Phật Thuyết Kinh Tương ưng Bộ - Tập Một - Thiên Có Kệ- Chương Ba - Tương ưng Kosala - Phẩm Một - Phần Một - Tuổi Trẻ

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:19 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư An Thế Cao, Đời Hậu Hán

PHẬT THUYẾT

KINH TƯƠNG ƯNG BỘ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư 

An Thế Cao, Đời Hậu Hán  

TẬP MỘT

THIÊN CÓ KỆ  

CHƯƠNG BA

TƯƠNG ƯNG KOSALA  

PHẨM MỘT  

PHẦN MỘT

TUỔI TRẺ

 

Như vậy tôi nghe!

Một thời Thế Tôn trú ở Xá Vệ, Thắng Lâm, tại vườn ông Cấp Cô Ðộc. Rồi Vua Ba Tư Nặc nước Kiều Tát La đi đến Thế Tôn, sau khi đến, nói lên với Thế Tôn những lời chào đón hỏi thăm, sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu, rồi ngồi xuống một bên.

Ngồi xuống một bên, Vua Pasenadi nước Kosala bạch Thế Tôn: Tôn Giả Gotama có tự cho mình đã chứng Vô Thượng, Chánh Ðẳng, Chánh Giác không?

Thưa Ðại Vương, nếu có ai có thể nói một cách chơn chánh là mình đã chứng Vô Thượng, Chánh Ðẳng, Chánh Giác, thời người ấy phải chính là ta.

Thưa Ðại Vương, Ta đã chứng Vô Thượng, Chánh Đẳng Chánh Giác.

Thưa Tôn Giả Gotama, có những vị Sa Môn, Bà La Môn là vị Hội chủ, vị Giáo Trưởng, vị Sư Trưởng Giáo hội, có tiếng tốt, có danh vọng, khai Tổ giáo phái, được quần chúng tôn sùng.

Như Ngài Purana Kassapa, Makkali Gosàla, Nigantha Nàtaputta, Sanjaya Belatthiputta, Kakudha Kaccàyana.

Ajita Kesakambala!

Khi con hỏi các vị ấy: Có tự xem là đã chứng Vô Thượng, Chánh Đẳng Chánh Giác không?

Thời họ đã trả lời, không tự xem mình đã chứng Vô Thượng, Chánh Đẳng Chánh Giác.

Vậy làm sao Tôn Giả Gotama, trẻ tuổi, sanh sau đẻ muộn, và chỉ mới xuất gia lại tự cho mình như vậy?

Thưa Ðại Vương, có bốn loại trẻ tuổi không nên khinh thường, hay không nên miệt thị vì họ là trẻ.

Thế nào là bốn?

Thưa Ðại Vương, Khattiya trẻ tuổi không nên khinh thường hay không nên miệt thị vì họ là trẻ.

Thưa Ðại Vương, con rắn trẻ tuổi không nên khinh thường hay không nên miệt thị vì chúng là trẻ.

Thưa Ðại Vương, ngọn lửa trẻ tuổi không nên khinh thường hay không nên miệt thị vì chúng là trẻ.

Thưa Ðại Vương, Tỳ Kheo trẻ tuổi không nên khinh thường hay không nên miệt thị vì họ là trẻ.

Thưa Ðại Vương, bốn loại trẻ tuổi này không nên khinh thường hay không nên miệt thị vì chúng là trẻ.

Thế Tôn nói như vậy.

Nói xong, bậc Thiện Thệ lại nói thêm như sau:

Sanh dòng Sát Đế Lỵ,

Thuộc quý tộc, danh xưng,

Chớ khinh thường là trẻ,

Chớ miệt thị là nhỏ.

Vị Sát Đế Lỵ ấy,

Ðến thời lên ngôi Vua,

Làm chúa tể loài người,

Trị vì cả Quốc Độ.

Vị ấy nếu phẫn nộ,

Dùng vương phạt gia hình,

Ai bảo tồn mạng mình,

Hãy tránh né vị ấy.

Ở làng hay là rừng,

Có thấy rắn bò qua,

Chớ khinh thường rắn trẻ,

Chớ miệt thị rắn nhỏ,

Cao thấp hình sai biệt.

Rắn sống đầy nhiệt khí,

Bị tấn công, nó cắn,

Kẻ ngu cả nam nữ,

Ai bảo tồn mạng mình,

Hãy tránh né loài rắn.

Lửa cháy đầy khát vọng,

Lửa đốt thiêu, đốt cháy,

Chớ khinh thường lửa trẻ,

Chớ miệt thị lửa nhỏ.

Lửa được đồ bén cháy,

Liền cháy to, cháy lớn,

Bị tấn công, lửa đốt,

Kẻ ngu cả nam nữ,

Ai bảo tồn mạng mình,

Hãy tránh né lửa cháy.

Khu rừng bị lửa đốt,

Lửa đốt thiêu, đốt cháy,

Sau nhiều đêm và ngày,

Rễ mầm lại mọc lên.

Còn Tỳ Kheo trẻ giới,

Nồng cháy với nhiệt tình,

Nhưng không con, không cái,

Không của cải truyền thừa,

Không con, không thừa tự,

Như thân cây Tala.

Do vậy, người hiền trí,

Tự thấy hạnh phúc mình,

Ðối với rắn và lửa

Danh xưng Sát Đế Lỵ,

Vị Tỳ Kheo trì giới,

Với bốn vị kể trên,

Hãy biết cách cư xử,

Chơn chánh và tốt đẹp.

Khi nghe nói vậy, Vua Pasenadi nước Kosala bạch Thế Tôn: Thật vi diệu thay, bạch Thế Tôn! Thật vi diệu thay, bạch Thế Tôn!

Như người dựng đứng lại những gì bị quăng ngã xuống, phơi bày ra những gì bị che kín, chỉ đường cho người bị lạc hướng, đem đèn sáng vào trong bóng tối để những ai có mắt có thể thấy sắc. Cũng vậy, chánh pháp đã được Thế Tôn dùng nhiều phương tiện trình bày, giải thích.

Bạch Thế Tôn, con xin quy y Thế Tôn, quy y Pháp, quy y Chúng Tăng. Mong Thế Tôn nhận con làm đệ tử, từ nay trở đi cho đến mạng chung, con trọn đời quy ngưỡng.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần