Phật Thuyết Kinh Văn Thù Sư Lợi Phổ Siêu Tam Muội - Phẩm Hai - Phẩm Hóa Phật
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn
PHẬT THUYẾT KINH
VĂN THÙ SƯ LỢI PHỔ SIÊU TAM MUỘI
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn
PHẨM HAI
PHẨM HÓA PHẬT
Lúc này, Bồ Tát Biện Tích bạch với Bồ Tát Nhuyễn Thủ: Vả lại chúng ta nên đều đến hầu hạ Như Lai để trực tiếp thưa hỏi Đại Thánh là Bồ Tát Đại Sĩ nên kiến lập hạnh gì?
Nhuyễn Thủ liền ở ngay chỗ ấy hóa làm Như Lai, hình thể giống như Đức Phật Năng Nhân.
Đồng chân Nhuyễn Thủ bảo Biện Tích: Này thiện nam! Như Lai đang ở đây, sao ông không hỏi việc thiết lập hạnh của Bồ Tát Đại Sĩ?
Lúc ấy Biện Tích hỏi Đức Như Lai hóa thân: Kính thưa Thế Tôn! Bồ Tát Đại Sĩ phải thiết lập hạnh gì?
Hóa Phật bảo: Như ta đã thiết lập và Bồ Tát cũng phải tu hạnh như vậy.
Lại hỏi: Thế Tôn đã tạo lập hạnh ra sao?
Hóa Phật đáp: Ta cũng chẳng hành bố thí, chẳng hành cấm giới, chẳng hành nhẫn nhục, chẳng hành tinh tấn, chẳng hành nhất tâm, chẳng hành trí tuệ, chẳng hành Dục Giới, chẳng hành Sắc Giới, chẳng hành Vô Sắc Giới, chẳng tạo hạnh của thân, chẳng tạo hạnh của lời nói, tâm chẳng nghĩ đến hành động, tất cả không hành động cũng không nhân duyên. Đó chính là hạnh Bồ Tát.
Này thiện nam! Ý ông thế nào?
Sự hóa hiện ấy đâu phải là có hạnh ư?
Đáp: Thưa Đấng Thiên Trung Thiên! Hóa hiện ấy không phải hạnh.
Hóa Phật đáp: Đúng vậy, này thiện nam! Bồ Tát Đại Sĩ phải tạo hạnh ấy.
Biện Tích bạch Nhuyễn Thủ: Nay đã thấy Phật thì sẽ không hóa hiện ư?
Nhuyễn Thủ đáp: Thưa Nhân Giả! Nhân Giả chẳng nghe tất cả các pháp hóa hiện tự nhiên ư?
Tướng huyễn biến mà chẳng thoái chuyển.
Biện Tích đáp: Đúng vậy, quả thật các pháp hóa hiện tự nhiên, huyễn biến mà chẳng thoái chuyển.
Nhuyễn Thủ đáp: Này thiện nam! Nay Nhân Giả vì sao nói ta là thị hiện Như Lai sẽ không biến hóa nữa ư?
Tất cả Chư Phật và tất cả pháp chẳng phải là biến hóa sao?
Biện Tích lại hỏi: Ai là người biến hóa?
Đáp rằng: Nghiệp thanh tịnh tự nhiên mà hóa ra vậy.
Lại nữa, này thiện nam! Bồ Tát chẳng nên an trụ nơi ngã, nhân, thọ, mạng, đối với Thánh Đạo của Đức Phật và phàm phu mà chấp có an trụ.
Biện Tích hỏi Đức hóa Như Lai: Thưa Đức Thế Tôn! Học cái gì để tự chứng được quả Phật?
Đáp rằng: Vô học chính là sự học của Bồ Tát. Sự học của Bồ Tát không có hình tượng, cũng không gì so sánh, cũng không chỗ nắm bắt, cũng không tưởng niệm, cũng chẳng lìa tưởng niệm, cũng không có hạnh, không có hạnh cũng chẳng phải không hạnh thì đó gọi là sự học của Bồ Tát, không đắm trước, chẳng phải không đắm trước, không kiêu mạn.
Cũng chẳng phải không kiêu mạn, cũng chẳng buông lung, cũng chẳng tu tập, chẳng lìa tu tập, không tưởng không chấp thủ, không chỗ đi ở, cũng không có tưởng, chẳng khởi chẳng diệt, chẳng đến chẳng đi không trụ không hóa, cũng không có hình, cũng không ngôn từ, lìa khắp tất cả các hạnh tưởng thì đó là sự học của Bồ Tát.
Người tạo sự học ấy chính là cái học bình đẳng. Học như vậy thì không chỗ hướng về, thì không chỗ tăng thêm, cũng không chỗ hao tổn. Học như vậy cũng không vướng mắc, cũng không chỗ giải thoát, cũng không chỗ nhiễm ô, cũng không lìa trần cấu, cũng không oán kết, chẳng rơi vào ngu tối. Học như vậy mới gọi là học. Học như thế thì chẳng sa vào các đường.
Này thiện nam! Như vậy Bồ Tát Đại Sĩ muốn được đắc đạo vô thượng chánh chân thì phải theo cái sự học của ta.
Biện Tích lại hỏi: Sao gọi là học Phật?
Hóa Phật đáp: Như ta không có giới thì cũng không chỗ phạm chẳng bố thí, chẳng nhận, chẳng giới, chẳng phạm, chẳng nhẫn, chẳng sân, chẳng tinh tấn chẳng biếng nhác, chẳng thiền định, chẳng tán loạn, chẳng trí tuệ, chẳng ngu si, vô học chẳng vô học, không có điều gì chẳng thực hành, mà ta không chứng đắc cũng không ai có thể sánh bằng được.
Không Phật, không pháp, cũng không ngã tưởng, cũng không nhân tưởng, cũng không thọ tưởng, cũng không mạng tưởng, cũng không pháp tưởng, cũng không hữu tưởng, cũng không vô tưởng.
Vì sao?
Vì tất cả các pháp đều không chỗ tạo tác. Tất cả các pháp do không chỗ tạo tác nên tự nhiên như huyễn, cũng không có tướng, cũng không có hai. Tất cả các pháp lìa các đối tượng ưa thích. Tất cả các pháp mà chẳng thể thấy. Tất cả các pháp vượt qua cái thấy của mắt.
Các pháp bình đẳng không sai khác, đặc thù. Các pháp ngu tối mà không lối đi, vô vi không người nên không lời dạy bảo, nên không xứ sở. Không có lời dạy bảo nên không chỗ sinh. Ai tin điều này thì chẳng nghĩ có chỗ tin, cũng chẳng tự đại, cũng chẳng nghĩ đến đạo.
Vậy nên, này thiện nam! Nếu có Bồ Tát so sánh như vậy để học Phật Đạo thì chẳng kinh, chẳng sợ, chẳng khó khăn, chẳng lo mới là Bồ Tát.
Này thiện nam! Như sự sợ của hư không, chẳng sợ lửa, chẳng sợ gió, chẳng sợ mưa, chẳng sợ sương mù, chẳng sợ bụi, chẳng sợ sấm, chẳng sợ mây, chẳng sợ chớp, chẳng sợ tuyết.
Vì sao?
Hư không là tự nhiên nên gọi là sợ như hư không. Cũng như vậy, Bồ Tát đối với tất cả pháp mà không chỗ sợ, đối với tất cả pháp chẳng nghĩ khổ vui. Giả sử tâm Bồ Tát bình đẳng như thế thì có thể thành Phật, hàng phục các ma, thành được đạo vô thượng chánh chân, là Tối Chánh Giác, đồng thời có thể dẫn đường, đem lại lợi ích cho tất cả chúng sinh.
Khi Đức hóa Phật nói lời này xong, liền biến mất không biết ở đâu.
Bồ Tát Biện Tích hỏi Nhuyễn Thủ: Nay Đức Như Lai đã về chỗ nào?
Đáp rằng: Về từ chỗ đã đến đây.
Bồ Tát lại hỏi: Như Lai từ chỗ nào đến?
Đáp rằng: Như chỗ đã đi.
Lại hỏi: Thưa Bồ Tát Nhuyễn Thủ! Vậy sự hóa hiện ấy không từ đâu đến và không đi về đâu?
Đáp rằng: Này thiện nam! Ví như sự hóa hiện ấy không từ đâu đến cũng không đi về đâu thì tất cả các pháp cũng lại như vậy. Tất cả chúng sinh… không có khác, chẳng đến, chẳng đi.
Lại hỏi: Thưa Bồ Tát Nhuyễn Thủ! Tất cả các pháp đi về đâu?
Đáp rằng: Về với tự nhiên.
Lại hỏi: Tất cả chúng sinh về chỗ nào?
Đáp: Sẽ tùy theo sự tạo tác của họ.
Lại hỏi: Thưa Nhuyễn Thủ! Tất cả các pháp không tạo tác, không báo ứng ư?
Đáp rằng: Thiện Nam! Pháp giới ấy không tạo tác, không báo ứng, không đi qua bình đẳng chế ngự các pháp thì đó là Pháp Giới.
Lại hỏi: Tại sao nói có tạo tác, có báo ứng, có qua đi mà còn gọi là không qua đi?
Đáp: Này thiện nam! Sự tạo tác ấy như thật, quả báo ấy như thật, sự đi qua cũng vậy.
Lại hỏi Bồ Tát Nhuyễn Thủ: Sao gọi là tạo tác?
Báo ứng là gì?
Sự qua đi do nhân ra nào?
Đáp rằng: Tạo tác ấy như thật, báo ứng cũng như thật, sự qua đi cũng như thật.
Lại hỏi Bồ Tát Nhuyễn Thủ: Như thật ấy không gốc chăng?
Cũng không có tạo tác, không có báo ứng, không có nơi để đi chăng?
Đáp rằng: Này thiện nam! Như không có nguồn gốc, cũng không tạo tác, cũng không báo ứng, cũng không có nơi đi đến. Do đó tạo tác, báo ứng, nơi đi đến cũng thế, không đến không đi. Tạo tác, báo ứng, đều đến nơi đã đến. Như ấy là gốc, không chỗ quy thú.
Khi nói lời ở trước Đức Thế Tôn Năng Nhân, Hiền Giả Xá Lợi Phất, Hiền Giả A Nan và các đại đệ tử khác đều nghe lời giảng ấy.
Hiền Giả Xá Lợi Phất bạch Phật rằng: Kính thưa Như Lai! Thật lạ chưa từng có! Các Chánh Sĩ ấy là những bậc Đại Thánh Nhân mà đồng thanh gầm lên tiếng sư tử về một pháp. Họ nói không biết bao nhiêu âm thanh, lời nói cùng phù hợp với pháp mà không lầm lẫn, lộn xộn.
Ai nghe những điều ấy mà chẳng phát tâm nơi đạo vô thượng chân chánh ư?
Phật bảo Xá Lợi Phất: Đúng như điều ông nói, Bồ Tát học rộng không trở ngại, điều đã nói hôm nay không chỗ ngăn ngại, như đã gieo giống ấy thì ắt thu hoạch được quả kia, như xuất hiện báo ứng ấy thì cũng thế. Như vậy Bồ Tát học không ngăn ngại, theo Thánh tuệ ấy mà nói phân biệt.
Như Xá Lợi Phất vốn đã học điều cấm giới, nên có trí tuệ biện tài cũng thế.
Bồ Tát Quang Tịnh hỏi Thế Tôn: Sao gọi là sự học của Thanh Văn?
Sao gọi là sự học của Bồ Tát?
Phật dạy: Có giới hạn, có ngăn ngại là sự học của Thanh Văn. Không giới hạn, không ngăn ngại là sự học của Bồ Tát. Học của Thanh Văn vì sự giới hạn kia mà trở thành ngăn ngại. Do cái điều này nên nói có giới hạn trở thành ngăn ngại mà sự học của các Bồ Tát không có giới hạn nên không ngăn ngại. Do điều này nên đã nói không giới hạn thì không có ngăn ngại.
Bồ Tát Quang Tịnh bạch Phật: Thưa Đấng Thiên Trung Thiên! Nguyện xin Ngài thị hiện cảm ứng khiến cho các vị Chánh Sĩ vân tập đến đây, để cho chúng hội này được nghe pháp đã nói, ai cũng được hiểu không còn hoang mang nữa.
Vì sao?
Vì hạnh của Nhuyễn Thủ thâm sâu, sự luận bàn Kinh Pháp của Ngài cũng thiết yếu vi diệu nữa.
Bấy giờ Đức Thế Tôn liền hiện điềm lành, thì Nhuyễn Thủ cùng với hai mươi lăm vị Chánh Sĩ và các Thiên Tử đến chỗ Phật cúi lạy dưới chân rồi đứng sang một bên.
Bồ Tát Quang Tịnh nói với Nhuyễn Thủ: Thưa Nhân Giả! Vì cớ gì Nhân Giả ra khỏi hội Như Lai, một mình ở chỗ khác mà luận giảng Kinh Pháp?
Nhuyễn Thủ đáp: Này thiện nam! Biết Đức Như Lai rất tôn quý mà mình không thể sánh nỗi với Chư Phật đại Thánh. Cho nên tất cả những điều đã nói hoặc sợ chẳng đúng nên tôi tránh ở một bên.
Lại hỏi Nhuyễn Thủ: Nhân Giả đã nói pháp gì?
Có đúng với Như Lai không?
Nhuyễn Thủ đáp: Điều tôi nói Đức Thế Tôn đã biết rồi!
Quang Tịnh nói: Tuy nhiên, xin Nhân Giả cứ nói ý ấy ra đi!
Đáp: Như cần kíp thì tôi sẽ tuyên nói ngay bây giờ. Thưa thiện nam! Những điều đã nói chẳng trái với pháp giới, chẳng mất bản thể vô vi, chẳng mất bản tế. Nếu điều đã nói được như thế thì đúng với Như Lai. Lại nữa, nếu những điều đã nói không tranh cãi chân lý, không trách cứ, không khởi dậy, cũng không nhân duyên, không có sắc tượng, cũng không so sánh được tức là là vâng thuận theo Như Lai.
Không đồng với ngã, không giống hình người khác, chẳng ngang bằng diện mạo của pháp, không phải không khác tướng không có tướng đầu tiên hay cuối cùng, không có tướng Nê Hoàn. Nói như thế là đúng với Như Lai.
Đến đây, Thế Tôn bảo Nhuyễn Thủ: Hay thay! Hay thay! Ta thích lời nói này. Đúng như ông đã nói! Nói như thế là không trái với Như Lai.
Lại nữa, này Nhuyễn Thủ! Giả sử xa lìa hết tất cả an lạc mà không rối loạn, nếu chẳng cần xa lìa các đối tượng của tưởng, không có các tưởng, có nói điều này là đã về với tịch nhiên mà chẳng chuyển động, người mặc áo giáp công đức lớn, tâm ý định tĩnh mà nói pháp thì không thể hủy hoại Kinh Điển ấy, chẳng thấy có các pháp tăng lên, có hủy diệt, nói những điều như thế thì đúng với Như Lai.
Khi Phật nói lời này, tám trăm Bồ Tát chứng đắc được pháp bất khởi.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh đại Bát Niết Bàn - Phẩm Bảy - Phẩm Tứ Tướng - Phần Một
Phật Thuyết Kinh Thắng Thiên Vương Bát Nhã Ba La Mật - Phẩm Mười Bốn - Phẩm Nói Về Hai Hạnh
Phật Thuyết Kinh Vô Sở Hữu Bồ Tát - Phần Sáu
Phật Thuyết Kinh độ Thế Phẩm - Phần Hai Mươi Chín
Phật Thuyết Kinh đại Phật đảnh Quảng Tụ đà La Ni - Phẩm Mười Chín - Phẩm Chú Sư Tự Trước Chú Tác
Phật Thuyết Kinh A Súc Phật Quốc - Phẩm Bốn - Phẩm Sự Thành Tựu Sở Học Của Chư Bồ Tát
Phật Thuyết Kinh đại Bi đại ái - Phẩm Mười Tám - Phẩm Thấu Tỏ
Phật Thuyết Kinh Trung A Hàm - Phẩm Mười - Phẩm Lâm - Kinh Cù đàm Di