Phật Thuyết Kinh Văn Thù Sư Lợi Tịnh Luật - Phẩm Ba - Phẩm Giải Luật

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn

PHẬT THUYẾT KINH

VĂN THÙ SƯ LỢI TỊNH LUẬT

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn  

PHẨM BA

PHẨM GIẢI LUẬT  

Thiên Tử Tịch Thuận Luật Âm lại hỏi Đại Sĩ Văn Thù Sư Lợi: Thế nào gọi là luật của Thanh Văn?

Thế nào gọi là luật của Bồ Tát?

Đại Sĩ Văn Thù đáp: Người lãnh thọ giáo pháp nhưng lại sợ khó khăn, nhàm chán hoạn nạn khổ đau trong ba cõi. Đó là luật của Thanh Văn.

Hộ trì trọn vẹn nơi vô lượng sinh tử, đem lại an lành cho tất cả chúng sinh và muôn loài vật khác, mở lối chỉ đường trong ba cõi, quyết phá tan những lưới nghi ngờ nhưng vướng mắc vào vọng tưởng của chúng sinh. Đó là luật của Bồ Tát.

Chán ghét sự tích đức, do đó bỏ bê, dễ dãi không chịu cầu tiến. Đó là luật của Thanh Văn.

Tích cực thực hành các công đức không biết chán đủ, vì sự lợi ích cho chúng sinh mà cứu giúp họ. Đó là luật của Bồ Tát.

Diệt trừ tất cả tham dục, phiền não mà chính họ đã chán ghét. Đó là luật của Thanh Văn.

Khắc phục sự vướng mắc vào tham ái, phiền não của tất cả chúng sinh. Đó là luật của Bồ Tát.

Không thấy chỗ của tâm nhớ nghĩ và hành động nơi các Cõi Trời nên chí nguyện không đồng. Đó là luật của Thanh Văn.

Tự thấy cõi nước Phật trong tam thiên đại thiên Thế Giới là gốc rễ để cho tâm quay về. Đó là luật của Bồ Tát.

Chỉ có thể soát xét hành vi của tâm mình, đó là luật của Thanh Văn.

Thấy khắp cùng tâm niệm của chúng sinh có trong mười phương Chư Phật. Đó là luật của Bồ Tát.

Chỉ chiếu rọi và hướng về chí tánh của chính mình. Đó là luật của Thanh Văn.

Chiếu sáng tâm niệm, hành vi của tất cả chúng sinh, cho đến loài côn trùng nhỏ nhít. Suy nghĩ chỗ ở của ba cõi đều có ngọn ngành.

Đó là luật của Bồ Tát.

Khó mà thâu giữ tất cả chúng ma. Đó là luật của Thanh Văn.

Giáo hóa, hàng phục các ma và quyến thuộc của chúng trong tam thiên đại thiên Thế Giới. Diệt trừ hành động của các ma và khiến cho chúng có thể thọ trì chánh pháp. Đó là luật của Bồ Tát.

Như các đồ vật bằng gạch đá, nếu bị đập vụn nát thì không thể hàn gắn lại như cũ. Người có chí nhỏ, ít phước đức, chuộng diệt độ như thế, không tiến đến con đường chân chánh. Đó là luat của Thanh Văn.

Giống như đồ vật bằng vàng, tuy là bị phá nát nhưng cuối cùng không bỏ đi, vì nó có thể hợp lại để làm đồ vật quý báu khác. Đại Sĩ hiện ra sự diệt độ của pháp thân trí tuệ sâu xa nhưng vẫn tồn tại, không hư rã, không tăng, không giảm, vẫn tiếp tục hiển hiện nơi ba cõi. Đó là luật của Bồ Tát.

Như lửa lớn, có thể thiêu đốt cây cỏ, núi rừng, nhưng lửa ấy chẳng đốt cháy được loài cầm thú chạy nhanh, trốn mất. Chí nhỏ như vậy, sợ khó khổ nơi ba cõi, nên lẫn trốn nơi Nê Hoàn. Đó là luật của Thanh Văn.

Thích ở chốn sinh tử, một mình đi trong ba cõi, ý không hề khiếp nhược. Tâm vui vẻ ưa thích, có niềm vui nơi đạo pháp, khuyến hóa chung sinh cũng như dạo chơi trong khu vườn đẹp, có hoa trái sum suê, có nhiều chỗ vui vẻ. Đó là luật của Bồ Tát.

Không thể đoạn trừ nạn nối kết các chướng ngại có nơi chốn. Đó là luật của Thanh Văn.

Diệt trừ tất cả tai họa của phiền não để không còn gì cả. Đó là luật của Bồ Tát.

Nói tóm gọn là có giới hạn, tự trói buộc thân để đức có giới hạn, thấy được sự thành tựu giới, định, tuệ, giải thoát, nhưng sự thấy biết không thể thành tựu đạo lớn vô biên. Đó là luật của Thanh Văn.

Sự tiếp nhận sâu xa, chí như hư không, công huân vô lượng. Sự phẩm bình về giới, định, tuệ, giải thoát tri kiến không thể ghi chép hết. Đó là luật của Bồ Tát.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn ca ngợi Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi: Lành thay! Lành thay! Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi đã khéo giảng nói pháp này.

Về luật của các Bồ Tát, này Văn Thù hãy lắng nghe! Ta sẽ dẫn dụ, giải thích trở lại, làm cho nghĩa đó trở về đúng với sự rốt ráo rộng lớn.

Ví như có hai người: Một người ca ngợi nước có ở trong dấu chân bò, một người đứng lên ca ngợi công dụng của nước chứa trong biển lớn.

Ý ông thế nào?

Người ca ngợi nước ở dấu chân bò có thể đúng mãi không?

Bạch Thế Tôn! Nước ở nơi dấu chân bò rất là ít, ít đến nỗi không đủ để ca ngợi.

Này Văn Thù Sư Lợi! Hãy lắng nghe! Luật của Thanh Văn, oai lực của nó cũng lại như thế. Cũng như nước ở dấu chân bò không đủ để ca ngợi.

Còn người đứng lên ca ngợi biển lớn thì như thế nào?

Bạch Đấng Thiên Trung Thiên! Rất nhiều, rất nhiều! Vì biển lớn mênh mông đó không có bờ bến, khó có thể đo lường được mức độ rộng sâu của nó.

Phật nói: Này Văn Thù Sư Lợi! Nên thực hành luật của Bồ Tát như đã thấy. Cũng giống như sông, biển lớn, không thể biết hết hạn lượng.

Khi Đức Phật nêu dạy những lời này, có hai vạn hai ngàn người đạt đến pháp nhẫn vô sinh.

Họ đồng thanh ca ngợi: Đấng Thế Tôn của chúng con! Thế Tôn đã dẫn đường mở lối phát khởi cho vô số chúng sinh. Chúng con sẽ học nơi luật của Bồ Tát ấy.

Thiên Tử Tịch Thuận Luật Âm lại hỏi Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi: Học luật như thế nào?

Là tu theo luật của Thanh Văn, Duyên Giác hay luật của Bồ Tát?

Bồ Tát Văn Thù đáp: Ý của Thiên Tử nghĩ sao?

Biển lớn kia nhận nước nào và bỏ nước nào?

Thưa Nhân Giả! Biển lớn đó không có thứ nước nào mà không nhận.

Đúng thế, này Thiên Tử! Luật của Bồ Tát giống như biển lớn, nhận cả bùn nhơ. Các luật ở mười phương đều quy tụ nơi đây. Thanh Văn, Duyên Giác và tất cả chúng sinh được khai hóa, thực hành luật phổ biến khắp nơi.

Lại hỏi: Thưa Nhân Giả! Những điều Đại Sĩ nói về luật, phải hiểu như thế nào?

Đáp: Những điều ta nói về luật là sự mở bày, chỉ dạy, giáo hóa về phiền não, về tham ái, cho nên gọi là luật. Hiểu rõ nơi tham dục cũng gọi là luật.

Thiên Tử lại hỏi: Thưa Nhân Giả! Sao gọi là mở bày, chỉ dạy về tham ái, về phiền não?

Sao gọi là hiểu rõ nơi tham dục?

Đáp: Những suy tư, tính toán về bản ngã, đối với những gì đã thấy không bỏ điên đảo, không bỏ nguồn gốc ngu si, tăm tối, thực hành hai việc phát triển phiền não, phân biệt như thế, gọi là hiểu rõ tham dục.

Nếu người tu hành, tư tưởng không tham, tùy thuận theo con đường trong sạch, không tính toán mình ta, không ở nơi tà kiến, xả bỏ điên đảo, trừ diệt vô minh, ngu si mê muội, không thực hành hai việc phiền não, không tăng trưởng cũng không tranh loạn. Đã không tranh loạn thì rốt ráo an vui mãi mãi.

Đó gọi là luật mở bày chỉ dạy về phiền não. Như Thiên Tử kia, có thầy ảo thuật sáng suốt, có thể biết rõ các loại độc trùng, ông ta có thể dùng chú thuật trừ bỏ sự độc hại ấy. Người học cũng như vậy. Giả sử có thể phân biệt về gốc ngọn của phiền não là không có căn nguyên, thì có thể tiêu diệt phiền não tham ái.

Thiên Tử lại hỏi: Thưa Nhân Giả! Sao gọi là luật mở bày chỉ dạy về gốc ngọn của phiền não?

Đáp: Đối với các ý tưởng và sự nhớ nghĩ về những gì đã thực hành, từ đầu đến cuối, nếu không có ý tưởng nhớ nghĩ, thì không có tranh tụng nhiều. Đã không tranh tung nhiều thì không có chỗ để vướng mắc.

Đã không có chỗ vướng mắc thì không có chỗ để dựa. Đã không có chỗ để dựa, thì không có chỗ để trụ. Đã không có chỗ để trụ thì không có phiền não. Đã không có phiền não thì thực hiện rốt ráo như pháp đã dạy để được độ thoát. Đấy gọi là luật.

Thiên Tử! Giả sử dùng trí tuệ cao sâu của Bậc Hiền Thánh Để hiểu rõ nguồn gốc của tham ái, phiền não, vốn là hư giả, trống rỗng, không có thực, không có chủ tể thường hằng, cũng không thuộc vào đâu, không từ đâu đến, không từ đâu đi, không có nơi chốn, cũng không có phương hướng, không ở trong, không ở ngoài, cũng không ở hai bên, cũng không tích tụ, không sắc, không tượng, không có hình dáng. Đó là hiểu rõ về nguồn gốc của phiền não, tham ái.

Thiên Tử lại hỏi: Thưa Nhân Giả! Sao gọi là phiền não mà mong được độ thoát?

Nó là thật hay là giả?

Đáp: Giống như có người nằm mộng, thấy bị rắn độc cắn đau không chịu nổi. Người ấy vội tìm thuốc trừ nọc độc, chất độc ấy được giải và hết hẳn đau đớn.

Đối với việc đó Thiên Tử nghĩ thế nào?

Người đó xét lại việc bị rắn độc cắn là việc có thật không?

Thưa, là hư giả, không thể gọi là thật.

Giả sử người đó cho là hư giả, nhưng do đâu bị độc mà mong tìm thuốc trừ độc?

Do mộng và hư giả không thật nên việc bị nọc độc cũng không thật. Do đó muốn trừ chất độc ấy cũng vậy thôi, có đâu mà trừ.

Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi dạy: Các bậc Thanh Văn đều hiểu rõ không, nên mở bày chỉ dạy về tất cả những tham ái, phiền não cũng lại như vậy.

Như Thiên Tử hỏi sao gọi là khai hóa phiền não tham ái?

Nó là thật hay là giả?

Như muốn hiểu rõ nghĩa này, thử xét thân ta, nếu cho là không có thân, thì phiền não, tham ái thật cũng không có cũng lại như vậy. Giả sử thân ta là thật có, thì phiền não, tham ái cũng sẽ tồn tại. Sở dĩ phiền não không thật là phiền não, vì thân ta không thật có thân. Do đó nên không thể mở bày chỉ dạy được phiền não.

Vì sao?

Vì tất cả các pháp đều không sinh, vắng lặng, nên các pháp an nhiên không thể lãnh giữ. Các pháp lặng lẽ tự nhiên không có nẻo quay về. Các pháp đều tận cùng, không tích tụ. Các pháp vô tận nên không có chỗ sinh.

Các pháp không sinh nên không có chỗ thành. Các pháp không thành vì không được tạo ra. Các pháp không được tạo ra vì không có chỗ làm. Các pháp vô vi vì không có ngã. Các pháp vô ngã vì không có chủ tể. Các pháp không có chủ tể thì như hư không.

Các pháp không đến thì không có chỗ vướng mắc. Các pháp không đi từ đó nên không có chỗ trụ. Các pháp không trụ nên không có chỗ thọ lãnh. Các pháp không thọ lãnh nên không có chỗ vướng mắc.

Thế nên, này Thiên Tử! Cuối cùng sự cầu mong giao hóa trở thành pháp luật và cũng không có chỗ để giáo hóa.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần