Phật Thuyết Kinh Văn Thù Sư Lợi Phật độ Nghiêm Tịnh - Phần Năm
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn
PHẬT THUYẾT
KINH VĂN THÙ SƯ LỢI
PHẬT ĐỘ NGHIÊM TỊNH
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn
PHẦN NĂM
Thường tu sửa thân hành
Miệng nói cũng như vậy
Cũng luôn tịnh tâm niệm
Không phạm các tỳ vết,
Giả sử ta thành Phật
Tại thế Nhân Trung Tôn
Do lời chân chánh này
Nên đất sáu cách động.
Nếu ta nói chí thành
Chân chánh không hư dối
Do đó chứng minh rằng
Hư không trổi kỹ nhạc.
Nếu thật không dối trá
Không tham, tật, không chán
Do lời thành tín đó
Mưa ý hoa thanh tịnh.
Vừa nói dứt lời này
Lời chí thành không khác
Mười phương ức vạn cõi
Lại sáu cách chấn động,
Ở trên cõi hư không
Có muôn ức âm nhạc
Trời mưa đủ loại hoa
Cao đến bốn trượng chín
Vua cùng với tất cả
Hai mươi ức chúng nhân
Miệng nói lời nhu hòa
Ắt thành Phật thượng đạo,
Hai mươi ức chúng ấy
Đều kiến lập Phật Đạo
Thấy Vua phát đạo cả
Cũng bắt chước học theo.
Đức Phật bảo: Này Sư Tử Bộ Lôi Âm! Ông có biết An Bạc Vương thuở đó là ai không?
Sư Tử Bộ Lôi Âm thưa: Con không biết, thưa Thế Tôn.
Đức Phật dạy: Nay chính là Văn Thù Sư Lợi này đây. Từ khi phát đạo tâm cho đến nay như số vi trần đầy cả Cõi Phật trong bảy ngàn A tăng kỳ hằng hà sa số kiếp, được pháp nhẫn không từ đâu sinh.
Rồi lại quá sáu mươi bốn hằng hà sa số kiếp ở Thế Giới ấy đầy đủ thập trụ, thành tựu mười lực, đầy đủ đạo địa Chư Phật, biện thuyết pháp Chư Phật. Từ lúc mới phát tâm cho đến nay, chưa từng một lần sinh tâm mà có phát ý, đều lấy đạo Vô Thượng Chánh Chân làm tối Chánh Giác. Ta cũng không nghĩ rằng nên làm thế nào để thành tối Chánh Giác.
Hai mươi ức người kia, xưa ở chỗ Lôi Âm Hưởng Như Lai, đã phát đạo tâm đều đạt đạo Vô Thượng Chánh Chân thành tối Chánh Giác, chuyển diệu pháp luân vì các chúng sinh mà làm mọi Phật sự và đã diệt độ. Những vị ấy đều do Văn Thù Sư Lợi khuyến hóa, thảy đều cúng dường, siêng tu các hạnh sáu Độ vô cực, giữ gìn và khuyến hóa truyền thừa chánh pháp.
Hiện nay đang có Phật thuyết pháp chưa diệt độ, ở phương dưới cách đây bốn mươi bốn hằng hà sa các Cõi Phật, có Thế Giới tên là Địa để, Phật ấy hiệu là Trì Địa Như Lai Chí Chân Đẳng Chánh Giác, hiện đang nói pháp, cùng với vô biên chúng Thanh Văn, thọ mạng vô hạn. Khi Đức Phật nói về dụ thuở xưa, bảy ngàn người phát tâm vô thượng chánh chân.
Lúc đó, Bồ Tát Sư Tử Bộ Lôi Âm hỏi Văn Thù Sư Lợi: Nhân Giả ở chỗ Phật thuở xưa, đầy đủ tất cả pháp mười lực Như Lai, thành tựu mười địa thì cớ gì không thành Chánh Giác?
Văn Thù Sư Lợi đáp: Không lấy tất cả pháp của Chư Phật quá khứ mà thành tối Chánh Giác.
Vì sao?
Vì nói đắc đạo tức là không đắc, cũng không sở đắc.
Sư Tử Bộ Lôi Âm lại hỏi: Thế nào là đầy đủ pháp Phật?
Văn Thù đáp: Đủ vốn là không.
Sư Tử Bộ Lôi Âm lại hỏi.
Tại sao đầy đủ vốn là không?
Văn Thù đáp: Đủ tức là hư không, mà cái đủ ấy vốn là không. Hiểu rõ được hư không và các pháp vốn là nghĩa không, bằng nhau không hai, không thể phân biệt.
Sư Tử Bộ Lôi Âm hỏi: Thế nào là đầy đủ tất cả các pháp?
Văn Thù đáp: Đầy đủ năm ấm mới có thể đầy đủ ba cõi, tất cả các pháp đầy đủ trong mười phương Chư Phật.
Sư Tử Bộ Lôi Âm lại hỏi: Thế nào là đầy đủ các sắc?
Văn Thù hỏi: Nhân Giả thấy sắc, vậy sắc ấy là thường hay không thường?
Sư Tử Bộ Lôi Âm đáp: Không thường.
Văn Thù đáp: Các pháp có thường hoặc không thường ư?
Lại năm ấm có tăng có giảm ư?
Sư Tử Bộ Lôi Âm đáp: Không.
Văn Thù Sư Lợi nói: Thế nên, này thiện nam! Nếu đối với các pháp không tăng không giảm thì gọi là đầy đủ.
Sư Tử Bộ Lôi Âm hỏi: Vì sao đầy đủ?
Văn Thù đáp: Đầy đủ các pháp mà tuệ đã hiểu, cũng như như tuệ không lay chuyển, đến lúc đó không biết các vọng tưởng, do không vọng tưởng cho nên không tạo tội lỗi, không tạo tội lỗi mới gọi là bình đẳng.
Thế nên, này thiện nam! Bình đẳng thấy các sắc thì mới bình đẳng thấy tất cả các pháp, thọ, tưởng, hành, thức bình đẳng cũng như vậy, không có sai khác.
Lúc đó, Bồ Tát Sư Tử Bộ Lôi Âm hỏi Văn Thù Sư Lợi: Tính ra thì Nhân Giả được pháp nhẫn đã lâu, cao siêu vời vợi, như vậy không phát một tâm nào ta sẽ thành đạo.
Thưa Nhân Giả! Thế nào là khuyến hóa chúng sinh phát đạo tâm?
Văn Thù đáp: Tôi không khuyến hóa chúng sinh khiến phát đạo tâm.
Sư Tử Bộ Lôi Âm lại hỏi: Vì sao?
Văn Thù đáp: Vì chúng sinh không có thật, chúng sinh vắng lặng chớ ở trong điên đảo, mà khuyến hóa họ khiến phát đạo tâm.
Giả sử chúng sinh không ở trong điên đảo thì không có đạo, như vậy lấy gì mà phát?
Vì lý do đó cho nên ta không khuyến hóa chúng sinh phát đạo tâm và cũng không giáo hóa họ dốc chí cầu đạo.
Vì sao?
Vì không có sở tưởng thì mới gọi là bình đẳng. Nghĩa bình đẳng ấy không có chí cầu cũng không thoái chuyển. Thế nên gọi là không từ đâu đến, không đi về đâu, nên quán sinh tử. Điều mà gọi là bình đẳng tức là chương cú không này. Cái không ấy là không chí cầu.
Lại nữa, này thiện nam! Vừa rồi thiện nam hỏi được pháp nhẫn đã lâu, cao xa vời vợi, như vậy tại sao không phát một tâm nào ta sẽ thành Phật.
Nhân Giả thấy tâm không?
Vậy lấy tâm nào để thành Phật Đạo?
Sư Tử Bộ Lôi Âm đáp: Không thấy.
Vì sao?
Vì tâm không hình sắc cho nên không nhìn thấy. Đạo cũng lại như vậy cũng không có hình sắc cho nên không thấy. Như vậy, đạo chỉ mượn danh từ để gọi mà thôi. Do vậy tâm cùng với Phật Đạo đều là giả mượn.
Thế nên, này thiện nam! Ta nói lời này không phát một tâm nào ta sẽ thành Phật. Không phát tâm ấy không có sinh cũng không có diệt. Do không sinh không diệt thì mới gọi là được.
Sư Tử lôi âm hỏi: Đúng lúc nào mới gọi là thời?
Văn Thù đáp: Này thiện nam! Nói rằng thời là thông suốt bình Đẳng Giác, cái có thể giác là không tăng không giảm, vĩnh viễn không khởi tưởng, cũng không diệt. Đó mới gọi la tùy theo thời bình đẳng. Không vọng tướng vốn là không. Đó gọi là tùy thời bình đẳng. Nếu được chánh kiến thì là đẳng trong bình đẳng, thông đạt các pháp, tất cả đều không có cái được thì mới không có tạo tác.
Đối với tất cả chủng loại không khởi một niệm thì mới gọi là tùy thời bình đẳng. Nếu thân chứng minh tất cả các pháp, các tướng đều là pháp tướng, hiểu rõ như vậy tức là có tâm đắm trước. Nếu không có tướng thì không có chỗ nương tựa. Đó mới gọi là tùy thời bình đẳng.
Sư Tử Bộ Lôi Âm hỏi: Sao gọi là đạt đến?
Văn Thù Sư Lợi đáp: Vì không có sở hành. Nếu đạt đến chỗ ấy thì mới gọi là đạt. Nhưng trong ba cõi không có sở hành. Giả sử như có lời này thì bị trần lao, do vậy mà không thể đạt đến.
Vì sao?
Vì ý không tồn tại, pháp này vô ngôn. Vì ly do đó cho nên không thể đạt đến.
Lại nữa, này thiện nam! Vô sở đắc mới gọi là đạt, không có lời nói ấy thì là không đạt pháp lại cũng không chỗ trụ. Nếu không được pháp thì mới gọi là đạt.
Khi ấy, Bồ Tát Sư Tử Bộ Lôi Âm bạch trước Phật: Hay thay, hay thay! Thưa Thế Tôn! Khi Văn Thù Sư Lợi thành Phật Quốc Độ tên là gì?
Đức Phật bảo Sư Tử Bộ Lôi Âm: Ngươi nên đem lời ấy hỏi Văn Thù Sư Lợi.
Vâng lời Phật dạy, Sư Tử Bộ Lôi Âm liền hỏi Văn Thù Sư Lợi: Khi Nhân Giả thành Phật Quốc Độ tên là gì?
Văn Thù Sư Lợi đáp: Này thiện nam! Nếu thiện nam ưa thích Phật Đạo thì nên hỏi khi thành Phật, Quốc Độ tên là gì?
Sư Tử lôi âm lại hỏi: Nhân Giả không thích Cõi Phật sao?
Văn Thù đáp: Không thích.
Sư Tử lôi âm lại hỏi: Vì sao?
Văn Thù đáp: Nếu có ham thích tức là có lạc dục, người có lạc dục tức là có ân ái. Nếu có ân ái tức là có thọ, nếu có thọ tức là có khổ hoạn. Cái khổ hoạn ấy chính là không có sự bảo hộ. Thế nên thân ta không thành Chánh Giác.
Vì sao?
Vì không sở đắc. Nếu không đắc đạo thì không ham thích.
Lại như vừa rồi thiện nam hỏi Quốc Độ tên là gì?
Nói đến nguồn gốc ấy tôi không kham nhận tự làm thân tổn thất.
Vì sao?
Nếu có Bồ Tát tự khen mình thì tự làm tổn thất công huân trang nghiêm thanh tịnh Cõi Phật, không như vậy thì mới diện kiến Như Lai pháp tạng vô cùng.
Lúc đó, Đức Phật dạy: Này Văn Thù Sư Lợi! Nay đã đúng lúc nên nói về công huân trang nghiêm thanh tịnh Cõi Phật khi ông thành Phật. Vậy ông hãy nói về chí nguyện đó đi, Như Lai nghe cho và cũng làm cho các Bồ Tát khác khi nghe ông nói về chí nguyện ấy mà phát tâm đầy đủ đạo nghiệp.
Văn Thù Sư Lợi thưa: Dạ vâng, con không dám trái lệnh.
Thưa vậy xong, Văn Thù Sư Lợi liền từ chỗ ngồi đứng dậy bày vai phải gối phải quỳ sát đất, chắp tay bạch Phật: Vâng lời Phật dạy, con nay tuyên nói. Nếu thiện nam, thiện nữ nào muốn cầu Phật Đạo thì hãy cùng lắng nghe, nghe rồi hạnh nguyện đầy đủ.
Ngay lúc đó, mười phương hằng hà sa Cõi Phật sáu cách chấn động.
Văn Thù Sư Lợi bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Bản nguyện của con như Thế Tôn đã nói, trải qua bảy ngàn A tăng kỳ hằng hà sa kiếp thực hành hạnh Bồ Tát, không thành Đạo Tràng, không đến Chánh Giác.
Đạo nhãn của con nhìn thấu mười phương, thấy Chư Phật khuyến hóa tất cả chúng sinh đều thành Phật Đạo, tâm con vững chắc khai hóa khuyến khích họ thực hành bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, nhất tâm, trí tuệ. Tất cả đều do con khuyến hóa.
Bạch Thế Tôn! Nay con dùng mắt thanh tịnh quán thấy mười phương không bị trở ngại, thấy Chư Phật đến khuyến hóa trợ giúp kiến lập đạo vô thượng chánh chân. Những việc làm ấy hoàn tất thì con mới thành đạo vô thượng chánh chân, Tối Chánh Giác. Nếu lời ấy chỉ có nói suông thì con không thành Chánh Giác. Giả sử sở nguyện được đầy đủ thì con mới thành Phật.
Khi ấy, các Bồ Tát trong chúng hội đều suy nghĩ: Văn Thù Sư Lợi thấy được việc trước sau của Chư Phật Thế Tôn là bao nhiêu?
Đức Phật biết được tâm niệm của các Bồ Tát, liền bảo Bồ Tát Sư Tử Bộ Lôi Âm rằng: Này thiện nam! Trong Tam Thiên Đại Thiên Cõi Phật đầy đủ vi trần, thí như có người đập nát số vi trần ấy, rồi cứ mỗi hạt trần đều nghiền nát ra, cứ làm như vậy trong một Cõi Phật đầy cả vi trần.
Này thiện nam! Ý ông nghĩ sao?
Có ai biết được số vi trần đó là nhiều hay ít chăng?
Sư Tử Bộ Lôi Âm thưa: Không thể biết được, thưa Thế Tôn.
Đức Phật dạy: Này thiện nam! Giả sử biết rõ được số vi trần nhiều ít trong Cõi Phật ấy thì cũng không thể nói hết. Mắt sáng của Văn Thù Sư Lợi nhìn thấy mười phương Cõi Phật còn hơn số vi trần đó gấp trăm lần, ngàn lần, vạn lần, ức lần, trăm ức vạn lần, muôn triệu kiếp số không thể lường được vô lượng vô biên, sở nguyện như vậy nhưng không thành Chánh Giác.
Giả sử Cõi Phật như hằng hà sa, giáp cả mười phương đầy cả cây Bồ Đề, dưới mỗi cây đều có Bồ Tát ngồi, trong khoảng chốc lát đều thành đạo Vô Thượng Chánh Giác được Tối Chánh Giác, đến khi diệt độ, không cần Bồ Đề Đạo Tràng, tự phát khởi vì tất cả chúng sinh.
Lại quá mười phương các Cõi Phật không thể tính hết, giáo hóa chúng sinh thuyết pháp khiến được hóa độ, sở nguyện cao vời vợi cho đến Cõi Phật, mới thành Phật Đạo.
Trong Cõi Phật ấy, không có tên Thanh Văn, Duyên Giác chỉ thuần các Bồ Tát diệt trừ các nạn chán nản sân hận, tịnh tu phạm hạnh đầy đủ Cõi Phật, lại cũng không nghe đến tên người nữ. Giả sử các Bồ Tát đều được hóa sinh, thân mặc pháp phục, ngồi kiết già, Cõi Phật trang nghiêm thanh tịnh, thuần các Bồ Tát, sung mãn vời vợi, trừ pháp Tiểu Thừa.
Khi ấy, Bo tát Sư Tử Bộ Lôi Âm bạch trước Phật: Bạch Thế Tôn! Khi Văn Thù Sư Lợi thành Phật danh hiệu là gì?
Đức Phật dạy: Văn Thù Sư Lợi thành Phật Hiệu là Phổ Hiện Như Lai Chí Chân Đẳng Chánh Giác.
Vì sao gọi là Phổ Hiện?
Vì công đức của Đức Phật ấy hiện khắp cả mười phương Quốc Độ không có hạn lượng. Nếu ai thấy được Phổ hiện Như Lai, hoặc thấy được ánh sáng thì sẽ được Thánh Đạo Vô Thượng Chánh Chân. Nếu sau khi Phật diệt độ, nếu ai nghe được danh hiệu Phật Phổ hiện, cũng sẽ được quyết định thành đạo Vô Thượng Chánh Chân, trừ những vị nhập diệt hoặc được vào dòng Thánh.
Văn Thù Sư Lợi bạch Phật: Bạch Đức Thế Tôn! Con nguyện khi thành Phật, ai sinh vào nước con, khiến không có tưởng đói khát, đầy đủ các vị ngon tự nhiên được đầy bát đang cầm trong tay phải.
Lúc đó, tâm suy nghĩ: Nếu trước không cúng dường mười phương Chư Phật, Thanh Văn, Duyên Giác và những người thiếu thốn nguy ách, xin ăn thấp hèn.
Nếu tự ăn trước thì việc ấy không nên trước phải dâng cúng cho tất cả được no đủ rồi sau mới ăn. Vừa suy nghĩ xong, thần thông đầy đủ, thấu triệt không bị trở ngại, đi mau như gió, vừa nghĩ đã đến mười phương, trên cúng dường Chư Phật, dưới khắp cả chúng sinh.
Y báu pháp phục cũng như vậy, trước cúng dường Chư Phật, kế đến là những người nghèo cũng thấp kém khiến cho họ được an, không có hoạn tam nạn và các khổ não, lời nói vừa ý không nghe lời ác, không có một cấm giới nào là không học, không có lời thị phi, không tôn, không ty, không giàu, không nghèo, ai sinh vào nước của con đều được bình đẳng.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba