Phật Thuyết Kinh Tương ưng Bộ - Tập Một - Thiên Có Kệ - Chương Bảy - Tương ưng Bà La Môn - Phẩm Hai - Phẩm Cư Sĩ - Phần Tám - Katthahàra

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:19 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư An Thế Cao, Đời Hậu Hán

PHẬT THUYẾT

KINH TƯƠNG ƯNG BỘ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư 

An Thế Cao, Đời Hậu Hán  

TẬP MỘT

THIÊN CÓ KỆ  

CHƯƠNG BẢY

TƯƠNG ƯNG BÀ LA MÔN  

PHẨM HAI

PHẨM CƯ SĨ  

PHẦN TÁM

KATTHAHÀRA  

Một thời Thế Tôn sống ở giữa dân chúng Kosala, tại một khu rừng. Lúc bấy giờ, nhiều thanh niên lượm củi, đệ tử của Bà La Môn thuộc dòng họ Bhàradvàja, đi đến khu rừng ấy. Sau khi đến, họ thấy Thế Tôn ngồi kiết già trong khu rừng ấy, lưng thẳng và để niệm trước mặt.

Thấy vậy, họ liền đi đến Bà La Môn thuộc dòng họ Bhàradvàja.

Sau khi đến, họ nói với Bà La Môn thuộc dòng họ Bhàradvàja: Tôn Giả có biết không, tại một khu rừng kia, có vị Sa Môn ngồi kiết già, lưng thẳng và để niệm trước mặt?

Rồi Bà La Môn thuộc dòng họ Bhàradvàja cùng với các thanh niên ấy đi đến khu rừng và thấy Thế Tôn tại khu rừng ấy, đang ngồi kiết già, lưng thẳng và để niệm trước mặt. Thấy vậy họ liền đi đến Thế Tôn.

Sau khi đến, nói lên bài kệ với Thế Tôn:

Trong khu rừng thâm u,

Nhiều dễ sợ khủng khiếp,

Rừng trống không, hoang vắng,

Ngài vào sâu một mình,

Thân bất động, kiên trì,

Ðẹp đẽ và uy nghi.

Này Tỳ Kheo, Ngài thiền

Với tâm tư định tĩnh.

Ở đây không ca hát,

Ở đây không nói năng,

Cô độc trong rừng sâu,

Bậc Thánh nhơn an trú,

Như vậy đối với con,

Thật kỳ diệu hy hữu.

Khi Ngài sống một mình,

Hoan hỷ trong rừng vắng,

Con nghĩ, Ngài ước nguyện,

Ðồng sanh làm thân hữu,

Với bậc Thế Giới chủ,

Tại Vô Thượng Tam Thiên.

Vậy sao bậc Tôn Giả,

Không bỏ rừng hoang vắng,

Tu khổ hạnh ở đây,

Ðể đạt Phạm Thiên quả?

Thế Tôn:

Phàm có ước vọng gì,

Hay những ái lạc gì,

Những gì kẻ phàm phu,

Thường chấp trước các giới,

Các tham ái khởi lên,

Từ gốc rễ vô minh,

Tất cả ta đoạn tận,

Trừ cả gốc lẫn rễ.

Nay ta không ước nguyện,

Không tham ái, chấp trước,

Ðối với tất cả pháp,

Ta thấy đều thanh tịnh.

Ðạt được Chánh Ðẳng Giác,

Và mục đích tối thượng,

Ta tu tập thiền định,

Vắng lặng, không sợ hãi.

Khi được nghe nói vậy, Bà La Môn thuộc dòng họ Bhàradvàja bạch Thế Tôn: Thật vi diệu thay, Tôn Giả Gotama! Thật vi diệu thay, Tôn Giả Gotama!

Từ nay cho đến mạng chung, con trọn đời quy ngưỡng!

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần