Phật Thuyết Kinh Tương ưng Bộ - Tập Hai - Thiên Nhân Duyên - Chương Một - Tương ưng Nhân Duyên - Phẩm Kalara Vị Sát đế Lỵ - Phần Hai - Kalàra
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư An Thế Cao, Đời Hậu Hán
PHẬT THUYẾT
KINH TƯƠNG ƯNG BỘ
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
An Thế Cao, Đời Hậu Hán
TẬP HAI
THIÊN NHÂN DUYÊN
CHƯƠNG MỘT
TƯƠNG ƯNG NHÂN DUYÊN
PHẨM KALÀRA VỊ SÁT ĐẾ LỴ
PHẦN HAI
KALÀRA
Trú ở Sàvatthi!
Rồi Tỳ Kheo Kalàra Khattiya dòng Sát Đế Lỵ đi đến Tôn Giả Sàriputta. Sau khi đến, nói lên với Tôn Giả Sàriputta những lời chào đón hỏi thăm. Sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu, liền ngồi xuống một bên.
Ngồi xuống một bên, Tỳ Kheo Kalàra Khattiya nói với Tôn Giả Sàriputta: Này Hiền Giả Sàriputta, Tỳ Kheo Moliyaphagguna đã từ bỏ học tập và hoàn tục.
Vậy vị Tôn Giả ấy, không tìm được sự an ủi trong pháp và Luật này?
Vậy Tôn Giả Sàriputta đã đạt được sự an ủi trong pháp và Luật này?
Này Hiền Giả, tôi không có nghi ngờ gì!
Này Hiền Giả, còn đối với tương lai?
Tôi không có băn khoăn, này Hiền Giả. Rồi Tỳ Kheo Kalàra Khattiya từ chỗ ngồi đứng dậy, đi đến Thế Tôn. Sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên.
Ngồi xuống một bên, Tỳ Kheo Kalàra Khattiya bạch Thế Tôn:
Con được biết, bạch Thế Tôn, Tôn Giả Sàriputta tuyên bố được chánh trí như sau: Sanh đã tận. Phạm hạnh đã thành, những việc nên làm đã làm. Không còn trở lại trạng thái này nữa.
Rồi Thế Tôn gọi một Tỳ Kheo:
Này Tỳ Kheo, hãy đi và nhân danh ta, gọi Sàriputta: Hiền Giả Sàriputta, bậc Ðạo Sư gọi Hiền Giả.
Thưa vâng, bạch Thế Tôn!
Tỳ Kheo ấy vâng đáp Thế Tôn, đi đến Tôn Giả Sàriputta.
Sau khi đến, nói với Tôn Giả Sàriputta: Bậc Ðạo Sư cho gọi Hiền Giả.
Thưa vâng, Hiền Giả!
Tôn Giả Sàriputta vâng đáp Tỳ Kheo ấy, đi đến Thế Tôn.
Sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên.
Thế Tôn nói với Tôn Giả Sàriputta đang ngồi một bên:
Này Sàriputta, có đúng sự thật chăng là ông có tuyên bố đã chứng được chánh trí: Sanh đã tận, phạm hạnh đã thành, những gì nên làm đã làm, không còn trở lui trạng thái này nữa?
Bạch Thế Tôn, không phải với những câu ấy, với những chữ ấy, ý nghĩa ấy được con nói đến như vậy. Vậy với pháp môn nào, này Sàriputta, thiện nam tử nói đến sự chứng đắc trí, lời tuyên bố cần phải được xem đúng như lời tuyên bố.
Bạch Thế Tôn, chính con đã nói như sau: Bạch Thế Tôn, không phải với những câu ấy, với những chữ ấy, ý nghĩa ấy được con nói đến như vậy.
Nếu họ có hỏi ông, này Sàriputta:
Ông biết như thế nào, này Sàriputta, ông thấy như thế nào mà ông tuyên bố trí đã được chứng đắc: Ta biết sanh đã tận, phạm hạnh đã thành, những gì nên làm đã làm, không còn trở lui lại trạng thái này nữa?
Ðược hỏi vậy, này Sàriputta, ông trả lời như thế nào?
Nếu họ có hỏi con, bạch Thế Tôn:
Hiền Giả biết như thế nào, này Hiền Giả Sàriputta, Hiền Giả thấy như thế nào mà tuyên bố trí đã được chứng đắc: Ta đã biết, sanh đã tận, phạm hạnh đã thành, những gì nên làm đã làm, không còn trở lại trạng thái này nữa?
Ðược hỏi vậy, bạch Thế Tôn, con trả lời như sau: Vì rằng này Hiền Giả, trong danh từ tận diệt, ta hiểu được là sự tận diệt của nhân, chính do nhân ấy sanh sanh khởi.
Sau khi hiểu được nghĩa tận diệt trong danh từ tận diệt, ta mới biết: Sanh đã tận, phạm hạnh đã thành, những gì nên làm đã làm, không còn trở lui trạng thái này nữa. Ðược hỏi như vậy, bạch Thế Tôn, con trả lời như vậy.
Này Sàriputta, nếu ông được hỏi: Này Hiền Giả Sàriputta, sanh lấy gì làm nhân, lấy gì tập khởi, lấy gì tác sanh, lấy gì làm hiện hữu?
Ðược hỏi như vậy, này Sàriputta, ông trả lời như thế nào?
Bạch Thế Tôn, nếu con được hỏi: Này Hiền Giả Sàriputta, sanh lấy gì làm nhân, như trên, lấy gì làm hiện hữu?
Ðược hỏi vậy, bạch Thế Tôn, con trả lời như sau: Sanh lấy hữu làm nhân, lấy hữu tập khởi, lấy hữu tác sanh, lấy hữu làm hiện hữu. Ðược hỏi vậy, bạch Thế Tôn, con trả lời như vậy.
Này Sàriputta, nếu ông được hỏi: Này Hiền Giả Sàriputta, hữu lấy gì làm nhân, lấy gì tập khởi, lấy gì tác sanh, lấy gì làm hiện hữu?
Ðược hỏi vậy này Sàriputta, ông trả lời như thế nào?
Bạch Thế Tôn, nếu con được hỏi: Này Hiền Giả Sàriputta, hữu lấy gì làm nhân, lấy gì làm hiện hữu?
Ðược hỏi vậy, bạch Thế Tôn, con trả lời như sau: Hữu lấy thủ làm nhân, lấy thủ tập khởi, lấy thủ tác sanh, lấy thủ làm hiện hữu. Ðược hỏi vậy, bạch Thế Tôn, con trả lời như vậy.
Này Sàriputta, nếu ông được hỏi: Này Hiền Giả Sàriputta, thủ lấy gì làm nhân, như trên.
Và này Sàriputta, nếu ông được hỏi: Này Hiền Giả Sàriputta, ái lấy gì làm nhân, lấy gì tập khởi, lấy gì tác sanh, lấy gì làm hiện hữu?
Ðược hỏi vậy, này Sàriputta, ông trả lời như thế nào?
Bạch Thế Tôn, nếu con được hỏi: Này Hiền Giả Sàriputta, ái lấy gì làm nhân, lấy gì tập khởi, lấy gì tác sanh, lấy gì hiện hữu?
Ðược hỏi vậy, bạch Thế Tôn, con sẽ trả lời như sau: Này Hiền Giả, ái lấy thọ làm nhân, lấy thọ tập khởi, lấy thọ tác sanh, lấy thọ làm hiện hữu. Ðược hỏi vậy, bạch Thế Tôn, con trả lời như vậy.
Này Sàriputta, nếu ông được hỏi: Làm sao, này Hiền Giả Sàriputta, Hiền Giả biết như thế nào, Hiền Giả thấy như thế nào, cảm thọ diệu lạc ấy không tồn tại?
Ðược hỏi vậy, này Sàriputta, ông trả lời như thế nào?
Bạch Thế Tôn, nếu con được hỏi: Này Hiền Giả Sàriputta, Hiền Giả biết như thế nào, Hiền Giả thấy như thế nào, cảm thọ diệu lạc không tồn tại?
Ðược hỏi vậy, bạch Thế Tôn, con trả lời như sau: Này Hiền Giả, có ba cảm thọ này.
Thế nào là ba?
Lạc thọ, khổ thọ, phi khổ phi lạc thọ. Này Hiền Giả, ba cảm thọ này vô thường, khi biết được cái gì vô thường là khổ, thời cảm thọ diệu lạc ấy không tồn tại. Ðược hỏi vậy, bạch Thế Tôn, con trả lời như vậy.
Lành thay, lành thay, này Sàriputta!
Pháp Môn phương tiện này, này Sàriputta, có thể trả lời tóm tắt như sau: Cái gì được cảm thọ, cái ấy nằm trong đau khổ.
Này Sàriputta, nếu ông được hỏi:
Hiền Giả được giải thoát như thế nào, này Hiền Giả Sàriputta, mà Hiền Giả tuyên bố trí đã được chứng đắc:
Ta biết: Sanh đã tận, phạm hạnh đã thành, các việc nên làm đã làm, không còn trở lui trạng thái này nữa?
Ðược hỏi vậy, này Sàriputta, ông trả lời như thế nào?
Bạch Thế Tôn, nếu con được hỏi: Hiền Giả được giải thoát như thế nào, này Hiền Giả Sàriputta, mà Hiền Giả tuyên bố trí đã được chứng đắc:
Ta biết: Sanh đã tận, phạm hạnh đã thành, các việc nên làm đã làm, không còn trở lui trạng thái này nữa?
Ðược hỏi vậy, bạch Thế Tôn, con trả lời như sau: Do tự giải thoát, Chư Hiền Giả, do đoạn diệt tất cả chấp thủ, ta sống an trú chánh niệm như vậy. Nhờ sống an trú chánh niệm như vậy, các lậu hoặc không còn tiếp tục rỉ chảy, và ta không chấp nhận tự ngã. Ðược hỏi vậy, bạch Thế Tôn, con trả lời như vậy.
Lành thay, lành thay, này Sàriputta!
Pháp Môn phương tiện này, này Sàriputta, có thể trả lời tóm tắt như sau: Những cái gì được vị Sa Môn gọi là lậu hoặc, ta không còn nghi ngờ gì nữa, chúng đã được ta diệt tận. Ta không còn phân vân gì nữa. Nói vậy xong, Thế Tôn từ chỗ ngồi đứng dậy đi vào Tịnh Xá.
Rồi Tôn Giả Sàriputta, sau khi Thế Tôn đi chẳng lao lâu, liền bảo các Tỳ Kheo: Này Chư Hiền Giả, Thế Tôn hỏi ta câu hỏi thứ nhất mà ta chưa được biết trước, lúc ấy trí ta còn chậm chạp.
Nhưng này Chư Hiền Giả, khi Thế Tôn tùy hỷ trả lời câu hỏi thứ nhất của ta, ta suy nghĩ như sau: Nếu Thế Tôn hỏi ta ý nghĩa trọn ngày với những văn cú sai khác, với những pháp môn phương tiện sai khác, thời ta có thể trả lời Thế Tôn về ý nghĩa ấy cho đến trọn ngày với những văn cú sai khác, với những pháp môn sai khác.
Nếu Thế Tôn hỏi ta ý nghĩa trọn đêm với những văn cú sai khác, với những pháp môn phương tiện sai khác, thời ta có thể trả lời Thế Tôn về ý nghĩa ấy cho đến trọn đêm với những văn cú sai khác, với những pháp môn phương tiện sai khác.
Nếu Thế Tôn hỏi ta ý nghĩa trọn đêm và trọn ngày với những văn cú sai khác, với những pháp môn phương tiện sai khác, thời ta có thể trả lời Thế Tôn về ý nghĩa ấy cho đến trọn đêm và trọn ngày với những văn cú sai khác, với những pháp môn phương tiện sai khác.
Nếu Thế Tôn hỏi ta ý nghĩa này trọn hai đêm hai ngày, ta có thể trả lời Thế Tôn về ý nghĩa ấy trọn hai đêm hai ngày.
Nếu Thế Tôn hỏi ta ý nghĩa này trọn ba đêm ba ngày, ta có thể trả lời Thế Tôn về ý nghĩa ấy trọn ba đêm ba ngày.
Nếu Thế Tôn hỏi ta ý nghĩa này trọn bốn đêm bốn ngày, ta có thể trả lời Thế Tôn về ý nghĩa ấy trọn bốn đêm bốn ngày.
Nếu Thế Tôn hỏi ta ý nghĩa này trọn năm đêm năm ngày, ta có thể trả lời Thế Tôn về ý nghĩa này trọn năm đêm năm ngày.
Nếu Thế Tôn hỏi ta ý nghĩa này trọn sáu đêm sáu ngày, ta có thể trả lời Thế Tôn về ý nghĩa này trọn sáu đêm sáu ngày.
Nếu Thế Tôn hỏi ta ý nghĩa này trọn bảy đêm bảy ngày với những văn cú sai khác, với những pháp môn phương tiện sai khác, ta có thể trả lời Thế Tôn về ý nghĩa này trọn bảy đêm bảy ngày với những văn cú sai khác, với những pháp môn phương tiện sai khác.
Rồi Tỳ Kheo Kalàra Khattiya từ chỗ ngồi đứng dậy, đi đến Thế Tôn, sau khi đến đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên.
Ngồi xuống một bên, Tỳ Kheo Kalàra Khattiya bạch Thế Tôn:
Bạch Thế Tôn, Tôn Giả Sàriputta đã rống lên tiếng rống con sư tử như sau: Này Chư Hiền Giả, Thế Tôn hỏi ta câu hỏi thứ nhất, mà ta chưa được biết trước, lúc ấy trí ta còn chậm chạp.
Nhưng này Chư Hiền Giả, khi Thế Tôn tùy hỷ trả lời câu hỏi thứ nhất của ta, ta suy nghĩ như sau: Nếu Thế Tôn hỏi ta về ý nghĩa này trọn ngày với những văn cú sai khác, với những phương tiện sai khác, ta có thể trả lời Thế Tôn về ý nghĩa ấy cho đến trọn ngày với những văn cú sai khác, với những pháp môn sai khác.
Nếu Thế Tôn hỏi ta về ý nghĩa này cho đến trọn đêm, cho đến trọn đêm và trọn ngày, cho đến trọn ba, trọn bốn, cho đến trọn năm, trọn sáu, trọn bảy đêm bảy ngày với những văn cú sai khác, với những phương tiện sai khác.
Này các Tỳ Kheo, pháp giới ấy Dhammadhàtu được Sàriputta khéo thành đạt. Do khéo thành đạt pháp giới ấy, nếu ta hỏi Sàriputta về ý nghĩa này trọn ngày với những văn cú sai khác, với những phương tiện sai khác, thời Sàriputta có thể trả lời ta về ý nghĩa này cho đến trọn ngày, với những văn cú sai khác, với những phương tiện sai khác.
Nếu ta hỏi Sàriputta về ý nghĩa này cho đến trọn đêm với những văn cú sai khác, với những phương tiện sai khác, thời Saụriputta có thể trả lời ta về ý nghĩa này cho đến trọn đêm với những văn cú sai khác, với những phương tiện sai khác.
Nếu ta hỏi Sàriputta về ý nghĩa này cho đến trọn đêm và trọn ngày, Sàriputta có thể trả lời ta về ý nghĩa này cho đến trọn đêm và trọn ngày.
Nếu ta hỏi Sàriputta về ý nghĩa này cho đến trọn cả hai đêm và hai ngày, Sàriputta có thể trả lời ta về ý nghĩa này cho đến trọn cả hai đêm hai ngày.
Nếu ta hỏi Sàriputta về ý nghĩa này cho đến trọn cả ba đêm ba ngày, Sàriputta có thể trả lời ta về ý nghĩa này cho đến cả ba đêm ba ngày.
Nếu ta hỏi Sàriputta về ý nghĩa này cho đến trọn bốn đêm bốn ngày, Sàriputta có thể trả lời ta về ý nghĩa này cho đến bốn đêm bốn ngày.
Nếu ta hỏi Sàriputta về ý nghĩa này cho đến trọn năm đêm năm ngày, Sàriputta có thể trả lời ta về ý nghĩa này cho đến trọn năm đêm năm ngày.
Nếu ta hỏi Sàriputta về ý nghĩa này cho đến trọn sáu đêm sáu ngày, Sàriputta có thể trả lời ta về ý nghĩa này cho đến trọn sáu đêm sáu ngày.
Nếu ta hỏi Sàriputta về ý nghĩa này trọn bảy đêm bảy ngày với những văn cú sai khác, với những pháp môn sai khác, Sàriputta có thể trả lời cho ta về ý nghĩa ấy cho đến trọn bảy đêm bảy ngày với những văn cú sai khác, với những pháp môn sai khác.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm - Phẩm Năm - Phẩm Hoa Tạng Thế Giới - Phần Bốn
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Lý Thú Lục Ba La Mật đa - Phẩm Sáu - Phẩm Tịnh Giới Ba La Mật - Tập Bốn
Phật Thuyết Kinh đại Bát Niết Bàn - Phẩm Hai Mươi - Phẩm Phạm Hạnh - Phần Năm
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Lương Y
Phật Thuyết Kinh đại Tát Già Ni Kiền Tử Sở Thuyết - Phẩm Ba - Phẩm Nhất Thừa - Tập Một
Phật Thuyết Kinh Trung Bộ - Kinh Hiền Ngu - Phần Ba - địa Ngục