Phật Thuyết Kinh Văn Thù Sư Lợi Nói Về Cảnh Giới Phật Không Thể Nghĩ Bàn - Phần Một
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Bồ Đề Lưu Chi, Đời Nguyên Ngụy
PHẬT THUYẾT KINH VĂN THÙ
SƯ LỢI NÓI VỀ CẢNH GIỚI
PHẬT KHÔNG THỂ NGHĨ BÀN
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Bồ Đề Lưu Chi, Đời Nguyên Ngụy
PHẦN MỘT
Tôi nghe như vậy!
Một thời Đức Phật ở tại vườn ông Cấp Cô Độc, rừng cây ông Kỳ Đà, nước Xá Vệ, cùng với chúng đại Tỳ Kheo là một ngàn vị và Bồ Tát là mười ngàn vị, lại có Chư Thiên Tử của Dục Giới, Chư Thiên Tử của Sắc Giới và Thiên Tử của Trời Tịnh Cư, cùng với quyến thuộc của họ nhiều vô lượng trăm ngàn đang bao quanh để cúng dường cung kính, nghe Phật nói pháp.
Bấy giờ Đức Phật bảo Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi: Này Đồng Tử! Ngươi có biện tài, khéo có thể khai diễn. Nay ngươi nên vì đại chúng Bồ Tát tuyên dương diệu pháp.
Bấy giờ Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi bạch Đức Phật: Thưa Thế Tôn! Nay Phật bảo con nói những pháp gì?
Đức Phật nói: Này Đồng Tử! Nay ngươi nên nói rõ về cảnh giới của Chư Phật.
Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi thưa: Bạch Thế Tôn! Cảnh giới của Phật chẳng phải cảnh giới của mắt, chẳng phải cảnh giới của sắc, chẳng phải cảnh giới của lỗ tai, chẳng phải cảnh giới của tiếng, chẳng phải cảnh giới của lỗ mũi, chẳng phải cảnh giới của hương.
Chẳng phải cảnh giới của lưỡi, chẳng phải cảnh giới của thân, chẳng phải cảnh giới của xúc, chẳng phải cảnh giới của ý, chẳng phải cảnh giới của pháp. Không có các cảnh giới sai biệt như vậy, đó mới chính là cảnh giới của Chư Phật.
Bạch Thế Tôn! Thiện nam tử, thiện nữ nhân có ý muôn ngộ nhập vào cảnh giới của Phật thì không thể ngộ nhập được, nhưng phải nhờ phương tiện mới có thể ngộ nhập.
Bấy giờ Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi bạch Đức Phật: Bạch Thế Tôn! Đức Như Lai có bao nhiêu cảnh giới mà được thành bồ đề?
Đức Phật dạy: Này Đồng Tử! Ta ở nơi cảnh giới không mà được bồ đề, vì các kiến bình đẳng vậy.
Cảnh giới vô tướng mà được bồ đề, vì các tướng bình đẳng vậy.
Cảnh giới vô nguyện mà được bồ đề, vì ba cõi bình đẳng vậy.
Cảnh giới vô tác mà được bồ đề, vì các hành bình đẳng vậy.
Khi ấy Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi lại bạch Đức Phật: Bạch Thế Tôn! Vô vi là cảnh giới gì?
Đức Phật dạy: Này Đồng Tử! Vô vi là cảnh giới không nghĩ lường được.
Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi thưa: Bạch Thế Tôn, cảnh giới không nghĩ lường được là cảnh giới của Phật.
Vì sao vậy?
Vì trong cảnh giới không nghĩ không lường thì không có văn tự.
Vì không có văn tự nên không có biện thuyết.
Vì không có biện thuyết nên dứt bặt các ngôn luận.
Vì dứt bặt ngôn luận nên đó là cảnh giới Phật.
Bấy giờ Đức Thế Tôn hỏi Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi rằng: Này Đồng Tử! Phải cầu cảnh giới Chư Phật ở đâu?
Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi thưa: Bạch Thế Tôn! Cảnh giới của Chư Phật phải cầu ở trong phiền não của tất cả các chúng sanh.
Vì sao vậy?
Nếu chân chánh hiểu rõ phiền não của chúng sanh, đó chính là cảnh giới của Phật vậy. Sự chánh hiểu rõ phiền não của chúng sanh này là cảnh giới của Phật, đó chẳng phải là chỗ sở hành của tất cả Thanh Văn, Bích Chi Phật vậy. Bấy giờ Đức Thế Tôn lại nói với Bồ Tát.
Văn Thù Sư Lợi: Này Đồng Tử! Nếu cảnh giới của Phật.
Phải cầu ngay trong phiền não của tất cả chúng sanh, vậy cảnh giới của Chư Phật có đến có đi chăng?
Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi thưa: Chẳng phải vậy, thưa Thế Tôn. Cảnh Giới của Chư Phật không đến không đi.
Đức Phật nói: Này Đồng Tử!
Nếu cảnh giới của Chư Phật không đến không đi, vậy tại sao nói: Nếu chân chánh hiểu rõ phiền não của chúng sanh thì đó chính là cảnh giới của Phật.
Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi thưa: Bạch Thế Tôn, giống như cảnh giới của Chư Phật không có đến không có đi, tự tánh của các phiền não lại cũng lại như vậy, không có đến không có đi.
Đức Phật bảo: Này Đồng Tử! Sao gọi là tự tánh của các phiền não?
Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi thưa: Bạch Đức Thế Tôn, tự tánh cảnh giới của Phật chính là tự tánh của các phiền não.
Bạch Thế Tôn! Nếu tự tánh cảnh giới của Phật khác với tự tánh của các phiền não thì Đức Như Lai chẳng phải bình đẳng chánh giác. Vì không khác cho nên đối với tất cả pháp bình đẳng chánh giác mới gọi là Như Lai.
Bấy giờ Đức Thế Tôn lại nói với Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi: Này Đồng Tử! Ngươi có thể hiểu rõ pháp sở trụ bình đẳng của Như Lai chăng?
Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi thưa: Bạch Thế Tôn, con đã hiểu rõ.
Đức Phật nói: Này Đồng Tử! Sao gọi là pháp sở trụ bình đẳng của Như Lai?
Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi thưa: Bạch Thế Tôn! Sao gọi chỗ khởi lên tham sân si của tất cả phàm phu chính là pháp sở trụ bình đẳng của Như Lai?
Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi thưa: Bạch Thế Tôn, tất cả phàm phu đối với trong pháp không, vô tướng, vô nguyện, khởi lên tham sân si, cho nen chỗ khởi lên tham sân si của tất cả phàm phu chính là pháp sở trụ bình đẳng của Như Lai.
Đức Phật bảo: Này Đồng Tử! Với cái không, há lại có pháp mà nói ở trong đó có tham sân si sao?
Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi thưa: Bạch Thế Tôn, không là có nên tham sân si cũng là có.
Đức Phật nói: Này Đồng Tử! Tại sao không là có?
Lại vì sao tham sân si là có?
Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi thưa: Bạch Thế Tôn! Không, vì dùng lời nói diễn đạt cho nên có. Tham sân si cũng vì dùng lời nói diễn đạt cho nên có.
Như Đức Phật nói với Tỳ Kheo: Hữu không sanh, không khởi, vô tác, vô vi, chẳng phải các pháp hành ấy, chẳng phải chẳng có.
Nếu là không có thì nó phải đối với pháp sanh khởi, tác vi các hành, thì lẽ đáng phải không xuất ly.
Vì có cho nên nói là không xuất ly vậy. Điều này cũng vậy, nếu không có không, thì đối với tham sân si không có sự xuất ly được. Vì có không cho nên nói lìa tham các phiền não.
Đức Phật nói: Này Đồng Tử! Như vậy, như vậy! Như điều ngươi nói, tham sân si tất cả phiền não, chẳng có cái nào mà chẳng ở trong cái không.
Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi lại bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Nếu người tu hành xa lìa tham sân si mà cầu nơi không, nên biết người đó chưa khéo tu hành, không thể gọi là người tu hành được.
Vì sao vậy?
Vì tham sân si tất cả phiền não tức là không vậy.
Bấy giờ Đức Thế Tôn lại bão Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi: Này Đồng Tử! Ngươi đã đối với tham sân là đã xa lìa hay chưa xa lìa?
Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi thưa: Bạch Thế Tôn! Tánh của tham sân si tức là bình đẳng. Con thường trụ nơi bình đẳng như vậy, cho nên con đối với tham sân si chẳng phải đã xa lìa, cũng chẳng phải chưa xa lìa.
Bạch Thế Tôn! Nếu có Sa Môn, Bà La Môn nào tự thấy mình xa lìa tham sân si, đó tức là nhị kiến.
Sao gọi là nhị kiến?
Đó là đoạn kiến và thường kiến.
Vì sao vậy?
Nếu thấy tự thân mình xa lìa tham sân si tức là đoạn kiến. Nếu thấy người khác có tham sân si tức là thường kiến.
Bạch Thế Tôn, người như vậy không phải là chánh trụ. Nếu là người chánh trụ, không nên đối với mình thấy hơn, còn người khác là thua.
Bấy giờ Đức Thế Tôn lại bảo Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi rằng: Này Đồng Tử! Nếu đúng như vậy, thì trụ ở nơi nào mới gọi là chánh trụ?
Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi thưa rằng: Bạch Thế Tôn! Hễ là chánh trụ thì không có trụ tại nơi nào cả. Trụ nơi vô trụ, đó mới gọi là chánh trụ.
Đức Phật bảo: Này Đồng Tử! Há không phải lấy sự trụ nơi chánh đào là chánh trụ sao?
Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi thưa: Bạch Thế Tôn! Nếu trụ nơi chánh đạo thì đó là trụ nơi hữu vi. Nếu trụ nơi hữu vi thì không trụ nơi pháp tánh bình đẳng.
Vì sao?
Vì pháp hữu vi có sanh diệt vậy.
Bấy giờ Đức Thế Tôn lại bảo Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi rằng: Này Đồng Tử! Vô vi là pháp số chăng?
Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi thưa: Bạch Thế Tôn! Vô vi không phải là pháp số.
Bạch Thế Tôn, nếu vô vi là pháp rơi vào các con số, vậy thời hữu vi chẳng phải là vô vi.
Đức Phật nói: Này Đồng Tử! Tất cả Thánh nhân được pháp vô vi, vậy không có số chăng?
Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi thưa: Bạch Thế Tôn! Chẳng phải các Thánh Nhân chứng pháp số mà đã được xuất ly các pháp số.
Bấy giờ Đức Thế Tôn lại bảo Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi rằng: Này Đồng Tử! Ngươi thành tựu tháng pháp, hay thành tựu chẳng phải Thánh pháp?
Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi thưa: Bạch Thế Tôn! Con không thành tựu Thánh pháp, cũng không thành tựu chẳng phải cánh pháp.
Bạch Thế Tôn như có người hóa nhân, vậy người ấy có thành tựu Thánh pháp hay thành tựu chẳng phải Thánh pháp?
Đức Phật bảo: Này Đồng Tử! Hóa nhân không thể nói là thành tựu Thánh pháp, cũng không thể nói là thành tựu chẳng phải Thánh pháp.
Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi thưa: Bạch Thế Tôn! Đức Phật há không nói rằng: Tất cả các pháp đều như huyễn hóa sao?
Đức Phật nói: Đúng vậy.
Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi thưa: Bạch Thế Tôn! Tất cả các pháp như tướng huyễn hóa.
Con cũng như vậy, sao có thể nói là thành tựu Thánh pháp hay thành tựu chẳng phải Thánh pháp?
Bấy giờ Đức Thế Tôn lại nói với Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi: Này Đồng Tử! Nếu đúng như vậy thì ngươi được cái gì?
Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi thưa: Bạch Thế Tôn! Con đắc được cảnh giới vô tự tánh bình đẳng của Như Lai.
Đức Phật nói: Này Đồng Tử! Ngươi được cảnh giới của Phật sao?
Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi thưa: Nếu Đức Thế Tôn đối với cảnh giới của Phật mà có sở đắc thì con cũng đắc cảnh giới của Phật.
Bấy giờ Trưởng Lão Tu Bồ Đề hỏi Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi: Này Đại Sĩ, Đức Như Lai không đắc cảnh giới Phật sao?
Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi đáp: Này Đại Đức! Ngài có được cảnh giới của Thanh Văn chăng?
Tu Bồ Đề đáp: Này Đại Sĩ! Thánh tâm giải thoát không có cảnh giới, cho nên nay tôi không có cảnh giới có thể được.
Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi nói: Này Đại Đức! Đức Phật cũng như vậy.
Tâm Ngài giải thoát không có cảnh giới, sao có thể gọi là Phật có sở đắc?
Tu Bồ Đề nói: Này Đại Sĩ! Nay Ngài thuyết pháp có thể không đưa đến sự che chở tâm kẻ sơ học chăng?
Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi đáp: Này Đại Đức! Nay tôi hỏi Ngài, tùy ý trả lời. Như có vị lương y muốn điều trị bệnh nhân, vì muốn che chở tâm của bệnh nhân nên không cho những vị thuốc có vị cay, chua, mặn, đắng thích ứng với con bệnh.
Vậy có thể làm cho người bênh được lành bệnh, được an lạc chăng?
Thưa rằng: Không thể được.
Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi nói: Này Đại Đức! Điều này cũng như vậy. Nếu vị thầy thuyết pháp vì muốn che chở tâm kẻ học nên giấu kín pháp thậm thâm không nói ra, mà tùy theo ý muốn kẻ ấy, chỉ diễn nói ý nghĩa thô thiển để làm cho kẻ học giả ra khỏi khổ sanh tử, đến cái vui Niết Bàn, điều đó không bao giờ có.
Khi Bồ Tát thuyết pháp ấy có năm trăm Tỳ Kheo tăng ở trong chúng, vĩnh viễn đoạn trừ các lậu, tâm được giải thoát, tám trăm các Thiên Tử xa lìa trần cấu, được pháp nhãn thanh tịnh.
Lại có bảy trăm các Thiên Tử nghe sự biện tái của Ngài, sanh lòng tin thích sâu xa. Họ đều phát tâm A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề.
Bấy giờ Tu Bồ Đề lại hỏi Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi: Thưa Đại Sĩ! Vả lại Ngài cũng đối với Thanh Văn thừa mà sanh lòng tin hiểu.
Lại dùng pháp của thừa này mà cứu độ chúng sanh chăng?
Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi nói: Này Đại Đức! Tôi đối với tất cả thừa đều sanh tâm tin hiểu.
Đại Đức! Tôi tin hiểu Thanh Văn thừa, cũng tin hiểu Bích Chi Phật thừa, cũng tin hiểu Tam Miệu Tam Phật Đà Thừa.
Tu Bồ Đề thưa: Này Đại Sĩ! Vậy Ngài là Thanh Văn, là Bích Chi Phật, hay Tam Miệu Tam Phật Đà?
Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi nói: Này Đại Đức! Tôi tuy là Thanh Văn, nhưng không theo người khác để nghe. Tuy là Bích Chi Phật nhưng không bỏ tâm đại bi và vô sở ý. Tuy đã thành Chánh Đẳng Giác nhưng đối với tất cả việc cần làm, chưa bao giờ dừng nghỉ.
Tu Bồ Đề lại hỏi: Này Đại Sĩ! Vì sao Ngài là Thanh Văn?
Đáp rằng: Tôi thường vì hết thảy chúng sanh thuyết những pháp họ chưa nghe, cho nên tôi là Thanh Văn.
Lại hỏi: Vì sao Ngài là Phật Bích Chi?
Đáp rằng: Tôi có thể hiểu rõ tất cả các pháp đều từ duyên khởi, cho nên tôi là Phật Bích Chi.
Lại hỏi: Vì sao Ngài là Tam Miệu Tam Phật Đà?
Đáp rằng: Tôi thường giác ngộ tất cả các pháp thể tướng bình đẳng, cho nên tôi là Tam Miệu Phật Đà.
Bấy giờ Tu Bồ Đề lại hỏi: Này Đại Sĩ! Ngài quyết định trụ nơi địa nào?
Là Thanh Văn địa, Bích Chi Phật Địa, hay Phật Địa?
Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi đáp: Này Đại Đức! Ngài nên biết tôi quyết định trụ tất cả địa.
Tu Bồ Đề hỏi: Này Đại Sĩ! Ngài cũng có thể quyết định trụ cả phàm phu địa sao?
Đáp rằng: Đúng vậy.
Vì sao?
Vì tất cả các pháp và chúng sanh, tánh nó là quyết định chánh vị. Tôi thường trụ ở chánh vị này. Cho nên tôi nói quyết định trụ ở phàm phu địa.
Tu Bồ Đề lại hỏi: Nếu tất cả pháp và chúng sanh chính là quết định chánh vị, vậy sao lại kiến lập sự sai khác các địa?
Nói đây là phàm phu địa, đây là Thanh Văn Địa, đây là Bích Chi Phật Địa, đây là Phật Địa?
Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi đáp: Này Đại Đức! Thí như thế gian vì có ngôn thuyết nên ở trong hư không kiến lập mười phương.
Cái gọi là: Đây là phương Đông, đây là phương Nam, cho đến đây là phương Trên, đây là phương Dưới. Tuy hư không không có sai biệt, mà các phương có như vậy. Các thứ sai biệt như vậy, ở đây cũng thế.
Đức Phật Như Lai đối với tất cả các pháp quyết định ở trong chánh vị. Vì phương tiện khéo léo mới lập ra các địa.
Cái gọi là: Đây là phàm phu địa, đây là Thanh Văn địa, đây là Bích Chi Phật địa, đây là Phật địa, tuy chánh vị không có sai biệt, nhưng các địa có sai biệt.
Bấy giờ Tu Bồ Đề lại bạch Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi: Thưa Đại Sĩ! Ngài đã nhập chánh vị rồi chứ?
Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi đáp: Đại Đức! Tôi tuy đã nhập nhưng cũng lại chẳng nhập.
Tu Bồ Đề hỏi: Này Đại Sĩ! Sao là đã nhập mà chẳng nhập?
Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi đáp: Đại Đức nên biết, đây là trí huệ thiện xảo của Bồ Tát. Nay tôi sẽ nói cho Ngài một ví dụ. Những người có trí tuệ, nhờ ví dụ mà được hiểu rõ.
Này Đại Đức! Như có người bắn cung, kỹ nghệ siêu tuyệt. Anh ta chỉ có một người con trai mà anh rất yêu mến. Đồng thời anh có một người hết sức oán thù, đến nỗi tai anh không muôn nghe tên người ấy, mắt anh không muôn thấy người ấy.
Có lúc người con anh ra khỏi nhà rong chơi, đang đứng một bên đường ở một chỗ xa, người cha từ xa trông thấy, cho rằng đó là kẻ thù, mới lấy cung, bỏ tên vào nhắm bắn. Khi mũi tên phóng đi, anh mới hay đó là con mình.
Anh liền khóc lóc, chạy thật nhanh để bắt mũi tên lại. Mũi tên chưa đến nơi, anh chụp lại được. Nói người bắn tên là dụ cho Bồ Tát vậy. Người con là dụ cho chúng sanh. Oan gia là dụ cho phiền não.
Nói mũi tên là dụ cho trí huệ của Thánh. Đại Đức nên biết, Bồ Tát ma ha tát dùng bát nhã Ba La Mật quán tất cả pháp là vô sanh, chánh vị, đại bi, thiện xảo, nên không tác chứng đối với thật tế, nên trụ địa vị Thanh Văn, Bích Chi Phật, thệ nguyện dẫn dắt, hóa độ tất cả chúng sanh đi đến Phật Địa.
Bấy giờ Tu Bồ Đề lại hỏi Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi rằng: Đại Sĩ! Những Bồ Tát nào có thể hành được hạnh này?
Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi đáp: Đại Đức, nếu Bồ Tát thị hiện việc làm ở thế gian, nhưng không bị pháp thế gian làm ô nhiễm. Hiện đồng như thế gian nhưng không khởi kiến đối với các pháp.
Tuy là đoạn trừ các phiền não của hết thảy chúng sanh nhưng siêng năng tinh tấn mà nhập vào pháp giới, không thấy tận tướng.
Tuy không trụ vào hữu vi, cũng không được vô vi tuy ở trong sanh tử nhưng cũng như dạo chơi nơi viên quán. Dù bổn nguyện chưa mãn nhưng cũng không cầu mau chứng Vô Thượng Niết Bàn.
Tuy biết sâu về vô ngã nhưng luôn hóa độ chúng sanh. Tuy quán tự tánh các pháp giống như hư không, nhưng siêng tu công đức, thanh tịnh Quốc Độ của Đức Phật.
Tuy nhập vào pháp giới, thấy pháp bình đẳng, nhưng vì trang nghiêm thân, khẩu, ý của Phật nên không bỏ tinh tấn. Nếu Các Bồ Tát đầy đủ hạnh như vậy mới có thể hành được.
Bấy giờ Tu Bồ Đề lại bạch Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi: Đại Sĩ! Nay Ngài nói sở hành của Bồ Tát này chẳng phải là pháp các thế gian có thể tín thọ được.
Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi đáp: Đại Đức, nay tôi vì muôn khiến cho các chúng sanh vĩnh viễn ra khỏi thế gian nên nói về hạnh các Bồ Tát biết rõ thế pháp để xuất ly.
Tu Bồ Đề thưa: Đại Sĩ, thế nào là pháp thế gian?
Thế nào là xuất ly?
Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi đáp: Đại Đức, pháp thế gian là năm uẩn.
Sao gọi là năm?
Đó là sắc uẩn, thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn, thức uẩn.
Các uẩn như vậy: Sắc như đám bụi, thọ như bọt nước, tưởng như bóng nắng, hành như thân cây chuối, thức như huyễn hóa. Cho nên ở trong đó không có thế gian, cũng không có các uẩn, cho đến ngôn thuyết danh tự như vậy.
Nếu hiểu được như vậy, tâm mới không tán loạn. Nếu tâm không tán loạn, liền không nhiễm pháp thế gian. Nếu không nhiễm pháp thế gian tức là xuất ly pháp thế gian.
Lại nữa, này Đại Đức! Các pháp ngũ uẩn, tánh của nó vốn không.
Vì tánh không nên không có hai.
Vì không có hai nên không có ngã và ngã sở.
Vì không có ngã và ngã sở nên không có gì để nắm giữ, đắm trước tức là xuất ly pháp thế gian.
Lại nữa, này Đại Đức! Pháp ngũ uẩn do nhân duyên mà có nên không có năng lực. Vì không có năng lực nên không có chủ thể. Vì không có chủ thể nên không có ngã và ngã sở. Vì không có ngã và ngã sở nên không có thọ thủ. Vì không có thọ thủ nên không có chấp trước và cạnh tranh.
Vì không chấp trước, cạnh tranh nên không có tranh luận. Vì không có tranh luận nên đó là pháp của Sa Môn. Vì pháp của Sa Môn là biết tất cả pháp như tiếng vang trong không trung. Nếu có ai hiểu rõ tất cả các pháp như tiếng vang trong không trung, tức là xuất ly khỏi pháp thế gian.
Lại nữa, Đại Đức! Pháp của ngũ uẩn này đồng với pháp giới. Pháp giới chẳng phải giới. Trong cái chẳng phải giới thì không có nhãn giới, không có sắc giới, không có nhãn thức giới. Không có nhĩ giới, không có thinh giới, không có nhĩ thức giới.
Không có tỉ giới, không có hương giới, không có tỉ thức giới. Không có thiệt giới, không có vị giới, không có thiệt thức giới. Không có thân giới, không có xúc giới, không có thân thức giới.
Không có ý giới, không có pháp giới, không có ý thức giới. Trong đó cũng không có địa giới, thủy giới, hỏa giới, phong giới, hư không giới, và thức giới.
Cũng không có Dục Giới, sắc giới và Vô Sắc Giới. Cũng không có hữu vi giới, vô vi giới, ngã, nhân, chúng sanh, thọ giả …
Như vậy, tất cả đều vô sở hữu, quyết định bất khả đắc.
Nếu ai nhập vào được nghĩa sâu bình đẳng này, cùng tương ứng với vô sở nhập, tứu là xuất ly ra khỏi pháp thế gian. Khi Bồ Tát nói pháp này, hai trăm Tỳ Kheo ở trong hội vĩnh viễn chấm dứt các lậu, tâm được giải thoát.
Tất cả đều cởi áo đang mặc trên thân, dâng lên Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi, thưa rằng: Nếu có chúng sanh được nghe diệu pháp sâu xa này nên sanh tâm tín thọ. Nếu họ không sanh lòng tin mà cầu chứng ngộ thì không bao giờ có được.
Bấy giờ Trưởng Lão Tu Bồ Đề nói với các Tỳ Kheo: Các vị đã đắc gì, đã chứng gì?
Các Tỳ Kheo thưa: Đại Đức! Không đắc không chứng là pháp của Sa Môn.
Vì sao vậy?
Nếu có sở đắc, tâm liền loạn động, nếu có sở chứng tự mình kiêu căng, tự phụ. Nếu có loạn động, kiêu căng, tự phụ liền đọa vào ma nghiệp.
Nếu có người tự nói: Tôi đắc, Tôi chứng, nên biết người ấy là tăng thượng mạn.
Đức Phật dạy: Này các Tỳ Kheo! Các ngươi có biết ý nghĩa của tăng thượng mạn chăng?
Các Tỳ Kheo thưa: Bạch Thế Tôn! Theo ý chúng con, nếu có người nói: Tôi có thể biết khổ, thì kẻ ấy không biết tướng khổ mà tự nói: Tôi biết, tôi có thể đoạn tập, chứng diệt, tu đạo, kẻ ấy không biết tướng tập, diệt, đạo.
Cho đến nói rằng: Tôi có thể tu đạo, nên biết người đó là tăng thượng mạn vậy.
Vì sao?
Nếu là tướng của khổ thì tức là tương của vô sanh. Tướng của tập, diệt, đạo chính là tướng của vô sanh. Tướng của vô sanh tức là phi tướng, bình đẳng tướng. Đó là các Thánh Nhân đối với tất cả pháp được tướng giải thoát, trong đó không có sự biết khổ, đoạn tập, chứng diệt, tu đạo. Có thể chứng đắc những tướng như vậy.
Nếu có chúng sanh nghe ý nghĩa tất cả các pháp đều bình đẳng mà sanh lòng sợ hãi, nên biết kẻ ấy là tăng thượng mạn.
Khi ấy dức Thế Tôn liền bảo: Lành thay! Lành thay!
Này các Tỳ Kheo! Như lời các ngươi nói, đúng vậy, đúng vậy! Này Tu Bồ Đề, các ngươi nên biết, các Tỳ Kheo này ở trong thời quá khứ của Phật Ca Diếp, theo Đồng Tử Văn Thù Sư Lợi được nghe pháp thậm thâm như vậy. Nhờ nghe pháp nên mau được thần thông. Nay lại được nghe pháp, tùy thuận, không chống trái.
Này Tu Bồ Đề! Nếu lại có người đối với trong pháp của ta được theo nghĩa này, sanh tâm tin hiểu, kẻ ấy đời sau sẽ thấy được Phật Di Lặc. Nếu ai chưa phát tâm đại thừa, đối với trong ba cõi đều được giải thoát. Nếu đã phát tâm đại thừa, thì sẽ được đứng trên địa vị kham nhẫn.
Bấy giờ Thiên Tử Thiện Thắng bạch Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi: Đại Sĩ! Ngài thường đối với trong cõi Diêm Phù để thuyết pháp cho chúng sanh. Nay ở Cõi Trời Đâu Suất có các Thiên Tử, thời quá khứ đã gặp vô lượng Đức Phật, cúng dường, cung kính, trồng các căn lành, nhưng vì thọ sanh ở Cõi Trời, tham đắm cảnh giới, không thể đến pháp Hội này để nghe được pháp. Xưa họ đã trồng căn lành, nay lại thối thất.
Nếu được mong nhờ sự dạy bảo dẫn dụ của Ngài, chắc họ lại được tăng trưởng. Cúi mong Đại Sĩ đến Thiên Cung giây lát, vì các thiên ấy rộng tuyên pháp yếu.
Bấy giờ Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi dùng sức mạnh thần thông, liền ngay chỗ đứng bỗng nhiên hóa thành Thiên Cung Đâu Suất, đầy đủ các thứ, chẳng thiếu vật gì khiến cho Đồng Tử Thiện Thắng và tất cả các Thiên Nhân trong hội này đều cho là đang ở trên Trời Đâu Suất.
Họ thấy Cõi Trời ấy đầy đủ các thứ trang nghiêm, vườn, rừng, ao cá, cây cối từng hàng, cung điện, lầu gác, đòn dông, mái hiên giao nhau, cây trụ chạm trổ nối liền sàn nhà, các cửa sổ điêu khắc ở giữa nhà, khoét đấu kê cột đôi, nhiều lớp trụ ngắn trên xà nhà, phân bố nhiều đá nhỏ, cây báu làm đài, trang nghiêm đẹp đẽ. Đài ấy rất nhỏ, chỉ có bảy tầng, hoặc tám tầng, chín tầng, cho đến cao hai mươi tầng.
Cứ trên mỗi đài, nơi nơi đều có cấp bậc, tất cả đều có các thiên nữ, tuổi đang sung thịnh, sắc đẹp, tay chân mềm mại, trán rộng, mi dài, mặt mắt thanh tịnh, như cái lưới vàng, thường có ánh sáng, cũng như hoa sen lìa các bụi dơ, phát ngôn hàm tiếu, đi đứng uyển chuyển.
Cử động hợp với oai nghi, quan hệ có phép tắc thì như Trăng rằm, ai cũng thích nhìn. Họ sử dụng không hầu, cầm sắc, ống tiêu, ống sáo, chuông trống, hoặc ca hát, âm tiết hòa nhịp. Các kỹ nữ đẹp đứng thành từng hàng, chia nhau đứng trên sân cùng múa. Những việc như vậy bỗng nhiên đầy đủ.
Bấy giờ Đồng Tử Thiện Thắng thấy cung điện mình và các quyến thuộc vui chơi như vậy, trong lòng sanh ra nghi hoặc, bạch Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi: Lạ thay, Đại Sĩ! Làm sao mà Ngài có thể khiến cho con và đại chúng trong nháy mắt mà được đến đây?
Khi ấy Trưởng Lão Tu Bồ Đề nói với Đồng Tử Thiện Thắng: Thiên Tử! Ban đầu tôi cũng cho rằng như đại chúng đều đến Cõi Trời Cung Đâu Suất Đà, nhưng nay mới biết xưa nay bất động, chưa từng có việc cùng đến Cõi Trời ấy. Những điều đã thấy như vậy đều do thần thông Tam Muội của Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi hiện ra.
Bấy giờ Đồng Tử Thiện Thắng bạch Đức Phật: Bạch Thế Tôn! Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi hết sức hy hữu mới có thể dùng sức thần thông tam muội bất tư nghị khiến cho chúng hội này không rời khỏi bổn sứ mà cho rằng đã đến Cõi Trời Đâu Suất Đà ấy.
Đức Phật bảo: Này Thiên Tử! Ngươi chỉ biết được chút ít sức thần thông biến hoá của Đồng Tử Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi mà thôi, nhưng ta thì biết thần thông của vị ấy nhiều vô lượng.
Này Thiên Tử! Dùng sức thần thông của Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi, giả sử các Quốc Độ của Phật nhiều như các Sông Hằng thảy đều trang nghiêm tốt đẹp, mỗi mỗi không đồng, có thể đối với trong một Cõi Phật thảy đều làm cho rõ.
Lại dùng các Quốc Độ của Phật như hằng hà sa tập hợp lại một chỗ giông như một bó mạ, đem đôi lên phương chẳng có khó gì.
Lại dùng cá Quốc Độ của Phật nhiều như hằng hà sa số các biển lớn trong các Quốc Độ ấy đem đặt trên một sợi lông, nhưng khiến cho chúng sanh trong đó không hay không biết, không bị xúc chạm.
Có các Tu Di Sơn Vương, đem các hòn núi ấy nhét vào một hòn núi. Lại lấy hòn núi ấy lại nhét vào trong một hạt cải, mà khiền cho tất cả Chư Thiên đứng trên hòn núi ấy mà không biết không hay, cũng không bị trở ngại.
Lại dùng các Quốc Độ của Phật như cát Sông Hằng, trong đó có năm đường chúng sanh đặt trong bàn tay mặt, lại lấy tất cả nhạc cụ trong các Quốc Độ này, mỗi mỗi chúng sanh đều đem cho hết, bình đẳng không sai biệt.
Lại đem các Quốc Độ của Phật như cát Sông Hằng, lúc kiếp tận, bị thiêu rụi, tất cả những ngọn lửa lớn ấy chỉ như một ngọn đèn, những ngọn lửa vẫn không sai khác.
Lại như các Quốc Độ Phật như hằng hà sa, tất cả các mặt trăng, mặt trời ở trong đó, hoặc lấy một sợi lông thu ánh sáng mặt trời, mặt trăng ấy, làm cho ánh sáng chúng bị che khuất không hiện.
Này Thiên Tử! Ta ở trong một kiếp, hoặc hơn một kiếp nói về sức tam muội thần thông biến hóa của Đồng Tử Văn Thù Sư Lợi không thể nào hết.
Bấy giờ Ma Ba Tuần tự biến thân thành hình của một Tỳ Kheo, ở trong hội, ngồi qua một bên, bạch Đức Phật: Bạch Thế Tôn! Nay con nghe nói năng lực thần thông của Đồng Tử Văn Thù Sư Lợi, không sao tín thọ được. Cúi mong Đức Thế Tôn khiến ở trước con bảo vị ấy hiện thần lực để cho con được thấy.
Khi ấy Đức Thế Tôn biết đây là ác ma biến làm Tỳ Kheo, muốn khiến cho chúng tăng trưởng thiện căn, cho nên Ngài bảo Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi: Ngươi nên tự hiện sức thần thông, khiến cho vô lượng chúng sanh trong hội đều được thiện lợi.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh đại Bảo Tích - Pháp Hội Thứ Bốn Mươi Tám - Pháp Hội Thắng Man Phu Nhân - Phần Một
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Hai - Phẩm Bốn Mươi Tám - phẩm Thành Biện
Phật Thuyết Kinh Bách Dụ - Kinh Thứ Sáu Mươi - Kinh Bóng Vàng đáy Nước
Phật Thuyết Kinh Chuyển Pháp Luân Tồi Ma Oán địch Pháp