Phật Thuyết Kinh ưu Bà Tắc Giới - Phẩm Hai Mươi - Thanh Tịnh Tam Quy Y
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Đàm Vô Sấm, Đời Bắc Lương
PHẬT THUYẾT
KINH ƯU BÀ TẮC GIỚI
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Đàm Vô Sấm, Đời Bắc Lương
PHẨM HAI MƯƠI
THANH TỊNH TAM QUY Y
Thiện Sinh bạch Phật: Kính bạch Đức Thế Tôn! Như Đức Phật trước đây có nói: Nếu có người đến cầu thọ giới Bồ Tát, trước tiên nên cho họ thọ Tam Quy Y, sau đó mới thọ giới Bồ Tát.
Do nhân duyên gì mà phải thọ Tam Quy Y?
Thế nào là Tam Quy Y?
Thiện nam tử! Vì muốn phá diệt sự khổ đau, đoạn trừ phiền não, hưởng thọ sự vui tịch diệt vô thượng, do nhân duyên này mà thọ Tam Quy Y. Như lời ông vừa hỏi, Tam Quy Y tức là Phật, Pháp, Tăng. Phật là bậc chỉ dạy phương pháp trừ diệt nguyên nhân của phiền não, để đạt đến sự giải thoát chân chánh.
Pháp là phương pháp trừ diệt nguyên nhân của phiền não, để đạt đến sự giải thoát chân thực. Còn Tăng là người bẩm thọ phương pháp diệt trừ nguyên nhân của phiền não, để đạt đến sự giải thoát chân chánh.
Có người nói rằng: Nếu vậy, tức là chỉ có một quy y.
Điều này không đúng.
Vì sao?
Đức Như Lai xuất hiện hay không xuất hiện thế gian, chánh pháp vẫn thường tồn tại, thế nhưng không có người giảng nói. Sau khi Đức Như Lai xuất thế, Ngài là bậc giảng nói chánh pháp, cho nên phải riêng thọ quy y Phật.
Lại nữa, Đức Như Lai xuất thế hay không xuất thế, chánh pháp vẫn thường hiện hữu, thế nhưng không có người bẫm thọ, chỉ có đệ tử của Phật mới có thể bẩm thọ, cho nên phải riêng thọ quy y Tăng. Con đường giải thoát chân thực gọi là pháp, bậc không thầy mà tự giác ngộ gọi là Phật, có thể thọ trì đúng như pháp thì gọi là Tăng.
Không có Tam Quy Y thì làm sao nói có bốn lòng tin không hoại?
Những nguời bẩm thọ Tam Quy Y, hoặc bẩm thọ đủ, hoặc không đủ.
Thế nào gọi là đủ?
Nghĩa là quy y Phật, Pháp, Tăng. Thế nào là không đủ. Như Đức Như Lai chỉ quy y Pháp mà không quy y Tăng. Còn các Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di đều bẩm thọ đầy đủ Tam Quy Y.
Thiện nam tử! Như Phật, Duyên Giác, Thanh Văn, có sự khác biệt, bởi thế Tam Bảo cũng có sự khác biệt.
Khác biệt thế nào?
Những sự phát tâm, tu hành, đắc đạo đều có sự khác biệt, cho nên gọi là khác biệt.
Nhân duyên nào mà cho rằng Phật tức là pháp?
Vì hiểu rõ các pháp, cho nên gọi là Phật. Bẩm thọ giáo pháp của Phật thì gọi là Tăng.
Nếu nói rằng: Phật thuộc vào hàng ngũ của Tăng, điều này không đúng.
Vì sao?
Nếu Phật thuộc vào hàng ngũ của Tăng, thì sẽ không có Tam Bảo, Tam Quy Y và Bốn lòng tin không hoại.
Này Thiện nam tử! Pháp của Bồ Tát khác biệt, cho nên Phật và Tăng cũng khác biệt.
Bồ Tát có hai loại:
Một là Bồ Tát hậu thân.
Hai là Bồ Tát tu đạo.
Nếu quy y với Bồ Tát hậu thân, thì gọi là quy y Pháp.
Còn quy y với Bồ Tát tu đạo, thì gọi là quy y Tăng. Những bậc quán sát các pháp hữu vi đầy dẫy những tội chướng lỗi lầm, riêng một mình tu tập, được vị cam lộ, thì được gọi là Phật. Tất cả pháp giới vô lậu vô vi được gọi là Pháp. Những bậc thọ trì cấm giới, đọc tụng, giảng nói mười hai phần giáo, thì được gọi là Tăng.
Nếu có người nói: Sau khi Đức Như Lai đã diệt độ, thì quy y Phật là quy y với ai?
Thiện nam tử! Quy Y như thế là quy y với pháp vô học của Chư Phật đời quá khứ.
Như trước đây ta có dạy ông Trưởng Giả Đề Vị rằng: Ông nên quy y với chư Tăng đời vị lai.
Quy y với Chư Phật đời quá khứ cũng giống như vậy!
Vì quả báo, phước điền, hoặc nhiều hoặc ít, mà chia làm ba ngôi Phật, Pháp, Tăng. Đức Phật còn tại thế hay sau khi nhập Niết Bàn, quả báo của sự cúng dường không có gì khác biệt. Sự thọ Tam Quy Y cũng giống như vậy.
Như Đức Phật lúc tại thế, vì các hàng đệ tử chế lập giới luật. Sau khi Ngài nhập Niết Bàn, nếu có người phạm giới, cũng vẫn phạm tội. Quy y Chư Phật đời quá khứ cũng giống như thế.
Cũng như lúc Đức Như Lai gần nhập Niết Bàn, tất cả Trời Người vì cầu pháp Niết Bàn, nên đều dâng lễ vật cúng dường lên Đức Như Lai, khi ấy Đức Như Lai chưa nhập Niết Bàn, vẫn còn tại thế, Ngài đã thọ nhận sự cúng dường của chúng sinh đời vị lai.
Quy Y Chư Phật đời quá khứ cũng giống như thế. Giống như có người, cha mẹ tuy ở xa, nếu người ấy giận dữ mắng chửi cha mẹ, cũng sẽ mắc tội. Hoặc nếu như đối với cha mẹ cung kính, khen ngợi, cũng sẽ được phước. Quy y Chư Phật đời quá khứ cũng giống như thế.
Cho nên ta có nói: Nếu có người cúng dường cho ta, khi còn tại thế hay sau khi nhập Niết Bàn, phước đức sẽ như nhau, không có sự khác biệt.
Thiện nam tử! Người nam, hoặc người nữ nào, nếu có thể lập lại ba lần pháp Tam Quy Y, thì người đó gọi là Ưu Bà Tắc, hoặc Ưu Bà Di.
Tuy rằng tất cả Chư Phật đều quy y Pháp, thế nhưng Pháp phải do Chư Phật nói ra, mới có thể hiển hiện ở thế gian, vì thế chúng sinh trước tiên phải quy y Phật. Nếu đem thân khẩu ý thanh tịnh chí tâm niệm Phật, ắt sẽ xa lìa được sự sợ hãi khổ não, vì thế trước tiên phải quy y Phật.
Người trí quán sát sâu xa sự tối thắng của trí tuệ giải thoát của Đức Như Lai, Ngài có thể nói pháp giải thoát, nói nhân cho sự giải thoát, có thể chỉ cho chúng sinh nơi vô thượng tịch tĩnh, có thể làm khô cạn biển lớn sinh tử khổ não.
Đức Phật uy nghi chững chạc, ba nghiệp tịch tĩnh, vì thế, trước tiên phải quy y Phật. Người trí quán sát thâm sâu pháp sinh tử là tập hợp của sự khổ, chỉ có đạo chân chánh vô thượng mới có thể trừ đoạn.
Pháp sinh tử là pháp tham ái, đói khát, chỉ có cam lộ vô thượng mới có thể viên mãn tất cả sự mong cầu. Pháp sinh tử là sự sợ hãi, hiểm nạn, chỉ có chánh pháp vô thượng mới có thể trừ đoạn.
Pháp sinh tử, đầy dẫy sự sai lầm, tà vạy bất chánh, vô thường chấp là thường, vô ngã chấp là ngã, không vui chấp là vui, bất tịnh chấp là tịnh, chỉ có chánh pháp vô thượng có thể đoạn trừ tất cả, do nhân duyên này, nên phải quy y Pháp.
Người trí nên quán sát những kẻ ngoại đạo, không biết hổ thẹn, không sống đúng như pháp, tuy cũng tu hành, nhưng lại không biết con đường chơn chánh, tuy cũng cầu giải thoát, nhưng không biết điểm cốt yếu chân thật, tuy cũng được chút ít pháp lành của thế gian, nhưng lại bỏn sẽn giấu diếm, không chịu truyền dạy cho người khác, cái không phải là pháp lành, lại cho là pháp lành.
Còn như các vị Tăng trong Phật Pháp, tâm tính tịch tĩnh, lòng thường thương xót, ít muốn biết đủ, sống đúng như pháp, tu tập chánh đạo, được sự giải thoát chân chánh, đã được rồi lại đem chỉ dạy cho người khác, bởi thế, kế đó phải quy y Tăng.
Nếu có người lễ bái Tam Bảo, cung kính đón đưa, tôn trọng khen ngợi, sống đúng như pháp, tin tưởng không nghi, như thế gọi là cúng dường Tam Bảo. Nếu như có người sau khi quy y Tam Bảo, tuy chưa thọ giới, nhưng lại đoạn trừ tất cả pháp ác, tu tập tất cả pháp lành, tuy đó là người tại gia, nhưng sống đúng như pháp, người đó cũng được gọi là Ưu Bà Tắc.
Nếu có người cho rằng: Nếu trước đó không quy y Tam Bảo Phật Pháp Tăng, nên biết người thọ giới đó không đắc Ngũ Giới. Điều này không phải như vậy.
Vì sao?
Như trước đây ta có nói: Thiện lai Tỳ Kheo. Những người đó chưa hề quy y Tam Bảo, thế nhưng bọn họ đều được đầy đủ giới pháp.
Hoặc có người cho rằng: Nếu không thọ hết các giới tướng, thì sẽ không đắc được giới thể. Pháp Bát Quan Trai cũng giống như thế. Thế nhưng, điều này lại cũng không phải như vậy.
Vì sao?
Nếu như không thọ hết tất cả giới tướng thì không đắc được giới thể, tại sao những Ưu Bà Tắc chỉ mong cầu phước lạc nhân thiên lại được đắc giới?
Sự thật là đắc được giới thể, chỉ có giới tướng là không đầy đủ. Tương tự, không thọ đủ giới tướng Bát giới trai, tuy không gọi là trai, nhưng vẫn có thể gọi là pháp lành.
Thiện nam tử! Nếu có thể dùng nghiệp thân khẩu ý thanh tịnh thọ giới Ưu Bà Tắc, thì gọi là ngũ ấm.
Thế nào là ngũ ấm?
Không thọ nhận tà kiến, không giảng nói tà kiến, tin tưởng thọ nhận chánh kiến, giảng nói chánh kiến, tu hành chánh pháp, đây gọi là ngũ ấm.
Nếu như sau khi thọ Tam Quy Y, lại tạo tác nghiệp ngu si, tiếp thọ tà pháp của ngoại đạo, nghe lời của bọn Tự Tại Thiên, do nhân duyên này sẽ mất Tam Quy Y. Nếu có người lòng dạ ngay thẳng, không bỏn sẻn tham lam, thường biết hổ thẹn, ít muốn biết đủ, người đó không bao lâu sẽ được thân tịch tĩnh.
Nếu như tạo tác nghiệp tạp nhiễm, vì muốn hưởng sự vui sướng mà tu các pháp lành, nhưng lòng không biết thương xót chúng sinh, giống như việc mua bán đổi chác, những người như vậy không đắc được pháp Tam Quy Y.
Nếu như có người vì muốn giữ gìn nhà cửa, thân mạng, mà thờ cúng thần linh, những người đó không gọi là mất Tam Quy Y.
Nếu như có người hết lòng tin tưởng rằng ngoại đạo có thể cứu giúp mình qua tất cả sự sợ hãi, mà lễ lạy bọn họ, thì người đó mất Tam Quy Y.
Nếu như nghe các vị Trời đó đã từng quy y Phật, công đức của họ thù thắng hơn mình, thì sự lễ bái cúng dường họ cũng không mất pháp Tam Quy Y.
Nếu lễ lạy Tự tại Thiên Vương cũng giống như lễ lạy các vị Quốc Vương, Trưởng Giả, quý tộc, những người tuổi tác đức hạnh, thì những người lễ lạy đó cũng không mất pháp Tam Quy Y.
Tuy có lúc lễ lạy tà pháp của ngoại đạo, thế nhưng, phải nên cẩn thận không tiếp thọ giáo pháp của bọn họ. Lúc cúng dường chư thiên, nên khởi tâm từ bi, vì muốn bảo hộ thân mạng, của cải, cõi nước, và làm cho nhân dân không sợ hãi.
Tại sao không tiếp thọ những tà thuyết của ngoại đạo?
Người trí nên quán sát những gì mà ngoại đạo nói, bọn họ cho rằng tất cả mọi vật đều do Trời Tự Tại sinh ra.
Nếu tất cả đều do Trời Tự Tại sinh ra, tại sao ngày hôm nay chúng ta lại phải tu tập pháp lành?
Hoặc có người nói: Nhảy xuống vực sâu, nhảy vào lửa, nhịn đói, tự vận thì được hết khổ.
Những điều này là nhân của sự khổ, tại sao lại cho rằng nhờ đây sẽ được hết khổ?
Tất cả chúng sinh làm nghiệp thiện ác, do nghiệp duyên này mà tự mình thọ quả báo.
Lại có người cho rằng: Tất cả vạn vật, hoặc do thời gian, hoặc do tinh tú, hoặc do Trời Tự Tại sinh ra.
Nếu thế, tại sao chúng ta lại thọ nhận quả báo của nghiệp trong đời này và đời quá khứ?
Người trí biết rõ đó là quả báo của nghiệp, tại sao lại cho rằng mọi vật là do thời tiết, tinh tú, hoặc Trời Tự Tại sinh ra?
Nếu do nhân duyên của thời tiết, tinh tú mà thọ sự khổ, sự vui, như vậy, trong thiên hạ có nhiều người sinh đồng thời tiết, hoặc cùng tinh tú, tại sao người này thọ khổ, người kia hưởng vui?
Người này là nam, người kia là nữ?
Như các vị Trời, và A Tu La, sinh ra đồng thời tiết, hoặc cùng tinh tú, tại sao hoặc là Trời thắng, A Tu La thua, hoặc là A Tu La thắng, Trời thua. Tại sao lại có các vị Vua, tuy cũng sinh đồng thời, cùng tinh tú, mà trên phương diện chánh trị, lại có người mất nước, có người giữ nước.
Các bọn ngoại đạo lại cũng nói rằng: Nếu có năm xấu, lúc sao xấu xuất hiện, phải dạy bảo cho chúng sinh tu pháp lành để tiêu tai giải nạn.
Nếu nhân vì năm xấu, hoặc sao xấu, tại sao do tu pháp lành lại qua tai nạn?
Đã biết như vậy, người trí sao lại còn lãnh thọ tà thuyết sai lầm của ngoại đạo?
Thiện nam tử! Tất cả chúng sinh tùy hạnh nghiệp của mình, nếu biết tu tập chánh kiến sẽ hưởng sự an vui, nếu như tu tập tà kiến sẽ thọ nhiều khổ não. Nhờ tu tập nghiệp lành mà được tự tại, sau khi được tự tại, chúng sinh sẽ đến gần gũi, sau đó vì chúng sinh mà nói nghiệp lành, chúng sinh nhờ nghiệp lành mà được tự tại. Tất cả chúng sinh nhờ tu nghiệp lành mà được an lạc, chẳng phải do năm tháng, hay do tinh tú.
Thiện nam tử! Vua A Xà Thế và Đề Bà Đạt Đa, đã do tạo nghiệp mà đọa địa ngục, chẳng phải do năm tháng, tinh tú mà bị quả báo đó. Còn ông Uất Đầu Lam Phất do vì nhân duyên tà kiến, mà trong tương lai sẽ đọa địa ngục.
Thiện nam tử! Lòng ham muốn là gốc của tất cả pháp lành. Do lòng ham muốn mà được ba pháp bồ đề và quả giải thoát. Do lòng ham muốn mà chúng sinh xuất gia, phá nghiệp ác căn bản và nghiệp gây tạo sinh tử luân hồi.
Có thể thọ trì giới luật, gần gũi Chư Phật, bố thí tất cả của cải cho những người đến xin. Kiên quyết phá diệt tất cả quả báo ác, trừ diệt tất cả nghiệp ác lớn, được quyết định tụ, xa lìa ba chướng, khéo léo tu tập phương pháp phá diệt phiền não.
Bởi do lòng ham muốn, có thể thọ trì Tam Quy Y. Do đã thọ Tam Quy Y, có thể thọ ngũ giới. Sau khi thọ giới, tất cả sự kiến đạo, tu đạo, đều hơn hàng Thanh Văn.
Ngay những người vì sợ sư tử, cọp, sói, ác thú mà quy y Phật, còn được giải thoát, huống chi những người phát tâm lành cầu thoát ly sinh tử mà không được giải thoát?
Khi ông Cấp Cô Độc bảo người vợ thọ Tam Quy Y cho đứa con còn trong thai, thì đứa trẻ đó chưa thành tựu pháp Tam Quy Y.
Vì sao?
Vì pháp Tam Quy Y phải do tự miệng mình nói ra. Tuy chưa thành tựu, nhưng đứa trẻ trong thai cũng được long thiên bảo hộ.
Thiện nam tử! Bọn ngoại đạo cho rằng tất cả pháp thế gian đều do Trời Tự Tại tạo ra, lại còn cho rằng trong tương lai, sau một trăm kiếp, sẽ có người huyễn xuất hiện. Bọn họ nói người huyễn, là muốn ám chỉ Đức Phật.
Nếu như Trời Tự Tại tạo ra Phật, tại sao Phật lại đả phá ý nghĩa của sự quy y Trời Tự Tại?
Nếu như Trời Tự Tại không tạo ra Phật, tại sao lại nói Trời Tự Tại tạo ra tất cả?
Bọn ngoại đạo lại cho rằng: Ba vị Trời Phạm Thiên, Đại Tự Tại, và Tỳ Nữu, chỉ là một vị, nhưng chỗ sinh của mỗi vị đều khác nhau. Trời Tự Tại, còn có tên là Thường, là Chúa, là Hữu, là Luật Đà, là Thi Bà, mỗi tên đều có ý nghĩa khác nhau. Trời Tự Tại là người cầu sự giải thoát, mà cũng chính là sự giải thoát. Thế nhưng điều này không đúng.
Vì sao?
Nếu Trời Tự Tại có thể tạo ra chúng sinh, thì ông ta cũng tạo ra thế gian, tạo ra nghiệp thiện ác cùng quả báo của nghiệp, tạo ra tham, sân, si trói buộc chúng sinh. Bọn ngoại đạo lại cho rằng, lúc chúng sinh được giải thoát, sẽ nhập vào thân của Trời Tự Tại, cho nên biết rằng giải thoát là pháp vô thường.
Điều này không đúng.
Vì sao?
Nếu là vô thường, thì làm sao gọi là giải thoát?
Ví như đứa con của người Bà La Môn, thọ mạng có hạn, cho nên biết ông ta không được gọi là Trời Tự Tại. Ba vị Trời Đại Phạm Thiên, Đại Tự Tại, và Tỳ Nữu cũng chẳng phải là một.
Vì sao?
Vì giống dân A Châu Na được giải thoát bởi Trời Tỳ Nữu và Trời Đại Phạm, vì lý do đó, ba vị Trời này không phải là một.
Nếu cho rằng giải thoát là pháp vô thường, thì sự giải thoát là huyễn hóa, chứ không phải Đức Phật là huyễn hóa.
Nếu như có thể thấy chân ngã một cách chánh xác rõ ràng, gọi là sự giải thoát.
Hoặc có người cho rằng: Thấy được sự khác biệt của bổn tánh, và sự khác biệt của chân ngã, gọi là giải thoát.
Điều này không đúng!
Vì sao?
Người nào tu đạo thấy được bốn Thánh đế, đó mới là người thấy được bổn tánh, thấy được chân ngã, và hơn nữa, chỉ có người thọ Tam Quy Y mới có thể thấy bốn chân đế, vì thế pháp Tam Quy Y là căn bổn cho vô lượng pháp lành, nhẫn đến A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề.
Bồ Tát có hai hạng:
Một là tại gia.
Hai là xuất gia.
Bồ Tát xuất gia thanh tịnh Tam Quy Y, điều này không khó. Bồ Tát tại gia thanh tịnh Tam Quy Y, điều này mới khó.
Vì sao?
Vì người tại gia bị nhiều ác duyên ràng buộc.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Bát Nhã Ba La Mật - Phẩm Tám Mươi Chín - Phẩm đàm Vô Kiệt
Phật Thuyết Kinh Na Tiên đàm đạo - Phần Bốn - Thần Thức Tái Sanh
Phật Thuyết Kinh đại Bảo Tích - Pháp Hội Thứ Năm Mươi Bốn - Pháp Hội Hải Huệ Bồ Tát - Phần Bảy
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Hiếu Dưỡng
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Hai - Phẩm Xá Lợi Tử - Phần Bốn
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Quảng Thuyết Bát Lực