Phật Thuyết Kinh Văn Thù Sư Lợi Phổ Siêu Tam Muội - Phẩm Một - Phẩm Chánh Sĩ - Tập Hai

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn

PHẬT THUYẾT KINH

VĂN THÙ SƯ LỢI PHỔ SIÊU TAM MUỘI

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn  

PHẨM MỘT

PHẨM CHÁNH SĨ  

TẬP HAI  

Bồ Tát Hải Ý nói rằng: Bồ Tát đã vào thì như vào biển, hiểu rõ đại đạo, tất cả Thanh Văn chẳng thể bì kịp. Bồ Tát tin ưa chuyên tâm vào một pháp vị vào bao nhiêu pháp cũng không có nhiều pháp. Bồ Tát quan sát pháp thâm diệu chưa từng bị mê loạn.

Đối với pháp duyên khởi chẳng tăng, chẳng giảm, đối với các Kinh Điển không thấy có nhiều. Đó gọi là không sinh, không khởi. Tất cả chúng sinh khởi nghiệp vì chẳng trồng gốc đức. Phước là không cùng tận. Việc giáo hóa không giới hạn. Bồ Tát phải phân biệt rõ, bỏ đi quan niệm đoạn diệt và thường còn, chẳng thọ lãnh các pháp, chẳng đoạn dứt các pháp phải kiến lâp ý chí làm vô lượng pháp khí.

Bồ Tát chẳng quên xả pháp, tu tập các thông tuệ, cũng chẳng bỏ pháp đem pháp bình đẳng vì chúng sinh thuyết giảng. Bồ Tát phải tu tập tất cả các pháp thiện đức, đầy đủ vô số pháp Phật như thế. Đem tấm lòng như vậy mà mặc áo giáp giới đức thì ứng hợp với các thông tuệ đại thừa vậy.

Bồ Tát Đại Sơn nói: Các Nhân Giả nên biết! Thừa này vượt trên cả thế gian thì gọi là Phật tuệ. Hạnh ấy đã nhập vào thì chẳng thể hạn lượng. Do vậy nên vượt qua tất cả chí tánh của thế gian. Đã có thể vượt qua được hành vi thế gian thì chỗ tin tưởng vượt quá thế gian.

Đã vượt quá thế gian về bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, nhất tâm, trí tuệ cũng như vậy, đều có thể vượt qua tất cả tuệ của thế gian. Việc tạo phước hơn cả mọi phước lộc của thế gian. Như vậy mới ứng hợp với các thông tuệ đại thừa vậy.

Bồ Tát Hỷ Kiến nói: Giả sử Bồ Tát mắt thấy sắc mà không ghét, sắc đó tự nhiên thì tâm kia thanh tịnh. Tai nghe tiếng cũng không ghét. Âm thanh tự nhiên thì tâm thanh tịnh. Mũi ngửi mùi hương, lưỡi nếm vị, thân xúc chạm, tâm hiểu các pháp. Đối với cõi sáu tình mà không ghét. Cõi sáu tình ấy tự nhiên vắng lặng thì tâm thanh tịnh. Không đem lòng yêu ghét thì tâm thanh tịnh.

Quan sát chúng sinh thuận theo pháp Phật thì không pháp khí nào không tương ứng. Lại nữa chúng sinh ở trong tà kiến, cũng thấy như ở trong pháp khí của Phật. Người tự yêu mình, ở với Vua chúa hoan hỷ theo tập tục, có dịp ban cho lại liền răn bảo, thì tôn kính ngang bằng như thế. Hành hóa của Bồ Tát Đại Sĩ như thế thì ứng hợp với các thông tuệ đại thừavậy.

Bồ Tát Hỷ Vương nói: Giả sử có người mắng nhiếc, bài báng, khinh dễ, hủy nhục, đánh đập… Bồ Tát đối với việc này, lòng chẳng ôm hận mà còn vui mừng, đem tư tưởng bạn lành đối đãi với kẻ đối nghịch, thị hiện sức nhẫn để nhẫn nhục được. Trong lòng vui vẻ tư duy pháp ấy.

La mắng chỗ nào?

Ai là kẻ la mắng?

Tin hiểu bên trong rỗng không.

Tự thấy thân mình, lại thấy người khác thì hoan hỷ, liền có thể đem thân mạng, các chi phần như: Đầu, mắt, tay, chân, vợ, con trai, con gái, Quốc Gia, thành ấp, xóm làng, của cải, lương thực, đồ trân báu ban cho… lòng càng thêm hớn hở.

Nghe được một câu kệ tụng mà bỏ đi Vương vị Chuyển Luân của vinh hiển ở đời cũng đành. Thường ưa vì người giảng nói Kinh Pháp, chẳng ham thích ngôi vị Đế Thích. Nghĩ rằng khai hóa được một người khiến phát đạo tâm, chứ chẳng cầu về cõi Phạm Thiên.

Nguyện được thấy Như Lai chứ chẳng tham nơi Tam thiên đại thiên Thế Giới đầy trân bảo quý giá. Từ khi sinh ra đã thông đạt, chẳng thiếu các căn, ưa kính nhận đạo pháp, vui vẻ tạo hạnh như vậy là ứng hợp với các thông tuệ đại thừa vậy.

Bồ Tát Vô Sát kỳ nói: Giả sử thấy tất cả pháp đến bờ kia chẳng rơi vào tham thân thanh tịnh các Cõi Phật, nhìn thấy các Cõi Phật cũng đều thanh tịnh, cũng không tưởng, hành, thấy tất cả các Đức Phật không phát sinh sắc tưởng, thấy được tư tưởng của chúng sinh tuy có nhục nhãn nhưng nhìn tội phước thanh tịnh đầy đủ thiên nhãn không bị hủy hoại, tuy có được tuệ nhãn, lìa khỏi các phiền não mà vẫn tin ưa Phật nhãn.

Thành tựu đầy đủ mười tám pháp Bất cộng của Chư Phật, đã được pháp nhãn đầy đủ mười lực Như Lai, giả sử Bồ Tát đã mặc áo giáp đức tin để hành hóa như vậy tức la ứng với các thông tuệ đại thừa vậy.

Bồ Tát Du Vô Tế Pháp Hạnh nói: Này các Tộc Tánh Tử! Các Nhân Giả nên biết, tất cả duyên mà Bồ Tát đã làm đều quy về các tuệ thông mẫn.

Vì sao?

Vì quán tất cả nhân duyên vốn chẳng trụ ở trong, chẳng ở bên ngoài, chẳng tại miệng nói. Giả sử Bồ Tát chẳng trụ nhân duyên, cũng chẳng ngự trị chướng ngại của phiền não, cũng chẳng khuyến dẫn chướng ngại tội phước, không chướng ngại báo ứng… không chướng ngại các căn… không chướng ngại các pháp… không chướng ngại phi tuệ… đã qua khỏi tội phước phiền não ma giới thì ứng hợp với các thông tuệ đại thừa vậy.

Bồ Tát Siêu Ma Kiến nói: Các Tộc Tánh Tử! Đã trụ nơi ngã, ngã sở chấp bản thân mình tức ở với trong nghiệp của ma. Đã đoạn dứt ngã, ngã sở chẳng thấy hư vọng, đã trừ kiến chấp thì không còn các ấm. Đã trừ các ấm thì chẳng thấy ma, đã qua khỏi các cảnh giới ma thì liền thành tựu vô ngại giải thoát môn. Bồ Tát đã thành tựu vô ngại giải thoát môn thì ứng hợp với các thông tuệ đại thừa vậy.

Bồ Tát Vô Ưu Thí nói: Các Nhân Giả nên biết, kẻ phạm ác về sau phải chịu nước sôi, lửa bỏng. Người làm nghiệp thiện về sau không lo lắng. Vậy nên, Bồ Tát phải tu nghiệp lành, điều đã làm thì không thể sai sót, điều đã tạo dựng thì về sau không phải hối hận, không gì ngăn ngại được.

Giả sử chúng sinh buồn lo chẳng vui thì Bồ Tát vì họ thuyết giảng pháp xa lìa lo buồn. Hành hóa như vậy của Đại Sĩ Bồ Tát thì ứng hợp với các thông tuệ đại thừa vậy.

Bồ Tát Chư Cáo Nghị nói: Thưa các Tộc Tánh Tử! Có bậc sĩ phu phụng trì cấm giới thì sở nguyện của họ ắt phải được, đã đạt được sở nguyện, sự đạt được này có được là do không buông lung, đã kiến lập được không buông lung thì đủ các phẩm pháp đạo, đã kiến lập đủ các phẩm pháp đạo thì các thông tuệ giới cấm đều chân chánh vậy. Bồ Tát đã an trụ nơi pháp không buông lung thì ứng hợp với các thông tuệ đại thừa vậy.

Thiên Tử Phổ Hoa nói: Thưa các Tộc Tánh Tử! Ví như khi cây đầy hoa thì đem lại lợi ích cho tất cả mọi người. Bồ Tát dùng gốc công đức để tự trang nghiêm thì giống như cây hoa tươi tốt, đem lại nhiều lợi ích cho muôn dân. Như cây Trú độ của Trời Đao Lợi luôn nở rộ Chư Thiên của Trời Đao Lợi không ai không kính ngưỡng.

Bồ Tát dùng các pháp môn để tự trang sức mình như thế thì Chư Thiên, Rồng, Thần, Kiền Đạp Hòa, Người, A Tu La, không ai không tôn kính. Ví như vầng trăng sáng trên Trời không chút bợn nhơ, đầy đủ các đức như bậc Khai sĩ chí tánh thanh tịnh, đức nghi hiển hiện đầy đủ thì ứng hợp các thông tuệ đại thừa vậy.

Thiên Tử Hoa Quang nói: Thưa các Tộc Tánh Tử! Ví như mặt trời mọc diệt trừ hết các tối tăm, xưa nay ánh sáng vẫn hiển hiện. Cũng như vậy Bồ Tát ban cho đời đầy đủ ánh sáng trí tuệ, đạo pháp trí tuệ, vì các chúng sinh ngu tối vô minh mà hiển thị ánh sáng lớn, dẫn đường cho chúng sinh đến với pháp tự nhiên. Các u tối kia chẳng có thể che lấp được ánh sáng.

Ánh sáng kia thì có thể tiêu diệt được các tối tăm. Bồ Tát dẫn đường chỉ lối cho chúng sinh an trụ nơi nẻo chánh. Bồ Tát Đại Sĩ thấy chúng sinh ở nơi đường tà thì hiện đường chánh làm cho an trụ nơi nẻo chánh thì ứng hợp với các thông tuệ đại thừa vậy.

Thiên Tử Tâm Hoa Hương nói: Thưa các Tộc Tánh Tử! Ví như cây tâm hoa, hương thơm của nó xông ra khắp bốn ngàn dặm. Mùi hương ấy không thể tưởng. Cũng như vậy, Bồ Tát đem mùi thơm của giới, bác văn, định, tuệ, giải thoát, tri kiến để làm hương thơm xông khắp tam thiên đại thiên Thế Giới, để cho hương thơm đạo pháp không nơi nào không lan tỏa, tất cả mùi tật bệnh liền được trị khỏi. Giả sử Bồ Tát trang bị hương pháp này thì ứng hợp với các thông tuệ đại thừa vậy.

Thiên Tử Thường Tấn Pháp Hạnh nói: Các Nhân Giả nên biết! Người tinh tấn thì không có tâm biếng nhác. Vậy nên Bồ Tát tu các công đức mà chẳng chán nản, mệt mỏi, thường phải tuân tám pháp hạnh.

Những gì là tám?

1. Lục độ vô cực.

2. Tứ đẳng phạm hạnh.

3. Đạt được ngũ thông.

4. Dùng bốn ân cứu giúp chúng sinh.

5. Chí nguyện ở ba cửa giải thoát, đạt được pháp nhẫn.

6. Khuyên chúng sinh khai hóa Phật tuệ khiến phát đạo tâm.

7. Dùng phương tiện quyền biến để dẫn đường chúng sinh.

8. Tiếp tế hữu vi, hiểu rõ các pháp.

Đó là tám pháp hạnh. Bồ Tát tuân theo tám pháp hạnh là ứng hợp với các thông tuệ đại thừa vậy.

Lúc ấy, Nhuyễn Thủ nói với các Chánh Sĩ và Thiên Tử: Chư vị muốn biết Bồ Tát có tinh tấn hoặc chẳng tinh tấn đối với các thông tuệ không.

Vì sao?

Vì quen chứa nhóm là hạnh tại ba cõi. Nếu siêng tu thì gọi các thấy biết đời trước. Quen chứa nhóm thì gọi là bên trong, nếu chẳng quen chứa nhóm thì gọi là bên ngoài. Quen chứa nhóm gọi là Thanh Văn địa, nếu siêng tu gọi là Duyên Giác địa.

Quen tập ấy gọi là ở trong các kết sử mà siêng tu, nếu tu thì gọi là chẳng đắm trước pháp phàm phu. Quen chứa nhóm thì gọi là danh, nếu tu thì gọi là sắc. Quen chứa nhóm thì gọi là báo ứng, nếu tu thì gọi là có sở kiến.

Quen chứa nhóm thì gọi là chấp trước, nếu tu thì gọi có sở đắc. Quen chứa nhóm thì gọi là ngã sở, nếu tu thì gọi là ngã. Quen chứa nhóm thì gọi là tham lam, nếu tu thì gọi là bố thí chẳng tưởng kiêu mạn. Quen chứa nhóm thì gọi là phạm giới, nếu tu thì gọi là trì giới chẳng tưởng kiêu mạn.

Quen chứa nhóm gọi là sân hận, nếu tu gọi là nhẫn nhục mà chẳng tưởng kiêu mạn. Quen chứa nhóm thì gọi là biếng nhác, nếu tu thì gọi là tinh tấn mà chẳng tưởng kiêu mạn. Quen chứa nhóm thì gọi là loạn ý, nếu tu thì gọi là nhất tâm mà chẳng có tưởng kiêu mạn. Quen chứa nhóm thì gọi là ngu si, nếu tu thì gọi là trí tuệ mà chẳng tưởng kiêu mạn. Quen chứa nhóm gọi là gốc chẳng lành, nếu tu thì gọi là gốc thiện bình đẳng mà chẳng tưởng kiêu mạn.

Quen chứa nhóm gọi là không tội gốc phước, nếu tu thì gọi là trồng cội gốc đức mà chẳng tưởng kiêu mạn quen chứa nhóm gọi là pháp thế tục, nếu tu thì gọi là pháp xuất thế mà không có tưởng kiêu mạn. Quen chứa nhóm gọi là pháp hữu vi, nếu tu thì gọi là pháp vô vi mà không tưởng kiêu mạn.

Quen chứa chứa nhóm gọi là pháp tội, nếu tu thì gọi là pháp vô tội mà chẳng tưởng kiêu mạn. Quen chứa nhóm gọi là các hữu lậu, nếu tu thì gọi là vô lậu mà chẳng tưởng kiêu mạn. Đó gọi là chứa nhóm cho đến sự tuân tu lìa kiến chấp chẳng đắm trước, chẳng đoạn. Nếu Bồ Tát hướng về tôn chỉ của mình thì ứng hợp với các thông tuệ của đại thừa vậy.

Lại nữa, này các Nhân Giả! Nếu chẳng được đến với các thông tuệ, vì sao chẳng đến?

Phải cần những gì để đến với tuệ thông mẫn?

Các thông tuệ thì lìa các tạo tác. Các thông tuệ ấy cũng không chỗ đến, cũng không có thành tựu. Các thông tuệ ấy lại là các thông tuệ, cũng không màu sắc, hình dáng, cũng không đau bệnh. Tư tưởng sinh tử là hình tướng của thức vậy. Các thông tuệ ấy cũng không phép tắc, cũng không phi pháp. Các thông tuệ ấy cũng không có bố thí.

Vì sao?

Vì các thông tuệ chính là bố thí. Các thông tuệ lại không có trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, nhất tâm, trí tuệ.

Vì sao?

Vì các thông tuệ chính là thánh tự nhiên. Các thông tuệ ấy không quá khứ, vị lai, hiện tại.

Vì sao?

Vì các thông tuệ ấy siêu thoát ba đời. Các thông tuệ không nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, tâm thức.

Vì sao?

Vì đã vượt trên các cõi vậy.

Này chư vị! Chư vị muốn biết về các thông tuệ! Nếu các Bồ Tát muốn được các thông tuệ an trụ chắc chắn ở thông tuệ thì phải an trụ như thế nào?

Đối với các pháp mà không chỗ trụ thì đó chính là an trụ ở các thông tuệ. Tất cả các pháp đều chẳng phải ngã sở. Tất cả các pháp đều chẳng phải ngã sở.

Các thông tuệ ấy đối với tất cả các pháp không chỗ trụ chấp. Các thông tuệ ấy bình đẳng với phàm phu địa, bình đẳng với Phật địa, thì đối với tất cả cũng là bình đẳng. Các thông tuệ ấy lại làm cho Bồ Tát chẳng phải cầu điều gì nữa. Các thông tuệ chỉ nên theo bốn đại giới mà cầu tự nhiên tạo tác hành động.

Vì sao?

Vì tự nhiên ấy không thể nắm bắt, tự nhiên ấy thì không có hình dạng. Ở đây pháp thiện tên gọi là ngã. Đối với ngã thân mà không có thân, không có thiện ác, không ngã, không thọ, không mạng, không nhân. Giả sử ngã thân không thể nắm bắt lại cũng không có kẻ khác thì đó cũng không hành, cũng không thật có.

Dù có hình dạng thì cũng không thật, nhận thức ấy cũng không thể nắm bắt, cũng không có thật. Tuệ kia nhận thức đối với sở hữu, vô sở hữu, có thật, không thật… các tuệ ấy là các thông tuệ.

Khi Nhuyễn Thủ nói lời này, hai ngàn Thiên Tử đạt được pháp nhẫn bất khởi, một vạn hai ngàn người đều phát tâm nơi đạo vô thượng chánh chân.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần