Phật Thuyết Kinh Văn Thù Sư Lợi Sở Thuyết Bát Nhã Ba La Mật - Phần Một
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Tăng Già Bà La, Đời Lương
PHẬT THUYẾT KINH
VĂN THÙ SƯ LỢI SỞ THUYẾT
BÁT NHÃ BA LA MẬT
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Tăng Già Bà La, Đời Lương
PHẦN MỘT
Tôi nghe như vậy!
Một thuở nọ, tại vườn Kỳ Đà Cấp Cô Độc, thuộc nước Xá Vệ.
Đức Phật cùng một vạn Đại Tỳ Kheo và mười vạn Đại Bồ Tát, đều đã ở địa vị không thoái chuyển. Từ lâu các vị này đã từng cúng dường vô lượng Chư Phật, trồng sâu các căn lành với Chư Phật, thành tựu chúng sinh, làm thanh tịnh Cõi Phật.
Các vị đã chứng Đàla ni, đã được nhạo thuyết biện tài, thành tựu trí tuệ và đầy đủ các công đức, dùng thần thông tự tại, du hóa các Thế Giới của Chư Phật, phóng vô lượng ánh sáng, nói vô tận diệu pháp, giáo hóa các Bồ Tát nhập vào nhất tướng môn, đắc được vô sở úy, khéo hàng phục quân ma.
Giáo hóa, độ thoát cho những kẻ ngoại đạo, tà kiến. Nếu có chúng sinh ưa thích Thanh Văn, thì nói Thanh Văn thừa. Thích Duyên Giác, thì nói Duyên Giác thừa. Thích thế gian, thì nói thế gian thừa.
Dùng bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí tuệ để thu phục chúng sinh. Người chưa được độ thì độ cho họ. Người chưa giải thoát thì làm cho giải thoát. Người chưa an, thì được an. Người chưa đạt Niết Bàn thì khiến được chứng Niết Bàn. Việc làm cuối cùng của Bồ Tát là khéo nhập vào pháp tạng của Chư Phật. Các vị ấy đầy đủ tất cả công đức.
Tên của các vị Bồ Tát là: Văn Thù Sư Lợi Pháp Vương Tử, Di Lặc, Phổ Quang Minh, Bất Xả Dũng Mãnh Tinh Tấn, Dược Vương, Bảo Chưởng, Bảo Ấn, Nguyệt Quang, Nhật Tịnh, Đại Lực, Vô Lượng Lực, Đắc Cần Tinh Tấn, Lực Tràng Tướng, Pháp Tướng, Tự Tại Vương… cả mười vạn Bồ Tát như vậy. Ngoài ra còn có Trời, Rồng, Quỷ, Thần… tất cả đại chúng, đều đến hội họp.
Bấy giờ vào nửa đêm, Như Lai phóng đại quang minh xanh, vàng, đỏ, trắng pha lẫn với màu pha lê, chiếu khắp vô lượng Thế Giới trong mười phương. Tất cả chúng sinh gặp phải ánh sáng này, đều ngồi dậy chiêm ngưỡng và chứng được pháp hỷ.
Có những chúng sinh còn nghi ngờ: Ánh sáng này từ đâu mà chiếu khắp cả Thế Giới, khiến cho chúng sinh được vui an ổn?
Họ nghĩ vậy, rồi lại thấy cứ mỗi mỗi ánh sáng lại xuất ra ánh sáng lớn, chiếu sáng rỡ thù thắng, vượt hơn ánh sáng trước. Cứ như vậy, lần lượt cho đến mười lớp. Tất cả Bồ Tát, Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di, Trời, Rồng, Dạ Xoa, Càn Thát Bà, A Tu La, Ca Lầu La, Khẩn Na La, Ma Hầu La Già, người và chẳng phải người… đều vui mừng hớn hở chưa từng có.
Tất cả đều suy nghĩ: Chắc chắn là Như Lai đã phóng ánh sáng này. Chúng ta hãy mau đến lễ lạy, cung kính, gần gũi Đức Như Lai.
Khi đó, Văn Thù Sư Lợi và các Đại Bồ Tát đã gặp ánh sáng này, đều vui mừng cả thân tâm và cùng nhau đến cửa Kỳ Hoàn. Bấy giờ Xá Lợi Phất, Đại Mục Kiền Liên, Phú lâu na Di đa la ni Tử, Ma Ha Ca Diếp, Ma Ha Ca Chiên Diên.
Ma Ha Câu hy la cũng đều đến cửa Kỳ Hoàn. Trời Đế Thích, Tứ Thiên vương cho đến Cõi Trời A Ca Ni Sất, Trời Cứu Cánh thấy ánh sáng đó cũng vui mừng chưa từng có. Chư tiên cùng quyến thuộc tung hoa Trời, hương Trời, nhạc Trời, áo báu Trời… tất cả đều được đưa đến cửa Kỳ Hoàn. Còn các Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di, Trời, Rồng, tám bộ chúng gặp ánh sáng cũng đều hoan hỷ, kéo đến cửa Kỳ Hoàn.
Khi ấy, Thế Tôn Nhất thiết chủng trí biết Chư Thiên đại chúng đều đã ở ngoài cửa liền đứng dậy ra ngoài cửa trải tòa, ngồi kiết già và bảo Xá Lợi Phất: Mới sáng sớm ông đã đến đứng ngoài cửa ư?
Xá Lợi Phất bạch Phật: Bạch Đức Thế Tôn! Đến đây trước tiên là Văn Thù Sư Lợi và các Đại Bồ Tát.
Đức Thế Tôn nói với Văn Thù Sư Lợi: Sáng nay ông đã đến đây trước tiên ư?
Văn Thù Sư Lợi bạch Phật: Đúng như vậy, thưa Thế Tôn! Vào nửa đêm, con thấy ánh sáng lớn chiếu sáng rỡ mười lớp, con vui mừng hớn hở vô cùng vì chưa từng được gặp. Cho nên con đến lễ bái, gần gũi Như Lai và muốn nghe diệu pháp cam lồ.
Thế Tôn dạy Văn Thù Sư Lợi: Nay ông đã thật thấy Như Lai ư?
Văn Thù Sư Lợi thưa: Bạch Thế Tôn! Pháp Thân của Như Lai vốn không thể thấy. Con vì chúng sinh nên đến đây gặp Phật. Pháp Thân Phật là chẳng thể nghĩ bàn.
Không tướng, không hình, không đến, không đi, chẳng có, chẳng không, chẳng thấy, chẳng phải không thấy, như như thật tế, không đi không đến, chẳng phải không, chẳng phải có, chẳng phải xứ, chẳng phải phi xứ, chẳng phải một, chẳng phải hai, chẳng tịnh, chẳng cấu, không sinh, không diệt. Con thấy Như Lai cũng lại như vậy.
Đức Phật bảo Văn Thù Sư Lợi: Ông thấy Như Lai như vậy ư?
Văn Thù thưa: Bạch Thế Tôn! Con thật không thấy, cũng không có tướng thấy.
Bấy giờ Xá Lợi Phất hỏi Văn Thù Sư Lợi: Tôi không hiểu những lời của ông vừa nói.
Vậy thế nào là thấy Như Lai?
Văn Thù trả lời Xá Lợi Phất: Này Đại Đức! Tôi không thấy Như Lai như vậy.
Xá Lợi Phất nói với Văn Thù Sư Lợi: Ông nói như vậy tôi càng không hiểu.
Văn Thù trả lời Xá Lợi Phất: Không thể hiểu tức là bát nhã Ba la mật.
Bát Nhã Ba la mật: không thể hiểu, không thể không hiểu.
Xá Lợi Phất hỏi Văn Thù: Ông có lòng từ bi với chúng sinh không?
Ông có vì chúng sinh mà hành sáu pháp Ba la mật không?
Lại có vì chúng sinh mà nhập Niết Bàn không?
Văn Thù trả lời: Theo như Tôn Giả nói, tôi vì chúng sinh mà khởi tâm Từ bi, vì họ mà hành sáu pháp Ba la mật, mà nhập Niết Bàn. Nhưng chúng sinh thì thật không thể đắc, không tướng, không hình, không tăng, không giảm.
Xá Lợi Phất! Tôn Giả phải nghĩ rằng: Mỗi mỗi Thế Giới có hằng hà sa Chư Phật, ở đời hằng hà sa kiếp, nói nhiều pháp, giáo hóa độ thoát hằng hà sa chúng sinh, mỗi mỗi chúng sinh đều được diệt độ.
Ông có nghĩ như vậy không?
Xá Lợi Phất nói: Tôi luôn nghĩ như vậy.
Văn Thù trả lời Xá Lợi Phất: Giống như hư không vô số, thì chúng sinh cũng vô số. Hư không không thể độ, thì chúng sinh cũng không thể độ.
Vì sao?
Vì tất cả chúng sinh bằng với hư không, thì làm sao Chư Phật giáo hóa chúng sinh?
Xá Lợi Phất nói: Nếu tất cả chúng sinh bằng với hư không, thì làm sao ông vì chúng sinh thuyết pháp để khiến họ được giác ngộ?
Văn Thù trả lời: Bồ đề thật không thể đắc.
Tôi phải nói pháp gì để chúng sinh đắc ư?
Vì sao?
Này Xá Lợi Phất! Bồ đề với chúng sinh không một, không hai, không khác, vô vi, vô danh, vô tướng, thật vô sở hữu.
Bấy giờ Thế Tôn phóng ánh sáng lớn, ở trên nhục kế, rất đặc biệt, hiếm có, không thể diễn tả, nhập vào đảnh của Văn Thù Sư Lợi.
Rồi từ đảnh Văn Thù phát ra, chiếu khắp đại chúng. Sau đó, chiếu đến khắp tất cả mười phương Thế Giới. Lúc ấy, đại chúng gặp ánh sáng này, thân tâm vui mừng như chưa từng có, đồng loạt đứng dậy chiêm ngưỡng Đức Thế Tôn và Văn Thù Sư Lợi.
Họ nghĩ như vậy: Hôm nay, Như Lai phóng ánh sáng vi diệu, kỳ lạ này, vào đảnh Văn Thù, rồi từ đảnh Văn Thù phát ra, chiếu khắp đại chúng, rồi tới khắp cả mười phương. Đây không phải không có nhân duyên. Chắc chắn Thế Tôn sẽ nói diệu pháp. Chúng ta nên cần tu tinh tấn, vui vẻ thực hành đúng như giáo pháp.
Nghĩ vậy xong, họ bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Hôm nay Như Lai phóng ánh sáng này, không phải không có nhân duyên, chắc chắn Ngài sắp nói diệu pháp. Chúng con khao khát ưa thích được nghe, để tu hành.
Thưa như vậy xong, họ im lặng lui ra.
Văn Thù Sư Lợi bạch Phật: Bạch Đức Thế Tôn! Ngài phóng ánh sáng tăng thêm thần lực cho con, ánh sáng này hy hữu, chẳng phải sắc, chẳng phải tướng, không đi, không đến, không động, không tỉnh, chẳng phải thấy, chẳng phải nghe, chẳng hiểu, chẳng biết.
Tất cả chúng sinh không thể quán sát thấy được. Không vui, không sợ. Không có chỗ để phân biệt. Con sẽ nương theo Thánh chỉ của Phật mà nói ánh sáng này, để chúng sinh nhập vào vô tướng tuệ.
Đức Phật dạy Văn Thù: Lành thay, lành thay, ông nói rất hay! Ta sẽ giúp đỡ ông.
Văn Thù thưa: Bạch Thế Tôn! Ánh sáng này là bát nhã Ba la mật. Bát nhã Ba la mật là Như Lai. Như Lai là tất cả chúng sinh.
Bạch Thế Tôn! Như vậy con sẽ tu bát nhã Ba la mật.
Đức Phật nói với Văn Thù: Này Thiện Nam! Ông nói bát nhã Ba la mật thâm sâu như vậy.
Nay ta hỏi ông, nếu có người hỏi ông: Có bao nhiêu cảnh giới chúng sinh?
Thì ông trả lời thế nào?
Văn Thù thưa: Bạch Thế Tôn!
Nếu ai hỏi con như vậy thì con sẽ trả lời rằng: Số cảnh giới của chúng sinh bằng cảnh giới của Như Lai.
Đức Phật hỏi: Nếu có người hỏi ông: Cảnh giới của chúng sinh rộng hẹp ra sao?
Thì ông trả lời như thế nào?
Văn Thù thưa: Bạch Thế Tôn!
Nếu có người hỏi như vậy, con sẽ trả lời: Rộng hẹp như cảnh giới của Phật.
Đức Phật hỏi Văn Thù:
Lại có người hỏi ông: Cảnh giới của chúng sinh trói buộc ở chỗ nào?
Thì ông trả lời sao?
Văn Thù thưa: Bạch Thế Tôn!
Con sẽ trả lời rằng: Giống như của Như Lai vậy.
Đức Phật hỏi: Này Văn Thù Sư Lợi, nếu có người hỏi ông: Cảnh giới của chúng sinh trụ nơi nào?
Ông sẽ trả lời ra sao?
Văn Thù thưa: Bạch Thế Tôn!
Con sẽ nói như vậy: Trụ vào cảnh giới Niết Bàn.
Đức Phật dạy Văn Thù: Ông tu bát nhã Ba la mật như vậy.
Vậy bát nhã Ba la mật có chỗ trụ không?
Văn Thù thưa: Bạch Thế Tôn! Bát nhã Ba la mật không có chỗ trụ.
Đức Phật dạy: Nếu bát nhã Ba la mật không có chỗ trụ thì ông học thế nào?
Tu thế nào?
Văn Thù thưa: Bạch Thế Tôn! Nếu bát nhã Ba la mật có chỗ trụ, thì con không có tu, không có học.
Đức Phật dạy: Khi ông tu bát nhã Ba la mật, căn lành có tăng giảm không?
Văn Thù thưa: Bạch Thế Tôn! Không có căn lành, làm gì có tăng, có giảm. Nếu có tăng, giảm thì chẳng phải tu bát nhã Ba la mật.
Bạch Thế Tôn! Không vì pháp tăng, không vì pháp giảm, đó là tu bát nhã Ba la mật. Không đoạn pháp phàm phu, không ôm giữ pháp Như Lai, đó là tu bát nhã Ba la mật.
Vì sao?
Bạch Thế Tôn! Vì bát nhã Ba la mật không vì đắc pháp nên tu. Không vì không đắc pháp nên tu. Không vì tu pháp nên tu. Không vì không tu pháp nên tu.
Bạch Thế Tôn! Không đắc, không xả, đó là tu bát nhã Ba la mật.
Vì sao?
Không vì hoạn nạn của sinh tử, không vì công đức Niết Bàn. Nếu tu bát nhã Ba la mật như vậy. Thì không thủ, không thọ, không xả, không buông, không tăng, không giảm, không khởi, không diệt.
Bạch Thế Tôn! Nếu có thiện nam, thiện nữ nào, nghĩ như vậy: Pháp này thượng, pháp này trung, pháp này hạ. Thì không phải tu bát nhã Ba la mật.
Vì sao?
Vì pháp không có thượng, trung, hạ.
Bạch Thế Tôn! Con tu bát nhã Ba la mật như vậy.
Đức Phật dạy: Tất cả pháp của Phật không có tăng thượng ư?
Văn Thù thưa: Bạch Thế Tôn! Pháp của Phật, pháp của Bồ Tát, pháp Thanh Văn, pháp Duyên Giác cho đến pháp phàm phu đều không thể đắc.
Vì sao?
Vì cứu cánh không. Trong cứu cánh không. Không có pháp Phật, pháp phàm phu. Trong pháp phàm phu không có cứu cánh không.
Vì sao?
Vì không và chẳng phải không thì không thể nắm bắt được.
Đức Phật dạy Văn Thù: Pháp Phật có vô thượng không?
Văn Thù thưa: Bạch Thế Tôn! Không có một pháp nhỏ như vi trần nào, gọi là vô thượng.
Vì sao?
Bố thí Ba la mật là không bố thí Ba la mật. Cho đến bát nhã Ba la mật cũng là không bát nhã Ba la mật. Mười Lực là không mười lực. Pháp bốn vô sở úy, mười tám pháp bất cộng, cho đến nhất thiết trí là không nhất thiết trí. Trong cái không đó, không có pháp nào là vô thượng cả. Trong vô thượng, không có không. Không và chẳng phải không rốt ráo là không thể nắm bắt được.
Bạch Thế Tôn! Pháp chẳng thể nghĩ bàn là bát nhã Ba la mật.
Đức Phật dạy: Ông không tư duy pháp Phật ư?
Văn Thù thưa: Bạch Thế Tôn! Nếu con tư duy pháp Phật, thì con thấy pháp Phật vô thượng.
Vì sao?
Vì không có sinh tử.
Bạch Thế Tôn! Năm ấm, mười hai nhập, mười tám giới, rốt ráo là không thể nắm bắt được. Tất cả pháp Phật cũng không thể nắm bắt được, vì trong cái không thể nắm bắt được không có cái có thể nắm bắt được hay cái không thể nắm bắt.
Bạch Thế Tôn! Trong bát nhã Ba la mật, từ phàm phu cho đến Phật không phải pháp và không nào chẳng phải pháp.
Con sẽ tư duy gì đây?
Đức Phật dạy: Này thiện nam! Nếu không tư duy thì ông không nên nói: Đây là pháp phàm phu, đây là pháp Duyên Giác.
Cho đến không nên nói: Đây là pháp Phật.
Vì sao?
Vì không thể nắm bắt được.
Bạch Thế Tôn! Con thật không nói pháp phàm phu cho đến pháp Phật.
Vì sao?
Vì không tu bát nhã Ba la mật.
Đức Phật dạy:Này thiện nam!
Ông cũng không nên nghĩ như vậy: Đây là Dục Giới, đây là Sắc Giới, đây là Vô Sắc Giới.
Vì sao?
Vì không thể nắm bắt được.
Văn Thù thưa: Bạch Thế Tôn! Dục Giới, tánh Dục Giới là không cho đến Vô Sắc Giới, tánh Vô Sắc Giới không. Trong cái không đó không nói được, con cũng không nói được.
Bạch Thế Tôn! Tu bát nhã Ba la mật, không thấy trên, không thấy không có trên.
Vì sao?
Bạch Thế Tôn! Vì tu bát nhã Ba la mật, không ôm giữ pháp Phật, không bỏ pháp phàm phu.
Vì sao?
Vì trong cái không rốt ráo không có ôm giữ, cũng không bỏ.
Đức Phật dạy Văn Thù: Lành thay, lành thay! Ông có thể nói bát nhã Ba la mật như vậy, thì đây là dấu ấn của Đại Bồ Tát.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba