Phật Thuyết Kinh úc Ca La Việt Vấn Bồ Tát Hành - Phẩm Tám - Phẩm ở Nơi Vắng Vẻ - Tập Một

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn

PHẬT THUYẾT KINH

ÚC CA LA VIỆT VẤN BỒ TÁT HÀNH

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn  

PHẨM TÁM

PHẨM Ở NƠI VẮNG VẺ  

TẬP MỘT  

Lại nữa, này trưởng giả! Bồ Tát xuất gia nên có hạnh ở chỗ thanh vắng, nên suy nghĩ: Vì sao ta lại đến ở chỗ thanh vắng?

Lại nên suy nghĩ: Không phải chỉ ở nơi thanh vắng mới là Sa Môn.

Vì sao?

Vì người kia tuy ở nơi rất thanh vắng nhưng không thể định tĩnh, không thành tựu, không biết giáo pháp nên không hiểu nghĩa lý, chẳng khác nào hươu, nai, chim chóc, hổ, vượn khỉ, người rừng, rắn hay người săn bắn, người này chẳng gọi là Sa Môn. Ta đến nơi thanh vắng này phải đầy đủ ước nguyện, đó là ý nghĩa Sa Môn.

Này Trưởng Giả, thế nào là ý nghĩa Sa Môn của Bồ Tát xuất gia?

Nghĩa là, ý không loạn động, đạt được các pháp Tổng trì, đầy đủ sự hiểu biết, trí tuệ và sự học hỏi, do đó đều được thông suốt, chứa nhóm tâm từ rộng lớn, không bỏ tâm bi, đạt được năm thần thông, sáu pháp Ba la mật, tâm luôn tự tại, không xa lìa nhất thiết trí.

Những điều nói ra đều phù hợp với trí thiện xảo, dùng pháp bố thí khắp tất cả, dẫn dắt dân chúng, không trái với hạnh bốn ân, nhớ nghĩ đến sáu niệm, nghe rồi liền tu tập, tinh tấn nhất tâm, giữ gìn, thông đạt chánh pháp, nhất tâm đạt được đạo tuệ.

Không xa lìa nơi tịch tĩnh, hộ trì chánh pháp, biết nhân duyên tội phước, dùng sự thấy biết chân chánh để đoạn trừ tất cả niệm và vô niệm, dùng niệm chân chánh mà nguyện thuyết pháp, thường nói đúng sự thật, chấm dứt mọi tội lỗi, đầy đủ công hạnh phước đức, dùng sự đối trị chân chánh để đoạn trừ các đối tượng chấp giữ, dùng nghiệp chân chánh để đạt đến Phật Đạo.

Thực hành phương tiện chân chánh nên đối với các pháp không có ý niệm vướng mắc, dùng ý chân chánh nên đạt được nhất thiết trí, thực hành định chân chánh nên đối với không chẳng hề sợ hãi, thực hành theo vô tướng nên đối với ngã không có nguyện không khởi lên sự tạo tác, luôn chí thành ủng hộ nghĩa lý Kinh Điển, không xa lìa ý nghĩa các pháp cũng không thấy có người.

Này trưởng giả! Đó là ý nghĩa Sa Môn của Bồ Tát xuất gia.

Vị Bồ Tát xuất gia ấy không chứa nhóm các việc khác và nên suy nghĩ: Ta nên vì tất cả chúng sinh mà chứa nhóm cội gốc công đức, không vì một người mà chứa nhóm cội gốc công đức.

Đức Phật dạy: Này trưởng giả! Bồ Tát xuất gia nên thực hành bốn việc.

Những gì là bốn?

Một là luôn đến pháp hội. Hai là thường giảng nói cho người khác. Ba là luôn cúng dường phụng sự Như Lai. Bốn là không bao giờ gián đoạn tâm Phật thừa. Đó la bốn điều nên thực hành để trừ sạch thói quen khác.

Nếu ở nơi thanh vắng thì nên suy nghĩ: Vì sao ta lại đến ở nơi thanh vắng này?

Lại suy nghĩ: Vì ta sợ hãi nên đến ở nơi này.

Sợ hãi những gì?

Sợ nhóm họp, sợ chứa nhóm tham, sân, si, sợ tự cao, kiêu mạn, có ý hại người, sợ tham lam, sợ các ý niệm về sắc, thanh, hương, vị, xúc, sợ ma thân, ma dục, ma tội, ma thiên, sợ vô thường mà tưởng là thường, sợ khổ cho là vui, sợ không thật tưởng là thật.

Sợ vô ngã tưởng có ngã, sợ có ngã, ngã sở, sợ nghi ngờ, tư duy sai lệch, do dự, dâm dục, sợ tri thức ác, sợ mê mờ đối với ái dục, sợ tâm, ý thức không lương thiện, sợ các cái che lấp những ước nguyện, sợ chấp thân mình, sợ tài lợi, các sắc, sợ tìm cầu các kiến chấp, sợ nhớ nghĩ đến vô niệm và các niệm khác.

Sợ không thấy nói thấy, không nghe nói nghe, lời nói không có ý thức, sợ làm ô nhiễm Sa Môn, sợ vô số hạnh, sợ cõi dục, cõi sắc và cõi vô sắc, sợ địa ngục, súc sanh, ngạ quỷ, sợ sinh vào nơi tám nạn, sợ sinh vào năm đường.

Sợ luôn nghĩ đến các pháp bất thiện nên ta mới đến đây, không thể ở nhà thế tục, đối với những nơi ồn náo phải nhất tâm nhớ nghĩ đến pháp không, nhờ vậy thoát khỏi sự sợ hãi và sự sợ hãi về những điều trong quá khứ.

Do đó, Bồ Tát đều thoát khỏi sợ hãi, do diệu lực ở nơi thanh vắng nên thoát khỏi sợ hãi đạt được Phật Đạo, các Bồ Tát khắp mười phương trong hiện tại và ở vị lai đều nhờ diệu lực ở nơi thanh vắng nên thoát khỏi sợ hãi, đạt được Phật Đạo. Ta vì sợ hãi nên ở nơi thanh vắng để vượt qua tất cả sợ hãi.

Tất cả các sự sợ hãi đều tồn tại trong ta, ở nơi ta, vướng mắc vào ta, làm ô nhiễm thân ta, tham đắm ta, khởi lên nơi ta, nên có tưởng về ngã, có kiến chấp về ngã, gọi là có thân nên nghĩ là có ngã, vì hộ trì thân ta nên mới đến ở nơi thanh vắng, vì muốn đoạn trừ sự tồn tại của ngã, muốn hiểu rõ nhân duyên về ngã và ngã sở nên ta ở nơi thanh vắng, đạt được ý nghĩa bình đẳng, không còn sợ hãi.

Người ở nơi thanh vắng không có tưởng về ngã, không có tưởng về tha nhân, không có tưởng về thủ đắc, không chấp vào thân mình, không có tưởng mong cầu an trụ, không có tưởng Niết Bàn, huống nữa là có tưởng về phiền não, tham dục?

Sở dĩ gọi là ở nơi thanh vắng vì đối với tất cả các pháp không có đối tượng trụ chấp, tất cả tư tưởng trong ba cõi đều an trú nơi tâm bi, không chứa nhóm các tưởng, đối với sắc, thanh, hương, vị, xúc, cũng không có đối tượng để nương tựa, tất cả Tam Muội không có nơi chốn để tranh luận, ý luôn định tĩnh ở nơi vắng lặng, bỏ hết các gánh nặng, ở đâu cũng không lo sợ, vượt trên các cõi.

Vì đã vượt qua các dòng nước kiết sử, nên đối với các cõi không còn nơi cư ngụ, đối với hạnh Hiền Thánh không có ý niệm trụ chấp, luôn ở nơi nhất tâm, biết vừa đủ, ngồi trên đệm cỏ, thể nhập trí tuệ sâu xa, tinh tấn nhất tâm.

An trụ trong giới, đoạn trừ các kiết sử trói buộc, lao ngục ở chốn giải thoát, trụ vào không, vô tướng, vô nguyện, đạt được ba môn giải thoát, nhu hòa, không có nơi hướng đến, ý luôn quan sát mười hai nhân duyên, việc làm đã xong, thể nhập vào định vắng lặng.

Này trưởng giả! Ở nơi rừng sâu núi thẳm, có cây cối hoang dã nhưng trâu, voi, ngựa không hề sợ hãi.

Như vậy, này trưởng giả! Bồ Tát xuất gia ở nơi thanh vắng để quan sát chính mình, như loài cỏ cây không hề có mảy may ý tưởng, thấy thân như vậy nên siêng năng tu hành, không nên khởi ngã tưởng, liền không còn sợ hãi.

Quán thân mình là không, không có ngã, không có nhân, không tuổi thọ, không mạng sống, từ tâm mà có sự sợ hãi mọi người, do ái dục nên có sợ hãi, ta nhờ xa lìa ý niệm nên tưởng về điều thiện. Ví như chốn rừng sâu núi thẳm, đầy cỏ cây hoang dã nhưng trâu v.v… không hề sợ hãi, vì đã thấy rõ tất cả các pháp, người nào ở nơi thanh vắng đều nên như vậy.

Vì sao?

Vì người ở chốn thanh vắng đoạn trừ được các tưởng, xa lìa dâm dục và các việc ô nhiễm. Người ở nơi thanh vắng khiến người khác thấy không có ngã và không có đối tượng chấp giữ. Bồ Tát xuất gia nên học theo hạnh ở nơi thanh vắng như vậy.

Người ở nơi thanh vắng nên nhu hòa, hộ trì giới pháp. Người ở nơi thanh vắng thì hòa thuận, định tĩnh. Người ở nơi thanh vắng luôn nhớ nghĩ về trí tuệ. Người ở nơi thanh vắng luôn nhớ nghĩ đến giải thoát. Người ở nơi thanh vắng an trụ nơi giải thoát tri kiến.

Người ở nơi thanh vắng thích hộ trì Phật Pháp. Người ở nơi thanh vắng đoạn trừ mười hai kiết sử. Người ở nơi thanh vắng nhớ nghĩ đến nguyện chân chánh. Người ở nơi thanh vắng đối với các pháp luôn bình đẳng. Người ở nơi thanh vắng không tạo ra giới hạn. Người ở nơi thanh vắng đã thoát khỏi các nhập. Người ở nơi thanh vắng tâm không sợ hãi Phật Đạo.

Người ở nơi thanh vắng đối với không chẳng thấy có đối tượng để quan sát, chấp giữ. Người ở nơi thanh vắng đối với pháp không hủy hoại. Người ở nơi thanh vắng vốn có pháp thiện, oai đức và tiếng tốt. Người ở nơi thanh vắng được Phật khen ngợi.

Các Bậc Hiền Thánh cùng ở chốn thanh vắng ấy. Người ở nơi thanh vắng thoát khỏi ái dục, vì có sự đặc biệt nên thể nhập vào nhất thiết trí.

Lại nữa, này trưởng giả! Bồ Tát ở nơi thanh vắng, do rất ít sự việc nên tu tập đầy đủ sáu pháp Ba la mật.

Vì sao?

Vì ở chốn thanh vắng tu tập không tiếc thân mạng. Đó là bố thí Ba la mật.

Biết vừa đủ, tịch tĩnh an trụ sinh khởi đối với tam chuyên, đó là trì giới Ba la mật.

Không làm tổn hại, tâm từ ban rải khắp tất cả, nhẫn nhục đối với nhất thiết trí, không bị rơi vào cõi khác, đó là nhẫn nhục Ba la mật.

Trong suy nghĩ, lời nói không bao giờ bỏ sự rỗng rang, đạt được nhẫn rồi mới xả bỏ, đó là tinh tấn Ba la mật.

Đạt được thiền, không chấp ngã, sinh khởi các cội gốc công đức, đó là thiền định Ba la mật.

Thân thực hành theo sự tư duy của tâm, đối với đạo cũng vắng lặng, không khởi niệm, đó là trí tuệ Ba la mật.

Này trưởng giả! Bồ Tát ở nơi thanh vắng có bốn pháp.

Những gì là bốn?

Một là Bồ Tát này có nhiều trí tuệ. Hai là khéo léo phân biệt, quyết định các pháp và luật. Ba là thông đạt các nguồn gốc công đức. Bốn là có trí tuệ rộng lớn, nhất tâm tinh tấn, an trụ nơi tịch tĩnh.

Lại nữa, này trưởng giả! Nếu Bồ Tát ở nơi phiền não, nhiều tham dục nhưng vị ấy chẳng chứa nhóm phiền não, đây mới chính là ở chỗ thanh vắng, không vướng mắc phiền não, không chấp giữ tham dục, như pháp đã nghe mà thực hành theo.

Lại nữa, này trưởng giả! Bồ Tát đạt được năm loại thần thông, giảng pháp cho Chư Thiên, Rồng, Quỷ Thần, Càn Thát Bà. Người ở nơi thanh vắng cũng nên làm như vậy.

Lại nữa, này trưởng giả! Bồ Tát nên học tập về trí tuệ, Pháp Phật sau đó mới ở nơi thanh vắng, nhờ học tập như vậy nên đạt được đầy đủ tất cả các cội gốc căn lành sau đó mới giữ gìn cội gốc công đức này, vào các cõi nước, huyện ap, dùng ý nghĩa như vậy để giáo hóa dân chúng.

Nếu Bồ Tát muốn đọc Tụng Kinh Điển thì nên đích thân cung kính, phụng sự bậc thầy hoặc Hòa Thượng, bất kể Trưởng Lão hay trung niên đều phải cúi đầu kính lễ, không nên bieng nhác, đối với mọi việc đều nên tinh tấn, không nên không cung kính phụng sự.

Nên suy nghĩ: Đức Như Lai Vô Sở Trước Đẳng Chánh Giác được Chư Thiên, Rồng, Quỷ, Thần, Càn Thát Bà cúng dường, được A Tu La, Ca Lâu La, Khẩn Na La, Ma Hầu La Già phụng sự, được các trời Đế thích, Phạm Thiên, Tứ Thiên vương, người và phi nhân cung kính, là bậc tôn quý bậc nhất ở đời, khiến cho tất cả đều an lạc.

Đức Phật không đích thân mong cầu sự cúng dường mà loài người tự đến cúng dường, huống gì là chúng ta chưa hiểu biết gì, chỉ mới muốn theo học hỏi mà thôi, ngược lại cầu mong được người khác cúng dường. Ta nên phụng sự tất cả loài người.

Vì sao?

Vì Tỳ Kheo tham cầu sự cúng dường sẽ giảm bớt phước đức nói pháp của mình.

Vì sao?

Vì người ấy sẽ vì pháp mà bố thí, nhưng tâm ta lại nghĩ: Nếu cúng dường thì nên đến phụng sự cho ta, không phải do pháp, dù người đó có lòng tin nên đến cúng dường bố thí thì phước của họ cũng không lớn, nên đến chỗ vị thầy hoặc Hòa Thượng, thân và tâm nên hợp nhất, thân tâm nên thông đạt chỗ an trụ.

Nếu họ nhớ nghĩ đến vị thầy hoặc Hòa Thượng của ta thì nên đến chỗ chư vị, tâm không hề hối tiếc, nếu tụng niệm, học tập Kinh kệ, trí tuệ thì nên vì Hòa Thượng không tiếc thân mạng, nên ưa thích giáo pháp, theo Hòa Thượng để tu tập, đạt được lợi ích của pháp, nên xả bỏ tất cả sắc đẹp tài san, đối với Hòa Thượng nên hoan hỷ lắng nghe dù chỉ một bài kệ bốn câu.

Hoặc đọc tụng, hoặc thực hành bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, hoặc vì pháp trí tuệ, hoặc pháp từ, bi, hỷ, xả, nhất tâm học tập Phật Đạo, nghe bài kệ bốn câu hoặc đọc tụng v.v…

Nên cúng dường Hòa Thượng, nên lãnh hội ý nghĩa từng câu từng chữ mới kính nhận đọc tụng, nên dùng tâm ngay thẳng, không dua nịnh, dùng tất cả phẩm vật để cúng dường còn chưa thể báo đáp ân sư trưởng, huống nữa là dùng để cúng dường pháp.

Này Trưởng Giả, nếu được nghe sự giảng nói rộng rãi, hoặc âm thanh về thiện, âm thanh pháp Phật, âm thanh tịch diệt, âm thanh đúng như pháp, hoặc nghe âm thanh giảng nói về Như Lai đều nên cúng dường phụng sự vị thầy trong một kiếp, còn chưa thể báo đáp đầy đủ ân đức của thầy.

Đức Phật dạy: Này trưởng giả! Do đó, phước đức thuyết pháp không có giới hạn, trí tuệ của vị ấy không thể lường xét, trụ nơi tâm pháp cũng vô số. Bồ Tát nào muốn cúng dường vô lượng pháp thì nên cúng dường Bồ Tát xuất gia.

Thế nào là sự tu học của hàng xuất gia?

Nghĩa là theo như pháp đã nghe mà thực hành, nên quan sát tinh tường, thanh tịnh giới hạnh.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần