Phật Thuyết Kinh Các Pháp Vốn Không Kinh Chư Pháp Bản Vô - Phần Sáu

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:17 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Xà Na Quật Đa, Ngài Tam Tạng Pháp Sư Đạt Ma Cấp Đa, Đời Tùy

PHẬT THUYẾT

KINH CÁC PHÁP VỐN KHÔNG

KINH CHƯ PHÁP BẢN VÔ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Xà Na Quật Đa, Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Đạt Ma Cấp Đa, Đời Tùy  

PHẦN SÁU  

Lúc ấy, Tỳ Kheo Thắng Ý giận dữ, không vui, liền đứng dậy, bỏ đi và nói như vậy: Tỳ Kheo kia đã làm cho nhiều người, giữ lấy sự không như thật, do không học về nhập âm thanh, nên vui mừng trước âm thanh Phật Đà.

Sân giận trước âm thanh ngoại đạo. Do không học về nhập âm thanh, nên vui mừng đối với âm thanh phạm hạnh, sân giận đối với âm thanh phi phạm hạnh.

Do không học nhập âm thanh, nên vui mừng đối với âm thanh trong sạch, sân giận đối với âm thanh nhiễm ố. Do không học nhập âm thanh, nên vui mừng đối với âm thanh Thánh quả, sân giận đối với âm thanh phàm phu.

Do không học nhập âm thanh, nên vui mừng đối với âm thanh vui, sân giận đối với âm thanh khổ do không học nhập âm thanh nên vui mừng đối với âm thanh xuất gia, sân giận đối với âm thanh tại gia. Do không học nhập âm thanh, nên vui mừng đối với âm thanh xuất thế gian, sân giận đối với âm thanh thế gian.

Do không học nhập âm thanh, nên sinh tư tưởng lợi đối với âm thanh ban cho, sinh tư tưởng ngại đối với âm thanh keo kiệt. Do không học Phật Pháp, nên sinh tưởng lợi đối với âm thanh giữ giới, sinh tử ngại đối với âm thanh phá giới.

Sau khi rời khỏi nhà đã tới khất thực kia, Tỳ Kheo Thắng Ý liền trở về nơi ở của mình. Về đến nơi, Tỳ Kheo này dạy cho Tỳ Kheo khác, cũng giữ lấy những ý nghĩ.

Chợt thấy Bồ Tát Hỷ Căn trong chúng, liền nói: Tỳ Kheo này đã làm cho nhiều người giữ lấy điên đảo. Tỳ Kheo này khiến nhiều người giữ lấy tà kiến. Tỳ Kheo ấy là kẻ tạp hạnh, không ngại ôm lấy những ham muốn, như vậy cũng ôm lấy cả sân si không ngại và ôm giữ các pháp không ngại.

Bồ Tát Hỷ Căn nghĩ thầm: Tỳ Kheo này chắc chắn sẽ gây ra nghiệp chướng, ta cần phải nói những lời sâu xa, cho Tỳ Kheo này nghe, thậm chí tạo ra nhân pháp để trợ giúp cho việc tu bồ đề.

Khi đó, vì muốn đại chúng tin, Bồ Tát Hỷ Căn đứng trước các Tỳ Kheo Tăng, liền nói bài kệ cú tụng:

Tham dục nói Niết Bàn

Giận si cũng như vậy

Ở trong đạo nên biết

Phật, Bồ Tát không nghĩ.

Nếu phân biệt tham dục

Cũng như là giận si

Sẽ cách Phật bồ đề

Ví như trời và đất.

Nếu đã không phá hoại dục sân

Nhập vào nơi si, thấy bồ đề

Người đó gần với thắng bồ đề

Sẽ không bao lâu đạt được nhẫn.

Tham dục, bồ đề, hai chẳng hai

Một nhập bình đẳng cùng tương ưng

Nếu không tùy thuận hiểu như vậy

Phật bồ đề, xa lại càng xa.

Tham dục không sinh cũng không diệt

Chưa từng gây não nhiễm nơi tâm

Nếu có tướng ngã, có điều thấy

Vì tham dục ấy, vào địa ngục.

Dục pháp có được tức Phật Pháp

Hết mọi Phật Pháp tức dục pháp

Cả hai, một chữ mà không tướng

Ai biết như vậy là Đạo Sư.

Nếu đã phân biệt giới, phá giới

Dựa giới tự cao rồi say sưa

Chẳng được sinh Thiên, huống bồ đề

Chỉ tự an trụ nơi được thấy.

Nếu đã phân biệt, có phiền não

Thường ưa nương dựa vào sân kiến

Đạo đấy chẳng phải thắng bồ đề

Nếu nhớ nghĩ vậy, tức phàm phu.

Nếu đã phân biệt trụ vắng lặng

Cao quý tự mình, rồi chê người

Họ không bồ đề, không Phật Pháp

Chỉ mình an trụ thấy lặng yên!

Trong pháp lặng yên đã không thấy

Ở trong thôn xóm làm dáng vẻ

Trong Trời, Tu La, họ là giặc

Sao có bồ đề cùng Phật Pháp?

Nếu phân biệt, ta đương làm Phật

Bị lôi kéo bởi sức vô trí

Tất cả Phật Pháp như hư không

Trong đấy không giữ cũng không bỏ.

Thấy hạnh bồ đề vốn không hai

Tên, chữ, số, tiếng… vì người nói

Nếu không nhập vào trong pháp đây

Phật bồ đề xa lại càng xa.

Nếu cầu bồ đề, không bồ đề

Nếu thấy bồ đề, xa bồ đề

Không đạt diệt độ nơi pháp ấy

Phân biệt pháp này không có thật.

Nếu trong Phật Pháp sinh ưa thích

Họ lại cách xa Phật, bồ đề

Trong pháp không thật sinh ham muốn

Ắt sẽ lãnh chịu nỗi khổ não?

Nếu cho cúng dường, khác không cúng

Trong pháp cúng dường, ắt vướng mắc

Nếu biết cõi này, đều bình đẳng

Người ấy là Phật, Nhân Trung Tôn.

Nếu không với, Phật và Phật Pháp

Mọi thứ, mọi nơi, chưa từng thấy

Người ấy không nhiễm với các pháp

Hiểu rõ bồ đề, phá lưới ma.

Nếu muốn độ thoát các chúng sinh

Cõi chúng sinh ấy, chưa từng nghỉ

Các pháp giống như là Niết Bàn…

Nếu thấy được vậy: Đấng Nhân Tôn.

Nếu nói ngoại đạo là ác ý

Nếu nói Chư Phật là thắng nhân

Ở trong hai đấy, không sai khác

Như thế, người biết làm Đạo Sư.

Nếu hiểu bồ đề, không chỗ hiểu

Nếu biết như vậy, không chỗ biết

Phật và chẳng Phật, không bằng Phật

Không phân biệt vậy: Nhân trung thượng.

Phật với bồ đề chưa từng hiểu

Chúng sinh chưa từng có người thoát

Phàm phu phân biệt không có pháp

Họ xa càng xa trong pháp Phật.

Nếu pháp hữu vi, chẳng hữu vi

Hết thảy mọi số, chưa từng có

Nếu không có số, tính cũng không

Các phương tiện này, không nói hai.

Nếu không chúng sinh, không thành tựu

Không thấy Phật Pháp, là thật có

Như Phật, cũng như các chúng sinh

Người biết như vậy, chứng bồ đề.

Nếu muốn, sẽ hiểu thắng bồ đề

Đối với pháp dục, chớ phân biệt

Tất cả pháp dục, tướng tự tánh

Đấy: Công đức Phật, không thể nghĩ.

Nếu torng Phật Pháp, chưa từng phát

Với Phật bồ đề, không sinh tâm

Không bồ đề khác, không tâm khác

Người biết như vậy là Đạo Sư.

Dựa tâm bồ đề, hễ tự cao

Nếu phân biệt, nghĩ ta làm Phật

Họ không bồ đề, không Phật Pháp

Ắt bỏ pháp này, tự tánh ấn.

Nếu nghĩ chúng sinh, ta muốn thoát

Ngu si dính mắc tưởng chúng sinh

Nói các chúng sinh, không chúng sinh

Bồ đề không ở nơi chúng sinh.

Nếu thấy chúng sinh, sợ như vậy

Tức thì, sinh vô biên nỗi sợ

Lời chúng sinh, như tiếng vang núi

Người biết như vậy: Nhân trung thượng.

Nếu thấy chúng sinh rốt ráo thoát

Nên không tham dục các sân si…

Chúng sinh vắng lặng thường rất lặng

Người biết như vậy, là Đạo Sư.

Tham dục chẳng trong, cũng chẳng ngoài

Muốn không nương tựa nơi các phương

Các pháp không thật, đã phân biệt

Tưởng ta như vậy, đều là mê.

Giống như tiếng vang, huyễn, ánh lửa…

Người thạch nữ và như mộng

Các pháp phiền não, không thể thấy

Phàm phu làm mãi, do không biết.

Nếu cầu phiền não, có phiền não

Chánh niệm lựa chọn, chớ biếng nhác

Không phân biệt đạo, cùng phiền não

Không phân biệt, tức bồ đề địa.

Nếu trong pháp không, phàm phu sợ

Đối với Phật Pháp, họ đang xa

Nếu trong pháp không, không có nghi

Bồ đề tối thắng, họ sẽ đạt.

Nếu dùng lời nói phân biệt cảnh

Lời nói cùng nghĩa, không thể nghĩ

Dính mắc tiếng tâm cùng lợi báo

Tự cho nghĩ đạo, không nghi hoặc.

Không vì đắm danh, nghĩ chỗ nói

Mà thấy vắng lặng có chỗ trụ

Ít dục, biết đủ, đã phân biệt

Sẽ bị kéo bởi sức tham dục.

Nếu ai trốn tránh các pháp dục

Thì không thể thoát pháp dục ấy

Nếu năng thuận hiểu pháp dục thật

Thực hành thắng pháp mới lìa xa.

Giữ gìn giới cấm tuy dài lâu

Phát ra định ý, vô biên kiếp

Ở trong Phật giáo, họ không thoát

Do không hiểu rõ chân thật tế.

Nếu hiểu pháp này không có gì

Thì họ không đắm vào các pháp

Nếu do phân biệt giới, phá giới

Rồi thoát phàm phu, có thấy cảnh.

Nếu thấy giữ giới, thường không giới

Nếu hiểu nghĩa giới, pháp phá giới

Thì họ không thể phá giới được

Họ hiểu tướng giới hạnh, như vậy.

Pháp Vương có cả pháp không nghĩ

Câu chi phương tiện, hóa chúng sinh

Dùng một phương tiện, khiến họ nhập

Trong bồ đề đấy, vắng không nhơ.

Phàm phu bị đọa, trong đọa lớn

Đã nghe thắng pháp, được nói rồi

Không tác, không vật, không có tướng

Một đạo phương tiện, tự tánh không.

Tuy tại thắng gia ưa sướng vui

Hễ nghe pháp rồi, không sợ hãi

Không nên xuất gia trong giáo này

Đầu Đà tự cao đều thấy được.

Tất cả Thế Tôn, Phật, mười phương

Ở đời làm lợi Tiên chủ lớn

Đều biết các pháp như hư không

Pháp không khởi tác chứng bồ đề.

Không biết mà có tưởng tướng tịnh

Nghe pháp thật này sinh sợ hãi

Trong câu chi kiếp, chịu nhiều khổ

Luôn chịu phần khổ sở không dừng!

Khi Tỳ Kheo Bồ Tát Hỷ Căn nói bài cú tụng này xong, có ba mươi ngàn Thiên Tử, đều đạt được nhẫn trong pháp vô sinh, mười tám ngàn Tỳ Kheo do không lãnh thọ, các tâm lậu đều được giải thoát. Tức thời, mặt đất nứt ra, Bồ Tát Thắng Ý chết đọa ngay vào trong địa ngục Đại Đề Khiếu.

Do nghiệp chướng gây ra, nên cả trăm ngàn câu chi kiếp phải ở trong địa ngục chịu các khổ độc cực nặng. Chịu xong, trong bảy chục trăm ngàn đời, thường chịu sự chê bai. Trong nhiều trăm ngàn câu chi kiếp, không nghe được danh hiệu của Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri.

Về sau được gặp Như Lai, được xuất gia trong giáo pháp của Như Lai, nhưng lại không có sự vui mừng, trải qua sáu mươi trăm ngàn đời Xuất Gia, rồi lại trả giới hoàn tục. Do nghiệp chướng thấp kém kia, nên trong suốt nhiều trăm ngàn đời, phải chịu thực hành một cách tối tăm chậm lụt.

Tỳ Kheo Bồ Tát Hỷ Căn thuyết pháp lúc ấy, nay đã chứng ngộ Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác, hiện đang thuyến pháp ở phía Đông, trải qua trăm ngàn câu chi Cõi Phật, trong Thế Giới Bảo tận, có tên là Mật Vô Cấu Tế Nhật Quang Phước Đức Oai Sí Vương Như Lai, Ứng Cúng, chánh Biến Tri.

Còn vị Tỳ Kheo thuyết pháp Thắng Ý lúc đó, chính là tôi, lúc ấy tôi là một vị Tỳ Kheo thuyết pháp, tên là Tỳ Kheo Thắng Ý.

Bạch Thế Tôn! Con phải chịu khổ não như vậy, phải trụ như vậy, là bởi do chưa nhập vào đạo pháp này, nên mới chịu khổ như vậy. Ở trong cái không khổ, phân biệt khổ, điên đảo khổ.

Thế nên, nếu ai phát Bồ Tát thừa, nếu ai phát Độc Giác thừa, nếu ai phát Thanh Văn thừa. Thì chớ nên tạo những nghiệp chướng như vậy, không tạo những khổ như vậy. Chớ nên hủy bỏ đối với các loại pháp, đối với chánh pháp càng không nên hủy bỏ, cũng không nên tạo ra sân ngại ở bất cứ nên nào.

Lúc bấy giờ, Phật bảo Đồng chân Mạn Thù Thi Lợi: Này, Mạn Thù Thi Lợi! Khi ấy, nghe bài cú tụng này, ông có được sự lợi ích thù thắng gì?

Mạn Thù Thi Lợi đáp: Bạch Thế Tôn! Con nhờ được nghe pháp này, cứ theo nghiệp chướng ấy mà khởi lên, theo đuổi mọi nơi, xoay vần khắp cả, trong tất cả mọi nơi, con đạt được nhẫn sâu dày, đạt được nhẫn quyết định, khéo nói được pháp sâu xa.

Phật hỏi: Này Mạn Thù Thi Lợi! Nhờ thần lực của ai, mà ông có thể nhớ nghĩ được, những nghiệp chướng đã tạo ra, từ lâu xa như vậy?

Mạn Thù Thi Lợi đáp: Bạch Thế Tôn! Tất cả Bồ Tát hoặc nhớ, hoặc nghĩ, hoặc tùy thuận nhớ, đều nhờ vào thần lực của Như Lai cả.

Tại sao?

Bạch Thế Tôn! Các pháp như vậy đều là bản tánh của Như Lai.

Phật nói: Nếu đạt được mười Lực của Như Lai, cùng với việc nghe được pháp này, cả hai xứng lượng đều bằng nhau. Nếu đạt được nhẫn trong pháp vô sinh, cùng với việc nghe được pháp này, xứng lượng cũng đều bằng nhau.

Mạn Thù Thi Lợi nói: Bạch Thế Tôn! Như những điều con giải thích lời Phật nói, thì nghe được pháp này, kết quả không thể nghĩ.

Phật nói: Thật đúng là như vậy.

Này Mạn Thù Thi Lợi! Như những điều ông nói, nghe được pháp đấy, kết quả không thể nghĩ, chỉ có điều Như Lai không thọ ký mà thôi.

Vì sao?

Vì họ không chịu siêng tu, chẳng phải là trượng phu tốt, nếu nghe được pháp này cũng sẽ không tin hiểu.

Này Mạn Thù Thi Lợi! Đấy chính là các pháp nhập môn.

Khi ấy, Đồng chân Mạn Thù Thi Lợi, cùng Đại Bồ Tát Từ Thị bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Xin Thế Tôn hãy nắm giữ pháp bản này, để cho trong năm trăm đời pháp chuyển, ở thời cuối cùng được truyền bá rộng rãi, không khiến cho Ma La cùng Ma La thân trời được nhập vào phương tiện ấy.

Lúc đó, Đức Thế Tôn vì phải nắm giữ pháp bản này, bèn xem xét hai bên và khi đã xem xét khắp cả xong rồi, thì hằng già hà sa đẳng Cõi Phật ở mười phương lúc ấy bỗng chấn động sáu cách. Ngay khi đó, Đức Thế Tôn vì họ mà nắm giữ pháp bản này.

Còn các vị Phật, Thế Tôn khác, ở trong hằng già hà sa đẳng Thế Giới, cũng nắm giữ pháp bản này. Khi nói pháp bản này, thậm chí có những chúng sinh, trong mười phương hằng già hà sa gấp nhiều lần.

Cũng đều đạt được nhẫn trong pháp vô sinh và có những chúng sinh lại gấp nhiều lần như thế, cũng được chứng thấy đối với pháp, huống chi các vị đã trụ nơi Thanh Văn thừa, Độc Giác địa, Vô học địa.

Bấy giờ, Mạng giả A Nan Đà liền bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Pháp bản này có tên là gì?

Con lãnh giữ như thế nào?

Phật đáp: Này A Nan Đà! Pháp bản này tên là nói các pháp không chuyển, nên giữ lấy tên đó.

Sau khi nghe Phật nói Kinh này, Đồng chân Mạn Thù Thi Lợi vui mừng, Đại Bồ Tát Từ Thị, Đại Bồ Tát Sư Tử Du Bộ, Thiên Tử Liên Hoa Du Hý Trí Thông, cùng với các Thiên Tử và chúng Đại Bồ Tát ấy, các hàng Trời, Người, Càn Thát Bà, A Tu La,… đều hết sức vui mừng.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần