Phật Thuyết Kinh ưu Bà Di Tịnh Hạnh Pháp Môn - Phẩm Hai - Phẩm Tu Học - Phần Một

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư An Thế Cao, Đời Hậu Hán

PHẬT THUYẾT KINH ƯU BÀ DI

TỊNH HẠNH PHÁP MÔN

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

An Thế Cao, Đời Hậu Hán

 

PHẨM HAI

PHẨM TU HỌC

 

PHẦN MỘT

 

Đức Phật nói kệ xong, Tỳ Xá Khư Mẫu rất vui mừng, lại hỏi Phật: Bạch Thế Tôn!

Đối với Pháp Môn Tịnh Hạnh, Bồ Tát sơ học phải tu học như thế nào để đắc Bồ Đề?

Phật dạy: Bồ Tát sơ học có năm mươi điều tu học để đắc Bồ Đề, năm mươi điều đó là gì?

Nghĩa là: Thể nhập sâu vào pháp tánh, không xả bỏ, không giảm, không đọa, không thối lui, tu học tâm xả, tu học đa văn, tu học oai nghi, tu học chiến thắng quân ma, tu học ánh sáng, tu học tướng tốt của Phật, tu học giới cấm, tu học tam muội, tu học bát nhã, tu học đại bát nhã, tu học hạnh lành, tu học đại hạnh lành, tu học sắc tướng, tu học không hai lời.

Tu học như ý túc, tu học thượng như ý túc, tu học đại như ý túc, tu học diệu như ý túc, tu học dĩ như ý hành, tu học đại ý hành, tu học những điều quy định, tu học tự tại, tu học tướng tâm Phật, tu học tướng tâm viên mãn, tu học thần thông, tu học đại thần thông, tu học chân thật, tu học làm vua thống lãnh bằng chánh pháp để được lâu dài.

Tu học đến chỗ cùng cực, tu học Cõi Phật, tu học thọ mạng của Phật, tu học cây Bồ Đề, tu học hoa sen, tu học pháp Phật giảng, tu học đại pháp luân, tu học chuyển pháp luân, tu học thiện tri thức, tu học lìa bỏ chúng sinh, tu học tay viên mãn, tu học áo bằng cây kiếp ba, tu học Tòa Sư Tử, tu học nằm nghiêng hông bên phải, tu học vị thức ăn của Phật, tu học trú xứ, tu học tướng thủy của Như Lai.

Này Tỳ Xá Khư! Đó là năm mươi học pháp mà Bồ Tát sơ học cần phải tu học để thể nhập sâu vào không bỏ, không giảm, không đọa, không thối lui, con nên biết điều ấy.

Thế Tôn liền nói kệ:

Đầy đủ tất cả hành

Để cầu pháp tịch tịnh

Ánh sáng chiếu Cõi Phật

Vì thương xót chúng sinh

Thoát khỏi nạn ba cõi

Tất cả pháp không cùng

Như Lai đã thấu đạt.

Sau khi Thế Tôn đã nói kệ này, Tỳ Xá Khư Mẫu rất vui mừng, lại hỏi Phật: Bạch Thế Tôn! Như Lai có bao nhiêu ánh sáng, sơ học Bồ Tát phải tu hành như thế nào?

Phật dạy: Này Tỳ Xá Khư! Như Lai có sáu loại ánh sáng.

Sáu loại đó là:

1. Ánh sáng xanh.

2. Ánh sáng vàng.

3. Ánh sáng đỏ.

4. Ánh sáng trắng.

5. Ánh sáng hồng.

6. Màu ánh sáng chiếu sáng.

Này Tỳ Xá Khư! Đó là sáu loại ánh sáng của Như Lai. Sơ học Bồ Tát phải tu hành như thế nào để được ánh sáng này.

Này Tỳ Xá Khư! Vì Bồ Tát nhờ ánh sáng màu xanh nên luôn dùng hoa xanh, hương xoa, hương bột xanh, vải xanh, châu báu xanh, để cúng dường. Nếu nhập thiền định thì thường quán màu xanh. Làm vậy xong, nguyện đời tương lai được có ánh sáng màu xanh.

Bồ Tát tu học ánh sáng màu vàng như thế nào?

Nghĩa là thường lấy hoa vàng, hương xoa, hương bột màu vàng, vải vàng, châu báu vàng, để cúng dường. Nếu vào thiền định thì thường quán màu vàng. Sau khi làm vậy nguyện đời tương lai được có ánh sáng màu vàng.

Bồ Tát tu học ánh sáng đỏ như thế nào?

Nghĩa là thường lấy hoa đỏ, hương xoa, hương bột màu đỏ, vải đỏ, châu báu đỏ để cúng dường. Nếu khi nhập thiền định thì luôn quán màu đỏ. Làm như vậy rồi nguyện đời tương lai được có ánh sáng màu đỏ.

Bồ Tát tu học ánh sáng màu trắng như thế nào?

Nghĩa là thường lấy hoa trắng, hương xoa, hương bột màu trắng, vải trắng, châu báu trắng để cúng dường. Nếu nhập thiền định thì thường quán màu trắng. Làm vậy rồi, nguyện đời tương lai được có ánh sáng màu trắng.

Bồ Tát tu học ánh sáng màu hồng như thế nào?

Nghĩa là thường lấy hoa màu hồng, hương xoa, hương bột hồng, vải hồng, châu báu hồng để cúng dường. Nếu nhập thiền định thì luôn quán màu hồng. Làm vậy rồi, nguyện đời tương lai được có ánh sáng màu hồng.

Bồ Tát tu học màu ánh sáng chiếu sáng như thế nào?

Nghĩa là thường lấy hoa màu ánh sáng, hương xoa ánh sáng, hương bột ánh sáng, vải ánh sáng, và châu báu ánh sáng để cúng dường. Nếu nhập thiền định thì luôn quán ánh sáng. Làm vậy rồi, nguyện đời tương lai được có ánh sáng rực rỡ.

Này Tỳ Xá Khư! Đó gọi là Bồ Tát tu học sáu thứ ánh sáng của Như Lai.

Bấy giờ Thế Tôn nói kệ:

Ánh sáng Phật có sáu

Ánh sáng màu xanh, vàng

Màu đỏ, trắng và hồng

Tướng sáng chiếu rất sáng

Nếu người có trí huệ

Luôn siêng năng tu hành

Ai thích ánh sáng đẹp

Nên học hạnh rộng lớn

Cúng dường hoa, hương, đèn

Dâng lên Đấng Vô Thượng

Tu học sáu món hạnh

Nguyện chi cũng thành tựu.

Sau khi Phật nói kệ.

Tỳ Xá Khư Mẫu rất vui mừng, lại hỏi Phật: Bạch Thế Tôn! Tướng Đại Nhân có bao nhiêu loại và sơ học Bồ Tát phải tu học như thế nào?

Phật dạy: Tướng Đại Nhân có ba mươi hai. Bồ Tát tu học thì có hai mươi hạnh hợp lại với tướng Đại Nhân thành hai đạo và không có thừa.

Hai đạo nghĩa là: Nếu người tại gia thì được làm Chuyển Luân Thánh Vương cai trị làm vua bốn thiên hạ, chiến thắng các nước và đầy đủ bảy báu.

1. Kim luân báu.

2. Voi trắng báu.

3. Ngựa trắng báu.

4. Ma ni báu.

5. Ngọc nữ báu.

6. Tạng Thần báu.

7. Chủ binh báu.

Lại có ngàn người con dõng mãnh oai hùng có thể chiến thắng quân địch, tận cùng bờ biển lớn đều dùng chánh pháp để chiến thắng chứ không dùng binh trượng.

Còn như người xuất gia thì được thành Phật là bậc tối tôn, đệ nhất trong Cõi Trời và người, có đầy đủ ba mươi hai tướng của bậc Đại Nhân.

Ba mươi hai tướng đó là gì?

Đó là thân màu vàng ròng, ánh sáng tròn chiếu một tầm giống dung kim, thân như Phạm Thiên cao thẳng, sau cổ có ánh sáng như mặt trời, đỉnh có nhục kế, tóc xanh biếc, thân Phật tròn đầy như cây Ni Câu Luật, giữa chặng mày có lông như Đâu La Miên, mí mắt trên dưới khép kín nhau, tròng con mắt màu xanh biếc, lưỡi che cả mặt.

Tiếng như Phạm Thiên có tám loại như tiếng Ca Lăng Tần Già, miệng có bốn mươi cái răng, răng trắng đều khít, má như sư tử, da dẻ mịn màng không bị trần cấu, mỗi lỗ chân lông có một sợi mềm mại màu xanh biếc và đều xoay về bên phải, ngực như sư tử, ngực có chữ vạn.

Bảy chỗ đầy đặn, kẽ tay và kẽ chân có màng mỏng dính lại, ngón tay thon dài, hai tay nắm khít nhau, đứng tay dài quá đầu gối, tướng âm mã tàng, gót chân đầy đặn có bánh xe một ngàn căm. Đó là ba mươi hai tướng thân của bậc Đại Nhân.

Này Tỳ Xá Khư! Hai mươi điều để tu được tướng bậc Đại Nhân là gì?

Về thuở xa xưa, khi Như Lai còn là người phàm, đối với pháp thiện ta thành tựu kiên cố không phải dễ thọ trì. Thân hành thiện, khẩu hành thiện, tâm niệm hành thiện, đem tất cả bố thí cho chúng sanh, giữ kỹ giới cấm, luôn an trú trong thanh tịnh, cúng dường cha mẹ, Sa Môn, Bà La Môn, bậc kỳ cựu đức lớn, lục thân quyến thuộc. Đối với pháp thiện ta đều thực hành đủ.

Ta tu tập trọn vẹn và tích trữ nghiệp lành rất nhiều, sanh tử vô lượng lần cho đến còn một đời nữa thôi Nhất Sanh Bổ Xứ thì tự tại như ý, luôn hưởng khoái lạc ở Cõi Trời như: Thọ mạng, sắc lực, ngôi vua, danh văn, sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp. Sau khi thọ khoái lạc Cõi Trời, sanh xuống nhân gian được tướng Đại Nhân, chân đạp đất, khi để chân xuống đất thì khít với mặt đất, dở chân lên còn lại dấu bánh xe, mu bàn chân đầy đặn giống như mu rùa.

Nhờ tướng này, nếu là tại gia thì được làm Chuyển Luân Thánh Vương, nếu xuất gia thì được chứng Vô Thượng Bồ Đề không còn sanh tử, đắc Niết Bàn thường lạc. Oan gia trong ngoài, phạm ma, Sa Môn, Bà La Môn không thể làm hại được. Đó gọi là Phật.

Bấy giờ Thế Tôn nói lại bằng kệ:

Các pháp đều nhu hòa

Luôn giữ trai giới cấm

Bố thí tâm bình đẳng

Quán sâu pháp vô thường

Tất cả nghiệp đã tạo

Tâm thọ trì kiên cố

Nhờ có hành nghiệp này

Thường sanh lên Cõi Trời

Sau sanh vào loài người

Hưởng phước báu thế gian

Dưới chân được bằng phẳng

Đạp xuống đều khít đất

Đất in hình bánh xe

Tại gia hay xuất gia

Đều có tướng như vậy

Dù Phạm Thiên, Ma Vương.

Sa Môn, Bà La Môn

Tất cả các oan gia

Đều phải bị hàng phục

Xuất gia hành học đạo

Đoạn hẳn gốc sanh tử

Các hành đã đầy đủ

Chứng đắc bậc vô thượng.

Lại nữa, này Tỳ Xá Khư! Tu hành như thế nào để có tướng bánh xe ngàn căm?

Thuở xa xưa khi Như Lai còn là người phàm luôn gánh vác cho chúng sinh, dẹp trừ sự sợ hãi cho họ, bố thí niềm vui vô úy. Nếu được ai bố thí ta đều đem cho chúng sanh chứa nhóm nghiệp lành cao lớn không thể tính kể. Sau khi qua đời sanh lên Cõi Trời hưởng diệu lạc.

Lần lượt như vậy qua vô lượng vô biên lần, sau đó sanh làm người, được tướng Đại Nhân, dưới bàn chân có bánh xe ngàn căm.

Tướng bánh xe tròn đầy giống như chân Kim luân. Được tướng này rồi nếu là tại gia thì Chuyển Luân Thánh Vương, cai trị bốn thiên hạ, có đầy đủ bảy báu, luôn có Sa Môn, Bà La Môn, Cư Sĩ, Đại Thần, Trưởng Giả và bốn binh vây quanh.

Nếu xuất gia thì được thành Phật, có đại chúng vây quanh được Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di, Trời, Rồng, Dạ Xoa, Càn Thát Bà, A Tu La, Ca Lầu La, Khẩn Na La, Ma Hầu La Già… cung kính tôn trọng.

Bấy giờ Thế Tôn nói lại bằng kệ:

Ta trong vô lượng kiếp

Giúp cho chúng sanh vui

Giúp họ không lo sợ

Bảo hộ không dừng nghĩ

Nhờ nghiệp công đức này

Thường sanh lên Cõi Trời

Đến Nhất Sanh Bổ Xứ

Dưới chân xe ngàn căm

Sáng rực như Kim Luân

Nhờ tạo ngàn hành nghiệp

Được chứng nhân trung tôn

Có đại chúng vây quanh

Chiến thắng các ma oán

Nếu là dòng Sát Lợi

Thì làm vua Chuyển Luân

Nếu xuất gia học đạo

Thì thành Vô Thượng Tôn

Trời người A Tu La

Ma Hầu La vân vân

Loài bốn chân phi nhân

Đều cung kính cúng dường

Tiếng đồn khắp mười phương

Làm ruộng phước cho người.

Lại nữa, này Tỳ Xá Khư! Tu hành như thế nào để có ba tướng Đại Nhân?

Về thuở xa xưa, khi Như Lai còn là người phàm, không giết hại chúng sinh, không đánh đập, không bao giờ cất chứa những khí cụ để đánh đập luôn sanh lòng tàm quý, tu tập từ bi.

Nghiệp lành chứa cao xa không thể nghĩ bàn trải qua sanh tử vô lượng kiếp cho đến nhất sanh bổ xứ vào làm người thì được ba tướng Đại Nhân:

1. Gót chân đầy đặn.

2. Ngón tay thon dài.

3. Thân tròn và thẳng như Phạm Thiên.

Nhờ tướng này mà được thọ mạng lâu dài, hiện tướng sống lâu, giữ gìn mạng sống không sợ chết yểu. Nếu xuất gia thì được thành Phật, thọ mạng lâu dài. Tất cả thế gian, Trời, người, Sa Môn, Bà La Môn, không ai có thể phá hoại tuổi thọ của Như Lai được.

Bấy giờ Thế Tôn nói lại bằng kệ:

Ai cũng sợ chết sợ đao trượng

Lấy mình ví dụ chớ đánh đập

Cho nên xa lìa sao suy nghĩ

Nhờ hạnh lành này sanh Cõi Trời

Hưởng quả báo Trời vui vô lượng

Qua đời làm người được ba tướng

Tay, chân dài, thân tròn đầy

Đi trên đất vững như rùa vàng

Ngón tay thon dài như búp măng

Thân thể sáng rỡ như Tu Di

Ba tướng này thành Thiên Nhân Tôn

Biểu hiện Như Lai sống dài lâu.

Lại nữa, này Tỳ Xá Khư! Tu hành như thế nào để có bảy chỗ viên mãn?

Về thuở xưa, khi Như Lai còn là người phàm luôn luôn làm thí chủ, đem những thứ thức uống ăn, trái ngọt, hương thơm, nước uống, siêng tu bố thí, chứa nhóm nghiệp này cao xa không thể nghĩ bàn cho đến đạt Nhất Sanh Bổ Xứ, thường hưởng khoái lạc Cõi Trời, sau sanh làm người được tướng bảy chỗ viên mãn.

Môi, cằm, tay, chân đều đầy đặn. Nhờ tướng này nếu là tại gia thì làm Chuyển Luân Thánh Vương, đều có đầy đủ món ăn thượng hạng trong thế gian. Còn nếu xuất gia thì được thành Phật, thọ thức ăn, uống tối thượng bằng vị ngon nhất trong Trời, người.

Bấy giờ, Thế Tôn nói lại nằng kệ:

Ăn uống ngửi nếm món Vô Thượng

Thí chủ luôn tu hành như vậy

Vì hạnh lành này không thể lường

Hưởng khoái lạc như vườn hoan hỷ

Thọ nghiệp báo sanh xuống làm người

Được bảy tướng Đại Nhân bảy chỗ đầy

Tay chân mềm mại không ai bằng

Nhờ tướng này được món thượng hạng

Tại gia hay xuất gia đều như vậy

Như Lai đoạn hẳn lậu ba cõi

Cho nên đắc thành Vô Thượng Tôn.

Lại nữa, này Tỳ Xá Khư! Tu hành như thế nào để tay chân mềm mại có tướng màng lưới mỏng dính lại với nhau?

Vào thuở xa xưa khi Như Lai còn là người phàm, luôn dùng Tứ Nhiếp Pháp để giáo hóa chúng sanh, đó là: Bố thí, ái ngữ, lợi hành và đồng sự.

Có ai cầu xin điều gì cũng không làm trái ý họ, tích chứa nghiệp này cao xa cho đến Nhất Sanh Bổ Xứ, luôn hưởng khoái lạc của Cõi Trời, sau sanh xuống làm người thì được hai tướng Đại Nhân:

1. Tay chân mềm mại.

2. Tay chân có màng lưới mỏng dính lại nhau.

Nhờ tướng này nếu tại gia thì được làm Chuyển Luân Thánh Vương, cai trị bốn thiên hạ, còn nếu xuất gia thì thành Pháp Vương, giáo hóa vô lượng chúng sanh như: Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di, Trời, Rồng, Dạ Xoa, Càn thát bà, A Tu La, Ca Lầu La, Khẩn Na La, Ma Hầu La Già, Nhân, Phi Nhân v.v…

Bấy giờ, Thế Tôn nói kệ:

Tu bố thí, ái ngữ

Lợi hành cùng đồng sự

Luôn dùng bốn nhiếp pháp

Giáo hóa không bỏ ai

Do nhờ hành nghiệp này

Thường sanh lên Cõi Trời

Rồi sanh xuống làm người

Được hai tướng Đại Nhân

Tay chân đều mềm mại

Và màng lưới dính nhau

Vi diệu mỏng nhỏ đẹp

Nhờ có hai tướng này

Tại gia làm chuyển luân

Lấy pháp lành giáo hóa

Ai nấy đều thuận theo

Giữ gìn không vi phạm

Vui mừng khen Thánh Vương

Ban ân không ai bằng

Lòng từ thấm bốn phương

Nếu lìa bỏ năm dục

Xuất gia được thành Phật

Vì chúng sanh giảng pháp

Người nghe đều lãnh thọ.

Lại nữa, này Tỳ Xá Khư! Tu hành như thế nào để có tướng cổ chân như Lai thẳng tròn và lông trên thân xoay về phía phải?

Phật dạy: Này Tỳ Xá Khư!

Về thuở xưa, khi Như Lai còn là người phàm, luôn dùng pháp lành để giáo hóa chúng sanh, thường thực hành pháp thí không bao giờ nói lời vô nghĩa. Nhờ nghiệp này mà được tăng trưởng lớn mạnh cho đến đạt Nhất Sanh Bổ Xứ.

Sau sanh làm người được hai tướng Đại Nhân:

1. Chân cao thẳng không thấy mắc cá.

2. Lông xoay tròn phía phải.

Nhờ tướng này, nếu tại gia thì được làm Chuyển Luân Thánh Vương, bậc tôn quí cao nhất trong loài người, vui vẻ khoái lạc trong năm dục, có bảy báu, có một ngàn người con theo hầu bên cạnh.

Nếu bỏ nhà vào núi học đạo thì được thành Phật, là bậc tôn quí tối thượng nhất trong Trời người không có ai sánh bằng, tất cả chúng sanh đều cung kính tôn trọng:

Bấy giờ, Thế Tôn nói kệ:

Luôn dùng pháp lành

Lợi ích chúng sanh

Luôn dùng lời hay

Giáo hóa chúng sanh

Luôn dùng lực tốt

Giữ gìn chúng sanh

Hoan hỉ khoái lạc

Luôn ban pháp thí

Không còn ganh ghét

Nhờ có nghiệp này

Tích chứa vô lượng

Sanh làm loài người

Được tướng Đại Nhân

Một: chân tròn thẳng

Không có mắt cá.

Hai: Lông xoay tròn

Đều quay bên phải

Nếu là tại gia

Làm Chuyển Luân Vương

Làm vua thiên hạ

Nếu là xuất gia

Được chứng thành Phật

Bậc tôn quí nhất

Trong Cõi Trời người.

Lại nữa, này Tỳ Xá Khư! Tu hành như thế nào để chúng sanh tướng bắp chân như nai?

Về vô lượng kiếp xa xưa khi Như Lai còn là người phàm, thường dạy bảo người về tất cả những sách vở, oai nghi, nghề nghiệp, thuốc men, chú thuật, dạy giữ cấm giới dạy cho họ đều đầy đủ, ta luôn suy nghĩ: Làm thế nào để mọi người hiểu hoàn hảo về ý nghĩa mà mau thông đạt, không có tâm mệt mỏi nhàm chán. Nhờ cất chứa nghiệp này rộng lớn cho đến nhất sanh bổ xứ hưởng khoái lạc ở Cõi Trời. Sau sanh làm người được tướng Đại Nhân có bắp chân giống như nai.

Nếu ở tại gia thì làm Chuyển Luân Thánh Vương, cai trị bốn thiên hạ, tất cả vật cần dùng để cúng dường hễ nghĩ đến thì có ngay.

Nếu xuất gia thì được thành Phật, hễ cần những vật cúng dường trong Cõi Trời hay cõi người thì cũng đều có ngay.

Bấy giờ, Thế Tôn nói kệ:

Các sách đều chỉ dạy

Công xảo và chú thuật

Phương thuốc để trị bệnh

Luôn tự suy nghĩ rằng

Sao để họ chóng thành

Học tập không mệt mỏi

Lần lượt dạy người khác

Do nhờ hành nghiệp này

Chứa nhóm không thể lường

Đến Nhất Sanh Bổ Xứ

Thành tướng tốt Đại Nhân

Có bắp chân như nai

Thon đẹp và đầy đặn

Da mỏng lại mềm mại

Lông đứng xoay bên phải

Nhờ tướng Đại Nhân này

Ký thành nhân trung tôn

Tại gia làm Luân Vương

Sở cầu mau thành tựu

Nếu xuất gia thành Phật

Tất cả vật cúng dường

Nghĩ ra có đầy đủ.

Lại nữa, này Tỳ Xá Khư!

Tu hành như thế nào để có tướng da bóng láng trơn không bị dính bụi trần?

Vào thuở xưa khi Phật còn là người phàm.

Nếu có Sa Môn, Ba La Mật, Sát Lợi, Cư Sĩ đến chỗ ta hỏi rằng: Bạch Đại Đức! 

Những gì là hạnh thiện và những gì là bất thiện?

Những gì là nên gần gũi và những gì nên tránh xa?

Những hành nghiệp gì được hưởng an lạc và hành nghiệp gì phải thọ khổ não?

Thuở ấy ta phân biệt cho họ rằng:

Pháp này nên làm, pháp này không nên làm.

Pháp này nên hành, pháp này không nên hành.

Pháp này được khoái lạc, pháp này không khoái lạc.

Nhờ tích chứa vô lượng nghiệp này cho đến nhất sanh bổ xứ mà thọ hưởng khoái lạc ở Cõi Trời.

Sau sanh làm người được tướng Đại Nhân có làn da bóng mịn, không bị dính bụi nước.

Ví như hoa sen tuy ở trong nước mà không bị nước làm ô nhiễm.

Thân tướng của Như Lai cũng như vậy.

Nhờ tướng này ở tại gia thì làm Chuyển Luân Thánh Vương, thông minh trí tuệ, còn nếu ở thế gian làm Sa Môn, Ba La Mật, Sát Lợi, Cư Sĩ thì không ai sánh bằng.

Còn nếu xuất gia học đạo thì sẽ thành Phật, có trí tuệ rộng lớn, trí tuệ lanh lợi tối thượng hơn hết, dù Chư Thiên, Trời, Người, Phạm, Ma, Sa Môn, Bà La Môn có trí tuệ cũng không thể sánh bằng.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần