Phật Thuyết Kinh ưu Bà Tắc Giới - Phẩm Mười - Lợi Mình Lợi Người

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:04 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Đàm Vô Sấm, Đời Bắc Lương

PHẬT THUYẾT

KINH ƯU BÀ TẮC GIỚI

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Đàm Vô Sấm, Đời Bắc Lương  

PHẨM MƯỜI

LỢI MÌNH LỢI NGƯỜI  

Thiện Sinh bạch Phật: Kính bạch Đức Thế Tôn! Bồ đề là gì?

Đạo bồ đề là gì?

Đức Phật dạy: Thiện nam tử! Xa lìa bồ đề không có đạo bồ đề, xa lìa đạo bồ đề không có bồ đề. đạo bồ đề tức là bồ đề, bồ đề tức là đạo bồ đề. Vượt hơn tất cả quả vị của Thanh Văn, Duyên Giác gọi là bồ đề, cũng gọi là đạo bồ đề.

Kính bạch Đức Thế Tôn! Đạo quả của Thanh Văn, Duyên Giác tức là bồ đề, tức là đạo bồ đề.

Tại sao gọi là vượt hơn?

Thiện nam tử! Đạo của Thanh Văn, Duyên Giác không được rộng lớn, không phải là giác ngộ tất cả, bởi vậy bồ đề, đạo bồ đề được gọi là vượt hơn đạo của Thanh Văn, Duyên Giác. Giống như trong tất cả Kinh Sách thế gian, mười hai phần giáo của Đức Như Lai là cao hơn hết.

Vì sao?

Vì lời nói trong Kinh không sai lầm, không điên đảo. Đạo của nhị thừa so với đạo bồ đề cũng giống như thế.

Thiện nam tử! Đạo bồ đề tức là học, cũng tức là học quả.

Vì sao gọi là học?

Tu học đạo bồ đề, chưa được đầy đủ tâm không thoái chuyển gọi là học, đã được quả vị không thoái chuyển gọi là học quả. Lúc chưa chứng được định hữu, gọi là học.

Sau khi chứng được định hữu, trong A tăng kỳ kiếp thứ ba, gọi là học quả. Trong A tăng kỳ kiếp đầu tiên vẫn còn chưa có thể bố thí tất cả tài sản, bố thí trong tất cả thời gian, và bố thí đến tất cả chúng sinh. Trong A tăng kỳ kiếp thứ hai, đã có thể bố thí tất cả tài sản, nhưng vẫn chưa thể bố thí trong tất cả thời gian, hoặc bố thí đến tất cả chúng sinh.

Trong hai giai đoạn này gọi là học. Đến A tăng kỳ kiếp thứ ba, có thể bố thí tất cả tài sản, bố thí trong tất cả thời gian, và bố thí đến tất cả chúng sinh, đây gọi là học quả.

Thiện nam tử! Bồ Tát lúc tu tập hạnh bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí tuệ gọi là học. Đến lúc tất cả đều viên mãn gọi là học quả.

Thiện nam tử! Có hạnh bố thí mà không phải là Ba la mật, có hạnh Ba la mật mà không phải là bố thí Ba la mật, có hạnh bố thí mà cũng là Ba la mật, có hạnh không phải bố thí mà cũng không phải Ba la mật.

Thiện nam tử! Hạnh bố thí mà không phải là Ba la mật là hạnh bố thí của Thanh Văn, Duyên Giác, tất cả phàm phu ngoại đạo, cùng các vị Bồ Tát trong hai A tăng kỳ kiếp đầu. Hạnh Ba la mật mà không phải là bố thí Ba la mật, như trì giới Ba la mật cho đến bát nhã Ba la mật.

Hạnh bố thí mà cũng là Ba la mật, tức là hạnh bố thí của các vị Bồ Tát trong A tăng kỳ kiếp thứ ba. Hạnh không phải bố thí mà cũng không phải Ba la mật, tức là hạnh trì giới, tu định, nhẫn nhục, từ bi của hàng Thanh Văn, Duyên Giác.

Thiện nam tử! Hạnh bố thí mà không phải là Ba la mật gọi là học, hạnh bố thí mà cũng là Ba la mật gọi là học quả.

Thiện nam tử! Bồ đề tức là Tận trí và Vô sinh trí. Vì muốn được hai trí này mà chuyên tâm tu tập ba mươi bảy phẩm trợ đạo pháp, gọi là học. Đã chứng bồ đề, gọi là học quả. Trước tiên tự điều phục các căn của mình, sau đó điều phục người khác, gọi là học.

Đã được giải thoát, lại độ chúng sinh được giải thoát, gọi là học quả. Tu tập mười lực, bốn vô sở úy, đại bi, ba niệm, gọi là học. Được đầy đủ mười tám pháp bất cộng gọi là học quả. Vì lợi mình lợi người mà tạo tác các nghiệp lành, gọi là học.

Làm lợi chúng sinh rồi, gọi là học quả. Học tập pháp thế gian gọi là học, học tập pháp xuất thế gian gọi là học quả. Nếu vì chúng sinh mà không bỏn sẻn thân thể, tài sản, gọi là học.

Còn nếu vì chúng sinh mà không bỏn sẻn thân thể, tài sản, thọ mệnh, gọi là học quả. Có thể giáo hóa chúng sinh tạo nghiệp Trời, Người, gọi là học. Giáo hóa chúng sinh tạo nghiệp vô lậu, gọi là học quả. Có thể bố thí chúng sinh tất cả tài sản, gọi là học. bố thí chúng sinh Phật Pháp, gọi là học quả.

Tự phá bỏn sẻn, tham lam, ganh ghét, gọi là học. Phá bỏn sẻn, tham lam, ganh ghét cho người khác, gọi là học quả. Thọ trì năm thiện căn, tu tập chánh niệm, gọi là học. Dạy người khác tu tập thành tựu năm thiện căn và chánh niệm, gọi là học quả.

Thiện nam tử! Bồ Tát có tín căn, làm lợi mình xong, lại làm lợi ích cho người. Nếu chỉ làm lợi cho mình, không phải là chân thực tự lợi. Làm lợi cho người mới là chân thực tự lợi.

Vì sao?

Bậc Đại Bồ Tát vì lợi người khác, đối với thân thể, thọ mệnh, tài sản, không sinh lòng bỏn sẻn, đó là tự lợi.

Bồ Tát biết rằng, nếu đem bồ đề của hàng Thanh Văn, Duyên Giác giáo hóa chúng sinh, chúng sinh không tiếp nhận, bèn đem sự an lạc của Trời Người mà giáo hóa họ, đây là lợi người. Lợi ích người khác chính là lợi mình. Nếu Bồ Tát không thể làm lợi ích cho mình và người, mà chỉ làm lợi mình, đây là bậc hạ.

Vì sao?

Vị Bồ Tát đó, đối với giáo pháp, tài sản, sinh tâm tham luyến, vì vậy không thể tự làm lợi mình.

Hành giả nếu làm người khác chịu khổ não, riêng mình hưởng sự an vui, Bồ Tát như vậy, không thể lợi người. Nếu Bồ Tát không tu tập bố thí, trì giới, nghe nhiều, dù có dạy người khác cũng chỉ gọi là lợi người mà không lợi mình. Nếu đầy đủ năm thiện căn, sau đó đem dạy người khác, đó là Bồ Tát làm lợi mình lợi người.

Thiện nam tử! Lợi ích có hai loại:

Một là đời này.

Hai là đời sau.

Bồ Tát nếu làm lợi ích đời này, không gọi là thực sự lợi ích. Nếu làm lợi ích đời sau tức là có thể làm cho mình và người đều được lợi ích.

Thiện nam tử! Sự an lạc có hai loại:

Một là an lạc thế gian.

Hai là an lạc xuất thế gian.

Phước đức cũng thế. Bồ Tát nếu đầy đủ hai sự an lạc và phước đức để giáo hóa chúng sinh, thì gọi là lợi mình lợi người.

Thiện nam tử! Bậc Đại Bồ Tát đầy đủ một pháp thì có thể lợi mình lợi người, đó là sự không phóng dật.

Lại có hai pháp có thể làm lợi mình lợi người:

Một là thường nghe Phật Pháp.

Hai là suy tư Phật Pháp.

Lại có ba pháp có thể làm lợi mình lợi người:

Một là thương xót chúng sinh.

Hai là siêng năng tu hành.

Ba là đầy đủ chánh niệm.

Lại có bốn pháp có thể làm lợi mình lợi người, tức là bốn uy nghi.

Lại có năm pháp có thể làm lợi mình lợi người:

Một là đức tin.

Hai là giữ giới.

Ba là thường nghe Phật Pháp.

Bốn là bố thí.

Năm là trí tuệ.

Lại có sáu pháp có thể làm lợi mình lợi người, tức là sáu niệm. Lại có bảy pháp có thể làm lợi mình lợi người, tức là phá hoại bảy loại kiêu mạn.

Thiện nam tử! Nếu Bồ Tát thấy Sa Môn, Bà La Môn, trưởng giả, nam nữ, hoặc trong đại chúng có người làm lỗi, trước nên tùy thuận ý của họ, rồi sau mới nói pháp làm họ được điều phục. Nếu Bồ Tát không biết rằng trước nên tùy thuận chúng sinh, rồi sau mới thuyết pháp, đây là Bồ Tát bậc hạ.

Thiện nam tử! Bồ Tát có hai hạng:

Một là ưa gần gũi bạn lành.

Hai là không ưa gần gũi bạn lành.

Người ưa gần gũi bạn lành có thể làm lợi mình lợi người, còn người không ưa gần gũi bạn lành, ắt không thể làm lợi mình lợi người.

Thiện nam tử! Có hai loại Bồ Tát ưa gần bạn lành:

Một là ưa cúng dường.

Hai là không ưa cúng dường.

Người ưa cúng dường có thể lợi mình lợi người, người không ưa cúng dường, không thể lợi mình lợi người.

Người ưa cúng dường lại có hai hạng:

Một là chuyên tâm nghe Phật Pháp.

Hai là không chuyên tâm nghe Phật Pháp.

Người chuyên tâm nghe Phật Pháp có thể lợi mình lợi người, người không chuyên nghe Phật Pháp không thể lợi mình lợi người.

Người chuyên tâm nghe Phật Pháp lại có hai hạng:

Một là hay hỏi nghĩa lý.

Hai là không hay hỏi nghĩa lý.

Người hay hỏi nghĩa lý, có thể lợi mình lợi người, người không hay hỏi nghĩa lý không thể lợi mình lợi người.

Người hay hỏi nghĩa lý lại có hai hạng:

Một là chí tâm thọ trì.

Hai là không thọ trì.

Người chí tâm thọ trì, có thể lợi mình lợi người, người không thọ trì, không thể lợi mình lợi người.

Người chí tâm thọ trì lại có hai hạng:

Một là hay suy tư nghĩa lý.

Hai là không suy tư nghĩa lý.

Người suy tư nghĩa lý có thể lợi mình lợi người, người không suy tư nghĩa lý không thể lợi mình lợi người.

Người suy tư nghĩa lý lại có hai hạng:

Một là hiểu rõ nghĩa lý.

Hai là không hiểu rõ nghĩa lý.

Người hiểu rõ nghĩa lý có thể lợi mình lợi người, người không hiểu rõ nghĩa lý không thể lợi mình lợi người.

Người hiểu rõ nghĩa lý lại có hai hạng:

Một là sống đúng chánh pháp.

Hai là không sống đúng chánh pháp.

Người sống đúng chánh pháp có thể làm lợi mình lợi người, người không sống đúng chánh pháp, không thể lợi mình lợi người.

Người sống đúng chánh pháp lại có hai hạng:

Một là đầy đủ tám trí, hai là không đầy đủ tám trí.

Tám trí là gì?

Một là trí biết pháp.

Hai là trí biết nghĩa.

Ba là trí biết thời tiết nhân duyên.

Bốn là trí biết đủ.

Năm là trí biết mình và người khác.

Sáu là trí biết tất cả sự vật.

Bảy là trí biết căn cơ chúng sinh.

Tám là trí biết sự cao thấp.

Người đầy đủ tám trí nói ra điều gì đều đầy đủ mười sáu việc:

Một là nói đúng thời.

Hai là nói một cách thành tâm.

Ba là nói có thứ lớp.

Bốn là nói hòa hợp.

Năm là nói có nghĩa lý.

Sáu là nói vui vẻ.

Bảy là nói tùy theo ý người nghe.

Tám là nói mà không coi thường người nghe.

Chín là nói mà không trách mắng người nghe.

Mười là nói đúng như chánh pháp.

Mười một là nói lợi mình lợi người.

Mười hai là nói mà không tán loạn.

Mười ba là nói hợp với nghĩa lý.

Mười bốn là nói lời chân chánh.

Mười lăm là nói rồi không sinh lòng kiêu mạn.

Mười sáu là nói mà không cầu phước báo thế gian.

Những người như vậy có thể nghe người khác nói pháp.

Lúc nghe người khác nói pháp có đủ mười sáu việc:

Một là nghe đúng thời.

Hai là thích nghe pháp.

Ba là nghe một cách thành tâm.

Bốn là nghe một cách cung kính.

Năm là nghe mà không tìm lỗi của người nói.

Sáu là không vì biện luận mà nghe.

Bảy là không vì thắng người khác mà nghe.

Tám là lúc nghe không coi thường người nói.

Chín là lúc nghe không khinh thường Phật Pháp.

Mười là lúc nghe, không tự khinh mình.

Mười một là vì muốn xa lìa ngũ cái mà nghe.

Mười hai là vì muốn thọ trì, đọc tụng mà nghe.

Mười ba là vì muốn diệt trừ ngũ dục mà nghe.

Mười bốn là vì muốn đầy đủ lòng tin mà nghe.

Mười lăm là vì muốn điều phục chúng sinh mà nghe.

Mười sáu là vì muốn đoạn trừ văn căn mà nghe.

Thiện nam tử! Người có đủ tám trí, có thể nói pháp và nghe pháp. Những người như vậy có thể lợi mình lợi người. Người không đủ tám trí không được gọi là người lợi mình lợi người.

Thiện nam tử! Người nói pháp cũng có hai hạng:

Một là thanh tịnh.

Hai là không thanh tịnh.

Người không thanh tịnh cũng có năm việc:

Một là vì lợi mà nói pháp.

Hai là vì muốn được báo ân mà nói pháp.

Ba là vì muốn hơn người khác mà nói pháp.

Bốn là vì muốn được quả báo thế gian mà nói pháp.

Năm là đem tâm nghi pháp mà nói pháp.

Người nói pháp thanh tịnh cũng có năm việc:

Một là trước cho ăn rồi sau mới nói pháp.

Hai là vì muốn Tam Bảo hưng long mà nói pháp.

Ba là vì muốn đoạn phiền não cho mình cho người mà nói pháp.

Bốn là vì muốn phân biệt tà chánh mà nói pháp.

Năm là vì muốn người nghe được sự thù thắng mà nói pháp.

Thiện nam tử! Người nói pháp không thanh tịnh gọi là người bẩn thỉu, là người bán pháp, là người ô nhục, là người lầm lạc, là người đánh mất ý nghĩa của sự nói pháp. Người nói pháp thanh tịnh gọi là người trong sạch, nói lời chánh đáng, nói lời chân thực, và là nơi qui tụ của chánh pháp.

Thiện nam tử! Người nào biết toàn bộ mười hai phần giáo, thanh minh luận, nhân minh luận, trong nhân minh lại biết nhân, biết dụ, biết chỗ chủ trương của mình và của người, người đó là người thuyết pháp chánh đáng.

Người nghe có bốn hạng:

Một là nghe ít hiểu nhiều.

Hai là hiểu theo sự phân biệt của chánh mình.

Ba là hiểu theo bổn ý của người nói.

Bốn là hiểu theo từng chữ, từng câu.

Đức Như Lai vì ba hạng người đầu mà mà thuyết pháp, không vì hạng người thứ tư.

Vì sao?

Vì họ không phải là pháp khí.

Bốn hạng người trên được phân làm hai loại:

Một là đã thuần thục.

Hai là chưa thuần thục.

Người đã thuần thục là người đã được điều phục, người chưa thuần thục là người sẽ được điều phục.

Thiện nam tử! Giống như rừng cây có bốn loại:

Một là dễ chặt mà khó nhổ gốc.

Hai là khó chặt mà dễ nhổ gốc.

Ba là dễ chặt lại dễ nhổ gốc.

Bốn là khó chặt lại khó nhổ gốc.

Người tại gia cũng có bốn hạng:

Một là dễ điều phục mà khó giúp họ tiến bộ.

Hai là khó điều phục nhưng lại dễ giúp họ tiến bộ.

Ba là dễ điều phục lại dễ giúp họ tiến bộ.

Bốn là khó điều phục lại khó giúp họ tiến bộ.

Bốn hạng người như vậy, được chia làm ba loại:

Một là quở trách rồi điều phục.

Hai là dùng lời nhỏ nhẹ điều phục.

Ba là dùng cả hai, quở trách cùng dùng lời nhỏ nhẹ, mà điều phục.

Lại có hai loại:

Một là tự mình có thể điều phục, không nhờ người khác.

Hai là tự mình không thể điều phục, mà phải cần người khác.

Lại có hai loại:

Một là dùng sự bố thí điều phục.

Hai là dùng chú thuật điều phục.

Sự điều phục lại có hai loại:

Một là nhân lúc vui mừng.

Hai là nhân lúc đau khổ.

Lúc thuyết pháp cho bốn hạng người như thế, cần phải có hai phương tiện:

Một là biết rành việc thế gian.

Hai là giúp đỡ phục dịch cho họ.

Thiện nam tử! Bồ Tát nếu biết hai phương tiện như thế, ắt có thể làm lợi mình lợi người. Nếu không biết, ắt không thể làm lợi mình lợi người.

Thiện nam tử! Bậc Đại Bồ Tát, vì muốn lợi người, trước học Kinh Điển ngoại đạo, sau mới học mười hai phần giáo. Chúng sinh nếu nghe mười hai phần giáo, ắt sẽ nhờm chán Kinh Điển ngoại đạo.

Lại vì chúng sinh nói sự lỗi lầm của phiền não, sự giải thoát khỏi phiền não, khen ngợi đức hạnh của bạn lành, quở trách lỗi lầm của bạn ác, tán thán công đức của bố thí, hủy báng lỗi lầm của bỏn sẻn.

Bồ Tát thường nên ở chỗ tịch tĩnh tu hành, khen ngợi công đức của sự tịch tĩnh, thường tu tập Phật Pháp, tán thán sự tu tập Phật Pháp. Nếu được như vậy, gọi là lợi mình lợi người.

Bồ Tát tại gia, trước phải tự điều phục mình. Nếu không tự điều phục, ắt không nên xuất gia. Bồ Tát tại gia có thể độ được nhiều người, Bồ Tát xuất gia không được như vậy.

Vì sao?

Nếu không có hàng tại gia, ắt không có hàng xuất gia trong ba thừa. Người xuất gia trong ba thừa tu tập đạo hạnh, giữ giới, tụng Kinh, ngồi thiền, đều do người tại gia hộ trì.

Thiện nam tử! Có đạo và sự trang nghiêm cho đạo. Đạo tức là sự tu tập Phật Pháp, trang nghiêm cho đạo tức là người tại gia. Bồ Tát xuất gia vì người tại gia mà tu hành đạo nghiệp, người tại gia từ bậc xuất gia mà tu học Phật Pháp.

Người tại gia phần lớn tu tập hai pháp:

Một là thọ trì.

Hai là bố thí.

Người xuất gia cũng tu tập hai pháp:

Một là đọc tụng.

Hai là giảng dạy.

Thiện nam tử! Bậc Đại Bồ Tát tu tập cả bốn pháp: Thọ trì, bố thí, đọc tụng, giảng dạy. Như vậy gọi là lợi mình, lợi người. Bồ Tát nếu muốn vì chúng sinh mà nói nghĩa thâm sâu của pháp giới, trước tiên nên nói pháp thế gian, sau đó nói nghĩa thâm sâu của pháp giới.

Vì sao?

Vì dễ giáo hoá. Bậc Đại Bồ Tát nên chăm sóc cuộc sống tâm linh của chúng sinh. Nếu không chăm sóc, ắt không thể thâu phục tất cả chúng sinh. Bồ Tát cũng phải chăm sóc thân mình. Nếu không chăm sóc, cũng không thể thâu phục chúng sinh.

Bồ Tát tuy không tham luyến thân mệnh, tài sản, mà lại chăm sóc thân mệnh, tài sản, đều vì muốn thâu phục chúng sinh. Bậc Đại Bồ Tát, trước tiên nên tự trừ ác, sau đó dạy người khác trừ ác. Nếu không tự trừ ác, ắt không thể dạy người khác trừ ác.

Bởi thế, Bồ Tát trước tiên nên tu tập bố thí, giữ giới, biết đủ, tinh tấn tu hành, sau đó dạy người khác. Nếu Bồ Tát không tự mình tu hành, không thể giảng dạy người khác.

Thiện nam tử! Căn cơ của chúng sinh có ba loại: Thượng, trung, hạ.

Căn cơ của Bồ Tát cũng có ba loại: Thượng, trung, hạ. Bồ Tát hạ căn, chỉ có thể giáo hóa người hạ căn, không thể giáo hóa người trung căn cùng thượng căn. Bồ Tát trung căn, có thể giáo hóa người trung căn, hạ căn, mà không thể giáo hóa người thượng căn. Bồ Tát thượng căn có thể giáo hóa cả ba.

Thiện nam tử! Bồ Tát có hai hạng:

Một là tại gia.

Hai là xuất gia.

Bồ Tát xuất gia tu tập lợi mình lợi người, điều này không khó. Bồ Tát tại gia tu tập lợi mình lợi người, điều này mới khó.

Vì sao?

Vì người tại gia bị nhiều ác duyên ràng buộc.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần