Phật Thuyết Kinh Văn Thù Sư Lợi Phổ Siêu Tam Muội - Phẩm Ba - Phẩm Cử Bát - Tập Một

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn

PHẬT THUYẾT KINH

VĂN THÙ SƯ LỢI PHỔ SIÊU TAM MUỘI

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn  

PHẨM BA

PHẨM CỬ BÁT  

TẬP MỘT  

Bấy giờ, một ngàn hai trăm Thiên Tử ở trong chúng hội mà thuở xa xưa họ đã tạo hạnh Bồ Tát, bây giờ đã quên mất ý đạo, chí chẳng kiên cố nên tự nghĩ: Phật tuệ lồng lông chẳng thể hạn lượng, ý đạo Vô Thượng Chánh Chân khó thể hiểu được. Sự học của Bồ Tát mà chẳng thể thành tựu thì Tối Chánh Giác rất khó có thể đạt được. Đối với điều này, chúng ta chẳng thể học hỏi được, chi bằng đổi lại cầu học Thanh Văn, Duyên Giác để nắm chắc diệt độ.

Bấy giờ Thế Tôn biết được ý nghĩ trong tâm của các Thiên Tử, thấy những người này kham nỗi đạo vô thượng chánh chân, làm Tối Chánh Giác mà lại muốn phế bỏ, chỉ theo tiểu thừa.

Phật muốn khuyến hóa các Thiên Tử nên rời khỏi Đạo Tràng, ở trong chúng hội, hóa làm một vị trưởng giả tay bưng bình bát đựng trăm món đồ ăn thức uống đem đến chỗ Đức Phật, rồi bạch với Đức Thế Tôn: Kính thưa Đại Thánh! Xin Ngài xót thương nhận thực phẩm cho!

Phật liền nhận lấy bát. Bồ Tát Nhuyễn Thủ đứng dậy, đến chỗ Đức Phật, chắp tay bạch: Hôm nay được bữa ăn thịnh soạn, hẳn phải nghĩ đến ân xưa?

Con xin chí thành lắng nghe. Đức đại thánh đâu chỉ ăn mà chẳng đem đạo pháp ban cho chúng con! Xin gia ân đem đạo pháp ban cho để khắc phục lại ý tưởng trước kia.

Đến đây, Hiền Giả Xá Lợi Phất tự nghĩ: Nhuyễn Thủ trước kia đã có ân đức gì mà lại nói với Đức Thế Tôn là tuy nhận bữa ăn cũng nên hồi tưởng lại ân pháp trước đây?

Rồi bạch Phật: Bồ Tát Nhuyễn Thủ đời trước đã có ân gì với Đấng Đại Thánh mà thưa Như Lai tuy nhận thức ăn nhưng phải nghĩ đến ân pháp đời trước?

Phật dạy: Hãy đợi trong giây lát thì ông sẽ tự phát hiện ra. Như Lai đã biết chẳng phải ông đã kịp hiểu ra.

Rồi Đức Phật liền thả bát xuống đất. Bát rơi xuống biến mất, đi vào các Cõi Phật. Các Đức Phật Chánh Giác hiện đang tại thế, mỗi mỗi đều thấy bát ở dưới chân mình.

Ở tại phương dưới cách đây các Cõi Phật nhiều bằng bảy mươi hai lần cát Sông Hằng đến cõi nước của Đức Như Lai Quang Minh Vương, tên là Chiếu Diệu, bát trụ ở trên hư không của nước ấy, không ai nắm giữ mà tự nhiên đứng vững. Chúng đệ tử các Đức Phật hiện tại đều thưa hỏi Đức Phật của họ là bát từ đâu đến.

Các Đức Phật đều bảo với họ ý như sau: Thế Giới phương trên có cõi nước tên là Nhẫn, ở đó có Đức Như Lai tên là Năng Nhân, hiện đang thuyết pháp. Đức Năng Nhân Như Lai thả rơi bát ấy để mà khuyến hóa các Bồ Tát có tâm sai khác, ý chí thoái lui.

Đến đây, Thế Tôn bảo Xá Lợi Phất: Ông hãy đi tìm bát, hãy quan sát biết được chỗ mà bát đã đến!

Xá Lợi Phất tức thời vâng lời, tự dùng trí lực, vâng Thánh chỉ của Đức Phật vào tam muội chánh thọ, dùng một vạn định vượt qua một vạn Cõi Phật, tìm kiếm khắp nơi mà chẳng biết bát ở đâu, liền trở về bạch Phật: Kính thưa Thế Tôn! Con tìm mà chẳng thấy, chẳng biết bát ở đâu!

Rồi Thế Tôn bảo Đại Mục Kiền Liên: Nay ông hãy đi tìm kiếm bát về, hãy quan sát bát hiện ở chỗ nào?

Mục Kiền Liên nhận lời rồi, dùng lực thần túc, vâng Thánh chỉ của Đức Phật, bằng tam muội chánh thọ vào tám ngàn định, trong phút chốc vượt qua tám ngàn Cõi Phật, tìm kiếm mà chẳng thấy, chẳng biết chỗ của bát, liền trở về bạch Phật: Con đã dùng hết thần lực mà chẳng tìm được bát, đâu có thể tròn bổn phận ư?

Thế Tôn bảo Tu Bồ Đề: Ông hãy đi tìm bát, biết chỗ nó đến để đem về lại.

Tu Bồ Đề cũng liền nhận lời, bằng tam muội chánh thọ vào một vạn hai ngàn định, trong phút chốc vượt qua một vạn hai ngàn Cõi Phật để tìm mà chẳng thấy bát, chẳng biết chỗ dừng của nó ở đâu.

Như vậy, cả năm trăm vị Thanh Văn ở tại hư không đều hiện thần túc, sức tam muội, thần thông thể lực Bậc Thánh, thiên nhãn nhìn suốt… để đi tìm bát mà chẳng biết chỗ đến của nó, cũng chẳng thể tìm được.

Khi ấy Tu Bồ Đề liền đến trước Bồ Tát Từ Thị nói: Thưa Nhân Giả! Nhân Giả là bậc tài cao, là Như Lai Nhất sinh bổ xứ sẽ chứng đạo vô thượng chánh chân, thành Tối Chánh Giác. Ân từ bi rộng lớn, đạt nhiều trí tuệ, mọi người chẳng bì kịp, một mình đi lại ba cõi mà không bạn bè, chắc Nhân Giả biết bát ở đâu. Xin Nhân Giả có thể đến đó kính cẩn mang về đây, may ra nhờ uy lực của Nhân Giả mà bát được mang trở về.

Bồ Tát Từ Thị đáp lại Tu Bồ Đề: Đúng như Nhân Giả đã nói, tôi thọ được tuệ Như Lai sẽ thành Chánh Giác. Hôm nay, Nhuyễn Thủ đã khởi định ý tiến, dừng, ngồi, đứng, tôi đây không bì kịp, chẳng thể hiểu rõ tam muội ấy.

Thưa Tôn Giả Tu Bồ Đề! Tuy vào đời sau tôi sẽ thành Phật, có số Bồ Tát nhiều như cát sông nhưng tất cả đều là do Bồ Tát Nhuyễn Thủ đã khai hóa, dẫn dắt. Muốn biết cất một bước chân đã nghĩ chẳng biết về đâu.

Vậy nên, thưa Nhân Giả! Chúng ta phải thỉnh Bồ Tát Nhuyễn Thủ. Chỉ có vị Đại Sĩ ấy mới biết được nơi chỗ mà bát dừng, mới đảm nhận việc đem bát về lại thôi.

Rồi Tu Bồ Đề thưa với Đức Thế Tôn: Nguyện xin Thế Tôn rủ lòng ban lời dạy bảo. Đức Đại Thánh liền sai Nhuyễn Thủ đi lấy bát.

Nhuyễn Thủ vâng lời tự nghĩ rằng: Ta chẳng đứng dậy khỏi chỗ ngồi, chẳng rời khỏi chúng hội mà mang bát về lại đây. Nhuyễn Thủ vào tam muội tên là Phổ siêu thì các Bồ Tát ở đây đều định ý chánh thọ.

Lúc này Nhuyễn Thủ duỗi bàn tay phải vào trong lòng đất, vượt qua phương dưới, vượt qua các Đức Phật, đại Thánh nhiều vô cùng, rồi lần lượt bàn tay của Bồ Tát làm lễ từng vị một. Trong bàn tay ấy tự nhiên có tiếng xưng tụng Đức Như Lai Năng Nhân, Chí Chân Đẳng Chánh Giác.

Rồi kính hỏi thăm vô lượng các Đức Phật đang ở đời, khinh thường lợi dưỡng, thế lực, đi ở được an ổn chăng?

Rồi từ mỗi một lỗ chân lông trên bàn tay, cánh tay ấy tự nhiên xuất phát hàng trăm ngàn vạn ức ánh hào quang sáng chói. Mỗi một hào quang đều biến hiện ra trăm ngàn hoa sen. Trên mỗi hoa sen ấy đều có đức hóa Như Lai đầy đủ tướng tốt. Tất cả đều ngồi kiết già trên hoa sen. Rồi từng vị Thế Tôn ấy đều cùng khen ngợi danh đức, công huân của Đức Năng Nhân Như Lai.

Hiện tượng này đã trải qua các Cõi Phật. Ngay khi ấy, các đất nước đều chấn động sáu cách các cõi nước của Chư Phật, ánh sáng tự nhiên chiếu soi khắp nơi, tất cả các Cõi Phật đều hiện ra bàn tay ấy.

Lại nữa, các Cõi Phật lại tự nhiên có lụa ngũ sắc, cờ, phướn, lọng báu… không chỗ nào chẳng trang nghiêm, hoa tung khắp chốn, trang sức nơi nơi. Bàn tay của Bồ Tát Nhuyễn Thủ đi qua các Cõi Phật nhiều bằng bảy mươi hai lần cát sông.

Làm lễ các Đức Phật xong, bỗng trong chốc lát, bàn tay ấy đến Thế Giới Chiếu Diệu, ở đó có cõi nước của Đức Phật Quang Minh Vương. Làm lễ Đức Phật xong, tự nhiên bàn tay ấy phát ra âm thanh lớn xưng tụng Đức Năng Nhân Như Lai, kính hỏi vô lượng việc.

Đức Như Lai Minh Vương có vị Bồ Tát thị giả tên là Quang Anh, liền thưa với Đức Như Lai ấy rằng: Đây là bàn tay nào mà thù thắng vi diệu, lồng lộng uy thần khó bì kịp vậy?

Sao tự nhiên phát ra trăm ngàn vạn ức ánh hào quang sáng rực, trong mỗi ánh hào quang ấy đều hóa ra trăm ngàn hoa sen trang nghiêm thanh tịnh, trên mỗi một hoa sen đó đều có Như Lai an tọa, lại ca ngợi công huân của Đức Năng Nhân thánh triết?

Đức Phật Quang Minh Vương bảo thị giả Quang Anh: Có thiện nam ở phương Trên, cách đây số Cõi Phật nhiều bằng bảy mươi hai lần cát sông, ở đó có Thế Giới tên là Nhẫn, có Đức Như Lai Chí Chân Đẳng Chánh Giác hiệu là Năng Nhân, hiện đang thuyết pháp.

Ở đó có vị Đại Sĩ tên là Nhuyễn Thủ, ông ấy mặc áo giáp giới đức không thể nghĩ bàn, có tất cả sức Thần Thông Độ vô cực, tự tại ở chỗ ngồi, chẳng hề đứng mà di chuyển bàn tay đến đây để mang bát về.

Khi ấy, các vị Bồ Tát ở cõi của Đức Phật Quang Minh Vương đều khát khao, ngưỡng mộ muốn được chính mắt thấy Đại Sĩ Nhuyễn Thủ ở Thế Giới Nhẫn của đức Năng Nhân Như Lai kia. Đức Phật Quang Minh Vương biết hết suy nghĩ trong tâm ý của chúng hội liền phóng ra hào quang Mi đảnh tướng.

Ánh sáng đó chiếu suốt qua các Cõi Phật nhiều bằng bảy mươi hai lần cát sông, lên đến cõi Nhẫn. Không chỗ nào mà chẳng sáng rực rỡ. Có chúng sinh nào ở đó được nhờ ánh sáng ấy soi rọi thì tất cả được yên ổn, không có hoạn nạn. Như ở bốn cõi của Hoàng Đế Chuyển Luân Thánh Vương có những người tu hành tinh chuyên học định, gặp ánh sáng ấy thì đều được Tu Đà Hoàn. Người đã đắc thiền định rồi thì qua hết ba cõi, đạt được tứ chứng đức.

Người đã lậu tận rồi thì được vào tám cửa giải thoát. Bậc La Hán thiền định thì được Vô trước nguyện. Thân các vị Bồ Tát được ánh sáng ấy soi rọi thì đều thành tựu được Nhật quang tam muội. Như thế, các Bồ Tát Đại Sĩ của Cõi Phật Quang Minh Vương Như Lai nhìn Đức Thế Tôn Năng Nhân, Bồ Tát Nhuyễn Thủ, tất cả Thánh Chúng Thanh Văn Tỳ Kheo, các vị Bồ Tát…

Bồ Tát Quang Anh nhìn thấy các Bồ Tát của Thế Giới Nhẫn liền rơi nước mắt, rồi đem lời này bạch với Đức Phật: Kính thưa Thế Tôn! Như nước tinh khiết vi diệu, như châu sáng Như ý mà bị rơi vào chỗ bất tịnh, thật đáng thương tiếc! Các vị Bồ Tát này sinh ở Thế Giới Nhẫn cũng lại như vậy, rất đáng thương cảm!

Đức Phật Quang Minh Vương bảo Bồ Tát Quang Anh rằng: Ông chớ tuyên bố lời này.

Vì sao?

Ở Cõi Phật chúng ta mà siêng tu thiền hạnh đến mười kiếp chẳng bằng ở cõi nhẫn tu từ sáng sớm đến buổi ăn sáng. Phát khởi tấm lòng thương nghĩ đến chúng sinh, công đức này tối thắng không ai bằng, khó có thể bì kịp.

Vì sao?

Vì các chúng Bồ Tát Đại Sĩ ấy không có ấm cái, trần lao đã hết. Các vị ở cõi nhẫn hộ trì chánh pháp thì công đức chẳng thể lường.

Bấy giờ, các vị Bồ Tát ở cõi nhẫn được ánh sáng chiếu vào thân mình thì hỏi Đấng Thiên Trung Thiên Năng Nhân: Thưa Thế Tôn! Đây là ánh sáng gì?

Ai đã phóng đến tiêu diệt hết trần lao, khiến chúng con không còn tỳ vết?

Phật bảo: Này các Thiện Nam! Ở phương Dưới, cách đây số Cõi Phật nhiều bằng bảy mươi hai lần cát sông, có một Thế Giới tên là Chiếu Diệu, Đức Như Lai ở đó hiệu là Quang Minh Vương Như Lai Chí Chân ấy phóng ra hào quang mi đảnh quang. Ánh sáng ấy chiếu suốt qua các Cõi Phật nhiều bằng bảy mươi hai lần cát sông. Ánh sáng rực rỡ đó soi đến từ cõi ấy.

Khi đó, các Bồ Tát và chúng Thanh Văn đều bày tỏ với Đức Phật: Kính thưa Thế Tôn! Chúng con muốn nhìn thấy Thế Giới Chiếu Diệu, Đức Quang Minh Vương Như Lai và các chúng Bồ Tát ở đó.

Năng Nhân Như Lai từ lòng bàn chân phóng ra hào quang thiên bức tướng luân quang. Ánh sáng ấy chiếu khắp Cõi Phật nhiều bằng bảy mươi hai lần cát sông ở phương Dưới, đến cả cõi Chiếu Diệu, không đâu mà không cùng khắp. Ở Thế Giới phương Dưới, thân của các chúng Bồ Tát nhờ ánh sáng ấy đều thành tựu được tam muội Tu Di quang.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần