Phật Thuyết Kinh Văn Thù Sư Lợi Phổ Siêu Tam Muội - Phẩm Năm - Phẩm Không Tôi Ta

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:04 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn

PHẬT THUYẾT KINH

VĂN THÙ SƯ LỢI PHỔ SIÊU TAM MUỘI

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn  

PHẨM NĂM

PHẨM KHÔNG TÔI TA  

Bấy giờ Thế Tôn nói đầu đuôi câu chuyện ấy sắp kết thúc thì Vua A Xà Thế cỡi xe tứ mã đem theo bốn binh chủng: Voi, xe, bộ, kỵ, đến chỗ Phật cúi đầu dưới chân, nhiễu phải ba vòng, lùi về ngồi một bên rồi bạch Thế Tôn: Thưa Đấng Thiên Trung Thiên! Chúng sinh nương vào nhân nào để an trụ?

Trụ vào nhân duyên gì để mà hưng khởi?

Do điều gì mà đắc tội?

Phật bảo Nhà Vua: Chúng sinh đã trụ vào nhân, ngã, thọ, mạng. Do đó chúng sinh tạo tội lỗi, nương vào thân tham mà khởi duyên điên đảo. Nhân đó mà khởi lên tai họa.

Vua lại hỏi: Thân tham ấy nguồn gốc ở đâu?

Thế Tôn đáp: Nguồn gốc thân tham ấy là không trí tuệ.

Vua lại hỏi: Căn bản của không trí tuệ ấy là cái gì?

Đáp rằng: Căn bản là nghĩ theo tà.

Lại hỏi: Nghĩ theo tà thì chỗ nào là căn bản?

Đáp rằng: Hư giả là căn bản.

Lại hỏi: Hư giả chỗ nào là căn bản?

Đáp rằng: Các tưởng không thật chính là căn bản.

Lại hỏi: Các tưởng không thật thì chỗ nào là căn bản?

Đáp rằng: Nghĩa là vô sở hữu, vô giác là căn bản.

Lại hỏi: Sao gọi là vô hữu, vô giác?

Đáp rằng: Nghĩa là vô sinh, vô hữu gọi là vô giác.

Lại hỏi: Vô sinh, vô hữu thì lấy gì mà tính toán và ở chỗ nào?

Đáp rằng: Vô sinh, vô hữu nên không thể tính toán.

Lại hỏi: Sự hồ nghi do nhân duyên gì khởi lên?

Đáp: Hồ nghi là từ do dự khởi lên.

Lại hỏi: Do dự là thế nào?

Đáp rằng: Nghe lời nói của Hiền Thánh là chân lý mà còn hoài nghi, ấy gọi là do dự.

Lại hỏi: Sao gọi là Hiền thánh?

Đáp: Hiền Thánh là những người đã diệt trừ tất cả ái dục và các kiến chấp. Chân lý là biết tất cả pháp đều không thật có.

Vua A Xà Thế bạch Đức Thế Tôn: Đã gọi là Hiền Thánh không có sở hữu thì thật là hư ngụy! Thế Tôn đã an trụ từ chốn trần lao mà tạo lập ra, nương vào sự nghe của thế gian. Các Hiền Thánh đã giảng thuyết mà lòng còn do dự thì bị tội không thể kể xiết.

Bạch Thế Tôn! Cha lành của chúng con! Ngài không còn tội lỗi, không còn chỗ ràng buộc hay còn sợ nguy hiểm đến tính mạng. Con vì tham đất nước, mê hoặc của báu, mê theo vinh hoa phú quý, sản nghiệp, đắm lợi hại dân mà làm điều nghịch hại, luôn hồ nghi, kinh sợ, chẳng thể tự yên ổn, như tại cuộc vui mà đùa giỡn không chán, như ở trong cung cùng thể nữ du hý, hoặc nằm hoặc ngồi mà làm việc triều chính.

Như ở riêng một mình nghe xét việc nước, xử sự bá quan, ngày đêm lo lắng không thể bỏ đi, uất kết trầm ngâm chẳng buồn ăn uống, tuy có bữa ăn thịnh soạn, chẳng thấy ngon, mắt kia mờ mờ, nhìn thấy mông lung, thân thể tiều tụy, tâm luôn run rẩy hồi hộp, ở chẳng được yên sợ sau khi chết phải đọa vào địa ngục.

Con ngưỡng cầu Đức Như Lai ban cho những kẻ sợ hãi hết sợ, kẻ mù tối được mắt thấy, kẻ chìm đắm được cứu vớt, kẻ gặp khổ não được an lạc, kẻ không chỗ về được về, kẻ không được hộ trì được cứu tế, kẻ nghèo cùng được cho của cải, kẻ bệnh tật được trị liệu dứt bệnh, kẻ rơi vào đường tà được thấy nẻo chánh, kẻ đang ở nẻo chánh thì phát khởi lòng đại bi.

Lòng chấp nhận lao khổ chẳng cho đó hoạn nạn, bình đẳng cứu giúp muôn loài, lòng từ bi kiên cố, rốt ráo đầu đuôi chẳng vì khổ lạc mà lay động. Như Lai đã cứu độ chúng sinh thì không để sót một ai, không bỏ rơi một người nào.

Kính thưa Đức Thế Tôn! Người trông cậy của mọi người! Ngài ban ân an ủi trừ khử nỗi kinh sợ. Người cô đơn không ai cứu, xin Ngài ra tay cứu vớt, khiến cho kẻ đói khát được no đủ, kẻ thiếu thốn sắp quị xuống đất, xin nhờ Ngài nâng đỡ, kẻ không chỗ về, xin được trở về, kẻ chìm đắm xin gia ân cứu vớt. Bản thân con xin được không bị đọa vào địa ngục vô gián, được đến nơi không còn phân biệt.

Kính thưa Đức Đại Thánh! Đúng là cần phải thuyết giảng đạo pháp để giải quyết sự hồ nghi của con, đánh tan sự sầu kết, khiến cho con không còn do dự nữa, khiến cho trọng tội ấy được trở nên nhẹ nhàng.

Lúc này, Đức Thế Tôn nghĩ: Vua A Xà Thế nói đã thông đạt mà còn rất vi diệu, đã vào được pháp rất thâm áo, những người khác không thể kham nhận được, muốn giải quyết được sự hồ nghi khiến Vua không còn kết sử thì chỉ có ông Nhu Thủ kia mới có thể làm sạch được mọi chướng ngại.

Bấy giờ Xá Lợi Phất vâng Thánh chỉ của Đức Phật, gọi Vua A Xà Thế bảo: Bệ Hạ muốn biện luận sự nghi hoặc thì phải chuẩn bị một bữa trai soạn, rồi mời Bồ Tát Nhu Thủ đến thì sẽ giải quyết được những kết sử hư ngụy, trần lao, hồ nghi của Nhà Vua, trấn an được đất nước và để cho những người trong cung Vua được cúng dường trai soạn. Nhờ đó, thể nữ và những người hầu trong cung được phước vô lượng, vô số chúng sinh trong thành La duyệt, của nước Ma kiệt đều hưởng được lợi ích.

Vua A Xà Thế liền bạch với Bồ Tát Nhu Thủ: Xin Bồ Tát rủ lòng thương xót, đi cùng với chúng tôi dự bữa tiểu thực.

Nhu Thủ đáp: Đại Vương hãy thôi vì đã cúng dường đủ rồi, ở chánh pháp luật chưa có ghi điều này, nhận y phục hoặc thức ăn đầy đủ, chỉ tăng thêm lòng mong cầu.

Nhà Vua lại nói: Phải bày tỏ thế nào để biểu lộ tấm lòng son của mình?

Nhu Thủ đáp: Giả sử Đại Vương nghe sâu xa, cái chân nghĩa đặc thù của diệu nghiệp mà không lo, không sợ, không kinh hãi, không run rẩy, thì mới là gia tăng lòng bi mẫn. Giả sử Đại Vương chẳng tưởng niệm pháp, cũng chẳng phải vô tưởng, không tưởng cái vô tưởng, như vậy hành giả mới gia tăng lòng thương xót.

Giả sử Đại Vương bỏ tâm chẳng tưởng, cũng không phải chẳng tưởng, chẳng nghĩ đến tâm, cũng không có chẳng tưởng, đối với tâm hiện tại cũng không chỗ chấp thủ thì mới là gia tăng lòng ai mẫn. Giả sử Đại Vương cũng chẳng rơi vào tà kiến cũng chẳng diệt trừ, cũng không kiến chấp cũng chẳng phải không kiến chấp thì mới là gia tăng lòng ai mẫn.

Vua A Xà Thế lại bạch với Bồ Tát Nhu Thủ: Nay đã nói hết sự chuyển tải của pháp, xin Bồ Tát rủ lòng thương xót nhận lời mời ấy!

Bồ Tát Nhu Thủ đáp: Đại Vương nên biết! Điều pháp luật ghi chép chẳng dùng ân để ban và cúng dường người khất thực quần áo thức ăn uống, nên Đại Vương chẳng chấp có ngã chẳng chấp có nhân, chẳng chấp có thọ, chẳng kể có mạng thì mới là gia tăng lòng ai mẫn, mới là nhân của cúng dường. Giả sử Nhà Vua chẳng tự yêu thân, chẳng yêu thân người khác, tất cả đều không chấp thì mới là gia tăng lòng ai mẫn.

Giả sử Đại Vương chẳng hộ trì tâm mình, chẳng chấp nhân duyên, chẳng ở tại các ấm, các nhập, không có pháp, bên trong không có pháp bên ngoại, chẳng ở trong ba cõi, chẳng vượt qua ba cõi, không thiện, không bất thiện, không đức, không bất đức, chẳng ở với thế gian, cũng chẳng vượt qua thế gian, không tội không phước, cũng không hữu lậu, cũng chẳng vô lậu, cũng chẳng hữu vi cũng chẳng vô vi, chẳng bỏ sinh tử, chẳng nhận diệt độ. Ấy là gia tăng lòng ai mẫn.

Nhà Vua đáp: Đúng thế, thưa Bồ Tát Nhu Thủ! Tôi sẽ nhận lãnh đúng như lời pháp ấy. Do đó, xin Bồ Tát sẽ nhận lời mời của tôi, rủ lòng thương xót xuống những người hạ liệt chúng tôi.

Bồ Tát Nhu Thủ đáp: Nhà Vua nên biết! Giả sử các pháp có chỗ nương tựa, có chỗ thọ lãnh, có chỗ đạt được, có chỗ cứu hộ thì chẳng cần lòng ai mẫn, chẳng cần được đến chỗ yên ổn.

Giả như đối các pháp có chỗ nương tựa mà khởi lên tưởng niệm, có chỗ kiến lập mà khởi lên buông lung, đó đều là nương chấp vào tưởng niệm có chỗ ủng hộ buông lung. Giả sử Đại Vương mong đến cứu cánh cùng cực yên ổn vĩnh viễn mới không có khổ đau. Giả như Nhà Vua lại có chỗ tạo tác thì chẳng có được lòng ai mẫn, chẳng đến được sự yên ổn.

Vua A Xà Thế lại hỏi Bồ Tát Nhu Thủ: Thọ trì pháp gì mà không có khổ đau, đạt đến giải thoát?

Bồ Tát Nhu Thủ đáp: Nếu rõ được lý không mà không tạo tác, cũng không có chỗ chẳng tạo tác. Vô tưởng, vô nguyện, cũng không có tạo tác, cũng không chẳng tạo tác. Giả như Đại Vương có tạo lập mà hành động ấy là hành động của thân, miệng, ý. Đó chính là tạo tác. Giả sử chẳng có tạo tác, cũng không hành, do thân, miệng, ý. Đó chính là tạo tác.

Giả sử chẳng có tạo tác, cũng không vận hành, do thân, miệng, ý không tạo nghiệp nên không tạo tác.

Này Đại Vương! Vậy nên tất các các pháp đều không có tướng. Không vận hành ấy đã không thật có thì chính là tướng đó.

Nhà Vua lại hỏi Bồ Tát Nhu Thủ: Sao gọi là vận hành mà không vận hành, chẳng có tạo tác cũng không chẳng tạo tác, chẳng tăng, chẳng giảm?

Bồ Tát Nhu Thủ đáp: Giả sử chẳng nghĩ đến quá khứ đã qua, chẳng nghĩ đến tương lai chưa tới, chẳng nghĩ đến hiện tại mà không khởi lên, chẳng tưởng thường còn hay vô thường. Đó là hành cũng không chẳng hành, điều này có thể bình đẳng với sắc, đối với các nhân duyên mà làm các duyên chẳng tăng chẳng giảm.

Nhà Vua lại hỏi Bồ Tát Nhu Thủ: Các dục của trần lao chính là đạo ư?

Thế nào là cùng hòa hợp?

Bồ Tát Nhu Thủ đáp: Ý Nhà Vua thế nào?

Ánh sáng Mặt Trời cùng với bóng tối hòa hợp ư?

Nhà Vua đáp: Chẳng được vậy. Ánh sáng Mặt Trời vừa xuất hiện thì bóng tối bị tiêu diệt.

Bồ Tát Nhu Thủ nói: Nhà Vua có biết bóng tối đi về đâu không?

Ở phương nào?

Tích tụ ở đâu không?

Nhà Vua đáp rằng: Chẳng biết được.

Bồ Tát Nhu Thủ nói: Như vậy, nếu Đại Vương phát khởi đạo tuệ thì phiền não bị tiêu diệt mà chẳng biết chỗ tụ họp lại của phiền não cũng không có xứ sở, không có phương hướng.

Vậy nên, Bệ Hạ phải biết rằng: Đạo cùng phiền não chẳng hòa hợp, lại bình đẳng với phiền não thì gọi là đạo, bình đẳng với đạo thì phiền não cũng bình đẳng. Phiền não cùng với đạo bình đẳng không sai khác. Tất cả các pháp cũng lại bình đẳng. Giả sử phân biệt như sự bàn bạc ấy thì phiền não là đạo.

Vì sao?

Vì có nhiều phiền não nên phải thị hiện có đạo vậy. Phiền não vô hình, không thể nắm bắt. Cầu phiền não chính là cầu đạo vậy.

Nhà Vua lại hỏi: Sao lại gọi là cầu phiền não mà là cầu đạo ư?

Ngài Nhu Thủ nói rằng: Giả sử có mong cầu chẳng vượt khỏi tâm người cũng chẳng nghĩ rằng đó là phiền não thì đó là tà đạo vậy. Vì thế nên phiền não là đạo. Phiền não ấy cũng nhập vào đạo.

Nhà Vua lại hỏi: Sao gọi là phiền não mà nhập vào với đạo?

Sao gọi là hành?

Bồ Tát Nhu Thủ nói: Đối với tất cả pháp mà không vận hành thì mới là hành đạo.

Đối với tất cả pháp cũng không chẳng hành thì đó hành đạo.

Nhà Vua lại hỏi: Hành đạo như thế thì đi về đâu?

Bồ Tát Nhu Thủ đáp: Hành như vậy là không chỗ hướng đến.

Nhà Vua lại hỏi: Đạo lẽ nào chẳng phải đến Nê Hoàn ư?

Bồ Tát Nhu Thủ hỏi: Có phải các pháp đến diệt độ không?

Nhà Vua đáp: Chẳng phải vậy.

Bồ Tát Nhu Thủ nói: Thưa Đại Vương! Như vật đạt đến không có chỗ đến là đạo của Thánh Hiền.

Nhà Vua lại hỏi: Hiền Thánh ấy ở đâu?

Bồ Tát Nhu Thủ nói: Đạo Hiền Thánh ấy thì không chỗ trụ.

Nhà Vua lại hỏi: Đạo Hiền Thánh ấy chẳng thực hành cấm giới, học rộng hiểu nhiều, định, tuệ ư?

Bồ Tát Nhu Thủ đáp: Cấm giới của Hiền Thánh là không có hành tướng, không có tướng buông lung, là định ý Bậc Thánh. Tướng không chấp trước là định ý Bậc Thánh, tướng không chỗ niệm là trí tuệ Thánh.

Ý Vua thế nào?

Vì không có chỗ sở hành ấy không có buông lung lại có nơi chốn ư?

Nhà Vua đáp: Chẳng phải vậy.

Bồ Tát Nhu Thủ nói: Vì thế Nhà Vua nên biết, không chỗ trụ thì chính là đạo Hiền thánh.

Nhà Vua lại hỏi: Thiện Nam, Thiện Nữ, sao gọi là hướng đạo?

Bồ Tát Nhu Thủ nói: Giả sử đã chẳng cầu thì chẳng nhìn thấy pháp thường, vô thường, cũng không sở đắc, chẳng chấp các pháp có tịnh không tịnh, có rỗng không, không rỗng không, hoặc ngã, hoặc vô ngã, hoặc khổ, hoặc vui. Đối với các pháp cũng không thể nắm bắt, chẳng thấy các pháp ở đầu tiên hay cuối cùng, ai muốn diệt độ thì thực hành như thế, là hướng về với đạo.

Vua A Xà Thế bạch với Bồ Tát Nhu Thủ: Do vậy, xin Bồ Tát hãy nhận lời mời của tôi. Nhân đây khiến cho tôi lìa khỏi các điên đảo, khiến được giải thoát phân biệt tịnh hạnh. Xin hãy cùng các quyến thuộc cùng về cung để thọ thực.

Bồ Tát Nhu Thủ nói: Như vừa rồi đã nói, tất cả đều không thật có, không có sinh ra, không có lành thay với chẳng lành thay. Vô sở hữu kia không có giải thoát thì giải thoát ấy vô sở hữu, cũng không giải thoát.

Cũng không giải thoát là vì sao?

Vì tất cả các pháp đều tự nhiên thanh tịnh.

Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo Bồ Tát Nhu Thủ: Ông nên nhận lời mời của Vua A Xà Thế. Nhờ duyên này khiến cho vô số người thành tựu được lợi ích đạt đến sự yên ổn.

Bồ Tát Nhu Thủ được Đức Thế Tôn khuyên, liền nói: Thưa vâng, con sẽ nhận lời mời ấy. Con chẳng dám trái lời dạy của Như Lai.

Vua A Xà Thế rất vui mừng được nhận lời mời rồi, Vua phát sinh tâm thiện, cúi đầu dưới chân Đức Phật và Bồ Tát Nhu Thủ. Tất cả Thánh Chúng đều lui ra.

Nhà Vua hỏi Tôn Giả Xá Lợi Phất: Thưa Tôn Giả Xá Lợi Phất! Quyến thuộc của Bồ Tát Nhu Thủ có bao nhiêu vị?

Tôn Giả Xá Lợi Phất đáp: Sẽ có năm trăm người cùng đến.

Nhà Vua vào thành, trở về cung. Ngay đêm ấy, Vua cho dọn ra hàng trăm món thức ăn, bày ra năm trăm tòa ngồi trải nhiều tọa cụ lên trên, rồi cho treo lụa năm màu, phướn, lọng để trang hoàng cung điện, cho đốt các loại hương thơm, tung các loại hoa và ở các đường phố, ngã tư trong ngoài thành đều được quét dọn sạch sẽ, rảy nước thơm cả. Vua ra lệnh cho dân chúng trai gái, lớn nhỏ trang sức đẹp đẽ, mang theo hương hoa để cùng nghênh đón Bồ Tát Nhu Thủ.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần