Phật Thuyết Kinh Vị Tằng Hữu
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Chi Khiêm, Đời Ngô
PHẬT THUYẾT
KINH VỊ TẰNG HỮU
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Bạch Pháp Tổ, Đời Tây Tấn
Đúng thật như thế, chính tôi được nghe!
Một thời, Đức Phật cùng một nghìn hai trăm năm mươi vị đại Tỳ Kheo đồng trú tại núi Kì Xà Quật, thuộc thành Vương Xá. Bấy giờ, vào lúc sáng sớm, thầy A Nan đắp y, ôm bát, vào thành Vương Xá chính niệm khất thực.
Trên đường đi, thấy căn nhà lớn mới xây, lầu gác cao vút, cửa sổ chạm trổ rất đẹp, vách tường thẳng ngay, gió và bụi không thể vào, lại ngăn cách được cả thời tiết nóng lạnh.
Thầy liền suy nghĩ: Như có thiện nam, thiện nữ xây nhà đẹp lộng lẫy như vậy để cúng dường Chúng Tăng bốn phương.
Lại sau khi Như Lai vào Bát Niết Bàn, có thiện nam, thiện nữ phát tâm xây Tháp dù chỉ bằng quả Am Ma Lặc, trụ như cây kim, lộ bàn như lá táo để tôn thờ Xá Lợi bằng hạt cải, hoặc tạo Tượng Phật nhỏ như hạt lúa mạch, thì hai công đức ấy, công đức nào nhiều hơn?
Khất thực xong, Tôn Giả A Nan về trụ xứ thụ trai.
Sau khi thụ trai, cất y bát, rửa tay chân, Tôn Giả đến chỗ Phật, nhất tâm cung kính cúi đầu đảnh lễ, ngồi sang một bên và thưa: Bạch Thế Tôn! Lúc sáng sớm, con đắp y, ôm bát vào thành Vương Xá khất thực, thấy một căn nhà lớn mới xây với lầu gác cao vút, cửa sổ chạm trổ rất đẹp, vách tường thẳng ngay, gió và bụi không thể vào, ngăn cách được cả thời tiết nóng lạnh, liền suy nghĩ:
Thiện Nam, Thiện Nữ nào có thể xây nhà đẹp như vậy để cúng dường Chúng Tăng bốn phương, lại sau khi Như Lai vào Bát Niết Bàn, có thiện nam, thiện nữ phát tâm xây Tháp chỉ bằng quả Am Ma Lặc, cột như cây kim, lộ bàn như lá táo để tôn thờ Xá Lợi bằng hạt cải, hoặc tạo Tượng Phật nhỏ như hạt lúa mạch, thì hai công đức ấy, công đức nào nhiều hơn?
Đức Phật bảo A Nan: Hay thay! A Nan, thầy vì mọi người, vì giúp chúng sinh an lạc, vì thường xót thế gian, vì đại chúng và vì lợi ích cho trời người nên hỏi Như Lai về ý nghĩa ấy.
A Nan! Hãy lắng nghe và suy nghĩ kĩ lời ta!
Cõi Diêm Phù Đề có chu vi bảy nghìn do diên, phía bắc rộng, phía nam hẹp. Người trong cõi này có khuôn mặt giống như hình cõi đó. Trên mặt đất mọc đầy dẫy lúa, mè, rừng mía, tre, lau rậm rạp, hoàn toàn không chỗ trống, giống như một thể.
Này A Nan! Giống như các loài thảo mộc ấy đều làm người, tu tập được quả Tu Đà Hoàn, Tư Đà Hàm, A Na Hàm, A La Hán, Bích Chi Phật.
Bấy giờ có người suốt đời cúng dường y, bát, đồ ăn, thức uống, giường nằm, thuốc men, nhà ở, đầy đủ các thứ cần dùng cho các vị ấy, cho đến khi các vị ấy diệt độ, lại xây Tháp cho mỗi vị, cung kính cúng dường hương hoa, âm nhạc, hương đốt, hương thoa, hương trầm, tràng phan, bảo cái.
Như vậy, ý thầy thế nào?
Công đức cúng dường ấy có nhiều không?
Thầy A Nan thưa: Bạch Thế Tôn, rất nhiều! Thiện Nam, Thiện Nữ ấy được công đức vô cùng lớn.
Đức Phật lại bảo A Nan: Thôi, không nói đến cõi Diêm Phù Đề nữa mà hãy nói đến cõi Cù Da Ni. Cõi này chu vi tám nghìn do diên, người cõi này có khuôn mặt như hình bán nguyệt, cũng tạo công đức lớn như vậy. Không nói đến cõi Cù Da Ni nữa mà hãy nói đến cõi Phất Vu Đãi. Cõi này chu vi chín nghìn do diên, người cõi này có khuôn mặt tròn đầy, cũng làm công đức lớn như vậy.
Không nói đến cõi Phất vu đãi nữa mà hãy nói đến cõi Uất Đơn Việt. Cõi này chu vi một vạn do diên, người cõi này có khuôn mặt vuông, cũng làm công đức lớn như vậy.
Này A Nan! Cung điện của Thích đề hoàn nhân rất trang nghiêm, chạm trổ hoa văn vô cùng tinh xảo, có tám vạn bốn nghìn trụ báu, dùng lưu ly xanh đan xen với dây vàng ròng làm lưới giăng phía trên, vàng cát trải trên đất, gỗ Chiên Đàn quí hiếm làm lan can.
Cung điện trang nghiêm này lại có tám vạn bốn nghìn cửa sổ báu, cũng dùng lưu ly xanh đan xen với dây vàng ròng làm lưới giăng phía trên, vàng cát trải trên đất, gỗ Chiên Đàn quí hiếm làm lan can. Lại có tám vạn bốn nghìn cửa sổ báu màu xanh biếc, lộng lẫy vi diệu tô điểm như trên.
Cung Điện trang nghiêm này lại có tám vạn bốn nghìn lầu gác rộng lớn bao quanh, cũng có các báu trang hoàng cũng như trên.
A Nan, nếu có thiện nam, thiện nữ xây dựng Cung Điện trang nghiêm như Trời Đế Thích, cúng dường Chúng Tăng bốn phương, thì ý thầy thế nào?
Nhờ nhân duyên này, người thiện nam, thiện nữ đó được công đức nhiều không?
Thầy A Nan thưa: Bạch Thế Tôn, rất nhiều! Thiện nam, thiện nữ đó được công đức rất lớn.
Đức Phật lại bảo A Nan: Không nói về công đức của bốn cõi này, cũng không nói đến công đức xây điện lớn trang nghiêm của Thích Đề Hoàn Nhân mà nói có thiện nam, thiện nữ xây dựng trăm nghìn ức cung điện lớn trang nghiêm như cung điện Thích Đề Hoàn Nhân, cúng dường Chúng Tăng bốn phương.
Lại có thiện nam, thiện nữ, sau khi Phật vào Bát Niết Bàn, tạo Tháp nhỏ như quả Am Ma Lặc, cột Tháp như cây kim, lộ bàn ở trên như lá táo để tôn thờ Xá Lợi nhỏ như hạt cải, hoặc tạo hình Tượng Phật nhỏ như hạt lúa mạch, thì công đức này gấp trăm, nghìn, vạn, trăm nghìn vạn ức công đức kia và công đức này không thể lường tính được.
A Nan nên biết, Như Lai có vô lượng công đức, đó là công đức của năm phần giới, định, trí tuệ, giải thoát, giải thoát tri kiến, công đức đại thần thông biến hóa, bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tiến, thiền định, trí tuệ Ba la mật.
Đức Phật lại bảo A Nan: Thầy nên hết lòng thụ trì Kinh này.
Thầy A Nan thưa: Con kính vâng lời!
Bạch Thế Tôn, Kinh này đặt tên là gì?
Chúng con phải thụ trì như thế nào?
Đức Phật dạy: Kinh này tên là Vị Tằng Hữu, là nhất thiết thanh tịnh diệu pháp phương tiện. Vì thế, Như Lai tha thiết dặn dò thầy luôn luôn lưu truyền Kinh này rộng khắp, phân biệt giảng nói cho Trời, Người, Tu La, Rồng, Dạ Xoa, Càn Thát Ba, Ca Lầu La, Khẩn Na La, Ma Hầu La Già.
Ông cũng nên tạo chủng tử thiện căn công đức của Như Lai để chúng sinh thế gian nào nghe được Kinh này, thì được vào thiện căn công đức của Như Lai, rồi nhờ đó mà lìa được các phiền não và cuối cùng đều được thành Phật.
Nghe xong, các thầy Tỳ Kheo vui mừng kính lễ: Dược Vương Phật, Dược Vương Bồ Tát, Dược Thượng Bồ Tát, Tối Thượng Thiên Vương Phật!
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba