời ấy có một Học Sĩ tên la Diệm Quang, ở nơi rừng núi vắng vẻ hành nguyện an lành, trải qua bốn trăm hai mươi vạn năm tu tập phạm hạnh.

Hết thời gian ấy thì đi vào nước Sa Kiệt, đến một gia đình làm đồ gốm. Người con gái của nhà này thấy vị Học Sĩ kia dung mạo tuấn tú, uy nghiêm rất xuất chúng, nên tâm dục phát khởi mạnh mẽ, liền tự tìm gặp, bày tỏ sự mến mộ.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần