Phật Thuyết Kinh Văn Thù Sư Lợi Phổ Siêu Tam Muội - Phẩm Bảy - Phẩm Tam Tạng

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:04 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn

PHẬT THUYẾT KINH

VĂN THÙ SƯ LỢI PHỔ SIÊU TAM MUỘI

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn  

PHẨM BẢY

PHẨM TAM TẠNG  

Vào giữa đêm, Bồ Tát Nhu Thủ vì các Bồ Tát Đại Sĩ giảng thuyết ba tạng bí mật của Bồ Tát.

Sao gọi là yếu nghĩa của tạng bí mật của Bồ Tát?

Vì các Kinh Pháp không điều nào chẳng quy nhập vào tạng này. Như pháp thế tục, pháp xuất thế, pháp hữu vi, pháp vô vi hoặc pháp thiện, hoặc pháp bất thiện, pháp hữu tội, pháp vô tội, pháp hữu lậu, pháp vô lậu… đều quy nhập vào tạng Bồ Tát.

Vì sao?

Vì hiểu yếu nghĩa Kinh Điển của tạng Bồ Tát thì hiểu rõ tất cả nghĩa các pháp.

Này các thiện nam! Ví như tam thiên đại thiên Thế Giới này, hàng trăm ức đất đai bốn thiên hạ, hàng trăm ức mặt trời, mặt trăng, hàng trăm núi chúa Tu Di, hàng trăm ức biển lớn đều quyện hợp vào tam thiên đại thiên Thế Giới làm một Cõi Phật.

Này các thiện nam! Như thế pháp phàm phu và các pháp học khác như: Pháp Thanh Văn, pháp Duyên Giác, hoặc pháp Bồ Tát và cả pháp Phật đều đến quy vào tạng Bồ Tát.

Vì sao?

Vì tạng Bồ Tát bao gồm tất cả Thanh Văn, Duyên Giác đem nuôi dưỡng đại thừa.

Này các thiện nam! Ví như gốc rễ của cây kia có kiên cố thì cành lá, hoa trái mới thêm sum suê.

Lại nữa, này các thiện nam! Giả như có đạt được tạng Bồ Tát thì Bồ Tát Đại Sĩ mới đạt được tất cả các thừa để đem nuôi dưỡng tất cả các pháp của phước đức. Tạng Bồ Tát tên là Vô Lượng Khí.

Gọi Vô Lượng Khí là ví như biển cả, chứa được nước nhiều vô lượng. Đó là vật chứa đựng bao hàm nên các Rồng, Quỷ, Thần, Kiền Đạp Hòa, A Tu Luân, Ca Lưu La, Chân Đà La, Ma Hưu Lặc và các loại chúng sinh cầm thú đều lấy từ đó, nên còn gọi là Vô hạn khí.

Kinh Điển bí mật cốt yếu của tạng Bồ Tát cũng lại như vậy. Đó là sự bố thí vô hạn về văn, giới, định, tuệ, giải thoát, tri kiến. Do vậy, nên gọi là tạng Bồ Tát. Ví như loài có máu sinh ở biển cả, vì sinh ra ở đó nên chẳng uống nước nào mà chỉ uống nước biển. Như vậy, nếu Bồ Tát đã hành tạng Bồ Tát thì không tu hành các pháp khác, mà chỉ thường tu hành các pháp nghĩa thông tuệ. Do vậy nên gọi là tạng Bồ Tát.

Lại nữa, này các thiện nam! Bồ Tát có ba tạng cốt yếu.

Sao gọi là ba?

1. Tạng Thanh Văn.

2. Tạng Duyên Giác.

3. Tạng Bồ Tát.

Tạng Thanh Văn là nương theo âm hưởng người khác mà được giải thoát.

Tạng Duyên Giác là hiểu rõ duyên khởi của mười hai nhân duyên, phân biệt báo ứng, chấm dứt nhân sinh khởi.

Tạng Bồ Tát là nắm giữ nghĩa lý vô lượng của các chánh pháp, tự phân biệt giác ngộ.

Lại nữa, này các thiện nam! Thừa Thanh Văn ấy không có ba tạng, Duyên Giác ấy cũng không có ba tạng, chỉ có pháp Bồ Tát mới nghiên cứu, rèn luyện ba tạng mật yếu. Nhờ pháp Bồ Tát mà phát sinh ba tạng là Thanh Văn, Duyên Giác và đạo Vô Thượng Chánh Chân. Vậy nên gọi là ba tạng.

Bồ Tát Thuyết Pháp khuyến hóa chúng sinh khiến họ ở nơi ba thừa: Thanh Văn, Duyên Giác và Vô Thượng Chánh Giác. Vậy nên Bồ Tát tên là Tam tạng. Có ba tạng này thì không học tạng khác.

Những gì gọi là ba?

Đó là Thanh Văn học, Duyên Giác học và Bồ Tát học.

Sao gọi là Thanh Văn học?

Sự học này chỉ làm sáng tỏ bản thân mình.

Duyên Giác học thì gọi là Trung học.

Hành đại bi thì gọi là Bồ Tát học. Sự học này đạt đến vô lượng trí tuệ, bao gồm cả đại bi.

Thừa Thanh Văn kia chẳng học theo sự học của thừa Duyên Giác, cũng chẳng hiểu thấu Duyên Giác. Còn Duyên Giác kia chẳng học theo sự học của Bồ Tát, cũng chẳng hiểu được sự học của Bồ Tát. Nhưng Bồ Tát thì học hết sự học của Thanh Văn đều hiểu rõ mà chẳng theo cái học đó, cũng chẳng khuyến khích tu theo hạnh ấy.

Bồ Tát học sự học của Duyên Giác, hiểu rõ hết nhưng chẳng ưa theo sự học ấy, cũng chẳng khuyến hóa tu theo cái thừa đó. Nhưng Bồ Tát lại còn học theo sự học của Bồ Tát, hiểu rõ hết cả và ưa thích khuyến hóa tu theo hạnh của thừa đó. Bồ Tát khuyến hóa bằng hạnh của mình rồi thuyết giảng hạnh giải thoát của Thanh Văn. Bồ Tát cũng thuyết giảng hạnh giải thoát của Duyên Giác, Bồ Tát phân biệt sự tu tập giải thoát của Bồ Tát.

Như vậy, này các thiện nam! Bồ Tát hiểu rõ sự học này gọi là tạng Bồ Tát, giống như đồ vật đựng trong vật bằng lưu ly tức thời tự nhiên tánh chúng hiện bày như sắc lưu ly.

Như vậy, này các thiện nam! Giả sử Bồ Tát đã được thể nhập trong tạng Bồ Tát thì đối với các pháp, Bồ Tát nhìn thấy tất cả pháp đều là Phật Pháp. Giả sử Bồ Tát đã vào tạng Bồ Tát thì chẳng nhìn thấy các pháp có xứ sở. Giả sử Bồ Tát hiểu rõ các Phật thừa thì chẳng thấy hình tượng các pháp.

Những ai chẳng học đến Bồ Tát học thì thấy các pháp có xứ sở. Giả sử Bồ Tát học theo sự học của Bồ Tát thì chẳng thấy các pháp có xứ sở. Giả sử Bồ Tát học theo sự học của Bồ Tát thì chẳng thấy các pháp có trụ xứ. Những ai chẳng tu hành thì chấp tất cả đều là tự nhiên.

Như vậy, này các thiện nam! Giả sử Bồ Tát vào tạng Bồ Tát thì nơi mọi hành động của các pháp, tất cả đều thấy là pháp của Chư Phật. Giả sử, Bồ Tát vào tạng Bồ Tát thì chẳng thấy các pháp có các hình tượng. Giả sử Bồ Tát hiểu rõ các Phật Pháp thì cũng chẳng nhìn thấy xứ sở các pháp. Học Bồ Tát học thì chẳng thấy chỗ quy thú của các pháp.

Những ai không tu tập quán sát thì họ nhìn thấy tất cả chúng sinh nhìn thấy chẳng thuận thì Bồ Tát đều thấy các pháp thuận chính. Bồ Tát nhìn đến các pháp thì không có một pháp nào là chẳng phải Phật Pháp cả. Vậy nên, gọi là tạng Bồ Tát.

Lại nữa, này các thiện nam! Tạng Bồ Tát đã nói thì không bờ không đáy, dùng văn tự để diễn đạt thuận mà đúng lúc thì chẳng thể kể xiết, chỗ kiến lập của nó chẳng thể nghĩ bàn, tỏa ánh sáng xuống thì không đâu chẳng thông đạt.

Ánh sáng không bờ cõi, không chỗ nào chẳng soi tới, rất nhiều ích lợi, khiến chúng sinh đều quay về các thông tuệ, lại còn khiến cho chúng sinh đều ưa thích bản thể vô vi. Giả sử có người học đến sự học kia, vừa mới học thì tất cả đều sẽ nhập vào tạng Bồ Tát.

Vào được đại thừa rồi, muốn học thì sẽ đạt được tất cả. Nếu họ chẳng đạt được đại thừa thì cũng khiến họ đến với đại thừa, khiến vào khắp cả. Như vậy, Bồ Tát Nhu Thủ vì các chúng Bồ Tát nhóm họp ở đây, ngay lúc nửa đêm thuyết giảng bí mật cốt yếu của Kinh Điển Tạng Bồ Tát, phân biệt diễn giảng rộng rãi ý nghĩa mục đích hướng đến.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần