Phật Thuyết Kinh Văn Thù Sư Lợi Phổ Siêu Tam Muội - Phẩm Mười - Phẩm Quyết Nghi - Tập Hai
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn
PHẬT THUYẾT KINH
VĂN THÙ SƯ LỢI PHỔ SIÊU TAM MUỘI
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn
PHẨM MƯỜI
PHẨM QUYẾT NGHI
TẬP HAI
Lại nói rằng: Này Đại Vương! Đại Vương đã thấy thân nên dùng áo để cúng dường.
Ngồi tiếp theo Bồ Tát Phổ Thủ là Bồ Tát tên Tuệ Anh Tràng, Vua A Xà Thế đem áo cúng dường cho vị ấy.
Khi ấy, vị Bồ Tát chẳng chịu nhận áo, nói với Vua: Tôi chẳng muốn thoát khỏi sở hữu, cũng chẳng sân hận, cũng chẳng diệt độ. Tôi cũng chẳng gần với pháp phàm phu mà nhận áo ấy.
Tôi cũng chẳng theo hạnh cứu giúp phàm phu, chẳng theo học, cũng lại chẳng theo pháp thoát khỏi phiền não, chẳng theo bất học, chẳng theo vô học mà vượt qua pháp. Tôi chẳng theo Duyên Giác, cũng chẳng theo pháp vượt qua Duyên Giác mà nhận áo ấy.
Tôi cũng chẳng theo sự thọ nhận của Như Lai, cũng chẳng theo pháp giải thoát của Như Lai mà nhận áo này. Giả sử Đại Vương cũng hành pháp này, chẳng xả pháp này thì tôi mới nhận. Người được nhận nếu có người ban cho, người nhận người cho đều bình đẳng, không sai khác. Người bố thí như thế này là đúng như Chúng Hựu thanh tịnh đã dạy.
Vua A Xà Thế lấy áo mặc vào thân Ngài Tuệ Anh Tràng, ở trên tòa lập tức Bồ Tát biến mất.
Rồi ở hư không lại nghe có tiếng nói: Thân hiện tiền kia, hãy lấy áo để cúng dường!
Thứ đến, có vị Bồ Tát tên là Tín Hỷ Tịch, Vua A Xà Thế đem áo cúng cho vị ấy.
Bồ Tát kia nói: Tôi cũng chẳng theo cái thấy có tự thân như có sự nhận cũng chẳng theo cái thấy có người khác, chẳng theo cái thấy có sắc trần mà có sự thọ nhận. Tôi chẳng theo sự lìa bỏ sắc trần, cũng không theo sự nương tựa vào tịch tĩnh mà có sự thọ nhận. Tôi chẳng theo sự không nương tựa, chẳng theo định ý, chẳng theo loạn chí, chẳng theo trí tuệ, chẳng theo vô tuệ mà có sự thọ nhận.
Nhà Vua liền mặc áo lên người Bồ Tát thì Bồ Tát cũng biến mất, trên không trung như có tiếng nói: Vị nào đang có mặt thì đem áo để cúng dường.
Thứ đến, có vị Bồ Tát tên là Bất Xả Sở Niệm, Vua A Xà Thế đem áo cúng cho vị ấy.
Khi ấy, vị Bồ Tát cũng chẳng chịu nhận mà bảo rằng: Tôi không theo sự nương nhờ vào thân mà có sự thụ nhận, không theo sự nương nhờ vào lời nói, không theo sự nương nhờ vào tâm, không theo sự nương nhờ vào tuệ, không theo sự nương nhờ vào luận nghị, không theo sự nương nhờ vào các ấm, không theo sự nương nhờ vào chủng loại, không theo sự nương nhờ vào sự suy tàn, không theo sự nương nhờ vào thật lý, không theo sự nương nhờ vào âm thanh của Phật mà có sự thụ nhận.
Vì sao?
Vì tất cả các pháp đều không có chỗ nương nhờ cũng không có chỗ chấp trước, rốt ráo hằng an ổn không chấn động.
Vua A Xà Thế đem áo cúng dường thì Bồ Tát cũng biến mất, ở hư không có tiếng nói với Vua: Vị Bồ Tát kia hiện có mặt thì hãy đem áo để cúng dường!
Ngồi tiếp là vị Bồ Tát tên là Tôn Chí. Vua A Xà Thế đem áo cúng cho vị ấy.
Khi đó vị Bồ Tát cũng chẳng chịu nhận nói: Nhà Vua nên biết, tôi chẳng theo sự giải thoát thấp hèn mà nhận. Giả sử Đại Vương phát tâm đạo vô thượng chánh chân, tâm ấy bình đẳng thì ý đạo bình đẳng, ý tin đạo bình đẳng. Đạo đã bình đẳng thì tâm kia cũng bình đẳng.
Ý đạo đã bình đẳng thì các pháp bình đẳng. Đã có thể bình đẳng tất cả các pháp thì mới nhận áo. Đối với tất cả pháp mà chẳng thọ, chẳng xả, cũng không bố thí, thoát khỏi các pháp mà không có ý cũng chẳng phải không có ý, nhìn tất cả pháp chẳng thấy ngã, ngã sở. Như vậy, hành giả mới nhận áo.
Vua A Xà Thế đem áo cúng dường cho vị Bồ Tát đó Bồ Tát liền biến mất.
Rồi từ hư không như có tiếng nói: Vị Bồ Tát nào hiện có mặt thì hãy đem áo để cúng dường. Kế tiếp có vị Bồ Tát tên là Định Hoa Vương, Vua A Xà Thế đem áo cúng vị ấy.
Khi ấy, vị Bồ Tát cũng chẳng chịu nhận nói rằng: Giả sử Đại Vương tu hành các tam muội, chẳng mong đạt định ý, tin hiểu các pháp vốn thanh tịnh, bình đẳng không có giải thoát thì tôi mới nhận áo ấy.
Vua A Xà Thế lấy áo mặc lên thân vị Bồ Tát ấy.
Khi đó, vị Bồ Tát cũng liền biến mất, rồi ở không trung có tiếng: Vị nào hiện có mặt thì đem áo để cúng dường! Vị Bồ Tát tiếp theo tên là Vô Đãi Đắc. Vua A Xà Thế đem áo cúng dường cho vị ấy.
Vị Bồ Tát kia cũng chẳng chịu nhận, nói rằng: Thưa Đại Vương! Giả sử đối với tất cả ấm mà tin được giải thoát. Văn tự, âm thanh, tất cả bình đẳng mà chẳng thể nắm bắt được.
Đã thấy các pháp không thể nắm bắt thì dẫn đường lợi ích không đạt được nghĩa lý, chẳng nắm giữ các vẻ đẹp, chẳng chỉ bày trang sức. Làm hạnh ấy thì tôi mới nhận lấy.
Vua A Xà Thế đem áo trao cho vị ấy thì Bồ Tát kia bỗng nhiên biến mất.
Rồi ở trong hư không có tiếng nói: Vị nào hiện có ở đây thì đem áo để cúng dường! Vị Bồ Tát kế tiếp tên là Tịnh Tam Cấu.
Vua A Xà Thế đem áo cúng cho vị ấy, thì vị Bồ Tát kia cũng chẳng chịu nhận mà nói rằng: Giả sử Đại Vương chẳng tự chấp thân, cũng không thọ nhận. Người kia có ban cho thì cũng không vọng mong cầu. Nếu như thế thì tôi mới nhận áo. Vua A Xà Thế đem áo trao cho thì vị ấy cũng biến mất.
Rồi ở không trung có tiếng nói: Vị Bồ Tát hiện có mặt thì đem áo để cúng dường! Vị Bồ Tát ngồi tiếp tên là Hóa Chư Pháp Vương. Vua A Xà Thế đem áo cúng cho vị ấy.
Khi ấy, vị Bồ Tát cũng chẳng chịu nhận mà nói rằng: Giả sử Nhà Vua thị hiện Thanh Văn mà vào Nê Hoàn, cũng chẳng diệt độ, thị hiện Duyên Giác mà vào Nê Hoàn cũng chẳng diệt độ, thị hiện Như Lai mà vào Nê Hoàn cũng chẳng diệt độ. Không có pháp đầu tiên, cuối cùng, không pháp diệt độ thì tôi mới nhận áo.
Vua A Xà Thế đem áo trao cho vị ấy thì vị ấy cũng biến mất.
Trên không trung nói rằng: Vị Bồ Tát nào hiện có mặt thì đem áo để cúng dường!
Vua A Xà Thế lần lượt đem áo dâng lên, nhưng các vị Bồ Tát đều biến mất, từng người một đều nói: Vị nào hiện có ở đây thì đem áo để cúng dường! Giường, tòa, bàn ghế cũng biến mất.
Vua A Xà Thế nói với Hiền Giả Đại Ca Diếp: Bây giờ, ai hiện còn ở đây, phải nhận áo này! Nhân Giả đã được Đức Phật tối tôn khen ngợi nên phải nhận áo này.
Tôn Giả Đại Ca Diếp nói: Tôi thì tham, sân, si không trừ hết vậy. Như tôi hôm nay chẳng nên nhận áo. Tôi chẳng xả vô minh, chẳng trừ ái dục, chẳng đoạn khổ não, chẳng diệt các tập, làm chẳng đến tận cùng, chứng cũng chẳng theo đường lối.
Tôi chẳng thấy Phật, cũng chẳng nghe pháp, chẳng thống lãnh Thánh Chúng, chẳng trừ phiền não, chẳng phát khởi tư tưởng, chẳng rời bỏ tư tưởng, chẳng kiến lập tuệ, cũng chẳng lìa khỏi tuệ. Mắt tôi chẳng tịnh, cũng chẳng tạo tuệ, cũng không chỗ diệt. Nếu Nhà Vua đem áo ấy ban cho tôi thì chẳng được phước lớn, cũng chẳng phải không phước.
Tôi cũng chẳng ở với pháp sinh tử, không ở với pháp diệt độ, Đại Vương đem áo ấy ban cho tôi thì chẳng thể rốt ráo được phước đức của Bậc Chúng Hựu. Giả sử Đại Vương có thể làm như thế, hiểu hết các nghĩa lý thì tôi nhận áo này.
Nhà Vua đem áo trao cho Tôn Giả Ca Diếp thì Tôn Giả bỗng nhiên biến mất, ở hư không nghe tiếng nói: Vị nào hiện có ở đây thì đem áo cúng dường!
Vua A Xà Thế lần lượt đem áo dâng lên thì chư vị đều biến mất. Như thế, tất cả các vị đại đệ tử, từng người một biến mất đi hết cả năm trăm người.
Rồi lại nghe tiếng nói: Nhà Vua nhìn thấy thân ai thì đem áo ban cho người đó.
Nhà Vua tự nghĩ rằng: Bồ Tát Thanh Văn đều biến mất hết. Ta sẽ đem áo về cho bà hậu phi thứ nhất. Nhà Vua vào cung quan sát khắp cả cũng chẳng nhìn thấy tất cả thể nữ.
Vua A Xà Thế liền được thân cận định ý như thế. Mắt của Nhà Vua chẳng nhìn thấy các sắc, cũng chẳng thấy nam nữ, chẳng thấy đồng tử, chẳng thấy đồng nữ, chẳng thấy lớn nhỏ, chẳng thấy tường vách, chẳng thấy cây cối, chẳng thấy nhà cửa, chẳng thấy thành quách mà liên tục thấy thân tướng.
Lại nghe tiếng ở trên không trung nói: Cứ thân nào hiện thì đem áo ban cho.
Nhà Vua liền tự mặc vào thì chẳng thấy thân nữa. Liền trắng như tuyết, tiêu hết tất cả sắc tướng.
Lại nghe tiếng nói: Giả sử Đại Vương chẳng thấy các màu sắc, hình tướng của mình, nhu nhuyến, yên ổn quan sát hồ nghi, cũng sẽ thấy hồ nghi như thế. Quan sát tất cả pháp cũng lại như vậy. Như không kiến chấp thì đó mới là thấy rời khỏi các thấy.
Giả sử lìa thấy để có sự thấy thì không thấy chẳng lìa các thấy. Như vậy, thấy ấy là quán bình đẳng. Giả sử đối với các pháp chẳng có chỗ thấy, đã không chỗ thấy thì chính là quán bình đẳng.
Lúc này Vua A Xà Thế lìa khỏi tất cả những tưởng niệm mà mình đã có. Rồi Vua ra khỏi Tam Muội, trở về với hiện thực. Nhà Vua lại thấy chúng hội, các hậu phi, thể nữ, thành quách, cung điện, nhà cửa trở lại như cũ.
Vua A Xà Thế bạch với Bồ Tát Phổ Thủ: Trước đó, chúng hội họp ở đâu?
Ở trước mặt mà tôi chẳng thấy họ.
Bồ Tát Phổ Thủ đáp lại: Giống như những hồ nghi mà Nhà Vua đã nhóm họp. Chúng hội ấy trước vẫn ở chỗ đó.
Bồ Tát Phổ Thủ lại hỏi: Này Đại Vương! Đại Vương thấy chúng hội ư?
Đáp rằng: Thấy rồi!
Bồ Tát Phổ Thủ hỏi: Sao gọi là thấy.
Đáp rằng: Giống như hồ nghi, nhìn thấy chúng hội cũng lại như vậy.
Lại hỏi: Thấy những gì ở hồ nghi ư?
Đáp rằng: Như nhìn chúng hội, đã thấy các hình sắc trước mắt. Hồ nghi cũng vậy, chẳng thấy trong ngoài.
Lại hỏi: Này Đại Vương!
Đức Thế Tôn nói rằng: Kẻ phạm ngũ nghịch thì tội không được dừng nửa chừng, không có gián đoạn.
Nhà Vua tự biết phải đến địa ngục ư?
Nhà Vua liền đáp: Sao gọi là Phổ Thủ?
Khi Đức Như Lai Chí Chân thành Chánh Giác phải chăng thấy có pháp về nhà tù ư?
Chỗ ấy về là tam đồ ư?
Chỗ ấy về là trên Trời ư?
Chỗ ấy về là Nê Hoàn ư?
Đáp rằng: Thưa Đại Vương! Chẳng phải vậy.
Nhà Vua nói: Này Đại Sĩ Phổ Thủ quan sát thấy nay tôi đã hiểu rõ tất cả các pháp thì đối với các Kinh Pháp cũng không có sở đắc, rơi vào địa ngục cũng như sinh lên Trời hay vào Nê Hoàn. Tất cả các pháp đều là chân như thì chẳng khác nào phân biệt chỗ quy thú của hư không, ngắm nhìn hư không, không vào địa ngục, chẳng lên trên Trời, chẳng vào Nê Hoàn. Tất cả các pháp không thể phá hoại.
Tất cả các pháp đều trở về pháp giới. Pháp giới ấy chẳng về đường ác, chẳng lên trên Trời, chẳng vào Nê Hoàn thì tội nghịch vô gián kia gọi là pháp giới. Các nguồn gốc của các tội nghịch thì gọi là pháp giới. Do đó nguồn gốc thanh tịnh ấy chính là tội nghịch. Các tội nghịch ấy chính là nguồn gốc thanh tịnh.
Vậy nên nói rằng: Các pháp vốn thanh tịnh.
Này Bồ Tát Phổ Thủ! Vậy nên, tất cả các pháp đạt đến vô sinh, từ đó tự biết chẳng rơi vào đường ác, cũng chẳng lên Trời, chẳng vào Nê Hoàn.
Bồ Tát Phổ Thủ nói: Tại sao Nhà Vua làm rối loạn giáo pháp của Phật?
Nhà Vua đáp: Tôi cũng chẳng trái giáo pháp của Đức Thế Tôn, chẳng trái Phật Pháp.
Vì sao?
Vì Đức Thế Tôn phân biệt diễn giảng nguồn gốc vô ngã, nói nguồn gốc chân đế, đã không có ngã thì không có nhân, nhân không thật có. Chúng sinh hư vô không có thật. Như vậy, rõ ràng những cái ấy không chỗ tạo ra, cũng không tạo tác, cũng không thọ lãnh.
Bồ Tát Phổ Thủ lại hỏi: Thưa Đại Vương! Đại Vương đã đoạn dứt hồ nghi rồi ư?
Đáp rằng: Đã tiêu trừ rốt ráo.
Bồ Tát Phổ Thủ hỏi rằng: Đại Vương thế nào?
Do dự đã dứt tuyệt rồi ư?
Đáp rằng: Đã dứt tuyệt vĩnh viễn.
Bồ Tát Phổ Thủ lại hỏi: Hôm nay ở trong chúng hội, mọi người biết Nhà Vua có tội nghịch mà tại sao Nhà Vua nói không tội nghịch?
Đáp rằng: Chẳng phải vậy.
Lại hỏi: Tại sao?
Đáp rằng: Đó đã là nghịch thì giải thoát đối với không kết sử mà chứng đắc. Các nghịch đó tách rời khỏi hội nghịch thì các nghịch ấy là pháp Nhẫn nhu thuận của Bồ Tát, mà muốn khiến mọi người được vào cái nhẫn ấy thì chẳng nên đối với họ nắm giữ các nghịch. Này Bồ Tát Phổ Thủ, sở dĩ gọi là nghịch vì từ đó đến đây không có các nghịch. Do vậy chẳng nên đối với họ nắm giữ các nghịch.
Khi ấy, Bồ Tát Tuệ Anh Tràng khen rằng: Vì con đường của Đại Vương trang nghiêm sạch sẽ nên mới có thể thành tựu được pháp nhẫn như thế.
Nhà Vua đáp: Gốc ngọn của tất cả các pháp đều thanh tịnh. Lại nữa tất cả các pháp là hoàn toàn rỗng không, tịch mặc không chỗ nhiễm ô. Do đó, nên chẳng thể nhiễm ô mà làm dơ bẩn đạo Vô sở trước. Đó gọi là đạo. Lại nữa, đạo ấy chẳng hướng đến sinh tử, chẳng đến với Nêhoàn. Đạo của các Thánh Hiền là đạo không nắm giữ, không chỗ khởi đạo. Đó gọi là đạo, là đạo không có đạo.
Khi Vua A Xà Thế nói lời ấy, là đã thành tựu được pháp nhẫn minh đạt nhu thuận. Khi ấy trong cung bốn mươi hai thể nữ thấy uy thần biến hóa của Bồ Tát Phổ Thủ nên đều phát đạo ý vô thượng chánh chân, năm trăm dân chúng xa lìa phiền não chứng đắc pháp nhãn thanh tịnh. Khi ấy, vô số trăm ngàn người đều đến tụ tập ở dưới cửa Vương cung, muốn được nghe pháp, phụng sự cúng dường.
Bồ Tát Phổ Thủ dùng ngón chân ấn xuống đất thì cả thành Vương Xá đều trở thành lưu ly trong suốt, nên tất cả dân cư ở trong thành đều nhìn thấy Bồ Tát Phổ Thủ, các vị Bồ Tát và các vị Thanh Văn, ví như tự thấy bóng mình khi soi vào gương sáng.
Bồ Tát Phổ Thủ vì những người tề tựu lại đây mà ứng thời nói pháp. Tám vạn bốn ngàn người nghe pháp đều đạt được Pháp nhãn thanh tịnh, năm trăm người đều phát ý đạo vô thượng chánh chân.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba