Phật Thuyết Kinh ưu Bà Di Tịnh Hạnh Pháp Môn - Phẩm Hai - Phẩm Tu Học - Phần Hai

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư An Thế Cao, Đời Hậu Hán

PHẬT THUYẾT KINH ƯU BÀ DI

TỊNH HẠNH PHÁP MÔN

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

An Thế Cao, Đời Hậu Hán  

PHẨM HAI

PHẨM TU HỌC  

PHẦN HAI  

Bấy giờ, Thế Tôn nói kệ:

Phật ở vô lượng đời

Làm người phàm tu hành

Nếu có ai đến hỏi

Khuyến khích dạy mau thành

Thường sống đời xuất gia

Khéo phân biệt nghĩa lý

Do nhờ hành nghiệp này

Được sanh lên Cõi Trời

Có trí tuệ rất lớn

Một khi sanh làm người

Được da bóng mịn màng

Nhờ có tướng tốt này

Thành tựu đại trí tuệ

Nếu làm dòng Sát Lợi

Tại gia làm Chuyển Luân

Nếu không ở tại gia

Xuất gia được thành Phật

Đại nhất thiết chủng trí

Trên Trời và cõi người

Không ai sánh bằng Ngài.

Lại nữa, này Tỳ Xá Khư! Tu hành như thế nào để thân có màu vàng rực, ánh sáng chiếu rực rỡ giống như núi vàng?

Trong vô lượng kiếp xa xưa, Như Lai thường thích tu tập điều thiện, không sân, không giận. Nếu có chúng sanh nào mắng đập thì Như Lai nhẫn nhục không sân giận, luôn luôn thấy xấu hổ và luôn có lòng đại bi.

Vì đó đều là quả báo kiếp trước ở quá khứ nên thường tự trách mình, hay thực hành bố thí, đem những loại y phục mềm mại như: lông cù, ma kiếp bối, kiêu xa da để bố thí cho người.

Như thế, cứ trải qua vô lượng đời tích trữ công đức sâu dày như vậy nên thường hưởng sự vui sướng ở Cõi Trời, sau sanh làm người thì được tướng màu vàng rực của bậc Đại Nhân, màu vàng là màu tối thượng nhất. Nhờ tướng này nếu là tại gia thì làm Chuyển Luân Thánh Vương, cai trị bốn thiên hạ.

Ở trong bốn thiên hạ nếu có những loại y phục mềm mại như: Cù lâu, tọa cụ, sô ma, kiếp bối, kiêu xa da, khâm bà la và tất cả vật mềm mại nào trong thế gian thì vua đều có tất cả. Nếu xuất gia thì được thành Phật. 

Hễ trong nhân dân có các y phục mềm mỏng như: Ngọa cụ, kiếp bối, sô ma, khâm bà la thì Như Lai cũng đều có cả những vậy như vậy.

Bấy giờ, Thế Tôn nói lại bằng kệ:

Tâm không có sân giận

Luôn xấu hổ tự trách

Bố thí áo mềm đẹp

Cúng vải, vật vô giá

Luôn bố thí chúng sanh

Cho rồi lòng vui mừng

Sung sướng không luyến tiếc

Như người gặp lửa cháy

Cứu vật ra rất vui

Nghiệp tốt không thể lường

Sanh thêm hưởng khoái lạc

Sau đó sanh làm người

Được thân tướng Đại Nhân

Thân thể màu vàng rực

Giống như núi chúa vàng

Tại gia làm Chuyển Luân

Cai trị bốn thiên hạ

Được thân thể mịn màng

Một áo giá ngàn vạn

Nếu học đạo thành Phật

Độ Trời, Người, Rồng, Thần

Y phục cũng như vậy.

Lại nữa, này Tỳ Xá Khư! Tu hành như thế nào để có tướng âm mã tàng?

Trong vô lượng kiếp trong kiếp quá khứ, khi Như Lai còn là người phàm. Như Lai thích tu hành vui vẻ và hòa hợp với mọi người, như cùng với cha mẹ, nam nữ, anh em, chị em, dòng họ, bạn bè, quyến thuộc, thiện hữu tri thức cho đến loài súc sanh.

Nếu có người chia ly thì mong họ được hòa hợp, làm theo sở thích của họ để họ hòa hợp hoan hỷ. Nhờ nghiệp tích trữ nhiều phước đức này mà thường sanh lên Cõi Trời, hưởng phước lạc Cõi Trời. Sau sanh vào nhân gian, cứ lần lượt vô lượng, vô biên kiếp như vậy cho đến nhất sanh bổ xứ được tướng âm mã tàng.

Nhờ tướng này được làm Chuyển Luân Vương có một ngàn người con, cai trị bốn thiên hạ. Ngàn con dõng mãnh có thể đánh bại kẻ địch. Nếu xuất gia thì được thành Phật. Từ pháp sanh con hơn ngàn vạn, dõng mãnh nhiều sức mạnh có thể đẩy lùi ma oán.

Bấy giờ, Thế Tôn nói kệ:

Trải qua vô lượng kiếp

Khi ta làm người phàm

Luôn hòa hợp với chúng

Để được sống an lạc

Như cha mẹ, nam nữ

Anh em và chị em

Thân thích các quyến thuộc

Và thiện hữu tri thức

Ai khổ vì xa lìa

Khéo hòa để an vui

Nhờ tạo hành nghiệp này

Thường sanh trong Trời người

Hưởng khoái lạc Cõi Trời

Sau sanh vào loài người

Được tướng âm mã tàng

Dõng mãnh không ai bằng

Đánh bại kẻ địch thù

Luôn cúng dường cha mẹ

Để được vui hoan hỷ

Nếu xuất gia thành Phật

Con pháp có ngàn vạn

Giới, định sức thần thông

Đánh dẹp bọn ma oán.

Lại nữa, này Tỳ Xá Khư! Tu hành như thế nào để có thân tròn đầy giống như cây Ni Câu Luật, thân đứng thẳng như Phạm Thiên, tay đụng đầu gối?

Xưa kia, khi Như Lai còn là người phàm, luôn luôn tu lòng từ rộng lớn, quán sát rất rõ về những pháp bất đồng thô tế, thiện ác, đây là trí tuệ, kia là ngu si, đây là tinh tấn đây là biếng nhác, đây là sân giận, kia là nhẫn nhục, phân biệt rõ ràng như vậy rồi theo từng loài mà ta giáo hóa hướng dẫn họ. Nhờ nghiệp này mà đã vô lượng lần sanh vào cõi người, Cõi Trời cho đến nhất sanh bổ xứ.

Khi sanh vào loài người thì được hai tướng Đại Nhân:

1. Thân Phạm Thiên tròn đầy giống như cây Ni Câu Luật.

2. Thân cao thẳng tay đụng đầu gối.

Nhờ tướng này nếu tại gia thì làm Chuyển Luân Vương, cai trị bốn thiên hạ của cải giàu có vô lượng như vàng, bac, lưu ly, xa cừ, mã não, san hô, hổ phách, chân châu… ngũ cốc dồi dào tươi tốt, kho tàng đầy ắp.

Nếu như xuất gia thì được thành Phật, đầy đủ thất tài: Tín, giới, thí, văn, huệ, tàm và quí. Như Lai cũng có vô lượng vô biên những vật như vậy.

Khi ấy, Thế Tôn nói lại bằng kệ:

Ta trong đời quá khứ

Hay cân nhắc chúng sanh

Chọn lựa phân biệt rồi

Quán sát đều bình đẳng

Phân biệt các chúng sanh

Tùy loài mà ban bố

Do nhờ hành nghiệp này

Thường sanh vào Cõi Trời

Sau sanh vào loài người

Chân ngay thẳng không cong

Hai tay đụng đầu gối

Giống như cây Ni Câu

Từ đất mọc tròn đều

Thân Phật cũng như vậy

Vô lượng kiếp đến nay

Sanh từ đất hành nghiệp

Hiện hai tướng giàu có

Khiến thiên hạ thái bình

Tại gia thọ năm dục

Được làm Chuyển Luân Vương

Xuất gia bỏ năm dục

Được thành đấng vô thượng.

Lại nữa, này Tỳ Xá Khư! Tu hành như thế nào để được ba tướng của bậc Đại Nhân?

1. Ngực như sư tử.

2. Sau ót có tỏa ánh sáng.

3. Vai cổ tròn trịa.

Thuở quá khứ, khi Như Lai còn là người phàm luôn luôn làm lợi ích cho chúng sanh để họ có cuộc sống an lạc, có lòng tin, giữ giới, đa văn, trí tuệ, bố thí, tài của, lúa mạch, ruộng vườn, nô tỳ, trâu dê, voi ngựa, xe cộ, vợ con, nam nữ, thị tùng, quyến thuộc, thân thích làm cho được phát triển.

Nhờ nghiệp này nên thường sanh lên Cõi Trời, sau sanh làm người được ba tướng Đại Nhân:

1. Ngực như Sư Tử.

2. Sau ót phóng ánh sáng.

3. Vai cổ tròn trịa.

Nhờ tướng này, nếu tại gia thì làm Chuyển Luân Vương, cai trị bốn thiên hạ, pháp thường tăng trưởng, tài vật, ruộng nhà, ngũ cốc dồi dào sung túc, vợ con, quyến thuộc, nô tỳ, thị tùng, thiện hữu tri thức, tất cả đều đầy đủ không có giảm bớt. Nếu xuất gia thì được thành Phật, đầy đủ thất tài và bốn bộ quyến thuộc cũng không giảm bớt.

Bấy giờ, Thế Tôn nói lại bằng kệ:

Tín tâm trì giới

Đa văn trí tuệ

Nô tỳ, voi ngựa

Trâu, dê, ruộng nhà

Vợ con, quyến thuộc

Thiện hữu tri thức

Luôn nghĩ điều thiện

Làm sao khiến họ

Sắc, lực, an lạc

Tăng trưởng rất lớn

Do nhờ nghiệp này

Thường sanh lên Trời

Sau sanh làm người

Được tướng Đại Nhân

Ngực như Sư Tử

Ót phóng ánh sáng

Vai cổ tròn trịa

Thành tựu ba tướng

Nếu là tại gia

Quyến thuộc vợ con

Nô tỳ voi ngựa

Đều được hưng thịnh

Nếu là xuất gia

Được thành quả Phật

Quyến thuộc tăng trưởng

Pháp luôn trường tồn.

Lại nữa, này Tỳ Xá Khư! Tu hành như thế nào để ngực có chữ Vạn. Về thuở xa xưa, khi là người phàm Như Lai không bao giờ làm não loạn chúng sanh, không đánh đập cũng không nhốt trói.

Nhờ tích chứa hành nghiệp lành này rộng lớn nên thường sanh lên Cõi Trời. Sau sanh làm người, được tướng Đại Nhân, ngực có chữ Vạn.

Nếu ở tại gia thì làm Chuyển Luân Vương, không có các tật bệnh, bốn mùa điều hòa thích hợp, không nóng, không lạnh. Nếu xuất gia thì được thành Phật, cũng không có các bệnh hoạn, luôn được điều hòa, không lạnh không nóng, thân thể nhẹ nhàng, nhập vào tam muội.

Bấy giờ, Thế Tôn nói kệ:

Không nhốt, trói chúng sanh

Cũng không đánh đập họ

Không dùng những đao, gậy

Làm não hại chúng sanh

Do nhờ hành nghiệp này

Thường sanh trong Trời người

Hưởng khoái lạc Cõi Trời

Đến nhất sanh bổ xứ

Sau sanh vào nhân gian

Được tướng của Đại Nhân

Giữa ngực có chữ Vạn

Do nhờ tướng tốt này

Không có các bệnh hoạn

Tại gia hay xuất gia

Thường thọ hưởng khoái lạc

Nếu là dòng Sát Lợi

Làm vua bốn thiên hạ

Nếu xuất gia học đạo

Đắc thành đấng vô thượng

Luôn dược vui thượng diệu.

Lại nữa, này Tỳ Xá Khư! Tu hành như thế nào mà mắt có màu biếc giống như hoa sen xanh. Trong vô lượng kiếp về quá khứ, khi Phật còn người phàm, luôn tu tập hạnh lành, không đem tâm ác độc mà phùng man trợn mắt nhìn chúng sanh không đem tâm dục mà ngó liếc, luôn đem tâm xả lìa bỏ ái si mà nhìn thẳng chúng sanh.

Nhờ nghiệp này nên thường sanh lên Cõi Trời hưởng khoái lạc Trời, sau sanh làm người được hai tướng Đại Nhân:

1. Mắt màu xanh biếc, hai mí trên dưới đều nháy một lượt.

2. Tròng mắt khi nháy hiện ra ánh sáng mau xanh biếc.

Nhờ tướng này, nếu ở tại gia thì làm Chuyển Luân Vương, cai trị bốn thiên hạ làm cho tất cả nhân dân Sa Môn, Bà La Môn, Sát Lợi, Cư Sĩ, vợ con quyến thuộc, quần thần, người hầu cận đều ngắm nhìn vua không biết chán.

Nếu xuất gia thì được thành Phật, làm cho các chúng sanh trong bốn bộ Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di và Trời, Người, A Tu La, Ma Hầu La Già, Càn Thát Bà… tất cả các chúng sanh đều phát sanh tâm thiện hoan hỉ giống như chiêm ngưỡng Như Lai không biết chán.

Bấy giờ, Thế Tôn nói kệ:

Trải bao kiếp quá khứ

Khi Phật làm người phàm

Thường tu các hạnh lành

Không đem tâm sân giận

Và phùng man trợn mắt

Cũng không vì ái nhiễm

Tâm dục nhìn chúng sanh

Mắt tịnh lìa cấu dục

Tâm hoan hỉ nhìn thẳng

Do nhờ hành nghiệp này

Được sanh vào Cõi Trời

Đến nhất sanh bổ xứ

Sau sanh làm loài người

Mắt, lông mi xanh biếc

Mắt như hoa sen xanh

Trên dưới nháy một lượt

Nhờ tướng đại nhân này

Được thông minh trí tuệ

Tất cả các chúng sanh

Thích nhìn không biết chán

Tại gia làm chuyển luân

Thành tựu đại trí tuệ

Có đầy đủ bảy báu

Cai trị bốn thiên hạ

Xuất gia được thành Phật

Chứng được nhất thiết trí.

Lại nữa, này Tỳ Xá Khư! Tu hành như thế nào mà trên đảnh có nhục kế, tóc xanh biếc?

Đời quá khứ, khi Như Lai còn là người phàm, luôn tạo công đức cho người, giữ thân, khẩu, ý, nghiệp, bố thí, trì giới, mỗi tháng tu sáu ngày trai giới, cúng dường cha mẹ, Sa Môn, Bà La Môn, bạn bè quyến thuộc, những vị tuổi cao đức lớn.

Lại có hành nghiệp thiện không thể đếm xuể. Nhờ tích chứa vô lượng hạnh này mà thường hưởng khoái lạc ở Cõi Trời, cho đến nhất sanh bổ xứ.

Sau sanh làm người thì được hai tướng Đại Nhân: Một là trên đảnh có nhục kế, hai là tóc xanh biếc. Nhờ tướng này nếu là tại gia thì làm Chuyển Luân Vương, cai trị bốn thiên hạ, làm chỗ nương tựa cho nhân dân.

Nếu là xuất gia thì được thành Phật, làm chỗ nương tựa cho bốn chúng Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di và Trời, Rồng, Dạ Xoa, Càn Thát Bà, A Tu La, Ca Lầu La Già, Khẩn Na La, Ma Hầu La Già, Nhân và Phi Nhân.

Khi ấy, Thế Tôn nói kệ:

Ta ở đời quá khứ

Người đứng đầu tu thiện

Luôn tu hành phạm hạnh

Làm chỗ dựa cho người

Qua đời sanh lên Trời

Hưởng khoái lạc Chư Thiên

Sau sanh vào nhân gian

Được hai tướng Đại Nhân

Trên đảnh có nhục kế

Tóc xoắn màu xanh biếc

Tại gia làm Chuyển Luân

Cai trị bốn thiên hạ

Dùng năm giới Thập Thiện

Cứu giúp cho nhân dân

Nếu xuất gia học đạo

Chứng thành đấng vô thượng

Thường lấy giới định huệ

Chỉ dạy các chúng sanh

Luôn làm chỗ nương tựa

Cho các Trời, Người, Rồng

Thần, Dạ Xoa, Càn Thát

A Tu La vân vân.

Lại nữa, này Tỳ Xá Khư! Tu hành như thế nào để mỗi lỗ chân lông có mỗi sợi lông, giữa chặn mày có lông trắng giống như Đâu La Miên?

Thuở xưa, khi còn là người phàm, Phật luôn tu hành không vọng ngữ, tránh xa vọng ngữ, luôn tu hành lời nói thật, tâm chân chánh với lời nói thật, cũng không có lời nói thêu dệt, lời nói luôn luôn dịu dàng, nhỏ nhẹ tùy thuận với chúng sanh. Do hành nghiệp này nên thường sanh lên Cõi Trời hưởng khoái lạc, sau sanh làm người thì được hai tướng Đại Nhân.

1. Mỗi lỗ chân lông chỉ có mỗi sợi lông. Lông ấy mềm mại và đều xoay về phía bên phải, không dính bụi nước.

2. Giữa chặn mày lông đẹp đẽ giống như Đâu La Miên chiếu sáng.

Nhờ tướng này, nếu tại gia thì làm Chuyển Luân Vương, cai trị bốn thiên hạ, nhân dân hưng thịnh phát triển vô cùng khoái lạc.

Nếu xuất gia thì làm Phật, làm cho bốn bộ chúng Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di tăng trưởng vô lượng vô biên khắp thế gian.

Bấy giờ, Thế Tôn nói kệ:

Ta ở đời quá khứ

Luôn tu không vọng ngữ

Mở miệng chưa từng nói

Lời dối gạt không thật

Thích ứng với thế gian

Nói năng không lầm lỗi

Nhờ những hành nghiệp này

Luôn sanh vào Cõi Trời

Sau sanh làm loài người

Được hai tướng Đại Nhân.

Lông trắng sáng chặn mày

Mềm mại như Đâu Miên

Lỗ lông chân một sợi

Tất cả đều xoay phải

Nhờ có hai tướng này

Tại gia làm Chuyển Luân

Cai trị bốn thiên hạ

Nhân dân phát triển mạnh

Nếu bỏ nhà học đạo

Chứng đắc đại Pháp Vương

Chỉ dạy các Trời người

Khiến Chánh Pháp tăng trưởng.

Lại nữa, này Tỳ Xá Khư! Tu hành như thế nào mà miệng có bốn mươi cái răng, răng trắng đều khít?

Trong vô lượng kiếp thuở xưa Như Lai luôn tu hành không nói lời hai lưỡi. Nghe người này không đến nói với người kia. Nghe người kia không đến nói với người này. Sau khi nghe hai bên vì lợi ích hoan hỉ mà đến nói với họ.

Nhờ nghiệp này nên luôn hưởng khoái lạc của Cõi Trời, sau sanh làm người được hai tướng Đại Nhân: Một là miệng có bốn mươi cái răng. Hai là răng trắng đều và khít. Nhờ tướng này nếu ở tại gia thì làm Chuyển Luân Vương, cai trị bốn thiên hạ, không có trộm cướp, quyến thuộc thanh tịnh, vững vàng không hư hoại.

Nếu xuất gia thì được thành Phật, có bốn bộ chúng: Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di kiên cố thọ trì pháp tạng của Như Lai, không bị bốn ma phá hoại.

Bấy giờ, Thế Tôn nói kệ:

Như Lai đời quá khứ

Tu hành không hai lưỡi

Không não loạn chúng sanh

Luôn hòa hợp mọi người

Hành nghiệp sanh lên Trời

Hưởng khoái lạc Chư Thiên

Sau sanh làm loài người

Được hai tướng Đại Nhân

Miệng có bốn mươi răng

Răng trắng đều và khít

Tại gia dòng Sát Lợi

Cai trị bốn thiên hạ

Vua có bốn binh chủng

Kiên cố khó phá hoại

Sát Lợi, Bà La Môn

Không thể lay chuyển được.

Nếu xuất gia thành Phật

Đầy đủ bốn bộ chúng

Luôn được hàng Trời người

Cung kính và tôn trọng.

Lại nữa, này Tỳ Xá Khư! Tu hành như thế nào mà có tướng lưỡi rộng dài phát ra tiếng Phạm âm giống như tiếng chim Ca Lăng Tần Già?

Vào thuở xưa, khi Đức Phật còn là người phàm, không nói lời thô, xả bỏ lời nói thô, tránh xa lời nói thô, luôn nói những lời nói tốt đẹp, lời nói dịu dàng để thấm sâu vào tâm người khiến họ thích nghe và dùng những lời đại từ bi, lời nhất quyết, lời nói ân nghĩa sâu xa, được người yêu mến nhớ nghĩ. Nhờ siêng năng tu tập nghiệp này cao rộng nên thường hưởng khoái lạc ở Cõi Trời.

Sau sanh làm người thì được hai tướng Đại Nhân:

1. Lưỡi rộng dài liếm phủ cả mặt.

2. Tiếng Phạm âm dịu dàng như tiếng Ca Lăng Tần Già khiến ai cũng thích nghe.

Nhờ tướng này nếu tại gia thì làm Chuyển Luân Vương, cai trị bốn thiên hạ, nói ra điều gì hết thảy nhân dân đều thích nghe vui vẻ và tuân làm theo. Nếu không thích tại gia lại xuất gia học đạo thì được thành Phật, nói ra lời gì thì Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di, Trời, Rồng, Dạ Xoa, Người, Phi Nhân đều cung kính lãnh thọ hoan hỷ phụng hành.

Bấy giờ, Thế Tôn nói kệ:

Phật vào đời quá khứ

Tu tập lời nói thiện

Không sanh cũng không giận

Không nói lời thô bạo

Luôn nói lời từ bi

Lời chính xác dịu dàng

Lời nhất vị như vậy

Sau đó mới phát ngôn

Nhờ hành nghiệp như vậy

Được tướng lưỡi rộng dài

Tiếng Phạm âm hòa nhã

Như tiếng chim Ca Lăng

Nhờ hai tướng Đại Nhân

Tại gia làm Chuyển Luân

Nếu nói ra lời gì

Nhân dân đều tuân theo

Nếu xuất gia thành Phật

Chuyển bánh xe Vô Thượng

Diệu pháp được nói ra

Khiến Trời, Người, Tu La

Rồng, Thần và Dạ Xoa

Nghe rồi đều phụng hành.

Lại nữa, này Tỳ Xá Khư! Tu hành như thế nào để có cằm như sư tử?

Vào thời quá khứ, khi Phật làm người phàm luôn tu tập không nói lời thêu dệt, xả bỏ lời nói thêu dệt, mà luôn nói lời hợp thời, lời đúng nghĩa, lời đúng pháp, lời oai nghi, lời thường trụ, lời hữu biên.

Nhờ tích tụ vô lượng công đức nghiệp này nên thường hưởng khoái lạc của Cõi Trời. Sau sanh làm người thì được tướng Đại Nhân có cằm như Sư Tử. Với tướng này, nếu là tại gia thì làm Chuyển Luân Vương, cai trị bốn thiên hạ, tất cả nhân dân không ai dám nổi loạn.

Nếu xuất gia thì được thành Phật, Trời, Người, A Tu La, Phạm, Ma, Sa Môn, Bà La Môn, oan gia trong hoặc ngoài nước không ai dám chống lại Như Lai.

Bấy giờ, Thế Tôn nói kệ:

Ta ở đời quá khứ

Không nói lời thêu dệt

Cũng không tự khen mình

Và nói lời tạp ngữ

Đoạn diệt lời vô nghĩa

Luôn nói lời hợp thời

Nói ra cốt làm vui

Lợi ích cho chúng sanh

Do có hành nghiệp này

Luôn hưởng khoái lạc Trời

Sau sanh làm loài người

Có cằm giống Sư Tử

Tại gia làm Chuyển Luân

Cai trị bốn thiên hạ

Với tướng Đại Nhân này

Không ai dám nổi loạn

Xuất gia được thành Phật

Sa Môn, Phạm, Ma Vương

Trời, Người, A Tu La

La Hầu, Khẩn Na La

Các oan gia trong ngoài

Không ai dám chống lại.

Lại nữa, này Tỳ Xá Khư! Tu hành như thế nào để có bốn răng đều, khít, trắng sạch và tỏa sáng?

Vào thuở xưa, khi Phật còn là người phàm, xả bỏ cuộc sống xấu ác mà luôn nghĩ nghề chân chánh để sinh sống, cũng không làm những việc cân lường lừa gạt người, dùng vật hư dối để lừa gạt người, dùng biến hóa để lừa gạt, yêu thương để lừa gạt.

Tất cả những cách lừa gạt như vậy đều đoạn tận. Nhờ hành nghiệp này mà tích tụ được phước sâu dày, nên sau khi qua đời sanh lên Cõi Trời, hưởng khoái lạc ở mười chỗ.

Thế nào là mười?

1. Tuổi thọ của Trời.

2. Sắc đẹp của Trời.

3. Âm nhạc của Trời.

4. Tiếng tốt đồn xa của Trời.

5. Vua Trời.

6. Sắc Trời.

7. Âm thanh của Trời.

8. Hương thơm của Trời.

9. Mùi vị của Trời.

10. Xúc chạm của Trời.

Sau khi hưởng khoái lạc về mười chỗ ở Cõi Trời rồi, sau sanh làm người thì được hai tướng Đại Nhân.

1. Răng không lớn, không nhỏ.

2. Màu răng trắng sạch.

Nhờ tướng này, nếu tại gia thì làm Chuyển Luân Vương, cai trị bốn thiên hạ.

Bốn bộ chúng: Chúng Bà La Môn, chúng Sát Lợi, nơi xóm làng thành ấp, Đại Thần, trưởng giả, phi hậu, thể nữ và Chư Thiên đều nghiêm tịnh.

Nếu xuất gia thì được thành Phật cũng có bốn chúng Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di và Trời, Người, A Tu La, Càn thát bà đều thanh tịnh.

Bấy giờ, Thế Tôn nói kệ:

Ta ở đời quá khứ

Xả bỏ mưu sinh ác

Lợi bằng pháp thanh tịnh

Chánh mạng để nuôi thân

Trừ bớt khổ chúng sanh

Để họ được an vui

Nhờ có hành nghiệp này

Hưởng mười khoái lạc Trời

Thường được các Trời người

Tôn trọng và khen ngợi

Vua thú khoái lạc Trời

Sau sanh làm loài người

Nhờ quả tu nghiệp lành

Được hai tướng Đại Nhân

Răng không bị to nhỏ

Màu răng trắng tỏa sáng

Sanh vào dòng Sát Lợi

Tại gia làm Chuyển Luân

Có bốn binh vây quanh

Thanh tịnh không nhơ bẩn

Xuất gia được thành Phật

Thường được các bốn chúng

Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni

Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di

Trời, Người, A Tu La

Rồng, Thần và Dạ Xoa

Thanh tịnh không cấu nhiễm

Đều cung kính vây quanh.

Này Tỳ Xá Khư! Đó gọi là hai mươi cách tu hành để được ba mươi hai tướng Đại Nhân. Nhờ tướng này mà trang nghiêm thân vi diệu của Như Lai.

Lại nữa, Tỳ Xá Khư! Thân Phật lại có tám mươi vẻ đẹp, tám mươi vẻ đẹp đó là:

1. Móng tay đỏ hồng.

2. Móng tay nổi tròn lên đẹp.

3. Móng tay bóng láng.

4. Móng tay đầy đặn.

5. Ngón tay tròn trịa.

6. Ngón tay thon thẳng.

7. Ngón tay khép kín.

8. Ngón tay sạch sẽ.

9. Tay chân nõn nà.

10. Phía trong tay chân đỏ hồng.

11. Tay chân bằng phẳng.

12. Bên trong tay chân đầy đặn.

13. Vân tay hiện lên sâu.

14. Vân tay thẳng đẹp.

15. Vân tay nhỏ dài.

16. Tay chân mịn màng.

17. Vân tay không rối.

18. Xương mắt cá không lồi ra.

19. Đầu gối tròn đầy.

20. Bắp chân đều đặn.

21. Bước đi bằng phẳng.

22. Đi như Sư tử chúa.

23. Đi như chim ngỗng Trời.

24. Tướng đi như Long Vương.

25. Tướng đi như Ngưu Vương.

26. Đi không nhìn ra sau.

27. Bước đi không nghiệp ngã.

28. Nửa thân cao thẳng.

29. Thân Phật cao hơn người.

30. Toàn thân đầy đủ.

31. Thân Phật đều đẹp.

32. Thân thể cân đối.

33. Thân thể đầy đặn.

34. Thân thể thẳng đứng.

35. Thân thể bóng sáng.

36. Thân lớn nhỏ đều đặn.

37. Thân thể sạch đẹp.

38. Thân thể mềm mại.

39. Thân thể tịch tịnh.

40. Thân thể chắc chắn.

41. Thân thể chắc nịch.

42. Thân thể đoan nghiêm.

43. Các căn đều đặn.

44. Sắc thân không đen.

45. Thân thể không tối.

46. Lông trên thân sạch sẽ.

47. Tướng bụng tròn trịa.

48. Bụng không có ngấn ngang.

49. Thân thể sáng sạch thấy các sắc tướng.

50. Rốn sâu.

51. Lỗ rốn tròn.

52. Vân rốn xoay về bên phải.

53. Lỗ rốn không trủng.

54. Miệng rốn không dài.

55. Miệng rốn không ngắn.

56. Lông rốn hướng về phía dưới.

57. Có tướng răng của rồng.

58. Môi che kín răng.

59. Bốn răng giữa tròn đều.

60. Bốn răng nanh sắc bén.

61. Bốn răng nanh nhọn dài.

62. Bốn răng nanh đều khít.

63. Lưỡi rộng mềm mại.

64. Màu lưỡi hồng đẹp.

65. Tiếng Phạm âm rõ vi diệu.

66. Tiếng như voi chúa.

67. Tiếng như chim Ca Lăng Tần Già.

68. Nứu răng thịt đầy.

69. Mũi không dài xuống.

70. Mũi cao nhỏ dài.

71. Lỗ mũi sạch sẽ.

72. Mũi suông rộng.

73. Mắt đẹp sáng long lanh.

74. Mắt đen sáng.

75. Lông mi mắt có thứ lớp.

76. Lông mày dài như nữa vầng trăng.

77. Lông mày đen mướt dài ngắn có thứ lớp.

78. Lông mày sáng sạch mướt.

79. Tai thòng xuống trong ngoài sạch sẽ.

80. Tóc mềm mại quay về bên phải không rối dài theo thứ lớp, rất đẹp.

Này Tỳ Xá Khư! Đó là tám mươi vẻ đẹp của Như Lai.

Bấy giờ, Thế Tôn nói kệ:

Ngày đêm thọ trì

Tất cả giới cấm

Vô lượng khổ hạnh

Là đại Phạm Chí

Ba mươi hai tướng

Tám mươi vẻ đẹp.

Anh lạc nghiêm thân

Đấng Thiên Nhân tôn

Ánh sáng rực rỡ

Chiếu diệu vô cùng

Xanh đỏ vàng trắng

Xen lẫn với nhau

Uyển chuyển xoay tròn

Khắp cả hư không

Phóng ánh sáng lớn

Chiếu vô lượng cõi

Ba ngàn Thế Giới

Như Lai thường sáng

Chiếu tới một tầm

Khi phóng ánh sáng

Che lấp nhật nguyệt

Như Mặt Trời mọc

Không thấy các sao

Nếu phóng ánh sáng

Chiếu cả Thế Giới

Nhật quang như Trăng

Màu trắng như sao

Nhờ nói vạn hạnh

Được thân như vậy

Được các chúng sanh

Ưa thích ngắm nhìn

Vui vẻ chiêm ngưỡng

Không bao giờ chán.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần